Wednesday, November 8, 2017

*Khi Hoa Anh Đào Nở. (8)


Hồ nằm giữa các phần của núi Hakone về bờ phía Bắc, Mikuni về phía Nam cho nên đi trên hồ mà nhìn hai bên đều là vùng đồi núi khá cao, phong cảnh nên thơ nhưng lại thấy mình trở nên nhỏ bé. Điều làm cho tôi thấy lạ nhất là tại sao trên sườn núi không biết là những cây gì mà trổ bông đầy trên đó, nhưng khi tôi “zoom” ống kính máy quay lại để nhìn cho rõ hơn thì không phải là bông. Vậy là cái gì nhỉ? Tôi cứ thắc mắc cái màu bạc bạc trên núi. Màu sắc ấy đầy dẫy xen với một ít “lủm” màu xanh của cây thông hay tùng bách gì đó. Chính vì vậy mà tôi sử dụng đến máy quay hơi nhiều, chứ không phải do cảnh quan đẹp của hai bên bờ. Khi đến những khu vực có nhà ở, thì có những táng Anh Đào đầy bông, màu bông cũng khá tiệp với màu trắng bạc ấy thì tôi mới biết chắc đó không phải là những rừng núi hoa Anh Đào. Vậy thì là gì? Tôi phải tìm cho ra lẽ mới được!
Đến gần cuối bờ, hai bên nhiều nhà cửa và dân cư, phía bên nây có vẻ sung túc hơn bên kia nhiều, ở đây có công viên lớn, khách sạn. Du thuyền cập bến, vào bờ nhưng mọi người đều có vẻ nuối tiếc và lưu luyến nên quay lại đứng chụp hình với bóng dáng chiếc tàu mà mình đã được đưa qua hồ như là những kỷ niệm. Đồng thời với phía sau xa xa là núi Phú Sĩ hiện lên trong bầu trời trong xanh, chỉ một chút thôi với phần đỉnh đầy tuyết trắng chứ phần thân đã bị ngọn núi bên hồ che khuất đi rồi! Thế là chúng tôi đã hoàn thành du ngoạn trên hồ Ashi trong khoảng gần nửa tiếng đồng hồ.
Phu Si Son.

Xe buýt đưa chúng tôi đến đền Thần Đạo gần đây, gọi là Hakone Shrine hay là Hakone Gongen của Thị trấn Hakone nầy. Theo sử liệu thì đền Hakone được tạo dựng từ năm 757 dưới thời Emperor Kosho ở đỉnh của núi Komagatake và được dời đến đây từ năm 1667.
Qua cổng Torii to lớn màu đỏ, chúng tôi đi vào con đưòng có hai hàng cây to lớn trồng đối xứng hai bên và theo những lớp bậc thềm trên cao phía trước để lên đến đền thờ. Khuôn viên đền nầy tương đối khá rộng. Phía hàng rào bên trái có khung treo đầy những giấy lời nguyện, mong ước của người hành hương. Rồi chính giữa là cổng vào đến chính. Ở nơi đây có nhiều người đến cầu nguyện. Tôi thấy có người đến liệng vài đồng tiền vào khoảng trong, rồi vỗ tay vài tiếng, xong họ rung dây thừng treo trước mặt, lại chấp tay và lâm râm cầu nguyện như xin Thần linh cái gì đó. Tất nhiên trước khi đến đây người ta đã phải rửa mặt, tay cho sạch sẽ ở hồ nước phía trước gọi là thủ tục với Thần linh ấy mà! Tôi nghĩ không lẽ người ta “vỗ tay” hoặc “rung dây” để Thần linh chú ý mà ngó tới để họ chứng cho lời cầu nguyện của mình hay chăng? Quả là mỗi dân tộc có cách suy nghĩ và cách hành xử riêng. Cũng là ngộ thật!
Khi xuống, đi giữa hai hàng cây cổ thụ, tôi thấy gốc nó to quá làm tôi ngạc nhiên mà phải nhìn lên, nó cao và suông, lúc đó tôi mới nhớ đến mấy cây cột dựng trên thềm cao của cổng đi vào của ngôi chùa Todaiji ở Nara mà ngày đầu ở Nhật chúng tôi đã viếng thăm. Không lẽ những cột ấy cũng là loại cây nầy. Đây là thông hay tùng? Tôi không biết ai để giải thích cho mình!
Đoàn lại lên xe buýt để đi đường vòng trở lại nơi xuống tàu lúc nãy. Đường luồn trong những tán cây màu trắng bạc không có lá, vài cây lá vừa chớm bung ra hơi xanh xanh. Thì ra, cái màu trắng bạc mà tôi cứ mãi thắc mắc lúc trên tàu qua hồ lại là màu của những cây nầy, chúng không phải là màu bông Anh Đào, cũng chẳng là màu cỏ trơ trụi mà là màu của cành cây của rừng cây ngút ngàn phủ trùm trên những núi nầy. Tôi không thắc mắc nữa. Xe theo đường dọc hồ có lúc lên lúc xuống ngoằn ngoèo để trở lại đường khi đi vào hồ.
Xe trở về đường cũ để đi ăn trưa. Trên đoạn đường lưng chừng núi nầy có một khoảng trống từ đó chụp hình hay quay phim núi Phú Sĩ rất đẹp, nhưng xe không dừng ở đó nên tôi chuẩn bị sẵn máy để thừa cơ hội nhưng khi vừa thấy thì đã không kịp rồi. Trong nắng tốt chói chang, những cây Anh Đào dại đầy bông trắng, rực sáng khiến tôi thoáng chốc bỗng nhớ quê mình vào dịp Tết mà bông “bù xít” nở đầy!
Xe bắt đầu xuống triền dốc, nơi nầy sao núi Phú Sĩ đẹp thế kia mà xe thì không dừng, và dưới kia là Thành phố. Xe đi qua các đường và sau cùng dừng lại nơi mà đứng ở đó có thể thấy rõ ràng cái chân của núi Phú Sĩ. Đây là rìa Thành phố Gotemba, là Thành phố khá lớn với gần 90,000 dân, và chúng tôi sẽ ăn trưa ở nhà hàng Nhật BBQ tại đây. Bây giờ đã là 1 giờ 30. Ở nhà hàng nầy có bảng đề chữ Việt về nước uống nhắc nhở khách hàng. Như vậy là khách du lịch Việt đến đây đã từ lâu, có thể bên trong lẫn bên ngoài nước, cũng do nơi cái thói quen của dân mình mà ra. Thuở xưa ông bà mình đã nói “con mắt to hơn cái bao tử” cũng đúng, lại thêm mình sợ hết và không đủ để rồi phung phí, và lại phung phí cả trên xứ người, nên người ta nhắc nhở cũng là phải thôi! Còn tự ái hay không là chuyện của mình! Ăn xong chúng tôi ra xe, tôi lại quên quay một đoạn phim hay chụp hình núi Phú Sĩ ở đây và nghĩ sẽ lên công viên trên đồi kia rồi lấy hình luôn, nó sẽ đẹp hơn. Đó là Fujibussharitoheiwa Park với rất nhiều cây Anh Đào còn nhiều bông và có cảnh chùa trên đồi cao. Nhưng cái gì cũng vậy, thời cơ không biết đến lúc nào. Vừa xuống xe trên công viên mọi người cố gắng tìm góc cạnh để chụp hình hay quay phim, mà rồi dịp may chẳng đến. Thời tiết ở đây thì tốt, nhưng ngọn núi Phú Sĩ lại bị mây kéo đến che mờ và từ đó luôn đầy mây nên người ta không thể chụp hình với dáng núi được nữa rồi. Có người nói: “Bầy trâu đang ăn trên núi”. Thế là vỡ kế hoạch, nên người ta đành chụp hình với những cảnh đẹp của chùa ở đây hoặc với những cành Anh Đào còn đầy bông.
May tren Nui Phu Si.

Đến 4 giờ, chúng tôi lại lên xe buýt khởi hành sang Atami. Từ Gotemba xe chạy về hướng Nagaizumi, và Numazu để sang Atami. Ánh nắng chiều xuống dần trên những ngọn núi dọc đường đi. Tôi ngồi nhìn cảnh mù mù bên ngoài chìm đắm trong cảnh mây khiến lòng mình nhớ nhớ đâu đâu. Mà lại lạ là cảnh núi trên đường đi nầy không là màu xanh của rừng cây dù đậm hay nhạt nhưng thỉnh thoảng lại có những khoảng trắng của các loại cây gì đó khiến trên sườn núi giống như da của loài trăn, rồi tôi lại nghĩ nếu tôi là người Nhật ở nơi nầy mà xa xứ thì tôi sẽ nhớ cố hương không biết là ngần nào! Nhưng cũng may là tôi chẳng sanh ra ở nơi nầy, mà tôi chỉ là du khách thôi, và có lẽ: “Chắc là du khách chỉ một lần”! Qua nhiều thành phố đông đúc và sầm uất, xe bắt đầu lên núi rồi đổ đèo. Đèo khá quanh co và độ xuống càng lúc càng nhiều và cuối cùng xe cũng đã đến nơi vào lúc 5 giờ 30 để lấy hành lý và nhận phòng ở khách sạn Atami New Fujiya Hotel.
Theo lời Jennifer dặn dò, sau khi ổn định và tắm rửa xong chúng tôi sẽ mặc đồ Kimono, mang dép của khách sạn cung cấp rồi tập họp ở phòng đợi vào lúc 7 giờ để đi ăn. Đêm nay chúng tôi sẽ có buổi ăn “hoành tráng” và tha hồ uống rượu hay bia do khách sạn cung cấp. Khi xuống “lobby” vì còn phải đợi các toán khác nên sẵn quần áo kiểu Nhật mọi người tha hồ chụp hình riêng hoặc chung cho thỏa mãn. Khách của khách sạn nầy khá đông, rất nhiều đoàn đến đây trú ngụ dù qua đêm như chúng tôi hay đôi ngày của vài đoàn khác. Nhà ăn thật lớn có nhiều khu, nhiều dãy bàn nhưng vẫn đầy người. Thức ăn vẫn theo kiểu “buffet” hay “all you can eat”, nhưng rượu bia thì ai muốn uống gì thì uống, không có hạn chế. Tôi cũng uống vài ly với anh Nhi, nhưng lại không để ý đến rượu “Sake” đặc sản của Nhật thì Phong, chồng Hường, đem đến cho tôi và anh Nhi một phần bình để uống thử. Thiếu chút nữa “đi Nhật mà chẳng biết mùi vị của rượu sake như thế nào, dở thiệt”! Thôi cám ơn cháu Phong nhiều nhe!
Một phần nghe mình lâng lâng, một phần lại mệt, thế là tôi đành bỏ cuộc đi tắm “onsen” với anh Đệ. Thế là ai cũng tính đến đây tắm truồng trong suối nước nóng ở khách sạn, nhưng hỏi ra thì cũng chẳng có ông nào, vì khách sạn khôn quá chừng cho uống rượu “đã đời” trước khi đi tắm nên nhiều người đã say, xong rồi lại làm biếng. Viết chơi cho vui, chứ đi tắm hay không do mình thích hay không thôi. Riêng tôi tại lưng mình có đeo “cục làm biếng” nên chẳng thèm trách “là bởi tại nơi đâu”?

Nguyên Thảo,
17/09/2017.



No comments:

Post a Comment