Thursday, January 13, 2011

Đạo Phật 8- Một Sự Tình Cờ...!

(Hay: Cái Có Và Cái Không Trong Đạo Phật)

Tặng: PHAN THIẾT
Tác giả: Hành Hương Đất Phật.


Nói đến cái Có và cái Không trong Đạo Phật thì không phải dễ. Nhiều lúc trong đầu óc của tôi cũng “mường tượng” được vấn đề, nhưng rồi nó lại bay đi. Thế là từ “cái không” tôi tưởng rằng tôi sẽ có “cái có”; mà rồi từ “cái sắp có” tôi trở về “cái không”. Tôi có “chơi chữ” không bạn nhỉ? Chắc bạn sẽ bảo rằng tôi đang bị bệnh “lẩm cẩm” rồi chăng !
Hôm tháng 5/ 01 vừa qua, hai vợ chồng tôi ráng thu xếp công việc làm ăn để hộ tống ba tôi đi một vòng thăm viếng bà con ruột thịt ở Mỹ, ở Áo. Khi đến Melbourne thì em tôi đưa cho tôi cuốn Hành Hương Đất Phật của Phan Thiết mà tôi đã gởi nó mua dùm trước đó cả tháng, nhưng nó quên gởi xuống cho tôi. Thế là ở phi trường tôi lật chương Tổng luận đọc lai rai “Khởi đi từ lòng nghi ngờ ‘có không’ tôi viết tác phẩm này để đi tìm cái không cái có trong đạo Phật” (trang 151), và ở đoạn khác “Nhà Phật đã ngụy biện tối đa, cái rốt ráo là cái không, nhưng đạo thì có! Và tôi khảo cứu cái đạo này” (trang 152), hoặc “Tôi đã thấy từ số không, các người chủ trương đạo Phật làm ra có” (trang 152). Phan Thiết đã không ngần ngại nói “Tôi trả lời vắn tắt như thế này: ‘Đạo lý của Đức Phật và đạo lý của nhà Phật mang mầm mống ngụy biện” (trang 155), “Bảo rằng có cũng đúng, bảo rằng không cũng đúng, vừa có vừa không càng đúng hơn vì là trung đạo! Nói suôi cũng lọt, nói ngược cũng trơn” (trang 155-156). Và ở phần cuối chương Tổng luận Phan Thiết lại viết: “Tôi vì thương yêu dân nước tôi mà lập ngôn qua các sách viết về các đạo giáo...”.
Tôi nghĩ: Quả thật tôi thương thầm cho Phan Thiết...Và tôi lật qua: Vài hàng về Tác giả: “Tên thật là Nguyen kim Khanh, tốt nghiệp cử nhân Luật Đại học Sài gòn, trước 30/4/75 là Thẩm phán thuộc Tối cao Pháp viện Việt Nam Cộng Hòa”... (À! Thì ra thế!) .Và các “Tác phẩm sẽ phát hành: Hành Hương Mếchca -Hành Hương Đất Thánh -Hành Hương Lộ Đức, Pha ti Ma -Thiên Đường Địa ngục đôi bên -Bộ lịch sữ Tín ngưỡng và các Tôn giáo -Cuộc Cách mạng Tình dục”.
Quả thực là những chủ đề lớn! Bỏ 8 năm nghiên cứu để viết tác phẩm Hành Hương Đất Phật, và như vậy các tác phẩm sau sẽ đến bao giờ?...? Nhưng chuyện đó không phải là chuyện của tôi. Mà liệu Phan Thiết viết các tác phẩm sau có đúng hay không? Hay là Phan Thiết lầm lẫn Triết học Ấn độ, Ấn độ giáo với Phật giáo như trong cuốn sách nầy. Đôi lúc tôi lại có ý nghĩ lếu láo: “Phan Thiết giống như ‘một tên giết người’ chuyên tìm giết những người nổi tiếng để mai nầy ai nhắc đến người nổi tiếng đó, cũng đều nhắc đến Phan Thiết vậy!”. Thí dụ tôi nhớ Tổng thống Kennedy thì sẽ nhớ đến ‘thằng’ Lee Oswald. Nhưng tôi nghĩ lại tôi chỉ là một nông dân tầm thường, trình độ văn hóa lớp 12, thôi cứ đọc bài ‘Tôi đọc ‘Đất Việt, Người Việt, Đạo Việt’ & ‘Hành Hương Đất Phật’ của Phan Thiết” của Trần Chung Ngọc thì gọn hơn. Và rồi tôi đành trở lại chuyện của mình.
Trên chuyến bay đêm từ Auckland đi Los Angeles. Vào khoảng 6, 7 giờ sáng máy bay còn trên vòm trời của biển Thái Bình Dương, tôi và Ba tôi ngồi gần cửa sổ nhìn ra ngoài, nhìn xuống thâm thẩm phía dưới thấy mây đóng lớp dày đặc. Khi mặt trời lên lớp mây ấy tan dần để lại khoảng trời trong vì ngày hôm ấy thời tiết ở Cali tương đối tốt. Vậy thì lớp mây ấy là “có” (sắc), khi bầu khí quyển nóng lên làm các mây đó trở lại dạng hơi nước hòa lẫn trong không khí (không) bốc lên cao nữa, đến nơi nhiệt độ lạnh hơn nó sẽ ngưng tụ thành mây trở lại (sắc) thì bản thể của hơi nước trong trường hợp ấy có lẽ là “sắc bất dị không” hay là “không bất dị sắc”. Thế chắc là tôi ngụy biện, hay là Phan Thiết không hiểu được điều cơ bản về khoa học?
Và cũng từ vấn đề nầy, tôi mới nhớ lại cách đó vài ngày, nhân chuyến bay từ Sydney về Adelaide. Hôm máy bay cất cánh, thời tiết xấu, mây chập chùng chắc phải hơn “chín tầng mây”. Mỗi lần vào một tầng mây, tôi thấy máy bay lại cố vượt lên tầng mây ấy, gần như để tránh đi nguy hiểm hoặc là sự thay đổi áp suất không khí đột ngột trong các tầng mây có thể làm ảnh hưởng đến máy bay. Cuối cùng máy bay cũng bay trên tất cả các tầng mây. Tôi tưởng tượng tôi đã kiểm chứng được điều mà tôi học về địa lý ở những năm xưa khi còn nhỏ về thượng tầng không khí. Nơi đó các luồng đối lưu, sự chuyển động, vẩn đục không khí không còn có ảnh hưởng đến nữa.
Chắc bạn cũng sẽ cười thầm cho tôi, vì đầu óc tôi sao mà phong phú tưởng tượng vậy! Chưa đâu bạn ạ! Như ở đại dương cũng có hiện tượng ấy nữa. Trên lớp mặt của đại dương có nhiều sóng vì do gió; có dòng nước nóng, nước lạnh luân lưu vì do sự thay đổi nhiệt độ trên mặt biển tại các vùng lạnh nóng khác nhau. Nhưng vào một độ sâu nào đó, tôi không nhớ rõ, từ mặt nước: Một thế giới rất yên bình, không hề lay chuyển mà nhiệt độ là 4 độ C, vì tỉ trọng của nước nặng nhất là ở 4 độ C.
Tại sao tôi muốn nói với bạn các điều ấy? Quả thật rất khó khi muốn nói đến một hiện tượng khoa học mà bạn cần phải dẫn chứng, chứng minh. Và khó hơn nữa là điều kiện siêu hình; chứng minh cho một việc siêu hình không phải là dễ, nó sẽ khó hơn nhiều.
Qua vài ví dụ trên, tôi muốn nói với bạn một điều: Tầng nước đại dương bị lôi cuốn xáo trộn ở trên mặt, hay tầng khí quyển chứa chấp các lớp mây, thay đổi áp suất, có gió di chuyển giống như cái cảnh luân hồi trong tam giới hay là cõi uế độ mà con người bị lôi cuốn, quay tròn trong đó, muốn ra cũng rất là khó khăn... Còn tầng đại dương hay lớp không khí an bình, không vẩn đục, không bị khuấy động giống như cõi Phật độ, cõi Thanh tịnh, Niết bàn. Được vào cõi ấy ta rất là ung dung, an nhiên tự tại, không hề bị lôi cuốn nữa trừ khi là “Ta muốn”.
Và khi chúng tôi đến Áo ở nhà bà cô, tôi nhìn thấy bức tranh thủy mặc của Tàu. Ngày xưa, tôi cũng thường nhìn các bức tranh loại ấy lắm, vì quê tôi có rất nhiều người Hoa, hầu như nhà nào cũng có vài bức tranh loại ấy. Lúc nhỏ đi chơi với con họ, đến nhà thấy các tranh đó có đường nét ngộ ngộ, lúc đậm lúc nhạt, lúc nhỏ lúc to, lúc biến mất, lúc hiện, đứt khúc không liên tục. Thế mà bây giờ tôi nhìn thấy, đầu óc thoáng hiện một sự khám phá. Nói là khám phá chứ thực sự nó chỉ là góc cạnh nhìn. Tôi cố nhìn bức tranh một lần nữa, nhìn kỹ và đặt mình trên góc cạnh của người vẽ, giống như tôi đang ngồi bên cạnh tác giả khi tác giả vẽ bức tranh. Lúc ấy, tôi mới nhớ lại đa số các bức tranh sơn thủy, thủy mặc thường có góc cạnh nhìn từ lưng chừng núi. Cảnh tranh mờ nhạt, ẩn hiện, đứt khúc là do cảnh sương mù, hoặc mây ở bên ngoài. Cảnh dưới núi người, vật thì nhỏ, cảnh núi bên kia thì lớn. À! Thì ra người họa sĩ của tranh Tàu xưa kia thường là các kẻ sĩ ở ẩn, họ ngao du sơn thủy, thấy cảnh đẹp họ ghi nét thành tranh; với mực tàu giấy bản thế thôi! Cho nên lòng họ phóng khoáng với cảnh vật. Và bây giờ tình cờ tôi mới nhìn được qua tranh để thấy sự phóng khoáng của tranh và mới thấy lại được sự phóng khoáng của tác giả... Giống như bạn tôi đã nói với tôi khi vào thăm vườn Nhật ở Portland (Tiểu bang Oregon- Hoa kỳ): “Sao mà vào đây tao cảm thấy thật là yên tịnh quá mầy, cở như mình đi tu được vậy!”. Đó là cái nét Đông phương mà người Tây phương khó tìm ra nỗi. Nhớ lại chuyện ấy, tôi lại càng thương Phan Thiết hơn nữa! Phan Thiết vốn có cái nhìn, cái quan điểm của người Công giáo; Vả lại, nghề của Phan Thiết là Luật sư, Thẩm phán có thể cải ở tòa “Trắng thành đen, hay tạo đen thành trắng”, hoặc hiểu chuyện đời đơn giản như là trong kinh Thánh; nên Phan Thiết chưa có thể biết, đi sâu vào tâm hồn hay tâm linh của con người. Vì thế Phan Thiết nghiên cứu, tìm hiểu đạo Phật làm sao mà đúng được! Cũng như Phan Thiết chưa hiểu được tinh thần phóng khoáng, ẩn dật siêu thoát của người tạo ra bức tranh thì Phan Thiết không thể nhìn, hiểu được ý nghĩa của bức tranh. Đối với tôi, Phan Thiết có cố tình đánh phá đạo Phật hay không, điều ấy không cần thiết, vì thế giới nầy đầy dẫy “Chủng loại” Sa tăng và Ma vương không chỉ phá Phật mà còn phá người nữa. Tuy nhiên, qua tác phẩm, Phan Thiết muốn chứng tỏ con người của mình cho mọi người biết... Biết về cái gi? Cái đó tùy theo cái nhìn, cái quan niệm của người đọc..! Và nhất là tôi cảm thấy tội nghiệp cho các giáo sư dạy ở trường Luật xưa kia và tiếc cho chế độ đã nhận Phan Thiết vào làm ở Tối cao Pháp viện. Thế thôi!
Nhân một chuyến đi, nhân một việc làm của Phan Thiết, tôi cũng muốn ghi lên một số sự kiện về “có” và “không” trong đạo Phật, mà cuối năm 1999, đầu năm 2000 tôi đã ghi lại một cách tổng quát trong bài “Những ý kiến đóng góp về một phương pháp Thiền” đã đăng toàn bộ trên báo biếu địa phương “Nam úc Tuần báo” số 236 ngày 31-3-2000 với bút hiệu “Bất Hạnh”.
Trước hết để dễ hiểu hơn, tôi xin dẫn chứng về không khí. Không khí của quả địa cầu là một thể trong suốt, bàng bạc khắp nơi. Nếu nói về cụ thể bằng hình dạng, bóng sắc thì ta không thể cho nó là có, mà phải nói nó giống như không (không). Tuy nhiên khi ta bơm nó vào bong bóng, hay vào chiếc xuồng bằng nhựa thì không khí trở thành (có), nó có hiện hữu trong các hình dạng ấy. Nếu ta xả xẹp xuồng, hoặc bong bóng bị vỡ đi thì không khí sẽ trở về nguồn gốc của nó, nó sẽ không còn có hình dạng và ta không còn thấy nó nữa (không). Khi ta đã biết rõ như vậy thì “sắc” sẽ không khác với “không”, và khi ta sử dụng cái “không” đó để tạo thành cái “sắc” khác thì “không” không khác với “sắc”, hay xa hơn nữa “sắc tức là không, không tức là sắc”, thì các thứ lệ thuộc theo sắc như thọ, tưởng, hình, thức cũng sẽ “là như vậy” (diệc phục như thị).
Và tôi xin mượn một ví dụ khác để từ hai ví dụ nầy ta sẽ đúc kết lại để bạn và tôi có thể hiểu được cái có, cái không trong đạo Phật, và có thể làm cho Phan Thiết hiểu được đạo Phật nhiều hơn mà tránh đi được những nét hàm hồ, hiểu sai lạc đạo Phật vì lời kinh trong đạo Phật không quá đơn giản như các lời trong kinh Thánh.
Bạn cứ theo dõi một kịch sĩ “Phật tanh” (vô hình vô tướng nên gọi là “Không”) của một ban kịch. Kịch sĩ cố gắng diễn xuất sắc vai trò (sắc) trong tuồng ngày hôm qua, sau khi chấm dứt vai trò, kịch sĩ (không) ra sau hậu trường vui vẻ với bạn bè (trở về không). Đêm nay anh ta sẽ đóng vai khác (sắc) trong tuồng khác. Xong tuồng anh ta cũng sẽ trở về sau hậu trường (không). Đợi chờ ngày mai trong một vai khác (sắc) của vở tuồng khác. Đến một ngày nào đó, anh ta không muốn hát nữa thì lúc đó anh ta sẽ bỏ nghề, thôi hát (đi tu, giác ngộ trở về “cõi không” thanh tịnh).
Thì chuyện trong đạo Phật cũng giống như thế. Khởi đầu Phật tánh vốn vô hình vô tướng (không), nhưng vì u mê (bởi màn vô minh) nên Phật tánh ham có hình dạng bóng sắc (sắc) mới rời cõi thanh tịnh. Rồi từ hình dạng ấy mới có lục căn, lục trần, thọ tưởng, hình, thức và đồng thời đi đến sanh, bệnh, lão, tử, khổ... Và do nơi nghiệp tạo tác từ trong kiếp trước mà luân hồi qua kiếp sau. Xong vai trò kiếp nầy đến vai trò của kiếp khác. Phật tánh bị quay cuồng liên tục trong vòng luân hồi như người ta bị quay vòng theo xoáy nước, muốn ra khỏi thật là khó khăn. Đến một lúc nào đó, Phật tánh không muốn hát nữa vì quá nhiều phiền não, buồn chán nên tìm đường tu và được giải thoát trở về nơi thanh tịnh, niết bàn, chân không diệu hữu.. Thế nên ta có thể nói: “Ra đi là do sự u mê, trở về là do sự giác ngộ”. Tại sao gọi là “chân không diệu hữu”? Chân không ấy không phải là cái không có, mà là cái cõi chứa cái thường hằng, cái bất biến, không thay đổi về bản chất, kể cả Phật tánh của mọi chúng sanh. Nhưng tất cả đều vô hình vô tướng. Là cái cõi không (không có sắc) nhưng không phải là không (không có gì), ấy là “không phi không”. Và trong điều kiện nào đó tùy duyên, khế hợp mà một số sẽ hiện thành có (hữu), nhưng cái hữu bây giờ chỉ là mượn hình thức trong thời gian nào đó để rồi rốt ráo cũng sẽ trở về với không, cho nên “hữu phi hữu” (đấy là diệu hữu). Tức là trong “cái không” nó đã ẩn tàng tất cả những điều kiện, nguyên tố, yếu tố để tạo ra “cái có”, và trong cái “có” đã ngầm chứa cái “không”. Để dễ hiểu hơn, bạn thử tưởng tượng khối không khí quanh trái đất giống như là “cái không” trong đạo Phật vì nó không có hình dáng bóng sắc nên bạn không thấy được. Trong khối khí đó chứa không phải chỉ có N2, O2, H2O, Helium, Neon, CO2 , Argon... mà chứa đầy đủ các nguyên tố, yếu tố để tạo ra mọi vật. Tất cả đều vô hình vô tướng, hiện diện yên bình ở cõi thượng tầng không khí. Nhưng trong điều kiện “u mê” nào đó H2 , và O2 lại rời khỏi thượng tầng không khí đi vào hạ tầng. Ở đây H2 và O2 bị kết hợp, ngưng tụ thành mây, mây bị gió đưa đi, để rồi thành tuyết, mưa đá, mưa, hay mưa phùn, sương mù rơi xuống thành suối, sông chảy ra biển cả. Rồi nước lại bốc hơi lên và nối tiếp chu kỳ khác giống như chúng sanh bị lôi cuốn vào cõi luân hồi. Giả sử khoa học điện giải nước thành H2 và O2 để trả về thượng tầng không khí, để chúng trở lại cuộc sống an bình, giống như người đi tu để được giải thoát, về với cõi Niết bàn, và sẽ không bị luân hồi, quay trong vòng đau khổ nữa.
Cho nên “có sắc” hay “không có sắc” cũng chỉ là “cái Phật tánh” lúc ẩn lúc hiện thế thôi! Hiện dưới hình thức nào đi nữa thì bản thể Phật tánh cũng không thay đổi như lúc ẩn. Vì vậy “sắc” chẳng khác gì “không”, “không” không khác gì “sắc” (sắc bất dị không, không bất dị sắc). Nếu dùng trí huệ rộng lớn để hiểu tận cùng rốt ráo thì “sắc tức thị không, không tức thị sắc” (Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật), “sắc cũng là không”, như vậy những gì cùng theo với sắc như thọ, tưởng, hình, thức, lục căn, lục trần, sanh bệnh, lão, tử lại cũng là không; thì cái pháp để giải thoát cho cái “sắc” là Tứ Diệu Đế, Bát chánh đạo, Lục độ cũng sẽ là không có, vì không còn có cái “sắc” nữa.
Cũng với tinh thần Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật ấy, bạn quán tất cả thân xác “dường như” không có, thì những điều làm cho bạn cảm thấy khổ, thấy đau đớn, lo ngại, sợ sệt, mộng tưởng, điên đảo sẽ dần dần không còn nữa. Lúc đó bạn sẽ tiến lần đến được đạo Vô thượng Bồ Đề, thế là “Thị đại thần chú, thị đại minh chú.. năng trừ nhứt thiết khổ, chơn thiệt bất hư”.
Vì bài Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh nói quá cao xa, nên “Ngài Thẩm Phán” Phan Thiết không thể hiểu được mặc dù ngài đã bỏ ra 8 năm,... “Kẹt thế” ngài bèn “quơ đùa, quơ đại” nhằm phải Triết học Ấn độ, Ấn độ giáo và đạo Kỳ na để rồi đem gán ghép vào cho Đức Phật, Phật giáo; cố tình xuyên tạc, mạ lị. Tội nghiệp cho “con nhái muốn làm con bò”!
Nếu miệng đời, người ta không nói bậy, lỡ mà Phan Thiết đang có bệnh hay đang chịu khổ đau bởi thân xác “thật” thì “Ngài Thẩm Phán” cứ coi cái xác của ngài có cũng như không đi (sắc bất dị không) thì có lẽ ngài sẽ thấy tinh thần của mình an lạc hơn nhiều; hoặc ngài coi cái bệnh của ngài hiện nay như là cái “quả” phải trả của những kiếp xa xưa, thì ngài sẽ tâm bình, thản nhiên, và mặc cho việc đời cứ qua... Và nếu “Ngài Thẩm Phán” chịu khó một chút, biết tận dụng chuỗi ngày còn lại để tập “Tĩnh tâm, Thiền định” thì ngài sẽ hiểu được, hay thấm thía đạo Phật hơn thêm. Lúc ấy, ngài mới thấy công trình ngài viết là “một cái gì thật là bậy bạ”, là không đúng. Biết đâu ngài lại phải chối bỏ, khai tử nó cũng không chừng! Và đồng thời, từ đó ngài có thể thực sự nhận thức được “Đâu là chân lý, đâu là tà đạo, đâu là Chính Giáo, và đâu là con đường sau cùng đúng đắn nhất mình chọn để mà đi...!”.

Nguyên Thảo,
16-07-01.

Sau Lũy Tre Xanh

Ngày xưa, Đồ tôi không biết đọc đâu đó kể về chuyện một người đi tha phương; đến khi có dịp trở về làng quê, khi về đến cách làng còn khá xa, nhìn thấy lũy tre xanh bao bọc quanh làng, người ấy đã ứa lệ, lòng bồi hồi khôn nguôi. Những nỗi niềm, những kỷ niệm của những thời thơ ấu, thiếu niên và trưởng thành lẫn bao nhiêu buồn vui đã "dính chặt" với bờ lũy tre xanh lại hiện về.
Trong lần đầu tiên sau bao ngày xa xứ, khi trở về làng quê, Đồ tôi cũng đã hưởng được cảm giác ấy, nhưng nó không được thắm thía cho lắm! Vì rằng, thời gian hôm nay, Đồ tôi ngồi trên xe hơi để thấy, để nhìn; cái nhìn ấy nó nhanh quá, chỉ thoáng qua trong thời gian không lâu; và với người đông đầy, thay đổi quá nhiều, sự ồn ào khác biệt ấy chiếm mất cái rung động của con tim, đánh tan đi những kỷ niệm được khơi dậy trong lòng, trong tâm khảm. Tuy nhiên dù sao, Đồ tôi vẫn thấy bồn chồn nao nức nghĩ đến sắp gặp bạn bè, thấy lại một số những cảnh xưa, con đường đất quanh co, và được nhìn cái nhà yêu dấu...!
Lũy tre xanh, trong thời gian thật dài nó vẫn thế! Người ta không cần phải chăm sóc, vun bồi. Người ta chỉ rong, phát làm cho nó có được vẻ gọn ghẽ hơn, hoặc chặt những cây già, đúng tuổi để sử dụng vào những ích lợi khác như đan đát các dụng cụ trong nhà: rỗ, nia, giần, sàng, thúng, mủng..., hoặc những công trình xây cất: nhà, chòi, vách..., hay các giàn cho các loại dây leo như đậu rồng, đậu ván, bầu, mướp, khổ qua tây v. v...
Khi còn bé, Đồ tôi không mấy ưa những hàng tre ấy. Chúng là những chướng ngại để Đồ tôi có thể nhìn chân trời khoảng khoát tới mãi tận xa; hay nhìn được cái gì xuất hiện trên trời một cách dễ dàng hơn. Đồ tôi ghét chúng nhất là những cái gai nhọn, bén có thể đâm lủng chân nếu mình sơ ý dậm phải, hoặc xe đạp chạy cán nhầm; đó là những phiền toái và bực mình. Nhưng, một ngày nọ, Đồ tôi lại cảm thấy yêu mến nó một cách lạ lùng! Vào những ngày mưa to, gió lớn, bão bùng; chính những hàng tre ấy lại là những hàng chắn che chở cho cả những thứ gì nằm trong vuông tre: Từ cây trái, cho đến nhà cửa và cả con người lẫn súc vật. Những ngày ấy nhìn thấy các ngọn tre bị thổi nghiêng qua nghiêng lại một cách dằn vặt, tang thương; lá bay tơi tả, xác xơ, nhưng rồi tre vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt"! Sau cơn mưa "đời vẫn thế!". Đến mùa chim dòng dọc làm ổ trên tre, mới là một cảnh tượng đẹp làm sao! Những chiếc ổ chim xinh xắn, khéo léo có thể nói là đẹp nhất trong các ổ của loài chim mà Đồ tôi được nhìn thấy từ trước đến nay, và có thể trong suốt cuộc đời của Đồ tôi. Chúng vừa ấm cúng, vừa bảo vệ cho những chim con không bị nắng mưa. Những chiếc ổ ấy, đong đưa theo ngọn gió cùng với cành tre vững chắc. Hàng trăm, hàng ngàn chiếc ổ như vậy, treo lủng lẳng khắp nơi dọc theo hàng tre, Tiếng chim mẹ, chim con ríu rít như trong một khu vườn đầy chim; cảnh thiên nhiên ấy làm cho Đồ tôi khó quên, khó quên như một thời thơ ấu của mình!
Thời thơ ấu của Đồ tôi được gói gọn trong những vuông tre, từ vuông tre của bên nội, rồi đến vuông tre quê ngoại, cũng như tất cả đứa trẻ khác được sinh ra và lớn lên trong những vùng quê. Lũy tre xanh đều gắn liền với bao nhiêu kỷ niệm nơi chôn nhau cắt rốn, hay ít ra một lần trong đời cũng được nhận biết về hình bóng của "lũy tre xanh".
Lũy tre xanh không đơn giản chỉ là bao nhiêu đó thôi; chúng nó còn đi xa, đi xa hơn những điều ấy rất nhiều. Đồ tôi không biết lũy tre xanh được thiết lập tự bao giờ, nhưng chúng cũng đã cho Đồ tôi những khoảng thời gian vui thú để tập bắn chim bằng "giàn thun" hay còn gọi là ná. Xách giàn thun, mang bị đá hoặc đạn đất sét phơi khô lần theo tiếng chim. Ô! nó chỉ là con chim "óc mít", vì nó chỉ to bằng một hột mít; nhắm kỹ, giương giàn thun lên, kéo rồi thả ra; đạn trúng vào cành gai của tre và con chim chuyền đi nơi khác. Cứ thế mà theo đuổi con chim trong hàng giờ, cuối cùng đành bỏ cuộc đối với nó. Hoặc những lúc cùng bạn bè đi săn "cắc ké" để được một nồi cháo ngọt "ngất ngư".
Trong làng xóm thôn quê có cách tổ chức tương đối là hoàn thiện. Mỗi gia đình được một khoảng đất khá rộng rãi, trong vuông đất đó có chỗ để cất nhà, nhà lớn hay nhà nhỏ tùy thuộc vào khả năng tài chánh của gia đình đó; có nơi đào giếng nước, làm chỗ chăn nuôi, nhà kho, chuồng nhốt bò trâu, nhà xe và chứa những dụng cụ nông nghiệp; có đất để lập thành một khu vườn cây ăn trái, nào bưởi, chuối, đu đủ, vú sửa, khế, dừa, hồng quân, mít, ổi hoặc những loại cây dùng làm nọc tiêu, ngoài ra người ta còn trồng những loại cây có bông như điệp, bông trang, hoặc trước sân trồng các loại khác như bông vạn thọ, mồng gà, cúc, móng tay, hoa dừa, bông mai v..v... để làm đẹp thêm khu chung quanh nhà ở. Nhưng dù thế nào chung quanh vuông ấy thường thì người ta cũng trồng tre. Có khi người ta trồng thêm một hàng "tầm vông" và vài bụi trúc để khi cần người ta có thể đốn xuống để sử dụng mà khỏi phải đi tìm đâu xa. Với tầm vông thì làm giàn bầu, mướp... hoặc cây ngang làm khung để chịu các tấm tranh, lá, khi lợp mái nhà và những việc cần thiết khác; còn trúc để làm cần câu, đan những tấm liếp cho việc phơi bánh tráng chẳng hạn. Mọi gia đình một vuông, vuông nầy kế tiếp vuông kia thành một xóm, thôn hay ấp. Và nhiều thôn ấp thành xã. Rồi xã nầy tiếp nối xã kia thành quận, huyện, tỉnh và một quê hương.
Không biết trong lịch sử định canh định cư của dân tộc chúng ta thế nào, chứ nhìn qua một cách tổng quát Đồ tôi cũng khá ngạc nhiên: Vì có nhiều thôn xóm chạy dọc dài theo những cánh đồng lúa, những bình nguyên cho đến tận những vùng tương đối hẻo lánh sát với rừng già, có thể nói là thiếu những phương tiện giao thông lẫn những sinh hoạt văn hóa. Điều ấy, khiến Đồ tôi "cảm thấy" lạ lùng mà phải tò mò. Đành rằng trong thuở xa xưa nào đó, khi con người biết cách trồng trọt lúa nước, họ đã từ giã những vùng rừng núi và tiến về đồng bằng để canh tác trên những vùng đất mầu mỡ, thuận lợi dễ dàng cho đời sống; họ đã từng nhóm đi khai phá những khu vực hoang vu dọc theo những dòng nước: sông, rạch, suối. Công sức khai phá đồng nghĩa với sự chiếm hữu. Đồng ruộng lần được mở rộng, và những vùng khô ráo bên trên ven rừng được làm nơi định cư. Ở đó không bị ngập nước vào những mùa nước lớn hay ngập lụt, lại là nơi thuận lợi cho những cây ăn trái. Những gia đình nông dân có thể đào ao nuôi cá, chăn nuôi và trồng thêm hoa màu khác để tìm lấy nguồn lợi quanh năm. Sự chiếm hữu các vùng rừng lân cận, họ được thêm nguồn lợi thiên nhiên bằng những bẩy thú hoặc trái cây rừng; đồng thời có thể trồng thơm, khóm để tăng thêm lợi tức; vì thế đời sống của người nông gia được bảo đảm hơn nếu gặp những năm thời tiết không thuận lợi mất mùa. Cuộc sống cứ thế mà an nhàn cho một nền kinh tế dựa trên căn bản nông nghiệp.
Để bảo vệ với những thú dữ, có thể là nguyên nhân của những lũy tre xanh. Ngoài nguồn lợi của tre về măng; và thân đã đem đến những vật dụng cần thiết cho đồ gia dụng hoặc xây dựng như bàn, ghế, phên vách, giường, chõng, hoặc những vật đan đát...Người ta còn hạ thấp những cành gai của tre để làm dầy thêm hàng rào chống thú dữ, kẻ gian. Điều đó cũng có nghĩa là mỗi vuông tre là một sự tự bảo vệ của gia đình; đối với cả thôn xóm vuông tre lại là sự bảo vệ chung. Cuộc sống của những người nông gia cứ thế mà an bình!
Thuở Đồ tôi còn nhỏ, vào những đêm trăng sáng được những người lớn hơn dẫn đi theo chơi. Họ tập họp ở một nhà nào đó cùng những người được coi như là trang lứa để chơi những trò chơi kéo co, u bắt mọi, trốn bắt, rồng rắn, nhảy dây... Hay hò hát vang vang một góc xóm; văng vẳng xa xa cũng có những nhóm như vậy. Thật là rộn ràng! có những âm vang khác của những người thanh niên lớn hơn, họ giả gạo chày đôi chày ba, hay những tiếng cối xay lúa đổ xuống đệm rào rào vì thời kỳ ấy chưa có các nhà máy xay sát, chà gạo. Đó là thời kỳ mà nhiều nhạc sĩ đã cảm hứng để viết các bài như bài "Gạo trắng trăng thanh", "Lối về xóm nhỏ"... chẳng hạn.
Sau lũy tre làng, tâm hồn của người nông dân thật thà, chất phát, chân thật đối đãi nhau, tương trợ giúp đỡ những khi "hữu sự" về "những chuyện vui buồn"; công việc của gia đình riêng cũng gần như là của chung, giúp sức cũng như yễm trợ về tiền bạc để mai sau nếu gia đình mình có việc thì người khác cũng giúp đỡ mình giống như mình đã làm, thế cho nên "Bà con xa chẳng qua láng giềng gần" hay "Nhứt cận thân, nhì cận lân", "Bánh ít đi, bánh qui trở lại". Tình thôn xóm, làng mạc được thể hiện rõ nhất là ở cái đình. Cái đình là mái nhà chung, là nơi thờ những vị Thần gọi là Thành Hoàng hay là những vị khai phá đầu tiên được tưởng nhớ công ơn thờ phượng như một vị Thần, là nơi mọi người tụ họp vào những ngày "Lệ" để thứ nhất cầu "Quốc thái dân an"; thứ hai "Mưa thuận gió hòa" để cho "Được mùa" trong một năm mới và thứ ba là làng xóm có cơ hội vui chơi trong ngày "Lễ Hội".
Cuộc sống của người nông dân sau lũy tre xanh thật đơn giản, ngoài công việc đồng áng, ruộng nương, khi rỗi rảnh thì họ có thể bươn chải làm nghề buôn bán khác, hay những nghề thủ công để kiếm thêm tiền làm giàu thêm ngân quỹ gia đình, hoặc đi bắt cá để tìm thêm lương thực. Đàn bà thì làm những việc lặt vặt quanh nhà, trông nom con cái; người nào giỏi dang bươn chải buôn bán bên ngoài như một nghề chính, thì đó cũng không là một ngoại lệ.
Những con đường làng quanh co, lầy lội vào mùa mưa; cũng như bụi bặm vào mùa khô ráo đã ôm ấp không biết bao nhiêu là kỷ niệm của số lớn con người từng sinh ra, lớn lên nơi miền thôn dã; cuộc đời có gắn liền với lũy tre xanh trong một thời gian nào đó, mà ký ức đã hằn sâu và đậm vết.
Mỗi buổi sáng, lũy tre xanh đều trở mình thức dậy sớm trước khi hừng đông, tiếng xe bò, xe trâu, tiếng người vội vã ra đồng cho một ngày bắt đầu. Rồi sau đó trở nên bình lặng, cái bình lặng của thiên nhiên với thôn xóm vắng người, chỉ thỉnh thoảng đâu đó vài tiếng chó sủa với người khách lạ; hay tiếng kẽo kẹt chiếc võng hòa với tiếng ru em ở một ngôi nhà nào đó; và những tiếng "xao xác gà trưa gáy não nùng" như một nhà thơ đã diễn tả trong dòng thơ của ông. Thôn xóm trầm lặng, nhưng đồng áng lại vang vội tiếng hò trong thời Đồ tôi còn bé tí; và rồi tiếng "radio" ở thời Đồ tôi khá lớn. Những tiếng "thá, ví" của người nông phu cày bừa, hoặc gọi nhau ơi ới thỉnh thoảng đó đây. Khi mặt trời dần ngã xuống về chiều, tiếng xe bò, xe trâu lại lịch kịch kéo nhau lũ lượt đi về. Tiếng người, tiếng trâu bò "nghé ngọ", tiếng la của trẻ chăn trâu, tiếng chuyện trò ồn ào trên khắp nẻo đường quê thôn xóm quện lẫn những làn bụi mịt mù mà đàn bò, trâu đã vung vít trên đường đất cát mà nên. Một ngày sau lũy tre xanh đã qua! Lại tới một đêm an bình và rồi sáng sớm hôm sau bắt đầu cho một ngày mới. Nhịp điệu ấy vang lên đều đều từ thế hệ nầy cho đến thệ hệ khác, kéo dài đã mấy ngàn năm. Nhưng lúc nào cũng vậy cũng ở sau lũy tre làng.
Rồi đến những thời gian chiến tranh, làng quê có nhiều thay đổi; nhưng làng quê vẫn còn đó và lũy tre xanh vẫn ngạo nghễ, ngang nhiên vươn ngọn với trời xanh, vẫn chở che cho vuông nhà bên trong dù nhà, người, vật không còn hiện diện thường xuyên, cho đến ngày đất nước được thanh bình. Cuộc sống vẫn đều nhịp trở lại như của thuở ngàn năm!
Lũy tre xanh trải dài từ bắc vào nam, dọc theo mọi miền của đất nước. Lũy tre xanh ôm ấp những thôn làng mà trong đó những con người thật thà, chất phát đã tạo nên một cuộc sống ấm no cho chính gia đình của mình, và đóng góp vào xã hội. Lũy tre xanh che chở thôn làng, cho những sinh hoạt, lễ hội dân gian; ôm ấp những tự tình dân tộc mà những đứa trẻ thơ lớn lên không thể nhạt nhòa trong trí nhớ, nhất là những người tha phương giống như là Đồ tôi. Nhớ về "Lũy tre xanh" để ôn về quá khứ của một thời và là để nhớ về những tình tự của "quê xưa" mà chỉ "sau lũy tre xanh" mới có mà thôi! Đó là quê hương! Một quê hương yêu dấu nhất là đối với chúng ta thuở "ngày còn bé thơ ngây"!

Đồ Ngông.
20-08-06.

Thơ Nguyên Thảo

* Khoảng “Lặng” Cuộc Đời!

Có những lúc hụt hẫng
Mình cảm thấy chơi vơi
Đời dường như tẻ nhạt
Đầu óc rối bời bời!

Có những lúc buồn nôn
Cuộc sống chẳng ra hồn
Ta không nhìn ta nữa
Chẳng thiết tha gì hơn!

Những khoảng “lặng” cuộc đời
Thường xây dựng cơ ngơi
Vào phút giây trầm lặng
Để lòng buồn lên ngôi!

Nguyên Thảo,
27/12/10.



* Lặng Thinh!

Đứng nghe chết lặng trong hồn
Gió mưa háo hức, nỗi buồn chơi vơi
Đuổi nhau về cuối nẻo trời
Nhìn ta, ta lại nhìn ta tủi lòng
Cơn buồn cứ mãi mông lung!

Nguyên Thảo,
29/12/10.

Thơ Đó, Thơ Đây! (tt)

*Trẻ Thơ. (Quảng Ninh)

Trẻ thơ trên biển thật cô đơn
Một xóm lưa thưa cảm tủi hờn
Lúm xúm loay hoay không mấy học
Cuộc đời tăm tối biết sao hơn!

Đồ Ngông,
25/07/10.



* Hang Đầu Gỗ. (Quảng Ninh)

Đầu bằng gỗ hay gỗ cưa đầu
Làm cọc đem vào cắm chỗ sâu
Nước lớn lừa giặc vào trong đánh
Giặc chết và lui, gỗ thiếu đầu!

Đồ Ngông,
25/07/10.



* Bãi Cháy! (Quảng Ninh)

Lửa cháy bừng lên, lửa cháy rồi
Cháy trên bãi biển cháy không thôi!
Bây giờ bãi cháy còn ra đó
Đèn đuốc thênh thang, hết cháy rồi!

Đèn đuốc thênh thang, hết cháy rồi!
Người qua người lại vui nơi nơi
Dập dìu lui tới bao du khách
Di sản thiên nhiên đẹp quá trời!

Di sản thiên nhiên đẹp quá trời!
Ta ngồi ta ngắm để mà chơi
Đi ra để biết cùng thiên hạ
Nhìn ngắm quê ta, đẹp quá trời!

Đồ Ngông,
25/07/10.



* Nắng Trên Vịnh Hạ Long. (Quảng Ninh)

Trời nắng mênh mông Vịnh Hạ Long
Mà sao chan chói mắt nhìn trông
Kính râm che khuất bao nhiêu đẹp
Lại lấy ra thì mắt xốn tròng!

Đồ Ngông,
25/07/10.

Thơ Đồ Ngông (tt)

* “Vậy” Mà “Không Phải Vậy”!

Cuộc đời có lắm cái không
Không không, có có hoài mong thật dài
Nhưng mà lại những chông gai
Núp sau cái bóng người hay chọn hình
Có nhiều đạo đức lung linh
Ra tay cứu giúp, giả hình lộng chơn
Có người u mịch, giận hờn
Thế mà “đã vậy”, nhưng “không phải rằng”
Cho nên thiên hạ băn khoăn
“Gọi là như vậy”, mà không “phải là”!

Đồ Ngông,
28/12/10.




* Lẽ Sanh, Bệnh, Lão, Tử.

Thấm thoát rồi ta cũng đã già
Sáu mươi năm lẽ thoáng trôi qua
Răng đi, tóc bạc, đôi chân mỏi
Sức mất, người hom (ốm, gầy), cặp mắt nhòa
Có muốn như xưa, sao lại được
Mà mơ lúc trước, có sao ra?
Cứ vui cái lẽ sanh, sanh tử
Và hiểu vào sâu tận bệnh, già!

Đồ Ngông,
31/12/10.

Friday, January 7, 2011

**Thơ Nguyên Thảo:

* Nắng Chiều.

Nắng vàng len lén hư vô
Lao xao ren rén bên hồ trầm luân.
Vốc tay nước rửa cội phần
Tiếng chuông vang động hư không vô cùng
Đường vào lối ngõ riêng chung
Cõi sinh sinh tử, vượt vòng tử sinh.

Nguyên Thảo,
01-09-07.





* Tự Hỏi.

Đã nhiều lần
Ngồi đêm tôi tự hỏi:
Trong chiến tranh dài
chết chóc với đạn bom
Trong lao đao khốn khó gấp vạn lần
Sao người ta vẫn
ôm lấy góc làng, cày bừa, xóm ấp...!

Chiến tranh qua
Hòa bình thống nhất
Theo lẽ, người được về với trọn niềm vui
hưởng thanh bình
và dựng xây đất nước.
Trong đỉnh cao
Người lại nghèo
Thân phận lại càng đau:
Giai cấp, hận thù, đấu tranh, bóp chết..!
Sự chuyên chính
khiến người ta không thở được
Sự tự do
niềm hạnh phúc...
đã cao bay!
Để lại những niềm đau,
những nhục nhã chưa hề rửa được!

Hàng triệu người xa xứ
Những gian nan, hải tặc, chẳng bến bờ
vùi thân xác chìm sâu trong biển cả.
Những trẻ em thơ
lang thang đầu đường xó chợ
Những mẹ già
thiếu thốn lại sầu mong
Những thanh niên ôm rượu với sầu đời
Những bé gái bán trinh, bôn ba xứ người làm điếm,
Những người chị hi sinh lấy chồng xứ lạ
để đổi đời
cho cha mẹ được ấm no!

Bao nghịch cảnh
bao nhiêu điều tang tóc
Cảnh đời buồn, luôn mãi mãi vấn vương.
Đâu là thiên đường?
Đâu là công bằng xã hội?
Đâu là những gì ung thối?
Đâu là trí tuệ của đỉnh cao?
Những ai
có thẩm quyền
và những ai mang trách nhiệm
Những nguyên nhân: Sao từ đâu như thế?

Tôi đã đôi lần tự hỏi,
và cũng là tự hỏi của muôn lần...
tôi tự hỏi và người dân ưa hỏi
Hỏi khá nhiều,
Nhưng rồi
cũng tự hỏi để mà chơi...!

Nguyên Thảo,
23/11/07.

**Thơ Đó, Thơ Đây! (tt)

* Trên Boong. (Quảng Ninh)

Trên boong nắng gió nghe sao lạnh!
Khép nép thu mình, hình với cảnh
Câu nói vui đùa bạn với ta
Non non nước nước đời nhân ảnh!

Đồ Ngông,
25/07/10.



* Hòn Gà Chọi. (Quảng Ninh)

Hai khối đá hình lại đối nhau
Hai con gà chọi ngẫng cao đầu
Hom hem đôi cẳng còn đôi chút
Rồi sẽ một ngày chẳng đá nhau!

Đồ Ngông,
25/07/10.



* Nhà Bè. (Quảng Ninh)

Lủ cá bên ngoài bắt hết đi
Cá to cá nhỏ chẳng còn chi
Bây giờ lại phải nuôi bè hỉ?
Cũng bỡi do ai nghèo quá chi!

Đồ Ngông,
25/07/10.



* Lầm Than! (Quảng Ninh)

Ông biết lầm than bỡi tại đâu?
Tại vì ông muốn chẳng cho giầu
Khiến dân đói mạt vì ông đó
Bỡi thế lầm than mãi phủ đầu!

Đồ Ngông,
25/07/10.

**Thơ Đồ Ngông (tt)

* Một Người!

