Người ta thường nói “Lý lẽ của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”! Điều ấy không ngoa, vì rằng kẻ mạnh với sức mạnh khiến người ta phải nễ vì mà không dám làm trái ý của mình, thế là mình muốn như thế nào người ta cũng phải “thuận” theo thế ấy. Điều đó khiến tôi nhớ lại thời còn bé tí, đi chơi với những thằng to lớn hơn, nó muốn cho mình chơi chung thì cho, không cho thì bỏ mình ra. Mình nhỏ mà muốn chơi thì đành chìu theo ý tụi nó. Chơi phe nầy thì nghịch với phe kia, mình phải chọn một phe! Có những lúc hai phe nghịch nhau, mình là “cò ke lục chốt”, là đám nhỏ chỉ là tay sai của tụi lớn thì mình lại thiệt thòi hơn những thằng cầm đầu hay lãnh đạo nhóm nhiều. Có những lúc mình ngồi trên ghế chân để thỏng xuống, hoặc ngồi trên bực thềm đặt chân trên đất, thế mà phe kia nó vẽ một vòng thật lớn vào sát chân mình, nó gọi đó là vùng đất của nó, nó “xí”; mình để chân lên vòng ấy hay bước vào vòng đó tức là mình vào vùng đất của nó thì nó sẽ kiếm chuyện đánh mình. Trước sự ép bức như vậy, vì mình yếu và nhỏ, nên mình đành nín thinh mà chịu “lép vế” hoặc là ngồi chịu trận hay là bỏ đi chỗ khác. Đó là thế của kẻ mạnh khi mình còn nhỏ.
Còn trong những chuyện sử của Tàu đầy dẫy những chuyện những nước lớn bày mưu tính kế để đánh chiếm những nước nhỏ, hay dùng chước để nước nhỏ đánh nhau khiến các nước cùng nhau suy yếu để rồi chúng phải lệ thuộc, hay nước lớn đó thôn tính các nước nhỏ một cách dễ dàng mà không phải hao binh tổn tướng. Đó là ý đồ của những nước mạnh đối với nước yếu, hay nhỏ hơn trong truyện Tàu thuở xưa.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là ngày nay không có. Điều đó nước Tàu biết hơn ai hết! Trong quá trình lịch sử, đã bao nhiêu nước bị thôn tính mà bây giờ người ta cứ nghĩ mình chỉ là dân của một nước to có dân số đông trên thế giới mà không bao giờ nghĩ là dân tộc mình đã bị đồng hóa lâu đời; đôi khi mình lại tiếp sức cho sức mạnh ấy để bành trưóng thêm nữa hầu đáp ứng mưu đồ làm bá chủ của khu vực hay thế giới.
Dân tộc Việt Nam là một sắc dân tộc của dòng Bách Việt ở phía nam sông Dương Tử còn tồn tại, độc lập cho đến ngày nay với một ý chí kiêu hùng đấu tranh để sống còn. Lịch sử khẳng định điều ấy! Bây giờ người ta muốn Việt Nam phải đối đầu với mọi khó khăn: Từ kinh tế đến chính trị và các phương diện khác để tiềm lực bị suy yếu, mà phải chịu thần phục trước uy lực của họ. Việt Nam vừa phải đương đầu “thù trong giặc ngoài”, sự chia rẽ vì ý thức hệ từ trong cuộc chiến đến sau khi kết thúc chiến tranh; từ quan điểm “kẻ thù” mà hận thù hãy còn kéo dài từ trong nước ra đến nước ngoài. Đâu đâu và lúc nào cũng chỉ thấy “hận” với “thù”! Trong khi ấy, kẻ mạnh đang lấn dần, uy thế hùng hỗ kẻ vòng tròn “xí” lãnh thổ bao la trên biển cả để chiếm lấy tài nguyên, khu vực hòng kiểm soát vùng quan trọng mà khuynh đảo khu vực cùng thế giới; và sẵn sàng thế thượng phong nhằm cô lập, tạo thế bao vây để rồi trói buộc Việt Nam để Việt Nam trở thành lệ thuộc hay là một phần lãnh thổ của nước lớn. Tưởng rằng chuyện “con nít” chơi ngày xưa, nay lại trở thành một sách lược của một siêu cường đang nổi lên với đầy dẫy những tham vọng to lớn. Thế mới biết chuyện con nít vẫn mang đầy tính chất tương lai của loài người! Nhưng trí khôn không biết có đáp ứng được với mọi thủ đoạn hay không? Người ta nói: “Khôn thì sống, mống thì chết”, thì mình cứ “giương” mắt mà chờ xem vậy!
No comments:
Post a Comment