Saturday, July 21, 2012

*Tân Khánh: "Vùng Đất Hồi Sinh".




Khi tôi nói đến “Sự Hồi Sinh” của Tân Khánh chắc nhiều người sẽ rất là ngạc nhiên, vì trên thực tế Tân Khánh từ xưa đến giờ đâu có ngừng nghỉ phát triển mặc dù là trong thời kỳ chiến tranh ác liệt cũng vậy thì đâu có gì gọi là “hồi sinh” trong lúc nầy. Nhất là trong thời hiện nay, Tân Khánh lại càng phát triển hơn theo nhịp độ phát triển kỹ nghệ mau chóng chung trong tỉnh nhà Bình Dương.

Điều mà tôi muốn ghi lại đây là chỉ mong muốn thế hệ sau cũng như các thế hệ kế tiếp sẽ có thể hiểu được rằng Tân Khánh đã có nhiều chiều hướng tiến lên, không còn có những lo âu ngần ngại như thế hệ chúng tôi đã có nhiều ngại ngần, âu lo.

Nói đến Tân Khánh ngày xưa, người ta muốn hiểu nó như là một vùng đất võ: Từ chuyện Ông Ất, ông Giá đến thời kỳ mà người ta liên tưởng đến Bà Trà mỗi khi nhắc đến Tân Khánh: “Tân Khánh Bà Trà”. Những thế hệ kế tiếp cũng chỉ nhìn Tân Khánh vào nghề võ mà thôi! Còn sự học cũng như doanh nghiệp thì không có những gì gọi là xuất sắc cho lắm! Người ta nhắc đến Cao Đồng Hưng, ông Lê Nguyên là những doanh nhân có tiếng tăm một thời nhưng tôi không biết rõ gốc gác có phải là họ ở hay từ Tân Khánh mà ra hay không? Còn về văn nghệ khả năng thì không ai không công nhận ông “Canh Hòa” (em bà Bảy Quí) là người có khiếu về đàn ca xướng hát và gây được một số tiếng vang lúc bấy giờ. Ngày xưa trường học và người đi học hãy còn hiếm hoi, nhất là con nhà nông như ở Tân Khánh và những vùng lân cận. Nói như thế không phải là không có những trường hợp ngoại lệ như xã Tân Hóa Khánh cũng có Luật sư Nguyễn Ngọc Giao con ông Hai Đằng. Nhưng xã An Mỹ là nổi bật hơn hết vì xã nầy từ trước đã có Luật sư Trần Văn Trai, người đã thành đạt từ sớm và sau nầy ứng cử là Dân Biếu Quốc Hội thời Đệ Nhất Cộng Hòa của chế độ miền Nam. Với cương vị của mình, Luật sư Trần Văn Trai đã xây dựng xã An Mỹ của Ông trở thành một trung tâm văn hóa từ trường Tiểu học cho đến trường Trung học tư thục và cả trường công lập An Mỹ; nhất là trường công lập An Mỹ quả là kỳ tích của Ông, vì nó là Trường công lập thứ hai của Tỉnh Bình Dương, trong khi các Tỉnh lúc đó chỉ có một trường công lập mà thôi, trước khi các trường tỉnh hạt nở rộ trên các địa bàn quận lỵ vào những năm sau. Những thành tích của Luật sư Trần Văn Trai đã làm được đem lại cho xã nhà của Ông, và cũng từ đó mà con em các vùng lân cận cũng được nhờ vả lây. Số học sinh theo học Trung học càng được đông thêm và lực lượng nâng cao trình độ học vấn cũng khá hơn.

Nhưng trước thời chúng tôi số học sinh của xã Tân Khánh không được nhiều, có những người đeo đuổi sự học tương đối khá và họ cũng chăm chỉ học hành nhưng sự vươn lên đều gặp nhiều trở ngại như anh Lân cũng có tiếng về học hành nhưng rồi bị bệnh và chết đi. Kế đến là Nguyễn Văn Tai, Nguyễn Văn Tò con của Ông Chín Ánh vượt qua được cửa ải Tú Tài I hoặc II; nhưng rồi Nguyễn Văn Tò cũng bị chết vì tai nạn với những người lính ở xã Bình Chuẩn hay những trường hợp bệnh thần kinh, tâm thần như anh Tài con ông Sáu Danh làm chúng tôi cứ e ngại và chùng bước. Có nhiều người thắc mắc “Cục đất ở Tân Khánh thiếu người có danh phận, học cao; không có được những người để làm rạng rỡ cho vùng đất nầy!”. Thế rồi theo những năm tháng dồn dân lập ấp chiến lược, số học sinh đi học thuận tiện hơn, sự học được trao đổi, giúp nhau học tập nhiều hơn; nhưng mỗi người một hoàn cảnh nhất là vấn đề kinh tế gia đình nên học sinh đa số đều đi tìm cái nghề mưu sinh cho mình khi điều kiện văn bằng cho phép, đó là trường hợp của Nguyễn Văn Nới, Nguyễn Văn Nẫm, Nguyễn Ngọc Quang, anh Trai (con bà Ba Chóng), anh Cấm (con bà Ba Vén), anh Phát (anh chị Cúc, Sen nhà làm nem), Liêu Việt Hà, Mười Là, Nguyễn Văn Vân, Thái Văn Bé, Liêu An, Ngô Văn Bé, Nguyễn Văn Hai, Trần Văn Trang, Trần Văn Sang,… Để rồi một thời gian sau phải đi vào lính. Đến thời chúng tôi mặc dù chế độ thi cử hãy còn gắt gao phải vượt qua những cuộc thi Trung học, Tú Tài I, Tú Tài II nhưng thành phần tốt nghiệp cũng khá như: Thái Văn Tâm, Nguyễn Văn Nghĩa, Lưu Văn Hòa, Nguyễn Ngọc Thạch và sau đó đều đi vào trường Sư phạm để làm thầy cô giáo, tìm cho mình một cái nghề cũng như một chỗ yên thân trong cuộc chiến. Cho nên Tân Khánh vẫn bình yên như thuở nào, không có cá nhân nào vượt trội lên trên và cũng chẳng có ai để làm rạng danh cho vùng đất nầy cả!

Có một vài điều đáng mừng mà tôi ghi nhận được thuở bấy giờ là Nguyễn Văn Là, con ông Ba Chặng mặc dù trên sự học không xuất sắc nhưng Mười Là đã có tiếng là người đàn hay, chơi vũ cầu cũng như tennis, ping pong giỏi có tiếng trên đất chợ Thủ, Bình Dương. Còn cháu Mười Là là Nguyễn Văn Trung tôi chỉ nghe nói có lấy chứng chỉ luật và dạy ở trường Sinh Ngữ Quân đội mà không biết là có phải hay không? Còn thế hệ sau chúng tôi thì có được Nguyễn Văn Làm, Phạm Văn Trọng thì tương đối khá hơn hết; còn Nguyễn Văn Hóa (em Nguyễn Văn Trung) và người em út là Nguyễn Quốc Nguyên khi học hành thì rất khá nhưng không biết về sau nầy thì như thế nào. Nói chung Tân Khánh thiếu người có tiếng tăm, xuất sắc tự thuở trước. Điều ấy cũng làm cho nhiều người lo ngại về “cục đất ém nhân tài nầy”!

Tuy nhiên, có nhiều cá nhân mà chúng tôi phải coi như là những bước đánh dấu cho “vùng đất được hồi sinh”. Chúng tôi xin nói rõ đây chỉ là cái nhìn của cá nhân, chứ không là cái nhìn chung, cho nên những cái nhìn sai sót hay khiếm khuyết xin quý vị bỏ qua hoặc góp ý thêm vào để tôi có thể chỉnh lại cho chính xác hơn. Đầu tiên tôi phải kể đến Trần Văn Gao con của Thầy Trần Văn Gắt đã được học bỗng để đi du học trên đất Ý, sự xuất sắc nầy được coi là lần đầu tiên mà xã Tân Khánh có được. Thứ hai hai chị em Chặng, Hiệp con ông Tư Khỏi được đi du học ở Nhật mặc dù là tự túc. Đó là những bước đầu mà Tân Khánh chuyển mình để có những bước hồi sinh, không còn là “vùng đất hãm tài” nữa. Sau đó là Cô Trần Thị Liên con ông Tư Gắt nghe nói được vào Đại học Nông nghiệp ở Sài gòn, tốt nghiệp hay không thì tôi không nắm rõ vấn đề. Nếu lúc ấy cô Liên đã tốt nghiệp xong thì có lẽ là người ở Tân Khánh đầu tiên đạt nên danh phận, rồi sau đó cô Trần Thị Ảnh, chị cô Liên kết hôn với Thầy Nguyễn Văn Lộc người tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm dạy Lý có tiếng ở trường Trịnh Hoài Đức và một số trường tư khác. Về doanh nghiệp thì mỹ nghệ Minh Long đã được bước đầu thành công và có được nhiều người tới thăm và biết tiếng.

Đúng lý ra, Tân Khánh phải có nhiều người xuất sắc hơn nữa mới phải, vì điều kiện kinh tế không phải có nhiều khó khăn như những gia đình nông dân, hay điều kiện học hành trở ngại như ở những nơi khác; nhưng không hiểu vì sao mà số lượng nhân tài không có nhiều, mặc dù bao nhiêu năm nay điều kiện học hành đã dễ dàng hơn và sẵn nắm trong tay. Bây giờ số người có bằng Thạc Sĩ cũng không nhiều, hình như có Nguyễn Thị Phương (em Thầy Nguyễn Văn Nghĩa (cũng là một doanh nhân thành đạt), cô Nguyễn thị Tài) con ông Nguyễn Văn Danh (Ba Oanh); Diệu Hiền con bà doanh nhân có tiếng từ “tay không làm nên sự nghiệp” Nguyễn Thị Bảy. Bác Sĩ Hoàng Phượng con của thầy Văn Thành Phủ - Trần Thị Ánh. Và hai Luật Sư lão thành Thái Văn Bé cùng vợ là Minh Trí. Con bà Tư Vẫy là Tỷ (tôi không biết tên trong giấy tờ) đã tốt nghiệp nha sĩ ở Thụy Sĩ và nghe nói đã trở về làm ăn trên quê nhà; và chị Gái của Tỷ cũng nằm trong số doanh nhân thuộc xã Tân Khánh cùng với vợ chồng Cô Lượng con ông Bảy Lình. Ở ngoài xóm miễu Bưng Cù có Tường con Bà Sáu Cháng cũng là doanh nhân thành danh, có tiếng tăm. Phải nói đến hai người nổi tiếng trên thế giới trong thời hiện nay có gốc gác là người Tân Khánh là Cáo Lớn (Minh) của gốm sứ Minh Long, và một người khác là “fashion designer” La Hong hiện đang ở Wien (Thủ đô của Áo Quốc), La Hong tức là La Hồng Nhựt con của ông La Hồng Thiên và bà Nguyễn Thị Sang (em ông Tư Thuấn, con ông Tám Hổ), em La Hồng Hải (nhà thuốc tây Hồng Hải ngày trước). Để tìm biết nhà thiết kế La Hong chúng ta có thể tìm bằng “la hong, vienna, austria” hay là “La Hong, Wikipedia” trên internet. Ngoài ra Vương Hồng, Long, Cáo nhỏ (Cường Phát) cũng là những doanh nhân thành đạt.

