Tuesday, July 5, 2016

*Thu Muộn!



Tôi từng nghe nói về “Thu muộn”, nhưng tôi đã chưa hề biết thu muộn là gì? Mà chỉ mang máng là mùa Thu đến trễ, thế thôi! Quả vậy, tôi không biết là phải! Vì từ nhỏ tôi được sinh ra và lớn lên ở vùng “đồng khô cỏ cháy” vào mùa nắng, “lầy lội” vào mùa mưa của khu vực miền Đông Nam Bộ thì làm sao mà tôi biết được khí hậu bốn mùa. Học địa lý tôi biết là ở miền Bắc hoặc nhiều lắm là phía bắc miền Trung mới có bốn mùa để họ biết được Xuân, Hạ, Thu, Đông chứ các miền khác làm gì để thấy được bốn mùa. Cho nên các ông thầy dạy về giảng văn luôn bình phẩm những nhà thơ cổ Việt Nam nói về “tuyết” trong các bài thơ của họ. Người Việt Nam mình thường hay bắt chước những cái gì thấy là hay hay, thơ mộng nên mượn nhiều hình ảnh mà ở quê hương mình không có; hay chắc là họ không thoát ra “cái nô lệ tinh thần” sau nhiều năm bị đô hộ, nô lệ về tự do. Dù là độc lập rồi mà không bao giờ nghĩ là mình phải vươn lên để tạo nên sức mạnh kể từ vật chất lẫn tinh thần để không bao giờ bị người ta “bắt nạt” hay “uy hiếp” được mình nữa. Người mình cứ lo an hưởng, vui chơi, thỏa mãn hoặc “không muốn làm” mà lại “hưởng thụ” tạo nên một xã hội đầy trộm cắp, cướp giựt gây rối loạn xã hội kể cả những người làm quan chỉ muốn ăn cắp của công là tiền của của người dân, để rồi đồng loã với kẻ thù mà bán nước, ra thân làm nô lệ. Tinh thần ấy đã có từ ngàn xưa và cho đến bây giờ vẫn chưa từ bỏ và “không hề dũng cảm để đứng lên”!
Tôi cũng từng nghe nói về “gió bấc, mưa phùn”, nhưng lâu lắm tôi mới biết được gió bấc lẫn mưa phùn. Những ngày đi học băng qua cánh đồng lúa hay đồng trống của sân bay vào ngày lạnh thì có hạt mưa hơi kéo dài mà không to, bay bay trong gió làm cho mình thấm lạnh, cái mặt nghe ươn ướt. Cái mưa ấy không làm cho mình rét mướt mà lại thấy hay hay, nên thơ và in hẳn vào trong ký ức của tuổi học trò mà tôi không thể nào quên, và tôi nghĩ các bạn tôi cũng sẽ không quên. Nếu họ quên chẳng qua là họ vô tâm, không để ý đến hình ảnh ấy mà thôi! Ngày xưa có nhiều người đã ra Huế họ kể lại ở Huế có “gió bấc mưa phùn”, vào mùa ấy ở Huế có hơi buồn, có ẩm ướt nhưng mà đẹp lắm! Tôi chỉ tưởng tượng theo họ mà không hình dung ra. Rồi có ngày xem được hình chụp của vài nhiếp ảnh gia và tranh vẽ của họa sĩ tôi mới thoang thoáng được hình ảnh ấy. Đến một ngày nọ, chúng tôi ngồi co ro ở trong văn phòng trường học nhìn ra bên ngoài mưa nhè nhẹ bay bay, hạt mưa kéo dài như sợi chỉ, nhìn những người đi chợ gánh gánh trong cơn mưa dìu dịu ấy, cái hình ảnh mờ mờ đó đẹp làm sao! Anh bạn tôi đã từng học trên Đà Lạt nói đó là mưa phùn, ở Đà Lạt thường thấy lắm! Lúc đó tôi mới thật sự cảm được mưa phùn; và từ đó tôi nhớ lại khi học địa lý và sự giải thích về “gió bấc, mưa phùn" ở xứ Huế và những khu vực lân cận của miến Trung. Ông thầy tôi giải thích “gió bấc” là gió từ phía bắc thổi về, thường phát xuất từ vùng Siberia của Nga tràn xuống mà ngưòi ta có thể nói nôm na là “thổi” ra hay xuống, gió lạnh làm hơi nước trong không khí dư ra nhanh hơn, vì mỗi phân khối không khí ở một nhiệt độ nào đó sẽ chứa một lượng hơi nước nhất định. Sự giảm nhiệt độ sẽ làm cho hơi nước bị dư ra và chúng sẽ kết tụ lại thành những giọt nước li ti, nếu ít thì thành những đám mây bay bay theo gió, hoặc chúng kết tụ là là trên mặt đất (những đám mây trên mặt đất) đó là sương. Còn những hạt nhỏ từ trên cao rơi xuống mà độ lạnh tăng dần làm hạt mưa như có mà mỏng manh ấy là mưa phùn. Và những giọt nước lớn từ cao là mưa rào hay mưa chỗ, mưa sơ sơ. Ở trên những vĩ độ cao gần Siberia thì có tuyết nhiều, thời gian dài hơn ở những vĩ độ thấp. Miền Bắc ta những lúc gần đây có tuyết ở Sapa, Lạng Sơn tức những vùng cao độ và các vùng cao về vĩ độ.
Đó là chuyện giải thích về “gió bấc”, còn tại sao ở Huế và các vùng phụ cận lại có “mưa phùn”. Tôi được học là gió bấc đi vào Huế thì lại băng qua vùng biển “Vịnh Bắc Bộ” nên mang theo hơi nước để rơi xuống thành mưa, mà mưa vào thời gian đó chỉ là mưa phùn, nên “gió bấc, mưa phùn” gắn liền với Huế cả nếp sống và người dân ở Huế: Khí trời lành lạnh hay lạnh buốt, mưa bay bay; dòng sông, cảnh quan, người, sinh hoạt đều chìm trong cảnh mờ mờ nên Huế thành “Huế mộng, Huế mơ”. Và Huế đã là nơi triều đình, vua chúa đóng đô nên người dân Huế đa số từ phương xa đến để làm việc cho nhà vua trong nhiều thời kỳ trong đó có quan văn, đội “đàn ca, xướng hát” và những làng nghề phục vụ cho cung đình nên hình ảnh đã xuất hiện rất nhiều trong thi ca vì thế Huế thành “Huế đẹp, Huế thơ” và các ca khúc về Huế có một điệu buồn với tình cảm nhớ quê hương theo kiểu của Thôi Hiệu bên cạnh cái đẹp, đài các của các nàng con gái trên đất Cố Đô hay còn gọi là Thần Kinh::
Nhật mộ hương quan hà xứ thị (Chiều ngày, quê cũ nơi nào)
Yên ba giang thượng sử nhân sầu! (Trên sông, khói sóng khiến người buồn tênh)
Thôi chuyện “gió bấc, mưa phùn” đến đây đã đủ, những tình cảm vương vấn tôi không dám bàn thêm mà phải để dành lại cho người dân xứ Huế, còn tôi sẽ tiếp tục về chuyện “Thu muộn” vậy!
Khi tôi “trôi dạt” đến xứ người ở một nơi mà các mùa gần bằng nhau, mỗi mùa khoảng 3 tháng, tôi mới cảm nhận được 4 mùa một cách rõ rệt. Và tôi lại làm nông nên bốn mùa ấy lại ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của mình. Nơi nầy không có tuyết dù là lạnh nhiều, thỉnh thoảng trên vùng núi cao khoảng ngàn thước mới có tuyết trong thời gian ngắn để được lên tin tức, nhưng cũng là hiếm hoi.
Mùa đông lạnh, lại thêm mưa nhiều, ẩm ướt, cây cối nào rụng lá thì trơ cành. Sáng sớm những con chim đậu trên đó mỉnh nhìn thấy chúng như lười biếng, buồn thiu. Còn những cây xanh lá thì dường như bị chựng lại vì rễ quá lạnh không thể tăng trưởng đem lại sinh khí cho cây. Cây trồng trong nhà kính (nhà lợp bằng kính), nhà ni-lông (lợp bằng ni-lông) cũng èo uột, khó lên mà hay bệnh hoạn, bị thúi cây, chăm sóc rất là khó. Sau mùa đông, không khí ấm dần ngày dài ra, vài ngày nắng thật gắt, khiến cho lá cây héo đi vì bị thoát hơi nước nhiều nên bản năng sinh tồn của cây khiến rễ bắt buộc phải phát triển, do đó rễ thức dậy, ra rễ non có tầng lông hút để hút nước làm cho cây hồi sinh sau giấc ngủ “mùa đông” (đông miên). Những cây nào rụng lá vào mùa Thu, ngủ vào mùa Đông, chợt thức và “ra hoa” trước (như Hoa Anh Đào ở Nhật Bản), rồi bung chồi (đâm chồi) sau và tàng cây mơn mỡn, xanh mướt vào mùa Xuân để che nắng cho loài chim ca hót và cung cấp sâu bọ làm thức ăn cho chúng. Trong thời gian mùa Hè nắng nóng dần lên, không khí khô, không mưa, hôm nào gió biển thổi vào đất liền thì còn có hơi nước, nhiệt độ mát hơn. Và hôm nào gió đi vào đất liền, lại qua sa mạc thổi ra thì nóng khỏi phải chê, chỉ có trốn chạy về nhà mà nghe tiếng máy lạnh kêu thôi! Cây cối kết trái sau khi ra hoa vào mùa Xuân, tăng trưởng chín vào mùa Hè để Hè người ta thu hoạch, hay chấm dứt vụ mùa vào đầu Thu. Lúc đó nhìn xem phong cảnh cây cối lá trở vàng: vàng óng, vàng cam, đo đỏ, dỏ thẩm, nâu, hay nâu nâu, những màu sắc pha trộn thành một cảnh nên thơ để làm khổ nhọc cho những nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ phải bỏ công lao, rút ruột ra mà tha hồ diễn tả theo cung cách riêng của mình.
Cho nên hôm nay tôi làm một chuyện nho nhỏ mà lại quá dài dòng, bỡi vậy hồi nhỏ tôi học thì cũng khá lắm, nhưng hai lần đi thi: Một lần thi học bỗng hồi lớp 3 và một lần thi Đệ Thất (lớp 6 lên bậc Trung học) tôi đều bị rớt làm Thầy, Cô buồn cho tôi vì ai cũng kỳ vọng là tôi sẽ đậu. Nhưng Thầy, Cô đâu biết rằng tôi lại buồn hơn nhiều! Và từ sau đó tôi "không thèm học giỏi nữa” để rồi nhiều lần thi sau đó như: Trung học. Tú Tài I, Tú Tài II tôi đều đậu vì sự nỗ lực của tôi trong lúc học thi. Hôm nay tôi cũng bị “lạc đề” trong bài “Luận văn” của những kỳ thi năm xưa, có lẽ tôi sẽ “bị rớt”!
Quay lại “Thu muộn” quả là mùa Thu năm nay ở nơi này đã muộn:

Muộn rồi, Thu lại lấn sang Đông
Khí lạnh, trời mưa, Thu vẫn lồng
Áo ấm, co ro người thở khói
Lá vàng, phe phẩy cây như không
Chim kêu, chim hót như ngày trước
Gió thổi, gió reo lạnh thấu lòng
Đông đến, Thu còn, cây mới chớm
Vàng Thu dan díu với trời Đông!

Nguyên Thảo,
06/07/2016.



No comments:

Post a Comment