*Bạo Lực!
Ngày xưa, khi còn bé
trong những trò chơi hoặc chia phe nhóm, những kẻ mạnh đã ra những luật lệ mà
những kẻ yếu không được chống lại, hoặc làm khác hơn; nếu không chúng sẽ dùng đến
sức mạnh hay bạo lực để trấn áp hoặc đánh chiếm, hành hạ. Kẻ yếu phải ngậm ngùi
mà bị sai khiến! Khổ nỗi cho những ai kế cận với những kẻ mạnh và những nước yếu,
nhỏ hơn phải ở gần với những nước lớn. Không nghe lời nó hay làm theo những điều
nó muốn thì nó sẽ dùng đủ mọi hình thức để phá rối; kể cả dùng ưu thế của mình để
yễm trợ cho đám tay sai để lật đổ chính quyền!
Những nước chư hầu hay
những chính quyền tay sai ở địa phương đều là những thành phần bị lệ thuộc vào
nước lớn mạnh khống chế. Nói như thế tức là họ đã không có tự chủ và không được
tự do để điều khiển hay cai trị cho chính mình. Tuy nhiên, đôi khi những thành
phần chống đối nhau trong cùng một nước vì để tranh hơn thua họ đã mở chiến
tranh để giành phần thắng và cuối cùng họ đã thắng. Để bảo vệ sự thắng và củng
cố chính quyền, thực lực của họ, họ đã dùng đến biện pháp trấn áp, khủng bố để
kẻ thua không thể ngóc đầu lên hay có cơ hội để lật ngược trở lại. Họ công bố
thẳng thừng sự “chuyên chính hay độc tài” ấy và thẳng tay đối với thành phần,
giai cấp bị lật đổ. Họ có thể thanh toán, thanh tẩy, tù đày, đè bẹp những con
người, gia đình, dòng họ của những thành phần bị lật đổ để thành phần nầy không
bao giờ có cơ hội mà tính chuyện lật ngược trở lại. Đó chính là những phương cách
bảo vệ thành quả công cuộc được gọi là “cách mạng” của họ.
Nói đến “bạo lực” tôi
nhớ đến những thời gian còn nhỏ chia phe chơi với nhau. Hai bên thù nghịch đánh
lộn. Và cuối cùng bên thắng dùng mọi hình thức khống chế bên thua kể cả đày đọa
để bên thua không bao giờ dám nghĩ đến chống lại hay là phản trắc. Và đến khi
cuộc chiến tranh chấm dứt thì những hình thức khống chế nó lại trên quy mô lớn
hơn nhiều và chia ra những thành phần giai cấp để mà hành xử. Và ngay trong thời
hiện tại một nước lớn đang mạnh lên đang dùng sức của kẻ lớn và mạnh để chiếm đoạt
hải đảo, tài nguyên của những nước nhỏ chung quanh với lý luận là của họ trong
lịch sử, và những nơi đó “là của tao không thể chối cải. Tao nói là của tao đố
thằng nào dám đụng vào”. Nó dùng mọi hình thức để khống chế từ kinh tế, ngoại
giao, răn đe bằng quân sự, xúi dân sự của nó ngang ngược tiến vào khiêu khích
người ta để có cớ dùng đến những biện pháp mạnh hơn hầu chiếm đoạt và đổ trút tội
hiếu chiến vào người khác. Dùng biển để khống chế quốc tế cùng những nước nhỏ
chung quanh. Dùng mặt biển để khống chế nước ta và ba nước Đông Dương. Khống chế
được Đông dương thì sẽ khống chế toàn bộ Đông Nam Á. Khống chế Đông Nam Á thì sẽ
khống chế được một phần không nhỏ của thế giới. Lúc đó, không phải nhọc công mà
vẫn làm “Bá chủ Thế giới” trong thế kỷ ngày nay.
Bạo lực là khí giới thù
thắng của những kẻ mạnh, mà những kẻ hèn yếu phải đau đầu để giữ được tự chủ và
tự do. Nếu không thì mãi phải chịu làm kẻ tay sai và nô lệ. Con đường đi đến độc
lập, tự do thật là gian nan!
Đồ Ngông,
29/05/2012.
No comments:
Post a Comment