Monday, July 16, 2012

*Chuyện Tào Lao. (tt)



*Hối Lộ!



Ôi chui choa! Nói đến hối lộ là tôi phải ngó lại túi tiền của mình coi như thế nào? Hết tiền rồi làm sao? Không có tiền làm sao hối lộ hay lót đường đây! Không khéo họ làm khó khăn cho mình thì khổ! Ôi! Cuộc đời sao lắm đoạn đường chông gai!

Hối lộ là một hiện tượng phổ biến trong mọi xã hội của con người. Chỉ có xã hội của con người mới có hối lộ và đòi hối lộ. Thế giới loài vật không có điều đó, vì chúng không biết xài hay đòi hỏi. Nói như vậy tức là vì nhu cầu chi tiêu mà người ta cần đến sự hối lộ hoặc đòi hối lộ; và cũng chỉ ở loài có tri thức hoặc tư tưởng, suy nghĩ mới thực hiện điều đó mà thôi! Thế là con người đưa con người vào sự khốn khó: “Người bốc lột người”! Nhưng, đây là sự bốc lột có điều kiện và thiên về tự nguyện, tự nguyện trong sự đau lòng!

Người có của ăn của để dùng đồng tiền hay những tặng vật có giá trị hay đắt tiền để hối lộ (dùng danh từ tốt đẹp hơn là “Tặng”, “Biếu”) cho người khác không phải đơn giản. Ít ra cũng từ một mục đích để chiếm cảm tình của họ để rồi từ đó sẽ nhờ đến họ trong giai đoạn nào đó. Con người ai cũng có tình cảm, sự thương tâm, thương mến, giao thiệp lâu ngày với nhau; để rồi từ đó sinh tâm cảm mến, thân thiết nhau hơn. Sự nương tựa giúp đỡ trong những hoàn cảnh khốn khó hay những lúc cần thiết để nâng đỡ cùng nhau tiến lên, đó cũng là phương cách thể hiện tình cảm lâu ngày của nhau. Những điều như vậy không phải là xấu! Nhưng trên phương diện tình cảm đối với nhau thì không nhiều lắm, mà người ta lợi dụng lẫn nhau thì nhiều hơn, cho nên thói đời mới nói đến câu: “Đem con tép nhữ con tôm” hay “Bỏ con tép bắt con tôm” để nói lên cái thủ đoạn dùng món mồi nhỏ để được đem về cái lợi to hơn nhiều. Đó là sự lo lót hay là hối lộ! Điều đó ta có thể dễ thấy ở rất nhiều việc mà có thể đưa đến hậu quả từ không quan trọng cho đến “khôn lường”.

Có thể bạn sẽ không tin điều đó, nhưng trên thực tế là như vậy! Ví dụ như một người mua một món đồ chưa gọi là quốc cấm mà mới chỉ là món hàng giới hạn để đi qua hải quan. Tất nhiên món hàng ấy sẽ làm cho bạn tương đối gọi là rắc rối hay khó khăn, bạn sẽ chìa ra một số tiền gọi là “trà nước” để “anh thông cảm” mà cho qua đi. Muốn các kiện hàng qua máy không bị tra xét, tháo bung ra ngoài thì bạn cũng cần có một số tiền “thông cảm lót đường”. Thế là “vô hình chung” ta làm một cuộc hối lộ đưa đến một hậu quả khác là người nhân viên muốn “làm tiền” thì sẽ gây khó khăn cho người khách vãng lai của mình để người khách phải “té tiền ra” mới được đi qua dễ dàng! Hoặc: Vào nhà thương người bệnh thì đông, đợi tới phiên người nhà thì lâu quá. Ta ỷ có tiền, “quăng” ra một số tiền nhỏ cho bác sĩ để bác sĩ thông cảm chăm sóc trước dùm. Bác sĩ có được một số tiền mà không phải nhọc sức, ai mà chẳng ham! Thế là lương tâm nghề nghiệp đành theo số tiền cỏn con ấy mà bay đi! Bác sĩ đã ăn hối lộ! Từ đó về sau ai “biết điều, có bao thơ” thì bác sĩ ân cần, lo lắng trước hơn…Từ ngành nghề nầy sang ngành nghề khác, rồi mỗi khi đến nhờ “vị viên chức” nào đó người dân đều cũng “phải biết điều”, “trà nước”, “bao thơ” để lót đường, công việc mới được hanh thông; nếu không hồ sơ bị “ngâm giấm” không biết đến khi nào và người ta sẽ có những câu để nhắc nhỡ “thủ tục đầu tiên” (tiền đâu?), “đừng quên trà nước nhen!”, “cần có bao thơ đi đầu”. Ôi trong xã hội “người lại bốc lột người” xảy ra, tội cho dân nghèo khốn khó chẳng biết tìm đâu ra tiền để cho mọi việc “suông sẻ”. Có thế, những ông quan mới thích làm quan, tranh nhau làm quan, “mua quan bán chức” để làm giàu trên sự khốn cùng của thiên hạ!

Nhưng có những người không tiếc đồng tiền để mua đứt ông quan, một người trong họ không thể mua được ông quan thì họ sẽ dùng đến tập thể để hùn tiền lại bằng những số tiền rất lớn cung phụng cho ông quan những phương tiện ăn chơi, nhậu nhẹt, trác táng, mua cho ông quan những gì ông quan cần để rồi họ nắm bắt được những tin tức hay ông quan phớt lờ đi trong công việc làm ăn của họ để họ thao túng trên thị trường kinh tế, khuynh đảo cả một nền kinh tế của một nước; đưa người dân đến chỗ khốn khó trong cuộc sống vì sự khuynh đảo ấy.

Những tên điệp viên của nước ngoài bỏ tiền ra không hạn định để đạt được kết quả an toàn ẩn náu vào nơi nào đó mà làm nhiệm vụ của mình, hoặc mua cho bằng được tin tức hay chuyển vận những phương tiện, dụng cụ quân sự trá hình… để chờ thời cơ lật đổ chế độ và chiếm hữu đất nước của người khác.

Hoặc những tên phá hoại xã hội sẽ dùng đồng tiền để “mua đứt” các ông quan có thẩm quyền để lưu hành dễ dàng các chất ma túy, hàng lậu độc hại để thu về một số lợi không biết bao nhiêu mà kể, trong khi đó họ chẳng bỏ ra là bao nhiêu để “mua hẳn” các ông quan có thẩm quyền! Sự băng hoại xã hội không cần thiết đối với họ. “Ai chết mặc ai!”.

Ôi ngày xưa các triết gia nghĩ đến các ông ra làm quan để mưu đồ lợi ích đến cho đất nước thiên hạ, con đường “xuất xử” hai lối cho “nước mạnh, “dân giàu”; để một mai khi mình trở về với tinh thần thanh thản “Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”! Nhưng ngày nay làm quan để được “Vinh thân phì da”, “Ăn trên, ngồi trước” và nhất là tha hồ được “Đút lót”, hay là tỏ ra khó khăn “Để được hối lộ”.

Ôi rồi sẽ có những đất nước tang thương! Những dân tộc khốn cùng! Những con người khốn khổ sống trên những vùng đất của những “địa ngục trần gian”! Chủ nghĩa nào đem đến sự ấm no cho tất cả mọi người, có hay chăng? Chắc có lẽ phải còn khuya!



Đồ Ngông,

13/07/2012.

No comments:

Post a Comment