Một người từ giả cung son
Lên đường dong ruỗi, tìm cơn sóng lòng
Đi tìm tìm mãi mông lung
Vô biên không thấy, không trông được gì!
Tìm hoài tìm chẳng có chi
Ngồi im lại thấy đường đi lối về
Bao nhiêu muôn dặm sơn khê
Đem về lấp biển mà nghe đất bằng
Cất lên tiếng hát bình an
Vui trong an lạc, mà tìm được tâm!

Đồ Ngông,
16/12/10.



* Ngày Xuân Đối Ẩm!

Ngày Xuân nắng đẹp lên rồi
Cành hoa điểm nở, người tươi cuộc đời
Ta cùng đối ẩm nhau chơi
Rượu ngon với bạn, tình vơi với đầy
Hiểu nhau như chẳng cần lời
Ly tôi ly bạn, ngày Xuân rộn ràng
Cùng trời mở rộng thênh thang!

Đồ Ngông,
20/12/10.

**Mẫu Hệ hay Phụ Hệ?

Từ xưa khi còn nhỏ, lúc học trong trường thầy cô thường có dạy: "Thuở ban đầu, khi con người còn sống trong thời kỳ bộ lạc thì theo chế độ mẫu hệ, tức là chế độ mà người đàn bà giữ vai trò quan trọng trong gia đình. Về sau lần theo sự phát triển của tổ chức, cơ cấu của xã hội mà xã hội đã chuyển qua chế độ phụ hệ là chế độ gia đình mà người đàn ông là vai trò quan trọng và quyết định trong gia đình... ". Từ ấy, Đồ tôi luôn bị ám ảnh về hai từ ngữ "mẫu hệ" và "phụ hệ". Vì trình độ mình không cao, nên cứ thắc mắc mà chưa có điều kiện tìm hiểu xem tại sao nó biến chuyển từ chế độ nầy sang chế độ kế tiếp như thế nào? Nguyên nhân nào khiến nó biến chuyển như thế đó? Và sự biến chuyển đó diễn tiến ra sao? Thắc mắc thì cứ để vậy, để rồi lâu ngày chầy tháng Đồ tôi lại cũng không còn nhớ đến nó nữa.
Đột nhiên, một ngày kia tự dưng "bà ứng" như thế nào đó, Đồ tôi lại chợt nhớ và suy nghĩ lại vấn đề nầy: Cuối đường hầm có một tia sáng mong manh; nay viết ra để bàng dân thiên hạ coi chơi! Nhưng, xin lỗi đây chỉ là chuyện tào lao, kính Quý vị nghiên cứu về Nhân chủng, Xã hội học đừng vội tưởng là thiệt mà phê phán Đồ tôi là thằng ba xạo bá láp viết không bằng chứng, không có di chỉ..., thì lại tội nghiệp cho Đồ tôi lắm lắm!
Đồ tôi lại nhớ về ngày đẹp trời nọ trên quê hương trước ngày 30-4-75, vào khoảng thời gian gần Tết Nguyên Đán, Đồ tôi được "dán" mắt vào một mẫu chuyện vui. Trong chuyện vui đó kể lại chuyện một anh chàng sinh viên du học tận bên Hoa Kỳ, nhân ngày gần Tết anh ta ngồi nhớ đến cảnh Tết, cảnh sum họp gia đình rồi nhớ đến cha đến mẹ mà buồn. Khi ấy anh chàng thanh niên Mỹ ở chung, thấy như vậy mới hỏi anh ta: "Vì sao mà mầy buồn?". Anh ta trả lời với thằng Mỹ ấy: "Ở trên quê hương tao bây giờ là những ngày cuối năm gần Tết, tao nhớ đến cảnh Tết sum họp gia đình mà bây giờ tao lại ở đây khiến tao nhớ đến cha mẹ tao mà tao buồn!". Câu trả lời nầy làm cho thằng Mỹ suy tư; hồi sau anh chàng Việt nam lại hỏi lại thằng Mỹ: "À! Tại sao bây giờ mầy lại buồn?". Thằng Mỹ: "Mầy hãy còn may mắn hơn tao, vì mầy còn có cha mẹ để nhớ!". Anh chàng Việt nam, lại càng ngạc nhiên hơn: "Chứ mầy không có cha với mẹ à!". "Tao có cha có mẹ chứ! Nếu không có cha có mẹ thì làm sao có tao. Nhưng tao chỉ biết có mẹ tao mà thôi!". Anh chàng Việt nam không tin điều mình nghe, bèn hỏi: "Thế mẹ mầy không nói cha mầy là ai à! Mầy hỏi mẹ mầy mẹ mầy sẽ nói cho mầy biết". "Tao có hỏi mẹ tao nhiều lần, nhưng bà ấy cũng chẳng biết cha tao là ai?". Câu chuyện chấm dứt ở đó. Và trong đầu óc Đồ tôi nhiều năm sau cũng chỉ xem nó là một câu chuyện tiếu lâm, chuyện vui mà người ta kể ra để mua vui cho độc giả. Và nó cũng là mẫu chuyện để Đồ tôi có dịp tán gẫu với bạn bè trong những lúc "trà dư tửu hậu" hoặc lúc cần có một chút cười cho cuộc đời bớt căng thẳng khổ đau.
Thế nhưng, cả mười mấy năm sau câu chuyện ấy lại được may mắn giống như Đồ tôi lại có cơ hội vượt biên; nó cũng làm "thuyền nhân" đồng hành với Đồ tôi đến bến bờ tự do.
Khi đặt chân lên xứ người bây giờ trở thành quê hương thứ hai của mình, Đồ tôi vừa lo bương bã tìm sinh kế để tự ổn định cho chính mình, vừa học hỏi lại vừa phải lắng nghe. Người ta đã nói nhiều đến xứ Nữ Hoàng và vai trò của người phụ nữ trên xứ nầy. Quả thật, người phụ nữ ở đây và hầu hết những nước thuộc phương Tây đều được tôn trọng, giống như một câu nói mà ngày Đồ tôi còn trầm ngâm với nỗi buồn xa xứ trên đất Mã Lai, trong vòng rào của trại tị nạn Sungei Bési đã được nghe: “Thứ nhất đàn bà, thứ hai trẻ con, thứ ba cây cỏ, thứ tư chó mèo, thứ năm mới tới đàn ông”. Nhưng khi đến đây mới thấy trẻ con mới thật là thiên thần, dĩ nhiên sau đó là đàn bà cho đúng danh xưng là xứ Nữ Hoàng. Đồ tôi không hiểu từ nguyên nhân nào mà vị trí người đàn bà được tôn trọng xứng đáng như vậy. Đồ tôi phải nhớ đến cái thời đọc sách lõm bõm của mình, cái thời thanh niên mà trí nhớ "dở òm" thì hình như trong thời nào đó trong lịch sử Tây phương có thời kỳ gọi là thời vàng son của những chàng Hiệp sĩ, có cưỡi ngựa, đánh kiếm giống như thời của D'Artagnant trong phim "Ba chàng Ngự Lâm pháo thủ". Đó là thời kỳ bắt đầu hãnh diện của các bà thuộc hàng Quý tộc.
Mãi đến một ngày nọ, Đồ tôi cùng bạn bè ngồi coi phim cao bồi trên xứ Mỹ. Trong phim toàn là những đám đàn ông, cướp bóc, bắn giết, đánh bài, ăn chơi,... và chiến đấu cùng với thổ dân da đỏ. Giữa đám đàn ông hùng hỗ ấy, có một nhóm rất ít đàn bà họ vẫn được tôn trọng vô cùng dù đối với phe nhóm đàn ông nào đi nữa, và nghề của họ thì chẳng được gọi là thanh cao. Từ đó, Đồ tôi có một cái nhìn trên một khía cạnh khác. Những người đàn bà qua được trên đất Mỹ trong những thời kỳ đầu quả thật là quá hiếm và chỉ có họ là những bông hoa để làm đẹp cho khu vườn của những yên hùng, đá cùng cây.
Rồi tiếp theo là những phong trào đòi giải phóng người phụ nữ, đòi bình quyền trong lịch sử châu Âu và các xứ Tây phương thì vị trí của người phụ nữ được lên cao. Coi đó là ưu thế của nền văn minh Tây phương.
Đồ tôi cất những ý nghĩ đó vào trong ký ức ở tầng cuối cùng.
Rồi Đồ tôi cũng lại thắc mắc: Tại sao chính phủ nầy lại ưu tiên cho những bà "single mum" làm vậy? Đôi khi tạo nên một phong trào để chứng tỏ mình là "single mum", có chồng có gia đình cũng muốn được làm "single mum"; rồi từ "single mum" giả trở thành "single mum" thiệt; rồi những đứa trẻ về sau kết hôn cũng để được là "single mum". Ôi! "single mum" phổ biến trong tất cả các cộng đồng của một cộng đồng chung.
À! Thì ra, nguyên nhân của nó chính là nếp sống và thời tiết ở những xứ nơi đó! Ở cái xứ xem tình dục như một nhu cầu đòi hỏi tự nhiên của con người, và cũng không có một đạo lý để giới hạn; cho nên vấn đề nam nữ là một vấn đề bình thường, phổ biến vì vậy mà trở thành một vấn nạn. Nam nữ gặp nhau ở chỗ một cuộc vui, một cái "pub", trong một "hộp đêm" nếu thích nhau thì có thể "rủ nhau" để làm tình. Thế đi đêm có ngày cũng gặp ma. Do đó đứa con ấy được sinh ra đời người mẹ có thể là biết cha hay không biết cha của đứa trẻ. Đó không phải là những trường hợp hiếm hoi. Cũng như vừa mới đây có một ông Tổng Trưởng nọ tưởng mình có được thằng con trai đã lớn, do "bà bồ" ngày xưa báo lại, làm chú con cũng mừng là mình đã tìm được cha mà cha lại làm lớn trong Chính phủ. Nhưng khi đem thằng con đi thử DNA thì té ra là không phải con ông ta. Bà bồ nhớ lại rằng trong khoảng thời gian đó, bà còn dan díu với một chàng sinh viên khác, thế là thằng con chính là của người kia không phải là con ông Tổng Trưởng. Cả ba người đều mừng hụt! Sau vụ đó ồn ào trên báo chí, có vài ý kiến cũng khá ngộ nghĩnh. Có người nói: Chính vì vậy, trên thực tế có nhiều người thôi nhau, ông chồng bị sở thuế khấu trừ tiền trợ cấp nuôi con rất là nặng ngay trên đồng lương của mình, thế nên ông chồng bắt đứa con đi thử DNA để xác nhận đúng là đứa con đó phải là con của ông ta hay không? Để tránh kiểu "tò vò mà nuôi con nhện"! Lại có người nói nếu như vậy thì cứ mỗi đứa con, ông chồng đều bắt thử DNA hết cả thì giá trị của người đàn bà bị hạ thấp quá đi! Chuyện đời vốn có nhiều phức tạp, mà chính vì sự dễ dãi về tình dục đã đưa đến nhiều sự phức tạp hơn trong cuộc sống! Trên những xứ lạnh và trong cuộc sống xã hội lo chạy theo vật chất, tiền bạc, việc làm, cộng với vấn đề giao tiếp, láng giềng tương đối khép kín như thế nầy, thì khiến cho người ta buồn chán nên sự chia sẻ buồn vui lại là cần thiết cho những người lẽ loi, cô độc; thì chẳng trách gì có những chuyện oái oăm!
Lại nữa làm "single mum" có được nhiều ân huệ trong chính sách "an sinh xã hội" hơn. Từ đó nhiều gia đình trở nên phân hóa hoặc tan nát, cùng với quan niệm "người đàn bà được nhiều ưu tiên, bảo vệ" trong cái xứ Nữ Hoàng. Do đó, nền tảng gia đình càng dễ dàng bị tiêu tan hơn nữa.
Chắc đọc đến đây Quý vị cũng có thể mường tượng được vấn đề, nhưng Đồ tôi còn cần kể thêm một hai câu chuyện nữa mới kết thúc lại được về kết luận của nó.
Vốn là năm nào đó trên đài truyền hình số 9, trong mục "60 minutes" đã đề cập đến một nàng con gái xứ Úc - phần nầy Đồ tôi được biết qua phần chiếu lại và giảng của cô giáo trong một lớp học Anh văn - Đồ tôi không nhớ rõ là cô ta đến xứ Phi Châu, hình như Kenya thì phải, để kết hôn với thổ dân ở đó. Trong phần phỏng vấn mẹ cô ta khuyên nếu muốn kết hôn thì nên lên vùng Bắc Úc kết hôn làm gì phải đi xa như vậy; cô ta chê những người ở bắc Úc thường hay nhậu nhẹt say sưa, không thích làm việc mấy. Sau đó, cô có kể đến việc làm tình của người bộ tộc nơi đó. Nếu khi nào đến chỗ cư trú mà thấy có ngọn dáo cắm xuống đất là biết có cuộc "mây mưa" trong đó, không kể là người nào, và trong ngày có bao nhiêu người. Cô ta cũng vui vẻ với những việc làm như vậy.
Rồi lại nhìn về các nhóm người sống trong lòng xứ Úc, họ chỉ thích săn bắn, bắt loài bò sát hoặc cá, tôm cua để sinh sống hơn là những nghề khác, họ sinh hoạt giống như những bộ tộc thuở xưa. Nếu ta đặt vấn đề "vai trò quan trọng" chỉ đạo nơi cư trú có thể là những người đàn bà hơn là những người đàn ông, họ còn chăm sóc con cái hoặc phân công việc làm, sắp xếp mọi chuyện chung quanh, nếu có. Còn nếu nhìn về phương diện đời sống "sinh lý" thì điều ấy còn tùy thuộc vào yếu tố "chiếm hữu" hay "chưa chiếm hữu".
Những chuyện ấy "nằm chơi khơi khơi" trong ký ức Đồ tôi như chỉ là một sự "huân tập" vào trong "A Lại Da Thức" (Đồ tôi tập nói theo kiểu Duy Thức Học chơi cho vui vậy mà!), Đợi đến lúc có cơ hội chúng lại lần lượt nhóm lại, khởi lên để Đồ tôi "nổi hứng" mà viết bài nầy hầu mua vui công chúng " được vài phút giây".
Số là trong năm vừa rồi, Đồ tôi tức mình vì những chuyện không đâu mà những người trí thức của một cộng đồng nhỏ tại địa phương nọ lôi nhau chửi trên phương tiện truyền thông hằng bốn năm trời, rồi kéo thêm "người tận phương xa" nhào vô, Đồ tôi mới làm một bài thơ gọi là "Tháng bảy nhân gian" trong công cuộc cố chặn đứng phong trào "nỗi loạn" hay "khuấy thối" của những người ấy. Bài thơ đó như sau:

Tháng Bảy Nhân Gian:

Tháng Bảy nhân gian mùa "chó động..."
Đực, cái ngoài đường "nhảy tùm lum"
giữa sá, giữa đường coi chướng mắt
Mấy bà "mắc cỡ" vội đi nhanh!

Một cặp trước nhà đang "vướng mắc"
Xung quanh, một lũ lại ầm vang
Ông bực xách cây xua đuổi mãi
Đánh nhiều, chúng lại sủa càng hăng!

Bà bực mắng rằng: "Đồ lủ chó!
Xấu hỗ không? Sao lại giữa đường
Lại lủ chó hùa thêm nhốn nháo,
Tạt nước cho mầy, biết tay tao!"

Nói đoạn bà bưng thau nước lớn
Tạt ào vào lủ chó hung hăng
Cả đám hoảng lên lo nhảy thoát
Cái, đực "quên vui" chạy mất hồn!

Bài ấy được thành hình từ một chuyện có thật khi Đồ tôi ở vào khoảng mười mấy tuổi. Vào tháng bảy ở xứ ta, tháng bảy là tháng chó "động đực", cho nên chó "mắc lẹo" ngoài đường không thiếu gì. Điều ấy, khiến mấy bà đi dọc đường trở nên mắc cỡ; mấy đứa con nít mắt bị nỗi "lẹo" người ta bảo rằng: "Tại nhìn chó mắc lẹo". Nhưng, đó không phải là chuyện bực mình của hàng xóm mà chính do sự ồn ào của lũ chó mới làm cho người ta khó chịu. Một con đực, một con cái dính lẹo giữa đường không phải là chuyện đáng nói, mà lũ chó đực ở bên ngoài gấu ó ầm vang mới là chuyện nhức đầu. Thế cho nên, ông chồng trở nên bực bội xua đuổi cách nào chúng cũng không đi, ông đánh chúng nó thì chúng lại sủa còn hăng hơn. Bà vợ đang rửa rau ở gần đó, khi rửa xong còn nước trong thau, bà nói: "Được rồi! Để cho tụi bây biết tay tao!". Bà bưng thau nước tạt mạnh vào lủ chó. Quả thật lủ chó hoãng hồn, ướt mình chạy ra xa, sủa lơi vơi rồi từ từ bỏ đi, kể cả con đực con cái cũng "rứt ra" và bỏ cuộc. Khi Đồ tôi làm bài thơ ấy Đồ tôi nhớ lại câu chuyện, cũng nghĩ mà tức cười. Nhưng, một ý khác lại nãy sinh: Về sau nầy bầy chó con được sinh ra nếu cuộc tình hôm nay của loài chó có kết quả, thì không biết những con chó con đó có biết cha nó là ai không nhỉ! Mà ngay cả con chó cái ấy có nhớ "thằng chồng một lần" đó là con chó nào. Và cũng từ đó, "tư duy" của Đồ tôi lại bị kéo vào cái thuở thời ăn lông ở lổ, con người "có thể" sống theo tình dục tự nhiên như một bản năng; và không biết có giống như loài chó hiện nay không? Nếu vậy, thì đứa con cũng chẳng biết cha nó là ai, mà nếu "làm ái ân" theo kiểu của thổ dân Kenya thì ngay cả người đàn bà cũng chẳng biết con mình là con của người nào. Và sống theo kiểu tình dục thoải mái của thanh niên phương Tây, nhất là trong phong trào Hiện sinh sau trận Thế chiến Thứ hai thì chỉ khổ cho người nữ thôi. Không có người tình nào nhìn nhận để nuôi đứa con thì người nữ phải "ôm con" trong sự thiếu thốn đau khổ cho nên xã hội giúp đỡ người "single mum" như là một "điều nhân đạo" cũng phải! Và nếu người nữ cũng "lung tung" thì người nam phải nhờ đến khoa học xét nghiệm lại "DNA" để trách nhiệm của mình hợp lý và đúng chỗ, lại là chuyện phải làm. Người xưa của chúng ta đã có kinh nghiệm khá nhiều: "Cháu nội thì lạc, cháu ngoại không bị lạc", và trường hợp "Cá ai bỏ giỏ mình là cá mình" chỉ là những trường hợp bất đắc dĩ mà thôi!
Nhưng cái chuyện "mẫu hệ" hay "phụ hệ" không phải dựa hẳn vào những câu chuyện tình dục, mà nó còn tùy vào sự phát triển xã hội và kinh tế. Trong thời kỳ sơ khai hay bộ lạc, người ta có thể sống, hoạt động phần lớn theo bản năng với một số ít người trong nhóm, thì người đàn ông chỉ vui chơi kiếm củ, trái cây hay bắt cá, loài bò sát, rồi đến săn bắn, chưa đạt đến thời kỳ để chiếm hữu vì thế người đàn bà chỉ là nhu cầu yêu đương, sinh lý và là người thủ kho để giữ hay phân phối lương thực, thức ăn, hoặc sanh con chăm sóc chúng. Nhưng khi chưa là chiếm hữu thì con cái đó là của ai, vì thế thường những bộ tộc và trong đời sống sơ khai là những chế độ "mẫu hệ", người đàn bà có quyền uy hơn vì có thể nói, điều khiển, dạy dỗ con cái của "chính" mình.
Rồi trong nếp sống sơ khai, bộ tộc ở nơi bắt đầu thức ăn thiên nhiên hết dần, thì họ phải di chuyển đến nơi khác, tạo thành nếp sống du mục. Lại đến, người bệnh, già, yếu không thể di chuyển hoặc di chuyển thật là khó khăn; lẫn vấn đề tìm thức ăn, người ta đã nghĩ đến hình thức định canh định cư, trồng cây ăn trái lập vườn, chăn nuôi gia súc, hình thành những dụng cụ tinh vi hơn thì vai trò của người đàn ông dần được xác định là quan trọng. Và có thể vì trong bản năng con người thích an nhàn, sung sướng, nạnh hẹ tạo nên sự bất công trong nếp sống bộ tộc mà đã thành hình nếp sống gia đình; trong đó người đàn ông càng giữ vai trò quan trọng hơn nữa; người đàn bà trở thành lệ thuộc trong gia đình. Chế độ "mẫu hệ" dần dần chuyển hình thức sang chế độ "phụ hệ". Và chế độ ấy được phổ biến cho đến ngày nay, nhất là ở những xã hội nặng về nông nghiệp, còn những quốc gia tiến bộ về công nghiệp và nghiệp vụ, người đàn bà cũng đem tài sức đóng góp vào cho xã hội nên người đàn bà đòi đến sự bình quyền. Cơ chế có thay đổi nhưng căn bản "trời ban cho" khó mà thay đổi, người đàn bà dù thế nào đi nữa với bản năng sinh, nuôi dạy con; nội tướng trong gia đình, là căn bản cho một gia đình vẫn hãy còn là quý báu. Nếu người đàn bà mà hư đi thì gia đình dễ tan nát hơn là người đàn ông bại hoại. Do đó, Đồ tôi cũng có quen với vài thằng Tây; tụi nó khá chán nãn về đàn bà Tây khi mà vợ chúng nó "bung thùa" về sinh lý cũng như chỉ thấy có tiền và tiền. Điều ấy không biết đúng hay sai, chắc chúng ta còn phải nghiên cứu thêm mới có thể hiểu được nền văn minh vật chất của Tây phương!
Còn chuyện Đồ tôi viết đây chỉ là một chuyện tào lao. Không biết gì làm, đành viết bậy cho vui. Xin quý vị đừng trách! Và nhớ cũng đừng cười Đồ tôi mà tội nghiệp!

Đồ Ngông,
16-08-05.

**Đạo Phật 7- Con Người Trong Đạo Phật.

Khác với rất nhiều tôn giáo khác, Đạo Phật không lấy thần linh để làm chủ thể mà lấy con người làm chủ thể, làm con đường cứu rỗi cho tôn giáo của mình. Do nơi điều này mà nhiều nhà ngoại đạo cho rằng Đạo Phật là “vô thần”. Nhưng thật sự Đạo Phật có vô thần hay không? Hay Đạo Phật là Đạo có thể phân tích thế nào là thần, thần là ai? Và lại phân tích một cách “hùng biện” những sinh vật trong thế giới tâm linh, mà người “trần mắt thịt không thể thấy biết”. Nhiều tôn giáo đã từng bị lợi dụng để thực thi theo “những ước muốn, tham vọng” của con người, giáo chủ, hay thành phần lãnh đạo mà khiến cho cuộc đời vốn đã đau khổ lại càng đau khổ hơn! Những cuộc chiến tranh tôn giáo cướp đi hàng triệu sinh mạng; tôn giáo dựa vào những thế lực để giành thế thượng phong trong xã hội; hay chúng cấu kết, liên kết với nhau để đoạt được thế “độc tôn”; hoặc khiến con người lăn xả vào “cái chết” để được “tử vì đạo” mà tín đồ có thể “mù quáng” hành động cho bất cứ “một thứ mục đích nào”. Đạo Phật thì không như thế! Đạo Phật ngồi trầm lặng, suy tư, chính chắn truớc những tranh giành, rồi từ từ mở mắt ra để phân tích thế nào là lợi cho mình, lợi cho người, thế nào là hành động thiện, thế nào là ác, thế nào là đi đến con đường giải thoát, thế nào là làm cho mình, cho mọi người thoát khổ, tất cả đều an vui! Cái điều ấy chính là mục đích chính của Đạo Phật, nếu không như thế thì sao gọi là Đạo Phật: “Đạo của sự Giác Ngộ”?
Sự “Vĩ đại” của Đạo Phật không phải là sự tranh giành, hay “thánh chiến”; mà là sự vĩ đại trong chân lý, toàn thiện, là đem lại lợi ích, “sự giải thoát” cho tất cả mọi người hay nói rộng hơn là tất cả những chúng sinh. Đạo Phật cứ trầm lặng mà đi giống như cái dáng của một nhà sư khoát áo tu hành của mình đi trên đường thiên lý: Lẳng lặng mà đi trong sương sớm, trong hoàng hôn, ngay cả trong bóng đêm, không hận thù, không làm ác, không tranh giành,... Nhưng trong bóng dáng ấy tỏa lên một sự rực rỡ của chân lý và giải thoát, từ bi và độ lượng.
Con người trong Đạo Phật được phân tích như là một phần nhỏ của cái Chơn Tâm, là cái Tâm cá thể cũng như bao nhiêu chúng sinh khác: Tất cả đều có cái Tâm, cái Tâm ấy có thể quay về với cái khởi nguồn của nó bằng cái tên là Phật tánh: Vì nó vốn có thể tìm được nơi cuối cùng bằng sự Giác ngộ. Chỉ do trong một lúc “Vô minh” mà Tâm chúng sinh “vọng động, phân biệt” tách ra khỏi cõi Chơn Tâm để mượn đến tứ đại: Đất, lửa, gió, nước tạo thành thân xác có các giác quan để nhìn ra ngoại cảnh (sáu trần) bằng nhận thức vay mượn từ thức đại. Nếu không vay mượn Không đại thì chúng sinh khó tăng trưởng và lớn lên. Cho nên với thân xác hiện hữu, con người đã vay mượn cả tứ đại lẫn thức và không đại. Cái Tâm đã bị nhốt trong những đại ấy. Có thân xác thì có nhu cầu ăn uống, có ham muốn về tinh thần lẫn vật chất ngay cả đến xác thịt nữa. Có sinh ra, có lớn lên, già, bệnh rồi chết. Những cái đau khổ đó tiếp nối không cùng với những hậu quả từ hành động của tham, sân, si.
Thuyết Thập Nhị Nhân Duyên phân tích cho chúng ta biết rằng: Chính sự Vô Minh tức là sự “mê muội, ngu si” hay “không biết” về Sự và Lý của Pháp mà Tâm đã vượt thoát ra khỏi tình trạng sung sướng, an nhiên tự tại lúc ban đầu bằng những hành động chạy theo vọng tưởng và phân biệt; tiếp theo đó là một chuỗi duyên sinh: “Cái này có thì cái kia có, cái này là nguyên nhân của cái kia xảy ra tiếp theo” . Một sự tiếp tục vô cùng tận! Thân mượn từ tứ đại, kiến đại và không đại mà cứ tưởng là thân thật của mình, chúng sinh phải vất vả cung phụng cho sự sống của nó. Có nó con người hay chúng sinh cần phải được sinh ra, lớn lên, già bệnh rồi chết đi. Tùy theo những hành động của mình trong lúc sống mà nghiệp đi theo với mình không rời, ngay cả khi chết nghiệp lại được mang theo. Nghiệp quyết định nơi mình sẽ phải tái sinh cho kiếp sau để trả quả cho những nhân mình đã gieo. Với những nghiệp ấy chỉ mình mới có thể cứu gỡ hoặc trả quả, và mình có muốn thoát khổ hoặc vượt ra khỏi vòng luân hồi hay không mà thôi! Chính điều ấy, con người hay chúng sinh phải tự hoàn thiện cho mình, cho nên giáo lý của nhà Phật là giáo lý “thiện ở chặng đầu, chặng cuối và thiện ở chặng giữa” là như thế! Dù trong nghiệp còn chút ít nghiệp ác đã gieo thì vẫn phải trả quả, vì “chủng tử” ấy cần phải được “mọc” lên!
Trong Tâm Lý Học Phật giáo, tâm lý và hành động của con người (hay chúng sinh) đưọc phân tích một cách rõ ràng, cặn kẽ mà chúng ta không thể ngờ được, mặc dù đạo Phật đã trải qua hơn 25 thế kỷ mà tính chính xác hay những ngành tâm lý học hiện nay không thể phủ nhận được điều ấy từ vấn đề thực tế cho đến siêu hình.
Tâm Lý Học Phật giáo giải thích: Con người từ khi được thành hình từ các đại, hay nói cách khác là từ khi có thân xác thì con người đã có các giác quan (năm căn): Mắt (nhãn căn), tai (nhĩ căn), mũi (tỹ căn), lưỡi (thiệt căn), thân (thân căn), ý (ý căn) . Những giác quan này giúp con người tiếp xúc ngoại cảnh, môi trường sinh sống như cảnh vật (sắc trần), âm thanh (thinh trần), hương vị (vị trần), cảm giác va chạm, tiếp xúc từ thân, thân tiếp xúc với cảnh (xúc trần), và những gì mà từ đó sinh ra ý gọi là pháp trần (ý). Để nhận thức được ngoại cảnh (thấy, nghe, hay, biết) con người, chúng sinh mượn từ Thức đại mà Tâm Lý Học Phật giáo gọi là thức; do đó chúng ta có: Nhãn thức (cái biết của mắt), Nhĩ thức (cái biết của tai), Tỹ thức (cái biết của mũi), Thiệt thúc (cái biết của lưỡi), Thân thức (cái biết của thân), và Ý thức để phân biệt nhận định pháp trần. Sáu thức ấy gọi là Tâm Vương.
Ở đây, chúng tôi không muốn làm một cuộc tìm hiểu hay nghiên cứu vào Duy Thức Học mà chỉ dùng các phần trong Duy Thức để chứng minh cho Tâm Lý Học của Phật giáo đã phân tích, diễn giải tâm lý của con người như thế nào tức là làm một cuộc đơn giản hóa để thấy Phật giáo cũng có cái “nhận định về tinh thần con người” hơn những nhà tâm lý và khoa học ngày nay.
Từ các giác quan (sáu căn) nhìn ra, tiếp xúc sáu trần để có nhận định (sáu thức), rồi con người chúng sinh mới nãy sinh những ý nghĩ, tư tưởng (tác ý), mong muốn (thọ), nhớ tưởng (tưởng), và lo nghĩ để hành động (tư) để có hoặc sở hữu cái mà mình đang muốn hay thích.
Nếu trong sự mong muốn đó (dục) mà chúng ta hiểu biết được rõ ràng (thắng giải) ngưng lại, và ghi nhớ (niệm), rồi cùng chuyên chú hơn (định), thì ta sẽ có được “huệ” (sáng suốt) mà lựa chọn, phán đoán, hay thấu dáo vào bản chất sự việc.
Nhưng thói đời nó không đơn giản như vậy! Nếu ai cũng “cẩn thận” thì cuộc đời đã không có quá nhiều đau khổ! Điều ấy Đức Phật đã đề cập đến 3 món độc “Tham, sân, si” mà chúng sinh đều mắc phải. Cũng chính 3 món này khiến cho chúng sinh, con người luân lưu trong cõi luân hồi mãi không thôi. Vì có thân xác cho nên nhu cầu ăn uống để nuôi mạng sống, cần có tiền chi phí, cần phải mặc đồ cho ấm để chống chọi với sự lạnh buốt mùa đông; hay những nhu cầu sinh lý đòi hỏi... con người đã phải bỏ nhiều công sức để làm việc nhằm thỏa mãn những nhu cầu đó. Nhu cầu càng cao thì sự làm việc phải nhiều hơn nữa để đủ chi phí, trang trải; nếu chỉ ăn no, mặc ấm thì người ta chi phí ít, làm lụng đỡ vất vả; nhưng với nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp thì tiền mua nhiều hơn, người ta phải chi trả nhiều tiền và để kiếm được nhiều tiền thì phải làm việc vất vả hơn nữa. Tâm lý con người có một thì lại muốn có đến hai, ít thì phải có nhiều, đôi khi họ lại muốn phải hơn người khác (tham), nếu những ước muốn của mình không được hay bị người khác cản trở, làm trở ngại cho mình thì nỗi giận (sân), giận quá thì u tối (si) để rồi đi đến những hành động tội lỗi (sát, đạo, dâm, vọng). Thành công thì kiêu hãnh, khinh mạn người khác (mạn), thất bại thì nghi ngờ người ta cản trở, phá hoại (nghi), rồi đâm ra có thành, định kiến (ác kiến), trở nên hiềm thù, giận dữ.
Tâm lý học Phật giáo còn phân tích những phiền não khác làm cho con người nhiều buồn chán ưu tư, suy nghĩ. Cuộc đời đã nhiều khổ não lại ngấm ngầm nhiều khổ não hơn lên: Từ giận dữ (phẫn), hờn dỗi (hận), buồn phiền (não), ganh ghét (tật) đến che đậy, che dấu (phú), dối trá (cuống), nịnh hót (siểm), hại người (hại) cùng tánh bỏn xẻn (xan) và kiêu căng (kiêu).
Nếu con người còn có “sự mắc cỡ, xấu hổ” (tàm), thẹn thùng với người khác (quí) thì những hành động sai trái, không thiện còn có cơ hội để sửa đổi; nhưng nếu họ không còn biết xấu hổ, mắc cỡ là gì thì họ dễ dàng đi vào con đường bất thiện. Trong Đạo Phật, không khuyến khích chúng sinh làm ác, bất thiện vì đó là những “nhân” khiến cho chúng sinh, người ta càng đi sâu vào vòng luân hồi vì gây nhân tất phải gặt “quả”. Cho nên các tính: Tín, tàm, quí, vô tham, vô sân, vô si, tinh tấn, bất hại, khinh an (nhẹ nhàng, thơ thới), không buông lung (bất phóng dật), hay hành xả (không chấp) luôn được đề cao, chú trọng.
Tâm lý học trong Phật giáo đi xa hơn Tâm lý học của Triết học nhân gian có hai phần, đó là Mạt na Thức và A Lại Da Thức. Với những thức này, Đạo Phật giải thích được thuyết nhân quả một cách tường tận hơn. Tất cả những hành động thiện hay bất thiện của con người hoặc chúng sinh làm đều là những “nhân” (chủng tử) được “tàng trữ” trong A Lại Da Thức (Tàng thức). Những nhân ấy, chỉ đợi “nhân duyên” (những điều kiện cần và đủ trong khoa học) đến mà nẫy mầm. Trong khoảng thời gian nào đó các chủng tử nào “được có cùng thời kỳ mọc lên” thì chúng sẽ quyết định kiếp của chúng sinh ấy trong thời gian lúc bấy giờ, cuộc đời họ có sướng vui hay khổ, đẹp hay xấu, hiền hay dữ, lành lặn hay tàn tật... tùy theo các nhân mọc ấy là nhân thiện hay nhân ác nhiều hơn. Và cũng chính chúng mới quyết định chúng sinh ấy sinh về cõi trời, A-tu-la, người, địa ngục, ngạ quỷ hoặc súc sinh!
Cho nên, trong Đạo Phật chỉ khuyến khích làm việc thiện, thiện từ đầu chí cuối để không còn một nhân bất thiện nào còn trong A Lại Da Thức và với tinh tấn tu tập, hành giả được trở về với cảnh Đại Viên Cảnh Trí (A lại Da Thức không còn nữa mà chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí, tên khác của trạng thái Niết Bàn). Đó là những điều giải thích mà Tâm Lý Học Phật giáo có thể chứng minh cho chúng ta biết về những liên hệ đến con người trong cuộc sống thực tế cũng như về siêu hình.
Đạo Phật không những giải thích về sự cấu thành con người và những chúng sinh mà còn nói đến sự thành hình cảnh “sum la vạn tượng” của vũ trụ trong Kinh Lăng Nghiêm hoặc phẩm “Thế giới thành tựu” trong Kinh Hoa Nghiêm. Cũng với tuệ giác, Đức Phật đã nhìn thấy trong tất cả những chúng sinh ở các cõi luân hồi từ chư thiên (thiên), A-tu-la, Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và con người thì chỉ có con người mới có thể “tu”, nhưng làm con người thì chỉ có con người của cõi “Nam Diêm Phù Đề” mới có được Phật pháp để mà tu, còn con người các cõi khác như Bắc Câu Lưu Châu, Đông Thắng Thần Châu hay Tây Ngưu Hóa Châu mặc dù họ thông minh, sung sướng ít đau khổ hơn con người ở Nam Diêm Phù Đề nhưng họ không thể tu để thành Phật vì những nơi ấy không có Phật pháp. Nếu muốn thành Phật con người ở những châu ấy cũng vẫn phải tái sinh về cõi Nam Diêm Phù Đề (cõi Ta Bà) của chúng ta. Cho nên con người được sinh ra trên cõi Ta Bà cũng là một phước báu rất lớn: Được cơ hội “ngàn năm một thuở”: Có Phật pháp, có điều kiện để tu. Nói như thế tức là chúng ta đang đứng tại “cửa thoát” của vòng sinh tử luân hồi mà chúng ta không hề để ý đến. Chỉ cần một kiếp sống gây nhiều nhân quả “tệ hại” chúng ta sẽ phải “bị” tái sinh vào cõi khác thì chúng ta sẽ mất đi “cơ hội ngàn năm”, và biết đến khi nào ta có thể có được thân người ở cõi Ta Bà trở lại để mà tiến tu? Vì thế mà câu “Thân người khó đặng” (Nhân thân nan đắc) mới có giá trị đích thực của nó! Nhưng làm con người cũng có rất nhiều cam go: Có tham sân si, ba món độc lôi kéo; có ma vương hiện hình “giả như” Thánh Chúng tạo ra những con đường, những đạo “ảo tưởng” dễ dàng tu tập, để nhằm lôi cuốn con người đi vào mà không hề thoát được vòng kiềm tỏa của chúng; cõi nhân gian còn có những vật chất, nhục dục cám dỗ sẵn sàng đánh ngã con người ở bất cứ lúc nào. Trong những thời đại có nhiều cám dỗ chừng nào (như vật chất, nhục dục..) thì thời ấy “pháp” không được chú trọng, không được nhiều người thực hành theo, hay pháp hoặc người tu bị phỉ báng thì thời ấy chính là thời “mạt pháp” vậy!
Những ma vương luôn chủ trương “bất thiện” (sát, đạo, dâm, vọng) nhằm đưa con người tới chỗ gây nhiều “nhân” trong hiện tại (mà người theo đạo “mộng tưởng” đó tưởng là được hướng dẫn vào con đường giải thoát); có gây “nhân” thì con người còn vướng vào con đường lục đạo sinh tử luân hồi để “trả quả”, như vậy họ không thể thoát được tầm quản lý của chúng ma. Cho nên trong thế giới con người có rất nhiều sự cám dỗ, nhất là đối với những người tu hành sự cám dỗ lại càng mãnh liệt hơn như Đức Phật đã cảnh báo trong Kinh Lăng Nghiêm:
“Bởi các loài ma kia thấy người tu hành, sanh tâm lo sợ cho bà con quyến thuộc của chúng sẽ tiêu diệt, nên chúng dùng đủ thần lực đến nhiễu hại người tu. Chúng nó cũng đủ năm phép thần thông biến hóa chỉ chưa được lậu tân thông.
Mặc dù chúng đủ năm phép thần thông và sức mạnh, song vẫn còn ở trong vòng trần lao; nếu các ông trong khi tu thiền tâm được thanh tịnh sáng suốt, không vọng động, thì chúng ma kia không làm sao hại được. Cũng như dao chặt xuống nước, gió thổi ánh sáng, hoàn toàn không dính líu gì. Chúng ma kia phải lần lần tiêu diệt như băng bị nước nóng chế vào và tối tăm bị ánh sáng phá trừ; chỉ lo một điều là các ông cũng như chủ nhà, nếu chủ nhà mê muội rồi thì các ma chướng kia như khách dễ bề nhiễu hại, rồi các ông trở thành con cái của ma, sau thành người ma” (Kinh Lăng Nghiêm, Phật Học Phổ Thông khóa VI-VII, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành 1997, trang 270).
Ở Kinh Duy Ma, phẩm Phương Tiện, Thiên Thai sớ có ghi:
“Nói Tám nạn thì Thứ nhất là Địa ngục, Thứ hai là Ngã quỉ; Thứ ba là Súc sinh; Thứ tư là Bắc Uất Đan Việt tức là người ở châu Bắc Câu Lư sống sung sướng nên không ham tu học. Thứ năm là Trường Thọ Thiên; người ở đây không có tâm tưởng nên không tu học được. Thứ sáu là đui điếc câm ngọng. Thứ bảy là thế trí biện thông, cậy mình thông biện, theo đòi thế sự nên không tu học. Thứ tám là sinh vào thời trước Phật, sau Phật”
Theo như vậy, khi được sinh ra ở cõi Nam Diêm Phù Đề tức là chúng ta đã thoát được những cảnh đau khổ của chúng sinh trong thế giới Địa ngục, Ngạ quỉ và Súc sinh; thoát được cảnh sung sướng mà không ham tu học, hay loại người không thể tu học. Và khi làm con người mà chúng ta không bị tàn tật: Câm, ngọng, đui, điếc cũng là những điều may mắn; Chúng ta không sinh trước Phật tức thời kỳ chưa có Phật pháp; Mặc dù chúng ta sinh sau Phật, nhưng chúng ta còn có Phật pháp Phật để lại nên có thể tu hành để mong cầu sự giải thoát. Chúng ta còn tiếp cận với Phật pháp thì chúng ta cũng hãy còn “duyên” dù chúng ta chưa là thành phần trí thức học cao (thế trí biện thông) mà không hề để ý đến Phật pháp. Đó là tám nạn mà con người đã có dịp may thoát khỏi để có thể tìm được cho mình cái cửa ra thoát khỏi vòng “luân hồi” trong lục đạo.
Xem thế, được làm con người ở cõi Nam Diêm Phù Đề mặc dù chịu nhiều đau khổ, nhưng lại là một kiếp người đáng quý. Vì cơ hội ấy là cơ hội của ngàn năm. Chỉ cần trong kiếp này, con người vì hành động sai lầm; hay theo những “đạo” của chúng ma gây những nhân ác từ sát, đạo, dâm, vọng để rồi những kiếp sau họ lại trả quả. Họ không còn là con người của cõi Ta Bà này nữa để có dịp mà tu. Biết đâu, với dòng nhân quả ấy, cả ngàn kiếp sau họ vẫn chưa được trở lại làm “con người của cõi Nam Diêm Phù Đề”, vẫn chưa đứng được tại cửa ra của vòng luân hồi một lần nữa, thế là họ đã mất đi “một cơ hội ngàn năm”! Đạo Phật thì nói thế, nhưng tùy theo trình độ và căn cơ của từng chúng sinh mà họ ở một vị trí nào trong quá trình đi lên của họ. Trình độ của họ chỉ đến mức để đi chung với ma, thì họ tin vào ma; trình độ của họ được giác ngộ, thì họ ngộ một cách dễ dàng. Nhưng Đức Phật cũng “vi diệu” pháp của mình đã chứng ngộ được bằng cách “tùy theo căn cơ của chúng sinh” để mà nói pháp, và tất cả pháp “đều có một vị mặn, một hương vị hướng đến giải thoát”, cho nên người sinh cùng thời với Đức Phật và có duyên với Đức Phật được nhiều lợi ích là như thế. Do đó, Pháp của Đức Phật tưởng nhiều nhưng thật chỉ có “một” mà thôi! Và sự thành đạo cũng chỉ có một con đường để đến, nương theo con đường ấy mà Đức Phật Thích Ca đã chứng nghiệm, các Đức Phật trong thời quá khứ, hiện tại và tương lai cũng phải đã, đang và sẽ đi qua để đạt được đạo “Vô Thượng Bồ Đề”!
Do đó, trong Đạo Phật, con người là chủ thể rất quan trọng để đạt được thành quả tu hành, và cũng là “đang” ở tại vị trí “cánh cửa giải thoát” cho mình thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi. Bởi thế, cho nên trong Kinh Tạp A Hàm, Đức Phật đã nói:
“Như Lai tuyên bố rằng thế gian, nguồn gốc của thế gian, sự chấm dứt thế gian và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian đều nằm trong tấm thân một trượng này, cùng với tri giác và tư tưởng”.
Đó là một chân lý “hiện thực” chứ không ở một câu chuyện thần thoại “mơ tưởng” xa xôi! Cho nên Đạo Phật bao giờ vẫn cũng giữ được Chân Lý nhất định của nó. Đó là một sự bất di bất dịch!

Nguyên Thảo,
30/10/08.