Thursday, November 12, 2015

*Mỹ Du. (3)



*Virginia.

Vào khoảng 9 giờ tối vì Minh bận, nên đưa hai người bạn cùng hai chiếc xe nhỏ hơn đến để đưa chúng tôi với hành lý ra phi trường. Theo lịch trình bay của hãng Virgin American thì giờ bay của chúng tôi là 11 giờ 50. Với hành lý gởi kiện chúng tôi phải đóng 25 đô cho một va-li. Theo dự trù chuyến bay VX 114 sẽ khởi hành vào lúc 11 giờ 50 và đến phi trường Washington Dulles vào lúc 7 giờ 45 sáng. Chúng tôi xuống phi trường đúng theo giờ dự trù và giờ ở Virginia cách giờ Cali 2 giờ, như vậy chúng tôi đã trải qua khoảng 5 giờ trên máy bay.
Cúc (cháu của mợ Chín) đến đón chúng tôi ở phi trường. Mướn thêm một chiếc taxi nữa mới chở hết người và hành lý về nhà Cúc và Tú Anh (chị Cúc). Nội hành lý không thôi mà muốn đầy nửa không gian garage rồi. Khi ổn định chỗ nghỉ ngơi xong thì được Tú Anh đãi cho một bữa điểm tâm gọi là bồi bổ sức khỏe để vài giờ sau được dịp mấy cô nàng đưa đi “Shop outlets” của Tiểu bang Virginia. Tội nghiệp cho chị Cúc vì không đủ xe nên phải chở hai chuyến từ nhà đến trung tâm ở Leesburg. Chuyến đi nầy thì tôi được “ké” cùng gia đình cậu mợ Chín nó.
Đây là lần thứ nhì tôi mới biết đến “outlets” (lần thứ nhứt là ở outlets Hồng Kông). Nhưng lần ở Hồng Kông thì chúng tôi không vào trong các cửa hàng, mà chỉ đi vòng vòng coi chơi và đi tìm thức ăn. Nhưng lần nầy thì tôi cũng lang thang vào trong các tiệm để coi cho biết cùng mua những gì mình thấy được để mua thôi. Thì ra outlets là nơi những cửa hàng mà hàng của nó có giá trị, chất lượng, được coi là tốt được bán trực tiếp từ hãng ra. Hàng hiệu nầy được những giới sang trọng trong xã hội tìm và sử dụng như khẳng định giai cấp, thành phần xã hội của mình; cho nên nhiều trưởng giả học làm sang cũng mê đi tìm hàng hiệu. Hôm nay tôi được dịp đi tìm hàng hiệu, chắc cũng sắp học làm sang rồi đây! Có lẽ tôi đến đây vào ngày giữa tuần cũng như buổi chiều nên khách vãng lai mua sắm không nhiều chăng. Đi mãi vào các tiệm thế mà tôi chỉ chọn cho mình được mỗi một cái áo nhẹ tiền, nếu ai cũng như tôi cả thì các tiệm nầy sẽ bán cho ai; sớm muộn gì thì tiệm cũng phải dẹp thôi. Nhưng đời không phải vậy! Ít ra tôi học nơi đây được nhiều điều hay cũng như được mở rộng tầm mắt thêm ra. Chiều thì Tú Anh lại chạy xe ra rước chúng tôi về. Thôi thì cứ quấy rối các cô nàng vài ngày, chỉ có ba ngày thôi mà. Hôm nay là ngày thứ nhứt rồi, còn hai ngày nữa. Sang ngày sau, Cúc sẽ đưa chúng tôi sang tận bên Washington để xem thủ đô của nước Mỹ coi thế nào?
Sáng sớm, Vân bạn Cúc đến, thì ra đây là bạn đồng hành cùng chúng tôi. Cúc lo tươm tất thật, cô nàng nầy sợ đoàn đi đông mà tiếng Anh thì “giỏi quá” cho nên rủi thất lạc thì “vô cùng tai hại” cho nên Cúc là người dẫn đầu, Vân là người đi sau cuối. Xong, chúng tôi tháp tùng cùng 3 xe. Xe của Huấn (chồng Cúc), Vân và Cúc chạy đến Car park. Đậu xe ở đó, rồi Cúc, Vân dẫn đoàn đón Metrorail để đi về Washington D.C. Đây là lần thứ hai tôi “được” đi Metrorail. Lần thứ nhất vào năm 2001, khi ba tôi cùng hai vợ chồng tôi sau khi ra khỏi đất Mỹ thì sang Áo với gia đình Cô Út của tôi ở Bregenz. Từ đó chúng tôi lại sang Paris, ngày trước anh Ba Hòa dẫn tôi đến và lên đỉnh Tháp Eiffel, và ngày sau chị Ba đưa đi Viện Bão Tàng Louvre, quận 13 nơi có đông người Việt buôn bán thì chúng tôi cũng đi Metrorail.
Chúng tôi mua vé cả ngày và đón xe điện về Washington. Tuyến xe của chúng tôi phải chuyển sang chuyến khác mới về ga Trung ương gọi là Union Station Metro. Khi chuyển sang chuyến Metro khác, một điều làm tôi hú hồn và người ta cũng sợ cho tôi, nhưng chiếc Metro chỉ “giỡn” thôi vì khi tôi bước vào thì nó khép cánh cửa lại, nó kẹp phân nửa chiếc giày chân sau của tôi trong tư thế tôi đang bước, làm tôi không thể rút chân ra mà cũng không thể lấy chiếc giày được và cửa cũng chẳng đóng được luôn. Tuấn, vợ tôi và tôi cố đẩy cửa trở ra nhưng cũng không được, nhưng trong chốc lát cửa bỗng nhích ra tôi mới lấy cái chân và vào hẳn trong toa. Xe điện chạy để sót lại 4 người cho chuyến sau.
Ra khỏi xe điện ngầm lên một thang máy cao, chúng tôi trên đường ra cửa gặp ngay mấy quầy bán vé xe buýt đi tour, Cúc dẫn đoàn đến mua vé ở Big Bus B, rồi đón xe đi vòng quanh thành phố.
Đầu tiên là đón chuyến chạy qua Điện Capital (Tòa nhà Quốc Hội) để xem cách kiến trúc nguy nga tiêu biểu của thủ đô Hoa Kỳ cùng những công viên chung quanh. Điện nầy được Tổng Thống George Washington đặt viên đá đầu tiên vào ngày 18/9/1793 và xây theo bản thiết kế của nhà thiết kế tài tử Dr. William Thornton, người thắng cuộc trong cuộc thi gồm 17 người tranh giải, và hoàn tất vào năm 1827. Giữa những năm từ 1851 đến 1862 điện Capitol được mở rộng và cái vòm mới được thêm vào; và mặt tiền phía đông được thêm ra vào năm 1958.
Điện Capitol được khoảng 68 acres (27 hecta) công viên bao quanh, các công viên nầy được thiết kế do Frederick Law Olmsted với những cây quý, vòi nước phun cùng nhiều tượng nhất là nhóm tượng biểu hiện cho Sự Tự Do (the Statue of Freedom). Sau đó thì xe buýt chạy về Đài tưởng niệm Washington mà người ta thường hay gọi là “cây bút chì” vì hình dáng giống như cây bút chì, chúng tôi xuống ở đây để chụp hình kỷ niệm với “cây bút chì” đó. Cây bút chì nầy được xây dựng khoảng giữa những năm 1848 đến 1884 bằng đá cẩm thạch trắng cao 169 m, mỗi năm có hàng triệu người đến viếng qua. Nó cũng là cột mốc lâu nhất của nước Mỹ mang tính cách lịch sử cùng hình dáng lạ. Phía trên cao của nó là nơi để du khách có thể quan sát cả khung cảnh của Thành phố Thủ đô. Xung quanh có 50 trụ cờ treo cờ Hoa Kỳ tượng trưng cho mỗi tiểu bang trong Liên bang.
Chụp hình xong lại trèo lên xe buýt để đi sang chỗ khác. Nhưng lại đi lộn đường, xe chạy đến đền tưởng niệm Tổng Thống Abraham Lincoln, chúng tôi chỉ chụp hình bên ngoài từ hai phía, chụp lấy đền và chụp qua hồ nước, lấy góc cạnh về Washington Monument cùng điện Capitol ở xa xa mà không đi vào phía trong. Theo tài liệu thì bên trong có tượng Tổng Thống Abraham Lincoln ngồi, bằng đá cẩm thạch cao 19 foot (5m8) do nhân dân Ý tặng nhân dân Mỹ, phía dưới có khắc dòng chữ “IN THIS TEMPLE AS IN THE HEARTS OF THE PEOPLE FOR WHOM WHO SAVED THE UNION THE MEMORY OF ABRAHAM LINCOLN IS ENSHRINED FOREVER.”
Xong, chúng tôi lại đi bộ theo con đường bên hồ hình chữ nhật phía trước đền có tên là Abraham Lincoln reflecting pool để đến hồ nuớc tưởng niệm WW II hình bầu dục xung quanh có các trụ mang tên các tiểu bang với hai cửa vòm, chính giữa có vài phun nước được khánh thành vào ngày 29/4/2004. Rồi chúng tôi lại đi trở về chỗ cũ lúc chụp hình “cây bút chì” nghỉ chân, đi vệ sinh trong chốc lát, rồi chúng tôi đi bộ đến trụ sở in tiền của Hoa Kỳ (Bureau of Engraving and Printing) ở trên đường 14th. Rất tiếc là mọi tour đi xem in tiền đã hết chỗ, thế là chúng tôi chỉ được vào xem tổng quát ở bên ngoài và mua đồ lưu niệm thôi.
Sau đó, chúng tôi đón xe buýt Big Bus B đi tiếp vì vé có giá trị cả ngày. Xe đưa chúng tôi cùng du khách đi một vòng qua các địa điểm Thomas Jefferson Memorial, băng qua cầu qua sông Potomac đến vòng ngoài của Ngũ Giác Đài (hay Lầu Năm Góc), rồi nghĩa trang Arlington, đến khu Georgetown nơi định cư đầu tiên của người da trắng vào thế kỷ 17 mà bây giờ Georgetown là một phần của Washington D.C. Khi xe về đến gần Chinatown chúng tôi xuống và đi bộ đến đó xem qua và kiếm chỗ để ăn vì cũng quá trưa rồi (gần khoảng 2 giờ trưa).
Rời nhà hàng, chúng tôi thả lần đi về White House nơi mà Tổng Thống Mỹ làm việc. Mặt tiền phía bắc
quay mặt ra Lafayette Square là hướng mà chúng tôi đến. Còn mặt phía nam thì quay mặt với The Ellipse. White House được vẽ và xây cất do kiến trúc sư người gốc Ái Nhĩ Lan là James Hoban, bắt đầu xây từ 13/10/1792 và hoàn tất vào 1/11/1800, và là nơi ở của Tổng Thống Mỹ từ năm 1800 bắt đầu John Adams, và Thomas Jefferson 1801. Vì nghe rằng khách du lịch có thể vào viếng được trong White House, nhất là trong White House rất rộng có đến 6 tầng và diện tích tầng dưới rộng đến 5100m2, với 132 phòng, 35 nhà tắm, 412 cánh cửa cái, 147 cửa sổ, 28 lò sưởi, 8 cầu thang, 3 thang máy… nên chúng tôi cố gắng xin phép vào để tham quan, nhưng bất thành. Nhưng nếu xin phép có được thì ngày ấy cũng chẳng được vào vì trong Nhà Trắng lúc đó Tổng Thống Obama đang đón tiếp ông Tập Cận Bình. Còn bên ngoài thì người dân Tây Tạng, nhóm Pháp Luân Công có luôn người Việt hải ngoại đang biểu tình phản đối, chống Trung Quốc lẫn Tập Cận Bình. Chúng tôi chỉ ngoài vòng rào chụp hình và đứng nhìn cả Tòa Bạch Ốc lẫn người biểu tình. Còn tôi thì cố gắng quay phim cái dịp may hiếm có nầy!
Trời cũng đã về chiều, chúng tôi kéo nhau ra trạm xe buýt để đón xe về ga chính mà đón xe điện ngầm để về nhà. Lần nầy đoàn chúng tôi đã có kinh nghiệm ở tôi mà cố gắng vào nhanh và gọn, không để cánh cửa xe điện kẹp chân một lần nữa. Về đến chỗ đậu xe cũng tối, nên Cúc và Huấn đưa chúng tôi tới luôn tiệm phở của người Việt ở một khu thương mại ăn rồi mới về nhà để tắm rửa và nghỉ ngơi. Cúc đem phim đám cưới của Ngọc Trâm (tên của Cúc) và Huấn ở tại quê nhà ra chiếu lại cho cậu mợ Chín và chúng tôi coi “ké” cùng. Đến khuya mới ngủ. Thế là xong một ngày nữa!
Sáng hôm sau, Tú Anh dậy sớm chuẩn bị cho mọi người món bún măng. Trong khi đó thì có điện thoại đến: Thì ra Thu Mỹ (tên Thu lai Mỹ) cùng hai đứa con gái lái xe từ bang Pennsylvania gần New York sang để thăm chúng tôi. Sau khi ăn uống xong, chúng tôi lên xe của Thu, Cúc, Huấn để đi khu thương mại của người Việt ở trên đường Wilson Boulevard thuộc Falls Church của Tiểu bang Virginia. Chúng tôi vừa đi tham quan cho biết sự tình, đồng thời mua chút ít đồ. Từ đây Thu Mỹ cùng hai đứa con gái từ giã chúng tôi để lái xe trở về Pennsylvania. Và chúng tôi về đến nhà Cúc, Tú Anh vào khoảng 2 giờ sửa soạn đồ đạc để ra xe taxi, cùng xe Cúc, Huấn đưa ra phi trường và đón chuyến bay đi Las Vegas. Chuyến bay của United sẽ cất cánh vào lúc 5 giờ 25. Chúng tôi lại giã từ Cúc, Huấn và Tú Anh với tấm lòng đầy sự tri ân!

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
12/11/2015.

No comments:

Post a Comment