Sunday, May 1, 2011

Quê Hương 1: Ta Còn Có Một Quê Hương!

Bạn trẻ ơi!
Có một anh bạn, một lần đã nói với tôi: "Ông có nghĩ con cháu mình sau nầy khổ hơn mình không?". Lúc ấy, tôi ngạc nhiên nói với anh: "Giỡn! sao lại khổ hơn mình anh? Sau nầy tụi nó đã quen với phong tục xứ nầy nầy, tiếng Anh cũng không trở ngại nầy, học trong trường ra tụi nó kiếm việc làm dễ dàng nầy, thì tụi nó đâu phải vất vả, lần mò hay ráng làm lo cho thân mình và lo cho gia đình hoặc người thân ở Việt nam đâu?". Anh bạn tôi cười, nói tiếp: "Tụi nó không như mình, vậy mà nó khổ; ông thử nghĩ nó quen phong tục hoặc sống theo phong tục xứ nầy, nói tiếng Anh trôi chảy, tiếng Việt không rành, lại là công dân, dân xứ nầy. Nếu có ai hỏi nó: "Nó là người gì?". Nó bảo nó là người Úc, thì nó lại cũng không là người Úc vì da nó vẫn vàng, mũi nó vẫn tẹt, tóc vẫn đen. Nếu nó bảo nó là người Việt thì tiếng Việt nó không rành, những gì cuả Việt nam nó lại không biết, thì nó lại chẳng khổ hơn mình sao?". Tôi chịu thua, và hai anh em phá ra cười, rồi tiếp tục chuyện "tào lao thế sự"!
Điều của anh bạn tôi nêu ra, quả thật là một vấn đề "khổ" cho thế hệ sau, dù ít hay nhiều.
Sau đấy vài năm, trong một khoá học nghề, tôi lại gặp một người bạn trẻ. Người bạn trẻ nầy nói tiếng Anh tương đối đúng theo giọng Úc, chứng tỏ em đã nhiều năm "sống giống như là Úc". Một ngày nọ, khi em ngồi nói chuyện với tôi, tự dưng em hỏi: "Anh thấy em nói tiếng Việt như thế nào?". Tôi ngạc nhiên hỏi em: "Tại sao em hỏi vậy?". Em kể: Lúc qua đây còn nhỏ lắm, gia đình ông bà Úc nhận em làm con nuôi, bao năm em toàn tiếp xúc với người Úc, sống như Úc; em chỉ mới học nói và tiếp xúc với người Việt chỉ hai năm nay thôi. Anh thấy em nói tiếng Việt ra sao? Tôi lại ngạc nhiên hơn vì hai lẽ: Một -không lẽ tiếng Việt rất dễ học, dễ sử dụng. Hai -hay là khả năng học tiếng Việt của người bạn trẻ của tôi rất giỏi. Hai năm em học sử dụng trở lại tiếng Việt giống như một người Việt bình thường thì quả là vượt bực! Tôi đáp: "À! Tiếng Việt của Mỹ -tên người bạn trẻ của tôi- anh thấy đâu có gì trở ngại, em nói giống như một người bình thường thôi! Chứ khi em nói, em thấy thế nào, khó khăn lắm không?". "Em thấy cũng không khó lắm, nhưng có nhiều lúc em nói mà em sợ người ta không hiểu". Tôi cười: "Như vậy là em giỏi quá rồi, chỉ hai năm mà em nói được như vậy quả là em có một khả năng về ngôn ngữ lớn". Em hỏi: "Thiệt không anh?". Tôi cười: "Anh nói thiệt, anh không xạo với em đâu?".
Từ đó tôi có một ý niệm lạc quan và "mừng dùm" cho những người bạn trẻ. Họ sẽ không còn "khổ" nữa trên một đất nước thứ hai, hoặc trên đất nước của người dù họ được sinh ra trên đó: Vì họ vẫn là da vàng, mũi tẹt!
Hôm nay tôi muốn nhắc lại với em rằng: Ta còn có một quê hương. Làm con người mà không có nguồn gốc, hoặc không có một quê hương xuất xứ thật là buồn, buồn lắm!..Nếu em không tin tôi, em hãy nhìn vào người Do thái. Sau khi họ bị mất nước, họ đi lang thang sang Ai cập và rồi tứ tán khắp nơi. Nhưng họ có được một niềm tin từ câu chuyện thần thoại và câu chuyện ấy đã biến thành tôn giáo của họ: Vì họ là giống dân được Đức Giê-Hô-Va tạo ra để cai quản loài người, cho nên họ luôn giữ niềm hãnh diện ấy. Đến đâu họ cũng cố gắng lo làm, gắng học và sống gần gũi lẫn nhau. Họ bảo tồn nòi giống và tôn giáo của họ. Họ có những gương thành công ở nhiều nước. Nhưng cũng chính vì lẽ đó mà tai họa đã đến với họ trong thời Đệ nhị Thế chiến. Lòng khao khát được thành lập trở lại một quốc gia của họ được sự hổ trợ của hai cường quốc Anh, Mỹ vào tháng 5/1948, thế là quốc gia Israel được thành hình. Tôi không nhớ rõ, tôi đã đọc trong một quyển truyện tiểu thuyết dịch sang tiếng Việt nào của ngoại quốc -hình như quyển "Một thời để yêu và một thời để chết" thì phải- trong đó kể lại các hoạt động thành công về kinh tế, trí thức của người Do thái trên phương diện thương mại, hãng xưởng, ngân hàng,...ở Đức. Rồi Hitler khuấy động tinh thần dân tộc, bắt người Do thái vào những trại tập trung và tàn sát hàng loạt đến việc thành lập Israel. Họ được trở về vùng đất cũ cùng việc người Do thái tiến vào vùng đất Palestine và đuổi người Palestine ra khỏi nơi đó. Điều ấy giúp cho tôi hiểu được vì sao có Mặt trận giải phóng Palestine và đưa đến nhóm khủng bố hiện nay. Em ạ! người Do thái lẫn người Palestine đều muốn có một quốc gia của chính mình. Họ bỏ ra biết bao nhiêu mạng sống, bao nhiêu xương máu cũng vì quốc gia ấy. Thế mà ta có một quê hương, không lẽ ta lại quên sao em?
Em bạn trẻ ơi!
Dân tộc ta là một dân tộc tha thiết với quê hương, rất là tha thiết với xóm làng, với tổ tiên; vì thế mà trong ngôn ngữ của ta mới có từ "quê cha đất tổ", "mồ mã ông bà, tổ tiên". Mỗi nhà đều có bàn thờ ông bà, cửu huyền thất tổ ở gian nhà chính và ở chỗ trang trọng nhất. Ít ai muốn xa rời cái nơi yêu dấu ấy để tha phương cầu thực, ngay ở vào cái thời điểm chiến tranh ác liệt nhất. Nhưng sau 1975, đã có hàng triệu người ra đi. Trong đó có em, có tôi và cả mọi người đồng hương quanh em với tính cách những người tị nạn. Tôi ngạc nhiên lắm, em ạ!.. Ở các nước khác chiến tranh không dữ dội như ở Việt nam ngày trước, người ta lại có người "tị nạn chiến tranh", nhưng ở Việt nam thì lại không có tị nạn chiến tranh trong suốt cuộc chiến. Thế mà sau khi chiến tranh chấm dứt lại có người "Tị nạn", điều ấy cũng khiến cho tôi suy nghĩ khá nhiều!
Nhưng, Em bạn trẻ ơi! Có bao giờ em nghĩ đến một ngày nào đó, quê hương mình sẽ bị mất, dân tộc mình sẽ bị làm nô lệ không? Điều ấy khó, nhưng có chắc là không xảy ra không?
Chắc đôi lần em có nghe quân đội Cộng sản Việt nam chiếm đóng ở Kampuchia, vì tôi không phải là người làm quân sự hay chính trị nên tôi không hiểu rõ lắm, nhưng có điều qua các sự kiện tôi cũng có thể biết được rằng: Cộng sản Kampuchia là chư hầu, tay sai của Cộng sản Trung quốc. Ngay từ năm 1975, Cộng sản Kampuchia được sự giúp đỡ tận tình của Trung quốc đã áp dụng chính sách tàn bạo đưa đến cái chết của hàng triệu người Kampuchia, đồng thời chúng tấn công dọc theo biên giới Việt nam. Em có thử tưởng tượng họ đốt các đồng lúa, tấn công vào làng mạc, đốt nhà, giết người, xé xác trẻ thơ... không? Thế rồi Cộng sản Việt nam đã giúp người Kampuchia lật đổ chính quyền Polpot và đóng quân trên đó. Trận chiến miền nam được giải quyết. Lấy cớ gì Trung quốc đã tấn công biên giới Bắc Việt nam. "Dạy một bài học" ư? Đó chỉ là một luận điệu che đậy sự bành trướng của Trung quốc mà thôi! Tôi còn nhớ lúc tôi còn nhỏ, tôi có đọc báo vào khoảng năm 1959 Trung quốc đưa quân vào Tây Tạng, khiến Đức Đạt Lai Lạt Ma và dân Tây Tạng vượt Hi Mã Lạp Sơn tị nạn ở Ấn độ mãi đến bây giờ. Sự đấu tranh bất bạo động của Đức Đạt Lai Lạt Ma và dân Tây Tạng chỉ là "những tiếng nói chơi vơi giữa hư không" mà thôi!
Em bạn trẻ ơi! Trong những ngày gần đây báo chí, dư luận đã đề cập vấn đề mất đất, và mất một số vùng biển của Việt nam về cho Trung quốc chứng tỏ chính sách bành trướng của Trung quốc là thế của một kẻ mạnh, của một nước lớn muốn gậm nhấm các nước nhỏ chung quanh mà Việt nam là đối tượng chính yếu, vì Trung Quốc chỉ coi Việt nam là một tỉnh của Trung quốc. Thế thì các em sẽ làm gì? Hoặc là chấp nhận một sự mất nước và làm nô lệ? Hoặc là chuẩn bị một cái gì cho đất nước!
Điều dĩ nhiên, một khi Trung quốc đã có ý đồ thôn tính thì Trung quốc không để cho Việt nam được mạnh, hoặc là họ sẽ dùng sách lược phá hoại về kinh tế, chính quyền kể cả các cách kềm chế về quân sự lẫn ngoại giao để Việt nam phải cúi đầu khuất phục hoặc tự xin sáp nhập vào lãnh thổ Trung quốc.
Nếu một mai Trung quốc tiến hành âm mưu đó, Em sẽ làm gì? Em chấp nhận mất nước ư? Người Do thái được lập quốc trở lại là một "cơ hội ngàn năm một thuở", cho nên một số họ trở về quê hương hay "vùng đất Hứa" yêu dấu của họ để xây dựng lại đất nước bằng tất cả tài năng, của cải và lòng nhiệt thành. Họ quyết bảo vệ đất nước với bất cứ hình thức nào. Và những người Do thái còn lại ở bên ngoài, họ yễm trợ tài chánh cho quê hương khi cần thiết: Họ là những nhà tư bản ở Mỹ, Gia nã đại hay các nước khác. Vì thế họ đủ khả năng chiến đấu chống lại nguyên một khối Ả rập to lớn vào những năm đầu lập quốc và em thấy hiện nay cứ mỗi lần có biến động khủng bố hay chiến tranh, người Do thái phản ứng rất mạnh bạo cùng không nhân nhượng. Đó là chuyện của người và quốc gia Do thái. Còn ta thì thế nào? Một khi đất nước cần, ta không thể đem thân thể gầy gò ốm yếu, hay những "ống chích", hay những gói "bạch phiến, cần sa" hoặc những "lá bài, con súc sắc" hay các "chai rượu" mà giúp đất nước được, mà phải với tất cả khả năng, tài chánh của mình. Theo suốt chiều dài lịch sử, Trung quốc đã chẳng tha cho đất nước chúng ta những thời gian dài nào. Dù là phong kiến, dù là chế độ Cộng sản, Trung quốc vẫn là "bọn bành trướng Phương Bắc". "Tôn trọng lãnh thổ của nhau" chỉ là một câu nói ngoại giao thôi! Tại sao "Trung quốc dạy Việt nam một bài học"? Bài học ấy với nửa triệu quân đánh dọc biên giới, tàn phá và tàn sát tất cả. Bài học mà giống như thật ư? Và Trung quốc lấy tư cách gì để dạy cho Việt nam: Đó chẳng qua là luận điệu của một "kẻ cả", một "quan thầy"! Nếu trong cuộc chiến tranh ấy, Trung quốc không bị chiến bại, Trung quốc tấn công như chẻ tre và chiếm cả Việt nam, liệu Trung quốc có chịu nhả miếng mồi ra chưa? Em hãy nhìn vào xứ Tây Tạng em sẽ thấy, khoảng 50 năm Tây Tạng vẫn thuộc Tàu, khoảng 50 năm Đức Đạt Lai Lạt Ma và dân Tây Tạng vẫn lưu vong, khoảng 50 năm quốc tế cũng chẳng làm được gì; Đôi khi Mỹ cùng Thế giới phải còn sợ sệt, nhượng bộ Trung quốc nữa cơ mà..! Hãy học gương của người Do thái đi em ạ! Trong nước là những gương chiến đấu kiên cường, quyết lòng bảo vệ đất mước. Ở ngoài là hậu phương vững chắc. Người Do thái ở nước ngoài thường là những nhân tài, thương nhân tư bản, họ có nguồn tài chánh lớn và sẵn sàng cho đất nước khi cần. Còn em thì em sẽ tính sao? Các em nên bắt đầu ngay bây giờ vẫn chưa là muộn. Vì đất nước, vì dân tộc, vì sự nghiệp của chính ta, và sự đóng góp cho xã hội đất nước nầy: Hãy Tiến lên! Tiến lên! Và Tiến lên đi em nhé!


Nguyên Thảo,
22-3-02.

No comments:

Post a Comment