Friday, December 18, 2015

*Mỹ Du. (5)




Đập thủy điện Hoover nầy (theo tài liệu) được xây dựng ở ranh giới của 2 Tiểu bang Nevada và Arizona trên sông Colorado thuộc khu vực Black Canyon. Đây là một đập coi như là lớn nhất thế giới lúc bấy giờ khởi xây dựng từ 1931 đến 1935 và vận hành vào năm 1936 để ngăn lụt lội, chứa nước tưới cho khoảng 2 triệu mẫu Anh (acres), thủy điện và là nơi để phục vụ cho du lịch và giải trí, vui chơi. Khởi thủy kế hoạch nầy được gọi là Boulder Canyon Project bắt đầu thành hình từ năm 1922 với đại diện của các tiểu bang Colorado, Wyoming, Utah, New Mexico, Arizona và Nevada và đại diện chính quyền là Bộ Trưởng Thương Mại lúc bấy giờ là Herbert Hoover. Kế hoạch nầy bị tranh cãi mãi cho đến tháng 12/1928 mới được Tổng Thống Calvin Coolidge chấp thuận thực hiện. Đến năm 1930 dự án xây cất nầy đổi tên là Hoover Dam tên của Herbert Hoover (lúc nầy đã là Tổng Thống thứ 30 của Hoa Kỳ nhiệm kỳ 1929 - 1933) để ghi nhận những nổ lực của ông trong việc xây dựng đập. Nhưng tên nầy mãi đến năm 1947 mới được thông dụng.
Đập Hoover là đập vòng cung được xây bằng bêtông kiên cố có chiều cao 221.4 m dài 379 m. Chân của đập rộng 200 m, và chiều rộng vòng trên mặt là 14 m để làm đường giao thông. Nhưng sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001, chính quyền quyết định xây một cầu bêtông với hệ thống dây cáp để thay thế cho đường đi qua đập được hoàn thành vào 2010. Tuy nhiên sự giao thông qua đây vẫn bị khám xét kỹ càng cùng có vài giới hạn.
Việc xây đập nầy cũng là một kỳ công trong thời kỳ Đại khủng hoảng kinh tế của thế giới. Hợp đồng xây đập được thầu bỡi công ty Six Companies mới được thành lập do sự kết hợp của 6 công ty lớn dưới sự điều hành của Frank Crowe.
Công trình xây đập chia làm nhiều giai đoạn: Xây dựng nền móng, chuyển hướng chảy của dòng sông, phá các bờ đá, đổ bêtông và dựng các cột phát điện. Bước khó khăn đầu tiên là phải nổ phá vách để tạo bốn đường hầm thay đổi dòng chảy cho nước sông: Hai đường bên vách núi phía Tiểu Bang Nevada, và hai đường bên phía Tiểu Bang Arizona. Mỗi đường hầm có đường kính là 17 m. Chiều dài tổng cộng khoảng 5 km. Khi hai đường hầm đầu tiên được hoàn tất thì đá nầy được tạo thành hai bờ đập nhỏ để ngăn nước tràn vào để bảo vệ công trình đang xây dựng không bị sạt lở vào tháng 11/1932. Bước thứ hai là phá bỏ, dọn dẹp những phần đá rời dễ sạt lở khỏi vách đá để tạo cho nền đập vững chắc về sau. Công việc nầy đòi hỏi công nhân phải leo dây lơ lửng, làm việc ở độ cao hơn 200 m từ đáy của khe núi với các máy phá đá và chất nổ. Xong công việc đào móng tiến hành. Cả 1.1 triệu mét khối đá được đi dời. Đến ngày 6/6/1933 mẻ ximăng trộn đầu tiên được đổ xuống trước thời hạn dự định là 18 tháng. Ximăng được trộn tại chỗ và vận chuyển xuống công trường trên một trong 5 đường cáp cứ 78 giây một. Ximăng được đổ thành những khối hình thang mỏng khoảng 15 cm liên kết nhau từ dưới nâng lên từ từ và được làm nguội bằng những ống dẫn nước từ phía bên trong và giữa các khối bêtông để tránh sự rạn nứt, cong khi ximăng nguội. Mẻ ximăng cuối cùng được đổ lên mặt để hoàn tất vào năm 1935. Ngày 30/9 Tổng Thống Franklin Roosevelt kỷ niệm công trình hùng vĩ nầy với đám đông chừng 20,000 người. Khoảng 6.6 triệu tấn ximăng đã được dùng đến, bằng số lượng đủ để tráng con đường từ San Francisco đến New York; và sử dụng đến 21,000 nhân công cho công trình nầy với 112 người đã bị chết trong thời gian thi công.
Lượng nước ở các hồ chứa, nhất là hồ Mead đủ tưới tiêu cho 2 triệu mẫu Anh đất trồng trọt. Với 17 tuộcbin phát điện đủ cung cấp điện cho 1.3 triệu nhà. Hoover Dam thu hút khoảng 7 triệu du khách hàng năm và Lake Mead là nơi vui chơi giải trí tiếp nhận chừng 10 triệu khách vãng lai.

Tôi đi lên đập cùng đứa cháu ngoại nhỏ Jessica, chúng tôi đi vào một cái cầu treo nhỏ dành cho người đi bộ, đi đến giữa cầu nhìn xuống đập ở dưới kia. Đứng trên nầy chỉ thấy hình dáng của nó là như vậy chứ không thấy được sự hùng vĩ của nó cũng như các chi tiết, nhưng chúng tôi cũng đâu có thì giờ vì tour chính của chúng tôi là West Rim ở Grand Canyon kia mà. Nơi đây chỉ là ghé qua để cho biết mà thôi. Chúng tôi cũng như bao nhiêu người khác chỉ nhìn tổng quát và đứng làm duyên, làm dáng để chụp một số hình làm kỷ niệm. Tôi chụp cho cháu ngoại vài tấm ảnh, rồi tôi cố thu hình vào máy quay phim để có cớ nói dóc, khoe khoang với bạn bè. Độ chừng mười mấy phút chúng tôi phải trở xuống, tập hợp lên xe và còn phải đi đoạn đường xa nữa để đến Grand Canyon. Xe phải chạy ngược lại, nối vào con đường 93 và đi về hướng đông nam vào địa phận phía Tây Tiểu Bang Arizona. Với những đồi núi, thung lũng sâu của vùng nầy có màu hơi sẫm nên người ta gọi là “Black” đó chăng? Địa chất ở đây sao có vẻ bời rời bợt rợt quá gần như kết cấu gồm cát, sỏi, đá nhỏ mà thiếu chất mầu mỡ kết dính cho nên cỏ cây không thể tốt. Ừ tôi quên nơi nầy là sa mạc cơ mà. May không mưa nhiều, hoặc gió lớn thường xuyên thì địa hình ở đây còn bị xâm thực mà thay đổi nhiều hơn nữa. Chắc vì vậy mà dòng Colorado qua quá trình lịch sử mới đào sâu xuống mãi dưới kia để tạo khu vực rộng lớn từ đây trở lên trở thành Grand Canyon.
Dọc đường tôi thấy cũng không có bao nhiêu là cây lớn, đa số là cỏ thỉnh thoảng một ít cây cao chắc không hơn 2 m trừ ở những nhà ở có nhiều cây trồng thì cao thôi. Hai bên đường thì phía tay phải có vài đồi núi, phía tay trái thì vùng đất bằng cỏ nhiều trãi dài vào dãy núi ở xa xa. Tôi nhớ lại khi đi lên vùng đất đỏ trung tâm nước Úc dù cũng là sa mạc nhưng cây cối còn khá hơn ở đây. Dọc đường bà tài xế mở băng hình về việc kỳ công xây dựng skywalk cho chúng tôi xem; nhưng vì tiếng Anh của mình “quá giỏi” nên tôi không hiểu được mà đâm ra chỉ nhìn cảnh và quay phim mà thôi! Tôi cứ nghĩ với đất đai như thế nầy thì người dân định cư ở đây sẽ sống bằng nghề gì mặc dù họ ở không nhiều.
Xe chạy đến Dolan Springs thì rẽ trái vào con đường Pierce Ferry Road là con đường sẽ dẫn đến West Rim của Grand Canyon. Trên con đường tôi thấy loại cây khá lạ giống như xương ong (cactus) nhưng các lá tương đối lớn hơn, từng chùm, sau tìm trên hình ảnh mới biết cây ấy có tên là Joshua Trees.
                                                                    Joshua Trees

Khoảng chừng 10.30 giờ chúng tôi đến nơi và được dặn dò vào khoảng 3 giờ chiều tập hợp đến xe buýt để trở về. Và lúc nầy tôi mới biết mảnh giấy có số được dán lên áo là nhận định chúng tôi đi tour nào mà người ta phát vé. Tour của chúng tôi là: “All Grand Canyon west tour”. Chúng tôi được phát mỗi người hai vé: Một vé cho chuyến đi vào Hualapai Ranch và một vé dành cho Skywalk. Xong chúng tôi ngồi đợi chuyến xe buýt đưa vào Hualapai. Hualapai được tổ chức như một nơi của những người cao bồi giống trong các phim cao bồi mà chúng ta thường thấy. Với những doanh trại, cửa hàng và nơi tập luyện cưỡi ngựa. Ở nơi nầy trời nắng chói chang làm chúng tôi cũng làm biếng đi khắp mặc dù nó cũng không là lớn lắm. Ngồi uống nước rồi đợi xe đến mà trở về Canyon.

                                                                          Canyon
Khi về đến Canyon chúng tôi cả đoàn dẫn nhau vào đi skywalk. Muốn đi lên skywalk chúng tôi phải vào một khu văn phòng và vào một phòng gởi đồ kể cả máy chụp hình lẫn máy quay phim và có vớ tạm dùng để bọc đôi giày lại, chắc người ta sợ làm bẩn hoặc trầy những tấm kính lót trên skywalk. Xếp từng hàng một để đánh một vòng từ bên nây qua bên kia. Ở đây có nhiều người thợ chụp hình họ chụp để lấy tiền, thì ra người ta sợ du khách đánh rớt những vật dụng làm hư hại đến skywalk hoặc rớt xuống vực thì tạo ô nhiễm môi trường. Tôi không nhớ rõ là điện thoại có cho đem vào không nhưng chẳng có ai dùng điện thoại để chụp hình hay quay phim cả. Du khách đi qua và chỉ nhìn thôi. Ngó xuống dưới chân để nhìn xuống vực thì cũng không thấy rõ ràng vì phải qua độ dầy của kính, nên chỉ nhìn ra bên ngoài thì dễ thôi. Lóng nhóng cũng đã đến vòng bên kia, thế là tour đi lên skywalk hoàn tất, chúng tôi lấy lại đồ đạc, bỏ vớ bọc giày rồi đi ra ngoài khu mua đồ lưu niệm.
Theo tài liệu quảng bá thì Skywalk là cái cầu hình móng ngựa (bán nguyệt) có thành và nền bằng kính, kính nền lót trên khung thép chắc chắn được xây ở Eagle Point, bờ phía tây của Grand Canyon, chi phí ước tính 40 triệu đô được mở ra công cộng vào ngày 28/03/2007. Nhưng người đi trên cầu đầu tiên là phi hành gia không gian Buzz Aldrin đi vào ngày 20/03/2007. Cầu có độ cao 1,200 m so với nền của Canyon và khoảng trên 21 m (70 feet) so với mặt đất ở đây. Người ta xây skywalk với độ tính chịu được sức gió 100 mph ở mọi chiều hướng, lẫn chịu được những trận động đất tới 8 magnitude. Mỗi tấm kính lót chịu được 800 người; nhưng chỉ cho phép không quá 120 người trên cầu cùng một lúc. Người ta xây skywalk để du khách được thích thú xem bên ngoài và kỹ hơn về vách núi, vực sâu của Grand Canyon.
Sau đó, chúng tôi đi ra ngoài để ăn uống đôi chút, và tôi quay cảnh người Thổ dân da đỏ Hualapai đang trình diễn nhạc cùng vũ điệu của họ; đồng thời quay những mẫu “chỗ ở” được trưng bày vài nơi từ chỗ trú đơn sơ bằng cây lá, thân cây dựng lên hay có vải quấn chung quanh để làm lều. Xong, chúng tôi lại lên xe buýt để đi đến Hwal’ Bay Nyu Wa tức Guano Point. Ở đây có nhiều con diều bay lượn trên bìa vực. Cảnh nhìn cũng được rõ ràng hơn ở Eagle Point. Dưới sâu kia là dòng Colorado phản chiếu ánh nắng lấp lánh, còn hai bên là vách núi cao màu đo đỏ. Tôi ghi lại nhiều đoạn phim ở khu vực nầy vì nó tương phản và rõ nét đặc thù của Grand Canyon hơn. Chúng tôi đón xe buýt trở về lại nơi Skywalk và thong thả ở đó đợi đến giờ lên xe buýt. Đúng 3 giờ chúng tôi lên đầy đủ trên xe buýt và xe khởi hành về Las Vegas. Thế là, tôi đã được đến Grand Canyon ở trên đất Mỹ một lần, mặc dù chỉ riêng vùng West Rim!

Theo tài liệu thì Grand Canyon được UNESCO công nhận là một di sản của thế giới. Trong những địa tầng nằm ngang của nó ẩn chứa lịch sử địa chất cả 2 tỉ năm trước, cùng chứa đựng dấu vết tiền sử của loài người thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt ở đây. Canyon được đề nghị thành National Park vào năm 1919 bỡi một đạo luật của Quốc hội và là một trong những National Park đầu tiên của Hoa Kỳ. Các sườn dốc, rãnh xoắn do sông Colorado đào sâu gần 1,500 m vào các tầng đá tạo thành hẻm vực ngoạn mục. Toàn Canyon dài 445.8 km được thành hình trong khoảng 6 triệu năm của hoạt động địa chất và sự xâm thực của sông Colorado trên lớp võ trái đất được nâng lên với độ cao 2.5 km so với mực nước biển. Hẻm núi có chiều rộng từ 200 m cho đến 30 km chia Park làm North Rim, và South Rim với nhiều mô đất, chóp cao, núi mặt bằng nhìn từ những đường rìa.
Sự xâm thực vẫn còn liên tục dù từng lúc hay thường xuyên để tạo thành những thác nước hùng vĩ hay cuốn trôi đá cuội dọc theo chiều dài của hẻm vực hoặc lưu vực sông. Những tầng địa chất nằm ngang bị xâm thực được phô bày vào khoảng 2,000 triệu năm của lịch sử cung ứng sự hiển nhiên của 4 thời kỳ: Precambrian, Palaeozoic, Mesozoic, và Cenozoic.
Canyon là một bão tàng khổng lồ về 5 khu vực đời sống và thực vật: Trên 1,000 mẫu thực vật đã được tìm thấy cũng như nhiều loại có nguy cơ biến mất. Park là nơi ở của 76 loài có vú, 299 loài chim, 41 loài bò sát và 16 loài cá sinh sống ở sông Colorado và các lưu vực.
Ngành khảo cổ còn tìm được những chứng cứ chứng minh sự thích nghi của đời sống xã hội con người trong môi trường khắc nghiệt và khung cảnh ở đây với 2,600 tài liệu tiền sử kể cả sự hiện diện văn hóa Archaic (cư dân sớm nhất vùng nầy), Cohonina Indians ở dọc South Rim; Anasazi Indians ở South và North Rim, Hualapai và Havasupai Indians đã đến Canyon và sống yên tĩnh cho đến khi người da trắng xâm nhập vào đây năm 1860.
The Grand Canyon được bão tồn lần đầu tiên vào năm 1893 như bão tồn rừng, nhưng về hầm mỏ và săn bắn vẫn còn được phép tiếp tục cho đến năm 1906 và đến năm 1908 thì chấm dứt.
Tùy theo độ cao mà khí hậu và cư dân có thể thay đổi từ khí hậu sa mạc cho đến khí hậu vùng núi.
Vật hóa thạch tìm thấy có thể từ những cây cối lúc ban đầu, sinh vật biển, trái đất (terrestrial specimens), loài bò sát cổ đại, cùng vài loài có vú khác.
Trên đường về tôi nhìn kỹ lại về những nhận xét đất đá của tôi ở khu vực đập Hoover và quan sát các kiến trúc làng xóm phía đông của Las Vegas để kiểm chứng nhận thức của mình.
Tối nay, Tin và Ngọc đãi chúng tôi bữa ăn cũng ở nhà hàng Kim Long đầy đủ mọi người với Nga và Phượng, để ngày mai chúng tôi sẽ từ giã Thành phố Cờ Bạc trong sa mạc nầy mà sang mục tiêu chính của chuyến đi là Salt Lake City thuộc Tiểu bang Utah.

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
19/12/2015.

Wednesday, December 16, 2015

*Tôi Đi Lang Thang!

*Tào Lao Thế Sự! (tt)



Tôi không hiểu một ngày kia mình ăn phải thứ gì không biết, thế mà thân thể tôi ngứa ngáy không cùng, tay chân trở nên cứng đờ, người đi không vững. Tôi đành phải bò ra ngoài và té quỵ bên cạnh hàng rào. Không biết bao lâu thì tỉnh dậy, tôi thấy mình đói quá đành đi kiếm gì để ăn, mà tại sao tôi không đi vào trong nhà nhỉ? Tôi đành đi ra ngoài đồng xa, đi đến một dòng nước. Vì khát nước tôi đến bên bờ khum xuống để uống thì: Ôi thôi! Sao tôi lại giống một con dê quá chừng! Đầu tôi có hai cái sừng nho nhỏ, mỏ dài ra và ở cằm cũng có một chùm râu. Đúng là một con dê đực rồi! Tôi lại đi bốn chân, đầu bàn chân cũng có móng. Tôi gặp người, tôi hỏi người ta không thèm trả lời, họ cứ tỉnh bơ mà đi qua. Buồn quá, tôi lửng thửng đi mãi khi nào khát thì kiếm nước vũng hay nguồn suối nào mà uống, đói thì đến chòm cây nào đó mà ăn lá. Tôi không còn về nhà nữa, vì bây giờ tôi thuộc loài khác rồi. Đi mãi mặc cho mưa nắng, đường sá xa xôi; May một cái là người ta không bắt trộm tôi để làm thịt, tuy vậy tôi vẫn có nhiều lo âu!
Đi đến một cánh đồng cỏ tươi tốt kia, tôi đi vào đó vui chơi và ăn rông theo bờ rào. Một lúc tôi gặp một chú bò chú hỏi tôi:
-Ê! Mầy là con dê đực phải không? Mầy ở đâu mà tới đây vậy? Tại sao mầy lọt vào đây? Ai cho mầy vào? Mà mầy có lo lót chưa?
Tôi ngẫm nghĩ: Ngộ thiệt, loài vật bây giờ cũng biết lo lót, đòi hối lộ như loài người. Vậy loài vật và loài người bây giờ cũng giống nhau sao? Tôi lặng thinh không thèm trả lời, tôi cứ tự nhiên vì loài vật là loài sống theo tự nhiên của bản năng và nơi nào cũng là của thiên nhiên thì loài vật được quyền để sinh sống. Tôi mặc kệ chú bò, nó tức tối gầm lên “Úm bò”, tôi lại chọc tức nó bằng giọng cười nham nhở của tôi “be he..he…e…e..e”, tôi cố tình kéo dài tiếng he..e.. để cho nó hiểu rằng tôi chế nhạo nó đó. Nó lại thêm bực bội càng rống lên để lôi kéo bạn bè nó từ xa đến đây. Tôi đâu sợ chúng nó đâu. Thân chúng nó to như vậy chứ nó vẫn không lẹ bằng tôi. Chúng muốn hiếp đáp tôi đâu phải là dễ, tôi sẵn sàng cho cả bọn nó phải đối đầu nhau nếu chúng nó cố tình chơi, hoặc dùng sức mà ăn hiếp tôi. Xa xa có nhiều chú hươu cao cổ vươn đầu lên những ngọn cây cao mà quấn quít những lá non trên đó. Ụa, sao lại có loài khủng long ở đây nữa kia. Loài nầy đã chết tiệt từ lâu rồi mà! Sao nay lại xuất hiện ở đây. Những con bò coi bộ ngán loài hung tợn nầy lắm! Bò chỉ ăn hiếp tôi thôi, chứ nó hơi lánh xa các loài hung dữ đó. Tôi làm bộ hiền lành đến bên mấy con bò làm quen với nó hỏi:
- Ê nầy bò, tụi bây ngon chỉ ăn hiếp tao thôi! Tại sao tụi bây không đuổi mấy con hươu cao cổ hay mấy con khủng long đó cho nó biết tay!
Bò liền than:
-Tụi tao đã ra sức đuổi nó rồi đó chứ! Nhưng nó không đi thì tụi tao phải làm sao đây. Chúng nó thật cú lì, thôi thì kệ cha nó!
Tôi nghĩ trong bụng thì ra trong thế gian nầy ai có sức mạnh và cú lì thì dễ đạt được thành công theo ý muốn của mình, mà liều nữa thì người khác sẽ hoàn toàn thất bại dưới tay mình! Tôi lại hỏi đám bò:
-Thế tại sao tụi bây đòi đuổi tao và đòi hối lộ tao nữa? Làm như cánh đồng cỏ nầy là của tụi bây vậy!
-Tất nhiên, cánh đồng cỏ ở đây là của tụi tao chiếm hữu, nhất quyết không cho đám nào khác giành lấy. Mầy thấy không, tất cả bò tụi tao trong nầy đều được đóng dấu trên mông đít, và lỗ tai đứa nào cũng được đeo thẻ làm dấu ấn. Nếu bò khác mà vào đây cũng không được tin dùng, dù cho nó có tài cách mấy đi nữa thì nó cũng chỉ là kẻ ngồi chơi xơi nước thôi. Nó chưa chắc được một ngôi thứ cỏn con nữa, chứ làm sao mà được làm lãnh đạo, được vị trí xứng đáng để thi thố tài năng. Tốt nhất nó nên cút đi, đừng bén mảng đến đây! Còn nếu bò ở đây mà không được đóng dấu và đeo thẻ vào lỗ tai thì dù có tài thì cũng nên đi chỗ khác thôi, muôn đời nó chỉ là “phí tài vô ích” chẳng bao giờ được trọng dụng đâu! Đừng mơ tưởng hão huyền!
Lúc đó tôi mới hỏi chơi:
-Còn tao thì sao? Tao có nhiều khả năng đóng góp đó, tao có thể làm rạng danh cho tụi bây!
Bò trong lúc cao hứng:
-Mầy chỉ là một loài “vô danh tiểu tốt”, vô đây đã bị người ta lưu ý rồi mà còn làm phách. Bọn mầy chỉ có nước lủi thủi đi ăn ké thôi!
Tôi ngẫm nghĩ: Ừ, mình vô tích sự thiệt, thì làm gì mà có khả năng để thử nó coi nó đối xử mình ra sao? Tôi nghĩ cách để chọc giận nó chơi:
-Ê, tụi bây giỏi lắm thì cũng chỉ là một lũ bò. Người ta nói “Ngu như bò”, ngu như tụi bây là phải, cho nên tụi bây chẳng làm chuyện gì nên tích sự mà lúc nào cũng tưởng mình khôn. Quả thật người xưa nói: Người khôn biết mình khôn thì đã đành, người ngu mà biết mình ngu để sửa đỗi thì là người khôn. Còn người ngu mà thấy mình khôn mới chết thiên hạ, vì vậy mà thiên hạ điêu đứng tang thương cũng tại vì lũ bò tụi bây!
Tôi nói tới đó, tụi nó tức quá, xúm nhau ví tôi chạy có cờ. Tôi cố sức “ba chân bốn cẳng” sải thật nhanh để thoát thân. Chạy nhanh quá, tôi luýnh quýnh trẹo chân chỉ còn chạy được hai chân và thở hổn hển. Phía sau đám bò ví đến nơi, tôi hoảng hồn hét lên!...
-Anh, anh! Anh làm gì vậy!
Tôi giật mình bẽn lẽn! À! Thì ra tôi lại nằm mơ!

Đồ Ngông,
17/12/2015.


*Chiếc Bình Xưa Đã Vỡ!

*Thơ Đồ Ngông! (tt)



*Mai Ta Về…!

Mai ta về suy gẫm
Trong cuộc đời thương đau
Ta đem đến bao sầu
Cho người trên nhân thế!

Mai ta về suy tư
Cho đến lúc giã từ
Làm được gì lợi ích
Để người người an vui!

Ta mơ mơ mộng tưởng
Cứ đeo đuổi viễn vông
Cứ xoay trở vòng vòng
Rừng người trong khốn khổ!

Đồ Ngông,
17/12/2015.



*Chiếc Bình Xưa Đã Vỡ!

Chiếc bình xưa đã vỡ
Mình cứ mãi mộng mơ
Ôm bình xưa nuối tiếc
Ôm bình đến bao giờ!

Bình xưa thêu cảnh đẹp
Nét đẹp của Thiên đường
Nhìn qua màu ánh sáng
Phía sau đầy thê lương!

Con đường làm nô lệ
Kẻ lớn lại khiến sai
Cam tâm quỳ vâng phục
Để người phải lưu đày!

Đồ Ngông,
17/12/2015.


Saturday, December 12, 2015

*Quê Người! (5)




Khi trời tưng hửng sáng thì một vài thanh niên được lệnh từ ông chủ lội vào trong bờ để câu dây cho mọi người di chuyển lên bờ, có người rửa sơ thân thể qua nhiều ngày trong hầm tàu dơ dáy, rồi cùng nhau đứng lóng nhóng ở nơi nầy. Còn vài người nữa lên phá thủng cho tàu chìm. Trời sáng tỏ, dân địa phương bắt đầu bơi thuyền hoặc đi xuồng máy chạy qua lại khúc sông lấy làm ngạc nhiên lắm. Không lâu, lực lượng cảnh sát Mã Lai (chắc được dân địa phương thông báo) họ đã đến với vài chiếc xuồng nhựa. Sau khi làm việc, điều tra đoàn chúng tôi qua những người giỏi tiếng Anh thì họ nói ai đưa chúng tôi tới đây là không tốt vì bìa chân núi nầy là nơi có nhiều cá sấu. Họ khuyên nên cẩn thận và cho biết đây là cửa sông Dungun. Xong, cứ hơn mười người đi lên một xuồng nhựa để họ đưa về đồn cảnh sát gần đó. Đi lại cũng nhiều chuyến. Chúng tôi được tập họp ở một sân cỏ rộng của đồn. Những đội cảnh sát đang tập thể dục buổi sáng, coi bộ họ cũng có nét dữ dằn cùng với những bộ đồ rằn ri. Họ cho chúng tôi ăn nhẹ qua loa và để những thùng nước cho chúng tôi uống. Tôi vì khát nước quá nên uống hơi nhiều, sau đó thì bị chứng “nuốt cục” kéo dài trong nhiều ngày. Lập danh sách, kiểm tra người rồi thì chúng tôi được lệnh chờ người của “Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc” (UNHCR) đến nhận và chở đi về trại. Tất cả chúng tôi vừa lớn, nhỏ cả thảy là 123 người. Nghe mà giật mình, không ngờ cũng đông dữ vậy! Khoảng hơn mười giờ, người của cao ủy đến với ba chiếc xe buýt để tiếp nhận chúng tôi từ đồn cảnh sát bàn giao, và cho chúng tôi biết là số tàu thứ tự cặp bến của chúng tôi là PB 959. Từ đây con số nầy sẽ theo chúng tôi suốt con đường tị nạn. Cứ mỗi người một ghế không phải dồn ép đâu cả. Đoàn xe chạy về hướng bắc, trên đường cây cối xanh tươi, những đứa trẻ con vui vẻ cười nói vang rân; tôi lại nghĩ về vợ con tôi mà những giọt nước mắt tuôn ra, lòng ngậm ngùi. Xe chạy chắc hơn tiếng đồng hồ mới về đến một nơi tập trung khác dọc đường, kế biển có tên gọi là Marang. Đây là trại trung chuyển. Từ đây để chuyển ra đảo Bidong, hay từ đảo Bidong chuyển về đây để đợi lên đường về trại Sungai Bési ở Kuala Lumpur. Cao Ủy phân phát cho chúng tôi những đồ dùng cá nhân gồm kem, bàn chải đánh răng, xà bông, giấy đi cầu, khăn lau mặt, chén ăn cơm, đủa, muỗng và một cái sô nhỏ để tiện dụng. Khí hậu ở đây cũng không khác gì với Việt Nam là mấy. Tôi ngồi nhìn ra biển, có hai hòn đảo kế nhau, sao giống với hai hòn đảo mà những tàu Mã Lai đã đưa chúng tôi đến đó trước khi kéo tàu chúng tôi vào bờ; tôi cứ mãi ngờ ngợ, nhưng chắc là không phải. Ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi rồi chúng tôi tụ tập nhau mà tán gẫu. Có người am tường kể ngày xưa Mã Lai nầy thua xa miền Nam, nhưng bây giờ họ hơn mình nhiều. Tôi nghĩ hơn là cái chắc vì họ cứ mỗi ngày tiến lên; còn đất nước mình sau 30/4/75 thì phải đứng lại để tổ chức mọi cơ chế xã hội và lao động mọi thứ bằng chân tay, thiếu thốn mọi bề, kinh tế hoàn toàn đình trệ. Sản xuất thì không có, dân thì càng ngày càng gặp phải nhiều khó khăn từ đi đứng lẫn tiêu chuẩn làm ăn, đời sống càng ngày càng bi đát, bị kiểm soát không cùng. Nói chung mọi khía cạnh kinh tế đều đình trệ để nhà nước quản lý và sắp xếp, thế nhưng đâu phải suôn sẻ đâu, nay sai cái nầy, mốt sửa cái kia, tối ngày chỉ loay hoay để sửa đổi; dân chúng dần nghèo đói nạn trộm cắp bắt đầu hoành hành từ ăn cắp vặt cho đến cướp miễn người ta làm sao để bão toàn được mạng sống của mình. Người dân dần lì lợm không sợ đến luật pháp và sẵn sàng vi phạm luật vì sự sống. Người làm việc bắt đầu chôm chĩa của công để cung ứng cho mình, gia đình. Một xã hội rối loạn, một thời đại tang thương, mà người dân không thể nào lên tiếng được. Từ năm nầy đến năm khác, nên thay vì một đường hướng làm cho xã hội tốt hơn như trong lý thuyết thì trên thực tế ngược lại đã tạo một xã hội bất công không cùng, người bức hiếp người mà nạn nhân không hề được lên tiếng. Đó là chưa nói đến vấn đề chính trị! Nó còn phức tạp và nhiêu khê hơn nữa. Để củng cố thì phải không tin, ai cũng có thể là kẻ thù, nên quan điểm trong mọi việc cũng không có gì là lạ! Sự chuyên chính đã bóp chết tư bề! Tôi chỉ thở dài mà không hề góp ý, tôi lại nghĩ về thân phận của tôi và nhất là các con tôi, đó là lý do tôi có mặt ở nơi nầy.
Đêm nay cũng có một đoàn từ Bidong được phái đoàn Úc nhận chuyển đến để ngày mai chuyển về Sungai Bési, chúng tôi có nói chuyện với một ít người cùng học được vài kinh nghiệm lưu lạc. Có bà bầu trong đoàn Bidong sang giở chứng chuyển bụng sanh, cũng may cái ông mà ngày đầu trên tàu tôi kể ra nằm tắm nắng trên boong lại chính là ông bác sĩ: Bác sĩ Cương, ngày trước làm ở bệnh viện Sùng Chính ở Chợ Lớn, thế là ông trở thành vị bác sĩ đỡ đẻ ngay trong đêm đầu tiên ở Marang của Mã Lai nầy. Cuộc đỡ đẻ cũng đơn giản như đời của người tị nạn, chỉ lấy mền ngăn lại để ông bác sĩ giúp bà bầu đẻ ra em bé với những dụng cụ hiện có, thế thôi! Đó cũng là một nghĩa cữ cũng là một nhiệm vụ của một ông bác sĩ!
Đến bây giờ tôi mới biết cái ông ngồi đội nón ngồi ở cửa phòng lái cứ ngó ra biển mà buồn hiu, thì ra ông ta là người tổ chức và móc nối để tổ chức của nhiều chuyến đi. Ông ta không muốn nhưng bị bắt đi vì khi đưa ra cửa biển xuồng ông ta bị chặt đứt dây và tình thế ở cửa biển khiến ông ta không thể quay trở lại. Ông tiếc nuối những món nợ và tiền của ở nhà mà người nhà ông không biết; ông có ý sẽ xin về. Vài người khuyên ông đừng nên vì nếu ông trở về thì sẽ bị khó khăn ngay vì sẽ bị ghép về tội tình báo, ông bão rằng ông quen nhiều lắm, những người khuyên ông không dám nói nữa. Anh Kỳ xạo bây giờ mới ló tên thật là Tấn Triết trình độ tiếng Anh thì cũng tưong đối giỏi, nhưng hai người giỏi nhất có lẽ là hai anh em anh Tôn Huấn và Đức Hậu, vì hai anh vốn là Giáo sư Anh Văn của trường ở Mỹ Tho và Sài gòn. Tôi ngồi nói chuyện với anh Lộc, anh bảy Minh thêm khoảng thời gian nữa thì trời cũng quá khuya nên cùng nhau giải tán về chỗ ngủ để ngày mai được chuyển sang đảo.
Sáng sớm phái đoàn đi sang Kuala Lumpur phải đi sớm, họ dậy từ lúc khoảng 3 giờ để 4 giở khởi hành; còn chúng tôi thì trễ hơn. Mãi đến hơn 8 giờ, chúng tôi mới ra xe khởi hành lên Trengganu, xe chạy dọc bờ biển đến Trengganu mất khoảng một giờ. Chúng tôi đợi ở cầu tàu khá lâu thì chiếc đò đưa người từ đảo Bidong mới sang đến. Ở đây tôi đã quăng đồng tiền cắc không xài ở bến nước nầy để đánh dấu một lần tôi đã đến đây; nhưng chiếc đò mà tiếng Mã gọi là Blu-đát (tôi không biết nó viết như thế nào) chỉ chở được một số người, nên phân nửa chúng tôi phải ở lại để đi chuyến sau vào ngày mai. Tôi và số người nữa đành lên xe quay lại Marang thêm một ngày nữa. Đêm hôm qua đông quá trở nên ngột ngạt, ồn ào; đêm nay thì trở nên vắng lặng hơn, nên chúng tôi không thức khuya lắm! Và ngày mai chúng tôi đã được thông báo là không đi sớm mà đến tận đến trưa vì vậy chúng tôi không phải nôn nóng.
Cầu tàu trưa nắng chói chang, chúng tôi đứng nhìn ra cửa biển, người ta đổ đá xây thành một cái vòng cung chừa cái cửa để tàu ra vô. Đợi cũng khá lâu chiếc blu-đát mới đến để cho người xuống và chúng tôi mới lần lượt lên đò. Đò chạy ra cửa sông và lần ra biển tiến về hướng bắc. Không biết đảo Bidong cách bao nhiêu cây số mà chiếc blu-đát chạy cũng khá lâu mới đến được đảo Bidong. Chiếc blu-đát cặp bến, bến tàu là chiếc cầu gỗ được dựng dài ra biển, sau nầy mới nghe người ta gọi theo tiếng Anh là “jetty”. Chúng tôi lên cầu đi vào đảo. Nhiều người đứng nhìn chúng tôi như tìm xem có người quen hay không? Chúng tôi cũng không có thì giờ để nhìn xem, mà phải đi thẳng vào trong nhà gọi là Task Force của Mã Lai để làm thủ tục nhập trại. Vào trong chúng tôi ngồi để nghe người phụ trách nói chuyện. Ông ta chào mừng đồng bào đến bến bờ tự do nhưng “cũng thành thật khai báo” khiến bọn tôi hơi ngỡ ngàng hỏi nhau “đây là nơi đâu”?
Sau cuộc nói chuyện, chúng tôi được cho mỗi người một gói mì gói nấu sẵn, vừa ăn vừa kê khai để những người thiện nguyện ghi vào hồ sơ những lời khai báo của mình; xong xuôi thì được phân chia về những khu, dãy để chọn nơi ở trong thời gian còn ở đây. Tôi được đưa về Khu B ở chung với gia đình anh Thành, chị Dung, Hiếu, Hậu cùng hai thằng Minh đen và Minh trắng, tất cả những người nầy đều cùng một chuyến tàu vượt biên khởi đi từ Nhà Bè của Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, thì tin vui nhất của tôi ở nơi nầy chính là tôi gặp lại em ruột thứ út của tôi là Thành, nó đã đến đây từ hơn hai tháng trước. Tôi đã lên đảo tị nạn Bidong đúng ngay vào cái ngày mà cách đây 13 năm chính là ngày đám cưới của vợ chồng tôi (ngày 21/07/1970)!

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
13/12/2015.

Tuesday, December 8, 2015

*Mỹ Du (4).



*Las Vegas (Nevada).

Thường thì chúng tôi tính thời gian ra đến phi trường trước giờ bay là khoảng hai tiếng đồng hồ hoặc sớm hơn để được an toàn và không bị động trong mọi vấn đề vì đoàn khá đông. Cho nên, hôm nay chúng tôi đến phi trường sớm và đi vào khu vực check in để gởi hành lý cũng như lấy vé máy bay. Khi vào đến khu vực kiểm soát an ninh, tôi lại bị đuổi sang cổng khác. Tôi thắc mắc thì người kiểm soát nói tôi phải đi cổng đó vì trên vé máy bay của tôi có ghi chữ “Task pro”, tôi không hiểu là gì, nhưng tôi phải đi theo hướng người ta chỉ. Tôi cứ ngỡ là khi qua cổng kiểm soát đó thì sẽ vòng trở lại cổng mà vợ tôi cũng như người trong đoàn sẽ đi qua để cùng nhau đi đến nơi đợi máy bay sẽ khởi hành. Nhưng không như vậy, sau khi qua cổng kiểm tra, tôi phải đi theo hướng mũi tên chỉ dẫn đến con đường xa lạ không kết hợp với người trong đoàn. Đi mãi đến vào một khu ngồi đợi; nhưng không, đó là toa của một chiếc xe buýt. Xe đưa tôi đến cổng mà tôi sẽ ngồi đợi chuyến bay. Thế là tôi lạc với mọi người, tôi bốc điện thoại cho cậu mợ chín, thì cậu cũng trong tình trạng như tôi nhưng cậu có mợ và con gái đi cùng. Tôi điện thoại qua con gái tôi cho biết tôi đã vào trong rồi để mọi người vào không phải đợi tôi nữa, nhưng lúc đó vợ tôi mới phát hiện trên vé máy bay không có ghi số ghế nên trở lại quầy “Check in” để hỏi nó vì vậy mà phải đợi hơi lâu. Nhưng cuối cùng ở bàn “check in” cho biết đi vào cổng đợi máy bay ở bàn đó người ta mới cho số ghế. Thế là hú hồn, khiến chúng tôi lâm vào cảnh hoang mang! Nhưng cũng may sân bay lại bị kẹt như thế nào đó mà đình lại mất đi 20 phút, như vậy chuyến bay của chúng tôi sẽ cất cánh vào lúc 5 giờ 45 thay vì 5 giờ 25.
Ở Mỹ nầy mỗi lần di chuyển trong nội địa chúng tôi đều phải trả tiền cước phí 25 đô Mỹ cho mỗi kiện hàng ký gởi. Chúng tôi đến Las Vegas trên chuyến bay UA 1618 của hãng United Airline và đáp xuống phi trường vào lúc 7 giờ 50 chiều. Quả thật đúng là cái xứ cờ bạc trong sa mạc! Nơi nầy nó còn nóng dù là ban chiều, tuy nhiên nhờ phi trường đầy máy lạnh mà người ta cảm thấy dễ chịu và thoải mái mà chơi Pokies nơi những máy đánh bạc được bố trí khắp các chỗ ngồi đợi.
Hùng (chồng Dung, anh em cột chèo với tôi qua từ Tiểu bang Utah ) và thầy Phương (Thầy giáo dạy con gái tôi và Tố Dung đến từ Tiểu bang Florida) mướn chiếc xe Van lớn đã đến, tất cả đem hành lý chất lên và người lên xe để về khách sạn đã được “book” trước từ lâu. Riêng gia đình cậu Chín theo Phượng về nhà riêng của Phượng và Nga.
Đến khách sạn casino Excalibur trời đã tối, vừa kiếm đường đi vào đã khó mà kiếm chỗ đậu xe lại càng khó hơn. Chạy đi chạy lại chắc hơn 5 vòng nhưng vẫn chưa kiếm được chỗ. Cuối cùng phải sang bên kia đường để đi vào một “car park” riêng mà đậu, rồi vài người đi sang khách sạn tìm văn phòng để nhận phòng. Gọi là khách sạn Casino vì tầng dưới là “đủ món ăn chơi” (cờ bạc) trong casino để cho người ta đánh, còn các tầng trên là khách sạn và những phương tiện khác. Điều nầy đối với vợ chồng tôi không xa lạ vì 14 năm về trước vợ chồng tôi có biết lúc đến khách sạn Horseshoe Binion’s. Ở Horseshoe có tầng trệt toàn là hình thức cờ bạc của casino, tầng 2 và 3 là nhà hàng thức ăn tây, thức ăn tàu và các tầng trên là phòng ngủ của khách sạn. Chúng tôi đi vòng vòng mãi mới tìm được văn phòng để nhận phòng. Xong Thầy Phương và Hùng sang Car Park để lấy xe, chở mọi người sang cửa khách sạn để tải đồ đạc xuống và lên phòng rồi đi ăn. Để hấp dẫn cho du khách cũng như những người đi cờ bạc, casino ở đây đã nhiều mà cách kiến trúc lẫn trang hoàng, đèn đuốc trở nên là một nghệ thuật để lôi cuốn người ta, nên Las Vegas trở thành một thủ đô giải trí nhiều màu sắc và đa dạng khiến người ta phải đến một lần cho biết nhất là những người đã đến xứ Mỹ lại càng nên. Chúng tôi tìm đến quán phở Kim Long ở Chinatown, nhưng vì không biết đường và do sự trục trặc của GPS (máy định vị) nên đã chạy sang đường đi Cali. Đi khoảng rất lâu mới quay đầu trở lại và đến được Chinatown cùng quán phở là hơn 12 giờ khuya. Ăn xong, về đến khách sạn lúc quá 2 giờ. Ai cũng ngủ một giấc mê say vì mệt mỏi cùng quá khuya!
Sáng sớm thức dậy, sau khi hội ý Hùng, Phương tính chuyện chở mọi người qua khu Chinatown xem khu bán đồ rẻ cùng ăn điểm tâm ở đó. Xong, hỏi đường đi “outlets” ở Las Vegas. Ở đây, lái xe và mọi di chuyển đều do Thầy Phương phụ trách.
Chúng tôi đến “Las Vegas Premium Outlets” khoảng gần 11 giờ sáng và đi vòng vòng trong khu từ cửa hàng nầy đến cửa hàng khác để ngắm nghía, coi, chọn và cái gì được thì mua. Học làm dân sang cũng khó thiệt! Ở bên Úc những trung tâm như thế nầy không có, những hàng hiệu bán trong các trung tâm thương mại ít khi bán ganh đua như ở đây, cho nên lúc đưa chúng tôi lên Universal Studios, dọc đường Minh kể trước kia người từ Úc sang chơi thường “đi một về ba”. Tôi có hỏi tại sao vậy? Minh kể họ mua đồ nhiều lắm nên khi đi qua chỉ có một vali, khi về tới 3 vali lận. Bây giờ tôi mới hiểu rõ vấn đề vì khoảng thời gian ấy tiền Úc có giá trị tương đương với đôla Mỹ, nên hàng hiệu ở các outlets nầy giá cả tính ra rẻ hơn ở Úc, cho nên người ta mua nhiều là phải, chứ như bây giờ tiền Úc sụt giá khá nhiều nên tính ra giá cũng không rẻ hơn là mấy. Chúng tôi len lõi qua các cửa hàng một là để thỏa mãn hiếu kỳ, hai xem gì nới hơn mua về “mặc làm sang với người ta”; đồng thời làm kỷ niệm một chuyến đi khó có lần thứ hai nầy vì đa số đã già cả hết rồi!
Chúng tôi rời outlets lúc gần 3 giờ chiều để về nhà nghỉ ngơi rồi chiều nay còn đi đến nhà của Nga, Phượng nữa. Sau khi nghỉ ngơi được chừng hai tiếng đồng hồ chúng tôi sửa soạn lên đường đi xuống nhà của Nga, Phượng. Hôm nay là ngày trọng đại tình thầy trò giữa Thầy Phương, Cô Phượng là những Thầy, Cô dạy con gái tôi cùng Tố Dung và Hoàng từ tiểu bang Missouri về đây họp mặt, nhân con gái tôi đi sang Mỹ trong chuyến nầy. Hoàng về đây với vợ là Nga, Tố Dung từ Cali sang một mình, còn Thơ thì không đến được mà chỉ gặp con tôi ở Cali thôi, Thầy Phương từ Florida hẹn nhau ở nhà cô Phượng. Mấy mươi năm gặp lại có nhiều chuyện để nói. Một cuộc party gia đình được diễn ra tối nay mà tôi cũng chỉ là người “tham dự ké” thôi! Cách mười bốn năm Nga, Phượng cũng không khác mấy; hai cô nàng đã rước ba tôi và vợ chồng tôi từ phi trường và đưa về Khách sạn casino Horseshoe Binion’s ở trung tâm phía bắc của Las Vegas, nơi mà có vòm đèn điện tử hiện hoạt cảnh theo nhạc vào ban đêm ở Fremont Street Experience. Vào một buổi sáng, vợ chồng tôi đưa ba tôi thả bộ từ Fremont về Main Street đi dọc theo đường để xem những nét đặc biệt của từng Casino. Nhưng tôi lại không để ý đến khí hậu của vùng sa mạc Las Vegas nầy, nên khoảng hơn mười giờ trời nóng lên và gió nóng thổi về làm ba tôi phải cỡi nút áo, bạch ngực ra cho mát. Chúng tôi thả bộ qua khỏi Monte Carlo rồi ba tôi vì nóng quá nên chảy máu cam, tôi phải dừng lại, đúng lúc ấy có nhạc nước ở hồ rộng phía trước khu Monte Carlo, chúng tôi đứng xem cho hết một bản nhạc rồi đón xe buýt trở về khu bắc Fremont. Đêm đó Nga đãi chúng tôi món ăn Tàu ở tầng hai của khách sạn casino Horseshoe Binion’s. Qua ngày sau Nga đưa chúng tôi ra phi trường để lên Portland của tiểu bang Oregon để “báo” gia đình Chánh trong vài ngày!
Dung (em út của vợ tôi) đã nhờ Hùng qua giúp chúng tôi mà hôm nay còn gởi đứa con trai lớn mà tên gọi bên ngoài là “Tin” cùng với Ngọc là bạn gái của nó đến để phụ giúp nữa cho nên tôi cứ tưởng chúng tôi là quan trọng lắm vậy! Nhưng thôi, lần nầy thôi chứ biết sau nầy nó đâu có dịp nào để làm nữa đâu. Chuyện đời đã vô thường mà sức khỏe cũng không chắc là mình được khỏe mãi. Thôi thì cứ để tự nhiên và đời cứ trôi đi! Cuộc họp, cuộc vui nào cũng vậy đều đến lúc để tàn cuộc, nhưng ít ra sau mấy mươi năm còn gặp, còn biết nhau nhiều sức khỏe và có gia đình êm ấm thế là tốt rồi. Một thời kỷ niệm của thời ấu thơ đã trải qua trong ký ức của thầy cô lẫn mấy đứa học trò với những niềm vui, lưu luyến.
Chúng tôi trở về khách sạn cũng là khá khuya. Tắm rửa nghỉ ngơi cho chuyến đi ngày mai mà chúng tôi đã “book” sẵn từ khi còn ở bên Úc: “Chuyến đi đến Grand Canyon”
Từ lúc 5 giờ 30 sáng chúng tôi đã thức dậy lo chuẩn bị và 6 giờ lên xe buýt di chuyển đi. Tôi cứ ngỡ xe buýt đi một lèo từ Thành phố Las Vegas đến bờ phía Tây (West Rim) của Grand Canyon. Nhưng không, xe chỉ đưa chúng tôi đến một trung tâm mà ở nơi đó người ta đưa cho mỗi người một cái vé phân loại với “con số” mà đến khi tới Grand Canyon tôi mới biết đó là những vé phân biệt người nào đi tour nào vì trên xe có người đi tour trực thăng, người đi tour Skywalk như chúng tôi và còn một nhóm nữa mà tôi không nhớ rõ. Sau đó họ cho ăn sáng, uống cà phê trước khi lên một xe buýt khác để lên đường đi sang Grand Canyon. Một điều lạ là những tài xế lái xe buýt nầy đa số là đàn bà, rất hiếm mấy ông; điều nầy nói lên các bà Mỹ muốn chứng tỏ khả năng của họ không thua kém đàn ông chăng? Bà tài xế của xe tôi cũng khá tếu, bà biết cách làm cho mọi người thoải mái, vui vẻ trong chuyến đi. Xe qua những khu vực dân cư tương đối đông đúc mặc dù ở vùng nầy có khí hậu nóng của vùng sa mạc. Tuy nhiên, cách kiến trúc của nó đậm chất Mễ Tây Cơ (hay Tây Ban Nha?) hơn là Âu Châu. Đi đâu cũng vậy tôi thích nhìn lẫn quay phim khung cảnh bên ngoài đồng quê, dọc đường hơn là trong thành phố, cho nên khi đến nơi tôi thường bị hết pin mà không thể quay được đủ những chủ đề chính. Nhưng từ đó nay tôi kinh nghiệm hơn khi chuẩn bị pin, ‘thẻ nhớ’ đầy đủ lẫn sẵn sàng cho một chuyến đi để khi về lúc nào rảnh rang nằm chiếu lại mà xem.
Xe chúng tôi đến Boulder City thì đến một trạm kiểm soát trước khi lên đập thủy điện Hoover nằm trên biên giới giữa tiểu bang Arizona và Nevada (của Las Vegas). Chúng tôi xuống xe lên đoạn trên cao để đến đập Hoover mà tham quan và chụp hình kỷ niệm.

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
9/12/2015.


*H.T Chữ Nghĩa 24: Đi Vào Kinh Điển. (tt)




Nói như vậy có nghĩa là trong khoảng thời gian đọc bộ “Phật Học Phổ Thông” để trang bị cho mình những kiến thức căn bản về đạo Phật, thì khi đọc đến Kinh Lăng Nghiêm tức quyển VI-VII tôi thấy có những điều thật lạ lùng khiến tôi có thể hiểu sâu vào đạo Phật hay là tại vì lúc tôi bệnh những điều tôi “cảm nhận” được ấy khiến tôi có thể thâm nhập vào đạo Phật dễ hơn. Đọc khoảng một phần ba quyển sách, tôi lại thấy có những điều mình cần phải nhớ để sau nầy có những cái cần thiết phải làm. Thế là tôi có ý nghĩ ghi lại theo kiểu của Học Giả Nguyễn Hiến Lê chỉ cách đánh dấu bên ngoài lề trang sách. Nhưng cách ấy khi cần phải lục lại rất là tốn thì giờ, nên tôi đành bỏ thì giờ ghi những đoạn ấy vào một cuốn vở có ghi số trang sách nữa. Việc làm đó có tốn nhiều thì giờ vào lúc đầu, nhưng rất tiện lợi về sau khi tôi cần đến. Rồi lúc đọc đến quyển “Khóa VIII” tức khóa mà Hòa Thượng Thích Thiện Hoa giảng về “Kinh Viên Giác” thì tôi lại thấy trong Kinh nầy có những điều liên kết với Kinh Lăng Nghiêm một cách chặt chẽ, tất nhiên tôi cũng tiếp tục ghi chép như đã làm đối với Kinh Lăng Nghiêm và đến Khóa XII (Kinh Kim Cang) tôi hoàn tất bộ ba các Kinh có những phối hợp nhịp nhàng trong giáo thuyết mà Đức Phật đã khám phá. Từ đó những bài viết về sau thành hình với những đoạn Kinh dẫn chứng để chứng minh, để biện thuyết cùng độc giả trong những đề tài mà tôi muốn diễn đạt, muốn tích hợp những kiến thức mà tôi đã ghi nhận được trong quá trình đi tìm hiểu vào đạo Phật.
Do đó từ bài số 10: Những Điều Trích Dẫn…(Hay: Nhân Sinh Quan Và Vũ Trụ Quan trong Đạo Phật) tôi đã bắt đầu trích những đoạn kinh ở cả ba bộ kinh để dẫn chứng một tiến trình giản lược về sự đến thế gian nầy của con người (nhập thế gian từ cái “thấy” của Đức Phật sau khi thành đạo) và sự thành hình thế giới, cùng sự luân chuyển của chúng sinh như thế nào… Và quan trọng nhất là làm thế nào để “Xuật thế gian” trở về với cõi Phật. Tôi cố tình dẫn chứng để độc giả thấy rằng Kinh nói như thế đó chứ không phải là tôi vẽ vời.
Đến bài 11: Từ Thực Tại…(hay: Phật A Di Đà và Cõi Tịnh Độ) Đây là kết hợp tâm không bình của con người trong thực tế và cõi Tịnh Độ cùng những hạnh nguyện của Đức Phật A Di Đà mà tôi đã được nghe Thầy Thích Phước Nhơn (Perth –Tây Úc) khi về chùa Pháp Hoa ở Nam Úc thuyết giảng cùng bộ sách của Thầy, và vài quyển về Tịnh Độ khác mà tôi đã đọc được để vạch lên nét khái quát khi tìm hiểu về Tịnh Độ, hi vọng nó sẽ giúp độc giả không có nhiều thì giờ có thể có được ý niệm nào đó về Tịnh Độ.
Sang đến bài 12: Một Vấn Đề…(Hay: Cái Ta trong Đạo Phật) là chủ đề mà tôi đã có ý niệm từ khi đọc quyển “Hành Hương Đất Phật” của Phan Thiết. Thực ra, từ trước tôi chẳng biết gì về Đạo Phật, cho nên cái Ta tôi hiểu hay quan niệm như là của một người bình thường ngoài thế gian; nhưng trong cơn bệnh tôi đã “cảm nhận” nhiều điều lạ lùng cũng như đi vào Thiền một cách vô tình, và tôi cố gắng, liều theo tình trạng đó cho đến giai đoạn cuối như một sự hiếu kỳ. Đến khi đọc được phần Đức Phật thuyết về Kinh Lăng Nghiêm, tôi mới nghiệm lại về “Cái Ta” của con người trong thế gian nầy. Nhất là phần Đức Phật nói về 50 thứ Ma từ Ngũ ấm, trong đó tôi chú ý đến đoạn “Vì dụng công tu luyện, nên tạm hiện ra các việc như vậy, không phải là chứng Thánh; nếu sanh tâm nghĩ mình chứng Thánh, thì bị ma cám dỗ”. Chính vì điều nầy, tôi đã liên hệ đến trường hợp của “Bà Vô Thượng Sư Thanh Hải”, bà nghĩ rằng bà đã chứng Thánh thành Phật nên tự xưng là Vô Thượng Sư để rồi sau đó đưa bà làm như một người trình diễn thời trang và kiêu ngạo: “Như một vị Phật đến thế gian để mở một thời Hoàng Kim”, tôi nghĩ có thể bà đã mắc chứng “Đại Ngã Mạn” rồi chăng? Đó là ý kiến riêng của tôi nghĩ về bà. Sau đó tôi lại còn tìm hiểu xa hơn đối với vài tôn giáo khác thì những giáo chủ cũng không thoát khỏi cái bệnh thường tình của “Cái Ngã”, người thì xưng là “Con” của Thượng Đế, người thì xưng là “Sứ Giả” duy nhất và sau cùng để tạo nên những tôn giáo mà tín đồ “phải tin tuyệt đối vào mình” và “sống chết” vì tôn giáo để được lên Thiên Đàng và hưởng mọi sung sướng. Những tôn giáo ấy cũng chẳng qua là từ “Cái Ngã Mạn” quá lớn của người Giáo Chủ. Tuy nhiên, theo Kinh Lăng Nghiêm thì Giáo chủ ấy tưởng mình thành Thánh, có đủ căn cơ để thuyết giáo người khác, thế thiên hành đạo mà “Cống Cao Ngã Mạn” cho nên tôi nghĩ họ đã bị “Ma” hướng dẫn và trở thành tôi tớ của Ma để dẫn chúng sinh, tín đồ đi vòng trở lại vòng Luân Hồi, làm cho cho tín đồ chúng sinh mãi mãi chẳng bao giờ thoát khỏi vòng “Luân Hồi” được.
Từ ý niệm ấy, tôi cố gắng phân tích trong thực tế cũng như ảnh hưởng cái “Ta”, cái “Chúng Ta” trong đời sống và dẫn những đoạn Kinh minh chứng cho những điều tôi luận giải nhằm để người đọc có thể hiểu được vấn đề trọng yếu trong Đạo Phật là “Vô Ngã” và “Diệt Ngã” mà vấn đề nầy đã khiến cho người học Phật có nhiều khó khăn và chật vật, thì đối với người ngoại đạo như Phan Thiết thì lại càng “không có thể hiểu được rõ ràng” nên Phan Thiết chỉ là một người “viết bậy” mà thôi!
Một câu trong Kinh Lăng Nghiêm rất quan trọng, tôi xin viết lại để Quý độc giả chiêm nghiệm về những tôn giáo có chủ trương chém giết, gian dối… như sau:

“Dầu cho ông (A nan), hiện tiền đặng nhiều trí huệ và thiền định (nếu tâm dâm dục không trừ; nếu ông không đoạn trừ tâm sát hại; nếu không đoạn trừ tâm tham lam, trộm cướp; nếu các chúng sanh, đã giữ hoàn toàn ba hạnh trên là không sát, đạo, dâm rồi mà còn đại vọng ngữ), cũng sẽ đọa vào ma đạo (thần đạo; tà đạo; ma ái kiến)”.

Ngày xưa tôi nghe người ta kể chuyện về “bị ma dẫn”: Đang đi trên đường vào ban đêm tự dưng có nhiều người đến đi cùng, rồi mình đi theo họ, cứ đi đi mãi rồi đến sáng mới thấy mình chun vào bụi tre gai và miệng ngậm đầy đất mối bùn. Thì ma nầy cũng sẽ dẫn chúng sinh, tín đồ đi lòng vòng trong cõi Luân Hồi mà không hề thoát ra được, vì nhiều người ra khỏi thì ma sẽ chơi với ai?
Rồi đến bài 13: Ngàn Năm Một Thuở..! (Hay: Thân Người Khó Đặng) tôi chỉ muốn chia sẻ những điều thu thập được cũng như những suy nghĩ về thân phận con người trên đường Luân Hồi. Trong vòng xoay dần nầy do vì nhân quả của những điều Thiện, Ác mình đã làm đã gây ra trong cuộc sống thì biết kiếp sau mình có được làm người nữa hay không, hay phải đi vào thế giới của súc sanh, địa ngục hoặc chư thiên thì làm sao để tu, để được giải thoát khi mà chỉ có làm thân người mới có thể tiến tu và giải thoát mà thôi, cho nên “thân người khó đặng” (nhân thân nan đắc) và rồi “Phật pháp cũng khó có dịp để được nghe” (Phật pháp nan văn) để chúng ta cùng suy nghĩ lại về một kiếp người và nghĩ đến con rùa mù với cái bọng cây trên mặt nước.
Tiếp theo, tôi hoàn tất bài thứ 14: Sự Hoài Nghi..! (Hay: Đạo Phật là Đạo của Khai ngộ và Trí Tuệ), trong bài nầy tôi đem những kiến thức học về Triết và Khoa học Thực nghiệm được học từ năm cuối thời Trung học và một năm đầu trên Đại học mà tôi đã tiếp thu để nhận định về một số tôn giáo và nhất là với Đạo Phật. Mở đầu của bài, tôi đã dẫn đến đoạn Kinh mà Đức Phật đã thuyết cùng người dân Kalama về “Sự tin” và nên tin như thế nào để từ đó mình tin và thực hành Đức Tin của mình trên sự sáng suốt và có tính cách khoa học hầu đem lại cho chính mình một niềm tin khả dĩ tốt đẹp nhất không phải bị “U mê” và “Cuồng tín” hay nói đúng hơn là hợp với “Khai ngộ” và đầy “Trí tuệ”! Tôi hoàn tất bài nầy vào ngày 7/10 năm 2002.
Và sau đó, ngày 11/10/2002 tôi cố gắng hoàn tất bài 15: Coi Chừng Sai Lầm..! (Hay: Tùy Căn Cơ nhập lưu Đạo Phật) để dẫn chứng những đoạn Kinh hoặc phân tích mỗi con người đến với Đạo Phật tùy theo căn cơ, cũng như một phương pháp nào đó sẽ thích hợp với con người của họ mà họ sẽ hành trì. Pháp Phật nào cũng nhằm đưa con người thoát được vòng Luân Hồi để được an nhiên tự tại trong cõi Niết Bàn. Nói như vậy chúng ta có thể gẫm suy được nghĩa của chữ Niết Bàn là cõi như thế nào? Và Niết Bàn là gì?
Đó là những khoảng đầu thời gian mà tôi đi tìm hiểu vào Đạo Phật, do cơ hội tìm học và để hiểu, tôi đã cố gắng đọc các Kinh tìm được, nhất là bộ Phật Học Phổ Thông thì có những điều hiểu hiện ra trước mắt như một hệ thống, tôi cố gắng nắm bắt đưa vào những tiêu đề để ghi lại thành một loạt bài nhằm chia sẻ với bạn bè, người đời (vì lúc đó chỉ in ra và lưu hành chuyền tay thôi) cho nên nó có nhiều giới hạn của nó.
Còn phần đi tìm những thắc mắc của mình trong cơn bệnh tôi đã tìm được một chút giải đáp khi đọc được Kinh Hoa Nghiêm. Tôi bỏ ra những thời gian để đọc ráo riết bộ Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Đại Bát Niết Bàn khi tôi thỉnh được từ Chùa Quang Minh ở Melbourne. Còn trong các Kinh khác như bộ Kinh A Hàm (Trung A Hàm, Trường A Hàm, Tăng Nhất A Hàm) tôi đọc từ từ về sau. Thường thì tôi ghi chú, đánh dấu vào lề của các trang, nhưng để giản tiện hơn tôi lại ghi những điều quan trọng vào trang giấy trắng kèm theo trong mỗi quyển Kinh mà tôi đã đọc. Về sau khi có cơ hội tôi gởi các bài ấy đến Trang nhà Đạo Phật Ngày Nay của Đại Đức (lúc đó còn là Đại Đức) Thích Nhật Từ để đăng tải. Sau tôi viết thêm một số bài với chủ đề Tổng quát về Đạo Phật để bày tỏ cái nhận xét, quan niệm của mình trình bày cùng độc giả và đại chúng gọi là góp ý “cho một cái nhìn” về Đạo Phật một cách thực tế hơn như các bài: “Những Sự Thâm Trầm Của Đạo Phật”, “Đạo Phật Là Đạo Của Tâm Thức”, “Giá Trị Của Đạo Phật”, “Con Người Trong Đạo Phật”, “Tìm Hiểu, Vào Đạo Phật”, “Đạo Phật: Nhập Thế Hay Xuất Thế”, “Sự Nhập Thế Của Đạo Phật”, “Đạo Phật Và Tín Ngưỡng Nhân Gian”, “Thế Giới Cõi Âm”, “Đạo Phật Là Đạo Của Đại Chúng”, “Bàn Về Đức Tin Trong Đạo Phật”, “Ý Nghĩa Cuộc Sống Hiểu Theo Đạo Phật”, “Tại Sao Trong Đạo Phật Đề Cập Đến “Vô Ngã”, “Tính ‘Không’ Trong Đạo Phật”, “Từ Cái Chết Của Ba Tôi” (bài nầy để tưởng niệm ngày ba tôi mất, nhưng cũng là liên kết về Kinh Địa Tạng.
Trong khoảng thời gian hơn mười năm ấy tôi đã cố gắng đi tìm giải đáp những thắc mắc cho mình (có được lúc bệnh) qua sự tìm hiểu giáo thuyết của Đức Phật, kể cả đi vào Kinh điển. Từ đó tôi ghi nhận được những điều, có được những suy nghiệm, tôi đã ghi lại thành những bài để chia sẻ cùng độc giả những vấn đề của Đạo Phật, mặc dù những bài ấy thiếu đi phần sâu sắc, nghiên cứu chuyên sâu. Và tôi cố gắng nhìn toàn bộ vấn đề để rồi đúc kết lại thành 3 bài chính yếu, đó là các bài: “Nhập Thế Gian”, “Xuất Thế gian (phần I)”, “Xuất Thế Gian (Phần II)” mà tôi coi đó như là “Một tập tài liệu” và tôi gọi gồm chúng lại với cái tên “Tổng Quan Về Đạo Phật” để giúp độc giả có một cái nhìn tổng quát vào giáo pháp của Đức Phật. Còn viết hay nghiên cứu thêm thì đến nay tôi chưa nhìn ra vấn đề nào khác để có thể viết tiếp. Đôi lúc tôi có cảm tưởng chắc cái tìm hiểu về Đạo của mình đã bị “bão hòa” rồi chăng?

Nguyên Thảo,
07/12/2015.