Sunday, May 22, 2011

*Đạo Phật 16: Đạo Phật Là Đạo Khai Hóa Và Trí Tuệ!

"-Đừng vội tin một điều gì, dù điều đó thường được nghe nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
-Đừng vội tin điều gì, dù đó là một cổ tục từ ngàn xưa để lại.
-Đừng tin tưởng bất cứ một điều gì, cho dù đó là bút tích của Thánh nhân nào để lại bảo ta tin điều ấy.
-Đừng tin tưởng bất cứ điều gì dù điều ấy ở dưới mãnh lực của bậc Thầy hay nhà truyền đạo.
Tất cả những sự thật theo kinh nghiệm riêng của người và sau khi xác nhận rõ ràng phù hợp với lẽ phải đem lại hạnh phúc cho người và hạnh phúc cho tất cả mọi loài, thì đó chính là sự thật và người cố gắng sống theo sự thật ấy".

Có lẽ, đây là những điều khuyên nhủ "độc nhất vô nhị" mà một vị khai sáng một tôn giáo đã "dám" thốt ra để khuyên những người tin vào đạo "đừng tin" một cách mù quáng, mà nên kiểm chứng lại những điều mình đã nghe, đã được dạy dù đó là những điều của các bậc Thánh nhân, bậc thầy hay những nhà truyền giáo đã nói, hoặc ghi lại từ trong ngàn xưa. Hãy kiểm chứng tính chất "chân thật" và "đem đến hạnh phúc cho mọi loài, mọi người" của nó, rồi mới sống theo sự thật đó.
Chắc ngoài Đức Phật ra, không một giáo chủ nào dám "dạy" tín đồ hay người khác những điều "khai mở trí tuệ" như thế, dù những người đó không phải là tín đồ của tôn giáo mình. Trong thế gian, những vị sáng lập một tôn giáo thường gắn liền những điều khuyên người khác hoặc những người theo đạo mình "Hãy tin vào ta", hoặc họ có những điều răn, giáo luật để buộc người theo đạo không cho họ rời bỏ một khi họ đã "lầm lỡ" theo đạo của mình hoặc, ít ra, giáo hội cũng làm các công việc đó để "đạo của mình" càng ngày càng phát triển lớn mạnh, vươn lên thành một tôn giáo "độc tôn", mà trong đó những người hành đạo vừa có danh, vừa được trọng vọng, vừa được hưởng mọi quyền lợi mà công sức lao động không phải vất vả.
Còn trong đạo Phật, tại sao Đức Phật lại dám đề cập đến những điều khuyên răn như vậy! Trải bao nhiêu năm, sau khi ngộ đạo Đức Phật vẫn giữ nếp sống khổ hạnh, vẫn chân trần lê gót nhiều nơi để rao giảng một "chân lý" giải thoát cho chính chúng sinh đó, không nhằm tư lợi nào khác, cũng không nhằm giàu sang phú quý, được sung sướng hay kính trọng. Đức Phật không khai đạo nhằm mục đích mọi người phải "vinh danh" mình, cũng không khai đạo từ "hận thù chủng tộc", cho nên đạo của Đức Phật chỉ là một đạo ôn hòa, nhu nhuyễn, từ tốn giảng giải cho người khác nghe, hiểu, khai ngộ, và hành trì đạo pháp để tiến đến mục đích cuối cùng là giải thoát cho chính mình. Đó là sự khác biệt lớn lao giữa đạo Phật và những tôn giáo khác. Do vậy, những người tu theo đạo Phật không phải cần đến vũ khí, hay những thủ đoạn thế gian hoặc dựa vào những thế lực "đàn áp" khác nhằm phát triển đạo. Còn tu sĩ thì tùy duyên tu, tùy theo địa lý, khí hậu, cơ thể, ý thích mà hành trì con đường tu của mình; họ vừa tự giác ngộ, đồng thời cũng giúp người khác hiểu đạo để tu. Và họ cũng đem đạo pháp để xoa dịu những khổ đau trong nhân thế, ngoài những công tác từ thiện, giúp đời, giúp đỡ trẻ mồ côi, tàn tật... thì đấy chẳng là họ đang nhập thế để thực hiện "Bồ tát hạnh" của những vị Bồ Tát đó hay sao?
Đức Phật đã thẳng thắn, chân thật chỉ rõ cho mọi người, chúng sinh những "giả nhân, giả nghĩa" mà người thế gian thường hay sử dụng để lôi cuốn, lừa người khác theo về với mình, rồi sử dụng người khác thành những công cụ để thực hiện những mưu đồ "không được trong sáng" cho âm mưu lớn của mình trong tương lai. Cho nên Đức Phật khuyên nên hãy hoài nghi và kiểm chứng với tất cả mọi điều mà mình đã được nghe, được nhắc đến dù đó là những điều được ghi nhận từ xưa hay từ các nhà truyền đạo, bậc thầy hay những Thánh nhân.
Các điều này cũng rất thích hợp với những điều mà Đức Phật cảnh giác cho những người tu Thiền trong Kinh Lăng Nghiêm về những Ma chướng khi dụng tâm vượt qua, phá trừ ngũ ấm: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà hiện ra. Người bị ma chướng bởi Thiên Ma Ba Tuần sẽ tưởng mình đắc đạo, có khả năng nói pháp, rồi thấy "cái Ta" trở nên vĩ đại và từ đó "làm tôi tớ ma" mà hành đạo: Nhằm lôi cuốn, hướng dẫn những người khác đi vào vòng lẩn quẩn của ma, mà không bao giờ thoát ra khỏi vòng sinh tử, luân hồi. Vì những người như vậy luôn được sự giúp đỡ của ma, và có thể được người nhân thế xem như là Thánh nhân, là bậc Thầy hay những người truyền giáo cho nên những điều họ viết, nói, giảng giải cần được kiểm nghiệm về tính cách chân lý trước khi tin nhận.

