(Post lại bài từ tháng 6/2011)
Bạn trẻ ơi!
Em nên có lòng tự hào, vì trong em đã có dòng máu của dân tộc Việt Nam: Một dân tộc hiếm có trên thế gian nầy; Một dân tộc nhỏ bị một nước thật lớn cai trị cả ngàn năm mà không bị đồng hóa và cuối cùng vẫn tự vùng lên giành độc lập; đánh bại các đoàn quân xâm lăng đã từng xâm chiếm từ vùng đất nầy đến vùng đất khác trên quả địa cầu.
Có lẽ em không ngờ dân tộc ta làm nên được điều ấy; và nếu em sinh ra, lớn lên trên xứ người thì em lại thấy đó như là một việc lạ lùng, không thể tưởng tượng nổi; nhưng đấy lại là sự thật, một sự thật thần kỳ.
Bạn trẻ ơi!
Trong các truyện thần thoại lịch sử của ta có truyện Ông Thánh Gióng hay là Phù Đổng Thiên Vương, em đã có nghe kể chưa? Tôi chép lại từ trong quyển “Việt Nam sử lược I” của cụ Trần Trọng Kim cho em đọc nhé!
"Đời Hùng Vương thứ 6 có đám giặc gọi là giặc Ân, hùng mạnh lắm, không ai đánh nổi. Vua mới sai sứ đi rao trong nước để tìm người tài giỏi ra đánh giặc giúp nước. Bấy giờ ở làng Phù Đổng, bộ Võ Ninh (nay là huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh) có đứa trẻ xin đi đánh giặc giúp vua. Sứ giả về tâu vua, vua lấy làm lạ, cho đòi vào chầu. Đứa trẻ ấy xin đúc cho một con ngựa và cái roi bằng sắt. Khi ngựa và roi đúc xong thì đứa trẻ ấy vươn vai một cái, tự nhiên người cao lớn lên một trượng, rồi nhảy lên ngựa cầm roi đi đánh giặc.
"Phá được giặc Ân rồi, người ấy đi đến núi Sóc Sơn thì biến đi mất. Vua nhớ ơn, truyền lập đền thờ ở làng Phù Đổng, về sau phong là Phù Đổng Thiên Vương... Hiện bây giờ có đền thờ ở làng Gióng tức là làng Phù Đổng. Năm nào đến mồng 8 tháng 4 cũng có Hội vui lắm, tục gọi là Đức Thánh Gióng" (trang 14-15, VNSL.I).
Đó chỉ là một câu chuyện thần thoại, nhưng ít ra trong câu chuyện ấy vẫn có một sự thật, kỳ tích nào đó mới khiến dân gian lập đền thờ thờ phượng và lập lễ ăn mừng tạo thành một ngày Hội vui kéo dài cho mãi đến ngày nay. Cả mấy ngàn năm rồi đó, các em ạ! Và cũng từ trong câu chuyện nầy, cho ta biết ở thời điểm ấy, dân tộc ta đang sinh hoạt ở thời kỳ tiến bộ của đồ sắt nên mới đúc được ngựa sắt và roi sắt. Nền văn minh của dân tộc ta cũng không đến đổi tệ, phải không em?
Ngay từ thời kỳ đầu lập quốc, một đứa trẻ con cũng biết "căm hờn" ra cầm quân đánh giặc, sức lớn như Phù Đổng. Đánh không cần chức vụ, quan tướng hoặc làm vua. Rồi kế tiếp trang nữ lưu như Trưng Trắc, Trưng Nhị cũng "oán hận báo thù chồng, đền nợ nước" xưng vương khởi nghĩa. Và người anh thư Triệu Thị Chinh: "Muốn cởi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở bể đông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiếp người ta".
Những cuộc khởi nghĩa tiếp tục dấy lên với Nam Đế Lý Bôn đánh đuổi Thứ sử Tiêu Tư lập nên nhà Tiền Lý, rồi tới vua Đầm Dạ Trạch Triệu Quang Phục, và Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng khiến quan đô hộ Cao Chính Bình lo sợ thành bệnh mà chết.
Họ Khúc dấy nghiệp. Ngô Quyền giết Kiều Công Tiện báo thù cho chủ là Dương Diên Nghệ, rồi đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, bắt giết Thái Tử Hoằng Tháo, vua Nam Hán khóc và quay trở về; để cho nước Nam ta bước vào thời Tự chủ mãi đến sau nầy, cởi được ách đô hộ cả ngàn năm.
Em hãy tìm hiểu trên lịch sử các nước trên thế giới để tìm ra được một quốc gia, một dân tộc khác bị đô hộ cả ngàn năm mà vẫn tự mình đứng lên phá được ách nô lệ, hiên ngang với sự độc lập của mình. Em muốn bảo là người Do Thái ư? Em lầm rồi! Người Do Thái phải nhờ đến sức mạnh cùng sự giúp đỡ của Anh và Mỹ đấy em ạ! Dù trên huyền thoại người Do Thái là của Đức Chúa Trời tạo ra để cai quản cả loài người trên mặt đất (?)
Dân tộc ta không có những huyền thoại giống như vậy. Nhưng vì hoàn cảnh địa lý khắc nghiệt đã làm cho dân tộc ta luôn phải chiến đấu cùng thiên nhiên. Với hồn thiêng sông núi ấy đã khiến cho dân tộc ta rất yêu mến từng ngọn núi, từng cánh đồng, từng mái đình, từng góc rừng, làng mạc với lũy tre xanh, với tiếng sáo diều vi vút trên không của những buổi chiều về; với từng nấm mộ của Tổ tiên; với bàn thờ Ông Bà, Cửu Huyền Thất Tổ ở căn chính giữa nhà ba gian hai chái... Sự yêu mến ấy trở thành tình yêu quê hương, tình yêu tổ quốc và nghĩa đồng bào. Chính vì thế, theo sử của cụ Trần Trọng Kim ghi "Từ khi vua Vũ Đế nhà Hán sai Lộ Bác Đức sang đánh lấy Nam Việt cho đến đời Ngũ Quí, ông Ngô Quyền đánh đuổi người Tàu về Bắc tính vừa 1050 năm" (VNSL.I, trang 71), dân tộc ta vẫn giành được độc lập.
Rồi sau nhà Ngô đến Đinh, Tiền Lê những cuộc phá Tống, bình Chiêm giữ vững bờ cõi. Trong thời nhà Lý có tướng Lý Thường Kiệt để lại bài thơ danh tiếng:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
mà tôi đã trích dẫn từ bài trước cho em,
Nhưng em ạ!
Trong lịch sử chống giặc của dân tộc ta phải nói thời oanh liệt nhất lại vào thời Trần, vì trong thời kỳ nầy gần như là toàn dân đánh giặc: Từ trẻ (Trần Quốc Toản) cho đến già (Hội nghị bô lão Diên Hồng). Quân Mông Cổ dưới sự điều động của Thành Các Tư Hãn Thiết Mộc Chân đã đánh chiếm đất đai tạo thành một đế quốc lớn từ Á sang Âu. Họ chiếm gần nửa Châu Âu. Theo tôi được đọc trong sách "Văn minh Tây phương" do Phủ Quốc Vụ Khanh xuất bản khoảng giữa những năm 60 ở Sài gòn mà tôi không còn nhớ rõ tên người dịch thuật là ai, đã kể thì người Mông Cổ khi rút ra khỏi Âu Châu đã để lại một số dân và tạo nên dân Hungary ngày nay. Nhưng mấy năm trước đây, trên phương diện làm ăn, tôi có quen với một người Thổ Nhĩ Kỳ, ông ta rất hãnh diện về nguồn gốc Mông Cổ của dân tộc ông ta. Thì thuở ấy, người Mông Cổ đã trên lưng ngựa mà chinh phục các nơi; và triều đại phong kiến phương bắc Tàu cũng bị cai trị hoàn toàn. Nhưng quân Mông Cổ không thể chiếm được nước ta. Với câu nói của Thái Sư Trần Thủ Độ: "Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo". Thế là quân Mông Cổ bị đánh bại ở Đông Bộ Đầu, rồi đến Qui Hóa phải lui về Vân Nam.
Trong trận chiến thứ hai Hưng Đạo Vương khảng khái: "Nếu Bệ Hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đả, rồi sau sẽ hàng", rồi truyền "Hịch Tướng Sĩ". Trần Nhật Duật phá quân Toa Đô ở Hàm Tử Quan. Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản đánh bại Thoát Hoan ở Chương Dương:
Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử Quan
Thái bình nghi nổ lực
Vạn cổ thử giang san.
(Trần Quang Khải)
(Bản dịch:
Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu).
Ở trận Tây Kết, Toa Đô trúng tên chết, Ô Mã Nhi lên thuyền nhỏ thoát thân; và Thoát Hoan phải chun trong ống đồng trốn chạy về Tàu sau trận Vạn Kiếp.
Quân Nguyên tiến đánh lần thứ ba: Trần Khánh Dư cướp lương thực ở trận Vân Đồn; và Ô Mã Nhi bị bắt ở trận Bạch Đằng Giang, còn Thoát Hoan trốn chạy về Tàu.
Thế là ba lần quân Mông Cổ bị đánh bại trên đất nước của ta. Em có thấy Tổ Tiên ta đánh giặc và quyết bảo vệ non sông? Đoàn quân Hung Nô "đến đâu cỏ mọc không được", nhưng đã bị Hưng Đạo Đại Vương, tướng sĩ, quân dân của ta đánh tan tác những ba lần. Ôi! Ta cũng nên tự hào ta có dòng máu Việt, đấy chứ em!
Và sau bọn phong kiến nhà Minh phương Bắc lại chiếm nước ta từ năm 1414 đến năm 1427. Lê Lợi đã khởi nghĩa mười năm để giành độc lập với sự giúp sức của Nguyễn Trãi, người viết nên bài "Bình Ngô Đại Cáo". Được thành công, lập nên nhà Hậu Lê, và mãi sau nầy người Mãn Châu lại chiếm cả nước Tàu to lớn, lập nhà Thanh. Chúng lại bị Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đại phá vào mùa Xuân năm Kỹ Dậu (1789) với những chiến thắng ở Hà Hồi, Ngọc Hồi, Đống Đa khiến Tôn Sĩ Nghị bỏ cả ấn tín mà trốn chạy về Tàu.
Ấy là "Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu" và đến "Trăm năm đô hộ giặc Tây":
Bây giờ, sự việc trở nên phức tạp hơn khi có một số học giả, trí thức nghiên cứu đã tìm được các sử liệu, tài liệu chứng minh: Vì nguyên cớ nào Đế Quốc Pháp đã đánh chiếm Việt Nam? Điều ấy để cho lịch sử phê phán tiếp. Ở đây, tôi sẽ trình bày với các em về việc Chủ nghĩa Thực dân phát triển và Đế quốc Pháp đánh chiếm Việt Nam là một ý muốn, còn việc cấm Đạo của các Triều đình chỉ là một cái cớ mà thôi! Vì đó là một trào lưu do sự phát triển kinh tế, kỹ nghệ, tìm đất và tìm thị trường để chứng tỏ dân tộc, quốc gia của họ là mạnh. Vì vào thời ấy không phải chỉ nước ta bị đế quốc xâm chiếm, mà các nước nhỏ, yếu khác ở khắp các châu từ Châu Mỹ La Tinh, Nam Mỹ, Phi châu, Á châu kể cả các quần đảo xa xôi lần lần thuộc về các đế quốc Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hòa lan...
Cho nên, Đế quốc Pháp bắt đầu bắn phá các đồn lũy ở Đà Nẵng từ tháng 8 năm 1856 với chiến thuyền Catinat. Và tháng 7-1958 lại đến bắn phá Đà Nẵng một lần nữa với lực lượng hùng hậu hơn gồm 14 tàu chiến và 3000 quân của hai nước Pháp và Y Pha Nho (Tây Ban Nha).
Tháng 1-1859 Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Định Tường (1861), rồi Biên Hòa, Vĩnh Long (1862). Và với Hòa ước năm Nhâm Tuất 1862, nước ta bị mất 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường. Sau chúng đánh lấy luôn 3 tỉnh Nam Kỳ còn lại là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.
Năm 1873 chúng hạ thành Hà Nội, đánh chiếm 4 tỉnh miền trung du. Và với việc ký Hòa ước 1874 Việt Nam nhượng đứt đi sáu tỉnh miền Nam. Sau đó, quân Pháp lại tiến đánh Bắc kỳ lần thứ hai và đưa đến việc ký Hòa ước Patenôtre tháng 5-1884 để từ đó Việt Nam chịu sự cai trị của người Pháp, và lại bị chia làm 3 xứ: Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ.
Cũng từ đó dân tộc ta bắt đầu cho những cuộc kháng chiến chống Pháp. Từ Phong trào Cần Vương: Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường rồi các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, Bình Thuận, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa đều có người nổi lên. Ở Bắc có Nguyễn Thiện Thuật (Bãi Sậy). Sau Phan Đình Phùng lập Đảng Văn Thân ở vùng Hương Khê. Các vùng Hải Dương, Bắc Ninh cũng có những phong trào. Ở Hà Nội có Đông Kinh Nghĩa Thục; Phan Bội Châu với Phong trào Đông du; Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn, rồi Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Yên Bái và "Đảng Việt Minh dưới quyền lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc -đổi tên là Hồ Chí Minh- thừa cơ nổi lên cướp chính quyền, vua Bảo Đại phải thoái vị và nhường quyền cho Đảng Việt Minh" (VNSL.II, trang 342).
Và cuộc chiến tranh giành độc lập cho đất nước với đế quốc Pháp được kết thúc bằng trận chiến Điện Biên Phủ và ký kết Hiệp Định Genève 1954. Đất nước ta phải bị chia đôi và lại bước vào cuộc nội chiến và chiến tranh ý thức hệ: Một cuộc chiến tàn phá và phân hóa dân tộc ta một cách sâu nặng nhất trong lịch sử vì ý thức hệ Tự do và Cộng sản cho mãi đến bây giờ.
Trong khi đó, Trung Quốc lại được sự nhân nhượng của Mỹ, đang củng cố dần thế mạnh và lăm le nuốt dần đất nước của ta với áp lực của một kẻ mạnh, một đầu đảng, một kẻ "bề trên" đối với “Thể chế Cộng sản Việt Nam”.
Bạn trẻ ơi!
Quê hương ta bất hạnh, nhưng với sự chịu đựng, lòng quả cảm, với ý chí kiên cường, với tinh thần độc lập, và với một sức sống hùng hồn đã vùng lên bẻ gãy tất cả mọi xích xiềng, áp bức để giữ vững đất Tổ quê Cha. Vậy thì, không lẽ hôm nay, ta phải cúi đầu khuất phục sao em? Thời đại có khác. Ta phải đáp ứng với thời đại. Bây giờ cần đến trí óc, tài năng, bản lĩnh, sáng tạo nhất là các tri thức, khả năng để tạo nên tài chánh và các phương tiện có thể bảo vệ được quê hương. Nếu không, một mai ta sẽ trở thành người vong quốc, thì lúc ấy, ai sẽ là người khóc cho ta, em nhỉ? Tôi sẽ viết lại câu nói của người xưa: "Muốn hòa bình thì phải củng cố chiến tranh". Các em đã sẵn sàng chưa? Nếu chưa, các em nên suy nghĩ và chọn cho mình một hướng để hoạt động và để đi. Đất nước mất hay còn đều do các em đó, vì thế hệ chúng tôi sẽ "chẳng còn".
Các em hãy hát bài "Hùng Ca" muôn thuở của dân tộc đi em nhé! Nào, hãy vang tiếng lớn lên nào!
Nguyên Thảo,
19/8/02.