Sunday, May 1, 2011

Lòng Tham!

Ham muốn và tham được, từ được ít sang được nhiều là điều mà ai ai cũng “muốn” dù cho bất cứ người bình thường nào sống trên thế gian nầy, kể cả những đứa trẻ con khi nó bắt đầu nhận biết. Thế cho nên cuộc sống ở trần thế đã trở nên sôi động, kết quả đưa đến những sự kiện không lường! Khi bạn đọc những câu nầy chắc bạn ngạc nhiên lắm thì phải? Tuy nhiên bạn hãy suy nghĩ kỹ lại xem sao? Nếu không Đức Phật đã chẳng phải bỏ nhiều thời gian ra để mà suy nghiệm và đúc kết lại thành một phần “Triết lý” sống trong đời của con người, và cũng là một phần trong “giáo lý” của Ngài được lưu truyền cho đến ngày nay cả hơn hai ngàn năm. Những gì “gắn liền” và “diễn biến” theo con người đã được đúc kết qua nhiều thời kỳ và những giai đoạn nó đã trở thành những “chân lý” thực tế mà bất cứ một con người nào cũng không thể phủ nhận. Do đó, Đạo Phật không phải là một đạo xa vời hay tưởng tượng vào những điều hoang tưởng không đâu dù được đặt ở trên trời hay dưới đất.
Ôi! Cái lòng tham! Sự ham muốn đã khiến cho người ta trở nên năng động, năng nỗ dùng sức lực, trí khôn của mình ra để mưu cầu; nhưng lòng tham càng khiến người ta cần phải hoạt động nhiều hơn nữa để thỏa mãn cho ý muốn của mình mà người ta đã không từ nan đến những mưu mô, hành động kể cả tội ác! Cuộc sống lại càng trở nên phức tạp hơn thêm!
Đọc trên báo chí, trên mạng hàng khối những chuyện xấu và tội ác đã xảy ra: Từ những đám thanh niên choai choai rình đến chỗ cặp tình nhân của người ta để rồi uy hiếp anh chàng và hiếp dâm cô nàng; từ lòng tham của cải mà giết người yêu cũ để cướp đoạt tài sản sau khi đã quan hệ tình dục; từ ham muốn có nhiều tiền bạc thì đi vào sòng bài, casino mà bỏ con ngoài xe hơi trong nắng nóng; từ muốn có nhiều tiền để tiêu pha, ăn xài mà đi buôn bạch phiến, những chất ghiền để hại cuộc đời của người khác… Cho đến những chuyện lớn hơn trên thế giới ỷ mình mạnh mà tiến chiếm những nước nhỏ như Trung Quốc đã làm đối với Tây Tạng lẫn Tân Cương và sự chiếm đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Ai cũng muốn mình là bá chủ trên thế giới, trở thành “Cao thủ” trong giới võ lâm, và “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn” nói theo kiểu truyện Tàu mà có một vài quốc gia đang áp dụng. Chỉ tội những nước nghèo và nhỏ mà thôi! Vừa lo ăn, vừa lo phòng thủ để bảo toàn cho chính mình để còn được tồn tại. Ôi lòng tham mà sinh ra lắm “sự đời”!
Lòng tham chưa “dừng” lại ở đó! Nó còn tiếp diễn và đi xa hơn nữa, đi hoài đi mãi: “Được đàng chân thì lấn tới đàng đầu”, “được một thì đòi mười” vì “Túi tham không đáy” biết tới đâu thì đủ bây giờ? Theo những câu chuyện ngày xưa khi được làm vua thì đã được ăn sung, mặc sướng, oai quyền, kẻ hầu người hạ, tiền hô hậu ủng, ra vào có người đưa đón, phục dịch; thế mà vẫn chưa đủ họ cần đến được sống lâu, nhiều cung phi mỹ nữ, và họ lại muốn “Trường sinh bất tử” để thụ hưởng những gì mình đang có, mà không hề nghĩ hay đoái hoài đến những hàng thứ dân! Ôi! Cũng chỉ vì tại lòng tham!
Lòng tham “muốn là phải được!”, phải tìm đủ mọi cách để làm, lấy, chiếm cho được; nếu không thì còn có nhiều ấm ức, bực dọc, “ăn không ngon, ngủ không yên”. Chính vì vậy mà đời trở nên thêm càng rối rắm! Vợ người ta mà mình cũng muốn, rồi “tò vè, ve vãn”, tung tiền làm nghĩa cử để lấy cảm tình, dùng lời ngon ngọt để đưa duyên, săn đón để người đàn bà phải xiêu lòng và cuối cùng cũng chỉ làm “việc ấy”, để rồi cả hai đều là những con người “không tốt”! Ít nhất cũng một gia đình tan nát, một hoàn cảnh bi thương lại hiện ra. Đó là chưa nói đến những đứa con “bất hạnh” được bắt đầu xuất hiện thêm trong trường đời “đầy đau khổ”. Chỉ cần một sự kiện, một lòng tham của sự “ham muốn” mà thôi! Ngọn lửa nhỏ đã thành một “đám cháy to”!
Nhưng khi lòng tham mà chưa đạt được thì làm sao anh bạn nhỉ? Đâu có gì lạ đâu, anh chỉ cần muốn chiếm đoạt một cái gì đó mà bị cản trở, chướng ngại anh sẽ nỗi “tam bành lục tặc” mà quyết ăn thua đủ với những ai đã ngăn cản anh, rồi anh không còn sáng suốt để có thể dùng đủ mọi cách mà lấy cho được kể cả gây tội ác hay giết người, cho nên Đức Phật mới phân tích tiến trình đó thành ba thái độ: Tham, Sân và Si; ba thái độ là căn bản hướng dẫn đời sống con người trong cuộc sống đau khổ nầy. Ba thái độ ấy rất độc hại khó tránh mà Đức Phật gọi là “Ba món độc”!

Đồ Ngông,
28/06/10.

No comments:

Post a Comment