Những lời khuyên này đã làm cho nhiều người "rất là lầm lộn" trong việc nghiên cứu về Đạo Phật. Họ tưởng như Đức Phật mâu thuẩn với chính mình, mà họ không nghĩ xa hơn về tính Chân lý của nó. Đức Phật đã không sợ Chân lý của mình sai lầm hay "ngụy Chân lý" nên đã nhắc nhỡ cùng người khác nên hoài nghi; vì Chân lý của Đức Phật là những Chân lý chắc thật "Vàng thật không sợ lửa". "Đừng vội tin" và hãy kiểm chứng "theo kinh nghiệm riêng của mình" và "sau khi xác nhận rõ ràng phù hợp với lẽ phải, đem lại hạnh phúc cho người và hạnh phúc cho tất cả mọi loài", "thì đó chính là sự thật và người cố gắng sống theo sự thật ấy".
Đức Phật đã khuyên chúng ta hãy "Hoài nghi" ngay cả những điều của bậc Thánh, hay thầy hoặc nhà truyền đạo. "Đừng tin" và hãy "Đừng vội tin". Thật thế, tại sao ta phải tin những điều ta chưa kiểm chứng được? Chúng tôi không bào chữa điều nầy của Đức Phật như một số vị đã làm: "Vì duyên cớ Đức Phật nói với dân vùng Kalama...". Chúng tôi cũng không phản bác điều ấy, nhưng chúng tôi quyết xác là Đức Phật nói với tất cả mọi người, và Đức Phật muốn mọi người nên "hoài nghi": "Vì tính "Hoài nghi" là một tính rất Khoa học và cũng thực là Triết học". Tại sao ta lại phải hoài nghi? Hoài nghi là sự kiện khiến tâm thức, tri thức của chúng ta phải hoạt động để nhận định đúng sai; là nguồn gốc để xác định "giác" và "mê". Giả sử một người nào đó nói với chúng ta: "Ngươi hãy tin vào ta thì ngươi sẽ được cứu rỗi!". Chúng ta vội tin, và theo hầu hạ người đó. Người đó bảo chúng ta làm điều gì, chúng ta cũng làm theo. Bảo giết người để "phát triển Đạo của Ta", ta cũng làm...Vậy thì, chẳng phải là u mê, cuồng tín hay sao? Kẻ mang vũ khí, đem đến sự chết chóc đau khổ cho người khác, dù đó là truyền đạo thì không thể là đạo chân chính hay là cho chân lý được. Chân lý hay tôn giáo phải thể hiện được tính Chân, Thiện, Mỹ của nó. Nếu không, nó không còn là tôn giáo nữa, mà chỉ là một tổ chức đi áp chế người khác mà thôi!
Có sự hoài nghi trong khoa học, thì ta mới tìm tòi đến nơi, đến chốn của các sự kiện để đạt được các kết luận, các định luật hay nguyên lý... Newton thấy quả táo rơi xuống đất, ông ta đặt vấn đề: Tại sao lại rơi xuống đất? Sao không rơi theo chiều khác? Thế là ông ta nghĩ có thể có sức hút nào đó từ trong lòng đất. Nhưng ông ta không tin. Chính sự hoài nghi đó ông ta chỉ đặt giả thuyết để rồi làm các kiểm nghiệm, rồi qua nhiều sự việc chứng minh khác. Và hôm nay ta học và biết được Định luật Newton là do thế. Tương tự ta có nhiều định luật của các nhà khoa học, vật lý, hóa học khác..!
Trong khoa học và khoa học thực nghiệm, bất cứ một định luật nào cũng đều trải qua các giai đoạn: Quan sát, đặt giả thuyết, kiểm chứng hay chứng minh, rồi mới đến kết luận. Định luật Newton đã qua các tiến trình ấy. Các định luật khác cũng vậy!
Trong Triết học thì tương tự, nhưng sự chứng minh, kiểm chứng phải đòi thời gian và tương đối dài hoặc khó hơn so với các sự kiện khoa học hay của khoa học thực nghiệm.
