Saturday, December 12, 2015

*Quê Người! (5)




Khi trời tưng hửng sáng thì một vài thanh niên được lệnh từ ông chủ lội vào trong bờ để câu dây cho mọi người di chuyển lên bờ, có người rửa sơ thân thể qua nhiều ngày trong hầm tàu dơ dáy, rồi cùng nhau đứng lóng nhóng ở nơi nầy. Còn vài người nữa lên phá thủng cho tàu chìm. Trời sáng tỏ, dân địa phương bắt đầu bơi thuyền hoặc đi xuồng máy chạy qua lại khúc sông lấy làm ngạc nhiên lắm. Không lâu, lực lượng cảnh sát Mã Lai (chắc được dân địa phương thông báo) họ đã đến với vài chiếc xuồng nhựa. Sau khi làm việc, điều tra đoàn chúng tôi qua những người giỏi tiếng Anh thì họ nói ai đưa chúng tôi tới đây là không tốt vì bìa chân núi nầy là nơi có nhiều cá sấu. Họ khuyên nên cẩn thận và cho biết đây là cửa sông Dungun. Xong, cứ hơn mười người đi lên một xuồng nhựa để họ đưa về đồn cảnh sát gần đó. Đi lại cũng nhiều chuyến. Chúng tôi được tập họp ở một sân cỏ rộng của đồn. Những đội cảnh sát đang tập thể dục buổi sáng, coi bộ họ cũng có nét dữ dằn cùng với những bộ đồ rằn ri. Họ cho chúng tôi ăn nhẹ qua loa và để những thùng nước cho chúng tôi uống. Tôi vì khát nước quá nên uống hơi nhiều, sau đó thì bị chứng “nuốt cục” kéo dài trong nhiều ngày. Lập danh sách, kiểm tra người rồi thì chúng tôi được lệnh chờ người của “Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc” (UNHCR) đến nhận và chở đi về trại. Tất cả chúng tôi vừa lớn, nhỏ cả thảy là 123 người. Nghe mà giật mình, không ngờ cũng đông dữ vậy! Khoảng hơn mười giờ, người của cao ủy đến với ba chiếc xe buýt để tiếp nhận chúng tôi từ đồn cảnh sát bàn giao, và cho chúng tôi biết là số tàu thứ tự cặp bến của chúng tôi là PB 959. Từ đây con số nầy sẽ theo chúng tôi suốt con đường tị nạn. Cứ mỗi người một ghế không phải dồn ép đâu cả. Đoàn xe chạy về hướng bắc, trên đường cây cối xanh tươi, những đứa trẻ con vui vẻ cười nói vang rân; tôi lại nghĩ về vợ con tôi mà những giọt nước mắt tuôn ra, lòng ngậm ngùi. Xe chạy chắc hơn tiếng đồng hồ mới về đến một nơi tập trung khác dọc đường, kế biển có tên gọi là Marang. Đây là trại trung chuyển. Từ đây để chuyển ra đảo Bidong, hay từ đảo Bidong chuyển về đây để đợi lên đường về trại Sungai Bési ở Kuala Lumpur. Cao Ủy phân phát cho chúng tôi những đồ dùng cá nhân gồm kem, bàn chải đánh răng, xà bông, giấy đi cầu, khăn lau mặt, chén ăn cơm, đủa, muỗng và một cái sô nhỏ để tiện dụng. Khí hậu ở đây cũng không khác gì với Việt Nam là mấy. Tôi ngồi nhìn ra biển, có hai hòn đảo kế nhau, sao giống với hai hòn đảo mà những tàu Mã Lai đã đưa chúng tôi đến đó trước khi kéo tàu chúng tôi vào bờ; tôi cứ mãi ngờ ngợ, nhưng chắc là không phải. Ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi rồi chúng tôi tụ tập nhau mà tán gẫu. Có người am tường kể ngày xưa Mã Lai nầy thua xa miền Nam, nhưng bây giờ họ hơn mình nhiều. Tôi nghĩ hơn là cái chắc vì họ cứ mỗi ngày tiến lên; còn đất nước mình sau 30/4/75 thì phải đứng lại để tổ chức mọi cơ chế xã hội và lao động mọi thứ bằng chân tay, thiếu thốn mọi bề, kinh tế hoàn toàn đình trệ. Sản xuất thì không có, dân thì càng ngày càng gặp phải nhiều khó khăn từ đi đứng lẫn tiêu chuẩn làm ăn, đời sống càng ngày càng bi đát, bị kiểm soát không cùng. Nói chung mọi khía cạnh kinh tế đều đình trệ để nhà nước quản lý và sắp xếp, thế nhưng đâu phải suôn sẻ đâu, nay sai cái nầy, mốt sửa cái kia, tối ngày chỉ loay hoay để sửa đổi; dân chúng dần nghèo đói nạn trộm cắp bắt đầu hoành hành từ ăn cắp vặt cho đến cướp miễn người ta làm sao để bão toàn được mạng sống của mình. Người dân dần lì lợm không sợ đến luật pháp và sẵn sàng vi phạm luật vì sự sống. Người làm việc bắt đầu chôm chĩa của công để cung ứng cho mình, gia đình. Một xã hội rối loạn, một thời đại tang thương, mà người dân không thể nào lên tiếng được. Từ năm nầy đến năm khác, nên thay vì một đường hướng làm cho xã hội tốt hơn như trong lý thuyết thì trên thực tế ngược lại đã tạo một xã hội bất công không cùng, người bức hiếp người mà nạn nhân không hề được lên tiếng. Đó là chưa nói đến vấn đề chính trị! Nó còn phức tạp và nhiêu khê hơn nữa. Để củng cố thì phải không tin, ai cũng có thể là kẻ thù, nên quan điểm trong mọi việc cũng không có gì là lạ! Sự chuyên chính đã bóp chết tư bề! Tôi chỉ thở dài mà không hề góp ý, tôi lại nghĩ về thân phận của tôi và nhất là các con tôi, đó là lý do tôi có mặt ở nơi nầy.
Đêm nay cũng có một đoàn từ Bidong được phái đoàn Úc nhận chuyển đến để ngày mai chuyển về Sungai Bési, chúng tôi có nói chuyện với một ít người cùng học được vài kinh nghiệm lưu lạc. Có bà bầu trong đoàn Bidong sang giở chứng chuyển bụng sanh, cũng may cái ông mà ngày đầu trên tàu tôi kể ra nằm tắm nắng trên boong lại chính là ông bác sĩ: Bác sĩ Cương, ngày trước làm ở bệnh viện Sùng Chính ở Chợ Lớn, thế là ông trở thành vị bác sĩ đỡ đẻ ngay trong đêm đầu tiên ở Marang của Mã Lai nầy. Cuộc đỡ đẻ cũng đơn giản như đời của người tị nạn, chỉ lấy mền ngăn lại để ông bác sĩ giúp bà bầu đẻ ra em bé với những dụng cụ hiện có, thế thôi! Đó cũng là một nghĩa cữ cũng là một nhiệm vụ của một ông bác sĩ!
Đến bây giờ tôi mới biết cái ông ngồi đội nón ngồi ở cửa phòng lái cứ ngó ra biển mà buồn hiu, thì ra ông ta là người tổ chức và móc nối để tổ chức của nhiều chuyến đi. Ông ta không muốn nhưng bị bắt đi vì khi đưa ra cửa biển xuồng ông ta bị chặt đứt dây và tình thế ở cửa biển khiến ông ta không thể quay trở lại. Ông tiếc nuối những món nợ và tiền của ở nhà mà người nhà ông không biết; ông có ý sẽ xin về. Vài người khuyên ông đừng nên vì nếu ông trở về thì sẽ bị khó khăn ngay vì sẽ bị ghép về tội tình báo, ông bão rằng ông quen nhiều lắm, những người khuyên ông không dám nói nữa. Anh Kỳ xạo bây giờ mới ló tên thật là Tấn Triết trình độ tiếng Anh thì cũng tưong đối giỏi, nhưng hai người giỏi nhất có lẽ là hai anh em anh Tôn Huấn và Đức Hậu, vì hai anh vốn là Giáo sư Anh Văn của trường ở Mỹ Tho và Sài gòn. Tôi ngồi nói chuyện với anh Lộc, anh bảy Minh thêm khoảng thời gian nữa thì trời cũng quá khuya nên cùng nhau giải tán về chỗ ngủ để ngày mai được chuyển sang đảo.
Sáng sớm phái đoàn đi sang Kuala Lumpur phải đi sớm, họ dậy từ lúc khoảng 3 giờ để 4 giở khởi hành; còn chúng tôi thì trễ hơn. Mãi đến hơn 8 giờ, chúng tôi mới ra xe khởi hành lên Trengganu, xe chạy dọc bờ biển đến Trengganu mất khoảng một giờ. Chúng tôi đợi ở cầu tàu khá lâu thì chiếc đò đưa người từ đảo Bidong mới sang đến. Ở đây tôi đã quăng đồng tiền cắc không xài ở bến nước nầy để đánh dấu một lần tôi đã đến đây; nhưng chiếc đò mà tiếng Mã gọi là Blu-đát (tôi không biết nó viết như thế nào) chỉ chở được một số người, nên phân nửa chúng tôi phải ở lại để đi chuyến sau vào ngày mai. Tôi và số người nữa đành lên xe quay lại Marang thêm một ngày nữa. Đêm hôm qua đông quá trở nên ngột ngạt, ồn ào; đêm nay thì trở nên vắng lặng hơn, nên chúng tôi không thức khuya lắm! Và ngày mai chúng tôi đã được thông báo là không đi sớm mà đến tận đến trưa vì vậy chúng tôi không phải nôn nóng.
Cầu tàu trưa nắng chói chang, chúng tôi đứng nhìn ra cửa biển, người ta đổ đá xây thành một cái vòng cung chừa cái cửa để tàu ra vô. Đợi cũng khá lâu chiếc blu-đát mới đến để cho người xuống và chúng tôi mới lần lượt lên đò. Đò chạy ra cửa sông và lần ra biển tiến về hướng bắc. Không biết đảo Bidong cách bao nhiêu cây số mà chiếc blu-đát chạy cũng khá lâu mới đến được đảo Bidong. Chiếc blu-đát cặp bến, bến tàu là chiếc cầu gỗ được dựng dài ra biển, sau nầy mới nghe người ta gọi theo tiếng Anh là “jetty”. Chúng tôi lên cầu đi vào đảo. Nhiều người đứng nhìn chúng tôi như tìm xem có người quen hay không? Chúng tôi cũng không có thì giờ để nhìn xem, mà phải đi thẳng vào trong nhà gọi là Task Force của Mã Lai để làm thủ tục nhập trại. Vào trong chúng tôi ngồi để nghe người phụ trách nói chuyện. Ông ta chào mừng đồng bào đến bến bờ tự do nhưng “cũng thành thật khai báo” khiến bọn tôi hơi ngỡ ngàng hỏi nhau “đây là nơi đâu”?
Sau cuộc nói chuyện, chúng tôi được cho mỗi người một gói mì gói nấu sẵn, vừa ăn vừa kê khai để những người thiện nguyện ghi vào hồ sơ những lời khai báo của mình; xong xuôi thì được phân chia về những khu, dãy để chọn nơi ở trong thời gian còn ở đây. Tôi được đưa về Khu B ở chung với gia đình anh Thành, chị Dung, Hiếu, Hậu cùng hai thằng Minh đen và Minh trắng, tất cả những người nầy đều cùng một chuyến tàu vượt biên khởi đi từ Nhà Bè của Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, thì tin vui nhất của tôi ở nơi nầy chính là tôi gặp lại em ruột thứ út của tôi là Thành, nó đã đến đây từ hơn hai tháng trước. Tôi đã lên đảo tị nạn Bidong đúng ngay vào cái ngày mà cách đây 13 năm chính là ngày đám cưới của vợ chồng tôi (ngày 21/07/1970)!

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
13/12/2015.

No comments:

Post a Comment