Trên vài phương diện khác như về Phong Thủy thì có Thái Văn Tâm (con bà Năm Riêng), mặc dù Thái Văn Tâm từ lúc còn đi học đã có tiếng về tử vi, sau về bói Dịch; chị hai Rổn. Hoặc về chức vụ, danh phận thì có Trần Văn Tong (con bà Ba Xong), Vinh (con ông Năm Háo) hay là Thầy Ẩn, chồng cô Lan Bồ, Cường con ông Út Tợ và bà Út Miêng.

Trong những người con của Tân Khánh thành đạt phải kể đến gia đình của Trần Thị Liên (ba con đều là bác sĩ và dược sĩ), Trần thị Ảnh - Lộc: hai con đều là bác sĩ (gia đình của ông Tư Gắt). Con cô Bùi Thị Hị (con ông Bùi Văn Vĩ - Trần Thị Rỡ) hai đứa là dược sĩ, một đứa đang học Tiến sĩ có chồng là Tiến sĩ). Con Lưu Văn Hòa (chùa Cao Đài) vào làm trong cơ quan NASA của Mỹ sau khi tốt nghiệp Đại học; Trần Văn Sang có hai đứa con gái đều là dược sĩ. Bùi Thị Hụ có một con là dược sĩ. Còn nhiều người có con đã tốt nghiệp đại học và được việc làm tốt mà tôi không nắm được hết.

Mới đây, tôi có nhận được thêm vài tin tức về những điều mà tôi ghi lại nhưng chưa được đầy đủ như sau:

-Theo Từ Minh Tâm, người quản trị về website Cựu Học Sinh Trịnh Hoài Đức cũng là người thành danh trên sự học, tác giả của nhiều sách về du lịch, đồng thời cũng là người rất thích thể thao trên đất Thủ- Bình Dương cho biết là trước kia có anh Nguyễn Văn Khiêm, Trưởng Ty Thanh Niên Bình Dương gốc người Tân Khánh rất năng nỗ, có nhiệt tình với phong trào thể dục, thể thao trong tỉnh. Anh đã tổ chức thành công nhiều đại hội thể thao cấp tỉnh và cấp vùng (Miền Đông Nam Phần). Sau đó, anh được đề bạt làm Giám Đốc Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Niên - số 4 Duy Tân Sài Gòn.

-Theo Nguyễn Ngọc Quang cho biết thì những người cháu như: Nguyễn Văn Vân trước kia là Cán Sự Hóa Học, nhưng sau đã lấy bằng Cử Nhân Hóa Học ở Mỹ; Nguyễn Văn Trung trước dạy ở Trường Sinh Ngữ Quân Đội được đi du học bên Mỹ và đã đậu bằng Tiến Sĩ; Nguyễn Văn Hóa sau khi rời trường Trịnh Hoài Đức lên Đà Lạt học Chính Trị Kinh Doanh và làm việc cho Bộ Kế Hoạch (như vậy Nguyễn Văn Hóa là người gốc Tân Khánh học đến nơi đầu tiên chứ không là cô Trần Thị Liên) và khi sang Mỹ lấy bằng Tiến Sĩ Kinh Tế Học; và Nguyễn Quốc Nguyên (người em út) cũng lấy bằng Tiến Sĩ ở Mỹ.

Tôi cũng xin được viết thêm rằng: Đây là gia đình xuất thân từ một gia đình đã có tiếng và được mến mộ từ khi còn ở Tân Khánh, đó là gia đình của ông Ba Chặng, gia đình nầy vừa thành công trên công việc làm ăn, vừa đẹp người, lại được người trong vùng rất kính mến, nễ trọng, và cũng là gia đình giỏi võ. Những người thành đạt trên đây là cháu của Ông, con của người thứ ba: Bà Ba chủ tiệm bán vật liệu xây cất Phụng Nguyên ở chợ Đình (Ngã Tư Cây Sao Quỳ- Bình Dương). Chồng mất sớm Bà nuôi năm con ăn học (Mai (Phụng), Vân, Trung, Hóa, Nguyên). Bà là chị của người Thứ Tư (không biết tên), Sáu Lý, Bảy Thành (Canada), Tám Quang (Nguyễn Ngọc Quang); Chín Sáng; Mười Là (Nguyễn Văn Là); và người em út là Nguyễn Văn Mười.

Những điều tôi ghi nhận không đầy đủ trên đây chứng tỏ Tân Khánh không còn là vùng đất “hãm nhân tài” nữa, mà thực tế chứng minh Tân Khánh đang hồi sinh, những nhân tài đang phát triển và chớm nở để làm rạng danh người của Tân Khánh. Nhưng dù sao đi nữa sự nổ lực của mình vẫn là chính yếu. Sự nỗ lực học tập hay “làm ăn” trước tiên đem đến hạnh phúc cho chính mình rồi mới đến gia đình, quê mình cũng như lớn hơn là xã hội. Chìa khóa vẫn còn ở trong tay, mở hay không là do chính ta mà thôi!

Đó cũng là những cố gắng tối đa mà bậc cha mẹ đã ý thức được và đang dành mọi tối ưu cho con cái nên người, bằng cách nhín xài, dành dụm tiền cho chúng đi du học tự túc như ở một phong trào hiện nay.

Mong mọi sự đều được thành công, tốt đẹp, và đạt được mọi ước nguyện theo như ý muốn của mình… Mong, và rất mong được vậy lắm thay!



Nguyên Thảo,

(Một người con của vùng Tân Khánh)

25/06/2012.

Monday, July 16, 2012

*Chuyện Tào Lao. (tt)



*Hối Lộ!



Ôi chui choa! Nói đến hối lộ là tôi phải ngó lại túi tiền của mình coi như thế nào? Hết tiền rồi làm sao? Không có tiền làm sao hối lộ hay lót đường đây! Không khéo họ làm khó khăn cho mình thì khổ! Ôi! Cuộc đời sao lắm đoạn đường chông gai!

Hối lộ là một hiện tượng phổ biến trong mọi xã hội của con người. Chỉ có xã hội của con người mới có hối lộ và đòi hối lộ. Thế giới loài vật không có điều đó, vì chúng không biết xài hay đòi hỏi. Nói như vậy tức là vì nhu cầu chi tiêu mà người ta cần đến sự hối lộ hoặc đòi hối lộ; và cũng chỉ ở loài có tri thức hoặc tư tưởng, suy nghĩ mới thực hiện điều đó mà thôi! Thế là con người đưa con người vào sự khốn khó: “Người bốc lột người”! Nhưng, đây là sự bốc lột có điều kiện và thiên về tự nguyện, tự nguyện trong sự đau lòng!

Người có của ăn của để dùng đồng tiền hay những tặng vật có giá trị hay đắt tiền để hối lộ (dùng danh từ tốt đẹp hơn là “Tặng”, “Biếu”) cho người khác không phải đơn giản. Ít ra cũng từ một mục đích để chiếm cảm tình của họ để rồi từ đó sẽ nhờ đến họ trong giai đoạn nào đó. Con người ai cũng có tình cảm, sự thương tâm, thương mến, giao thiệp lâu ngày với nhau; để rồi từ đó sinh tâm cảm mến, thân thiết nhau hơn. Sự nương tựa giúp đỡ trong những hoàn cảnh khốn khó hay những lúc cần thiết để nâng đỡ cùng nhau tiến lên, đó cũng là phương cách thể hiện tình cảm lâu ngày của nhau. Những điều như vậy không phải là xấu! Nhưng trên phương diện tình cảm đối với nhau thì không nhiều lắm, mà người ta lợi dụng lẫn nhau thì nhiều hơn, cho nên thói đời mới nói đến câu: “Đem con tép nhữ con tôm” hay “Bỏ con tép bắt con tôm” để nói lên cái thủ đoạn dùng món mồi nhỏ để được đem về cái lợi to hơn nhiều. Đó là sự lo lót hay là hối lộ! Điều đó ta có thể dễ thấy ở rất nhiều việc mà có thể đưa đến hậu quả từ không quan trọng cho đến “khôn lường”.

Có thể bạn sẽ không tin điều đó, nhưng trên thực tế là như vậy! Ví dụ như một người mua một món đồ chưa gọi là quốc cấm mà mới chỉ là món hàng giới hạn để đi qua hải quan. Tất nhiên món hàng ấy sẽ làm cho bạn tương đối gọi là rắc rối hay khó khăn, bạn sẽ chìa ra một số tiền gọi là “trà nước” để “anh thông cảm” mà cho qua đi. Muốn các kiện hàng qua máy không bị tra xét, tháo bung ra ngoài thì bạn cũng cần có một số tiền “thông cảm lót đường”. Thế là “vô hình chung” ta làm một cuộc hối lộ đưa đến một hậu quả khác là người nhân viên muốn “làm tiền” thì sẽ gây khó khăn cho người khách vãng lai của mình để người khách phải “té tiền ra” mới được đi qua dễ dàng! Hoặc: Vào nhà thương người bệnh thì đông, đợi tới phiên người nhà thì lâu quá. Ta ỷ có tiền, “quăng” ra một số tiền nhỏ cho bác sĩ để bác sĩ thông cảm chăm sóc trước dùm. Bác sĩ có được một số tiền mà không phải nhọc sức, ai mà chẳng ham! Thế là lương tâm nghề nghiệp đành theo số tiền cỏn con ấy mà bay đi! Bác sĩ đã ăn hối lộ! Từ đó về sau ai “biết điều, có bao thơ” thì bác sĩ ân cần, lo lắng trước hơn…Từ ngành nghề nầy sang ngành nghề khác, rồi mỗi khi đến nhờ “vị viên chức” nào đó người dân đều cũng “phải biết điều”, “trà nước”, “bao thơ” để lót đường, công việc mới được hanh thông; nếu không hồ sơ bị “ngâm giấm” không biết đến khi nào và người ta sẽ có những câu để nhắc nhỡ “thủ tục đầu tiên” (tiền đâu?), “đừng quên trà nước nhen!”, “cần có bao thơ đi đầu”. Ôi trong xã hội “người lại bốc lột người” xảy ra, tội cho dân nghèo khốn khó chẳng biết tìm đâu ra tiền để cho mọi việc “suông sẻ”. Có thế, những ông quan mới thích làm quan, tranh nhau làm quan, “mua quan bán chức” để làm giàu trên sự khốn cùng của thiên hạ!

Nhưng có những người không tiếc đồng tiền để mua đứt ông quan, một người trong họ không thể mua được ông quan thì họ sẽ dùng đến tập thể để hùn tiền lại bằng những số tiền rất lớn cung phụng cho ông quan những phương tiện ăn chơi, nhậu nhẹt, trác táng, mua cho ông quan những gì ông quan cần để rồi họ nắm bắt được những tin tức hay ông quan phớt lờ đi trong công việc làm ăn của họ để họ thao túng trên thị trường kinh tế, khuynh đảo cả một nền kinh tế của một nước; đưa người dân đến chỗ khốn khó trong cuộc sống vì sự khuynh đảo ấy.

Những tên điệp viên của nước ngoài bỏ tiền ra không hạn định để đạt được kết quả an toàn ẩn náu vào nơi nào đó mà làm nhiệm vụ của mình, hoặc mua cho bằng được tin tức hay chuyển vận những phương tiện, dụng cụ quân sự trá hình… để chờ thời cơ lật đổ chế độ và chiếm hữu đất nước của người khác.

Hoặc những tên phá hoại xã hội sẽ dùng đồng tiền để “mua đứt” các ông quan có thẩm quyền để lưu hành dễ dàng các chất ma túy, hàng lậu độc hại để thu về một số lợi không biết bao nhiêu mà kể, trong khi đó họ chẳng bỏ ra là bao nhiêu để “mua hẳn” các ông quan có thẩm quyền! Sự băng hoại xã hội không cần thiết đối với họ. “Ai chết mặc ai!”.

Ôi ngày xưa các triết gia nghĩ đến các ông ra làm quan để mưu đồ lợi ích đến cho đất nước thiên hạ, con đường “xuất xử” hai lối cho “nước mạnh, “dân giàu”; để một mai khi mình trở về với tinh thần thanh thản “Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”! Nhưng ngày nay làm quan để được “Vinh thân phì da”, “Ăn trên, ngồi trước” và nhất là tha hồ được “Đút lót”, hay là tỏ ra khó khăn “Để được hối lộ”.

Ôi rồi sẽ có những đất nước tang thương! Những dân tộc khốn cùng! Những con người khốn khổ sống trên những vùng đất của những “địa ngục trần gian”! Chủ nghĩa nào đem đến sự ấm no cho tất cả mọi người, có hay chăng? Chắc có lẽ phải còn khuya!



Đồ Ngông,

13/07/2012.

Sunday, July 8, 2012

*Chuyện Tào Lao! (tt)




*Tham nhũng!



Nói đến tham nhũng thì không thể nói đến người dân, vì người dân không có quyền thế gì để đụng đến tài sản chung cả. Tham nhũng chỉ đề cập đến những con người làm quan dù lớn hay là nhỏ. Quan lớn nhỏ đều có quyền hành để tiếp xúc với tài sản của chính phủ, nhà nước hay nói đúng hơn là tài sản chung của người dân. Nói như vậy không có nghĩa là người dân không hề đụng đến tài sản công ấy. Họ có thể chiếm đoạt với tính cách trộm cắp, là những tên đạo chích đột nhập vào những kho hàng hay tủ sắt để trộm cắp, tiêu lòn đem ra ngoài tiêu thụ để bỏ vào túi riêng. Nhưng tham nhũng nó có tính cách lớn và quy mô hơn nhiều! Kẻ tham nhũng giống như người làm việc trên đống bạc: Sẵn của để ăn, sẵn của để xài và sẵn mọi thứ để lấy đi nhằm phụng vụ cho chính mình, gia đình có thể kể cả thân thuộc nữa. Tham nhũng thường kể đến những người làm quan cho chính quyền, chính phủ vì họ có quyền thế và có quyền trấn áp hay bưng bít.

Mỗi con người khi sinh ra đời và lớn lên với tất cả những bản năng của con người: Ai cũng muốn được sung sướng, ăn no mặc ấm, se sua sang trọng mà không phải làm việc vất vả,…Tiền là yếu tố để cung ứng cho họ những điều kiện như vậy, nên mỗi con người đều có lòng tham. Lòng tham ấy không những chỉ riêng về vật chất mà còn ham danh vọng, ham về vật dục thỏa mãn thân xác nữa; tức là tham tài, tham danh và dục lạc. Để đáp ứng những ham muốn ấy người ta cần phải có tiền của. Những gì mình kiếm ra không đủ chi phí thì tìm cách để lấy của người khác nhằm đáp ứng nhu cầu. Cho nên ngài quan đã sẵn sàng để lấy của công làm của riêng mình, thế là “tham nhũng” đã thành hình.

Tại sao, những người làm quan thích tham nhũng? Nếu trong nhân gian đã có câu “Mỡ treo mèo nhịn đói” hoặc “mỡ treo trước miệng mèo” thì điều ấy cũng đã nói lên được tình huống của “điều kiện” để tham nhũng rồi! Tiền của chính phủ hay nhà nước đưa về từng địa phương hay ngân quỹ của địa phương có được là từ đâu ra? Tất nhiên tự địa phương hay ông chính phủ hoặc nhà nước không thể đẻ ra tiền, mà tiền ấy từ những phương cách mà chính quyền hay tổ chức của nhân dân tại địa phương đó nghĩ cách để có tiền: Hoặc do dân chúng đóng góp, hoặc bán những tài sản mà địa phương hay đất nước có để có tiền mà chi phí xây dựng, tổ chức những phương tiện chung mong làm cho đất nước, địa phương được giàu đẹp và ngay cả để trả tiền lương và phụ cấp cho những vị quan điều hành để các vị quan ấy thay thế dân chúng mà thực hiện được những điều tốt đẹp cho địa phương hay đất nước, kể cả những hình thức đóng thuế cho chính phủ. Nói tóm lại ngân sách, tiền của của quốc gia là do tiền của từ dân chúng đóng góp hay là bán tài sản từ tài nguyên của đất nước mà có. Tuy nhiên, con người vốn đã muốn mình được sung sướng, ăn ngon mặc đẹp không muốn làm lụng phải vất vả, thực thi những oai quyền mà mình đang có nên chiều hướng đã có nhiều thay đổi! Quan không thấy rằng quan đang hưởng lương của người dân mà quan cứ tưởng rằng quan đang hưởng tiền từ chính phủ. Quan không thấy rằng quan có nhiệm vụ để làm cho người dân được giàu có, sung sướng hơn bằng nhiệm vụ hay tài “kinh bang tể thế” của mình, mà quan chỉ thấy mình đang được ngồi trên cao để rồi “vinh râu, hãnh diện” như là những kẻ oai quyền, muốn chứng tỏ sức mạnh, quyền năng mà mình đang được hưởng! Chính điều nầy làm cho quan dần trở nên hống hách, quan liêu, làm khó khăn người dân đen để người dân đen phải lo lót, đưa tiền ra để quan “tha cho” hay “quan giúp đỡ”. Té ra làm quan không phải để giúp người dân, mà làm quan để dùng quyền thế của mình hống hách, bòn rút, cướp của thêm của người dân mà thôi! Quan niệm làm quan thật là đơn giản!

Quan trên nhiệm vụ để thực thi những kế sách chung cho địa phương hay tùy theo địa phương của mình mà vận dụng những phương cách làm cho địa phương được giàu, đẹp, giúp người dân thoát những khó khăn, nghèo đói, ngu dốt, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân trong đời sống bằng đồng tiền của mọi người dân trong quốc gia đóng góp hay ở địa phương chung hùn. Nhưng quan không hề nghĩ như vậy. Quan lóe mắt trước những những đồng tiền đưa về cho quan để thực thi những kế hoạch. Quan tìm cách bòn rút đồng tiền ấy: Quan thâm thủng, quan khai gian nâng cao chi tiêu, quan rút ruột những công trình…Quan tạo điều kiện để những công trình ấy phải đình trệ để xin thêm ngân sách và quan “tha hồ mà ăn” bằng tư cách “làm quan” của mình. Quan đi vào ăn nhậu, bao những “con điếm”, quan đi “du hí”, quan “rửng mỡ” đi tìm vợ của người khác mà sinh sự. Quan bắt đầu làm những con người chỉ biết “ăn bám” vào số đông những con người nghèo khổ và gây tai ương cho xã hội lẫn đất nước vô lường mà không một chút lương tâm thiện lành nào. Quan chỉ biết “vinh thân phì da”, gom góp đem về cho gia đình con cái để thụ hưởng bằng bao nhiêu công lao, tiền của mồ hôi nước mắt của người khác!

Ở những xứ “Tự do” còn có báo chí, quyền làm người dân khiến người dân, báo chí phanh phui, hay đưa toàn vụ ra ánh sáng, trước công chúng làm cho quan còn e dè khi quan có ý đồ tham nhũng, bòn rút của công. Quan tham nhũng không những bị rời khỏi chức vụ để người khác thay thế và trong suốt cuộc đời quan chỉ là thành phần “cặn bã” của xã hội, khó ngóc đầu lên nổi; quan khó đi tìm được một chức vụ như trước hay những chức vụ có đồng lương ngon hơn. Cho nên làm quan ở những nơi có trình độ và xứ văn minh, tự do hơn cũng khá gọi là khó.

Còn ở những xứ nghèo đói có ít người đi học thì làm quan để tha hồ mà ăn vì quan tìm đủ mọi cách để kiếm tiền. Quan có bị bắt, thì với chức vụ ấy cũng thiếu người để thay thế nên quan cũng được “an tâm” mà tham nhũng, hối lộ. Nếu trong một nước độc tài, do chỉ một đảng phái cầm quyền thì quan lại càng dễ tung hoành hơn nhiều vì quan ở trên cương vị ấy cần có những điều kiện, nhưng có mấy ai có đủ điều kiện để thay thế. Nếu có, thì không lẽ quan bị loại ra, mà bao nhiêu người tham nhũng bị loại ra hết thì tổ chức của đảng phái sẽ đâu còn người để duy trì “đảng phái” ấy. Cho nên sự muốn “tồn tại” của đảng phái đồng nghĩa với sự bao che “người của mình” đi ăn cướp của dân. Cho nên người xưa đã có câu “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”!

Nhưng còn một điều rất là quan trọng mà những ông quan “tham nhũng” chưa hề nghĩ đến là: Chính vì mấy ông ấy lấy đi tiền của của đất nước, của nhân dân mà quốc gia phải chịu cảnh nghèo nàn, lạc hậu và nhân dân phải lâm vào hoàn cảnh nghèo đói, tối tăm…Vô hình chung đẩy đất nước vào sự lệ thuộc của ngoại bang, nợ nần chất chồng, và dần đưa đến “sự mất nước”. Nhưng những ông quan “tham nhũng” chẳng hề quan tâm đến điều ấy!

Có đúng như vậy không các ông quan nhỉ? Các ông cứ suy nghĩ, nghiền ngẫm lại mà coi!



Đồ Ngông,

29/06/2012.

Sunday, July 1, 2012

*Chuyện Tào Lao! (tt)





*Bạo Lực!




Nghe đến bạo lực thì chẳng ai thích mấy. Nhưng có sự mâu thuẫn trong ý thức và hành động của con người. Người ta không thích bạo lực, nhưng người ta lại thường hay dùng bạo lực. Dùng bạo lực để giành phần hơn, dùng bạo lực để thắng, để trấn áp, để áp đảo nhất là với đối phương. Với bạo lực người ta có thể chiếm đoạt tài sản, cướp của, chiếm đất đai của người khác; kể cả dùng bạo lực để chiếm đất, hải đảo, đất nước của dân tộc khác; cho nên người ta mới nói rằng: “Lý lẽ của kẻ mạnh”, lý lẽ của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng, vì kẻ mạnh không bao giờ nhân nhượng và cũng không bao giờ chịu thua, tức kẻ yếu phải đành lòng khuất phục mà ấm ức trong lòng!

Ngày xưa, khi còn bé trong những trò chơi hoặc chia phe nhóm, những kẻ mạnh đã ra những luật lệ mà những kẻ yếu không được chống lại, hoặc làm khác hơn; nếu không chúng sẽ dùng đến sức mạnh hay bạo lực để trấn áp hoặc đánh chiếm, hành hạ. Kẻ yếu phải ngậm ngùi mà bị sai khiến! Khổ nỗi cho những ai kế cận với những kẻ mạnh và những nước yếu, nhỏ hơn phải ở gần với những nước lớn. Không nghe lời nó hay làm theo những điều nó muốn thì nó sẽ dùng đủ mọi hình thức để phá rối; kể cả dùng ưu thế của mình để yễm trợ cho đám tay sai để lật đổ chính quyền!

Những nước chư hầu hay những chính quyền tay sai ở địa phương đều là những thành phần bị lệ thuộc vào nước lớn mạnh khống chế. Nói như thế tức là họ đã không có tự chủ và không được tự do để điều khiển hay cai trị cho chính mình. Tuy nhiên, đôi khi những thành phần chống đối nhau trong cùng một nước vì để tranh hơn thua họ đã mở chiến tranh để giành phần thắng và cuối cùng họ đã thắng. Để bảo vệ sự thắng và củng cố chính quyền, thực lực của họ, họ đã dùng đến biện pháp trấn áp, khủng bố để kẻ thua không thể ngóc đầu lên hay có cơ hội để lật ngược trở lại. Họ công bố thẳng thừng sự “chuyên chính hay độc tài” ấy và thẳng tay đối với thành phần, giai cấp bị lật đổ. Họ có thể thanh toán, thanh tẩy, tù đày, đè bẹp những con người, gia đình, dòng họ của những thành phần bị lật đổ để thành phần nầy không bao giờ có cơ hội mà tính chuyện lật ngược trở lại. Đó chính là những phương cách bảo vệ thành quả công cuộc được gọi là “cách mạng” của họ.

Nói đến “bạo lực” tôi nhớ đến những thời gian còn nhỏ chia phe chơi với nhau. Hai bên thù nghịch đánh lộn. Và cuối cùng bên thắng dùng mọi hình thức khống chế bên thua kể cả đày đọa để bên thua không bao giờ dám nghĩ đến chống lại hay là phản trắc. Và đến khi cuộc chiến tranh chấm dứt thì những hình thức khống chế nó lại trên quy mô lớn hơn nhiều và chia ra những thành phần giai cấp để mà hành xử. Và ngay trong thời hiện tại một nước lớn đang mạnh lên đang dùng sức của kẻ lớn và mạnh để chiếm đoạt hải đảo, tài nguyên của những nước nhỏ chung quanh với lý luận là của họ trong lịch sử, và những nơi đó “là của tao không thể chối cải. Tao nói là của tao đố thằng nào dám đụng vào”. Nó dùng mọi hình thức để khống chế từ kinh tế, ngoại giao, răn đe bằng quân sự, xúi dân sự của nó ngang ngược tiến vào khiêu khích người ta để có cớ dùng đến những biện pháp mạnh hơn hầu chiếm đoạt và đổ trút tội hiếu chiến vào người khác. Dùng biển để khống chế quốc tế cùng những nước nhỏ chung quanh. Dùng mặt biển để khống chế nước ta và ba nước Đông Dương. Khống chế được Đông dương thì sẽ khống chế toàn bộ Đông Nam Á. Khống chế Đông Nam Á thì sẽ khống chế được một phần không nhỏ của thế giới. Lúc đó, không phải nhọc công mà vẫn làm “Bá chủ Thế giới” trong thế kỷ ngày nay.

Bạo lực là khí giới thù thắng của những kẻ mạnh, mà những kẻ hèn yếu phải đau đầu để giữ được tự chủ và tự do. Nếu không thì mãi phải chịu làm kẻ tay sai và nô lệ. Con đường đi đến độc lập, tự do thật là gian nan!



Đồ Ngông,

29/05/2012.

*Hương Vị Thiền!




*Cõi Hư Vô.



Rong chơi từ thuở kiếp nào

Tìm "Ta" chẳng thấy, ta vào trầm luân

Lang thang không bóng thiên thần

Đưa tay đón bắt, trần gian lạnh lùng

Ngẫng đầu trong cõi mông lung

Có chăng ở chỗ cúi đầu ngồi im

Mai ta tìm được trái tim

Đem dâng muôn loại, đắm chìm hư vô!



Nguyên Thảo,

15-01-05.







* Nhân và Quả.



Có hạt "nhân" ngồi im gõ mõ

Tìm chuỗi nghiệp nào từng bước đi qua

Luân lưu trong cõi Ta bà

Cầm dao cắt đứt dây xưa luân hồi

Phá tan ảo ảnh "Là Tôi"

Đi vào vũ trụ chúng sanh mỗi miền

"Quả" là hiện cảnh vô biên

Được thân vô ngại, lớn cùng hư không!



Nguyên Thảo,

15-01-05.









*Người Đi Rong.



Có người mang bị (1) đi rong

Đi trong muôn kiếp vẫn mong đi hoài!

Trên đường nhặt những chông gai

Bỏ vào bị vải, ngày mai ươm mầm

Thân mình đầy cả vết thâm

Bao nhiêu thương tích, hờn căm giữ lòng

Vừa cười, vừa khóc lại rong

"Ta đi đi mãi, bao giờ mới xong?"



Nguyên Thảo,

15-01-05.



(1) Túi A-Lại-Da-Thức (Tàng thức) trong Duy Thức Học.


*Thơ Đồ Ngông. (tt)




* Tớ Xin!



Tớ đã già rồi có sức chi

Tài năng chẳng có, có ra gì

Ô hay! Ông giỏi ông làm thử

Có khá, thì cho tớ dựa đi!



Mai nầy ông có làm quan lớn

Cho tớ tèm hem chút chút đi

Nếu ông có chết, đem theo nhé

Đừng để lại chi, chẳng ích gì!



Đồ Ngông,

14/05/2012.







*Mai Nầy!



Nếu rằng ông chẳng bằng lòng

Thì ông cứ thử thế người được chăng?

Mai nầy ông có “mần răng”

Nhớ “mài” cho bén, “cắn” người biết tay!



Đồ Ngông,

23/05/2012.







* Lắm Sự!



Lúc nầy tớ rảnh tớ hay chơi

Ngồi ngóng long nhong gởi mọi người

Đã hết chuyện nầy, lôi chuyện khác

Thôi ra chuyện cũ, tới hư đời

Bao nhiêu moi móc đều gom ráo

Cả khối ngôn từ lại chất cơi (chất đầy cơi lên)

Tớ quyết phen nầy làm việc lớn

Đem rao thiên hạ: “Tớ thù đời!”



Đồ Ngông,

24/05/2012.







* Có Nên.



Bây giờ tớ đã ngồi rồi (ăn không ngồi rồi)

Vuốt râu lại ngẫm cuộc đời thương đau

Bao năm gây những khổ sầu

Có nên “sám hối” các điều đã qua

Hay chăng lại phải chăng là

Càng thêm rắm rối mới là xứng danh!



Đồ Ngông,

24/05/2012.







* Nhong Nhong!



Nhong nhong thì lại nhong nhong

Nhong qua nhong lại vòng vòng nhong nhong

Nhong nhong không khỏi cái vòng

Chạy quanh chạy quẩn vẫn còn nhong nhong!



Đồ Ngông,

24/05/2012.

*Thơ Đó, Thơ Đây! (tt)




* Về Cần Thơ.



Trở ra đường cũ về Cần Thơ

Xem có “Thơ” chưa, hoặc phải chờ

Nếu “Cần” thì phải đành thôi đợi

Cứ đợi để rồi chỉ lấy “Thơ”!



Đồ Ngông,

26/08/10.







*Ngã Ba Sông.    (Cần Thơ)



Bên bờ khách sạn ngã ba sông

Ngồi ngắm thuyền qua cứ lại trông

Không thấy người quen đời kiếp trước

Cứ ngồi, cứ đợi, cứ mà mong!



Đồ Ngông,

26/08/10.







* Chợ Đêm Cần Thơ.



Cứ đi qua lại chợ Cần Thơ

Cứ kiếm để mua những thứ hờ

Cứ lục, cứ tìm, rồi cứ lấy

Để dành kỷ niệm ở Cần Thơ.



Đồ Ngông,

26/08/10.







* Du Thuyền.    (Cần Thơ)



Du Thuyền xuất bến Ninh Kiều

Vừa ăn, vừa uống vừa nghe hát hò

Vừa trò, vừa chuyện nhỏ to

Vừa xem văn nghệ, chẳng lo sự đời!



Đồ Ngông,

26/08/10.

*Thơ Về Bình Dương! (tt)


*Guồng Quay Nước.     (Tân Khánh)



Guồng quay theo dòng nước chảy

Xoay xoay quanh trục suốt ngày

Mang trên mình thêm nhiệm vụ

Những cối giả chẳng ngưng tay!



Trục kéo dài qua các cối

Hai cánh ngắn vươn ra ngoài

Thay nhau đè trên trục giả

Trục giương cao lại rơi ngay!



Suốt ngày đêm cùng nhịp điệu

Trục giả chẳng được nghỉ ngơi

Sức người nhường cho sức nước

Sức nước lại lấy phần rồi!



Thời cơ giới lại sang mau

Guồng xưa, xưa cũ mất rồi

Giả hồ men bằng máy móc

Guồng quay nước đành tiêu thôi!



Đồ Ngông,

07/04/12.







*Cầu Xéo.       (Tân Khánh)



Có cầu lại chẳng bắt ngay

Hay là cầu đã gãy hồi chiến tranh

Khiến người bắt tạm bên kia

Đường đi xéo xẹo lại ra tên cầu

Đến nay lại chẳng có cầu

Mà tên “Cầu Xéo” vẫn còn lưu danh!



Đồ Ngông,

07/04/12.







*Hàng Tre Dài.      (Tân Khánh)



Hàng tre đi suốt con đường

Đường không dài mấy, nhưng dài hàng tre

Những ngày gió lộng đong đưa

Ngọn tre nghiêng ngã, chào thưa khách về

Khách đi khách vẫn ủ ê

Nửa đêm vẫn nhớ hàng tre quê nhà!



Đồ Ngông,

07/04/12.







*Bưng Cù!      (Tân Khánh)



Ra bưng chẳng thấy con cù

Cứ nghe mà chẳng biết cù ra sao!

Tiếng rằng cù dậy xôn xao

Điềm lành sẽ tới, anh hào xuất thân

Có chăng cù chắc ở bưng

Nếu không sao gọi “Bưng Cù” từ xưa!



Đồ Ngông,

07/04/12.







*Cầu Đúc.      (Tân Khánh)



Cây cầu Tây đúc đã lâu

Bắt ngang suối nhỏ băng đồng đi qua

Đi qua Hố Khởi, Tân Long

Xuôi về Bình Hóa, đi về Tân uyên

Đi về: “Chợ Thủ (Đồng Sứ)” trên miền 

Đem theo ve, hủ .. để còn bán buôn

Bán buôn những thứ người cần

Bán cả đồ chè, lẫn cối đâm tiêu!”



Đồ Ngông,

07/04/12.









*Công Xi.    (Tân Khánh)



Công xi, chùa không lớn

Thờ ông Thánh Quan Công

Ba năm thì đáo lệ

Người Hoa họp thật đông!



Có từng đàn con hẩu (múa giống con lân)

Từ Hưng Định, Lái Thiêu

Xúm nhau mà nhảy múa

Theo trống giục nhanh đều!



Có thêm phần Ông Bổn

Người khiêng lắc tứ tung

Tượng trên kiệu chễm chệ

(đuổi) Bát Tiên (kép hát đóng vai bát tiên) trên đồng!



Lễ hội cũng vui vầy

Tâm linh cùng lệ này

Hàng năm chia (nhau) tổ chức

Ba nơi đều vui thay!



Đồ Ngông,

07/04/12.