Saturday, April 2, 2011

Đạo Phật 13- Những Điều Trích Dẫn...!

(Hay: Nhân Sinh Quan Và Vũ Trụ Quan Trong Đạo Phật).

Lời Thưa Đầu: Đây là những tài liệu được ghi lại từ trong kinh điển trên bước đường đi tìm hiểu về Đạo Phật, và chúng tôi cố gắng trình bày chúng theo một hệ thống về “nhân sinh quan” hay “vũ trụ quan” để chúng tôi dễ nhớ, đồng thời có thể giúp người đọc dễ hiểu hơn. Nay chúng tôi thấy cũng cần nên trình bày chúng ra đây để quý vị độc giả tham khảo và mong rằng chúng sẽ góp thêm tài liệu vào sự tìm hiểu của Quý vị. Xin Quý vị vui lòng tha thứ về danh từ xưng hô “bạn” trong bài. Nguyên Thảo kính ghi!

***

Trong Kinh Viên Giác ở chương Kim Cang Tạng, Đức Phật có dạy rằng: “Nầy Thiện nam! Tất cả các pháp, có thủy chung, sanh diệt, tiền hậu, hữu vô, nào tụ tán, khởi dừng, xoay dần, qua lại, các món thủ xả, mỗi niệm nối luôn. Những loại kể trên đều là luân hồi cả. Người chưa ra khỏi luân hồi mà nghĩ bàn đến Viên Giác, thì tánh ‘Viên giác’ đó cũng trở thành luân hồi (Vị xuất luân hồi nhi biện Viên giác, bỉ Viên Giác tánh tức đồng lưu chuyển). Nếu người ra khỏi luân hồi (hết mê vọng rồi) thì không còn thấy có các việc hư vọng ấy nữa”. (PHPT, khóa VIII trang 66).
Đức Phật đã nói rõ như vậy: “Người chưa ra khỏi luân hồi mà nghĩ bàn đến Viên giác, thì tánh ‘Viên giác’ đó cũng trở thành luân hồi”. Cho nên ở đây, tôi “chẳng dám nghĩ bàn đến tánh Viên giác” cùng bạn, mà chỉ qua sự yếu kém của tôi, thì tôi cũng muốn tìm hiểu với bạn vài điều mà Đức Phật đã nói trong Kinh ấy để chúng ta có thể liên kết với thực tại con người, vũ trụ tức là tìm hiểu về “Nhân sinh quan” và “Vũ trụ quan” trong Đạo Phật.
Trước hết, chúng ta cũng cần lưu ý hai điểm đặc biệt của Đạo Phật là Nhân quả và Luân hồi. Thực ra nhân quả, luân hồi là những tư tưởng của nhân loại đã có từ trước, trước khi Đạo Phật xuất hiện. Tuy nhiên đến khi Phật Thích Ca đạt được đạo qua Thiền định, rồi với Trí Huệ Ngài mới giảng rõ ràng thành một hệ thống và thành lập một “Con đường” (Đạo) khái quát, hướng dẫn đệ tử và giúp chúng sinh đời sau tu tập để trở về với nguồn gốc mà mình đã ra đi từ thời vô thỉ. Đó là sự Giác Ngộ, mà cứu cánh là nhập được Niết Bàn, hòa vào thể Chơn Như, nhập vào Pháp Tánh, vào Tạng thức của Như Lai hay sự tu tập đã hoàn toàn viên mãn: Là Phật, là Bậc Giác Ngộ.
Quả thật rất khó cho chúng ta để có thể hiểu được “Tánh Viên Giác” vì Đức Phật đã nói:
“Nầy Thiện nam! Kinh nầy nói về cảnh giới của Như Lai, nên duy có Phật mới hay biết, còn các vị Bồ Tát và chúng sinh đời sau, chỉ y theo đây tu hành lần hồi tiến đến địa vị Phật”. (PHPT, khóa VIII trang 218).
Dù kết luận như thế, nhưng Đức Phật cũng đã giảng rất nhiều, ta có thể tìm hiểu được chút ít qua nội dung của Kinh vậy.
Ngay từ đầu, Kinh đã đề cập đến cảnh giới của Phật là “Bất Nhị”, là “Không Hai” tức chỉ có một, là chỗ thể tánh Bình Đẳng của chúng sinh và Chư Phật: “Nó thanh tịnh, viên mãn khắp giáp cả mười phương cả tâm lẫn cảnh đều vắng lặng” (PHPT, khoá VIII trang 11).
Từ đó, ta có thể hiểu cảnh giới của Phật hay là Niết Bàn, Chơn Như, Bồ Đề, Ba La Mật, Yêm Ma La Thức, Pháp Tánh chỉ có một và chỉ có một mà thôi, không có cái thứ hai để so sánh. Nếu còn có so sánh tức chưa phải là Viên Giác, chưa phải tận cùng rốt ráo của Đạo Bồ Đề Vô Thượng. Đức Phật diễn tả cái thể tánh của Chơn Như (Chơn Không Diệu Hữu) mà tôi ghi lại được các điểm sau: Thể tánh bình đẳng, bất sanh, bất diệt, viên dung khắp giáp mười phương, thanh tịnh vắng lặng mà thường sáng suốt chiếu soi “Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu” (Lăng Nghiêm LN hay PHPT khóa VI-VII trang 119), trong đó bảy đại: Đất, nước, gió, lửa, hư không, cái thấy và thức tâm đều là Chơn tâm viên mãn khắp giáp tất cả (LN trang 110). Với 7 đại nầy là nguồn gốc tất cả mọi vật: “Cái có hình tướng và sanh diệt là thế giới, cái không hình tướng và yên tịnh là hư không; khác với hư không, thế giới là chúng sinh vậy” (LN, trang 121). Hay ‘Tất cả các cảnh vật, sum la vạn tượng trong thế gian nầy, đều ở trong chơn tâm; chơn tâm bao trùm khắp giáp cả mười phương thế giới” (LN, trang 111).
Và trong một đoạn khác Đức Phật dạy:
“Chơn tâm nầy, cũng tức tất cả pháp; tức là tâm, tức là đất, nước, gió, lửa và hư không; tức là nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý; tức là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; tức là nhãn thức giới cho đến ý thức giới; tức Tứ đế; tức Thập Nhị Nhân Duyên; tức là Lục Độ; tức là Phật và bốn đức Niết Bàn. Nói tóm lại, Chơn tâm tức là tất cả Pháp thế gian và xuất thế gian” (LN, trang 138-139).
Qua đoạn nầy ta có thể phân tích làm hai phần: Phần thứ nhất là Pháp thế gian từ “chơn tâm nầy” cho đến “ý thức giới”, và phần thứ hai là Pháp xuất thế gian từ “tức Tứ Đế” cho đến “bốn đức Niết Bàn”.
Có một lần tôi đã viết trong bài “Cái có và cái không trong Đạo Phật”: “Để dễ hiểu hơn, bạn thử tưởng tượng khối không khí quanh trái đất giống như là “cái không trong đạo Phật vì nó không có hình dạng bóng sắc nên bạn không thấy được. Trong khối khí đó chứa không phải chỉ có N2 , O2 , H2O, Helium, Neon, CO2 , Argon... mà chứa đầy đủ tất cả các nguyên tố, yếu tố để tạo ra mọi vật...”. Lúc đó, tôi chưa được đọc bộ Phật Học Phổ Thông nên chỉ lấy cái ví dụ ấy như là một sự kiện khoa học có thực, cũng rất là cơ bản để từ đó dẫn chứng cùng chứng minh với bạn hầu giúp bạn có thể hiểu rõ về cái không trong đạo Phật.
Nay nhân sau khi đọc bộ Phật học phổ thông, nhất là các khóa mà Hòa Thượng Thích Thiện Hoa giảng về Kinh Lăng Nghiêm (Khóa VI-VII), Kinh Viên Giác hay Khế Kinh (Khóa VIII) và Kinh Kim Cang (Khóa XII) tôi có cái nhìn “qua khía cạnh đạo” hơn. Thế nên, tôi liền viết ra đây về “cái hiểu của tôi” nhằm trao đổi ý kiến cùng bạn trong vấn đề nghiên cứu Phật học, tất nhiên nó có nhiều sai lầm, mong quý thức giả sẽ giúp tôi sửa chữa lại được đúng hơn. Nhưng ở đây, tôi sẽ cố gắng bám sát vào ý của các câu hoặc đoạn Kinh qua sự dịch thuật của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa (tức bộ Phật học phổ thông).
Như tôi đã viết ở trên, ta có thể phân tích đoạn Kinh thành hai phần: Phần pháp thế gian và xuất thế gian.
Để dễ tìm hiểu tôi xin viết lại:
“Phật dạy: Chơn tâm nầy, cũng tức tất cả pháp; tức là tâm; tức là đất, nước, gió, lửa và hư không; tức là nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý; tức là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; tức là nhãn thức giới cho đến ý thức giới”.
Tại sao Đức Phật lại nói như vậy: “Chơn tâm nầy cũng tức là tất cả...”? Trong Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật nói về Chơn tâm là “Thể nhiệm mầu thường còn, yên lặng, sáng suốt, khắp giáp cả pháp giới, hàm chứa và sanh ra mười phương hư không thế giới, chỉ tùy theo nghiệp của chúng sinh mà hiện ra, không có phương hướng xứ sở” (LN, trang 109-110),

‘Thấy, nghe, hay, biết sáu giác quan kể là một, cùng với hư không và bốn đại thành sáu đại, tánh nó viên dung vốn không lay động, đồng một thể chơn tâm, không sanh không diệt” (LN trang 108). Hay “Các ông nên biết: Đất, nước, gió, lửa, hư không, cái thấy và thức tâm gọi chung là bảy đại, tánh của nó đều là chơn tâm viên mãn khắp giáp tất cả, vốn không sanh diệt” (LN trang 110).
Qua các đoạn trên ta có thể hiểu được chơn tâm là thể, là cái không trong đạo Phật, nó rất rộng lớn, hàm chứa tất cả, trong đó tứ đại đất, lửa, gió, nước viên dung, hòa hợp với nhau; nhưng khi nó biến hiện thành vật thể thì tính chất có thể lại đối nghịch nhau; và thân xác con người, chúng sinh cũng sanh ra từ tứ đại ấy. Vả lại, khi được xuất hiện từ “Chơn không diệu hữu” thì vật thể, con người, chúng sinh, cảnh vật, thế giới đều có đời sống, có thời hạn dù ngắn hay dài, có sanh trụ dị diệt, có thành trụ hoại không, có sanh lão bệnh tử, có đau khổ, và có luân hồi.
Đức Phật cũng nói rõ từ trong chơn tâm thường trụ ấy, chính vô minh tức là sự mê muội, cái chưa biết che phủ vì vậy mà chúng sinh “vọng thấy có sanh diệt, cho nên mới bị trầm luân trong biển sanh tử luân hồi” (Viên Giác VG trang 17). Chúng ta có thể lấy lại ví dụ: Tất cả tâm thức của chúng sinh đều ngồi trên bờ sông nhìn xuống dòng nước, vì ‘không biết’ ở trong dòng sông đó có nhiều xoáy hay những dòng nước lôi cuốn mình một cách mạnh mẽ; Nhưng vì sự tưởng tượng, nhìn thấy nghe mà mọi người cùng tiến vào dòng sông ấy. Từ đó bị chìm đắm, lặn hụp triền miên. Cũng vậy chính sự mê muội, vô minh, không biết mà tâm thức của chúng sinh đã rời cõi Chơn tâm hay Chơn không diệu hữu để vào cuộc sanh tử luân hồi: “Từ nơi chơn tâm, vì hư vọng nên hiện ra các cảm giác thấy, nghe, hay, biết. Do hòa hiệp vọng sanh ra, rồi cũng do hòa hiệp vọng diệt đi” (LN trang 88).
“Nầy A Nan, tất cả chúng sinh bị sanh tử luân hồi trong thế gian, đều do hai món điên đảo phân biệt vọng thấy, tức nơi đó phát sanh ra nghiệp, rồi theo nghiệp mà chịu khổ luân hồi” (LN, trang 84); và nhất là:
“Các ông không biết trong chơn tâm, tánh của (đất, nước, lửa) gió là thật không, tánh của không là thật gió, vốn sẵn thanh tịnh, khắp giáp cả pháp giới, tùy tâm của chúng sinh phân biệt như thế nào, thời nó hiện ra như thế nấy” (LN, trang 100).
Như vậy, đây là các giảng giải của Đức Phật về sự Vô minh đã làm cho chúng sinh mê muội sanh ra có cảm giác thấy, nghe, hay, biết và có vọng tưởng, có tâm phân biệt (Vô minh, Hành, Thức) rồi do bốn duyên là đất, nước, gió, lửa hòa hợp, nên có “Danh sắc” và từ danh sắc có “lục nhập”:
“Do bốn duyên là đất, nước, gió, lửa hòa hợp, nên vọng có sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Nhơn bốn duyên và sáu căn, trong ngoài hợp lại thành cái thân giả tạm, rồi vọng khởi ra các vọng tưởng phân biệt” (VG, trang 42).
“Các vọng tưởng tự nó nhơn nhau liên tiếp phát sanh, từ đời này đã mê rồi chất chứa thêm cái mê, cho đến nhiều kiếp” (LN, trang 142).
Khi đã có sáu căn rồi thì lại có sáu trần đối đãi nhau qua sáu thức. Tâm phân biệt càng lúc càng thể hiện rõ ràng hơn:
“Nầy Thiện nam! Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến giờ do lầm tưởng có “thật ta và vật của ta”, rồi sanh ra lòng thương yêu cái Ta và vật của ta, cho nên gặp cảnh nghịch với ta thì giận ghét, còn thuận với ta thì tham ái, say mê theo cảnh ngũ dục” (VG, trang 108) (xúc, thọ, ái).
Do nơi tham ái mà có nghiệp lực:
“Loài nầy cướp giựt thân mạng loài kia, loài kia giết hại lại loài nầy; trả vay, vay trả lẫn nhau, đến trăm ngàn kiếp không ra khỏi sanh tử.
Trai mê sắc gái, gái thương tình trai, vì tình ân ái thương yêu lẫn nhau, nên trăm ngàn kiếp bị triền phược trong vòng luân hồi.
Tóm lại vì ba nghiệp sát, đạo, dâm làm gốc nên nghiệp (nhơn) và quả nối nhau, không bao giờ cùng tận” (LN, trang 127). Và:
“Rồi theo nghiệp lực kéo dẫn, cho nên có những loài sanh con (người và thú) loài sanh trứng (như chim và cá) loài sanh chỗ ẩm ướt (như vi trùng v.v..) loài hóa sanh (như trời và địa ngục) (LN, trang 124-125) (Thủ, Hữu, Sanh, Đau khổ).
Cuối phần nầy Đức Phật đã nói:
“Này Phú Lâu Na, các ông khi đối đãi với trần cảnh (thế giới, chúng sinh, nghiệp quả) chỉ đừng có khởi vọng niệm phân biệt thì tham, sân, si (ba duyên) không khởi. Ba duyên không khởi thời ba nhơn sát, đạo, dâm chẳng sanh”. (LN, trang143).
Như vậy, trong phần đầu Đức Phật chỉ rõ chúng sinh, con người và vạn vật đều từ Chơn tâm, nhưng do vì Vô minh mà khởi lên vọng niệm phân biệt, rồi từ tứ đại kết thành thân xác, danh sắc, phối hợp với vọng tâm để trở thành cái ta tham ái khởi lên tham sân si, đầu nguồn của ba nhơn: sát, đạo, dâm và bị luân hồi vô cùng tận vì nghiệp quả.

Thế còn xuất thế gian thì sao?
Nếu trong phần trên như con người, chúng sinh từ trong thể Chơn như mà đi vào thế gian càng ngày càng sâu đậm thì phần xuất thế gian là phần quay trở lại đoạn đường cũ để tìm về đến với Chơn tâm thanh tịnh bằng sự giác ngộ của chính mình.
“Tức Tứ đế, tức Thập nhị nhân duyên, tức là Lục độ; tức là Phật và bốn đức Niết bàn”.
Tại sao vậy? Quả thực Chơn tâm chỉ có một, không hai, nhưng vì vọng tưởng mà có tâm phân biệt, và có các huyễn hoặc, không thật, không thường còn như thân xác, gắn liền với thân xác là các giác quan, có đối cảnh là sáu trần, và sự thấy, nghe, hay, biết là thức, rồi mới có dục ái để tạo nghiệp và cứ mãi lặn hụp trong vòng luân hồi.
Đến khi suy tư, tĩnh lự, tịnh tâm, tham thiền thì mới thấy cuộc đời là chuỗi dài của đau khổ, lại tìm hiểu nguyên nhân sự khổ, rồi lại muốn diệt khổ và cuối cùng tiến về con đường giải thoát: Ấy là Tứ đế. Và để chặt đứt vòng luân hồi là cắt lìa Dục ái, cùng thực hiện Lục độ để trở thành Phật đạt được bốn đức Niết bàn: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
Tóm lại, từ Chơn tâm sanh ra mọi thứ liên hệ đến con người, chúng sinh, vạn vật và thế giới. Rồi từ đó lại tìm trở về Chơn tâm (Trở về là Giác ngộ). Thế là mọi vấn đề đều “tức là Chơn tâm”. Không có Chơn tâm thì không có đất, nước, lửa, gió, hư không; cũng không có thân tứ đại; không thân thì không có nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý; không có sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; và cũng chẳng có nhãn thức giới đến ý thức giới, hay sanh tử, đau khổ. Đã không có các thứ trên thì cũng đâu cần có Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Lục độ, Phật hay Niết bàn.
Do vậy mà trong kinh Lăng Nghiêm đã nói đến các pháp tu của các vị Bồ tát, tất cả cũng không ra ngoài các pháp của thế gian để từ đó tìm về pháp xuất thế gian.
Nói như thế tức là 25 vị Bồ tát nói lên pháp tu của mình, các pháp ấy dựa vào 7 đại (đất, nước, gió, lửa, hư không, thức tâm, kiến đại); dựa vào 6 căn (nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý); dựa vào 6 trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp); và 6 thức (nhãn thức, nhĩ thức, tĩ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức). Nhất là pháp tu của Ngài Quán Âm Bồ Tát được ca ngợi hơn hết, và gọi là pháp tu Viên thông vì: “Âm thanh khi có khi không, còn cái nghe lúc nào cũng có. Khi không có tiếng, thế gian nói rằng ‘không nghe’; thật ra chẳng phải ‘cái nghe’ không có. Không tiếng, cái nghe không diệt; có tiếng cái nghe cũng không sanh. Bởi cái nghe không có sanh và diệt, nên nó mới thật là thường” (LN, trang 232-233).
“A Nan, ‘cái nghe' không phải tự nhiên sanh, do có tiếng (thinh trần) nên mới gọi rằng ‘nghe’. Nếu xoay cái nghe trở vào trong tự tánh, không chạy theo tiếng, thế là thoát ly được cái tiếng (thinh trần) lúc bấy giờ cái nghe nầy cũng không còn gọi tên là nghe nữa (vì không còn đối đãi, nên chẳng có tên kêu gọi). Một căn (lỗ tai) đã được phản vọng trở về Chơn tâm rồi, thì cả sáu căn cũng đều được giải thoát” (LN, trang 234).
Và Ngài Văn Thù Bồ Tát cũng giảng giải cho Ngài A Nan rất rõ ràng:
“A Nan, ông chỉ xoay cái nghe của mình trở về nghe chơn tánh, không chạy theo phân biệt vọng trần bên ngoài, thì ông liền thành đạo Vô thượng, đây thật là pháp tu viên thông. Các Đức Phật nhiều như vi trần cũng đều do một con đường này mà đến cửa Niết bàn. Hiện tại các vị Bồ Tát và những người tu hành đời sau, đều y pháp môn này mà thành đạo. Chính tôi cũng nhờ pháp môn này mà được chứng quả, đâu phải một mình Ngài Quán Âm tu mà thôi.
Nay Phật dạy con lựa pháp môn tu hành, để cho người đời sau tu hành mau thành đạo quả, thì duy có pháp tu của Ngài Quán Âm là hơn hết. Còn bao nhiêu các pháp tu hành khác, đều nhờ oai thần của Phật gia hộ mới được thành tựu. Các pháp ấy đều từ nơi sự tướng mà dẹp trừ trần lao, nên không phải là một phương pháp trường kỳ tu tập”. (LN, trang 236).
Đó là pháp tu Viên Thông dựa vào nhĩ căn để đạt được đạo Giải thoát. Tuy nhiên, Đức Phật cũng nói:
“Chỉ sáu căn của ông không theo sáu trần cảnh khởi vọng niệm phân biệt, tùy ông mở gút (vọng nhiễm) được một căn nào thì các căn đều được giải thoát. Nghĩa là ngoài không cùng trần cảnh gút chặt, trong thân phục phiền não trở lại với Chơn tâm sáng suốt, thì năm căn bị gút chặt kia, cũng đều được hoàn toàn giải thoát” (LN, trang 159).
Và khi tâm thanh tịnh rồi:
“Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh rồi, thì cái trí quang sáng suốt hiện ra. Lúc bấy giờ Chơn tâm ông vừa tịch tịnh lại vừa chiếu soi bao trùm khắp cả mười phương hư không, thế giới. Lúc bấy giờ ông trở lại xem cảnh vật hiện tiền ở thế gian này như là việc trong chiêm bao” (LN, trang 235).
Hay:
“A Nan, tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến giờ vì mê mình (tâm) làm vật, bỏ mất Chơn tâm của mình, bị cảnh vật xoay chuyển (chi phối) nên thấy có lớn nhỏ, rộng hẹp, tốt xấu v.v..Nếu ai xoay được cảnh vật, thân tâm đặng sáng suốt viên mãn, thì đồng với Chư Phật. Lúc bấy giờ không rời nơi đạo tràng (chỗ này) mà ở trên đầu một mãy lông, có thể chứa đựng khắp cả mười phương thế giới” (LN, trang 60).
Và để tu hành dễ thành đạt thì Đức Phật đã nói đến “ba món tiệm thứ”:
“Ba món tiệm thứ là:
1-Trừ các trợ duyên bên ngoài: Ăn, không nên ăn những vật không hợp với người tu hành, như ăn thịt uống rượu và ngũ vị tân v.v.. Ngũ vị tân, ăn sống thì nó tăng trưởng tánh nóng giận, ăn chín hay sanh tham dục, tụng kinh trì chú chẳng hiệu nghiệm, thánh thần không bảo hộ. Còn chỗ ở tu thì tìm chỗ nào cho hợp với hoàn cảnh của người tu hành.
2-Trừ các chánh nhơn bên trong: Cốt yếu là hành giả phải nghiêm trì tịnh giới, không dâm, sát, đạo và vọng, gìn giữ ngoài thân không phạm, trong tâm không động, thân và tâm đều thanh tịnh như băng tuyết.
3-Trừ các nghiệp hiện tiền: Khi tiếp xúc với trần cảnh, không khởi vọng niệm phân biệt theo sáu trần, xoay các cảm giác trở về bản tâm thanh tịnh. Do ngoài không duyên theo trần cảnh, trong sáu căn không vọng động, đồng một thể thanh tịnh, nên mười phương thế giới đều được thanh tịnh sáng suốt; cũng như trong ngọc lưu ly có hàm chứa mặt trăng sáng. Hành giả lúc bấy giờ thân tâm thơ thới, chứng đặng vô sanh pháp nhẫn, mười phương chư Phật đều hiện trong tâm người ấy. Từ đây hành giả lần lần tăng tiến tu hành, tiến lên các quả Thánh” (LN, trang 265-266).
Khi đạt được đạo Bồ Đề thì tính Phật sẽ như thế nào? Đức Phật giảng:
“Còn Ta (Phật) thì trái với vọng trần, hiệp với chơn tâm thường trụ bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới, cho nên ta mới được tự tại vô ngại: ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp làm một, trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ, không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. Thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận. Trên đầu một mãy lông hiện ra các cõi nước; ngồi trong hạt bụi, mà chuyển đại pháp luân. Vì ta diệt hết vọng trần, trở lại với bản tâm thanh tịnh trong suốt, nên mới được như vậy” (LN, trang 132-133).
Nhưng trong vấn đề tu hành Đức Phật nhắc nhở chúng ta hãy cẩn thận với các món ma (10 món ma về sắc, 10 món ma về thọ, 10 món ma về tưởng, 10 món ma về hành và 10 món ma về thức ấm) (xin xem kinh Lăng Nghiêm).
Vì:
“Bởi các loài ma kia thấy người tu hành, sanh tâm lo sợ cho bà con quyến thuộc của chúng sẽ tiêu diệt, nên chúng dùng đủ thần lực để nhiễu hại người tu. Chúng cũng đủ năm phép thần thông biến hóa chỉ chưa được lậu tận thông” (LN, trang 270).
Và khi bị ma thống trị thì:
“Chỉ lo một điều là các ông cũng như chủ nhà, nếu chủ nhà mê muội rồi thì các ma chướng kia như khách dễ bề nhiễu hại, rồi các ông trở lại làm con cái của ma, sau thành người ma” (LN, trang 270).
Cho nên trong Kinh Lăng Nghiêm, sau mỗi phần giảng về các món ma Đức Phật đều có căn dặn. Đây là đoạn trích ra sau khi Đức Phật nói 10 món ma về Thức ấm:
“A Nan, mười món ma này, do người tu thiền, khi dụng tâm phá trừ thức ấm, nên nó biến hiện ra các cảnh như vậy. Vì mất chánh tri kiến, mê lầm tánh Bồ Đề, khởi tâm chấp trước, cho mình đặng thiền, đặng đạo, thành Phật, thành Thánh v.v.. Có người sanh ra điên cuồng, nên đều đọa về ngoại đạo cả.
Vậy các ông phải giữ gìn nơi lòng, vâng lời ta dạy: Sau khi ta diệt độ rồi, các ông phải đem lời ta dạy đây mà truyền dạy cho chúng sinh đời sau, bảo hộ người tu hành, chớ để cho chúng ma làm hại. Trên đường tu hành họ được thẳng vào chỗ tri kiến của Phật chẳng gặp các đường tẽ.
Này A Nan, người trong khi tu thiền, gặp ma nó biến hiện ra nhiều cảnh rất là vi tế, nếu các ông hiểu biết, rửa sach tâm cấu nhiễm, chẳng khởi tà kiến, thì cảnh ma kia lần lần tiêu diệt, các ông sẽ thẳng đến đạo Bồ Đề.
Còn như đời sau, có chúng sinh nào chẳng dám tu thiền, sợ bị các ma nhiễu hại, thì ông nên khuyên họ nhất tâm trì chú Lăng Nghiêm này, để các ma chướng kia không thể hại được, rồi cũng thẳng đến được đạo Bồ Đề” (LN, trang 309-310).
Khi tu hành đã vượt các món ma trở ngại, thực hiện được ba món tiệm thứ thì sẽ lần tiến lên Thánh quả, đặng Đạo Bồ Đề. Lúc ấy:
“Cũng như người thức giấc mộng, mà muốn nói lại việc chiêm bao; mặc dù trong tâm nhớ biết rõ ràng, nhưng không làm sao chỉ các vật trong chiêm bao ra được, vì nó không thật có; Vả lại nó cũng không có nguyên nhân nữa” (LN, trang 142).
Hoặc trong Kinh Viên Giác:
“Bởi thế nên biết ‘sanh tử và Niết bàn’ cũng đều như giấc mộng hôm qua, vì chúng sinh vốn đã thành Phật từ xưa đến giờ” (VG, trang 56).
Như vậy thì, Đức Phật đã ví dụ chúng sinh rời cõi Chơn như, thanh tịnh vào vòng chìm đắm luân hồi giống như người đi vào giấc mơ, khi thoát ra được để trở về lại Niết Bàn thanh tịnh giống như họ đã rời giấc mộng hôm qua. Các phương tiện, các pháp tu hành trong giấc mộng cũng chỉ là của giấc mộng, nó không thật có:
“Phật dạy: ‘Tu Bồ Đề! Người phát tâm Bồ Đề chẳng nên chấp các pháp thật có, mà phải thấy các pháp là giả, biết các pháp là giả, hiểu các pháp là giả và tin các pháp là giả.
Tu Bồ Đề! Như Lai nói ‘các pháp’, không thật có ‘các pháp’; chỉ giả gọi là ‘các pháp” (Kim Cang KC, trang 185).
Đức Phật đã tìm được cách rời “giấc mộng” và chỉ con đường ấy cho chúng sinh để rời giấc mộng trở về nơi chốn cũ, cho nên sự đắc pháp ấy cũng chẳng phải là đắc pháp gì cả.
“Phật dạy tiếp: ‘Tu Bồ Đề! Có người nói ‘Như Lai đặng quả Bồ đề’. Thật ra, Như lai là bản thể như như của các pháp, nên Như Lai không đặng pháp gì cả.
Tu Bồ Đề! Như Lai đặng đạo Bồ Đề, không phải hư, không phải thật” (KC, trang 137).
Ở một đoạn khác, Ngài nói rất tha thiết, rất thành thực với tất cả nỗi lòng:
“Phật dạy: ‘Tu Bồ Đề! Như Lai nói thật, nói chơn chánh, không nói dối, không nói sai khác. Như Lai có đắc pháp, nhưng pháp ấy không thật, không hư” (KC, trang 119).
Tại sao pháp ấy lại là “không thật, không hư”. Thật là khó giải thích. Nhưng nếu ta đứng về chơn tâm thì Pháp ấy là ‘không thật’; mà đối với vọng tâm, sơn hà đại địa, thế giới, hư không và chúng sinh tức là các huyễn hoặc thì pháp ấy là ‘không hư’ (tức là có). Dùng pháp ‘hư’ diệt các huyễn để đạt được cái ‘chơn’, cái giác thì nói rằng ‘không’ cũng không đúng, mà nói ‘có thật’ thì cũng chẳng sai. Nên là ‘không hư, không thật’.
Vả lại, trong cảnh giới Viên Giác chỉ có một (bất nhị) thì không thể so sánh với cái khác, mà ‘có so sánh’ tức là ‘có tâm phân biệt’ là đầu nguồn của Vô Minh, của luân hồi; và vẫn còn chấp vào các tướng ‘Ngã, Nhơn, Chúng sinh và Thọ giả’. Các vị Phật đã biết rõ như vậy, nên không còn lâm vào tình cảnh ấy nữa. Nhưng tại sao Đức Phật giải thích với Tu Bồ Đề:
“Tu Bồ Đề! Như Lai nghĩa là không từ đâu đến và cũng không đi về đâu, nên gọi là Như Lai” (KC, trang 187).
Có phải chăng Không Như Lai Tạng, Bồ Đề, Niết Bàn, Pháp Tánh, Chơn Như, Yêm Ma La Thức, và Đại Viên Cảnh Trí vốn có “thể tánh bình đẳng, bất sanh bất diệt, viên dung khắp giáp mười phương, thanh tịnh vắng lặng mà thường sáng suốt chiếu soi”.
Còn thể tánh của Phật, Như Lai thì: “Hiệp với Chơn tâm thường trụ bất sanh bất diệt, biến khắp cả Pháp giới, cho nên ta mới được tự tại vô ngại: Ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiện làm một, trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ, không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. Thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận. Trên đầu một mãy lông hiện ra các cõi nước; ngồi trong hạt bụi mà chuyển đại pháp luân” (LN, trang 132-133).
Thế nên với: “Thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận” như vậy đã bao trùm tất cả thì Như Lai “sao lại từ đâu đến?” và “sao lại Như Lai đi về đâu?”. Không lẽ đến từ “Hư không vô tận” và đi về “Hư không vô tận” ư ?
Thế mới biết sự vĩ đại của Như Lai, và sự cao thâm của đạo Phật !!!

Nguyên Thảo.

No comments:

Post a Comment