Phần II: Xuất Thế Gian. (tt)
4/- Sát- Đạo- Dâm- Vọng:
Trong "Tam vô lậu học" (Giới, Định, Huệ) thì Giới là điểm đầu tiên trong ba điểm cần yếu mà người tu hành phải giữ để đạt được Đạo giải thoát, vì có giữ Giới thì tâm mới Định; nhơn Định thì tâm mới phát Huệ.
Tại vì sao phải giữ Giới?
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã giảng rõ như sau:
"Dầu cho ông (A Nan) hiện tiền đặng nhiều trí huệ và thiền định":
-Đoạn dâm dục:
"Nếu tâm dâm dục không trừ" thì "cũng sẽ đọa vào ma đạo. Thượng phẩm làm ma chúa, trung phẩm làm ma dân, hạ phẩm làm ma nữ".
"Ông đem tâm dâm dục để cầu quả Phật, dầu cho ông có được diệu ngộ đi nữa, cũng không ra khỏi tam giới, vì gốc của nó là dâm thì làm sao ra khỏi sanh tử luân hồi được; huống chi quả Niết bàn của Phật, ông làm sao chứng được.
Nên quyết định phải đoạn trừ dâm cơ; trong tâm ngoài thân đều đoạn, cho đến cái biết đoạn cũng không còn, được như thế thì đối quả Phật Bồ đề, ông mới có hi vọng".
-Đoạn lòng sát hại:
"Nếu không đoạn tâm sát hại, thì ông chỉ đọa vào thần đạo. Bực thượng làm Đại lực quỷ, bực trung làm phi hành dọa xoa và các loài quỷ soái, bực hạ làm Địa hành La sát và các quỷ thần."
"A Nan, những người ăn thịt, dầu cho có đặng tâm trí khai ngộ, cũng thành quỷ Đại la sát, đến khi mãn kiếp quủ La sát rồi, quyết định phải trầm luân trong biển khổ sanh tử. Giết hại ăn thịt lẫn nhau, thì làm sao ra khỏi sanh tử luân hồi được."
-Đoạn trừ trộm cướp:
"Nếu không đoạn tâm trộm cướp thì quyết định đọa vào tà đạo. Bực thượng làm loài tinh linh, bực trung làm loài yêu mỵ, bực hạ làm người tà, bị các loài tinh yêu này nhập".
-Đoạn trừ vọng ngữ:
"A Nan, nếu các chúng sanh, đã giữ hoàn toàn ba hạnh trên là không sát, đạo, dâm rồi mà còn đại vọng ngữ, thì tâm cũng không thanh tịnh, mất hột giống Phật thành ma ái kiến".
Vả lại, trong thuyết nhân quả. nếu những hành động sát hại, trộm cướp, vọng ngữ đã được tạo tác thành nhân; thì nó phải tạo "quả" trong một kiếp nào đó ở tương lai, như vậy "có kiếp sau để trả quả" thì vẫn chưa ra khỏi luân hồi được. Và với "dục, ái", nếu ham mê dâm dục thì với điều "thích" hay "ghét" cũng khiến chúng ta "muốn" có được kiếp sau, thì cũng khiến chúng ta còn trong sinh tử luân hồi. Thế cho nên trong giữ giới, chỉ năm giới của người "Phật tử đã quy y" cũng đã có ngăn cấm sát, đạo, dâm, vọng rồi. Năm giới đó là: -Không được giết hại; -Không được trộm cướp; -Không được tà dâm; -Không được nói sai sự thật; -Không được uống rượu. Đó là chưa nói đến Bát quan trai giới; Bồ tát giới hay Giới của những bậc Xuất gia, Giới luật của những bậc nầy càng nhiều và càng tinh tế hơn.
5/- Tướng Nhân, Ngã, Chúng Sinh, Thọ Giả- Và Vô Ngã:
Nói đến các tướng Nhân, Ngã, Chúng sinh, Thọ mạng, thiết nghĩ chúng ta cũng nên lược qua các đoạn kinh sau để có thể hiểu Đức Phật đã nói rõ hơn về chúng như thế nào.
-"Nầy Thiện nam! Tất cả chúng sanh từ hồi nào đến giờ, do vọng tưởng điên đảo, chấp bốn tưóng: Ngã, Nhân, Chúng sanh và Thọ mạng, cho là thật thể của ta, rồi sanh ra hai cảnh: Thương và ghét. Thế là ở nơi thân thể này đã hư vọng, lại càng thêm cái hư vọng nữa.
Bởi hai lớp vọng nương nhau, sanh ra các vọng nghiệp. Vì có vọng nghiệp nên vọng thấy có sanh tử luân hồi. Những người nhàm chán sanh tử luân hồi thì lại vọng thấy có Niết bàn" (Kinh Viên Giác, PHPT, khóa VIII trang 158).
-"Bởi chấp thân tâm này là Ta, nên cảnh nào thuận với ta thì sanh ra thương yêu; còn cảnh nào nghịch với ta thì lại sanh ra oán ghét. Do tâm thương ghét này, trở lại tiếp tục nuôi dưỡng Vô minh. Vì thế nên chúng sanh cầu đạo, đều không thành được đạo" (Kinh Viên Giác, PHPT, trang 160).
-Nếu tâm phân biệt ta (Ngã), người (Nhân), và chúng sanh (Chúng sanh) đã được thanh tịnh, "nhưng còn cái trí giác ngộ tướng chúng sanh trước. Bởi còn có cái "trí giác ngộ", tương tục tu tập các nghiệp vô lậu, chưa có thể tự trừ được; cũng như mạng căn tương tục, không tự đoạn được, nên gọi là "Thọ mạng tướng" (Viên Giác, PHPT, trang 165).
-Nầy Thiện nam! Các chúng sanh đời sau, bởi không rời được bốn tướng, nên tuy trải qua nhiều kiếp, siêng năng tu hành khổ hạnh, nhưng chỉ thành hữu vi mà thôi, chớ không thể chứng được Thánh quả" (Viên Giác, trang 167).
Và trong Kinh Kim Cang (Phật Học Phổ Thông Khóa XII), Đức Phật cũng có thuyết như sau:
-"Phải xa lìa tất cả các chấp tướng, mới gọi là chư Phật" (trang 109). Hay:
-"Phật dạy:"Tu Bồ Đề! Nếu có người phát tâm Bồ Đề, thì phải dụng tâm như vầy: Ta hóa độ tất cả chúng sanh, nhưng không thấy có mình độ và chúng sanh được độ. Tại sao vậy? Nếu Bồ Tát còn thấy mình độ và chúng sanh được độ, thì Bồ Tát còn tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh và tướng thọ giả, tức nhiên không phải là Bồ Tát". (Trang 134-135). Và:
-"Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Pháp này bình đẳng không có cao thấp, không ngã, không nhơn, không chúng sanh và không thọ giả, tạm gọi là Đạo Vô Thượng Bồ Đề" (Trang 164).
Hoặc:
-"Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Ông chớ lầm tưởng: Như Lai nghĩ rằng: "Ta độ chúng sanh". Tại sao vậy? Nếu Như Lai có nghĩ: "Ta độ chúng sanh", thì Như Lai còn chấp bốn tướng Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ giả, tức nhiên không phải Như Lai. Bởi thế nên, Như Lai thật không có độ chúng sanh nào cả." (Trang 168).
Theo như thế: Khi người tu hành còn thấy có người, có ta, có chúng sinh và "trí giác ngộ" chưa dứt được thọ mạng tướng thì vẫn chưa đạt được Đạo. Vì vọng tưởng và tâm phân biệt ta, người... hãy còn; mà vọng tưởng và tâm phân biệt chính là nguồn gốc của Vô minh, điều mà đã đưa chúng sinh rời khỏi Chơn Tâm rơi vào cõi Luân hồi sinh tử. Thế nên "Vô ngã" là điều kiện tất yếu để đạt Đạo Vô Thượng Bồ Đề. Vì sao? Vì: "Phải xa lìa tất cả các chấp tướng, mới gọi là chư Phật" hay như trong Kinh Viên Giác: "Phật tùy cảnh Bất Nhị (không hai) là chỗ thể tánh bình đẳng của chúng sanh và chư Phật. Thể tánh này thanh tịnh viên mãn khắp giáp cả mười phương, tâm và cảnh đều vắng lặng (ngã pháp đều không)".
Cảnh "Bất Nhị" là gì? Là cảnh giới chỉ có một loại chúng sinh, chúng sinh ấy đã thành Phật (tức là cõi Phật) mà không có chúng sinh nào khác (chỉ có toàn là Phật không thôi), mỗi một vị Phật đều có thể biểu hiện cho mọi vị Phật và mọi vị Phật cũng như là một vị Phật đúng như câu: "Tất cả là một và một là tất cả". Nếu ở trong đó mà còn có phân biệt là hai thì phải bị đào thải ra khỏi đó, không còn là Phật nữa; đó cũng là bước khởi đầu (Vô minh) khiến chúng sinh đã phải rời cõi Chơn Tâm (sau nầy được gọi là cõi Phật khi chúng sinh tu hành thành Phật và trở về được) để "đi vào cõi luân hồi sinh tử". Mà khi chúng sinh tu hành giải thoát đạt được "Giác Ngộ" để trở về với "Chơn Như" thì Đức Phật đã ví như là "quặng vàng đã được luyện thành vàng ròng thì không trở lại làm quặng nữa", vì "Tính Giác" đã được hiểu rõ và không lập lại "Vô minh" lần nữa. Chúng sinh ấy đã "thoát ra khỏi giấc mộng đêm qua" mà trở về với "Tĩnh thức", với "Chơn Tâm nhiệm mầu vắng lặng mà thường sáng suốt chiếu soi" (Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu), cùng đầy đủ tính: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
Trong các tướng "nhân, ngã, chúng sinh và thọ mạng" thì có thể "thọ mạng tướng" là tương đối khó hiểu nhất. Nhưng nếu chúng ta để ý thêm một chút thì mới thấy rằng: Không có gì là lạ cả! Vì trong cõi Chân Tâm hay Niết Bàn chỉ có các vị Phật hoàn toàn "viên dung" (hoàn toàn hòa lẫn) với sáu đại khác; không hề có "tâm phân biệt" hay "vọng tưởng" nữa. tức là không còn phân biệt: Người hay ta, hoặc ta với chúng sinh khác mà chỉ có "Một" mà thôi. Tuy nhiên, thời gian "viên dung" ấy là bao lâu. Nếu chúng ta nghĩ rằng: 100 hay 1000 năm hoặc lâu hơn cả tỉ năm, hoặc vô số tỉ năm; thì đó vẫn là hạn định vẫn là "thọ mạng tướng". Thọ mạng tướng có hạn định thì khi Tâm mỗi cá thể hết hạn định lại tách ra để "phân biệt" nữa thì nó lại vào vấn đề của "Vô Minh" nữa rồi! Rồi Tâm lại rơi vào vòng Luân Hồi nữa hay sao? Do đó mà "phải diệt thọ mạng tướng" ở đây. Cho nên Phật không thể còn phân biệt tướng nhân, ngã, chúng sinh ngay cả thọ mạng tướng là vì vậy!
6/- Phật Và Bốn Đức Niết Bàn:
Trong phần nầy chúng tôi thiết nghĩ chúng ta tìm đến những lời Phật dạy trong các Kinh để thấu hiểu được ý nghĩa của Chân Lý; vì đây là phần "Xuất Thế Gian", là kết quả thực hiện "Triết lý nhân sinh giải thoát" của Đạo Phật hay Đạo Giác Ngộ: Tự con người, tự chúng sinh sẽ chứng ngộ được qua sự hướng dẫn của Đạo Sư, chứ không do một "Đấng Thần thoại nào trong mộng tưởng" của con người đem đến. Sự ban bố của "Đấng Thần Thoại" ấy chỉ có chăng là "ảo tưởng, huyền hoặc" mà thôi!
Sau đây là những đoạn Kinh ấy:
-"Này Thiện nam! Nếu có Bồ Tát giữ tâm rất vắng lặng, nhờ sức vắng lặng này, mà đoạn các phiền não, được vĩnh viễn thành tựu rốt ráo tánh Viên giác, thì vị Bồ Tát ấy lúc bấy giờ chẳng rời chỗ ngồi mà vẫn nhập được Niết bàn. Bồ Tát tu như thế, gọi là chỉ tu một pháp "Xa Ma Tha"(tu chỉ). (Kinh Viên Giác-VG, trang 135 Phật Học Phổ Thông khoá VIII).
-Này Thiện nam! Nếu có Bồ Tát, dùng trí huệ yên tịnh chứng đặng thể tánh rất tịnh, rồi đoạn các phiền não vĩnh viễn ra khỏi sanh tử. Bồ Tát tu như thế, gọi là trước tu "Xa Ma Tha" (chỉ) sau tu Thiền na (chỉ, quán song tu) (VG, trang 138).
-Này Thiện nam! Nếu có Bồ Tát, dùng trí huệ thanh tịnh, lấy sức huyễn hoá biến hiện ra các hình thức, để hoá độ chúng sanh; sau đoạn các phiền não, rồi nhập vào cảnh giới tịch diệt. Bồ Tát tu như thế, gọi là trước tu "Xa Ma Tha"(chỉ) thứ tu "Tam Ma Bát Đề"(quán), sau tu "Thiền Na"(chỉ, quán song tu) (VG, 138).
-Này Thiện nam! Các Bồ Tát và chúng sanh đời sau, khi diệt hết các ảnh tượng vọng huyễn rồi thì tánh "Viên giác thanh tịnh" hiện ra, khắp cả vô biên hư không, không có ngằn mé và phương hướng" (VG, 46).
-Từ nơi Chơn Tâm, vì hư vọng nên hiện ra các cảm giác thấy, nghe, hay biết. Do hoà hiệp vọng sanh ra, rồi cũng do hoà hiệp vọng diệt đi.
Nếu các ông xa lìa được các duyên hòa hiệp cùng bất hòa hiệp, và trừ hết các nhơn sanh tử rồi, thì cái chơn tâm thường trụ thanh tịnh, bất sanh bất diệt hiện ra, và các ông được viên mãn đạo Bồ Đề." (Kinh Lăng Nghiêm LN, Phật Học Phổ Thông, Khóa VI-VII, trang 88 hay LN, 88).
-A Nan, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến giờ vì mê mình (tâm) làm vật, bỏ mất chơn tâm của mình, bị cảnh vật xoay chuyển (chi phối) nên thấy có lớn nhỏ, rộng hẹp, tốt xấu v.v...Nếu ai chuyển xoay được cảnh vật, thân tâm được sáng suốt viên mãn, thì đồng với chư Phật. Lúc bấy giờ không rời nơi đạo tràng (chỗ này) mà ở trên đầu một mảy lông, có thể chứa đựng khắp cả mười phương thế giới." (LN, 60).
-Này Phú Lâu Na, các ông khi đối với trần cảnh (thế giới, chúng sanh, nghiệp quả) chỉ đừng có khởi vọng niệm phân biệt thì tham, sân, si (ba duyên) không khởi. Ba duyên không khởi, thì ba nhơn sát, đạo, dâm chẳng sanh. Lúc bấy giờ anh khùng Diễn Nhã Đạt Đa (mê) ở trong tâm các ông tự hết, mà hết tức là Bồ Đề (sáng suốt). Khi ấy chơn tâm của ông thanh tịnh sáng suốt tự hiện bày khắp cả pháp giới, không cần phải cực nhọc khó khăn tu chứng hay xin cầu nơi ai cả." (LN, 143).
-Thế nên Ta nói: "Ba duyên: Tham, sân, si đoạn hết, tức là tâm Bồ Đề". Nếu cái "Vọng tâm sanh diệt kia diệt, mà tâm Bồ Đề sanh", như thế cũng còn ở trong vòng sanh diệt. Phải diệt và sanh đều hết, mới được vô công dụng đạo (chỗ cứu cánh)." (LN, 147-148).
-Ba Món Tiệm Thứ là:
*Trừ các trợ duyên bên ngoài: Ăn, không nên ăn những vật không hợp với người tu hành, như ăn thịt uống rượu và ngũ vị tân v.v... Ngũ vị tân, ăn sống thì nó tăng trưởng tánh nóng giận, ăn chín hay sanh tham dục, tụng kinh trì chú chẳng hiệu nghiệm, Thánh Thần không bảo hộ. Còn chỗ ở tu thì phải tìm chỗ nào cho hợp với hoàn cảnh của người tu hành.
*Trừ các chánh nhơn bên trong: Cốt yếu là hành giả phải nghiêm trì tịnh giới, không dâm, sát, đạo và vọng, gìn giữ ngoài thân không phạm, trong tâm không động, thân và tâm đều thanh tịnh như băng tuyết.
*Trừ các nghiệp hiện tiền: Khi tiếp xúc với trần cảnh, không khởi vọng niệm phân biệt theo sáu trần, xoay các cảm giác trở về bản tâm thanh tịnh, Do ngoài không duyên theo trần cảnh, trong sáu căn không vọng động, đồng một thể‹ thanh tịnh, nên mười phương thế giới đều được thanh tịnh sáng suốt; cũng như trong ngọc lưu ly có hàm chứa mặt trăng sáng. Hành giả lúc bấy giờ thân tâm thơ thới, chứng đặng Vô sanh pháp nhẫn, mười phương chư Phật đều hiện trong tâm người ấy. Từ đây hành giả lần lần tăng tiến tu hành, tiến lên các quả Thánh (LN, 265-266).
-Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh rồi, thì cái trí quang sáng suốt hiện ra. Lúc bấy giờ chơn tâm ông vừa tịch tịnh lại vừa chiếu soi, bao trùm khắp cả mười phương hư không thế giới, lúc bấy giờ ông trở lại xem cảnh vật hiện tiền ở thế gian này, cũng như là việc trong chiêm bao. Khi ông được như thế rồi thì nàng Ma Đăng Già ở trong mộng kia làm gì bắt ông được! (LN, 235).
Và sau đây là trích đoạn quan trọng mà Đức Phật đã nói về những tính chất của mọi Đức Phật khi đã thành đạo đạt được:
-"Còn ta (Phật) thì trái với vọng trần, hiệp với Chơn tâm thường trụ bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới. Cho nên ta mới được tự tại vô ngại: Ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp làm một, trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ; không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. Thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận. Trên đầu một mảy lông hiện ra các cõi nước; ngồi trong hạt bụi, mà chuyển đại pháp luân. Vì ta diệt hết vọng trần, trở lại với bản tâm thanh tịnh trong suốt, nên mới được như vậy! (LN 132-133).
Và:
-Này Thiện nam! Vì tánh viên giác kia mầu nhiệm viên mãn không hoại, nên bản thể của các căn, bản thể của trần, không có một pháp nào hoại diệt và lộn lạo; cho đến pháp môn Đà La Ni, cũng không có hoại diệt và lộn lạo. Thí như trăm ngàn ngọn đèn, đồng đốt trong một căn nhà, ánh sáng của mỗi ngọn đèn tuy đều chiếu khắp cả nhà, nhưng không có lộn lạo hay lấn diệt lẫn nhau. (VG, 51-52).
Đó cũng là hình ảnh của những Đức Phật trong hư không pháp giới, cùng chiếu sáng khắp hư không pháp giới, nhưng cũng không hề lộn lạo, lấn diệt lẫn nhau vì các Đức Phật không còn có chấp các tướng ngã, nhơn, chúng sinh, và thọ giả (vô ngã) hay một cách tổng quát hơn: "Một là tất cả, tất cả là một"! "Hư không pháp giới" ấy được gọi là:
-(A Nan) Bạch Thế Tôn! Bồ Đề, Niết Bàn, Chơn Như, Pháp Tánh, Yêm Ma La Thức, Không Như Lai Tạng, và Đại Viên Cảnh Trí, bảy danh từ tuy khác, chớ cũng đồng một quả Phật thanh tịnh thường còn không hoại. (LN, 162).
-Phật kêu Ngài Văn Thù và đại chúng, dạy rằng: "Mười phương các Đức Phật và các vị Đại Bồ Tát an trụ trong Chơn Tâm rồi, thời không còn thấy thật có các cảnh vật là căn, trần thức nữa. Cái thấy cùng với cảnh vật bị thấy, nguyên là "Chơn tâm". Đã là chơn tâm, thì đâu còn có "phải" hay "không phải" nữa. Như ông là Văn Thù, vậy có thể nói ông là "thật" Văn Thù hay "không thật" Văn Thù được không? (LN, 69).
-Tất cả các cảnh vật sum la vạn tượng trong thế gian này, đều ở trong chơn tâm; chơn tâm bao trùm khắp giáp cả mười phương thế giới. (LN, 111)
-"Chơn tâm nhiệm mầu vắng lặng mà thường sáng suốt chiếu soi." (LN, 119)
-Phật dạy: Chơn tâm phi tất cả tướng. (LN, 137)
-Phú Lâu Na, cái chơn tâm này lại rời tất cả "tức" và "phi, mà cũng là "tức" và "phi tức"
Chơn tâm như thế, thì từ kẻ phàm phu cho đến các vị Thánh: Thinh văn, Duyên giác, làm sao lấy tâm trí suy nghĩ cho đến đạo Vô Thượng Bồ Đề của Như Lai, hay dùng lời nói luận bàn của thế gian mà ngộ nhập của tri kiến Phật cho được? (LN, 139)
Qua các đoạn kinh trích dẫn ở trên, chúng tôi hi vọng Quý vị có thể tìm thấy những đặc điểm của Phật và nơi trụ xứ của chư Phật hay là Niết bàn với một số tính chất của Niết Bàn. Ngoài ra Đức Phật còn nêu một số điểm như sau đây:
-Bởi thế nên biết "Sanh tử và Niết Bàn" cũng đều như giấc mộng hôm qua, vì chúng sanh vốn đã thành Phật từ xưa đến giờ. (VG, 56).
-Này Thiện nam! Thí như chất kim khoáng, sau khi được nấu lọc, bỏ hết quặng rồi, thì chỉ còn vàng y, chất vàng này không phải do nấu lọc mới sanh, vì nó có sẵn từ trước kia rồi; và khi đã thành vàng y, cũng không bao giờ trở lại thành quặng nữa, dầu trải qua bao nhiêu năm, nó cũng không hư hoại.
Tánh viên giác thanh tịnh của Như Lai cũng thế. (VG, 70).
-Tu Bồ Đề! Người ưa pháp Tiểu Thừa, chấp bốn tướng: Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ giả, nên đối với Kinh này (Kinh Kim Cang), họ không thể tin hiểu hoặc đọc, tụng, hay giảng dạy cho người. (KC-PHPT Khoá XII- 129).
-Phật dạy tiếp: "Tu Bồ Đề! Có người nói "Như Lai đặng quả Bồ Đề". Thật ra, Như Lai là bản thể như như của các pháp, nên Như Lai không đặng pháp gì cả.
Tu Bồ Đề! Như Lai đặng đạo Bồ Đề, không phải hư, không phải thật". (KC, 137).
-Tu Bồ Đề! Như Lai nghĩa là không từ đâu đến và cũng không đi về đâu, nên gọi là Như Lai. (KC, 181).
Tại sao Như Lai "không từ đâu đến và cũng không đi về đâu"? Ở trên, chúng ta đã có "Thân ta (Phật) bao trùm mười phương hư không vô tận" thì ở đâu cũng có thân Phật cả, thì Như Lai sao gọi là đến và sao gọi là đi! Và Như Lai trụ xứ trong cõi Niết Bàn. Vậy Niết Bàn ở đâu? Niết Bàn cũng lại là hư không vô tận. Mà muốn tìm Niết Bàn chúng sinh phải quay trở lại Tâm của mình để tìm. Nên chắc chắn Niết Bàn cũng chẳng xa xôi gì với chúng sinh cả, Niết Bàn "ở ngay trong tâm" của chúng sinh mà thôi! Nhưng "nắm bắt" được Niết Bàn hay không là do chính chúng sinh đó vậy!
Do đó trong Kinh Tạp A Hàm Đức Phật đã nói:
"Như Lai tuyên bố rằng thế gian, nguồn gốc của thế gian, sự chấm dứt thế gian và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian đều nằm trong tấm thân một trượng này, cùng với tri giác và tư tưởng."
Và:
"Có hai hình thức chứng nghiệm Niết Bàn là chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc còn mang thân ngũ uẩn và chứng nghiệm Niết Bàn lúc không còn thân ngũ uẩn nữa.
Nầy chư Tỳ Khưu, chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc còn mang thân ngũ uẩn là gì?
Là nơi đây, nầy chư Tỳ Khưu, một thầy tỳ khưu đắc quả A La Hán, đã tận diệt mọi ô nhiễm, đã sống đời thiêng liêng cao thượng, đã làm những việc cần phải làm, đã bỏ gánh nặng, đã thành đạt mục tiêu, đã tận diệt mọi trói buộc của đời sống, một thầy tỳ khưu hiểu biết chơn chánh và đã được giải thoát. Ngũ quan của thầy vẫn còn và vì chưa xa lìa hẳn ngũ quan, thầy còn hưởng những quả lành và chịu những quả dữ. Sự chấm dứt tham, sân, si của thầy tỳ khưu ấy gọi là chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc còn mang thân ngũ uẩn.
Nầy chư Tỳ Khưu, chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc không còn thân ngũ uẩn là gì?
Nơi đây, nầy chư Tỳ Khưu, một thầy tỳ khưu đắc quả A La Hán...đã được giải thoát. Trong chính kiếp sống ấy thầy không còn thích thú với những cảm giác của thân nữa, thầy mát mẽ. Đó là chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc không còn thân ngũ uẩn". (Đức Phật và Phật Pháp, trang 466).
Niết Bàn trong lúc còn mang thân ngũ uẩn đó là: "Hữu Dư Y Niết Bàn" và "Vô Dư Y Niết Bàn" là Niết Bàn khi không còn thân ngũ uẩn.
Nói về Niết Bàn, người ta thường đề cập đến bốn tự tánh của Niết Bàn như sau:
-Thường: là tánh không sanh diệt, đổi thay, già trẻ
-Lạc: Không còn có khổ não, lo buồn.
-Ngã: Được tự tại, không bị ngoại cảnh hay nội tâm chi phối.
-Tịnh: Thanh tịnh, trong sáng, không còn ô nhiễm.
Và ở đây chúng ta cũng nên trở lại vấn đề, vì sao Đức Phật đã nói:
-Bởi thế nên biết "Sanh tử và Niết Bàn" cũng đều như giấc mộng hôm qua, vì chúng sanh vốn đã thành Phật từ xưa đến giờ. (VG, 56).
-Này Thiện nam! Thí như chất kim khoáng, sau khi được nấu lọc, bỏ hết quặng rồi, thì chỉ còn vàng y, chất vàng này không phải do nấu lọc mới sanh, vì nó có sẵn từ trước kia rồi; và khi đã thành vàng y, cũng không bao giờ trở lại thành quặng nữa, dầu trải qua bao nhiêu năm, nó cũng không hư hoại.
Tánh viên giác thanh tịnh của Như Lai cũng thế. (VG, 70).
Tại sao "Chúng sanh vốn thành Phật từ xưa đến giờ" và "Sanh tử và Niết Bàn đều như giấc mộng hôm qua"? Vì chúng sinh chẳng từ cõi "Chơn Như" (tên khác của Niết Bàn) bởi do Vô minh mà đi vào vòng sinh tử luân hồi sao? Như vậy nguyên thủy chẳng từ cõi Phật mà ra đi ư? Không phải Phật sao ở trong cõi Phật? Và ở trong cõi luân hồi: Tâm, vật, cảnh chẳng đều là huyễn hoặc, không thật giống như là một giấc mơ ư? Thì bỏ sinh tử luân hồi để trở về cõi Phật chẳng là "thoát khỏi giấc mơ qua một đêm dài" sao?
Nhưng cõi luân hồi cũng đã "dạy" cho chúng sinh bài học "Hậu quả của vô minh" để chúng sinh "giác ngộ" mà không bao giờ dám "si mê" nữa, giống như quặng vàng đã được tôi luyện lại thành vàng ròng qua lò luyện kim "thế gian" thì sẽ không bao giờ trở lại thành quặng nữa.
Ôi! Ra đi là "U mê" mà trở về là "Giác Ngộ", quả thật là một đoạn đường quá dài và đầy đau khổ, mà nếu không có Phật thị hiện để "Khai, Thị" để biết mà "Ngộ, Nhập Tri-kiến-Phật" thì chúng sinh còn lăn lộn đến bao giờ?
Thế mà chúng sinh vẫn hãy còn mê muội theo những huyễn ảo, huyền hoặc không thôi! Ôi! Thật là điều đáng buồn cho nhân thế!
Nguyên-Thảo,
04-08-09.
Tài Liệu Tham Khảo:
-Kinh "Hoa Nghiêm", HT. Thích Trí Tịnh dịch, GH-PGVN thực hiện, Nhà xuất bản TP.HCM xuất bản, 1999.
-Kinh "Đại Bát Niết Bàn", HT. Thích Trí Tịnh dịch, GH-PGVN thực hiện, Nhà xuất bản TP.HCM xuất bản, 1999.
-"Kinh Vô Lượng Thọ; Kinh Kiến Chính; Tây Phương Xác Chỉ", Sa môn Trí Hải dịch, Liên danh ấn tống, USA. 2003.
-"Pháp Bảo Đàn Kinh", Lục Tổ Huệ Năng do HT. Thích Từ Quang diễn âm, diễn nghĩa, yếu giải sự lý, Tổ đình Minh Đăng Quang, Tịnh xá Ngọc Xá Lợi phát hành, 1996.
-"Phật Học Phổ Thông", HT. Thích thiện Hoa biên soạn, GH-PGVN thực hiện, Thành hội PG/ TP. HCM ấn hành, 1997.
-Băng giảng "Duy Thức Học", HT. Thích Tâm Thanh - Đại Ninh - Lâm Đồng.
-"Đức Phật và Phật Pháp", Narada Thera (Phạm Kim Khánh dịch), Nhà xuất bản Thuận Hóa, Thành hội PG/ TP. HCM, 1994.
-"Từ Điển Phật Học Hán Việt", Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học, GH-PGVN, Nhà xuất bản KH Xã hội, Hà Nội 1998.
-"Phật Học Từ Điển", Đoàn Trung Còn, Nhà xuất bản TP. HCM, 1992.
-"Mười Tôn giáo lớn trên thế giới", Hoàng Tâm Xuyên chủ biên (Dương Thu Ái, Phùng Thị Huệ dịch), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia- Hà Nội, 1999.
-Băng giảng "Tương quan giữa sống và chết" của HT. Thích Tâm Thanh - Đại Ninh - Lâm Đồng.
-"Như Lai là bậc toàn trí, toàn giác chứ không toàn năng", Quảng Hiền, http://www.giaodiemonline.com đăng ngày 12/03/2009.
Sunday, May 1, 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment