Từ xưa khi còn nhỏ, lúc học trong trường thầy cô thường có dạy: "Thuở ban đầu, khi con người còn sống trong thời kỳ bộ lạc thì theo chế độ mẫu hệ, tức là chế độ mà người đàn bà giữ vai trò quan trọng trong gia đình. Về sau lần theo sự phát triển của tổ chức, cơ cấu của xã hội mà xã hội đã chuyển qua chế độ phụ hệ là chế độ gia đình mà người đàn ông là vai trò quan trọng và quyết định trong gia đình... ". Từ ấy, Đồ tôi luôn bị ám ảnh về hai từ ngữ "mẫu hệ" và "phụ hệ". Vì trình độ mình không cao, nên cứ thắc mắc mà chưa có điều kiện tìm hiểu xem tại sao nó biến chuyển từ chế độ nầy sang chế độ kế tiếp như thế nào? Nguyên nhân nào khiến nó biến chuyển như thế đó? Và sự biến chuyển đó diễn tiến ra sao? Thắc mắc thì cứ để vậy, để rồi lâu ngày chầy tháng Đồ tôi lại cũng không còn nhớ đến nó nữa.
Đột nhiên, một ngày kia tự dưng "bà ứng" như thế nào đó, Đồ tôi lại chợt nhớ và suy nghĩ lại vấn đề nầy: Cuối đường hầm có một tia sáng mong manh; nay viết ra để bàng dân thiên hạ coi chơi! Nhưng, xin lỗi đây chỉ là chuyện tào lao, kính Quý vị nghiên cứu về Nhân chủng, Xã hội học đừng vội tưởng là thiệt mà phê phán Đồ tôi là thằng ba xạo bá láp viết không bằng chứng, không có di chỉ..., thì lại tội nghiệp cho Đồ tôi lắm lắm!
Đồ tôi lại nhớ về ngày đẹp trời nọ trên quê hương trước ngày 30-4-75, vào khoảng thời gian gần Tết Nguyên Đán, Đồ tôi được "dán" mắt vào một mẫu chuyện vui. Trong chuyện vui đó kể lại chuyện một anh chàng sinh viên du học tận bên Hoa Kỳ, nhân ngày gần Tết anh ta ngồi nhớ đến cảnh Tết, cảnh sum họp gia đình rồi nhớ đến cha đến mẹ mà buồn. Khi ấy anh chàng thanh niên Mỹ ở chung, thấy như vậy mới hỏi anh ta: "Vì sao mà mầy buồn?". Anh ta trả lời với thằng Mỹ ấy: "Ở trên quê hương tao bây giờ là những ngày cuối năm gần Tết, tao nhớ đến cảnh Tết sum họp gia đình mà bây giờ tao lại ở đây khiến tao nhớ đến cha mẹ tao mà tao buồn!". Câu trả lời nầy làm cho thằng Mỹ suy tư; hồi sau anh chàng Việt nam lại hỏi lại thằng Mỹ: "À! Tại sao bây giờ mầy lại buồn?". Thằng Mỹ: "Mầy hãy còn may mắn hơn tao, vì mầy còn có cha mẹ để nhớ!". Anh chàng Việt nam, lại càng ngạc nhiên hơn: "Chứ mầy không có cha với mẹ à!". "Tao có cha có mẹ chứ! Nếu không có cha có mẹ thì làm sao có tao. Nhưng tao chỉ biết có mẹ tao mà thôi!". Anh chàng Việt nam không tin điều mình nghe, bèn hỏi: "Thế mẹ mầy không nói cha mầy là ai à! Mầy hỏi mẹ mầy mẹ mầy sẽ nói cho mầy biết". "Tao có hỏi mẹ tao nhiều lần, nhưng bà ấy cũng chẳng biết cha tao là ai?". Câu chuyện chấm dứt ở đó. Và trong đầu óc Đồ tôi nhiều năm sau cũng chỉ xem nó là một câu chuyện tiếu lâm, chuyện vui mà người ta kể ra để mua vui cho độc giả. Và nó cũng là mẫu chuyện để Đồ tôi có dịp tán gẫu với bạn bè trong những lúc "trà dư tửu hậu" hoặc lúc cần có một chút cười cho cuộc đời bớt căng thẳng khổ đau.
Thế nhưng, cả mười mấy năm sau câu chuyện ấy lại được may mắn giống như Đồ tôi lại có cơ hội vượt biên; nó cũng làm "thuyền nhân" đồng hành với Đồ tôi đến bến bờ tự do.
Khi đặt chân lên xứ người bây giờ trở thành quê hương thứ hai của mình, Đồ tôi vừa lo bương bã tìm sinh kế để tự ổn định cho chính mình, vừa học hỏi lại vừa phải lắng nghe. Người ta đã nói nhiều đến xứ Nữ Hoàng và vai trò của người phụ nữ trên xứ nầy. Quả thật, người phụ nữ ở đây và hầu hết những nước thuộc phương Tây đều được tôn trọng, giống như một câu nói mà ngày Đồ tôi còn trầm ngâm với nỗi buồn xa xứ trên đất Mã Lai, trong vòng rào của trại tị nạn Sungei Bési đã được nghe: “Thứ nhất đàn bà, thứ hai trẻ con, thứ ba cây cỏ, thứ tư chó mèo, thứ năm mới tới đàn ông”. Nhưng khi đến đây mới thấy trẻ con mới thật là thiên thần, dĩ nhiên sau đó là đàn bà cho đúng danh xưng là xứ Nữ Hoàng. Đồ tôi không hiểu từ nguyên nhân nào mà vị trí người đàn bà được tôn trọng xứng đáng như vậy. Đồ tôi phải nhớ đến cái thời đọc sách lõm bõm của mình, cái thời thanh niên mà trí nhớ "dở òm" thì hình như trong thời nào đó trong lịch sử Tây phương có thời kỳ gọi là thời vàng son của những chàng Hiệp sĩ, có cưỡi ngựa, đánh kiếm giống như thời của D'Artagnant trong phim "Ba chàng Ngự Lâm pháo thủ". Đó là thời kỳ bắt đầu hãnh diện của các bà thuộc hàng Quý tộc.
Mãi đến một ngày nọ, Đồ tôi cùng bạn bè ngồi coi phim cao bồi trên xứ Mỹ. Trong phim toàn là những đám đàn ông, cướp bóc, bắn giết, đánh bài, ăn chơi,... và chiến đấu cùng với thổ dân da đỏ. Giữa đám đàn ông hùng hỗ ấy, có một nhóm rất ít đàn bà họ vẫn được tôn trọng vô cùng dù đối với phe nhóm đàn ông nào đi nữa, và nghề của họ thì chẳng được gọi là thanh cao. Từ đó, Đồ tôi có một cái nhìn trên một khía cạnh khác. Những người đàn bà qua được trên đất Mỹ trong những thời kỳ đầu quả thật là quá hiếm và chỉ có họ là những bông hoa để làm đẹp cho khu vườn của những yên hùng, đá cùng cây.
Rồi tiếp theo là những phong trào đòi giải phóng người phụ nữ, đòi bình quyền trong lịch sử châu Âu và các xứ Tây phương thì vị trí của người phụ nữ được lên cao. Coi đó là ưu thế của nền văn minh Tây phương.
Đồ tôi cất những ý nghĩ đó vào trong ký ức ở tầng cuối cùng.
Rồi Đồ tôi cũng lại thắc mắc: Tại sao chính phủ nầy lại ưu tiên cho những bà "single mum" làm vậy? Đôi khi tạo nên một phong trào để chứng tỏ mình là "single mum", có chồng có gia đình cũng muốn được làm "single mum"; rồi từ "single mum" giả trở thành "single mum" thiệt; rồi những đứa trẻ về sau kết hôn cũng để được là "single mum". Ôi! "single mum" phổ biến trong tất cả các cộng đồng của một cộng đồng chung.
À! Thì ra, nguyên nhân của nó chính là nếp sống và thời tiết ở những xứ nơi đó! Ở cái xứ xem tình dục như một nhu cầu đòi hỏi tự nhiên của con người, và cũng không có một đạo lý để giới hạn; cho nên vấn đề nam nữ là một vấn đề bình thường, phổ biến vì vậy mà trở thành một vấn nạn. Nam nữ gặp nhau ở chỗ một cuộc vui, một cái "pub", trong một "hộp đêm" nếu thích nhau thì có thể "rủ nhau" để làm tình. Thế đi đêm có ngày cũng gặp ma. Do đó đứa con ấy được sinh ra đời người mẹ có thể là biết cha hay không biết cha của đứa trẻ. Đó không phải là những trường hợp hiếm hoi. Cũng như vừa mới đây có một ông Tổng Trưởng nọ tưởng mình có được thằng con trai đã lớn, do "bà bồ" ngày xưa báo lại, làm chú con cũng mừng là mình đã tìm được cha mà cha lại làm lớn trong Chính phủ. Nhưng khi đem thằng con đi thử DNA thì té ra là không phải con ông ta. Bà bồ nhớ lại rằng trong khoảng thời gian đó, bà còn dan díu với một chàng sinh viên khác, thế là thằng con chính là của người kia không phải là con ông Tổng Trưởng. Cả ba người đều mừng hụt! Sau vụ đó ồn ào trên báo chí, có vài ý kiến cũng khá ngộ nghĩnh. Có người nói: Chính vì vậy, trên thực tế có nhiều người thôi nhau, ông chồng bị sở thuế khấu trừ tiền trợ cấp nuôi con rất là nặng ngay trên đồng lương của mình, thế nên ông chồng bắt đứa con đi thử DNA để xác nhận đúng là đứa con đó phải là con của ông ta hay không? Để tránh kiểu "tò vò mà nuôi con nhện"! Lại có người nói nếu như vậy thì cứ mỗi đứa con, ông chồng đều bắt thử DNA hết cả thì giá trị của người đàn bà bị hạ thấp quá đi! Chuyện đời vốn có nhiều phức tạp, mà chính vì sự dễ dãi về tình dục đã đưa đến nhiều sự phức tạp hơn trong cuộc sống! Trên những xứ lạnh và trong cuộc sống xã hội lo chạy theo vật chất, tiền bạc, việc làm, cộng với vấn đề giao tiếp, láng giềng tương đối khép kín như thế nầy, thì khiến cho người ta buồn chán nên sự chia sẻ buồn vui lại là cần thiết cho những người lẽ loi, cô độc; thì chẳng trách gì có những chuyện oái oăm!
Lại nữa làm "single mum" có được nhiều ân huệ trong chính sách "an sinh xã hội" hơn. Từ đó nhiều gia đình trở nên phân hóa hoặc tan nát, cùng với quan niệm "người đàn bà được nhiều ưu tiên, bảo vệ" trong cái xứ Nữ Hoàng. Do đó, nền tảng gia đình càng dễ dàng bị tiêu tan hơn nữa.
Chắc đọc đến đây Quý vị cũng có thể mường tượng được vấn đề, nhưng Đồ tôi còn cần kể thêm một hai câu chuyện nữa mới kết thúc lại được về kết luận của nó.
Vốn là năm nào đó trên đài truyền hình số 9, trong mục "60 minutes" đã đề cập đến một nàng con gái xứ Úc - phần nầy Đồ tôi được biết qua phần chiếu lại và giảng của cô giáo trong một lớp học Anh văn - Đồ tôi không nhớ rõ là cô ta đến xứ Phi Châu, hình như Kenya thì phải, để kết hôn với thổ dân ở đó. Trong phần phỏng vấn mẹ cô ta khuyên nếu muốn kết hôn thì nên lên vùng Bắc Úc kết hôn làm gì phải đi xa như vậy; cô ta chê những người ở bắc Úc thường hay nhậu nhẹt say sưa, không thích làm việc mấy. Sau đó, cô có kể đến việc làm tình của người bộ tộc nơi đó. Nếu khi nào đến chỗ cư trú mà thấy có ngọn dáo cắm xuống đất là biết có cuộc "mây mưa" trong đó, không kể là người nào, và trong ngày có bao nhiêu người. Cô ta cũng vui vẻ với những việc làm như vậy.
Rồi lại nhìn về các nhóm người sống trong lòng xứ Úc, họ chỉ thích săn bắn, bắt loài bò sát hoặc cá, tôm cua để sinh sống hơn là những nghề khác, họ sinh hoạt giống như những bộ tộc thuở xưa. Nếu ta đặt vấn đề "vai trò quan trọng" chỉ đạo nơi cư trú có thể là những người đàn bà hơn là những người đàn ông, họ còn chăm sóc con cái hoặc phân công việc làm, sắp xếp mọi chuyện chung quanh, nếu có. Còn nếu nhìn về phương diện đời sống "sinh lý" thì điều ấy còn tùy thuộc vào yếu tố "chiếm hữu" hay "chưa chiếm hữu".
Những chuyện ấy "nằm chơi khơi khơi" trong ký ức Đồ tôi như chỉ là một sự "huân tập" vào trong "A Lại Da Thức" (Đồ tôi tập nói theo kiểu Duy Thức Học chơi cho vui vậy mà!), Đợi đến lúc có cơ hội chúng lại lần lượt nhóm lại, khởi lên để Đồ tôi "nổi hứng" mà viết bài nầy hầu mua vui công chúng " được vài phút giây".
Số là trong năm vừa rồi, Đồ tôi tức mình vì những chuyện không đâu mà những người trí thức của một cộng đồng nhỏ tại địa phương nọ lôi nhau chửi trên phương tiện truyền thông hằng bốn năm trời, rồi kéo thêm "người tận phương xa" nhào vô, Đồ tôi mới làm một bài thơ gọi là "Tháng bảy nhân gian" trong công cuộc cố chặn đứng phong trào "nỗi loạn" hay "khuấy thối" của những người ấy. Bài thơ đó như sau:
Tháng Bảy Nhân Gian:
Tháng Bảy nhân gian mùa "chó động..."
Đực, cái ngoài đường "nhảy tùm lum"
giữa sá, giữa đường coi chướng mắt
Mấy bà "mắc cỡ" vội đi nhanh!
Một cặp trước nhà đang "vướng mắc"
Xung quanh, một lũ lại ầm vang
Ông bực xách cây xua đuổi mãi
Đánh nhiều, chúng lại sủa càng hăng!
Bà bực mắng rằng: "Đồ lủ chó!
Xấu hỗ không? Sao lại giữa đường
Lại lủ chó hùa thêm nhốn nháo,
Tạt nước cho mầy, biết tay tao!"
Nói đoạn bà bưng thau nước lớn
Tạt ào vào lủ chó hung hăng
Cả đám hoảng lên lo nhảy thoát
Cái, đực "quên vui" chạy mất hồn!
Bài ấy được thành hình từ một chuyện có thật khi Đồ tôi ở vào khoảng mười mấy tuổi. Vào tháng bảy ở xứ ta, tháng bảy là tháng chó "động đực", cho nên chó "mắc lẹo" ngoài đường không thiếu gì. Điều ấy, khiến mấy bà đi dọc đường trở nên mắc cỡ; mấy đứa con nít mắt bị nỗi "lẹo" người ta bảo rằng: "Tại nhìn chó mắc lẹo". Nhưng, đó không phải là chuyện bực mình của hàng xóm mà chính do sự ồn ào của lũ chó mới làm cho người ta khó chịu. Một con đực, một con cái dính lẹo giữa đường không phải là chuyện đáng nói, mà lũ chó đực ở bên ngoài gấu ó ầm vang mới là chuyện nhức đầu. Thế cho nên, ông chồng trở nên bực bội xua đuổi cách nào chúng cũng không đi, ông đánh chúng nó thì chúng lại sủa còn hăng hơn. Bà vợ đang rửa rau ở gần đó, khi rửa xong còn nước trong thau, bà nói: "Được rồi! Để cho tụi bây biết tay tao!". Bà bưng thau nước tạt mạnh vào lủ chó. Quả thật lủ chó hoãng hồn, ướt mình chạy ra xa, sủa lơi vơi rồi từ từ bỏ đi, kể cả con đực con cái cũng "rứt ra" và bỏ cuộc. Khi Đồ tôi làm bài thơ ấy Đồ tôi nhớ lại câu chuyện, cũng nghĩ mà tức cười. Nhưng, một ý khác lại nãy sinh: Về sau nầy bầy chó con được sinh ra nếu cuộc tình hôm nay của loài chó có kết quả, thì không biết những con chó con đó có biết cha nó là ai không nhỉ! Mà ngay cả con chó cái ấy có nhớ "thằng chồng một lần" đó là con chó nào. Và cũng từ đó, "tư duy" của Đồ tôi lại bị kéo vào cái thuở thời ăn lông ở lổ, con người "có thể" sống theo tình dục tự nhiên như một bản năng; và không biết có giống như loài chó hiện nay không? Nếu vậy, thì đứa con cũng chẳng biết cha nó là ai, mà nếu "làm ái ân" theo kiểu của thổ dân Kenya thì ngay cả người đàn bà cũng chẳng biết con mình là con của người nào. Và sống theo kiểu tình dục thoải mái của thanh niên phương Tây, nhất là trong phong trào Hiện sinh sau trận Thế chiến Thứ hai thì chỉ khổ cho người nữ thôi. Không có người tình nào nhìn nhận để nuôi đứa con thì người nữ phải "ôm con" trong sự thiếu thốn đau khổ cho nên xã hội giúp đỡ người "single mum" như là một "điều nhân đạo" cũng phải! Và nếu người nữ cũng "lung tung" thì người nam phải nhờ đến khoa học xét nghiệm lại "DNA" để trách nhiệm của mình hợp lý và đúng chỗ, lại là chuyện phải làm. Người xưa của chúng ta đã có kinh nghiệm khá nhiều: "Cháu nội thì lạc, cháu ngoại không bị lạc", và trường hợp "Cá ai bỏ giỏ mình là cá mình" chỉ là những trường hợp bất đắc dĩ mà thôi!
Nhưng cái chuyện "mẫu hệ" hay "phụ hệ" không phải dựa hẳn vào những câu chuyện tình dục, mà nó còn tùy vào sự phát triển xã hội và kinh tế. Trong thời kỳ sơ khai hay bộ lạc, người ta có thể sống, hoạt động phần lớn theo bản năng với một số ít người trong nhóm, thì người đàn ông chỉ vui chơi kiếm củ, trái cây hay bắt cá, loài bò sát, rồi đến săn bắn, chưa đạt đến thời kỳ để chiếm hữu vì thế người đàn bà chỉ là nhu cầu yêu đương, sinh lý và là người thủ kho để giữ hay phân phối lương thực, thức ăn, hoặc sanh con chăm sóc chúng. Nhưng khi chưa là chiếm hữu thì con cái đó là của ai, vì thế thường những bộ tộc và trong đời sống sơ khai là những chế độ "mẫu hệ", người đàn bà có quyền uy hơn vì có thể nói, điều khiển, dạy dỗ con cái của "chính" mình.
Rồi trong nếp sống sơ khai, bộ tộc ở nơi bắt đầu thức ăn thiên nhiên hết dần, thì họ phải di chuyển đến nơi khác, tạo thành nếp sống du mục. Lại đến, người bệnh, già, yếu không thể di chuyển hoặc di chuyển thật là khó khăn; lẫn vấn đề tìm thức ăn, người ta đã nghĩ đến hình thức định canh định cư, trồng cây ăn trái lập vườn, chăn nuôi gia súc, hình thành những dụng cụ tinh vi hơn thì vai trò của người đàn ông dần được xác định là quan trọng. Và có thể vì trong bản năng con người thích an nhàn, sung sướng, nạnh hẹ tạo nên sự bất công trong nếp sống bộ tộc mà đã thành hình nếp sống gia đình; trong đó người đàn ông càng giữ vai trò quan trọng hơn nữa; người đàn bà trở thành lệ thuộc trong gia đình. Chế độ "mẫu hệ" dần dần chuyển hình thức sang chế độ "phụ hệ". Và chế độ ấy được phổ biến cho đến ngày nay, nhất là ở những xã hội nặng về nông nghiệp, còn những quốc gia tiến bộ về công nghiệp và nghiệp vụ, người đàn bà cũng đem tài sức đóng góp vào cho xã hội nên người đàn bà đòi đến sự bình quyền. Cơ chế có thay đổi nhưng căn bản "trời ban cho" khó mà thay đổi, người đàn bà dù thế nào đi nữa với bản năng sinh, nuôi dạy con; nội tướng trong gia đình, là căn bản cho một gia đình vẫn hãy còn là quý báu. Nếu người đàn bà mà hư đi thì gia đình dễ tan nát hơn là người đàn ông bại hoại. Do đó, Đồ tôi cũng có quen với vài thằng Tây; tụi nó khá chán nãn về đàn bà Tây khi mà vợ chúng nó "bung thùa" về sinh lý cũng như chỉ thấy có tiền và tiền. Điều ấy không biết đúng hay sai, chắc chúng ta còn phải nghiên cứu thêm mới có thể hiểu được nền văn minh vật chất của Tây phương!
Còn chuyện Đồ tôi viết đây chỉ là một chuyện tào lao. Không biết gì làm, đành viết bậy cho vui. Xin quý vị đừng trách! Và nhớ cũng đừng cười Đồ tôi mà tội nghiệp!
Đồ Ngông,
16-08-05.
Friday, January 7, 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment