Friday, January 5, 2018
*Khi Hoa Anh Đào Nở. (12)
Qua một ngày tự do vừa nghỉ ngơi vừa “đi dạo”, cho nên hôm nay tôi thức dậy có hơi sớm. Tuy nhiên, cũng đi ăn sáng vào lúc 6 giờ 30, để rồi về phòng thu dọn đồ đạc, xuống trả phòng và đợi chờ Jennifer, xe buýt đến đưa đi.
Đoàn khởi hành đi sang Meiji Shrine vào lúc 8 giờ 15. Chừng gần nửa tiếng sau thì đã đến nơi. Jennifer đưa mọi người qua cổng của khu building để vào khuôn viên vườn ngôi đền Minh Trị (Meiji). Cảnh nơi đây thật là yên tịnh. Trên con đường đi vào đền, có đoạn người ta xây hai dãy mái hai bên đường, một bên chứa các thùng rượu nho, một bên là những bình mà theo Jennifer cho biết đó là những thùng chứa rượu sake mà các hãng rượu đã cung tiến cho nhà vua hàng năm thuở trước. Đó chỉ là những thùng không được trưng bày cho mọi người biết thôi chứ chẳng còn rượu. Qua đoạn đường nầy thì đến một cổng Torii cao, không sơn phết làm cho nó có vẻ cổ kính ở nơi không gian rừng rú âm u của công viên, mặc dù công viên nầy nằm ở giữa Thủ đô Đông Kinh của đất Nhật. Có đội nhân công đang gom lá cây, dọn dẹp đường sá cho sạch. Chúng tôi lại qua một Torii khác nhỏ hơn và bước vào cổng để vào khu vực chính của Đền. Chính giữa là sân rộng, hai bên là các gian tả, hữu. Và dãy giữa là ngôi Đền to lớn. Bên dãy hông phía trái có trồng hai cây mà người ta gọi đó là cây vợ và cây chồng, không lẽ tượng trưng cho vợ chồng vua Minh Trị Thiên Hoàng đó chăng?
Đây quả thật là một ngôi Đền theo Thần Đạo, người ta làm những thủ tục cầu nguyện giống như khi đi vào một ngôi đền, có bài viết rằng:
“Nằm liền kề công viên Yoyogi, đền Meiji Shrine góp phần tạo nên khu rừng lớn trong thành phố đông dân sở hữu diện tích lên đến 70 ha. Trong khu rừng có khoảng 100.000 cây tạo nên rừng Meiji Jingu rậm rạp và xanh tốt, nó được hiến từ các khu vực trên quốc gia. Du khách và người dân đến với đền thờ để tận hưởng không khí trong lành, tốt cho thư giãn, tách biệt hoàn toàn với sự nhộn nhịp của thành phố Tokyo.
Đền được thành lập vào năm 1920, sau 8 năm hoàng đế ra đi và 6 năm hoàng hậu qua đời. Thế chiến thứ 2, gặp phải những công kích lớn, ngôi đền bị phá hủy nhưng nhân dân nơi đây đã xây dựng lại theo nguyên gốc ban đầu. Có hai cách di chuyển vào đền thờ: Đi từ phía nam gần ga Harajuku và lối vào phía bắc gần ga Yoyogi. Để vào đền trong, du khách cần đi qua cổng Torii cao 12m được làm từ cây trắc bá 1.500 năm tuổi. Bước vào cổng, một không gian hoàn toàn tĩnh mịch, hướng con người tới sự tôn kính với vị vua uy nghiêm nhất Nhật Bản. Từ cổng đi vào mất khoảng 10 phút, du khách cần rửa tay, mặt để bước vào trong đền cúng.
Khi bước tới chính điện, bạn có thể cúng bái, bày tỏ lòng thành kính đến với ngôi đền này. Ngoài ra, bạn cũng có thể viết những lời nguyện cầu lên mảnh giấy nhỏ và treo lên bức tường gần đó hoặc viết vào những phiến gỗ ema và treo lên bảng cầu nguyện trước cây long não lớn. Tại đền, bạn cũng có thể dùng đồng xu mình đổi để quăng vào hộp ước, vái 2 lần, vỗ tay 2 cái, vỗ lại lần nữa và bỏ tiền vào hộp.
Vào đầu năm mới, ngôi đền đón đến hơn 3 triệu khách du lịch ghé thăm. Đây là con số khác biệt hẳn so với những ngôi đền, chùa trong toàn nước Nhật. Ngoài ra, các đám cưới Shinto truyền thống có thể được tổ chức trong đền.
Đi về phía bắc ngôi đền, du khách sẽ bắt gặp Meiji Jingu Treasure House, được xây dựng một năm sau khi ngôi đền được mở ra. Ngôi nhà này có chứa đựng các đồ đạc cá nhân của vị hoàng đế và hoàng hậu. Ở phía đông có xây dựng một bảo tàng cho những buổi triển lãm tạm thời. Ở phía nam, bạn phải mua vé để vào vườn Nội tham quan. Đặc biệt vào giữa tháng 6, khu vườn này đặc sắc với những cánh hoa tỏa ngát hương thơm, một chiếc giếng nhỏ nằm trong khu vườn”.
Nhân tiện tôi cũng xin trích dẫn một đoạn viết ở tài liệu khác để quý độc giả hiểu phần nào thủ tục cầu nguyện ở một Đền Thần Đạo của người Nhật mà nhiều lần tôi đã thấy, thắc mắc nhưng vẫn chưa hiểu được bao nhiêu:
“Cũng giống như bất cứ đền thờ Thần Đạo trên khắp đất nước Nhật Bản, trước khi bước vào chính điện, du khách phải thực hiện lần lượt các nghi thức rửa tay và súc miệng theo tinh thần thanh tẩy thân tâm của Thần Đạo tại giếng nhỏ Temizuya. Tôi để ý thấy Noriko cầm lấy gáo nước bằng tay phải, hứng nước từ trong bể, dùng nước đó để rửa tay trái trước rồi sau đó đến tay phải. Tiếp đến, cô cho nước vào lòng bàn tay trái và thực hiện động tác súc miệng. cuối cùng, cô cẩn thận dựng gáo nước theo chiều thẳng đứng để nước còn sót lại trong gáo chảy ra hết bên ngoài trước khi úp nó lại vào vị trí ban đầu. Trong lúc cùng nhau đi đến chánh điện, Noriko còn giải thích thêm cho tôi một số điểm quan trọng khi thực hiện nghi lễ chào tại đây. Chẳng hạn như trước khi cầu nguyện thì cúi chào 2 cái, vỗ tay 2 cái. Sau khi cầu nguyện xong thì lại cúi chào 1 cái nữa. Nếu muốn, khách có thể cho vài đồng xu vào thùng lễ vật Saisenbako trước khi cầu nguyện. Những đồng tiền lễ vật dâng lên thần linh này được tin rằng sẽ giúp được con người giảm được phần nào những tội lỗi của mình”.
Nhìn ngắm, quan sát hồi lâu, tôi và anh Ba Quang lại lần ra. Tại cổng vào khuôn viên của Đền có một đội quét rác đang làm. Tôi nghĩ đây chắc là những người thiện nguyện vào làm công việc nầy và có tính cách trình diễn, thực hiện lại phong cách ngày xưa vì họ mặc bộ kimono màu trắng, mang dép với vớ trắng đang cầm cây chổi để quét dọn lá dọc theo hàng rào cây. Còn ở xa xa về phía tay trái của cổng những thợ chụp hình đang dàn cảnh chụp hình cho cô dâu, chú rễ của một đám cưới mới vừa xong.
Lần trở ra chúng tôi không còn quan sát nhiều nữa, một phần vì đã quen với nó rồi, một phần sợ trễ giờ. Nhưng khi ra đến building nơi kiểm soát ra vào nhiều người còn tìm mua đồ lưu niệm ở đây nên tôi cũng nán lại để “dòm” thêm chút nữa. Đến 9 giờ 30, đoàn lên xe buýt di chuyển sang Asakusa Kannon Temple.
Chúng tôi kéo đến cổng đầu tiên của chùa ở kế bên đường vào lúc quá 10 giờ. Ở đây được Jennifer dặn dò đôi điều và hẹn giờ tập trung; Xong, rồi mạnh ai nấy đi hay đi theo từng nhóm riêng.
Cổng nầy có treo cái lồng đèn lớn ở gian giữa, ở hai bên là hai tượng mà theo tài liệu đó là tượng của Thần Sấm (Thần Raijin) và Thần Gió (Thần Fujin) nên cổng nầy được gọi là Cổng Sấm (Kaminarimon) với lồng đèn màu đỏ cao 4m, chu vi 3.4m, nặng 670kg. Cổng được xây dựng vào năm 942.
Qua cổng ta đi vào một con đường đi bộ mà hai bên đầy hàng quán bán đồ lưu niệm và thức ăn trên một đoạn đường dài 250m được thành hình từ năm 1685, người ta tính có khoảng 90 gian hàng và gọi con đường nầy là Nakamise hay còn gọi là con đường mua sắm kéo đến cổng Thứ hai của Chùa là Cổng Kho Báu (Hozomon). Hàng cột của các gian hàng đều được sơn màu đỏ và phía trên đều có treo cờ Phật giáo.
Sở dĩ cổng thứ hai được gọi là Cổng Kho Báu vì có nhiều báu vật của chùa được cất giữ tại đây. Cổng được xây dựng đồng thời với cổng ngoài, nhưng bị cháy nhiều lần nên cổng được xây dựng lại bằng bêtông vào năm 1964. Bước qua cổng là đến sân Chùa với khu Chánh điện ở trên nền cao với những bậc thềm đi lên. Chùa rộng lớn và uy nghi, du khách và khách viếng chùa đông đảo, khói hương nghi ngút; nhưng tôi không vào chùa mà chỉ quay ghi lại những hình ảnh mà thôi vì e không đủ giờ.
Nguyên Thảo,
23/10/2017.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment