Sunday, August 7, 2016
*Quê Người. (12)
Lòng vòng trong khu vực chờ đợi để nhìn ngắm quan sát nhưng cũng chỉ là quanh các khu hàng quán ở cái hành lang mà khách qua lại, chứ không dám đi xa vì “lạ nước lạ cái”; nếu đi lạc thì là cả một vấn đề. Gần đến giờ lên máy bay chúng tôi tập trung ở những hàng ghế ngồi chờ đợi, có một vài người Úc hỏi và anh Nhiệm trả lời với họ. Họ khá thân thiện, hỏi han nên chúng tôi cũng mừng và đỡ lo hơn vì chúng tôi sẽ đến định cư trên đất Úc vào ngày hôm sau, và với tình cảm như vầy thì không đến đỗi nào.
Chuyến bay khởi hành vào lúc gần 11 giờ đêm, tôi ngồi kế bên Thông. Thông là người ở Thành Phố thuộc khu Bàn Cờ, nơi đó ngày xưa khi còn học ở trường Sư Phạm tôi có ở khu vực ấy gần năm. Thông cũng đi vượt biên một mình bỏ lại một vợ hai con còn nhỏ. Phía dưới những đèn đường, khu phố của Thành phố Singapore sáng trưng tạo nên một khung cảnh nên thơ, rực rỡ vào ban đêm. Có lẽ bây giờ Thành Phố Sài Gòn, Gia Định đã thua xa mặc dù nó được mang tên là Hồ Chí Minh. Gần năm nay tôi chỉ thấy được những khu vực quanh nơi mình ở, chỉ có ngày nay mới được ra ngoài để nhìn thấy các cảnh ở phi trường cũng như thoáng nhìn Thành phố Kuala Lumpur hay Singapore qua cửa sổ nhỏ bé của máy bay. Không thua làm sao được khi mà mọi hoạt động trong xã hội từ kinh tế cho đến giao thông phải đình chỉ để tái cơ cấu, tổ chức theo một cơ chế của một chế độ mới được gọi là chế độ Cộng Sản. Cơ cấu ấy hoàn toàn xa lạ, o ép người dân từ bỏ mọi quyền tự do riêng tư của mình mà phải theo chỉ thị của nhà nước. Ruộng phải vào Hợp Tác Xã Nông Nghiệp; hàng quán vào Hợp Tác Xã Thương Nghiệp; các nhà máy, phương tiện giao thông bị ngưng hoạt động vì thiếu nhiên liệu, tài nguyên cung cấp… Mọi sinh hoạt xã hội gần như đình trệ, đứng lại để tái tổ chức các cơ cấu. Những cơ cấu ấy gặp phải sự bất đồng tình, không hợp tác của người dân; lại thêm những người lãnh đạo thiếu khả năng, hay không biết lãnh đạo thế nào mà chỉ lần mò học tập. Cho nên xã hội đã đầy dẫy thương đau, thiếu thốn mọi thứ nhu cầu thiết yếu. Nạn buôn lậu, lo lót viên chức để thoát qua được sự kiểm soát hoặc làm lơ cho,… Bắt đầu cho những sự lo lót, hối lộ; hay thái độ sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn của người thừa hành để làm tiền về sau nầy. Để chống lại nạn đói nhiều người đã sinh ra trộm cắp thực phẩm hay những vật có thể bán được tiền để mua thực phẩm cung ứng cho gia đình; để rồi phát sinh trộm cắp và cướp giật về sau trở thành phổ biến. Tất cả người dân vừa xa lạ với chế độ, vừa lâm vào cảnh túng quẫn, cùng cực rồi lại sinh ra buồn đời, chán nản nên tình trạng nhậu nhẹt càng nhiều hơn. Họ “say sưa để quên đời”, và sau khi say thì nhiều hành vi lười biếng, bỉ ổi, tội phạm lại càng tăng lên vượt bậc. Trong khi đó cơ cấu chính quyền vận hành khi được khi không, năm nay thế này, năm sau phải thay đổi, nó luôn mãi là “loay hoay” với “làm” và “sửa” càng làm cho dân chúng chỉ hoài sức, tốn công mà chẳng tiến được bao nhiêu. Một lý tưởng Thiên Đàng cho con người trên thế gian của Marx đã gặp bước “Khởi đầu nan”. Nhiều người am hiểu, người ta đoán rằng “Kiểu nầy Thiên Đàng Cộng Sản chỉ là mơ tưởng mà thôi, vì thực tế đã làm cho người ta sợ quá chừng rồi, nội mục đích đầu tiên “Cơm no, áo ấm” đã chẳng xong thì lấy đâu “Ăn ngon, mặc đẹp” để tiến lên “Có làm có hưởng, không làm không hưởng” của thời “Xã Hội chủ Nghĩa” và “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” vào thời Cộng Sản. Và chủ nghĩa Cộng sản đã chưa tiến được tới đâu thì Liên Xô và Trung Quốc đã tranh giành ảnh hưởng với nhau và Trung Quốc lại mở chiến tranh “Dạy cho Việt Nam một bài học” đầy đau thương. Vậy thì “Thiên Đường Đại Đồng” của Chủ nghĩa Cộng Sản cũng chỉ là những Thiên Đường mơ tưởng như Thiên Đường trong đức tin của tôn giáo chứ chưa hề được chứng thực. Ôi quả thật thế giới nầy đầy thương đau!
Máy bay dần bỏ, rời xa ánh đèn của Thành phố Singapore, trong lòng tôi vừa mừng vừa bồi hồi lo lắng: Không biết mình sẽ thế nào khi đến xứ người. Hôm nay tôi mới là con người “thoát cảnh tù” (vì trong trại tị nạn mọi người bị coi là những người bị giam giữ, tù nhân do xâm nhập lãnh thổ nước sở tại bất hợp pháp) và được phép định cư trên xứ Úc-Đại-Lợi. Chúng tôi đang trên đường đến xứ Úc bằng chuyến bay của hãng Hàng không Qantas. Đoàn chúng tôi khoảng gần 40 người, ngồi ở phía sau cùng của máy bay. Khi máy bay đã lên cao, giữ độ thăng bằng chúng tôi được cho một buổi ăn. Lúc ấy vừa không biết để chọn món ăn, lại món ăn cũng là xa lạ nên cứ nhìn người ta mà tập tành, bắt chước hoặc “làm đại” dù trúng hay trật. Thôi thì cứ cho chúng “cái nào cũng vào đấy” là xong. Thông có vẽ rành hơn vì Thông vốn ở Thành phố. Thông đi vượt biên mà chuẩn bị sẵn sàng các giấy tờ để bảo lãnh vợ con. Nghe Thông kể tôi mới thấy mình thật là “dở”, chẳng biết thứ gì! Mình dở cũng phải vì mình vốn là dân nhà quê, sau 75 mình lại không mấy khi đi lên thành phố hoặc là đi đó đây, cứ mãi lo chạy lo cho đời sống gia đình được đỡ hơn, ngoài giờ đến lớp. Mọi giáo viên thời ấy đều chật vật cả, có người phải lo đời sống mà không bận tâm đến lớp nhiều. Có một ông cán bộ nói với tôi một câu thật đau lòng: “Nói xin lỗi với thầy giáo nhe, chứ trong xã hội có bất cứ nghề gì là đều có thành phần nghề giáo của mấy ông”. Nghe mà buồn chứ không thể biện minh vì quả thật trên thực tế là như vậy. Lương không đủ sống thì người ta phải làm bất cứ nghề gì kể cả nghề làm điếm. Dĩ nhiên chẳng ai trong nghề giáo đều muốn như thế cả, chỉ tại vì thời cuộc thúc đẩy mà thôi! Người ta đi buôn lậu, làm ruộng, chạy xe ôm, đi kinh tế mới miễn làm sao bảo toàn sự sống cho gia đình, bản thân nên họ chẳng từ nghề gì cả. Một xã hội tất bật làm mà chẳng kiếm được bao nhiêu tiền, người ta trở nên tắc trách, không đếm xỉa vào việc công chỉ lo vào việc riêng tư. Sự vô cảm, lường gạt, ích kỷ, tranh giành, liều lĩnh, chán đời, nhậu nhẹt, tham lam, tiêu cực đã được dịp phát lên như diều gặp gió. Nhưng những điều ấy vẫn không bằng cuộc “Đấu tranh giai cấp”. Những thành phần thuộc giai cấp bị lật đổ, hay những thành phần thuộc chế độ cũ phải được đánh bằng “bạo lực cách mạng” cho đến khi không thể ngóc đầu lên nỗi, không còn đủ sức để làm một cuộc đổi thay. Đó là một cuộc chế ngự để kẻ thù phải “Đầu hàng giai cấp”! Tôi rất buồn khi nghĩ về tương lai của các con tôi!
Thông kể cho tôi nghe về những kinh nghiệm mà Thông đã được nghe, để khi vượt biên mà chuẩn bị đầy đủ hầu nhanh chóng bảo lãnh vợ con. Còn riêng tôi thì bây giờ tôi chỉ biết tới đâu thì tính tới đó, chứ không thể nào làm khác hơn. Tôi chỉ tưởng tượng đến những khó khăn mà vợ con tôi phải chịu từ vật chất lẫn tinh thần mà chế độ nầy đối xử, cũng như bao nhiêu thành phần khác đã được đối xử từng xảy ra thế thôi!
Tôi nhìn ra cửa sổ máy bay, chỉ là một màn đêm đen tối vì đang vào nửa khuya, tôi không biết đâu là đâu. Sau bữa ăn, mọi người đều có vẽ chìm vào trong giấc ngủ, tôi cũng buồn ngủ nhưng lại ngủ không được, vì đầu óc hãy còn lẩn quẩn với những toan tính mù mờ. Rồi tôi cũng chợp mắt không biết tự lúc nào đến khi nghe những tiếng lục đục và đèn khá sáng, thì ra tiếp viên chuẩn bị cho buổi ăn sáng. Những chiếc xe được chế tạo gọn gàng xuyên vào giữa hai hàng ghế, tuy nhỏ nhưng chứa được nhiều thật. Đồ ăn được phân phát qua từng khai. Chúng tôi cũng làm theo suy nghĩ của mình hoặc bắt chước cách của người khác để cách ăn được hợp lý hơn. Đúng là lần mò mà học tập. Cái gì trong lần đầu cũng đều là phải học tập và mày mò!
Ở đường chân trời ánh sáng dần sáng lên, hơi ửng đỏ. Những đám mây ở tuốt dưới kia hiện ra, chắc là máy bay bay cao lắm. Máy bay hạ lần độ cao, tôi nhìn qua cửa sổ thấy những ô rộng lớn nghĩ là những cánh đồng và những con đường nho nhỏ có những “con kiến” (ô tô) đang bò lần lần tới và thỉnh thoảng có những khoảng màu xanh nước biển, chắc là mấy cái hồ trong đất liền. Người ta phát thanh cái gì đó, chúng tôi không hiểu hết nhưng thấy nhiều người gài dây thắt ở bụng lại thì chúng tôi cũng làm như vậy. Tôi nghe hơi ù tai, dường như máy bay hạ thấp dần, rồi máy bay lại nghiêng cánh, dưới kia là những khu nhà hiện rõ ra. Trên đường phố xe chạy lớn dần. Máy bay đảo qua tôi thấy cái thành phố có khu vực đồi cao, rồi máy bay xuống thấp hơn. Cuối cùng tiếng bánh xe chạm vào đường băng và máy bay thắng gấp, chậm lại rồi chạy từ từ vào bãi đậu và dừng hẳn.
Tiếng lách cách của âm thanh mở khóa dây choàng qua bụng, những người có hành lý đứng dậy lấy hành lý; còn chúng tôi đâu có gì để lấy. Chúng tôi đến đất nầy chỉ có giấy tờ của Cao Ủy Tị Nạn cấp cho cùng với giấy Thông Hành mà phái đoàn Úc đã cấp. Tôi và Thành được cấp riêng mỗi người một cái nên không có gì để vướng bận. Trời bên ngoài mưa lâm râm, mây mù mù, tôi nghĩ về thân phận mình mà buồn buồn. Nhưng trong lòng thì được một nỗi vui vì từ ngày hôm này tôi có thể làm được chút gì cho vợ con tôi để bớt đi nguy khốn từ tình hình khó khăn do các tổ chức của chế độ tạo ra lẫn chính sách đối xử nghiệt ngã.
Tôi bước theo đoàn người rời máy bay để vào khu vực kiểm soát của hải quan. Dù tiếng Anh tôi không có nhiều nhưng cũng đủ cho mình hiểu loáng thoáng ý nghĩa của nó. Họ có vẽ lịch sự, gần gũi không hống hách quan lại như ở quê mình. Họ nhã nhặn, không quát tháo hay lớn tiếng. Đó là cái nhìn mà tôi đã thấy được khi “đặt bước chân đầu tiên” lên xứ người!
Nguyên Thảo,
01/08/2016.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment