Wednesday, November 11, 2015

*H.T Chữ Nghĩa 24: Đi Vào Kinh Điển.



Một điều tôi có thể nói chắc chắn rằng: Trong quá trình tìm hiểu vào Đạo Phật, tôi đã chịu ảnh hưởng từ cuồn băng giảng “Tương quan giữa sống và chết” của Hòa thượng Thích Tâm Thanh ở Đại Ninh (Lâm Đồng) rất nhiều. Băng giảng nầy không những tạo cho tôi sự thích thú về nhận thức; đồng thời nó đã đánh vào sự tò mò muốn khám phá từ hình thức, lẫn quá trình một buổi lễ trong chùa mà lại còn đưa tôi vào cái mong muốn thâm nhập vào kinh điển mãnh liệt hơn.
Khi tôi nhận được bộ “Phật Học Phổ Thông” của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa từ Thượng Tọa Thích Thiện Duyên biếu tặng, tôi đã dành nhiều thời gian đọc ráo riết để nhằm trang bị cho mình một số vốn nào đó hầu thâm nhập vào kinh tạng dễ dàng hơn.
Trong khoảng thời gian đọc bộ sách ấy thì một hôm tôi có dịp vào Chùa Pháp Hoa lại thấy trên bàn có để một xấp giấy nhỏ in “Kinh Người Biết Sống Một Mình” do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh dịch để lại biếu phật tử nhân chuyến công du của Thiền Sư sang Úc và đi ngang qua chùa. Từ bản kinh ấy được phối hợp với những kinh nghiệm, kiến thức trong cuộc đời, tôi cố gắng hoàn tất bài thứ 8: “Đừng Mơ Tưởng... (Hay: Kinh Người Biết Sống Một Mình) vào ngày 10/09/2001.
Sau đó, những điều tôi đã đọc được qua bộ “Phật Học Phổ Thông” dần tích tụ và đến lúc tôi cần viết một điều quan trọng về “Đạo” để bày tỏ cái quan điểm của mình về tôn giáo mà tôi đã thấy thiên lệch từ lâu. Vốn từ ngày xưa khi còn đi học ở Trung học, tôi và bạn bè được một giáo sĩ rao giảng đã cố thuyết phục tin vào Đấng Tối Cao mà họ cho là niềm tin của họ, trong lời rao giảng đó họ có lời lẽ không tốt về đạo Phật lẫn dân gian, anh bạn tôi đã cãi lại với họ và bảo họ chứng minh cho thấy về Đấng Tối Cao ấy và cho biết bằng một câu “Tôi chưa tin tôi nữa thì lại tin ai”? Thế rồi tôi lại đi vào năm đầu Đại học gặp Thầy dạy Triết Tây lúc ấy là Linh Mục Lê Tôn Nghiêm ông dạy về Thuyết Đồng Qui của Teilhard De Chardin và ông phê phán về các tôn giáo ở Đông Phương chỉ là những triết thuyết chứ không là tôn giáo. Lúc ấy, tôi thấy những người theo đạo của phương Tây chỉ có một mục đích là muốn rao giảng kiếm thêm tín đồ, họ không từ bỏ nói xa nói gần hoặc không tốt để người đạo khác từ bỏ đạo cũ mà theo đạo mới theo mục đích truyền đạo của họ. Họ cho chỉ có đạo họ mới là tôn giáo. Nhưng qua thời gian tôi thấy tôn giáo ấy chỉ là biến thể từ những câu chuyện thần thoại dân gian của nhiều nơi được kết hợp lại trở thành tôn giáo mà thôi, và mục đích những người lập ra tôn giáo chỉ là kích động tinh thần dân tộc để đánh, tiêu diệt 6 dân tộc khác ở vùng mà họ muốn chiếm làm của riêng như là "đất được ban cho". Rồi từ đó những đại đế khác nương vào đó để phát triển đế quốc mà họ không che đậy bằng “Đế quốc Tâm linh” hay “Thần thánh”. Chính vì vậy mới có sự áp bức, phân biệt với dân tộc hèn hạ khác, do đó mà đã nẩy sinh một tôn giáo đối kháng khác tinh vi hơn: Chiến đấu bằng vũ lực, phát triển tôn giáo bằng đánh chiếm, tấn công, ép buộc người khác “hoặc chết hoặc theo đạo”; và tín đồ “tử vì đạo” được lên Thiên Đàng với bao nhiêu là sung sướng về vật chất lẫn tinh thần được Đấng Tối Cao ban cho.
Những cuộc chiến tranh từ tôn giáo đã phát khởi và cũng là những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất, chứng tỏ niềm tin không hề đơn giản và được lợi dụng tối đa để thực hiện một âm mưu nào đó tùy theo mục đích của người giáo chủ. Tín đồ chỉ là những nhánh củi để đưa vào lò thành chất đốt. Cho nên tôi cho ra đời bài số 9: “Một Cái Nhìn... (Hay: Đạo Phật Là Một Tôn Giáo)” nhằm chứng minh Đạo Phật cũng có tính chất tôn giáo theo nhận thức khoa học, thực tiễn chứ không phải hẳn là một triết thuyết hay là một tôn giáo theo kiểu thần quyền, tin tưởng vào đâu đâu. Sau nầy tôi gởi bài ấy đến đăng trên Trang Nhà Đạo Phật Ngày Nay của Thầy Thích Nhật Từ thì nhận được lời phê phán của Le Quoc Trinh như sau:


“Le Quoc Trinh 14/04/2010 09:11:52
Kính gửi Đại Đức Thích Nhật Từ,
Trang Nhà Đạo Phật Ngày Nay,

Hôm nay nhờ lời giới thiệu của TuanVietNam tôi đã vào Trang Nhà ĐaoPhaTNgayNay đọc được một số bài viết của Thầy về chủ đề "Đạo Phật có phải là một tôn giáo không ?". Tôi xin phép được góp vài ba ý kiến với Đại Đức.

Trước hết tôi xin tự giới thiệu là Lê Quốc Trinh, Việt kiều cư ngụ tại Canada hơn 40 năm. Tôi có duyên với Đạo Phật vì quy y từ hồi nhỏ, già đình thuần thành Phật tử, bác tôi là cư sĩ Phật học Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, tôi đã từng tham gia xuống đường đấu tranh thời Pháp nạn (1963), tôi từng làm thầy cò (corrector) sửa bản thảo kinh sách Nhà Phật trước khi in (mẹ tôi mở nhà in ấn tống kinh Phật). Tôi theo dõi nghiên cứu triết lý Phật Pháp hơn 30 năm nay tại Canada, qua lăng kính khoa học kỹ thuật.

Tôi xin khẳng định rõ những điều căn bản mà tôi rút tỉa từ những hiểu biết về Đạo Phật như sau:

1)- Trước hết Đạo Phật tuyệt đối không bao giờ là một tôn giáo khi được Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni sáng lập cách đây 2500 năm. Đức Thế Tôn không bao giờ chủ trương tôn thờ, tôn vinh và tôn sùng cá nhân. Bản thân Ngài không bao giờ vỗ ngực tự xưng là giáo chủ, Ngài không bao giờ ép buộc chúng sinh phải bỏ niềm tin (tôn giáo) của mình để đi theo con đương Trung Đạo của Ngài vạch ra. Ngài tuyên bố rõ ràng: "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành", và "Chúng sinh nên tự thắp đuốc mà đi, Ta chỉ là người dẫn đường mà thôi";

2)- Đạo Phật là đạo dựa trên căn bản dùng trí tuệ theo phương hướng từ bi hỷ sả để GIÁC NGỘ, tự giải thoát. Do đó không thể đánh đồng Đạo Phật với các tôn giáo khác. Vì dựa trên trí tuệ để tìm hiểu Sự Thật, phá tan bức màn Vô Minh, nên Đạo Phật mang tính siêu việt theo tinh thần khoa học, nói rằng Đạo Phật đi trước khoa học cũng không sai. Bảo rằng đó là một triết lý sống, luôn đi sát với thực tại và cuộc sống, cũng rất chính xác;

3)- Đức Thế tôn đã hy sinh cả cuộc đời một con người sống thực, Ngài biết ràng con người thời đó (2600 năm trước) chưa đủ tri thức để hiểu thấu Phật pháp do Ngài giảng dạy, nhưng Ngài vẫn kiên trì lê gót khắp nước Ấn Độ để truyền bá Đạo Phật. Vì thời đó ánh sáng khoa học chưa rọi tới nhân loại, cho nên những lời Ngài giảng cô đọng trên những luận đề căn bản có vẻ khó hiểu và khô khan, nên chúng sinh không hiểu và vô tình bỏ quên hay giảng giải mơ hồ, sai lạc khiến cho mọi người hiểu lầm Đạo Phật, đưa Đạo Phật trở lại con đương mê tín, dị đoan;

4)- Ngày nay, nhờ những tiến bộ khoa học kỹ thuật mà nhân loại có thể giao lưu trao đổi tự do trên Internet, giáo lý Nhà Phật được truyền bá sâu rộng khắp thế giới. Đây là cơ hội tốt đẹp nhất để hoằng dương Phật Pháp, dùng kiến thức khoa học kỹ thuật để giải mã những luận đề căn bản khó hiểu như:

- Thuyết Nhân-Quả, thuyết Nhân-Duyên, trùng trùng duyên khởi;
- Thuyết Luân Hồi;
- Ý nghĩa của Vô Thường;
- Ý nghĩa về Vô Ngã: Ngã là gì ? Vô Ngã là gì ?
- Bốn chân lý Tứ Diệu Đế: Khổ là gì ?
- Bát Chánh Đạo;
- Thập Nhị Nhân Duyên;
- Bát Nhã tâm kinh: ý nghĩa Sắc Sắc Không Không, ý nghĩa Niết Bàn. Khoa học hiện đại đã giải mã được hết những nguyên lý phức tạp từ 20 năm nay;
- Duy Thức Học.

5)- Phải tẩy trừ hết sách những ngộ nhận về Đạo Phật, phải hiểu tất cả những phân hóa trong hàng ngũ Đạo Phật từ khi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn. Tất cả các tông phái gây chia rẽ Đạo Phật đều có ý hướng đi ngược chiều với Đạo Phật chính thống. Rất nhiều người bị đưa vào con đường mê tín, dị đoan, tin tưởng thần thánh, cầu siêu cần an, xin xâm, hoá vàng (như Tịnh Độ tông). Hoặc nhiều người lầm tưởng Đạo Phật chỉ cốt đi tìm niềm an lạc trong Tâm (như Thiền tông), hoặc say mê bùa chú kinh kệ (như Mật tông);

Kính thưa Đại Đức Thích Nhật Từ,

Tôi chỉ có bao nhiêu nguyện vọng đó, rất mong sẽ được góp sức tham gia vào công cuộc hoằng dương Phật Pháp, đưa ý nghĩa căn bản Đạo Phật chính thống trở lại thế gian ngõ hầu phụng sự nhân loại, giảm bớt đau khổ và kiến tạo hòa bình vĩnh cửu.

Kinh chào Đại Đức,

Lê Quốc Trinh, Canada


Lúc đọc được những điều phân giải như thế, quả thực tôi cũng phải công nhận là những nhận xét đúng, nhưng tôi cũng đã phân tích đến con đường đi và đến của Tâm linh hay con người lẫn phương pháp cứu độ trong Đạo Phật qua những điều ghi trong kinh điển, để chứng minh với độc giả là Đạo Phật cũng theo qui trình của một tôn giáo, nhưng tôn giáo nầy không cần sự hiện hữu của Đấng Tối Cao như người ta vẽ ra. Tại sao tôi nói là “Người ta vẽ ra” vì khi khởi thủy câu chuyện Đấng Tối Cao ấy đã sáng tạo chỉ phần trái đất mà trái đất và loài người là trung tâm”. Nhưng khi khoa học tìm ra trái đất không là trung tâm, loài người chưa hẳn là loài duy nhất trong vũ trụ thì giáo hội đã vẽ ra con đường khác hơn để bảo vệ giáo thuyết của mình, đồng thời kết án kể cả án tử đối với những người phát hiện ra Chân lý; khi các phương tiện đi trên không đi liên tục chẳng thấy hồn xác nào trên trời cả thì giáo hội lừa phỉnh sang phạm vi bao quát hơn toàn vũ trụ, vân..vân… Thế thì ta tin vào ai, vào nhà khoa học hay vào nhà Thần học? Đó là chưa kể khi đọc đến những sách ấy nếu kỹ hơn chúng ta sẽ thấy những điều bất nhất, cũng như là không hợp lý hoặc dâm ô thật nhiều…. (Để hiểu rõ Quý vị có thể tham khảo thêm trong các bài nghiên cứu của tác giả Gã Học Trò trên trang mạng Sachhiem.net).
Qua những điều của Lê Quốc Trinh, chúng tôi nghĩ mình chỉ là kẻ đi tìm hiểu sau, muộn màng về đạo Phật nên thấy mình chưa đủ khả năng để giãi bày.
Tuy nhiên, bài của tôi chỉ là đưa ra ý kiến mà thôi, nhưng Lê Quốc Trinh đã gán ghép cho cả Thầy Thích Nhật Từ thì tôi nghĩ là hơi quá đi chăng? Tôi sai thì tôi chấp nhận chứ không là cả của Trang nhà Đạo Phật Ngày Nay, tức là Nguyên Thảo chỉ là Nguyên Thảo chứ không là hai.
Bắt đầu từ bài nầy tôi đã đi nhiều vào kinh điển vì những điều tôi thấy có sự nối kết lạ lùng và mật thiết giữa các kinh Lăng Nghiêm, Viên Giác và Kim Cang qua sự ghi, giảng của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. Tôi ghi lại theo sự sắp đặt, trình tự của hệ thống một bài viết nhằm mục đích để độc giả ghi nhận lại được những điều giảng trong kinh mà Đức Phật đã giảng.

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
11/11/2015.

No comments:

Post a Comment