Sunday, December 3, 2017

*Khi Hoa Anh Đào Nở. (10)



Ở đây, tôi cũng được quan sát cách pha, rót và mời trà với khách của những cô thiếu nữ, bà người Nhật trong bộ đồ Kimono truyền thống ở một gian nhà khách bên hông phải của tượng Phật. Chẳng lẽ đây là cuộc biểu diễn hay là một show gì đó để giới thiệu về một nét văn hóa của nước Nhật: Nghệ thuật uống trà hay còn gọi là Trà Đạo chăng? Không biết trà có ngon không chứ tôi thấy quả thật là cầu kỳ, cầu kỳ như cái chào của nhân viên trên xe lửa tốc hành Shinkansen mà tôi đã thấy.
Ở nơi đây, tôi được biết chính xác trái Anh Đào còn nhỏ xíu đã thành hình, và cũng giải mã được cái mà tôi gọi là ảo giác trên đường khi gần đến hồ Yamanakako bữa chiều hôm trước mà hôm sau đi qua đó tôi lại thấy hình như có màu ửng đỏ. Thì ra ở loại cây ấy có thể giống như cây nầy nó vừa bung chồi thì có những cánh đỏ nở ra, nên cây có cái vẻ màu đỏ mà tôi đã tưởng như mơ!
Lên xe, giã từ Tượng Đại Phật, chùa Kotoku-in kể cả Kamakura để chúng tôi đi: Đi về Yokohama, và bây giờ đã gần 2 giờ chiều.
Qua những đường phố đông đúc, các khu nhà cửa sầm uất, đoàn đến Yokohama khoảng 2 giờ 50, xe đỗ khách xuống gần công viên để từ đó Jennifer hướng dẫn chúng tôi đến với khu Chinatown ở đây.
Được biết Yokohama là một trong những cảng biển lớn, sầm uất của Nhật cùng với các cảng biển khác là Osaka, Kobe, Nagoya. Tên Hán Việt của nó là Hoành Tân Thị, rộng trên một diện tích khoảng 437 km2 và số dân trên 3.7 triệu người. Khởi đầu từ một làng chài của những năm 1853-54, do áp lực của Phó Đề Đốc Matthew C. Perry thuộc Hải quân Hoa Kỳ buộc Mạc Phủ phải bỏ chính sách “Bế quan tỏa cảng” và mở cửa một số hải cảng cho thương buôn ngoại quốc đến buôn bán, nên từ 2 tháng 6 năm 1859 Yokohama trở nên một khu cảng sầm uất như ngày hôm nay.
Bước qua cổng Chinatown, chúng tôi đi vào khu vực buôn bán của người Tàu ở đây. Ở Nhật cũng có nhiều khu Chinatown, nhưng khu nầy được coi là lớn nhất với hơn 2,000 cư dân. Khu được đánh dấu bằng 7 cái cổng lớn ở chung quanh với hơn 500 cơ sở thương mại và trên 300 tiệm ăn. Du khách có thể tha hồ mà lựa chọn và ăn uống.
Nhiệm vụ của Jennifer là hướng dẫn chúng tôi đến đây để rồi sau đó chỉ nói giờ giấc tập họp để lên xe buýt và đi về khách sạn, rồi thì để chúng tôi được tự do, nhưng chỉ yêu cầu là “đừng quên giờ giấc lên xe buýt”.
Đường phố ở đây đông người, len lỏi qua các khu buôn bán, cửa hàng, chỉ mấy bà là còn đi chung với nhau vì họ cần đi chung để xem thứ gì có thể mua được. Chứ mấy ông đi lang thang nhưng cũng dễ lạc nhau vì dòng người xen lẫn. Tôi đi vào cửa hàng bán đồ lưu niệm và lặt vặt, tính tìm mua vài bức tranh lụa, kiểu vẽ đặc trưng, đậm nét Nhật chứ không phải theo kiểu “thủy mặc” của Tàu để làm kỷ niệm, nhưng tìm mãi cũng chẳng biết ở đâu. Chủ thì không hiểu nhiều tiếng Anh, khách thì chẳng biết tiếng Tàu hay tiếng Nhật, mà giải thích thì cũng còn nhiều giới hạn. Ngôn ngữ quốc tế “tay quơ” không đủ để diễn tả cho cả khách lẫn chủ để hiểu nhau, nên đành cố đi tìm. Tìm mãi cũng chẳng thấy đâu nên đành thôi. Đi lòng vòng, dòm ngó nơi chốn đông người, rồi lại dòm vào cái đồng hồ. Đi thì đi, nhưng cứ mãi nôn nao “sợ trễ chuyến đò”. Cuối cùng đưa máy quay quay một số đường phố của khu phố Tàu, rồi đi ra gần chỗ “hẹn hò” và thả rong nơi công viên bến tàu, vừa được hít thở không khí dịu mát của biển khơi mà không phải nơm nớp lo sợ “trễ giờ”.
Công viên nầy có tên là Công viên Yamashita, nó được xây dựng từ sau trận động đất Kanto đã tàn phá nặng nề Thành phố Yokohama vào năm 1923. Ta có thể ngồi trên băng đá nhìn “ông đi qua, bà đi lại” hay ngắm nhìn bông hoa nở vào mùa Xuân, thưởng thức hoa Anh Đào. Lặng nhìn lá cây khô rơi rụng, đua nhau chạy theo chiều gió, hoặc quan sát ngọn hải đăng cao 106 m được xây dựng vào năm 1959 để kỷ niệm 100 năm của cảng. Và ta cũng có thể theo dòng người ra sát bờ để nhìn những du thuyền đang đỗ bến gần đó, cùng nhìn chiếc tàu lịch sử Hikawa Maru đang neo tại đó như là một bảo tàng từ năm 1960 sau 30 năm hoạt động đã đi từ Yokohama đến Vancouver của Canada.
Vợ chồng tôi chụp hình ở hồ phun nước có tượng đài “The guardian of water”, tượng người đàn bà cầm bình nước mà Thành phố San Diego đã tặng cho Thành Phố Yokohama như tình kết nghĩa vào năm 1960, trong khi chờ đợi mọi người tập trung và lên xe buýt.
Cap nha tho vo chong: Nguyen Nhi, Tu Thi Thu Trang va Tuong dai "The guardian of Water"
 


