Tuesday, December 8, 2015
*Mỹ Du (4).
*Las Vegas (Nevada).
Thường thì chúng tôi tính thời gian ra đến phi trường trước giờ bay là khoảng hai tiếng đồng hồ hoặc sớm hơn để được an toàn và không bị động trong mọi vấn đề vì đoàn khá đông. Cho nên, hôm nay chúng tôi đến phi trường sớm và đi vào khu vực check in để gởi hành lý cũng như lấy vé máy bay. Khi vào đến khu vực kiểm soát an ninh, tôi lại bị đuổi sang cổng khác. Tôi thắc mắc thì người kiểm soát nói tôi phải đi cổng đó vì trên vé máy bay của tôi có ghi chữ “Task pro”, tôi không hiểu là gì, nhưng tôi phải đi theo hướng người ta chỉ. Tôi cứ ngỡ là khi qua cổng kiểm soát đó thì sẽ vòng trở lại cổng mà vợ tôi cũng như người trong đoàn sẽ đi qua để cùng nhau đi đến nơi đợi máy bay sẽ khởi hành. Nhưng không như vậy, sau khi qua cổng kiểm tra, tôi phải đi theo hướng mũi tên chỉ dẫn đến con đường xa lạ không kết hợp với người trong đoàn. Đi mãi đến vào một khu ngồi đợi; nhưng không, đó là toa của một chiếc xe buýt. Xe đưa tôi đến cổng mà tôi sẽ ngồi đợi chuyến bay. Thế là tôi lạc với mọi người, tôi bốc điện thoại cho cậu mợ chín, thì cậu cũng trong tình trạng như tôi nhưng cậu có mợ và con gái đi cùng. Tôi điện thoại qua con gái tôi cho biết tôi đã vào trong rồi để mọi người vào không phải đợi tôi nữa, nhưng lúc đó vợ tôi mới phát hiện trên vé máy bay không có ghi số ghế nên trở lại quầy “Check in” để hỏi nó vì vậy mà phải đợi hơi lâu. Nhưng cuối cùng ở bàn “check in” cho biết đi vào cổng đợi máy bay ở bàn đó người ta mới cho số ghế. Thế là hú hồn, khiến chúng tôi lâm vào cảnh hoang mang! Nhưng cũng may sân bay lại bị kẹt như thế nào đó mà đình lại mất đi 20 phút, như vậy chuyến bay của chúng tôi sẽ cất cánh vào lúc 5 giờ 45 thay vì 5 giờ 25.
Ở Mỹ nầy mỗi lần di chuyển trong nội địa chúng tôi đều phải trả tiền cước phí 25 đô Mỹ cho mỗi kiện hàng ký gởi. Chúng tôi đến Las Vegas trên chuyến bay UA 1618 của hãng United Airline và đáp xuống phi trường vào lúc 7 giờ 50 chiều. Quả thật đúng là cái xứ cờ bạc trong sa mạc! Nơi nầy nó còn nóng dù là ban chiều, tuy nhiên nhờ phi trường đầy máy lạnh mà người ta cảm thấy dễ chịu và thoải mái mà chơi Pokies nơi những máy đánh bạc được bố trí khắp các chỗ ngồi đợi.
Hùng (chồng Dung, anh em cột chèo với tôi qua từ Tiểu bang Utah ) và thầy Phương (Thầy giáo dạy con gái tôi và Tố Dung đến từ Tiểu bang Florida) mướn chiếc xe Van lớn đã đến, tất cả đem hành lý chất lên và người lên xe để về khách sạn đã được “book” trước từ lâu. Riêng gia đình cậu Chín theo Phượng về nhà riêng của Phượng và Nga.
Đến khách sạn casino Excalibur trời đã tối, vừa kiếm đường đi vào đã khó mà kiếm chỗ đậu xe lại càng khó hơn. Chạy đi chạy lại chắc hơn 5 vòng nhưng vẫn chưa kiếm được chỗ. Cuối cùng phải sang bên kia đường để đi vào một “car park” riêng mà đậu, rồi vài người đi sang khách sạn tìm văn phòng để nhận phòng. Gọi là khách sạn Casino vì tầng dưới là “đủ món ăn chơi” (cờ bạc) trong casino để cho người ta đánh, còn các tầng trên là khách sạn và những phương tiện khác. Điều nầy đối với vợ chồng tôi không xa lạ vì 14 năm về trước vợ chồng tôi có biết lúc đến khách sạn Horseshoe Binion’s. Ở Horseshoe có tầng trệt toàn là hình thức cờ bạc của casino, tầng 2 và 3 là nhà hàng thức ăn tây, thức ăn tàu và các tầng trên là phòng ngủ của khách sạn. Chúng tôi đi vòng vòng mãi mới tìm được văn phòng để nhận phòng. Xong Thầy Phương và Hùng sang Car Park để lấy xe, chở mọi người sang cửa khách sạn để tải đồ đạc xuống và lên phòng rồi đi ăn. Để hấp dẫn cho du khách cũng như những người đi cờ bạc, casino ở đây đã nhiều mà cách kiến trúc lẫn trang hoàng, đèn đuốc trở nên là một nghệ thuật để lôi cuốn người ta, nên Las Vegas trở thành một thủ đô giải trí nhiều màu sắc và đa dạng khiến người ta phải đến một lần cho biết nhất là những người đã đến xứ Mỹ lại càng nên. Chúng tôi tìm đến quán phở Kim Long ở Chinatown, nhưng vì không biết đường và do sự trục trặc của GPS (máy định vị) nên đã chạy sang đường đi Cali. Đi khoảng rất lâu mới quay đầu trở lại và đến được Chinatown cùng quán phở là hơn 12 giờ khuya. Ăn xong, về đến khách sạn lúc quá 2 giờ. Ai cũng ngủ một giấc mê say vì mệt mỏi cùng quá khuya!
Sáng sớm thức dậy, sau khi hội ý Hùng, Phương tính chuyện chở mọi người qua khu Chinatown xem khu bán đồ rẻ cùng ăn điểm tâm ở đó. Xong, hỏi đường đi “outlets” ở Las Vegas. Ở đây, lái xe và mọi di chuyển đều do Thầy Phương phụ trách.
Chúng tôi đến “Las Vegas Premium Outlets” khoảng gần 11 giờ sáng và đi vòng vòng trong khu từ cửa hàng nầy đến cửa hàng khác để ngắm nghía, coi, chọn và cái gì được thì mua. Học làm dân sang cũng khó thiệt! Ở bên Úc những trung tâm như thế nầy không có, những hàng hiệu bán trong các trung tâm thương mại ít khi bán ganh đua như ở đây, cho nên lúc đưa chúng tôi lên Universal Studios, dọc đường Minh kể trước kia người từ Úc sang chơi thường “đi một về ba”. Tôi có hỏi tại sao vậy? Minh kể họ mua đồ nhiều lắm nên khi đi qua chỉ có một vali, khi về tới 3 vali lận. Bây giờ tôi mới hiểu rõ vấn đề vì khoảng thời gian ấy tiền Úc có giá trị tương đương với đôla Mỹ, nên hàng hiệu ở các outlets nầy giá cả tính ra rẻ hơn ở Úc, cho nên người ta mua nhiều là phải, chứ như bây giờ tiền Úc sụt giá khá nhiều nên tính ra giá cũng không rẻ hơn là mấy. Chúng tôi len lõi qua các cửa hàng một là để thỏa mãn hiếu kỳ, hai xem gì nới hơn mua về “mặc làm sang với người ta”; đồng thời làm kỷ niệm một chuyến đi khó có lần thứ hai nầy vì đa số đã già cả hết rồi!
Chúng tôi rời outlets lúc gần 3 giờ chiều để về nhà nghỉ ngơi rồi chiều nay còn đi đến nhà của Nga, Phượng nữa. Sau khi nghỉ ngơi được chừng hai tiếng đồng hồ chúng tôi sửa soạn lên đường đi xuống nhà của Nga, Phượng. Hôm nay là ngày trọng đại tình thầy trò giữa Thầy Phương, Cô Phượng là những Thầy, Cô dạy con gái tôi cùng Tố Dung và Hoàng từ tiểu bang Missouri về đây họp mặt, nhân con gái tôi đi sang Mỹ trong chuyến nầy. Hoàng về đây với vợ là Nga, Tố Dung từ Cali sang một mình, còn Thơ thì không đến được mà chỉ gặp con tôi ở Cali thôi, Thầy Phương từ Florida hẹn nhau ở nhà cô Phượng. Mấy mươi năm gặp lại có nhiều chuyện để nói. Một cuộc party gia đình được diễn ra tối nay mà tôi cũng chỉ là người “tham dự ké” thôi! Cách mười bốn năm Nga, Phượng cũng không khác mấy; hai cô nàng đã rước ba tôi và vợ chồng tôi từ phi trường và đưa về Khách sạn casino Horseshoe Binion’s ở trung tâm phía bắc của Las Vegas, nơi mà có vòm đèn điện tử hiện hoạt cảnh theo nhạc vào ban đêm ở Fremont Street Experience. Vào một buổi sáng, vợ chồng tôi đưa ba tôi thả bộ từ Fremont về Main Street đi dọc theo đường để xem những nét đặc biệt của từng Casino. Nhưng tôi lại không để ý đến khí hậu của vùng sa mạc Las Vegas nầy, nên khoảng hơn mười giờ trời nóng lên và gió nóng thổi về làm ba tôi phải cỡi nút áo, bạch ngực ra cho mát. Chúng tôi thả bộ qua khỏi Monte Carlo rồi ba tôi vì nóng quá nên chảy máu cam, tôi phải dừng lại, đúng lúc ấy có nhạc nước ở hồ rộng phía trước khu Monte Carlo, chúng tôi đứng xem cho hết một bản nhạc rồi đón xe buýt trở về khu bắc Fremont. Đêm đó Nga đãi chúng tôi món ăn Tàu ở tầng hai của khách sạn casino Horseshoe Binion’s. Qua ngày sau Nga đưa chúng tôi ra phi trường để lên Portland của tiểu bang Oregon để “báo” gia đình Chánh trong vài ngày!
Dung (em út của vợ tôi) đã nhờ Hùng qua giúp chúng tôi mà hôm nay còn gởi đứa con trai lớn mà tên gọi bên ngoài là “Tin” cùng với Ngọc là bạn gái của nó đến để phụ giúp nữa cho nên tôi cứ tưởng chúng tôi là quan trọng lắm vậy! Nhưng thôi, lần nầy thôi chứ biết sau nầy nó đâu có dịp nào để làm nữa đâu. Chuyện đời đã vô thường mà sức khỏe cũng không chắc là mình được khỏe mãi. Thôi thì cứ để tự nhiên và đời cứ trôi đi! Cuộc họp, cuộc vui nào cũng vậy đều đến lúc để tàn cuộc, nhưng ít ra sau mấy mươi năm còn gặp, còn biết nhau nhiều sức khỏe và có gia đình êm ấm thế là tốt rồi. Một thời kỷ niệm của thời ấu thơ đã trải qua trong ký ức của thầy cô lẫn mấy đứa học trò với những niềm vui, lưu luyến.
Chúng tôi trở về khách sạn cũng là khá khuya. Tắm rửa nghỉ ngơi cho chuyến đi ngày mai mà chúng tôi đã “book” sẵn từ khi còn ở bên Úc: “Chuyến đi đến Grand Canyon”
Từ lúc 5 giờ 30 sáng chúng tôi đã thức dậy lo chuẩn bị và 6 giờ lên xe buýt di chuyển đi. Tôi cứ ngỡ xe buýt đi một lèo từ Thành phố Las Vegas đến bờ phía Tây (West Rim) của Grand Canyon. Nhưng không, xe chỉ đưa chúng tôi đến một trung tâm mà ở nơi đó người ta đưa cho mỗi người một cái vé phân loại với “con số” mà đến khi tới Grand Canyon tôi mới biết đó là những vé phân biệt người nào đi tour nào vì trên xe có người đi tour trực thăng, người đi tour Skywalk như chúng tôi và còn một nhóm nữa mà tôi không nhớ rõ. Sau đó họ cho ăn sáng, uống cà phê trước khi lên một xe buýt khác để lên đường đi sang Grand Canyon. Một điều lạ là những tài xế lái xe buýt nầy đa số là đàn bà, rất hiếm mấy ông; điều nầy nói lên các bà Mỹ muốn chứng tỏ khả năng của họ không thua kém đàn ông chăng? Bà tài xế của xe tôi cũng khá tếu, bà biết cách làm cho mọi người thoải mái, vui vẻ trong chuyến đi. Xe qua những khu vực dân cư tương đối đông đúc mặc dù ở vùng nầy có khí hậu nóng của vùng sa mạc. Tuy nhiên, cách kiến trúc của nó đậm chất Mễ Tây Cơ (hay Tây Ban Nha?) hơn là Âu Châu. Đi đâu cũng vậy tôi thích nhìn lẫn quay phim khung cảnh bên ngoài đồng quê, dọc đường hơn là trong thành phố, cho nên khi đến nơi tôi thường bị hết pin mà không thể quay được đủ những chủ đề chính. Nhưng từ đó nay tôi kinh nghiệm hơn khi chuẩn bị pin, ‘thẻ nhớ’ đầy đủ lẫn sẵn sàng cho một chuyến đi để khi về lúc nào rảnh rang nằm chiếu lại mà xem.
Xe chúng tôi đến Boulder City thì đến một trạm kiểm soát trước khi lên đập thủy điện Hoover nằm trên biên giới giữa tiểu bang Arizona và Nevada (của Las Vegas). Chúng tôi xuống xe lên đoạn trên cao để đến đập Hoover mà tham quan và chụp hình kỷ niệm.
(Còn tiếp)
Nguyên Thảo,
9/12/2015.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment