Saturday, April 2, 2011

Chuyện "Ý Kiến Độc Giả"!

Trong nhiều tờ báo người ta thường hay mở những “Ý kiến đôc giả” hay “Diễn đàn bạn đọc” hay những gì gì nữa cũng tương tự như vậy để nhằm “cải thiện, nâng cao” tính chất, hoàn thiện cho tờ báo hoặc những vấn đề nào khác trong một tập thể, một cộng đồng chẳng hạn. Với mục đích thì là tốt, nhưng bên sau đó có những gì xảy ra?
Ít ai ngờ rằng mục ấy đã đưa đến sự tan nát của một cộng đồng, tạo nên một sự muối mặt cho một sắc tộc và tệ hại hơn nữa là “đám người già bị bọn con nít, đàn con khi dễ”! Thế mà chuyện ấy đã xảy ra trong một thời gian khá lâu, lại có những nhà văn hoặc thơ có tiếng tăm “từ nơi khác” nhào vào “chửi ké” mới là một chuyện “oái oăm và tức cười”! Điều nầy khiến người ta phải “đánh giá” trở lại “Cái giá trị” của nhà văn hay nhà thơ ấy trong sự nghiệp văn chương và con người của họ.
Đồ tôi không nói ngoa chút nào cả! Và cũng chẳng thèm nói thêm hay nói bớt, vì làm như thế Đồ tôi cũng chẳng có thêm tiền hay thêm bạc, thì Đồ tôi phải làm để làm chi, tội gì mà phải “tào lao” để được thêm phần gọi là “tán phét”.
Trong chuyện nầy người được lợi nhất lại là “Tờ báo”. Quý vị không tin ư? Thì cũng chẳng sao! Đồ tôi chỉ nói chuyện “tào lao mà chơi” thôi!
Giả sử, trong một sinh hoạt nào đó Đồ tôi đã cay cú hay để tâm thù hận một tên “ranh quái, ma mãnh” đã chơi Đồ tôi một cú đau điếng mà thốt không thành lời; thế là muốn chơi lại nó, Đồ tôi phải nhờ đến mục “Diễn đàn bạn đọc” coi như là Đồ tôi nương cơ hội để “góp ý” như là một độc giả chân chánh, nhưng Đồ tôi cũng không quên lái dư luận theo cái nhìn của Đồ tôi. Tất nhiên, ý kiến được che đậy vẻ “đạo đức” chân tình ấy sẽ có người bênh kẻ chống, người ủng hộ người không. Người ta “ở không không có chuyện gì để làm” được dịp viết và được đăng báo cũng chẳng là điều hân hạnh lắm ư? Cứ thế mà “góp ý”, vừa được vui chơi mà cũng vừa có những thích thú. Tức quá, mình góp ý hay như thế đó mà tụi nó chẳng thèm nghe mà lại còn chê bay nữa chứ, sao nó ngu như thế nhỉ? Ta lại dùng đến từ ngữ “nặng nề” hơn, rồi nó cũng chẳng chịu thua thế là ta lại cãi nhau, chửi nhau trên báo chí. A! cái thằng nhà báo nó đã đăng bài của thằng kia rồi thì nó cũng phải đăng bài của mình chứ, miễn là mình đừng viết “chửi” ai đó một cách lộ liễu thì thôi! Được tha hồ chửi: Chửi người, chửi tổ chức, chửi tất những ai, những gì mình không thích chẳng là “khoái’ lắm sao? Thế là mình đã trở thành nhà văn, nhà thơ “chửi” lúc nào mà mình cũng chẳng biết. Chỉ tội cho “cái đầu óc” của độc giả bị tiêm nhiễm chất độc của những con người “vô tâm” phóng uế ra.
Nhưng trong cuộc đời sự tò mò của người đọc khiến cho sự kiện “khuấy thối” của một số người càng được “khuyến khích” và thúc đẩy nó càng đi xa hơn. “Bữa nay báo có gì lạ không? Nó có chửi người nào nữa không? Tình hình đã yên chưa? Chán thiệt! Cái đám ăn không ngồi rồi không có chuyện gì làm chỉ biết quậy phá cộng đồng, không để cho mọi người yên ổn làm ăn, quên đi đất nước nầy là của người ta chứ không phải là đất nước của mình, cứ làm hoài như thế nầy, mai mốt chúng đuổi thì đi đâu? Cái thằng nhà báo nầy là ai? Tại sao nó cứ đăng những bài “quấy rối” cộng đồng mãi như thế đó? Tại sao những hội đoàn hay tôn giáo chẳng lên tiếng để cho yên ổn?...” Những lời bình phẩm nhận xét thì nhiều lắm, nhưng người ta chỉ nói để mà nói thôi chứ người ta vẫn đi tìm tờ báo để xem coi nó có còn “chửi ai” hay không? Một cái tâm lý tai hại làm cho tờ báo cứ nương theo đó mà kéo cái chuyện quái ác ấy càng ngày càng dài ra thêm: Vì tờ báo cần đến độc giả và quảng cáo. Độc giả nhiều thì quảng cáo mới có hiệu quả thì “sự giàu có” trong nghề “kinh doanh” báo chí mới đi đến đỉnh của nó chứ! Ai chết mặc ai, tao chỉ biết có “tiền”. Tao chỉ nói “bảo vệ, duy trì” văn hóa, văn chương chỉ là nói chơi thôi! Còn thằng nào làm lợi cho tao như những thằng nhà văn hay nhà thơ “biết chửi” làm hiện tượng thu hút độc giả cho tờ báo của tao thì một trăm tao cũng trả chứ đừng nói chi vài chục bạc. Đó chỉ là chuyện nhỏ! Tao chỉ sợ là chuyện kiện tụng ra tòa mà thôi! Nhưng chuyện đời đôi lúc cũng phải sơ xẩy và hớ hênh cũng chỉ vì tụi “cò ke lục chốt” của tao thôi! Chuyện đời mà, có khi vầy khi khác, “nước lớn rồi nước lại ròng”, phải không anh bạn nhỉ?

Đồ Ngông
23/06/10.

No comments:

Post a Comment