Wednesday, August 10, 2016
*H.T Chữ Nghĩa 27: Từ "Bản Tin Nông Gia" Tới "Blog". (4)
Đó là những câu chuyện đưa tôi đến việc đi vào các trang mạng với các bài viết về Đạo Phật cũng như tham gia phụ giúp với các bậc phụ huynh nhằm giúp đỡ cho tương lai con cái của họ về sau nầy, sau những giây phút mà tôi không dự định viết gì nữa cả. Nhưng điều gì cũng là do “Duyên”. “Duyên” là nói theo tiếng Nhà Phật, nó giống như những hạt giống đã có sẵn, bây giờ các hạt giống ấy gặp những điều kiện thuận lợi như không khí ẩm, có đất, có nước, nhiệt độ thích hợp thì chúng nẩy mầm; thì chuyện của tôi nó được tiếp theo lại giống như vậy. Ấy là cái “duyên” viết của tôi! Đó là điều tôi không ngờ trong cuộc đời của mình lại chính là cái duyên viết ấy!
Trong thời gian tôi đưa bài cho anh Sơn (đại diện báo Dân Việt rồi Việt Luân) để báo chọn đăng trong đặc trang Nam Úc, thì dù là không có nhuận bút, nhưng anh Sơn cũng thường hay cho tôi báo Dân Việt hoặc Việt Luân để coi. Mỗi tuần có hai tờ Việt Luận, một tờ ấn bản vào thứ ba, và một tờ cho ấn bản ngày thứ sáu. Đọc để giải trí và biết tin tức, nhưng tôi cũng không có nhiều thời giờ; tuy nhiên, trong thời gian ấy tờ Việt Luận thỉnh thoảng được sự cộng tác của Thầy Lê Tấn Lộc tức là vị Hiệu trưởng của trường Trung học Trịnh Hoài Đức –Bình Dương trước kia, cái trường Trung học Công lập mà tôi mơ ước được vào từ thời còn nhỏ và tôi chỉ được về học tại trường ấy vào niên học 1965-1966 ở lớp Đệ Nhất A2, để rồi năm 1973 đến 1975 tôi về dạy Sử Địa cho mấy lớp nhỏ thuộc cấp Trung học Đệ nhất Cấp ở đó. Sang niên học 1975-1976 tôi về Trường cấp 2 An Thạnh được tách ra từ trường mẹ Trịnh Hoài Đức, để rồi năm sau tôi phải chuyển về Trường Phổ thông Cơ sở Bình Chuẩn. Thầy Lê Tấn Lộc tốt nghiệp Ban Triết và về dạy Triết trước khi lên làm Hiệu Trưởng. Khi tôi về dạy ở trường Trịnh Hoài Đức thì Thầy đã được chuyển sang Biên Hòa làm Trưởng Khu Học Chánh thì phải, và Thầy Nguyễn Văn Phúc lên làm Chánh Sở Sở Học Chánh của Tỉnh Bình Dương còn Thầy Nguyễn Văn Hộ lên làm Hiệu Trưởng.
Một điều khác cũng nên biết, đó là Thầy Lê Tấn Lộc là anh của nhà văn Kiệt Tấn là một nhà văn cũng có tiếng tăm trên văn đàn Việt Nam lúc trước. Trong các bài Thầy đưa cho tờ Việt Luận đăng có lần Thầy giới thiệu về Trang Web của Cựu Học Sinh Trịnh Hoài Đức được thành lập ở bên Mỹ do Cựu Học Sinh Từ Minh Tâm gầy dựng. Tôi cố gắng đi tìm Trang Web theo địa chỉ thì tìm thấy không khó khăn gì, và tôi liên lạc được với Từ Minh Tâm lần đầu tiên vào ngày 08/07/2009. Sau nhiều lần đắn đo, cuối cùng tôi quyết định đóng góp vào trang Web cho vui. Nói như vậy, quý vị thấy là tôi cũng “ham vui”, chứ không là “ăn thiệt”. Với bài đó tôi thú nhận thiệt tình về ước mơ và tình cảm của mình, ấy là bài “Cho Tôi Góp Một Bàn Tay”.
Từ đó tôi thường xuyên gởi bài đóng góp vào Trang nhà như là chia sẻ cùng các bạn đồng môn về mọi thứ, nhất là các bài viết của tôi đã có từ trước hoặc những bài thơ trong suốt thời kỳ tôi đã “làm được” khi can thiệp vào cuộc bút chiến “bẩn thỉu” của hai nhóm người trên đất khách. Loạt thơ Đồ Ngông ấy tôi gởi về nhờ Từ Minh Tâm chọn và đưa lên để bạn bè đọc giải trí, đồng thời biết đâu có thêm vài kinh nghiệm cuộc sống cho con cháu của họ để đối phó với cuộc đời về sau. Tôi gởi khá nhiều vừa cũ có, vừa mới có mà lại ở dạng font chữ cũ mèm, khiến Từ Minh Tâm phải vất vả sửa chữa. Thấy vậy tôi phải gởi email hỏi để Tâm chỉ cách tôi sửa chữa trước khi gởi, để Tâm được dễ dàng hơn. Và sau cùng vì Tâm thấy tôi gởi liên tục, bài vở lại tương đối là “dồi dào” nên Tâm đã mở cho tôi một cái “blog” riêng. Đó chính là cái blog đang hiện hành. Thế là tôi được thừa hưởng từ công trình của Từ Minh Tâm. Mọi trở ngại tôi đều được sự hướng dẫn của Tâm để đi đến chỗ tôi biết cách tự “Post” bài cũng như đưa hình ảnh vào trong bài vở của mình. Từ trong các bài viết ấy tôi đã liên lạc lại được với nhiều người thân cũng như bạn bè, nhất là Thầy Lý Văn Trọng người Thầy dạy học vào thời Lớp Nhì của Trường Tiểu Học Tân Phước Khánh mà bọn học trò chúng tôi rất quý mến qua bài “Tân Khánh: Quê hương thời tôi lớn” và bài “Tình Thầy Trò: Hơn 50 năm tìm lại”. Người em gái trọ học chung ngày nào của tôi qua bài “Cho tôi một lời tạ ơn”, hay là bài “Ông bạn của tôi”. Ngoài ra nhân đó tôi cũng được thêm nhiều bạn mới. Thật đây cũng là một trò chơi vui vẻ và thích thú hơn nhiều với biết bao là kỷ niệm được ôn lại để thỏa mãn tuổi già khi người ta nói “Già thường hay sống về kỷ niệm”!
Tất cả những bài thơ trong thời kỳ “mở đầu” đó tức là giai đoạn tôi “sắp chữ thành thơ” đều được tôi gởi đến cho Trang Nhà, vì tôi nghĩ đó là những tài liệu quý báu cho một đời người. Lúc trước khi tôi quyết lòng can thiệp vào “cuộc chiến” trên báo chí thì bắt buộc tôi phải có một cái hướng riêng của mình, vì tôi đã chẳng tham gia vào bất cứ hội đoàn, cũng như tôi chưa từng đến với một tổ chức nào, hoặc chẳng hề biết một ai có giữ chức vụ hay tiếng tăm nho nhỏ nào trong cộng đồng cả. Tôi can thiệp là chỉ lấy cái “uy tín” mà tôi tạo được từ những bài viết qua bút hiệu “Nguyên Thảo” mà thôi! Thân danh hay liệt của “Nguyên Thảo” được đưa vào trong cuộc chiến. Thế nhưng, khi qua 3 bài viết trực diện can thiệp, ai ngờ “Đồ Ngông” trở thành một hiện tượng “Quả thật là ngông”! Rồi ngày qua ngày người ta cứ nhớ tôi là Đồ Ngông hay có người ngại hơn gọi tôi là Ông Đồ, hơn là Nguyên Thảo.
Những bài thơ ấy tại sao tôi gọi là những “kinh nghiệm trong cuộc sống” vì khi tôi bắt đầu làm thơ để can thiệp thì tất nhiên người ta cũng sẽ chửi tôi nhiều ít; nhưng tôi phải tìm cách làm thơ hay viết “chuyện tào lao thế sự” (hoặc nôm na là “chuyện tào lao”) thì tôi phải biết cách né tránh chửi trực diện với họ, do đó tôi biến cách các tư tưởng ấy thành một cách chung chung qua các nết xấu của con người. Từ cách quảng diễn xa gần như vậy mà nhiều người cho là tôi “viết quá yếu”! Thực tế lúc đó, tôi không cần những lời khen hay chê, mà tôi chỉ cần người dân hiểu được sự phân tích của tôi để “chửi” những kẻ gây rối trong cộng đồng, phá sự yên ổn cuộc sống của người mình trên một quê hương đất khách mà mình trú ngụ, để họ tự ý thức mà giảm căng thẳng hay bớt cường độ đi mà thôi!
Có điều thêm nữa là tôi phải nghĩ ra nhiều đề tài, nhiều cách để người trong cuộc hay độc giả có thể hiểu, biết; nhưng tôi cũng phải chen vào các bài khác dịu dàng hơn như không là dính dáng gì cả, để họ không đổ cơn thịnh nộ lên tôi. Trong chiều hướng đó tôi cứ đi cho đến lúc gặp Nguyễn Nhi và Phạm Ngọc Thanh trên tập san Né, lúc ấy tôi có vẽ hơi rõ ràng hơn một chút, nhưng không là quá khích hay là “có mang tính chất chửi lộn”. Và ngoài thơ cũng như văn xuôi về “Chuyện Tào Lao” tôi cũng còn sáng tác thêm những bài mà tôi đã có vài nhận xét trong cuộc đời như là những kinh nghiệm sống được ghi lại để mọi người đọc vui chơi như: Nhà ba gian hai chái, Chuyện cờ bạc, Trang Chu và Hồ Điệp... chẳng hạn. Khi tàn cuộc các bài “Tào lao Thế Sự” ấy cũng được khoảng 62 bài với chừng 220 trang đánh máy trên vi tính. Và sau nầy tôi nối tiếp với loạt bài “Tào lao Thế Sự” khác đó là “Tào lao Thế Sự 2” đến nay cũng đã là 59 bài. Lần nầy tôi viết ngăn ngắn hơn để cho người đọc không ngán và cảm thấy mệt mỏi. Với tất cả những bài đó tôi vận dụng mọi hiểu biết, kiến thức, quan sát của mình rồi đúc kết thành những bài để độc giả coi chơi và giải trí, giết thì giờ nhàn rỗi. Tôi muốn làm công việc đó là vì từ nhỏ tôi cũng đã từng bị ăn hiếp, áp bức nên có “hận thù” xã hội, và vào thời ấy đã có lần tôi ước mơ: “Nếu sau nầy tôi mà có viết văn được tôi sẽ phanh phui mọi thủ đoạn, tật xấu, mọi cái bỉ ổi của loài người để thiên hạ coi chơi” như đã có lần tôi dí dỏm bằng bốn câu thơ:
Ngồi buồn sắp chữ lại thành thơ
Ta gọi thơ ngông chửi cuộc đời
Moi móc thói đời bao cái xấu
Đem rao thiên hạ xúm coi chơi!
Không ngờ rồi đến một ngày tôi lại cầm viết mà viết văn, thêm cả làm thơ nữa thiệt; vì vậy cái điều mong ước ảo huyền ngày xưa ấy của tôi vô hình chung lại thành. Tôi cam đoan chắc chắn với quý vị những bài ấy không hề làm thất vọng quý vị sau những giây phút thoải mái cười vui cùng giọng thơ, lời văn của Đồ Ngông mà có người đã hỏi tôi rằng: “Anh muốn làm một Tú Xương thứ hai đó chăng”? Mặc dù tôi đã trả lời: “Tôi không dám, vì tôi không phải là một nhà thơ”!
Mọi bài thơ mà tôi đã viết nên vào thời kỳ đó đều đi sát vào thực tế và tâm tính của con người, vì chúng được dựa vào cái thực tế biểu hiện của những con người đầy cái xấu; nhưng tôi phải mở rộng ra như là chuyện hay tâm tính chung của con người, chứ không dám vạch ra cái xấu của những cá nhân đó, để tránh đi những tai vạ mà mình lỡ đụng chạm vào tự ái của người khác. Cho nên tôi không thấy chúng có nhiều sai sót khi ta tìm ở đó nhiều điều mà chúng ta cần học hỏi và rút kinh nghiệm.
Tôi mạnh dạn gởi bài liên tục đến Trang nhà CHS Trịnh Hoài Đức do Từ Minh Tâm thiết lập cũng như điều hành, thì tôi chỉ nghĩ: Vì mình cũng là một cựu học sinh nên xin đóng góp cho vui, hai nữa là đem tất cả mọi kinh nghiệm mình thu thập được trong đời sống riêng tư và trong một cộng đồng để gọi là chia sẻ các kinh nghiệm sống cùng các bạn đồng môn trong cùng một trường khi xưa, thế thôi! Và khi viết các bài ấy, tôi muốn ghi lại những kỷ niệm theo cùng thời gian nào đó cho nên tôi thường ghi ngày tháng ở phía dưới các bài, chứ tôi cũng không hề để ý là làm được bao nhiêu bài; nhưng có vài bạn nhìn thấy và ngạc nhiên về sự sáng tác của tôi. Thực ra, đó chỉ là phần thơ chứ còn các bài viết về văn xuôi, cũng như nghiên cứu về Đạo Phật cùng các bài viết nhận xét về vài tôn giáo trong tinh thần đi tìm chân lý, thực chất của vấn đề, phân tích thì hãy còn nhiều hơn. Nhưng chung quy chỉ là trong vòng 10 năm từ năm 2000 đến 2010 có lẽ là thời gian để tôi cho ra đời nhiều bài nhất trên một số lĩnh vực ngoài công việc chính của tôi là nghề nông. Do vậy, có lần một đứa cháu ngạc nhiên hỏi tôi: “Công việc farm của chú bận rộn như vậy, sao chú có thì giờ để viết”? Tôi cười thay cho câu trả lời, mà thực ra tôi cũng không biết trả lời như thế nào để cho cháu hiểu. Cái viết của tôi trong lúc đó gần như là mọi ý tưởng đã có sẵn từ trong kho trí não, và tôi chỉ cần dành thì giờ để sắp xếp viết ra mà thôi. Đôi lúc tôi mường tượng tất cả những sự việc trong đời sống của tôi từ nhỏ đến lớn đều là những chi tiết có ích để bây giờ tôi chỉ cần kết hợp lại thành bài và chẳng có chi tiết nào trong cuộc đời đã xảy ra mà không có nguyên nhân của nó. Nhiều lúc tôi lại nghĩ tôi viết được ngày hôm nay lại cũng chẳng là do chính khả năng của tôi mà do cái “tâm” (chữ “Tâm” trong Đạo Phật) thực hiện hay thể hiện ra mà thôi vì như đã nhiều lần tôi đã trình bày cùng Quý vị là cái viết của tôi chỉ thực sự xảy ra từ sau cái hiện tượng mà tôi đã kể rõ ràng trong bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh”. Tôi chỉ làm theo những gì mà do “Sự Thôi Thúc Của Cái Huyền Nhiệm” ấy, hay đúng hơn là của cái gọi là “Phật Tánh” ở trong tôi!
Nguyên Thảo,
08/08/2016.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment