Thursday, November 23, 2017

*Khi Hoa Anh Đào Nở. (9)



Tôi dậy từ sớm, nhưng mặt trời cũng đã sáng hẳn lên. Vạch màn cửa sổ của phòng từ lầu 10, nhìn ra chung quanh, nhà san sát theo sườn núi. Ngọn núi tuốt trên kia, nhưng nhà cửa cũng đua nhau, thấy thật là choáng ngợp, cái cảnh nầy sao giống với cái cảnh ở Đài Trung của Đài Loan mà một lần tôi cũng có dịp đi qua. Nhưng ở Đài Trung thoáng hơn nhiều!
Đây là Thành phố Atami là Thành phố tương đối lớn, với hơn 37,000 dân trên một diện tích khoảng gần 62 cây số vuông nằm dựa sườn núi lửa mà một phần bị chìm xuống theo “hiện tượng caldera” ở ven bờ của vịnh Sagami, cho nên vì phòng tôi ngó vào núi nên “thấy nhà ôi là nhà”! Chứ phía bên kia là ngó ra biển thì chẳng đến đỗi nào! Vì nơi đây có dòng nước nóng của đại dương đi qua nên khí hậu được ấm: Nóng ẩm vào mùa hè; mùa đông thì ngắn hơn.
Atami là Thành phố du lịch với nhiều suối nước nóng có từ Thế kỷ thứ 8 trước Dương lịch. Năm 1923 ảnh hưởng trận động đất ở Great Kanto, nên Atami bị sóng thần cao gần 11 m nhấn chìm và làm chết đuối khoảng 300 người. Thành phố ngày nay được xây dựng từ tháng 4/1937 cùng mở rộng qua làng Taga kế bên nên rộng hơn; đồng thời từ năm 1950 khi Chính phủ Nhật công bố Atami là Thành phố Du lịch và Văn hóa thì nó phát triển nhanh chóng về khách sạn và khu nghỉ dưỡng.
Trong phòng ngủ, mà tôi nghĩ là chắc phòng nào cũng vậy, đều được trang trí khoảng không gian sàn có vài chiếc chiếu được đan đát tỉ mỉ, đẹp trên sàn, giữa là bàn con, nhỏ; hai bên là hai chiếc gối ngồi có tấm dựa lưng. Trên bàn có hai cái tách trong cái khay và một đồ gạt tàn thuốc. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ họ trang trí thế thôi, nhưng sau nghĩ lại: Hay là họ cho mình mặc đồ Kimono và ngồi ở đó để uống nước trà, hai vợ chồng đối ẩm theo kiểu Nhật chăng? Thế là với sự tò mò, ngộ nghĩnh vợ chồng tôi làm một cuộc đối ẩm theo kiểu Nhật, quỳ trên gối hai tay nâng chén trà để “cụng tách”. Nhưng ai chụp hình đây nên phải nhờ đến chị Cỏn và chị Tám Quít ở phòng kế bên. Chụp qua rồi chụp lại cho đến giờ phải đem đồ xuống và trả phòng để cho nhân viên khách sạn có thì giờ kiểm kê.
Do sự trả phòng sớm nên du khách của các đoàn tập trung ở “lobby” (phòng tiếp tân) rất đông, có nhóm sửa soạn đi mà đoàn đến cũng nhiều cho nên thật là choáng ngợp dù không gian khá rộng. Đúng 7 giờ đoàn đi ăn sáng và đến 8 giờ rưỡi lên xe khởi hành đi sang Yokohama và Tokyo. Đường đi bây giờ phần lớn là chạy theo dọc biển và có nhiều phố xá, dân cư đông đúc, thỉnh thoảng có vài nơi núi non, tuy nhiên theo dọc đường tôi thấy những cây lớn cũng được cắt bớt tạo dáng giống như là những cây cảnh. Không lẽ người Nhật lại kỳ công đến thế sao? Ở Osaka, nhất là Kyoto tôi đã lấy làm lạ về những cây bóng mát dọc đường trơ trụi không có bao nhiêu cành nhỏ, chứng tỏ chúng được cắt xén gọn gàng để mùa Xuân năm sau lá mọc lại đẹp hơn và bây giờ tôi lại thêm ngạc nhiên với những cây ở dọc đường nơi nầy. Còn phía phải thì song song với bờ biển cho nên người ta dễ nhìn thấy từng nơi có nhiều người đang tập lướt sóng hoặc bơi trên những ván lướt với mái chèo. Có lẽ ở vịnh Sagami nầy có nhiều trung tâm dạy người ta lướt sóng.
Đến 10 giờ 30 thì xe buýt vào bến ở Kamakura và chúng tôi được Jennifer hướng dẫn đi viếng Đền Thần Đạo ở đây là Đền Tsurugaoka Hachiman-gu. Thì ra con đường mà xe vừa đi qua lúc nãy có cổng Torii lớn chắn một phần giữa đường để rồi người ta làm con đường đi bộ ngay chính giữa và hai bên đường đó trồng rất nhiều cây Anh Đào dài suốt vào trong, đến một cổng Torii khác. Còn xe hơi thì chạy dọc theo hai bên đường đi bộ đó, một bên ra và một bên vào len vào hai dãy phố. Bến xe nằm bên hông khuôn viên rộng lớn của Đền, nên chúng tôi phải đi bộ vào cổng Torii nhỏ và đến Đền bằng cửa hông. Con đường hông nầy người ta đang sửa sang lại nên phần đường qua lại có giới hạn. Vừa cuối con đường thì Jennifer hối thúc chúng tôi đi nhanh lên vì đang có một cái đám cưới ở phía trước. Ừ thì, đang có một cái đám cưới thực, đám cưới làm theo nghi thức lễ truyền thống của dân Nhật. Tôi ngạc nhiên không lẽ có sự trùng hợp may mắn, hay là người ta tổ chức một cái đám cưới như thế nầy để du khách thấy và hiểu phong tục của Nhật. Nhưng dù là thật hay giả đám cưới nầy cũng cung cấp cho người ta nhất là khách du lịch tận mắt một nét văn hóa của người Nhật như thế nào.
Co dau, chu re va le cuoi.

Khi tôi đến thì đoàn cô dâu chú rễ từ bên ngoài kéo lên đài nhỏ ở giữa đường rồi và cô dâu, mặc đồ trắng với vành mũ cao lên che đầu và chú rễ thì mặc áo khoác đen rộng ngồi ở bàn chính giữa phòng lễ mặt hướng về Đền Chính ở trên cao kia, và bên trái là hai Thầy tế lễ đội mũ dãy có dây đeo xuống càm kiểu của người Nhật và bên phải là người thân hay gia đình gì đó. Và ngoài phòng là ba người trống kèn mặc áo màu xanh nhạt. Thầy lễ mặc áo vàng đọc điều gì mà những người khác đều cuối đầu cung kính giống như là họ đang cầu nguyện với Thần linh. Rồi đến phần tế lễ của Thầy lễ mặc áo trắng bên ngoài nhưng màu tím và vàng ở bên trong hành lễ.
Cuộc tổ chức đám cưới chắc còn lâu nên tôi không có kiên nhẫn theo dõi cho hết và dù có hết cũng chẳng hiểu được nhiều. Cho nên biết đại khái thế là đủ lắm rồi! Vả lại, tôi cũng chẳng có thời giờ nhiều đành bỏ cuộc mà theo dòng người để lên Đền thờ chính ở trên cao kia. Đền thờ nào cũng vậy có hình thức hành lễ tương đối giống nhau chỉ khác đi Đền lớn hay nhỏ mà thôi. Tôi quay vài khúc phim, đi một vòng xem có gì lạ không rồi trở xuống, đến gần cổng ra thì gặp anh Nhi, hai anh em dẫn nhau ra phía trước chỗ cổng Torii thứ nhì nối với đoạn đường mà người ta biến thành đường đi bộ với hai hàng cây Anh Đào, đứng nhìn chung quanh, chụp vài bôi hình cho nhau. Xong dẫn nhau về và thả lần ra xe. Xe trở lại đường đi bộ và ra ngoài để đi ăn trưa. Đã gần 12 giờ rồi còn gì! Kỳ nầy ăn trưa ở nhà hàng trên lầu dù không gian có hơi chật chội.
Hoa Anh Dao
Trai non Anh Dao.

Kamakura nầy là một Thành phố biển, du lịch cách Tokyo chừng 50 km, có số dân khoảng 180 ngàn người sống trên một diện tích chừng 40 cây số vuông, là nơi có nhiều Đền thờ Thần Đạo và chùa. Phía Nam là bãi biển của vịnh Sagami, còn các mặt khác đều là vùng núi đồi. Nó được xem là Thành phố từ tháng 11 năm 1939. Vùng đất nầy được coi như là nơi đã khai sinh ra triều đại Mạc Phủ Kamakura đầu tiên ở Nhật với chính quyền nằm trong tay của các võ sĩ samurai. Ngôi đền Thần Đạo Tsurugaoka Hachimangu mà chúng tôi vừa tham quan là nơi mà các cặp uyên ương chọn làm nơi cử hành hôn lễ theo truyền thống Nhật Bản, cho nên tôi đã có dịp chứng kiến, cũng là một điều may dù mình chẳng thật hiểu là bao nhiêu!
Sau khi ăn trưa, xe đưa đoàn chúng tôi đến khu vực chùa Kotoku-in. Băng qua đường và đi vào khuôn viên khá rộng còn nhiều cây Anh Đào đầy bông. Những cánh Anh Đào bay lả tả theo gió nên thơ, làm tôi nhớ đến những “lá me bay” trên đường Hồng Thập Tự, Trần Quý Cáp vào những năm tôi lang thang đi học ở dưới Sàigòn. Ôi! Trí óc con người sao lắm liên tưởng và nhớ về kỷ niệm đến thế! Hay chắc tại mình già rồi chăng? Tượng Phật A-Di-Đà bằng đồng to lớn đang ngồi tham thiền giữa không gian ngoài trời mặc cho nắng gió với màu xanh của “ten (rỉ) đồng” thật là oai nghi, trầm lắng như nhắc nhở mọi người nhớ suy ngẫm về “cái” cuộc đời nầy!
Tuong Dai Phat.

Theo tài liệu thì tượng Phật A-Di-Đà của chùa Kotoku-in theo phái Tịnh Độ Tông Nhật nầy là tượng Phật lớn hàng thứ ba trên đất Nhật sau các tượng Phật ở Katsuyama và Nara. Tượng được tạo vào năm 1252 bằng đồng với chiều cao 13.4 m, nặng khoảng 121 tấn (có mặt 2.35m, mắt 1.00m, tai 1.90m, miệng 0.82m) được đặt trong một chánh điện rộng lớn. Tuy nhiên, chánh điện ấy nhiều lần bị hư hại do bão vào năm 1334, gió mạnh năm 1369 nhưng đều được dựng lại, để rồi sau cơn sóng thần năm 1498 chánh điện bị hư hoàn toàn và tượng Phật trở thành lộ thiên cho đến ngày nay. Trận động đất mạnh năm 1923 làm cho bệ đỡ bị hư và sửa lại sau đó vào năm 1925. Và đến năm 1960-61 người ta chống đỡ cho cổ tượng Phật có thể chịu đựng sức nặng của cái đầu và làm cho tượng có thể chuyển động trên bệ để chống với độ rung lắc của những chấn động do các cuộc động đất mạnh xảy ra mà không làm thiệt hại cho tượng.
Dấu vết của chánh điện là những tảng đá chịu chân cột còn lại trên vị trí của nó chung quanh tượng.

Nguyên Thảo,
24/09/2017.



No comments:

Post a Comment