Tuesday, December 8, 2015

*H.T Chữ Nghĩa 24: Đi Vào Kinh Điển. (tt)




Nói như vậy có nghĩa là trong khoảng thời gian đọc bộ “Phật Học Phổ Thông” để trang bị cho mình những kiến thức căn bản về đạo Phật, thì khi đọc đến Kinh Lăng Nghiêm tức quyển VI-VII tôi thấy có những điều thật lạ lùng khiến tôi có thể hiểu sâu vào đạo Phật hay là tại vì lúc tôi bệnh những điều tôi “cảm nhận” được ấy khiến tôi có thể thâm nhập vào đạo Phật dễ hơn. Đọc khoảng một phần ba quyển sách, tôi lại thấy có những điều mình cần phải nhớ để sau nầy có những cái cần thiết phải làm. Thế là tôi có ý nghĩ ghi lại theo kiểu của Học Giả Nguyễn Hiến Lê chỉ cách đánh dấu bên ngoài lề trang sách. Nhưng cách ấy khi cần phải lục lại rất là tốn thì giờ, nên tôi đành bỏ thì giờ ghi những đoạn ấy vào một cuốn vở có ghi số trang sách nữa. Việc làm đó có tốn nhiều thì giờ vào lúc đầu, nhưng rất tiện lợi về sau khi tôi cần đến. Rồi lúc đọc đến quyển “Khóa VIII” tức khóa mà Hòa Thượng Thích Thiện Hoa giảng về “Kinh Viên Giác” thì tôi lại thấy trong Kinh nầy có những điều liên kết với Kinh Lăng Nghiêm một cách chặt chẽ, tất nhiên tôi cũng tiếp tục ghi chép như đã làm đối với Kinh Lăng Nghiêm và đến Khóa XII (Kinh Kim Cang) tôi hoàn tất bộ ba các Kinh có những phối hợp nhịp nhàng trong giáo thuyết mà Đức Phật đã khám phá. Từ đó những bài viết về sau thành hình với những đoạn Kinh dẫn chứng để chứng minh, để biện thuyết cùng độc giả trong những đề tài mà tôi muốn diễn đạt, muốn tích hợp những kiến thức mà tôi đã ghi nhận được trong quá trình đi tìm hiểu vào đạo Phật.
Do đó từ bài số 10: Những Điều Trích Dẫn…(Hay: Nhân Sinh Quan Và Vũ Trụ Quan trong Đạo Phật) tôi đã bắt đầu trích những đoạn kinh ở cả ba bộ kinh để dẫn chứng một tiến trình giản lược về sự đến thế gian nầy của con người (nhập thế gian từ cái “thấy” của Đức Phật sau khi thành đạo) và sự thành hình thế giới, cùng sự luân chuyển của chúng sinh như thế nào… Và quan trọng nhất là làm thế nào để “Xuật thế gian” trở về với cõi Phật. Tôi cố tình dẫn chứng để độc giả thấy rằng Kinh nói như thế đó chứ không phải là tôi vẽ vời.
Đến bài 11: Từ Thực Tại…(hay: Phật A Di Đà và Cõi Tịnh Độ) Đây là kết hợp tâm không bình của con người trong thực tế và cõi Tịnh Độ cùng những hạnh nguyện của Đức Phật A Di Đà mà tôi đã được nghe Thầy Thích Phước Nhơn (Perth –Tây Úc) khi về chùa Pháp Hoa ở Nam Úc thuyết giảng cùng bộ sách của Thầy, và vài quyển về Tịnh Độ khác mà tôi đã đọc được để vạch lên nét khái quát khi tìm hiểu về Tịnh Độ, hi vọng nó sẽ giúp độc giả không có nhiều thì giờ có thể có được ý niệm nào đó về Tịnh Độ.
Sang đến bài 12: Một Vấn Đề…(Hay: Cái Ta trong Đạo Phật) là chủ đề mà tôi đã có ý niệm từ khi đọc quyển “Hành Hương Đất Phật” của Phan Thiết. Thực ra, từ trước tôi chẳng biết gì về Đạo Phật, cho nên cái Ta tôi hiểu hay quan niệm như là của một người bình thường ngoài thế gian; nhưng trong cơn bệnh tôi đã “cảm nhận” nhiều điều lạ lùng cũng như đi vào Thiền một cách vô tình, và tôi cố gắng, liều theo tình trạng đó cho đến giai đoạn cuối như một sự hiếu kỳ. Đến khi đọc được phần Đức Phật thuyết về Kinh Lăng Nghiêm, tôi mới nghiệm lại về “Cái Ta” của con người trong thế gian nầy. Nhất là phần Đức Phật nói về 50 thứ Ma từ Ngũ ấm, trong đó tôi chú ý đến đoạn “Vì dụng công tu luyện, nên tạm hiện ra các việc như vậy, không phải là chứng Thánh; nếu sanh tâm nghĩ mình chứng Thánh, thì bị ma cám dỗ”. Chính vì điều nầy, tôi đã liên hệ đến trường hợp của “Bà Vô Thượng Sư Thanh Hải”, bà nghĩ rằng bà đã chứng Thánh thành Phật nên tự xưng là Vô Thượng Sư để rồi sau đó đưa bà làm như một người trình diễn thời trang và kiêu ngạo: “Như một vị Phật đến thế gian để mở một thời Hoàng Kim”, tôi nghĩ có thể bà đã mắc chứng “Đại Ngã Mạn” rồi chăng? Đó là ý kiến riêng của tôi nghĩ về bà. Sau đó tôi lại còn tìm hiểu xa hơn đối với vài tôn giáo khác thì những giáo chủ cũng không thoát khỏi cái bệnh thường tình của “Cái Ngã”, người thì xưng là “Con” của Thượng Đế, người thì xưng là “Sứ Giả” duy nhất và sau cùng để tạo nên những tôn giáo mà tín đồ “phải tin tuyệt đối vào mình” và “sống chết” vì tôn giáo để được lên Thiên Đàng và hưởng mọi sung sướng. Những tôn giáo ấy cũng chẳng qua là từ “Cái Ngã Mạn” quá lớn của người Giáo Chủ. Tuy nhiên, theo Kinh Lăng Nghiêm thì Giáo chủ ấy tưởng mình thành Thánh, có đủ căn cơ để thuyết giáo người khác, thế thiên hành đạo mà “Cống Cao Ngã Mạn” cho nên tôi nghĩ họ đã bị “Ma” hướng dẫn và trở thành tôi tớ của Ma để dẫn chúng sinh, tín đồ đi vòng trở lại vòng Luân Hồi, làm cho cho tín đồ chúng sinh mãi mãi chẳng bao giờ thoát khỏi vòng “Luân Hồi” được.
Từ ý niệm ấy, tôi cố gắng phân tích trong thực tế cũng như ảnh hưởng cái “Ta”, cái “Chúng Ta” trong đời sống và dẫn những đoạn Kinh minh chứng cho những điều tôi luận giải nhằm để người đọc có thể hiểu được vấn đề trọng yếu trong Đạo Phật là “Vô Ngã” và “Diệt Ngã” mà vấn đề nầy đã khiến cho người học Phật có nhiều khó khăn và chật vật, thì đối với người ngoại đạo như Phan Thiết thì lại càng “không có thể hiểu được rõ ràng” nên Phan Thiết chỉ là một người “viết bậy” mà thôi!
Một câu trong Kinh Lăng Nghiêm rất quan trọng, tôi xin viết lại để Quý độc giả chiêm nghiệm về những tôn giáo có chủ trương chém giết, gian dối… như sau:

“Dầu cho ông (A nan), hiện tiền đặng nhiều trí huệ và thiền định (nếu tâm dâm dục không trừ; nếu ông không đoạn trừ tâm sát hại; nếu không đoạn trừ tâm tham lam, trộm cướp; nếu các chúng sanh, đã giữ hoàn toàn ba hạnh trên là không sát, đạo, dâm rồi mà còn đại vọng ngữ), cũng sẽ đọa vào ma đạo (thần đạo; tà đạo; ma ái kiến)”.

Ngày xưa tôi nghe người ta kể chuyện về “bị ma dẫn”: Đang đi trên đường vào ban đêm tự dưng có nhiều người đến đi cùng, rồi mình đi theo họ, cứ đi đi mãi rồi đến sáng mới thấy mình chun vào bụi tre gai và miệng ngậm đầy đất mối bùn. Thì ma nầy cũng sẽ dẫn chúng sinh, tín đồ đi lòng vòng trong cõi Luân Hồi mà không hề thoát ra được, vì nhiều người ra khỏi thì ma sẽ chơi với ai?
Rồi đến bài 13: Ngàn Năm Một Thuở..! (Hay: Thân Người Khó Đặng) tôi chỉ muốn chia sẻ những điều thu thập được cũng như những suy nghĩ về thân phận con người trên đường Luân Hồi. Trong vòng xoay dần nầy do vì nhân quả của những điều Thiện, Ác mình đã làm đã gây ra trong cuộc sống thì biết kiếp sau mình có được làm người nữa hay không, hay phải đi vào thế giới của súc sanh, địa ngục hoặc chư thiên thì làm sao để tu, để được giải thoát khi mà chỉ có làm thân người mới có thể tiến tu và giải thoát mà thôi, cho nên “thân người khó đặng” (nhân thân nan đắc) và rồi “Phật pháp cũng khó có dịp để được nghe” (Phật pháp nan văn) để chúng ta cùng suy nghĩ lại về một kiếp người và nghĩ đến con rùa mù với cái bọng cây trên mặt nước.
Tiếp theo, tôi hoàn tất bài thứ 14: Sự Hoài Nghi..! (Hay: Đạo Phật là Đạo của Khai ngộ và Trí Tuệ), trong bài nầy tôi đem những kiến thức học về Triết và Khoa học Thực nghiệm được học từ năm cuối thời Trung học và một năm đầu trên Đại học mà tôi đã tiếp thu để nhận định về một số tôn giáo và nhất là với Đạo Phật. Mở đầu của bài, tôi đã dẫn đến đoạn Kinh mà Đức Phật đã thuyết cùng người dân Kalama về “Sự tin” và nên tin như thế nào để từ đó mình tin và thực hành Đức Tin của mình trên sự sáng suốt và có tính cách khoa học hầu đem lại cho chính mình một niềm tin khả dĩ tốt đẹp nhất không phải bị “U mê” và “Cuồng tín” hay nói đúng hơn là hợp với “Khai ngộ” và đầy “Trí tuệ”! Tôi hoàn tất bài nầy vào ngày 7/10 năm 2002.
Và sau đó, ngày 11/10/2002 tôi cố gắng hoàn tất bài 15: Coi Chừng Sai Lầm..! (Hay: Tùy Căn Cơ nhập lưu Đạo Phật) để dẫn chứng những đoạn Kinh hoặc phân tích mỗi con người đến với Đạo Phật tùy theo căn cơ, cũng như một phương pháp nào đó sẽ thích hợp với con người của họ mà họ sẽ hành trì. Pháp Phật nào cũng nhằm đưa con người thoát được vòng Luân Hồi để được an nhiên tự tại trong cõi Niết Bàn. Nói như vậy chúng ta có thể gẫm suy được nghĩa của chữ Niết Bàn là cõi như thế nào? Và Niết Bàn là gì?
Đó là những khoảng đầu thời gian mà tôi đi tìm hiểu vào Đạo Phật, do cơ hội tìm học và để hiểu, tôi đã cố gắng đọc các Kinh tìm được, nhất là bộ Phật Học Phổ Thông thì có những điều hiểu hiện ra trước mắt như một hệ thống, tôi cố gắng nắm bắt đưa vào những tiêu đề để ghi lại thành một loạt bài nhằm chia sẻ với bạn bè, người đời (vì lúc đó chỉ in ra và lưu hành chuyền tay thôi) cho nên nó có nhiều giới hạn của nó.
Còn phần đi tìm những thắc mắc của mình trong cơn bệnh tôi đã tìm được một chút giải đáp khi đọc được Kinh Hoa Nghiêm. Tôi bỏ ra những thời gian để đọc ráo riết bộ Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Đại Bát Niết Bàn khi tôi thỉnh được từ Chùa Quang Minh ở Melbourne. Còn trong các Kinh khác như bộ Kinh A Hàm (Trung A Hàm, Trường A Hàm, Tăng Nhất A Hàm) tôi đọc từ từ về sau. Thường thì tôi ghi chú, đánh dấu vào lề của các trang, nhưng để giản tiện hơn tôi lại ghi những điều quan trọng vào trang giấy trắng kèm theo trong mỗi quyển Kinh mà tôi đã đọc. Về sau khi có cơ hội tôi gởi các bài ấy đến Trang nhà Đạo Phật Ngày Nay của Đại Đức (lúc đó còn là Đại Đức) Thích Nhật Từ để đăng tải. Sau tôi viết thêm một số bài với chủ đề Tổng quát về Đạo Phật để bày tỏ cái nhận xét, quan niệm của mình trình bày cùng độc giả và đại chúng gọi là góp ý “cho một cái nhìn” về Đạo Phật một cách thực tế hơn như các bài: “Những Sự Thâm Trầm Của Đạo Phật”, “Đạo Phật Là Đạo Của Tâm Thức”, “Giá Trị Của Đạo Phật”, “Con Người Trong Đạo Phật”, “Tìm Hiểu, Vào Đạo Phật”, “Đạo Phật: Nhập Thế Hay Xuất Thế”, “Sự Nhập Thế Của Đạo Phật”, “Đạo Phật Và Tín Ngưỡng Nhân Gian”, “Thế Giới Cõi Âm”, “Đạo Phật Là Đạo Của Đại Chúng”, “Bàn Về Đức Tin Trong Đạo Phật”, “Ý Nghĩa Cuộc Sống Hiểu Theo Đạo Phật”, “Tại Sao Trong Đạo Phật Đề Cập Đến “Vô Ngã”, “Tính ‘Không’ Trong Đạo Phật”, “Từ Cái Chết Của Ba Tôi” (bài nầy để tưởng niệm ngày ba tôi mất, nhưng cũng là liên kết về Kinh Địa Tạng.
Trong khoảng thời gian hơn mười năm ấy tôi đã cố gắng đi tìm giải đáp những thắc mắc cho mình (có được lúc bệnh) qua sự tìm hiểu giáo thuyết của Đức Phật, kể cả đi vào Kinh điển. Từ đó tôi ghi nhận được những điều, có được những suy nghiệm, tôi đã ghi lại thành những bài để chia sẻ cùng độc giả những vấn đề của Đạo Phật, mặc dù những bài ấy thiếu đi phần sâu sắc, nghiên cứu chuyên sâu. Và tôi cố gắng nhìn toàn bộ vấn đề để rồi đúc kết lại thành 3 bài chính yếu, đó là các bài: “Nhập Thế Gian”, “Xuất Thế gian (phần I)”, “Xuất Thế Gian (Phần II)” mà tôi coi đó như là “Một tập tài liệu” và tôi gọi gồm chúng lại với cái tên “Tổng Quan Về Đạo Phật” để giúp độc giả có một cái nhìn tổng quát vào giáo pháp của Đức Phật. Còn viết hay nghiên cứu thêm thì đến nay tôi chưa nhìn ra vấn đề nào khác để có thể viết tiếp. Đôi lúc tôi có cảm tưởng chắc cái tìm hiểu về Đạo của mình đã bị “bão hòa” rồi chăng?

Nguyên Thảo,
07/12/2015.

No comments:

Post a Comment