Xe đến đúng giờ, theo Jennifer thì ở Nhật người ta rất trân quý đến giờ giấc, thường không phải trễ nải, hay chậm chạp kiểu “để người khác đợi”, hoặc “lề mề, lễ mễ” của người mình hầu chứng tỏ “ta là người quan trọng”! Ý thức của người Nhật rất cao, có lẽ họ đã được huấn luyện từ nhỏ và từ trong trường học, cho nên trên đường ta không thấy thùng rác công cộng nào mà đường phố vẫn được sạch sẽ, khiến tôi nhớ đến kỳ thế vận hội túc cầu ở Nam Mỹ những người khách Nhật lượm rác chung quanh chỗ mình rồi bỏ vào túi rác đem theo khi vận động trường tan hàng; hoặc chuyện đứa bé nhận được quà người khác cho trong lúc nó đang sắp hàng để nhận quà, nó không cất riêng cho mình mà lại đem lên bỏ vào phần quà chung chờ phân phát như bao nhiêu người khác trong thảm họa kép sóng thần lẫn nhà máy điện nguyên tử rò rỉ ở Fukushima.
Xe chuyển sang Tokyo vào lúc 4 giờ và chừng 50 phút sau, xe dừng lại và mọi người đến tham quan Rainbow Bridge. Xuống xe, Jennifer hướng dẫn đoàn băng qua một ngõ xuống công viên nhìn qua cầu, ngang qua một tượng “Nữ Thần tự Do” được đặt ở đây: Vì rằng: Từ tháng 4/1998 đến Tháng 5/1998 nhân kỷ niệm “The French year in Japan” tượng Nữ Thần tự Do của nước Pháp ở đảo “Ile aux cygnes” thuộc Paris (Pháp) được đem đến dựng ở Odaiba, Tokyo. Vì tính phổ biến tinh thần của tượng nên năm 2000 bản sao tượng đó được dựng lên tại vị trí trưng bày trước, tức là vị trí mà chúng tôi đang chiêm ngưỡng của công viên nầy.
Tuong "Nu Than Tu Do"

Bên kia là Rainbow Bridge. Cầu nầy thuộc loại cầu dây giăng nối Tokyo với khu cảng Odaiba dài 798m, rộng 46m, cao 126m cho những tháp, và phần đường là 52m, được xây dựng từ năm 1987 và hoàn thành vào năm 1993. Cầu có hai tầng: Phần trên là đường tốc hành nối bến phà Shibaura với khu Odaiba ở Minato, phần dưới là cho xe điện và các phương tiện giao thông khác, kể cả khách bộ hành đi ngắm cảnh. Cầu được trang bị ánh sáng bằng năng lượng mặt trời. Điện được tích lũy ban ngày và chiếu sáng vào ban đêm với ba màu trắng, đỏ và xanh lá cây cùng màu xanh dương trên các trụ đỡ. Sự pha trộn màu do ánh sáng cùng sự phản chiếu từ mặt nước nên màu sắc trở nên kỳ ảo của màu cầu vồng và từ đó có tên là Cầu Cầu Vồng.
Cau "Rainbow Bridge" phia sau.

Chúng tôi tham quan ở đó cho đến 5 giờ 25 thì ra xe để đi ăn chiều ở nhà hàng Tàu Long Nguyên cách đó chừng 20 phút chạy xe. Rồi lại ra xe về khách sạn, khách sạn mà chúng tôi sẽ trú ngụ trong hai đêm là Tokyo Dome Hotel. Nhưng ngày mai là ngày tự do, tự mình kiếm chỗ đi cũng như là tự kiếm chỗ ăn hay nói theo tiếng Anh là “Free Day”! Tôi ở tuốt trên lầu 19 nên tầm mắt cũng phóng được ra xa chút ít đối với Thành phố Tokyo nầy!

Nguyên Thảo,
24/09/2017.




No comments:

Post a Comment