Sunday, November 12, 2017

*Đường Đến Băng Hà. (6)


Như mọi ngày, chúng tôi được báo thức từ lúc 6 giờ; nhưng tôi và anh Thới hồi nào cũng thức trước giờ để uống cà phê, đấu láo với nhau vì lâu ngày chúng tôi mới có dịp cùng nhau như thế nầy. Không nhớ là tôi đã nói về trường hợp tôi và anh Thới ở chung phòng với nhau chưa, nhưng thôi thì nói lại vậy: Vì cô Hi, em vợ tôi, chỉ có một mình mà chị Thới lại là bạn thân nên trong chuyến đi nầy vợ tôi, chị Thới, Hi quyết định cùng nhau chung phòng. Còn tôi và anh Thới được “free” ở chung với nhau để tâm sự chuyện đời xưa!
Dù là uống cà phê, nhưng tôi và anh Thới cũng không quên đi ăn sáng, mình đã trả tiền rồi mà! Không thì mất quyền lợi sao? Ăn xong, về phòng chấn chỉnh lại mọi thứ và hành lý đem xuống để chất lên xe, đoàn sẽ khởi hành đi vào lúc 8 giờ! Trong chuyến đi chuyện của tôi lo và chuẩn bị kỹ hơn nhất là cái máy quay phim và xạc pin cho điện thoại đầy đủ. Bây giờ chụp hình bằng điện thoại di động tiện hơn nên máy chụp hình tôi đem theo mà không mấy lần sử dụng. Xe rời Salmon Arm từ lúc còn sớm nên sương hơi lành lạnh, trời mù mù, trên đường chẳng mấy chiếc xe chạy. Ra khỏi thị trấn, cảnh thôn quê hiện ra. Rừng núi, đồng cỏ ôm lấy những khu nhà còn mê ngủ. Cái cảnh thanh bình, vắng lặng, nhưng ít ra tầm mắt được phóng nhìn không đơn điệu như trên xứ của con Kangaroo. Cây cối có nhiều loại để thay đổi chứ không là những cây cùng loại khuynh diệp nơi nào cũng giống nhau. Nhưng kiểu địa hình nầy vào mùa đông hay những ngày lạnh đầy mây hoặc mưa thì chắc buồn ơi là buồn!
Màu xanh tươi mát cùng đồng cỏ mênh mông. Có lẽ đất chỉ mới hồi sinh đây thôi, sau một mùa đông giá lạnh, đầy tuyết trắng xóa. Tôi chỉ tưởng tượng và nghĩ vậy thôi, chứ trên đất Úc có mấy nơi có tuyết, đừng nói chi là tuyết phủ cả mấy tháng mùa đông, mọi cảnh vật chìm trong giấc ngủ gọi là “đông miên”; cho nên tôi chẳng biết như thế nào, và chỉ đoán mò mà không thực tế!
Xe đi theo con đường 97B từ Salmon Arm ra để nối với đường 97A tức là Highway từ Sicamous đi Vernon, để rồi từ Vernon là đường 97 tức là Onkanagan Highway đi đến Kelowna. Đoạn đường dài chừng 110.5 km. Nhìn xa bên phải là hồ Onkanagan, và đường chạy trên độ cao hay sườn đồi nên nhìn phong cảnh thật là đẹp! Thỉnh thoảng thấy vài khu vực có nhiều nhà nilông, nhưng không biết họ trồng gì trong đó.
Hồ Onkanagan là hồ lớn, rộng và sâu. Chiều dài của nó khoảng 135km, chiều rộng từ 4 đến 5km, với điện tích chừng 348km2. Độ sâu của nó trung bình là 100m, ở bìa hồ chừng 10m và chỗ sâu nhất là 232m. Lượng nước đổ vào hồ từ những vùng Mission, Vernon, Trout, Penticton, Kelowna, Peacheland, Equesis và Powers Creeks; và nước đổ ra sông Onkanagan rồi đổ về sông Columbia.
Đến khoảng 9 giờ 30 chúng tôi đến khu vực của vùng đất trồng nhiều đào lông và cherry. Ở đây nhà cửa khá đông đúc. Theo lịch trình sáng nay đoàn sẽ ghé qua vườn nho và thử rượu ở hãng rượu Summerhill Pyramid, vì vậy xe vừa vào cổng đã thấy một mô hình Kim tự tháp được trưng bày ở đó.
Theo tài liệu thì Summerhill Pyramid Winery được thành lập từ năm 1986 do gia đình Cipes làm chủ. Nó được chứng nhận là vườn nho canh tác theo kiểu “Organic”, tức là không dùng đến chất hóa học để bón phân hay sử dụng thuốc trừ sâu bằng hóa chất. Thôi thì mình cũng cứ nghĩ là như vậy!
Cái văn phòng, nơi bán rượu nầy có cảnh trí khá khang trang và đẹp. Đứng ở đây nhìn xuống phía dưới hồ kia cảnh trí rất nên thơ và cảnh quang, bày trí ở đây chứng tỏ nó là nơi thường được du khách đến thăm viếng, cho nên hôm nay chúng tôi đứng nơi đây cũng không có gì là lạ!
Trời có mây mù, mưa lâm râm, nhưng biểu tượng chai rượu được trang trí bên ngoài đang nghiêng rót rượu vào ly giống như thật cũng hấp dẫn nhiều người lên đứng chụp hình với cảnh hồ nước hơi là lạ.
Chai ruou va ho nuoc.

Tôi bắt chước làm một bôi hình cho vợ tôi trong khi chờ đợi được vào bên trong để thử rượu. Quầy bán rượu, cho khách thử rượu thì dài nhưng nhiều người, đông quá nên đành xếp hàng dài dọc theo bàn, cả bu quanh ở hai đầu để được thử loại rượu gọi là “ice wine”. Mỗi người được một cái ly rót vào chút ít rượu để thử mùi vị “ice wine” của rượu nổi tiếng ở Canada nầy, nó đã góp phần cho Summerhill Pyramid Cellar đoạt được nhiều huy chương của Canada kể cả của Anh và Pháp. Đa số những nhân viên ở đây là người Hoa nói tiếng Phổ Thông nên tôi không biết là chủ cũ vẫn còn làm chủ hay đã sang nhượng lại cho người Trung Quốc mất rồi.
Nghe quang cao ve "Ice Wine"

 Tôi định cư ở vùng đất Nam Úc, nơi cũng có nhiều vườn nho và hãng rượu; nên cũng vài lần đến hãng rượu để được nếm mùi rượu. Lúc đầu chúng tôi cứ tưởng đi thử rượu giống như những người chuyên môn làm rượu đã thử. Nhưng không, thử rượu của chúng ta chẳng qua là đến quầy bán rượu của hãng, vì có nhiều thứ rượu nên không biết thứ nào mà mua, nên ta cần nếm thử mùi vị để ta thấy thích thì mua loại mà ta thích. Thử rượu ở đây cũng là vậy! Nhưng ta từ phương xa nên chỉ cần thử đến loại đặc biệt “ice wine” thôi. Mà cũng chưa chắc là bao nhiêu người mua vì chuyến đi cũng hãy còn dài, và hành lý cũng còn lỉnh kỉnh khá nhiều. Do vậy đa số thử để cho biết cái mùi của “ice wine”.
Thu ruou.

“Ice wine” là loại rượu khai vị, nó không phải là nho được thu hoạch vào đúng thời điểm thu hoạch, mà nho nầy còn được neo trên cây cho đến thời tiết lạnh hơn nữa khi mà nước trong nho bị đông lại trong khi chất đường của nho thì không, nó thường là sau Tết Dương Lịch. Nho nầy được neo trên cây trong thời tiết đông lạnh để độ ngọt được đậm đặc hơn có khi qua đến hai đợt lạnh, như vậy nó dễ bị thất thoát do chim chóc ăn mất, đồng thời phải thu hoạch vào sáng sớm mùa đông để nho còn trong tình trạng đông cứng. Do đó sản lượng rượu cũng ít hơn có khi chỉ bằng 1/5 so với sự thu hoạch bình thường mà tiền nhân công phải trả xứng đáng với công cán họ bỏ ra trong việc thu hoạch nhanh vào sáng sớm băng giá, nên “ice wine” mà người ta gọi theo tiếng Hán Việt là “Băng Tửu” thường có giá cao.
Có câu chuyện kể là: Một chủ vườn nho ở Đức bận công chuyện đi xa nên không thu hoạch nho đúng lúc vào năm 1794. Khi trở về có thể vì tiếc rẻ nên ông đành thu hoạch nho của mình vào thời điểm mùa đông băng giá và đem đi ép làm rượu. Sự vô tình đó đã khiến cho rượu của ông trở nên ngọt, ngon hơn và có tên là rượu “mùa Đông” (Winter wine), mà người Đức gọi là “Eiswein”. Mãi đến năm 1962 thì “ice wine” được tung ra thị trường như một sản phẩm thương mại phổ biến ở Âu Châu.
Năm 1972 thì “Ice wine” được sản xuất ở Onkanagan Valley nầy do người di dân Đức Walter Hainle làm ra được 40 lít, nhưng rượu nầy không đủ tiêu chuẩn vì thu hoạch sớm và không có băng giá. Rồi năm 1978 ông làm một lần nữa cũng không bán ra thị trường. Nên đến năm 1984 “Ice wine” đầu tiên được đưa ra thị trường bán ở miền Đông Canada là sản phẩm của người di dân gốc Áo là Karl Kaiser ở vùng Ontario.
Hôm nay chúng tôi được đứng ở đây tại Estate của Summerhill Pyramid Winery để thưởng thức món rượu “Băng Tửu” ở vùng Onkanagan nơi được coi là “Make The Best Canadian Ice Wine”. Nhiều người muốn mua nhưng lưỡng lự vì chuyến đi còn dài ngày mà sự mang theo có nhiều phức tạp, vì vậy chỉ có vài người mua thôi. Cũng tiếc cho hãng Summerhill!
Sau một giờ nơi hãng rượu, đoàn lại lên xe vào lúc 10 giờ 40 để đi ra bờ hồ tại Thành phố Kelowna, nơi công viên có tượng con Ogopogo huyền thoại. Đường đi không xa lắm khoảng chừng trên 10 phút đồng hồ xuống đồi thì chúng tôi đã đến công viên Kerry Park nhìn ra bến du thuyền và nơi cho mướn những chiếc thuyền dạo chơi trên mặt hồ. Nơi nầy được gọi là Downtown Marina Kelowna.
Hinh tuong Ogopogo.

Cảnh sông hồ, cây cối có nhiều thú vị, lại thêm đường phố nhộn nhịp ở một bên. Mọi người lại thêm một khoảng thời gian để chụp hình kỷ niệm cho một chuyến đi xa. Cuối công viên nầy là nối với một công viên lớn của Thành phố có một tượng hình hai cánh buồm cũng là nơi để chụp ảnh đẹp và nhất là hình tượng con Ogopogo. Tượng nầy người ta gọi là quái vật (monster), nhưng nó lại giống với hình tượng con rồng đơn giản mà phương đông của mình hay nói đến. Ở công viên nầy có điều làm cho người ta thích thú là cái “toilet gia đình”. Hai vợ chồng đều có thể sử dụng cùng lúc, một bàn ngồi ở trong và người đứng ở ngoài.
Kelowna là Thành phố lớn thứ ba của Tỉnh British Columbia với số dân khoảng 195,000 dân nằm hai bên bờ hồ trong thung lũng Onkanagan cao 344m so với mặt nước biển. Người ta tính khoảng 9,000 năm trước đã có người đến đây, nhưng người Âu đầu tiên đến định cư ở đây để truyền đạo là ông Cha thuộc Thiên Chúa Giáo La Mã là Charles M. Pandosy, người Pháp. Kelowna là tên chính thức từ tháng 5/1905. Khi thành phố kỷ niệm 100 năm thì cầu mới William R. Bennett với năm làn xe chạy được xây dựng và hoàn thành vào năm 2008.
Không biết quái vật Ogopogo có thật hay không, nhưng trên đường khi đến đây, Hướng dẫn viên Vincent có đề cập đến những thông tin đã có và chiếu phim tài liệu truy tầm quái vật nầy cho chúng tôi xem. Lúc ấy tôi cũng chẳng quan tâm lắm. Khi vào Thành phố Kelowna, lại đến công viên Kerry Park và Cô Liên (Dẫn đoàn) kêu tôi đứng bên cạnh để chụp hình dùm tôi với hình tượng Ogopogo; thì trong đầu óc tôi lại nghĩ miên man về con rồng của văn hóa Trung Hoa có ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Không lẽ đây là hình ảnh sơ khai của con rồng mà về sau người ta thêm thắc những nét đẹp đẽ, thêu dệt để con rồng trở thành một con vật trong 4 loài thuộc Tứ Linh: “Long, Lân, Qui, Phụng” để rồi Rồng là biểu tượng cho Thiên Tử, Hoàng Đế, Hoàng tộc; còn trong dân gian Rồng hiện ra hút nước, làm trời mưa. Quái vật nầy cũng tạo được một quá trình huyền thoại mà tài liệu đã ghi lại như sau:
Vào Thế kỷ 19 người dân bản địa nhìn thấy nó giống như một loài rắn biển dài khoảng 12 đến 15m mà người ta nghĩ như một vị thần ở hồ, rồi hiến tế để cầu mong sự bình yên. Nhưng vào năm 1926 rất nhiều người trên 30 chiếc xe hơi ở bãi Okanagan Mission đều cho rằng mình đã thấy cùng một việc. Năm 1968 đoạn phim của Art Folden cho thấy có làn nước liên hệ tới sinh vật nầy. Năm 1978 truyền hình vào cuộc với loạt phim “In Search of”. Và năm 1990 Canada phát hành con tem về Ogopogo; 1996 X-files có đoạn phim đề cập đến Ogopogo. Đến năm 2005 National Geographic có một phần về “quái vật” trong “Is It Real: Monster of the Deep”, và huyền thoại về con vật nầy còn tiếp tục được đề cập đến nhiều lần nữa trong những năm sau đó. Và chắc chắn sẽ được nhắc tới dài dài về sau nầy như các mục tiêu khám phá cũng như là  “quảng bá” cho Kelowna và vùng hồ Onkanagan nầy để thu hút du khách và kẻ hiếu kỳ vậy!
Sau đó, mọi người lên xe từ giã chốn nầy để băng qua cầu về phần phía Tây của Thành phố và nương theo đường 97C mà tiến về Meritt. Đường đi dần lên cao, không biết có phải đường lên đỉnh cao của dãy núi hay không mà dọc đường nầy còn rất nhiều tuyết bao phủ trắng từ trong rừng cây cho đến ngoài cánh đồng. Thỉnh thoảng hình như xe đi qua những luồng mây với mờ sương và ẩm ướt. Ngồi trong xe tôi cứ mãi mê nhìn ra ngoài với nhiều suy nghĩ: Đẹp thì có đẹp, nhưng mà buồn quá! Về mùa Đông chắc là sự giao thông có nhiều trắc trở, đời sống sinh hoạt gặp có nhiều khó khăn!
Đến 1 giờ xe tới Meritt và chúng tôi ăn trưa ở một nhà hàng Nhật, nhà hàng nầy tương đối lớn và đông khách. Để rồi sau đó, xe chạy xuôi về Vancouver trên Highway 5 với đoạn đường khoảng chừng 270km. Về đến khách sạn Hyatt vào lúc 5 giờ 30. Sau khi nhận phòng và ổn định, chúng tôi lại phải tập họp lại vào lúc 6 giờ 15 để đi ăn tối ở nhà hàng Kirin cách khách sạn hai con đường.

Nguyên Thảo,
01/10/2017.



No comments:

Post a Comment