Tuesday, December 12, 2017

*Đường Đến Băng Hà. (7)



Tôi và anh Thới vẫn thức dậy từ lúc 6 giờ và đến 7 giờ 15 thì hẹn anh chị Hiệp cùng quý bà đi ăn sáng, mặc dù “morning call” là lúc 7 giờ 30. Và đến 9 giờ 30 cả đoàn lên xe buýt để bắt đầu cho chuyến “City Tour” trước khi rời Vancouver gần tuần lễ để đi lên vùng “Băng hà” của Alaska. Chính vì vậy mà tôi muốn nhấn mạnh đến “Sông Băng” trong tựa đề “Đường Đến Băng Hà” cho chuyến đi nầy.
Cuộc hành trình bắt đầu là chợ Granville, chúng tôi đến đó không bao lâu sau vì không xa lắm. Mọi người được tự do đi vào chợ và chỉ cần nhớ giờ giấc và địa điểm tập hợp lại thôi.
Granville Market là ngôi chợ trong nhà lồng tức là chợ ở trong kiến trúc được che mái và các cửa được kín để tránh những thời tiết nóng lạnh. Theo người ta ước tính có khoảng 275 doanh nghiệp hành nghề tại đây, trong đó có 50 doanh nghiệp thường trực; còn lại phần lớn là những người bán từng ngày trên những quầy hàng cùng những người bán hàng hóa tự làm hay các hàng hóa nghệ thuật mà họ làm ra. Do đó từ các gian hàng hoa cho đến bánh mì, trái cây, tranh ảnh, hàng thủ công, bánh mứt và đồ ăn uống. Tôi cũng thích quay cái cảnh sinh hoạt trong chợ nầy để làm kỷ niệm. Khi tôi chú ý quay cách người ta đổ bánh gọi là “crêpes” thì bà khách hàng người Tây hỏi tôi: “Mầy muốn học làm hả?”. Tôi chỉ cười mà không trả lời. Chắc bả thấy tôi đội cái mũ ấm của đội banh “Port Adelaide” ở Nam Úc nên bả lại hỏi: “Mầy từ Nam Úc tới à!”, tôi gật đầu và bả cho biết bả ở vùng phía Nam của Adelaide gần Đại học Flinder. Mẫu đối thoại ngắn được thành hình: Bả là người sanh đẻ ở Vancouver nầy nhưng có chồng về Nam Úc và nay bả về thăm gia đình. Bả lại hỏi tôi đi với ai và dự định đi ở đâu trong thời gian bao lâu. Rồi bả dẫn con gái đi và tôi cứ lang thang từ chỗ nầy sang chỗ khác để dòm, để ngó, để quay phim. Kể ra cũng vui vì gặp “đồng hương” trên xứ người dù đó là sắc dân nào!
Trước kia vùng Granville Island là khu công nghiệp gồm các xưởng đúc gang thép, lò sát sinh và nhà máy cưa, nhưng từ những năm 1970 với sự phát triển đô thị nên chợ Granville đã thành hình và buôn bán nhiều thứ hàng hóa nhất là chợ nông sản tươi của những nhà nông trồng trọt đem đến, hoặc những hàng thủ công do chính người bán sản xuất từ hàng tiêu dùng như xà bông, phó mát, mật ong… đến những hàng nghệ thuật như khung hình, tranh ảnh, túi xách… Đi vòng trong chợ một hồi, bọn chúng tôi bảy người kéo nhau ra ngoài nhìn tàu thuyền, sông nước và cùng nhau chụp một bôi hình làm kỷ niệm. Thời tiết hôm nay có mưa bay bay, trời nhiều mây và khá lạnh, cho nên hình chắc là thiếu sáng, không rõ lắm! Nhưng cũng không sao, về rồi chỉnh lại cho khá hơn. Do trời mưa, hơi lạnh nên các hàng quán bên ngoài thưa khách, và người lai vãng cũng không nhiều. Gần đến giờ lên xe, chúng tôi phải thả lần ra phía trước và đi ra ngoài.
Đoàn về khu Chinatown. Đây là khu buôn bán sầm uất của người Hoa định cư ở Vancouver. Dọc theo khu vực có những trụ cao màu đỏ treo hình con Panda và tượng con rồng vàng như để đánh dấu cho du khách biết. Vincent đưa chúng tôi đến cổng Chinatown và xem ngôi nhà hẹp mà bề ngang của nó chỉ khoảng chừng 1.7m còn tồn tại đến ngày nay ở ngay góc đường. Tất nhiên là những cơ sở doanh nghiệp hay buôn bán ở đây đều có đề bảng bằng chữ Tàu vì nó là khu phố Tàu mà!
Chinatown nầy là khu phố Tàu lớn thứ ba của vùng Bắc Mỹ, nó được thành hình và mở rộng nhanh chóng sau khi đường sắt xuyên lục địa của Canada hoàn thành vì những người Hoa (khoảng 17,000) nhập cư lao động từ những năm cuối 1800 để xây dựng đường sắt đã ở lại và làm việc trong các ngành nghề khác cùng xây dựng thành một cộng đồng quanh các khu nhà họ đã sống. Và khoảng cuối những năm 1980 làn sóng nhập cư khác của người Hoa từ Đài Loan và Hồng Kông đã tạo nên một khu mới gọi là “Golden Village” ở khu Richmond nâng số người Hoa ở Vancouver lên khoảng 300,000 vào những năm giữa 1990.
Sau đó, Vincent đưa đoàn về Gastown xem cái đồng hồ hơi nước ở góc đường Cambie và Water Street.
Dong ho hoi nuoc.

Đây cũng là một nơi thu hút du khách đến thăm miền Vancouver của Canada. Chúng tôi đến đó vào khoảng 11 giờ 50 cho nên phải đứng chờ. Đến hơn 11 giờ 58 phút thì đồng hồ mới khởi phun khói và đến đúng 12 giờ thì khói phun lên thổi vào những ống bằng đồng phía trên tạo nên những âm thanh thích thú, cả ba lần tức là 12 tiếng, rồi sau đó phói phun vào ống chính giữa giống như âm thanh xe lửa hơi nước ngày xưa bắt đầu chuyển bánh vậy.
Đồng hồ nầy là chiếc đồng hồ hơi nước đầu tiên của nhà chế tạo đồng hồ Raymond Saunders được làm vào năm 1977 với mục đích để trưng bày giờ giấc với bốn mặt bốn bên và báo phút cứ mỗi 15 phút và ống chính giữa để báo giờ. Nó được vận hành do một máy hơi nước và những môtơ điện. Xong, chúng tôi được những giây phút thoải mái trong tiệm bán quần áo và đồ lưu niệm ở góc đường bên kia: Shop Delané. Tôi cần mua thêm một áo ấm khoát ngoài! Xem ra cũng đẹp mà giá tương đối, lại cũng là một kỷ niệm đối với Canada.
Từ giả Gastown chúng tôi lại về khu vực khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông năm 2010 ở gần bờ vịnh để biết nơi đã xảy ra sự kiện lớn, và chiêm ngưỡng những công trình xây dựng quanh kiến trúc đuốc Thế Vận. Kế đó là hình tượng con cá voi “Osca”. Dưới kia là vịnh với những bãi bến của những chiếc “thủy phi cơ” phục vụ cho du khách muốn nhìn Thành phố Vancouver từ trên cao.
Thanh Pho North Vancouver.

Ở đó chụp hình, tham quan đến 1 giờ thì Vincent đưa chúng tôi về Công viên Stanley (Stanley Park). Khu vực đầu tiên mà chúng tôi đổ vào đó là vườn Totem. Nơi nầy người ta trưng bày những thân cây được khắc đẽo những hình tượng thú, chim hoặc người được sơn màu sặc sỡ nối tiếp lên nhau theo chiều cao. Mỗi trụ có chiều cao khác nhau. Đó là nét đặc điểm của người da đỏ bản địa cũng mang tính chất “Thần linh” của họ.
Cong Vien Totem Poles.

Công viên nầy được xem là khu bảo tồn xanh tươi của Thành phố Vancouver, chiếm diện tích khoảng 400 mẫu. Ban đầu là căn cứ của Hải quân Hoàng Gia được chính phủ Anh trao trả cho Thành phố năm 1888 được đặt theo tên của Bá tước Staley of Preston, Thủ Hiến của Canada vào thời điểm công viên được khai trương. Công viên được bao quanh bởi vịnh Vancouver Habour và vịnh English. Bao quanh công viên là con đường Seawall dài 22km, người ta có thể đi xe đạp, đi bộ, chạy bộ cho các hoạt động thể dục hoặc tới công viên nầy nhằm mục đích tham quan, giải trí hoặc nghỉ ngơi, du ngoạn.
Tôi thả ra phía sau vườn Totem để ngắm nhìn ra bờ vịnh để thấy cây cầu Lions Gate Bridge ở phía đàng xa kia, rồi quay cảnh West và North Vancouver.
Lên xe giã từ Công viên Stanley đoàn băng qua cầu Lions Gate sang bờ bên kia là vùng West Vancouver để đi đến cầu treo Capilano.

Nguyên Thảo,
12/11/2017.



No comments:

Post a Comment