(Post lại bài từ tháng 6/2011)
Bạn trẻ ơi!
Qua đầu đề nầy tôi muốn nói cùng em về một số điều không may mà đất nước, dân tộc ta vô tình phải hứng chịu. Tôi muốn bắt chước người Nhật đề cập một cách không né tránh những điểm đau lòng thực tế hiển nhiên đó, để rồi em sẽ thấy một sức sống hùng hồn, một sự đấu tranh mãnh liệt của một dân tộc, mà em là một trong những thành viên của dân tộc ấy.
Em ạ!
Đất nước ta phần lớn diện tích là núi non trải dài từ miền bắc xuống miền nam. Ở miền bắc với 5 dãy núi rẽ ra thành hình cánh quạt mà núi Tam Đảo là hướng đồng qui. Sông Hồng phát nguyên từ cao nguyên Vân Nam bên Tàu, ở trên độ cao cả ngàn thước so với mực nước biển, thì em cứ thử nghĩ khi mùa mưa đến, nước nhiều ở trên độ cao ấy đổ xuống sẽ đem điều gì cho đồng bằng miền bắc? Với đồng bằng của sông Hồng, sông Thái Bình không đủ lương thực để nuôi cho toàn số dân ở miền bắc.
Rồi dãy Trường Sơn nối tiếp chạy dọc suốt miền Trung cho đến tận đầu miền nam, có nơi dãy núi chạy sát với bờ biển, cho nên sông ngòi ở miền Trung đa số là ngắn, đồng bằng nhỏ. Vả lại, vào mùa mưa nước mưa từ trên dãy núi chảy xuống ồ ạt khiến có nhiều cát đá trên những cánh đồng đất bồi, đến mùa nắng thì lưu lượng sông lại ít. Vì vậy, đời sống của người dân miền Trung có lắm phần cơ cực.
Còn miền nam thì cuộc sống tương đối phong phú hơn với cánh đồng phì nhiêu, sông ngòi chằng chịt. Nhưng vài năm sau nầy cũng thường xảy ra nạn lũ lụt nên đời sống có nhiều hồi hộp, lo âu.
Và với địa hình trải dài từ Ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mau trên 1700 cây số, lại nằm trong vùng nhiệt đới thuộc khu vực gió mùa cho nên những cơn bão nhiệt đới ảnh hưởng một cách dữ dội trên đất nước của ta. Vào những tháng 8 tháng 9 âm lịch tương đương với tháng 9 tháng 10 dương lịch, những cơn bão nhiệt đới có trung tâm phát xuất từ Thái Bình Dương bên kia Phi Luật Tân được thành hình và di chuyển dần về phía Tây. Các cơn bão ấy đổ vào Việt Nam với đầy đủ sức mạnh của nó. Năm nào ít thì cũng 5, 6 cơn; năm nào nhiều thì đến 12. Các cơn bão ấy đổ dài từ miền Bắc vào miền Trung. Miền Nam chỉ có những cơn bão rớt. Nhưng những năm trở lại đây do hiện tượng El Nino mà miền Nam cũng chịu ảnh hưởng mạnh của bão như cơn bão Linda chẳng hạn.
Tại sao bão tàn phá trên đất nước ta nhiều dù nó xuất phát từ Thái Bình Dương, bên kia vùng đảo Phi Luật Tân? Nếu ta nói "xe chạy nhanh khi có trớn", thì bão đến Việt Nam khi đã đầy đủ "trớn", sức xoáy của nó rất mạnh và các dãy núi của Việt Nam là các bức tường ngăn cản, nên sức tập trung công phá của bão lại là trên quê hương, xóm làng của ta. Bão kèm theo lượng mưa nhiều, nên "bão lụt" là một từ ngữ đi chung. Đó là về phương diện địa lý, còn về phương diện lịch sử, thì em hãy lật bộ lịch sử Việt Nam của Trần Trọng Kim hay của bất cứ một tác giả nào, em sẽ hiểu. Trịnh Công Sơn đã tóm gọn trong vài câu nhạc "Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày..."
Suốt một lịch sử hơn 4000 năm, đất nước ta luôn phải đối phó với các triều đại phong kiến phương Bắc. Từ khi Kinh Dương Vương Lộc Tục thành lập quốc vào năm 2879 trước Tây Lịch, bắt đầu cho Họ Hồng Bàng, sau truyền ngôi cho con là Lạc Long Quân Sùng Lãm; Sùng Lãm cho người con trưởng làm vua nước Văn Lang xưng là Hùng Vương và đóng đô ở Phong Châu (thuộc địa hạt huyện Bạch Hạc tỉnh Vĩnh Yên ngày nay). Do đó dân tộc ta thường nói là "Con Hồng, cháu Lạc" là như vậy, và Hùng Vương là "Quốc Tổ". Trải qua hai triều đại kế tiếp là nhà Thục rồi nhà Triệu, đến năm 111 trước Tây Lịch nước ta bị nhà Hán bên Tàu đánh chiếm và ta bị Tàu đô hộ 3 lần, kéo dài khoảng 987 năm.
-Từ năm 111 trước Tây Lịch đến năm 39 sau Tây Lịch (150 năm): Bắc thuộc lần thứ nhất và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được 4 năm.
-Từ năm 43 đến năm 544 (501 năm): Bắc thuộc lần thứ hai: Trong thời gian nầy có cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu Thị Chinh và anh là Triệu Quốc Đạt ở huyện Nông Cống (năm 248). Mãi đến năm 541, Lý Bôn khởi nghĩa ở huyện Thái Bình đánh đuổi được quan lại Tàu, dẹp được quân Lâm Ấp, lập được Triều đại nhà Tiền Lê (544- 602).
-Từ năm 603 đến năm 939 (336 năm): Bắc thuộc lần thứ ba: Trong thời gian nầy có các cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế ở Hà Tĩnh (722): Phùng Hưng ở Sơn Tây (791); Họ Khúc dấy nghiệp ở Hải Dương (907-923); Và sau đó là Dương Diên Nghệ và Kiều Công Tiện (931-938). Đến khi Ngô Quyền người làng Đường Lâm, tỉnh Sơn Tây đại phá được quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938) và thành lập nhà Ngô (939-965) nước ta mới vào Tự chủ thời đại và cởi được ách đô hộ của các triều đại phong kiến Tàu.
Bạn trẻ ơi!
Em có bao giờ nghe những người đi làm hảng kể lại những thằng chủ khó khăn, chửi công nhân không? Thì đối với người dân trong một nước nô lệ khó khăn đến gấp vạn lần; binh sĩ, quan lại có quyền áp bức, đánh đập, chém giết, đày đọa... Người dân chỉ có biết tuân hành. Trong thời kỳ lệ thuộc, đã biết bao nhiêu người bị bắt phải xuống biển mò ngọc trai, lên rừng chiến đấu với cọp, tê giác, voi để lấy sừng, ngà, da, xương dâng hiến cho bọn cai trị; những ai có tiền của thì bị chúng bắt cống nạp hoặc cướp đi mà không dám nói một lời. Đốt nhà, lấy của, phá tất cả tài sản đều do nơi sự tàn ác của chúng. Bọn quan lại, quân lính phương Bắc như Tô Định, Cao Chính Bình... không thiếu gì. Và bọn Đế quốc Pháp "đè đầu, cỡi cổ", đem những tài sản chiếm được về cho "mẫu quốc" cũng không là ít.
Trong thời gian gần đây, Cộng Sản Trung quốc sợ Việt Nam mạnh lên mà thoát ra khỏi "vòng kiềm tỏa" của họ, ngay từ năm 1975 họ đã xui giục, cung cấp vũ khí, đỡ đầu đám đàn em Polpot ở Kampuchia xây dựng chế độ tàn bạo, giết dân, làm băng hoại đất nước Kampuchia, khơi lòng hận thù đối với Việt Nam và khuyến khích quân Polpot tấn công dọc biên giới miền nam nước ta. Quân Polpot đốt nhà, ruộng lúa, xé xác trẻ thơ, giết đàn bà với cọc nhọn đâm từ phần dưới đóng lên đầu... Ôi! Thật là dã man! Khi Việt Nam giúp dân Kampuchia lật đổ chế độ Polpot, họ đã đánh vào biên giới phía Bắc để gọi là "dạy cho Việt Nam một bài học", chủ nghĩa đế quốc cuối thế kỷ 20 là như vậy đó. Chính quyền Mỹ đã bán đứng chế độ miền Nam Việt Nam và giao luôn đất nước ta cho Trung quốc, vì thế Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 và đang lăm le nuốt trọn quần đảo Trường Sa, mặc cho nước nhỏ "réo gào"!
Cộng sản Trung quốc dùng mọi hình thức, biện pháp để đánh phá đất nước của ta từ việc mua dựng trâu, mắt mèo để các phương tiện sản xuất băng hoại hoặc chuột bọ sinh sản, phá ruộng rẫy hoa màu; bán rẻ từ táo, hột gà, các nông phẩm hay sản phẩm khác để triệt hạ kinh tế của ta. Hoặc đưa các sản phẩm kỹ nghệ lậu vào Việt Nam để làm suy sụp các cơ sở sản xuất trên đất nước. Như vậy Việt Nam phải từ từ hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc. Họ còn độc địa hơn nữa là tổ chức các nhóm lưu hành tiền giả có cơ sở từ bên Trung Quốc, hoặc đưa các độc dược vào đầu độc thế hệ thanh niên hoặc mua chuộc, hối lộ hủ hoá các viên chức Việt Nam. Như vậy tự nhiên không cần đánh chính quyền Việt nam sẽ bị băng hoại, mất lòng dân thì Việt Nam sẽ là "một tỉnh của Trung Quốc" một cách êm dịu mà người ta tưởng chừng như không có.
Bạn trẻ ơi!
Các em có biết không? Tại sao Giang Trạch Dân trong chuyến viếng thăm Việt Nam đầu năm 2002, không tắm biển ở Hải Phòng, ở Đồ Sơn, Sầm Sơn hay Nha Trang, Vũng Tàu mà lại tắm biển ở Đà Nẳng như là một kỳ tích không? Vì bãi biển đó người Mỹ không gọi là Hội An mà là "China beach". Giang Trạch Dân tắm ở bãi biển của Tàu nằm trên đất Việt Nam mà! Như vậy cũng có một ý nghĩa ghê gớm phải không, các em ạ?
Người Mỹ đã hất Đài Loan để đưa Trung Quốc vào ghế Thường Trực Bảo An Liên Hiệp Quốc. Người Mỹ đã thôi can thiệp ở Việt Nam, giao Việt Nam cho Trung Quốc. Các tư bản vì mối lợi đầu tư mạnh trên đất Trung Hoa. Bây giờ, hàng hóa Trung Quốc khắp cùng, đã gây khó khăn cho kinh tế, cơ sở sản xuất của nhiều nước. Trung Quốc bắt đầu hiện đại hóa quân đội, không hải lục một cách âm thầm. Nhưng trong khi đó Trung Quốc lại đánh đòn "lừa" với thế giới rằng "Nước Nhật đang tái võ trang", và Trung Quốc đang “phát triển lực lượng trong hòa bình”. Ôi! Một tay điếm đàng đang "âm thầm" toan tính những âm mưu lớn..!
Trong khi đó, nước Mỹ đang phải đối đầu với đám khủng bố Al Qaeda và kinh tế đang bị suy đồi. Ai dám bảo rằng Trung Quốc không lợi dụng cơ hội nầy để "Ngư ông đắc lợi". Thế giới cảnh giác Trung Quốc một, nhưng Việt Nam nói riêng, khối Đông Nam Á nói chung phải cảnh giác với Trung Quốc đến gấp 5, 6 lần.
Nầy em bạn trẻ ơi!
Quê hương ta không những bất hạnh trên phương diện địa lý, ở bình diện lịch sử không thôi, mà lại còn trên khía cạnh vị trí nữa. Chính vì vị trí nằm trên cửa ngõ quan trọng của Thái Bình Dương từ Nam lên Bắc, từ Tây sang Đông hay ngược lại. Nó có thể làm bàn đạp để kiểm soát được các hoạt động trong vùng dễ dàng. Do điều ấy mà đất nước ta đã là điểm đối đầu của hai thế lực trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Từ cuộc chiến quốc gia trở thành cuộc chiến quốc tế. Từ vũ khí thô sơ, cũ kỹ thành vũ khí tân tiến; và cũng là nơi thí nghiệm của nhiều chiến thuật lẫn các loại vũ khí hiện đại, mà mọi hậu quả hứng chịu vẫn là dân tộc cùng đất nước Việt Nam.
Sau bao nhiêu năm cuộc chiến đã ngã ngũ. Chế độ tự do đã thua trên chiến tranh. Nhưng người thắng đã ngã ngựa trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng, sản xuất, quản lý, hành chánh... nhất là trong lòng dân. Số người Việt chạy ra nước ngoài hiện nay khiến cho ta có nhiều suy nghĩ: Tại sao trong chiến tranh ác liệt mà người dân không đi? Đến khi đất nước hòa bình, thống nhất thì ta lại bỏ đi..? Điều ấy người Cộng Sản Việt Nam nên suy lại chủ nghĩa của mình đang theo, hoặc đã thực hiện trên một hướng sai lầm. Trung Quốc cứ mãi chèn ép Việt Nam thì Chủ nghĩa Đại đồng, không biên giới quốc gia của lý thuyết Cộng sản chỉ là một chủ nghĩa "Không tưởng" mà thôi!
Ta nên trở về với Chủ nghĩa Quốc gia, với dân tộc là tốt nhất: Một Ông Vua đại diện cho dân tộc; Một Chính phủ lập hiến với hai thành phần chính trị đối lập.
Ta còn bám theo thằng chồng "vũ phu" thì nó hãy còn ăn hiếp ta mãi, ta không cần nó nữa thì đến lúc nó lại cần đến ta, và không chừng nó lại o bế, chìu chuộng ta cũng "không chừng"!
Các em hãy suy nghĩ thử xem sao?
Nguyên Thảo,
22-7-02.
Saturday, July 12, 2014
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment