Thursday, January 13, 2011

Sau Lũy Tre Xanh

Ngày xưa, Đồ tôi không biết đọc đâu đó kể về chuyện một người đi tha phương; đến khi có dịp trở về làng quê, khi về đến cách làng còn khá xa, nhìn thấy lũy tre xanh bao bọc quanh làng, người ấy đã ứa lệ, lòng bồi hồi khôn nguôi. Những nỗi niềm, những kỷ niệm của những thời thơ ấu, thiếu niên và trưởng thành lẫn bao nhiêu buồn vui đã "dính chặt" với bờ lũy tre xanh lại hiện về.
Trong lần đầu tiên sau bao ngày xa xứ, khi trở về làng quê, Đồ tôi cũng đã hưởng được cảm giác ấy, nhưng nó không được thắm thía cho lắm! Vì rằng, thời gian hôm nay, Đồ tôi ngồi trên xe hơi để thấy, để nhìn; cái nhìn ấy nó nhanh quá, chỉ thoáng qua trong thời gian không lâu; và với người đông đầy, thay đổi quá nhiều, sự ồn ào khác biệt ấy chiếm mất cái rung động của con tim, đánh tan đi những kỷ niệm được khơi dậy trong lòng, trong tâm khảm. Tuy nhiên dù sao, Đồ tôi vẫn thấy bồn chồn nao nức nghĩ đến sắp gặp bạn bè, thấy lại một số những cảnh xưa, con đường đất quanh co, và được nhìn cái nhà yêu dấu...!
Lũy tre xanh, trong thời gian thật dài nó vẫn thế! Người ta không cần phải chăm sóc, vun bồi. Người ta chỉ rong, phát làm cho nó có được vẻ gọn ghẽ hơn, hoặc chặt những cây già, đúng tuổi để sử dụng vào những ích lợi khác như đan đát các dụng cụ trong nhà: rỗ, nia, giần, sàng, thúng, mủng..., hoặc những công trình xây cất: nhà, chòi, vách..., hay các giàn cho các loại dây leo như đậu rồng, đậu ván, bầu, mướp, khổ qua tây v. v...
Khi còn bé, Đồ tôi không mấy ưa những hàng tre ấy. Chúng là những chướng ngại để Đồ tôi có thể nhìn chân trời khoảng khoát tới mãi tận xa; hay nhìn được cái gì xuất hiện trên trời một cách dễ dàng hơn. Đồ tôi ghét chúng nhất là những cái gai nhọn, bén có thể đâm lủng chân nếu mình sơ ý dậm phải, hoặc xe đạp chạy cán nhầm; đó là những phiền toái và bực mình. Nhưng, một ngày nọ, Đồ tôi lại cảm thấy yêu mến nó một cách lạ lùng! Vào những ngày mưa to, gió lớn, bão bùng; chính những hàng tre ấy lại là những hàng chắn che chở cho cả những thứ gì nằm trong vuông tre: Từ cây trái, cho đến nhà cửa và cả con người lẫn súc vật. Những ngày ấy nhìn thấy các ngọn tre bị thổi nghiêng qua nghiêng lại một cách dằn vặt, tang thương; lá bay tơi tả, xác xơ, nhưng rồi tre vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt"! Sau cơn mưa "đời vẫn thế!". Đến mùa chim dòng dọc làm ổ trên tre, mới là một cảnh tượng đẹp làm sao! Những chiếc ổ chim xinh xắn, khéo léo có thể nói là đẹp nhất trong các ổ của loài chim mà Đồ tôi được nhìn thấy từ trước đến nay, và có thể trong suốt cuộc đời của Đồ tôi. Chúng vừa ấm cúng, vừa bảo vệ cho những chim con không bị nắng mưa. Những chiếc ổ ấy, đong đưa theo ngọn gió cùng với cành tre vững chắc. Hàng trăm, hàng ngàn chiếc ổ như vậy, treo lủng lẳng khắp nơi dọc theo hàng tre, Tiếng chim mẹ, chim con ríu rít như trong một khu vườn đầy chim; cảnh thiên nhiên ấy làm cho Đồ tôi khó quên, khó quên như một thời thơ ấu của mình!
Thời thơ ấu của Đồ tôi được gói gọn trong những vuông tre, từ vuông tre của bên nội, rồi đến vuông tre quê ngoại, cũng như tất cả đứa trẻ khác được sinh ra và lớn lên trong những vùng quê. Lũy tre xanh đều gắn liền với bao nhiêu kỷ niệm nơi chôn nhau cắt rốn, hay ít ra một lần trong đời cũng được nhận biết về hình bóng của "lũy tre xanh".
Lũy tre xanh không đơn giản chỉ là bao nhiêu đó thôi; chúng nó còn đi xa, đi xa hơn những điều ấy rất nhiều. Đồ tôi không biết lũy tre xanh được thiết lập tự bao giờ, nhưng chúng cũng đã cho Đồ tôi những khoảng thời gian vui thú để tập bắn chim bằng "giàn thun" hay còn gọi là ná. Xách giàn thun, mang bị đá hoặc đạn đất sét phơi khô lần theo tiếng chim. Ô! nó chỉ là con chim "óc mít", vì nó chỉ to bằng một hột mít; nhắm kỹ, giương giàn thun lên, kéo rồi thả ra; đạn trúng vào cành gai của tre và con chim chuyền đi nơi khác. Cứ thế mà theo đuổi con chim trong hàng giờ, cuối cùng đành bỏ cuộc đối với nó. Hoặc những lúc cùng bạn bè đi săn "cắc ké" để được một nồi cháo ngọt "ngất ngư".
Trong làng xóm thôn quê có cách tổ chức tương đối là hoàn thiện. Mỗi gia đình được một khoảng đất khá rộng rãi, trong vuông đất đó có chỗ để cất nhà, nhà lớn hay nhà nhỏ tùy thuộc vào khả năng tài chánh của gia đình đó; có nơi đào giếng nước, làm chỗ chăn nuôi, nhà kho, chuồng nhốt bò trâu, nhà xe và chứa những dụng cụ nông nghiệp; có đất để lập thành một khu vườn cây ăn trái, nào bưởi, chuối, đu đủ, vú sửa, khế, dừa, hồng quân, mít, ổi hoặc những loại cây dùng làm nọc tiêu, ngoài ra người ta còn trồng những loại cây có bông như điệp, bông trang, hoặc trước sân trồng các loại khác như bông vạn thọ, mồng gà, cúc, móng tay, hoa dừa, bông mai v..v... để làm đẹp thêm khu chung quanh nhà ở. Nhưng dù thế nào chung quanh vuông ấy thường thì người ta cũng trồng tre. Có khi người ta trồng thêm một hàng "tầm vông" và vài bụi trúc để khi cần người ta có thể đốn xuống để sử dụng mà khỏi phải đi tìm đâu xa. Với tầm vông thì làm giàn bầu, mướp... hoặc cây ngang làm khung để chịu các tấm tranh, lá, khi lợp mái nhà và những việc cần thiết khác; còn trúc để làm cần câu, đan những tấm liếp cho việc phơi bánh tráng chẳng hạn. Mọi gia đình một vuông, vuông nầy kế tiếp vuông kia thành một xóm, thôn hay ấp. Và nhiều thôn ấp thành xã. Rồi xã nầy tiếp nối xã kia thành quận, huyện, tỉnh và một quê hương.
Không biết trong lịch sử định canh định cư của dân tộc chúng ta thế nào, chứ nhìn qua một cách tổng quát Đồ tôi cũng khá ngạc nhiên: Vì có nhiều thôn xóm chạy dọc dài theo những cánh đồng lúa, những bình nguyên cho đến tận những vùng tương đối hẻo lánh sát với rừng già, có thể nói là thiếu những phương tiện giao thông lẫn những sinh hoạt văn hóa. Điều ấy, khiến Đồ tôi "cảm thấy" lạ lùng mà phải tò mò. Đành rằng trong thuở xa xưa nào đó, khi con người biết cách trồng trọt lúa nước, họ đã từ giã những vùng rừng núi và tiến về đồng bằng để canh tác trên những vùng đất mầu mỡ, thuận lợi dễ dàng cho đời sống; họ đã từng nhóm đi khai phá những khu vực hoang vu dọc theo những dòng nước: sông, rạch, suối. Công sức khai phá đồng nghĩa với sự chiếm hữu. Đồng ruộng lần được mở rộng, và những vùng khô ráo bên trên ven rừng được làm nơi định cư. Ở đó không bị ngập nước vào những mùa nước lớn hay ngập lụt, lại là nơi thuận lợi cho những cây ăn trái. Những gia đình nông dân có thể đào ao nuôi cá, chăn nuôi và trồng thêm hoa màu khác để tìm lấy nguồn lợi quanh năm. Sự chiếm hữu các vùng rừng lân cận, họ được thêm nguồn lợi thiên nhiên bằng những bẩy thú hoặc trái cây rừng; đồng thời có thể trồng thơm, khóm để tăng thêm lợi tức; vì thế đời sống của người nông gia được bảo đảm hơn nếu gặp những năm thời tiết không thuận lợi mất mùa. Cuộc sống cứ thế mà an nhàn cho một nền kinh tế dựa trên căn bản nông nghiệp.
Để bảo vệ với những thú dữ, có thể là nguyên nhân của những lũy tre xanh. Ngoài nguồn lợi của tre về măng; và thân đã đem đến những vật dụng cần thiết cho đồ gia dụng hoặc xây dựng như bàn, ghế, phên vách, giường, chõng, hoặc những vật đan đát...Người ta còn hạ thấp những cành gai của tre để làm dầy thêm hàng rào chống thú dữ, kẻ gian. Điều đó cũng có nghĩa là mỗi vuông tre là một sự tự bảo vệ của gia đình; đối với cả thôn xóm vuông tre lại là sự bảo vệ chung. Cuộc sống của những người nông gia cứ thế mà an bình!
Thuở Đồ tôi còn nhỏ, vào những đêm trăng sáng được những người lớn hơn dẫn đi theo chơi. Họ tập họp ở một nhà nào đó cùng những người được coi như là trang lứa để chơi những trò chơi kéo co, u bắt mọi, trốn bắt, rồng rắn, nhảy dây... Hay hò hát vang vang một góc xóm; văng vẳng xa xa cũng có những nhóm như vậy. Thật là rộn ràng! có những âm vang khác của những người thanh niên lớn hơn, họ giả gạo chày đôi chày ba, hay những tiếng cối xay lúa đổ xuống đệm rào rào vì thời kỳ ấy chưa có các nhà máy xay sát, chà gạo. Đó là thời kỳ mà nhiều nhạc sĩ đã cảm hứng để viết các bài như bài "Gạo trắng trăng thanh", "Lối về xóm nhỏ"... chẳng hạn.
Sau lũy tre làng, tâm hồn của người nông dân thật thà, chất phát, chân thật đối đãi nhau, tương trợ giúp đỡ những khi "hữu sự" về "những chuyện vui buồn"; công việc của gia đình riêng cũng gần như là của chung, giúp sức cũng như yễm trợ về tiền bạc để mai sau nếu gia đình mình có việc thì người khác cũng giúp đỡ mình giống như mình đã làm, thế cho nên "Bà con xa chẳng qua láng giềng gần" hay "Nhứt cận thân, nhì cận lân", "Bánh ít đi, bánh qui trở lại". Tình thôn xóm, làng mạc được thể hiện rõ nhất là ở cái đình. Cái đình là mái nhà chung, là nơi thờ những vị Thần gọi là Thành Hoàng hay là những vị khai phá đầu tiên được tưởng nhớ công ơn thờ phượng như một vị Thần, là nơi mọi người tụ họp vào những ngày "Lệ" để thứ nhất cầu "Quốc thái dân an"; thứ hai "Mưa thuận gió hòa" để cho "Được mùa" trong một năm mới và thứ ba là làng xóm có cơ hội vui chơi trong ngày "Lễ Hội".
Cuộc sống của người nông dân sau lũy tre xanh thật đơn giản, ngoài công việc đồng áng, ruộng nương, khi rỗi rảnh thì họ có thể bươn chải làm nghề buôn bán khác, hay những nghề thủ công để kiếm thêm tiền làm giàu thêm ngân quỹ gia đình, hoặc đi bắt cá để tìm thêm lương thực. Đàn bà thì làm những việc lặt vặt quanh nhà, trông nom con cái; người nào giỏi dang bươn chải buôn bán bên ngoài như một nghề chính, thì đó cũng không là một ngoại lệ.
Những con đường làng quanh co, lầy lội vào mùa mưa; cũng như bụi bặm vào mùa khô ráo đã ôm ấp không biết bao nhiêu là kỷ niệm của số lớn con người từng sinh ra, lớn lên nơi miền thôn dã; cuộc đời có gắn liền với lũy tre xanh trong một thời gian nào đó, mà ký ức đã hằn sâu và đậm vết.
Mỗi buổi sáng, lũy tre xanh đều trở mình thức dậy sớm trước khi hừng đông, tiếng xe bò, xe trâu, tiếng người vội vã ra đồng cho một ngày bắt đầu. Rồi sau đó trở nên bình lặng, cái bình lặng của thiên nhiên với thôn xóm vắng người, chỉ thỉnh thoảng đâu đó vài tiếng chó sủa với người khách lạ; hay tiếng kẽo kẹt chiếc võng hòa với tiếng ru em ở một ngôi nhà nào đó; và những tiếng "xao xác gà trưa gáy não nùng" như một nhà thơ đã diễn tả trong dòng thơ của ông. Thôn xóm trầm lặng, nhưng đồng áng lại vang vội tiếng hò trong thời Đồ tôi còn bé tí; và rồi tiếng "radio" ở thời Đồ tôi khá lớn. Những tiếng "thá, ví" của người nông phu cày bừa, hoặc gọi nhau ơi ới thỉnh thoảng đó đây. Khi mặt trời dần ngã xuống về chiều, tiếng xe bò, xe trâu lại lịch kịch kéo nhau lũ lượt đi về. Tiếng người, tiếng trâu bò "nghé ngọ", tiếng la của trẻ chăn trâu, tiếng chuyện trò ồn ào trên khắp nẻo đường quê thôn xóm quện lẫn những làn bụi mịt mù mà đàn bò, trâu đã vung vít trên đường đất cát mà nên. Một ngày sau lũy tre xanh đã qua! Lại tới một đêm an bình và rồi sáng sớm hôm sau bắt đầu cho một ngày mới. Nhịp điệu ấy vang lên đều đều từ thế hệ nầy cho đến thệ hệ khác, kéo dài đã mấy ngàn năm. Nhưng lúc nào cũng vậy cũng ở sau lũy tre làng.
Rồi đến những thời gian chiến tranh, làng quê có nhiều thay đổi; nhưng làng quê vẫn còn đó và lũy tre xanh vẫn ngạo nghễ, ngang nhiên vươn ngọn với trời xanh, vẫn chở che cho vuông nhà bên trong dù nhà, người, vật không còn hiện diện thường xuyên, cho đến ngày đất nước được thanh bình. Cuộc sống vẫn đều nhịp trở lại như của thuở ngàn năm!
Lũy tre xanh trải dài từ bắc vào nam, dọc theo mọi miền của đất nước. Lũy tre xanh ôm ấp những thôn làng mà trong đó những con người thật thà, chất phát đã tạo nên một cuộc sống ấm no cho chính gia đình của mình, và đóng góp vào xã hội. Lũy tre xanh che chở thôn làng, cho những sinh hoạt, lễ hội dân gian; ôm ấp những tự tình dân tộc mà những đứa trẻ thơ lớn lên không thể nhạt nhòa trong trí nhớ, nhất là những người tha phương giống như là Đồ tôi. Nhớ về "Lũy tre xanh" để ôn về quá khứ của một thời và là để nhớ về những tình tự của "quê xưa" mà chỉ "sau lũy tre xanh" mới có mà thôi! Đó là quê hương! Một quê hương yêu dấu nhất là đối với chúng ta thuở "ngày còn bé thơ ngây"!

Đồ Ngông.
20-08-06.

No comments:

Post a Comment