Như vậy, điều khuyến khích "Hoài nghi" của Đức Phật đối với mọi người, trong đó có chúng ta là một điều hợp lý: Đức Phật không muốn chúng sanh trở thành những kẻ u mê, cuồng tín. "Tin" với một sự nhận thức và đã được kiểm chứng: Đó là niềm tin có trí tuệ, có nhận thức và sáng suốt. Nếu sự nhận biết sâu hơn, rộng hơn vào trong các bản thể sự vật, hiện tượng... thì ấy chính là Trí Huệ của chúng ta vậy.
Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa đọc được nhiều bộ Kinh Phật, nhưng qua một số Kinh đã đọc, thì trong Kinh nào chúng tôi cũng thấy Đức Phật phân tích mà giảng, hoặc kể những ví dụ để làm rõ nghĩa hơn, hầu giúp cho đệ tử, người nghe, đọc hiểu thấu đáo thông suốt sự kiện, các điều... hầu sau đó tùy theo nhận thức của từng người mà thực hiện. Như trong Kinh Pháp Hoa Đức Phật dẫn dụ "đứa cùng tử": Đứa con của một ông nhà giàu có bỏ cha trốn đi từ lúc còn bé, sống đời lang thang nghèo khổ, người cha phải dùng pháp dẫn dụ để đưa con trở về với mình và trao của báu, sự giàu có cho con. Hoặc vị trưởng giả dùng các phương tiện dẫn dụ các con rời khỏi căn nhà đang cháy (Tam giới như hỏa trạch).
Hay trong Kinh "Đại báo hiếu phụ mẫu trọng ân" Đức Phật đã giảng, chỉ rõ cho đệ tử hiểu công đức sanh thành của cha mẹ, nhất là người mẹ. Đó là lý do để hiểu xương nào là của người nữ, xương nào là của nam giới dù "xương trắng một màu" mà phân chia xương thành hai đống nam, nữ phân biệt. Sau đó Đức Phật mới nói đến cách đền đáp trọng ân của cha mẹ.
Như vậy, sự giáo hóa của Đức Phật theo một tiến trình "Khai hóa" trí tuệ con người một cách rõ rệt, vừa làm cho trí óc, trí tuệ chúng sanh được mở ra để nhận thức đúng, vừa đưa ra phương thức để mọi người tùy nghi thực hiện. Cách giáo hóa của Đức Phật khác rất nhiều với các tôn giáo khác: Không có tính cách mệnh lệnh, điều phải làm theo. Phải làm theo như thế nầy để được vào Thiên đàng, làm như thế kia sẽ phải sa vào địa ngục. Cho nên tín đồ trong Đạo Phật không bị "u mê" trở nên "cuồng tín", hay giống như "những người máy", hay một nhóm "âm binh" để sai khiến của các "thầy bùa" mà ở một số "Tà giáo" đã làm.
Ngoài sự khai hóa, giáo dục; Đức Phật còn đưa hàng đệ tử, tín đồ tiến lên một bước nữa là "hãy hoài nghi". Hoài nghi: "đừng tin", "đừng vội tin" dù điều ấy ở dưới mãnh lực của bậc Thầy hay nhà truyền đạo. Có như vậy, chúng ta mới kiểm nghiệm trong sự thực hiện từng bước những pháp thích hợp với cơ thể, hệ thần kinh của mình, và vận dụng cái pháp của Đức Phật một cách uyển chuyển trên chặng đường đi tìm đến Chân lý: Đó là cái pháp của ta vậy! Cho nên có nhiều (muôn ngàn, tám vạn bốn ngàn) pháp môn, hay pháp vốn không nhất định.
Cái mệnh đề quan trọng nhất của câu nói ấy là ở chỗ "Tất cả những sự thật theo kinh nghiệm riêng của người, và sau khi xác nhận rõ ràng phù hợp với lẽ phải, đem lại hạnh phúc cho người và hạnh phúc cho tất cả mọi loài". Đức Phật đã khích lệ, khuyến khích đệ tử, mọi người hãy kiểm nghiệm, hãy làm thử để từ đó thấy được điều nào, những sự nào đúng theo kinh nghiệm mình đã trải qua. Và điều đúng ấy, hay chân lý ấy đáp ứng được các tiêu chuẩn: Hợp với lẽ phải, đem đến hạnh phúc cho mình, cho mọi loài thì "Đó chính là sự thật và người cố gắng sống theo sự thật ấy".
Xem như vậy, thì đó chẳng phải là Chân lý sao?

Tại sao Đức Phật chỉ là "Đạo sư" mà không là "Giáo chủ". Vì "Giáo chủ" là từ một lý do nào: Có thể là trong một lúc "ngộ" được một vài vấn đề siêu hình, rồi "động kinh" hay "phát sáng" mà "khai đạo"; hoặc do "một tham vọng" thâm sâu nào đó mà nói đạo, khai thị, mặc khải để lôi cuốn tín đồ, bắt tín đồ làm điều nầy, làm điều kia; không được làm điều nầy, không được làm điều kia. Và khi xây dựng được giáo hội rồi thì lấy dây nầy, dây kia để trói buộc tín đồ "vào một chuồng" hầu trở thành "Bá chủ võ lâm".
Còn Đức Phật chỉ là "Đạo sư'" cũng là một điều dễ hiểu: Vì Đức Phật nói đến một giáo pháp mà giáo pháp ấy không phải là của Ngài. Chắc chúng ta cũng rất là ngạc nhiên! Đó là một sự thực, sự thực rất hiển nhiên. Đức Phật nói, giảng pháp trong hơn 45 năm không phải là cái pháp của Ngài đặt ra, sáng chế ra mà đó chỉ là "Giáo pháp của Tâm thức" con người, Tâm thức của mọi loài chúng sanh mà Ngài đã "Ngộ" được qua Thiền định (Ngài đã "Ngộ" cho nên gọi là Phật, chúng sanh còn "mê" nên vẫn là chúng sanh). Đức Phật đã thiền định, đã trải qua tiến trình nhận thức; đã trải qua những khó khăn, những vấp ngã và đạt được "Chân lý" của "tâm thức muôn loài" và tiến đến cái cõi Chân Như, Niết bàn, Chơn không tịch tịnh,...Ở cõi ấy đã có biết bao nhiêu là vị Phật, và nhìn ra bốn phương tám hướng, phương trên, phương dưới đều cũng có "hàng hà sa số" Phật. Phật trong thời quá khứ! Phật trong thời hiện tại! Và tiếp tục, tiếp tục mãi...vẫn còn nhiều chúng sanh khác thành Phật trong thời tương lai!
Vì vậy, do duyên mà Ngài là "Đạo sư" hay tạm gọi là "Giáo chủ" của cõi Ta-Bà: Ngài sanh ra, lớn lên, ngộ đạo trên cõi Ta-Bà và nói Phật pháp ở cõi Ta-Bà. Nên chỉ có cõi Ta-Bà (Nam Diêm Phù Đề hay Nam Thiệm Bộ Châu) mới có Phật pháp.
Ngài nói Pháp chẳng qua là trình bày lại những gì cần biết, cần hiểu; những chặng đường, những kinh nghiệm Ngài đã trải qua. Pháp ấy được hiểu như thế nào? Thực hành như thế nào để đạt được Pháp? Trong thực hành sẽ gặp những khó khăn, ma chướng nào? Và cũng tùy theo căn cơ của chúng sanh mà chúng sanh áp dụng pháp nào thích hợp cho chính mình: Tịnh độ, Thiền Tông, Mật Tông... (là những tên gọi do người đời sau đặt cho các phương pháp được rút ra từ trong các Kinh điển mà Đức Phật đã thuyết). "Trình độ chúng sanh có sai khác nên có các quả Thánh hiền sai khác, chứ không phải Phật pháp sai khác" (Kim cang, Phật Học Phổ Thông khóa XII, trang 58).
Hay:
"Bởi tất cả chúng sanh cùng với chư Phật đồng một bản thể bình đẳng không khác, nên người tu hành đã trở về tánh Viên giác, thì thật ra không có hai nơi; song những phương tiện để nhập Viên giác lại có vô lượng.
Vì trình độ của chúng sanh không đồng, nên các phương tiện trở về tánh Viên giác có sai khác, nhưng không ngoài ba phương tiện sau nầy: Xa-ma-tha (tu Chỉ hoặc Định)..., Tam-ma-bát-đề (tu Quán hay Huệ)...,và Thiền na (Chỉ Quán đồng tu hay Định Huệ song tu)..." (Viên Giác, PHPT khóa VIII, trang 121).
Con đường ấy đã có biết bao người trải qua và thành Phật trước Ngài, nên giáo pháp ấy không phải là của Ngài. Do vậy, Đức Phật chỉ là một "Đạo sư", là một "Hướng dẫn viên", người "Biết đường chỉ cho", chúng sanh cứ nương theo đó mà đi!
Còn Phật pháp chính là "Pháp" có sẵn, gắn liền theo "Tâm thức" của mọi chúng sanh, mà vì còn "Mê" nên chúng sanh chưa "Ngộ" được đó mà thôi...!

Nguyên Thảo.

No comments:

Post a Comment