*Tham nhũng!
Nói đến tham nhũng thì
không thể nói đến người dân, vì người dân không có quyền thế gì để đụng đến tài
sản chung cả. Tham nhũng chỉ đề cập đến những con người làm quan dù lớn hay là
nhỏ. Quan lớn nhỏ đều có quyền hành để tiếp xúc với tài sản của chính phủ, nhà
nước hay nói đúng hơn là tài sản chung của người dân. Nói như vậy không có nghĩa
là người dân không hề đụng đến tài sản công ấy. Họ có thể chiếm đoạt với tính cách
trộm cắp, là những tên đạo chích đột nhập vào những kho hàng hay tủ sắt để trộm
cắp, tiêu lòn đem ra ngoài tiêu thụ để bỏ vào túi riêng. Nhưng tham nhũng nó có
tính cách lớn và quy mô hơn nhiều! Kẻ tham nhũng giống như người làm việc trên
đống bạc: Sẵn của để ăn, sẵn của để xài và sẵn mọi thứ để lấy đi nhằm phụng vụ
cho chính mình, gia đình có thể kể cả thân thuộc nữa. Tham nhũng thường kể đến
những người làm quan cho chính quyền, chính phủ vì họ có quyền thế và có quyền
trấn áp hay bưng bít.
Mỗi con người khi sinh
ra đời và lớn lên với tất cả những bản năng của con người: Ai cũng muốn được
sung sướng, ăn no mặc ấm, se sua sang trọng mà không phải làm việc vất vả,…Tiền
là yếu tố để cung ứng cho họ những điều kiện như vậy, nên mỗi con người đều có
lòng tham. Lòng tham ấy không những chỉ riêng về vật chất mà còn ham danh vọng,
ham về vật dục thỏa mãn thân xác nữa; tức là tham tài, tham danh và dục lạc. Để
đáp ứng những ham muốn ấy người ta cần phải có tiền của. Những gì mình kiếm ra
không đủ chi phí thì tìm cách để lấy của người khác nhằm đáp ứng nhu cầu. Cho nên
ngài quan đã sẵn sàng để lấy của công làm của riêng mình, thế là “tham nhũng” đã
thành hình.
Tại sao, những người làm
quan thích tham nhũng? Nếu trong nhân gian đã có câu “Mỡ treo mèo nhịn đói” hoặc
“mỡ treo trước miệng mèo” thì điều ấy cũng đã nói lên được tình huống của “điều
kiện” để tham nhũng rồi! Tiền của chính phủ hay nhà nước đưa về từng địa phương
hay ngân quỹ của địa phương có được là từ đâu ra? Tất nhiên tự địa phương hay ông
chính phủ hoặc nhà nước không thể đẻ ra tiền, mà tiền ấy từ những phương cách mà
chính quyền hay tổ chức của nhân dân tại địa phương đó nghĩ cách để có tiền: Hoặc
do dân chúng đóng góp, hoặc bán những tài sản mà địa phương hay đất nước có để
có tiền mà chi phí xây dựng, tổ chức những phương tiện chung mong làm cho đất
nước, địa phương được giàu đẹp và ngay cả để trả tiền lương và phụ cấp cho những
vị quan điều hành để các vị quan ấy thay thế dân chúng mà thực hiện được những điều
tốt đẹp cho địa phương hay đất nước, kể cả những hình thức đóng thuế cho chính
phủ. Nói tóm lại ngân sách, tiền của của quốc gia là do tiền của từ dân chúng đóng
góp hay là bán tài sản từ tài nguyên của đất nước mà có. Tuy nhiên, con người vốn
đã muốn mình được sung sướng, ăn ngon mặc đẹp không muốn làm lụng phải vất vả,
thực thi những oai quyền mà mình đang có nên chiều hướng đã có nhiều thay đổi!
Quan không thấy rằng quan đang hưởng lương của người dân mà quan cứ tưởng rằng
quan đang hưởng tiền từ chính phủ. Quan không thấy rằng quan có nhiệm vụ để làm
cho người dân được giàu có, sung sướng hơn bằng nhiệm vụ hay tài “kinh bang tể
thế” của mình, mà quan chỉ thấy mình đang được ngồi trên cao để rồi “vinh râu,
hãnh diện” như là những kẻ oai quyền, muốn chứng tỏ sức mạnh, quyền năng mà mình
đang được hưởng! Chính điều nầy làm cho quan dần trở nên hống hách, quan liêu,
làm khó khăn người dân đen để người dân đen phải lo lót, đưa tiền ra để quan
“tha cho” hay “quan giúp đỡ”. Té ra làm quan không phải để giúp người dân, mà làm
quan để dùng quyền thế của mình hống hách, bòn rút, cướp của thêm của người dân
mà thôi! Quan niệm làm quan thật là đơn giản!
Quan trên nhiệm vụ để
thực thi những kế sách chung cho địa phương hay tùy theo địa phương của mình mà
vận dụng những phương cách làm cho địa phương được giàu, đẹp, giúp người dân
thoát những khó khăn, nghèo đói, ngu dốt, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người
dân trong đời sống bằng đồng tiền của mọi người dân trong quốc gia đóng góp hay
ở địa phương chung hùn. Nhưng quan không hề nghĩ như vậy. Quan lóe mắt trước những
những đồng tiền đưa về cho quan để thực thi những kế hoạch. Quan tìm cách bòn rút
đồng tiền ấy: Quan thâm thủng, quan khai gian nâng cao chi tiêu, quan rút ruột
những công trình…Quan tạo điều kiện để những công trình ấy phải đình trệ để xin
thêm ngân sách và quan “tha hồ mà ăn” bằng tư cách “làm quan” của mình. Quan đi
vào ăn nhậu, bao những “con điếm”, quan đi “du hí”, quan “rửng mỡ” đi tìm vợ của
người khác mà sinh sự. Quan bắt đầu làm những con người chỉ biết “ăn bám” vào số
đông những con người nghèo khổ và gây tai ương cho xã hội lẫn đất nước vô lường
mà không một chút lương tâm thiện lành nào. Quan chỉ biết “vinh thân phì da”,
gom góp đem về cho gia đình con cái để thụ hưởng bằng bao nhiêu công lao, tiền
của mồ hôi nước mắt của người khác!
Ở những xứ “Tự do” còn
có báo chí, quyền làm người dân khiến người dân, báo chí phanh phui, hay đưa toàn
vụ ra ánh sáng, trước công chúng làm cho quan còn e dè khi quan có ý đồ tham nhũng,
bòn rút của công. Quan tham nhũng không những bị rời khỏi chức vụ để người khác
thay thế và trong suốt cuộc đời quan chỉ là thành phần “cặn bã” của xã hội, khó
ngóc đầu lên nổi; quan khó đi tìm được một chức vụ như trước hay những chức vụ
có đồng lương ngon hơn. Cho nên làm quan ở những nơi có trình độ và xứ văn
minh, tự do hơn cũng khá gọi là khó.
Còn ở những xứ nghèo đói
có ít người đi học thì làm quan để tha hồ mà ăn vì quan tìm đủ mọi cách để kiếm
tiền. Quan có bị bắt, thì với chức vụ ấy cũng thiếu người để thay thế nên quan
cũng được “an tâm” mà tham nhũng, hối lộ. Nếu trong một nước độc tài, do chỉ một
đảng phái cầm quyền thì quan lại càng dễ tung hoành hơn nhiều vì quan ở trên cương
vị ấy cần có những điều kiện, nhưng có mấy ai có đủ điều kiện để thay thế. Nếu
có, thì không lẽ quan bị loại ra, mà bao nhiêu người tham nhũng bị loại ra hết
thì tổ chức của đảng phái sẽ đâu còn người để duy trì “đảng phái” ấy. Cho nên sự
muốn “tồn tại” của đảng phái đồng nghĩa với sự bao che “người của mình” đi ăn
cướp của dân. Cho nên người xưa đã có câu “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là
quan”!
Nhưng còn một điều rất
là quan trọng mà những ông quan “tham nhũng” chưa hề nghĩ đến là: Chính vì mấy ông
ấy lấy đi tiền của của đất nước, của nhân dân mà quốc gia phải chịu cảnh nghèo
nàn, lạc hậu và nhân dân phải lâm vào hoàn cảnh nghèo đói, tối tăm…Vô hình chung
đẩy đất nước vào sự lệ thuộc của ngoại bang, nợ nần chất chồng, và dần đưa đến “sự
mất nước”. Nhưng những ông quan “tham nhũng” chẳng hề quan tâm đến điều ấy!
Có đúng như vậy không các
ông quan nhỉ? Các ông cứ suy nghĩ, nghiền ngẫm lại mà coi!
Đồ Ngông,
29/06/2012.
No comments:
Post a Comment