Friday, December 18, 2015

*Mỹ Du. (5)




Đập thủy điện Hoover nầy (theo tài liệu) được xây dựng ở ranh giới của 2 Tiểu bang Nevada và Arizona trên sông Colorado thuộc khu vực Black Canyon. Đây là một đập coi như là lớn nhất thế giới lúc bấy giờ khởi xây dựng từ 1931 đến 1935 và vận hành vào năm 1936 để ngăn lụt lội, chứa nước tưới cho khoảng 2 triệu mẫu Anh (acres), thủy điện và là nơi để phục vụ cho du lịch và giải trí, vui chơi. Khởi thủy kế hoạch nầy được gọi là Boulder Canyon Project bắt đầu thành hình từ năm 1922 với đại diện của các tiểu bang Colorado, Wyoming, Utah, New Mexico, Arizona và Nevada và đại diện chính quyền là Bộ Trưởng Thương Mại lúc bấy giờ là Herbert Hoover. Kế hoạch nầy bị tranh cãi mãi cho đến tháng 12/1928 mới được Tổng Thống Calvin Coolidge chấp thuận thực hiện. Đến năm 1930 dự án xây cất nầy đổi tên là Hoover Dam tên của Herbert Hoover (lúc nầy đã là Tổng Thống thứ 30 của Hoa Kỳ nhiệm kỳ 1929 - 1933) để ghi nhận những nổ lực của ông trong việc xây dựng đập. Nhưng tên nầy mãi đến năm 1947 mới được thông dụng.
Đập Hoover là đập vòng cung được xây bằng bêtông kiên cố có chiều cao 221.4 m dài 379 m. Chân của đập rộng 200 m, và chiều rộng vòng trên mặt là 14 m để làm đường giao thông. Nhưng sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001, chính quyền quyết định xây một cầu bêtông với hệ thống dây cáp để thay thế cho đường đi qua đập được hoàn thành vào 2010. Tuy nhiên sự giao thông qua đây vẫn bị khám xét kỹ càng cùng có vài giới hạn.
Việc xây đập nầy cũng là một kỳ công trong thời kỳ Đại khủng hoảng kinh tế của thế giới. Hợp đồng xây đập được thầu bỡi công ty Six Companies mới được thành lập do sự kết hợp của 6 công ty lớn dưới sự điều hành của Frank Crowe.
Công trình xây đập chia làm nhiều giai đoạn: Xây dựng nền móng, chuyển hướng chảy của dòng sông, phá các bờ đá, đổ bêtông và dựng các cột phát điện. Bước khó khăn đầu tiên là phải nổ phá vách để tạo bốn đường hầm thay đổi dòng chảy cho nước sông: Hai đường bên vách núi phía Tiểu Bang Nevada, và hai đường bên phía Tiểu Bang Arizona. Mỗi đường hầm có đường kính là 17 m. Chiều dài tổng cộng khoảng 5 km. Khi hai đường hầm đầu tiên được hoàn tất thì đá nầy được tạo thành hai bờ đập nhỏ để ngăn nước tràn vào để bảo vệ công trình đang xây dựng không bị sạt lở vào tháng 11/1932. Bước thứ hai là phá bỏ, dọn dẹp những phần đá rời dễ sạt lở khỏi vách đá để tạo cho nền đập vững chắc về sau. Công việc nầy đòi hỏi công nhân phải leo dây lơ lửng, làm việc ở độ cao hơn 200 m từ đáy của khe núi với các máy phá đá và chất nổ. Xong công việc đào móng tiến hành. Cả 1.1 triệu mét khối đá được đi dời. Đến ngày 6/6/1933 mẻ ximăng trộn đầu tiên được đổ xuống trước thời hạn dự định là 18 tháng. Ximăng được trộn tại chỗ và vận chuyển xuống công trường trên một trong 5 đường cáp cứ 78 giây một. Ximăng được đổ thành những khối hình thang mỏng khoảng 15 cm liên kết nhau từ dưới nâng lên từ từ và được làm nguội bằng những ống dẫn nước từ phía bên trong và giữa các khối bêtông để tránh sự rạn nứt, cong khi ximăng nguội. Mẻ ximăng cuối cùng được đổ lên mặt để hoàn tất vào năm 1935. Ngày 30/9 Tổng Thống Franklin Roosevelt kỷ niệm công trình hùng vĩ nầy với đám đông chừng 20,000 người. Khoảng 6.6 triệu tấn ximăng đã được dùng đến, bằng số lượng đủ để tráng con đường từ San Francisco đến New York; và sử dụng đến 21,000 nhân công cho công trình nầy với 112 người đã bị chết trong thời gian thi công.
Lượng nước ở các hồ chứa, nhất là hồ Mead đủ tưới tiêu cho 2 triệu mẫu Anh đất trồng trọt. Với 17 tuộcbin phát điện đủ cung cấp điện cho 1.3 triệu nhà. Hoover Dam thu hút khoảng 7 triệu du khách hàng năm và Lake Mead là nơi vui chơi giải trí tiếp nhận chừng 10 triệu khách vãng lai.

Tôi đi lên đập cùng đứa cháu ngoại nhỏ Jessica, chúng tôi đi vào một cái cầu treo nhỏ dành cho người đi bộ, đi đến giữa cầu nhìn xuống đập ở dưới kia. Đứng trên nầy chỉ thấy hình dáng của nó là như vậy chứ không thấy được sự hùng vĩ của nó cũng như các chi tiết, nhưng chúng tôi cũng đâu có thì giờ vì tour chính của chúng tôi là West Rim ở Grand Canyon kia mà. Nơi đây chỉ là ghé qua để cho biết mà thôi. Chúng tôi cũng như bao nhiêu người khác chỉ nhìn tổng quát và đứng làm duyên, làm dáng để chụp một số hình làm kỷ niệm. Tôi chụp cho cháu ngoại vài tấm ảnh, rồi tôi cố thu hình vào máy quay phim để có cớ nói dóc, khoe khoang với bạn bè. Độ chừng mười mấy phút chúng tôi phải trở xuống, tập hợp lên xe và còn phải đi đoạn đường xa nữa để đến Grand Canyon. Xe phải chạy ngược lại, nối vào con đường 93 và đi về hướng đông nam vào địa phận phía Tây Tiểu Bang Arizona. Với những đồi núi, thung lũng sâu của vùng nầy có màu hơi sẫm nên người ta gọi là “Black” đó chăng? Địa chất ở đây sao có vẻ bời rời bợt rợt quá gần như kết cấu gồm cát, sỏi, đá nhỏ mà thiếu chất mầu mỡ kết dính cho nên cỏ cây không thể tốt. Ừ tôi quên nơi nầy là sa mạc cơ mà. May không mưa nhiều, hoặc gió lớn thường xuyên thì địa hình ở đây còn bị xâm thực mà thay đổi nhiều hơn nữa. Chắc vì vậy mà dòng Colorado qua quá trình lịch sử mới đào sâu xuống mãi dưới kia để tạo khu vực rộng lớn từ đây trở lên trở thành Grand Canyon.
Dọc đường tôi thấy cũng không có bao nhiêu là cây lớn, đa số là cỏ thỉnh thoảng một ít cây cao chắc không hơn 2 m trừ ở những nhà ở có nhiều cây trồng thì cao thôi. Hai bên đường thì phía tay phải có vài đồi núi, phía tay trái thì vùng đất bằng cỏ nhiều trãi dài vào dãy núi ở xa xa. Tôi nhớ lại khi đi lên vùng đất đỏ trung tâm nước Úc dù cũng là sa mạc nhưng cây cối còn khá hơn ở đây. Dọc đường bà tài xế mở băng hình về việc kỳ công xây dựng skywalk cho chúng tôi xem; nhưng vì tiếng Anh của mình “quá giỏi” nên tôi không hiểu được mà đâm ra chỉ nhìn cảnh và quay phim mà thôi! Tôi cứ nghĩ với đất đai như thế nầy thì người dân định cư ở đây sẽ sống bằng nghề gì mặc dù họ ở không nhiều.
Xe chạy đến Dolan Springs thì rẽ trái vào con đường Pierce Ferry Road là con đường sẽ dẫn đến West Rim của Grand Canyon. Trên con đường tôi thấy loại cây khá lạ giống như xương ong (cactus) nhưng các lá tương đối lớn hơn, từng chùm, sau tìm trên hình ảnh mới biết cây ấy có tên là Joshua Trees.
                                                                    Joshua Trees

Khoảng chừng 10.30 giờ chúng tôi đến nơi và được dặn dò vào khoảng 3 giờ chiều tập hợp đến xe buýt để trở về. Và lúc nầy tôi mới biết mảnh giấy có số được dán lên áo là nhận định chúng tôi đi tour nào mà người ta phát vé. Tour của chúng tôi là: “All Grand Canyon west tour”. Chúng tôi được phát mỗi người hai vé: Một vé cho chuyến đi vào Hualapai Ranch và một vé dành cho Skywalk. Xong chúng tôi ngồi đợi chuyến xe buýt đưa vào Hualapai. Hualapai được tổ chức như một nơi của những người cao bồi giống trong các phim cao bồi mà chúng ta thường thấy. Với những doanh trại, cửa hàng và nơi tập luyện cưỡi ngựa. Ở nơi nầy trời nắng chói chang làm chúng tôi cũng làm biếng đi khắp mặc dù nó cũng không là lớn lắm. Ngồi uống nước rồi đợi xe đến mà trở về Canyon.

                                                                          Canyon
Khi về đến Canyon chúng tôi cả đoàn dẫn nhau vào đi skywalk. Muốn đi lên skywalk chúng tôi phải vào một khu văn phòng và vào một phòng gởi đồ kể cả máy chụp hình lẫn máy quay phim và có vớ tạm dùng để bọc đôi giày lại, chắc người ta sợ làm bẩn hoặc trầy những tấm kính lót trên skywalk. Xếp từng hàng một để đánh một vòng từ bên nây qua bên kia. Ở đây có nhiều người thợ chụp hình họ chụp để lấy tiền, thì ra người ta sợ du khách đánh rớt những vật dụng làm hư hại đến skywalk hoặc rớt xuống vực thì tạo ô nhiễm môi trường. Tôi không nhớ rõ là điện thoại có cho đem vào không nhưng chẳng có ai dùng điện thoại để chụp hình hay quay phim cả. Du khách đi qua và chỉ nhìn thôi. Ngó xuống dưới chân để nhìn xuống vực thì cũng không thấy rõ ràng vì phải qua độ dầy của kính, nên chỉ nhìn ra bên ngoài thì dễ thôi. Lóng nhóng cũng đã đến vòng bên kia, thế là tour đi lên skywalk hoàn tất, chúng tôi lấy lại đồ đạc, bỏ vớ bọc giày rồi đi ra ngoài khu mua đồ lưu niệm.
Theo tài liệu quảng bá thì Skywalk là cái cầu hình móng ngựa (bán nguyệt) có thành và nền bằng kính, kính nền lót trên khung thép chắc chắn được xây ở Eagle Point, bờ phía tây của Grand Canyon, chi phí ước tính 40 triệu đô được mở ra công cộng vào ngày 28/03/2007. Nhưng người đi trên cầu đầu tiên là phi hành gia không gian Buzz Aldrin đi vào ngày 20/03/2007. Cầu có độ cao 1,200 m so với nền của Canyon và khoảng trên 21 m (70 feet) so với mặt đất ở đây. Người ta xây skywalk với độ tính chịu được sức gió 100 mph ở mọi chiều hướng, lẫn chịu được những trận động đất tới 8 magnitude. Mỗi tấm kính lót chịu được 800 người; nhưng chỉ cho phép không quá 120 người trên cầu cùng một lúc. Người ta xây skywalk để du khách được thích thú xem bên ngoài và kỹ hơn về vách núi, vực sâu của Grand Canyon.
Sau đó, chúng tôi đi ra ngoài để ăn uống đôi chút, và tôi quay cảnh người Thổ dân da đỏ Hualapai đang trình diễn nhạc cùng vũ điệu của họ; đồng thời quay những mẫu “chỗ ở” được trưng bày vài nơi từ chỗ trú đơn sơ bằng cây lá, thân cây dựng lên hay có vải quấn chung quanh để làm lều. Xong, chúng tôi lại lên xe buýt để đi đến Hwal’ Bay Nyu Wa tức Guano Point. Ở đây có nhiều con diều bay lượn trên bìa vực. Cảnh nhìn cũng được rõ ràng hơn ở Eagle Point. Dưới sâu kia là dòng Colorado phản chiếu ánh nắng lấp lánh, còn hai bên là vách núi cao màu đo đỏ. Tôi ghi lại nhiều đoạn phim ở khu vực nầy vì nó tương phản và rõ nét đặc thù của Grand Canyon hơn. Chúng tôi đón xe buýt trở về lại nơi Skywalk và thong thả ở đó đợi đến giờ lên xe buýt. Đúng 3 giờ chúng tôi lên đầy đủ trên xe buýt và xe khởi hành về Las Vegas. Thế là, tôi đã được đến Grand Canyon ở trên đất Mỹ một lần, mặc dù chỉ riêng vùng West Rim!

Theo tài liệu thì Grand Canyon được UNESCO công nhận là một di sản của thế giới. Trong những địa tầng nằm ngang của nó ẩn chứa lịch sử địa chất cả 2 tỉ năm trước, cùng chứa đựng dấu vết tiền sử của loài người thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt ở đây. Canyon được đề nghị thành National Park vào năm 1919 bỡi một đạo luật của Quốc hội và là một trong những National Park đầu tiên của Hoa Kỳ. Các sườn dốc, rãnh xoắn do sông Colorado đào sâu gần 1,500 m vào các tầng đá tạo thành hẻm vực ngoạn mục. Toàn Canyon dài 445.8 km được thành hình trong khoảng 6 triệu năm của hoạt động địa chất và sự xâm thực của sông Colorado trên lớp võ trái đất được nâng lên với độ cao 2.5 km so với mực nước biển. Hẻm núi có chiều rộng từ 200 m cho đến 30 km chia Park làm North Rim, và South Rim với nhiều mô đất, chóp cao, núi mặt bằng nhìn từ những đường rìa.
Sự xâm thực vẫn còn liên tục dù từng lúc hay thường xuyên để tạo thành những thác nước hùng vĩ hay cuốn trôi đá cuội dọc theo chiều dài của hẻm vực hoặc lưu vực sông. Những tầng địa chất nằm ngang bị xâm thực được phô bày vào khoảng 2,000 triệu năm của lịch sử cung ứng sự hiển nhiên của 4 thời kỳ: Precambrian, Palaeozoic, Mesozoic, và Cenozoic.
Canyon là một bão tàng khổng lồ về 5 khu vực đời sống và thực vật: Trên 1,000 mẫu thực vật đã được tìm thấy cũng như nhiều loại có nguy cơ biến mất. Park là nơi ở của 76 loài có vú, 299 loài chim, 41 loài bò sát và 16 loài cá sinh sống ở sông Colorado và các lưu vực.
Ngành khảo cổ còn tìm được những chứng cứ chứng minh sự thích nghi của đời sống xã hội con người trong môi trường khắc nghiệt và khung cảnh ở đây với 2,600 tài liệu tiền sử kể cả sự hiện diện văn hóa Archaic (cư dân sớm nhất vùng nầy), Cohonina Indians ở dọc South Rim; Anasazi Indians ở South và North Rim, Hualapai và Havasupai Indians đã đến Canyon và sống yên tĩnh cho đến khi người da trắng xâm nhập vào đây năm 1860.
The Grand Canyon được bão tồn lần đầu tiên vào năm 1893 như bão tồn rừng, nhưng về hầm mỏ và săn bắn vẫn còn được phép tiếp tục cho đến năm 1906 và đến năm 1908 thì chấm dứt.
Tùy theo độ cao mà khí hậu và cư dân có thể thay đổi từ khí hậu sa mạc cho đến khí hậu vùng núi.
Vật hóa thạch tìm thấy có thể từ những cây cối lúc ban đầu, sinh vật biển, trái đất (terrestrial specimens), loài bò sát cổ đại, cùng vài loài có vú khác.
Trên đường về tôi nhìn kỹ lại về những nhận xét đất đá của tôi ở khu vực đập Hoover và quan sát các kiến trúc làng xóm phía đông của Las Vegas để kiểm chứng nhận thức của mình.
Tối nay, Tin và Ngọc đãi chúng tôi bữa ăn cũng ở nhà hàng Kim Long đầy đủ mọi người với Nga và Phượng, để ngày mai chúng tôi sẽ từ giã Thành phố Cờ Bạc trong sa mạc nầy mà sang mục tiêu chính của chuyến đi là Salt Lake City thuộc Tiểu bang Utah.

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
19/12/2015.

No comments:

Post a Comment