Thursday, July 23, 2015

*Người Chơi Kiểng!

*Tào lao Thế Sự 2. (tt)


Hắn là một con người có nhiều tự tin, thích tìm hiểu cũng giống như cái tính lầm lì của hắn. Không biết hắn tìm đâu ra một quyển sách chơi cây cảnh “hay” như thế nào đó, mà hắn lại tự hào và xem những kiến thức nầy như là những điều quý báu nhất trong thiên hạ. Hắn không nói cho ai biết và cũng chẳng cần nghe những điều người khác nói. Thế là hắn quyết chí đuổi theo mớ kiến thức ấy.
Một ngày kia, hắn thấy trước nhà không biết đâu mà mọc lên hai cây sung. Người ta bảo tự nhiên có cây sung mọc lên như vậy sẽ làm ăn phát đạt lắm vì “sung” tức là sung túc, lại tự nhiên mà mọc thì ấy là của trời cho. Hắn không tin nhiều vào điều đó, nhưng ước muốn của hắn sẽ phải được thực hiện. Hắn biến giấc mơ thành hiện thực!
Thế là hắn kiếm cái chậu nhỏ, bứng một cây sung đặt vào, trộn đất và phân cho cây để bắt đầu cái giai đoạn gọi là “tiền chơi cây cảnh” mà ngày xưa người ta hay nói vắn tắt là “chơi kiểng”. Hắn cũng chăm lo lắm, thường xuyên theo dõi chăm sóc như lo cho một đứa con cưng. Rồi hắn lại bỏ tiền ra mua dây kẽm cứng hơn, kéo cắt để tỉa lá, uốn cành để cây thành hình dáng cho dễ coi và có vẻ nghệ thuật nữa chứ. Đối với nghệ thuật thì người ta hay thay đổi để được tốt hơn giống như làm một cuộc cách mạng vậy. Hắn cũng làm cuộc cách mạng cho cây. Nhưng trong đời không có gì là hoàn hảo cả. Hắn có tinh thần nhưng chưa hẳn là hắn có khiếu về nghệ thuật, cho nên hắn cứ sửa đi sửa lại hình dáng cho cây mãi. Nhiều người nhìn thấy hắn làm cứ thầm cười trong bụng mà không dám lên tiếng bình phẩm, vì như trên tôi đã nói: Hắn chẳng cần nghe những gì người khác nói, hắn cho rằng những kiến thức mà hắn thu thập được đã hơn hẳn người ta rồi, không cần phải điều chỉnh sửa đổi, giống như lý thuyết của một triết gia nào đó bàn về xã hội đã được coi như là ưu việt của nhân loại vậy! Hắn càng trở nên lầm lì về những năm sau. Cây sung “kiểng” của hắn nhiều lần suýt chết vì cắt, đục phạm. Ngay như trong chậu, cây bị kiềm hãm cộng với sự trấn áp trắng trợn như vậy, cây đã sống không muốn nỗi rồi chứ cần nói chi đến sự đục phá của hắn! Qua nhiều năm cây sung nầy quả thật là một cây kiểng còi cọc, vàng úa, thiếu đi sức sống mà chỉ chờ ngày để chết nữa thôi. Thế mà hắn chưa chịu giải phóng cho cây, lại bắt cây luôn là vật thí nghiệm những biện pháp cho hắn. Hắn cứ nay sửa chỗ nầy, mai lại đục chỗ khác; cây đầy thẹo, sức cây mòn mỏi; hắn lại tốn công vô ích, và chỉ bỏ tiền ra nuôi, làm giàu những người mà hắn đã mua đồ, làm lợi cho họ. Vậy mà hắn cảm thấy sung sướng vô cùng!
Có những ngày nóng, hay những buổi chiếu tà hắn mắc võng, hay ghế bố nằm dưới bóng mát của cây sung không bị hắn hành tội, run đùi nhịp cẳng để nhìn lại cái cây sung mà hắn đã hành hạ bao nhiêu năm ấy; và không biết hắn có ý nghĩ gì về hai cây sung đồng lứa năm nào bây giờ nằm ở hai thái cực, mà chính hắn lại là một tác nhân gây nên tội lỗi ấy hay không?
Chắc hắn cũng phải có đôi chút nào đó về sự khác biệt vô cùng to lớn ấy chứ? Nếu không, thì hắn đâu phải là con người!

Đồ Ngông,
23/07/2015.


Wednesday, July 22, 2015

*Chuyến Đi "Vùng Đá Vôi" 3.



Sáng dậy vào khoảng hơn 6 giờ rưỡi, người lớn lo chuẩn bị thức ăn uống và thu dọn đồ đạc. Ăn xong thì đúng 8 giờ rưỡi trả phòng và rời Mount Gambier.
Lần trở về nầy chúng tôi thay đổi lộ trình, không về bằng con đường cũ mà sẽ đi dọc theo biển để các cháu bé có thể nhìn được phong cảnh khác biệt, đồng thời hiểu thêm được những vùng ven biển. Chúng tôi sẽ qua Millicent, Beachport, Robe, Kingston rồi lên Meningie và về Tailem Bend để theo đường lớn về Adelaide. Như vậy là chúng tôi sẽ đi lại con đường Princes Hwy ngày hôm qua mà chúng tôi đã đến hang động Tantanoola. Hôm nay tôi mới để ý nhìn kỹ lại hai bên con đường nầy, dọc đường người ta trồng những rừng thông với nhiều độ tuổi, mình có thể phân biệt được do độ lớn của cây. Khu rừng ở phía đối diện với hang động lúc xưa khi tôi đến đây lần đầu tiên cùng với những người bạn thì nó trống trải và người ta sửa soạn trồng lại; nay thân cây đã lớn, mười mấy năm rồi còn gì! Đi trên con đường nầy tôi lại nhớ đến những thời gian đi bên những đồn điền cao su có màu xanh mát rượi của quê mình với những hàng cây thẳng tắp. Thông trồng thành rừng cây nầy không cách cây kia xa lắm, chúng gần nhau để thiếu nắng mà vươn lên, vừa lên cao thân lại thẳng sẽ lợi hơn nhiều. Cứ mỗi bốn, năm hàng gần thì cách một khoảng hơi xa hơn đối với bốn, năm hàng khác, cứ thế mà liên tục nhau trong một khu thông cùng lứa tuổi. Khu tam giác Mount Gambier, Penola, Millicent là khu vực trồng thông để khai thác gỗ cũng như cung cấp cho nhà máy giấy ở đây.
Hang động Tantanoola nằm khoảng giữa đường từ Mount Gambier cho đến Millicent. Chúng tôi thấy hang động nằm lưng chừng đồi mà ngày hôm qua mình không để ý, như vậy ngày xa xưa nào đó khu vực nầy chắc bị chìm trong mực nước biển cũng khá sâu.
Sau gần 50 km chúng tôi đến thị trấn Millicent và còn đi tiếp 32 km qua những cánh rừng lưa thưa cũng như đồng cỏ, thỉnh thoảng có vài đoàn trừu hay bò vì mùa nầy vẫn đang còn là mùa khô nên người ta nuôi không nhiều và cỏ toàn là màu khô cháy chứ không có màu xanh tươi, nhất là trong năm nay lượng mưa khá ít. Qua đoạn đường nầy chúng tôi đến Beachport, nơi đây là nơi bắt đầu cho Geopark rộng nhất thế giới để trải dài cho đến khu vực khoảng giữa Mount Gambier và Thành phố Melbourne của tiểu bang Victoria tức là khu hồ Colac. Beachport được nhà hàng hải người Pháp là Nicolas Baudin phát hiện từ năm 1802 và đặt tên cho vịnh ở đây tên là Rivoli Bay; nhưng mãi đến năm 1878 thị trấn mới thành lập mang tên của Michael Hicks Beach, tên Bộ trưởng Bộ Thuộc địa của Anh Quốc (Bristish Secretary of State for the Colonies). Nơi nầy có một cầu tàu dài 772 m được coi là cầu tàu dài thứ nhì ở Tiểu bang Nam Úc.
Qua Beachport chúng tôi đi dọc theo dãi hồ: Hồ George, Clair, Elisa để đến Robe sau 44 km đường xe chạy. Robe có số dân chừng 1500, nó được mang tên của một vị Toàn Quyền của Tiểu Bang Nam Úc là Ngài Frederick Robe, người đã chọn Robe làm hải cảng vào năm 1845, và đến năm 1847 Robe được xem như là một thị trấn cảng.
Trong lịch sử, Robe là nơi đổ bộ của 16,000 người Trung Hoa trong cuộc tìm vàng ở Ballarat và Bendigo (thuộc tiểu bang Victoria) vào năm 1857. Từ đây họ phải đi bộ chừng 230 km để đến những nơi đó.
Chúng tôi chạy xe ra bờ biển để cho các bé chơi và nhìn ngắm. Nơi công viên nầy có một bảng cảnh cáo về việc đánh bắt hải sản được ghi bằng tiếng Anh và tiếng Việt hẳn hoi; như vậy nó chứng tỏ người Việt chúng ta cũng thường lén đến đây để bắt lậu hải sản hay là bắt không đúng cỡ hoặc số lượng cho phép. Điều đó không hẳn là một điều tốt đẹp cho một sắc tộc, nhưng cộng đồng cũng khó mà giải quyết. Tôi lại nhớ đến lời một ông chủ Tây nói với người trưởng nhóm dẫn chúng tôi đi làm ngày trước mà anh nầy đã nói lại: “Người của mầy sao đói tiền quá vậy”! Điều nầy khiến chúng ta phải có nhiều suy nghĩ!
Chúng tôi đưa mấy đứa bé đi thăm khu vực làng chài, những ụ của tàu đánh cá về đây để phân phối. Cá được chuyển lên những xe tải để đem ra thị trường trong đó có chiếc xe tải của cửa hàng bán cá gần nhà chúng tôi.
Sau đó, đoàn vẫn theo quốc lộ 1 để về Kingston. Tôi không hiểu tại sao Kingston lại được kèm theo chữ S.E ở phía sau. Từ Robe về Kingston phải đi 41 km.
Chúng tôi ra bờ biển để xem cái cầu tàu và hải đăng. Và, chừng nửa giờ đồng hồ chúng tôi chạy về chỗ “Con tôm lớn” để nghỉ và ăn trưa. Gọi là nơi “Con tôm lớn” vì chỗ ăn uống nầy có trưng bày mô hình của một con tôm hùm màu đỏ rất lớn ở phía trước; màu đỏ của màu tôm luộc chứ không phải là màu của một con tôm còn sống. Theo tôi thấy ở nhiều địa phương của Nam Úc nầy người ta thường tạo những hình ảnh đặc biệt cho địa phương của mình để vừa thương mại vừa thu hút du khách đến thăm viếng, nhất là đối với những nơi không có gì quá đặc biệt như Lobethal có “ngựa gỗ lớn” (Big Rocking Horse), Burwood có “Bảo tàng xe hơi”, Barmera có “Big Orange”, và Kingston nầy có “Big Lobster”.
Big Lobster là một mô hình con tôm hùm cao 17 m, dài 15.2 m, và rộng 13.7 m nặng khoảng 4 tấn được tạo bằng sắt và fiberglass do Paul Kelly thực hiện cho Ian Backler và Rob Moyse theo ý tưởng của Ian Backler có được khi ông nầy làm một chuyến du lịch trên đất Mỹ. Paul Kelly vẽ kiểu, thiết kế, hoàn tất trong sáu tháng và phải di chuyển “con tôm hùm lớn” nầy từ Edwardtown về Kingston lắp ráp bằng đường bộ; và được khánh thành ngày 15/12/1979 do Thủ hiến David Tonkin.


Các đứa cháu tôi rất thích chụp hình với con tôm hùm, chúng chụp cũng khá nhiều. Rồi vào trong nhà hàng ăn uống nghỉ trưa và ăn thử món ăn ở đây xem thế nào, nhất là tôm hùm. Dĩ nhiên tôm hùm giá thì không rẻ rồi, nhưng cũng nên thử cho biết. Nay trong cửa hàng nầy lại có khu thử rượu. Nói là thử rượu cho oai, chứ thực sự ra thử rượu ở đây cũng như những nơi cửa hàng của “hầm rượu” cũng chỉ là mình nếm thử thứ rượu nào mình muốn mua để mình xem thứ rượu nào mà mình ưng ý để mua (tất nhiên chỉ thử một chút thôi và không tốn tiền), chứ không phải thử rượu như người chuyên môn làm ra thứ rượu ngon hay dở.
Ở trong nhà hàng khoảng hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, chúng tôi lại lên đường về Meningie cách đây 101 km theo đường cao tốc Princess. Đường cao tốc chạy dọc theo những vùng nước cạn của Vườn Quốc Gia Coorong (Coorong National Park). Nếu tính từ đây thì Coorong sẽ bắt đầu từ vịnh Lacepede của Kingston nầy chạy dài về đến vịnh Encounter ở nơi cửa sông Murray đổ ra biển theo hướng Tây bắc kéo dài khoảng hơn 130 km. Coorong là một dải vùng nước cạn với những đụn cát do biển tạo nên của bán đảo Younghusband. Đây là vùng của người Thổ dân Ngarrindjeri cư trú hàng ngàn năm trước, và danh từ “coorong” phát xuất từ ngôn ngữ “kurangh” có nghĩa là “cái cổ hẹp”, cũng có thể do “coorang” của họ có nghĩa là “đụn cát”. Ở đây, chúng ta có thể gặp các người dân bản địa; nhìn ngắm, chụp hình hơn 230 loài chim di cư hàng năm từ các vùng Siberia, Alaska, Japan, China; đi trên những con đường cho người đi bộ; chèo kayak nơi vùng nước cạn, hoặc lái xe hai cầu trên bờ biển hay chạy theo những đường có sẵn; và người ta cũng có thể cắm trại, câu cá. Ở công viên quốc gia nầy có chừng 278 loại cây mọc trên dãi cát dài nầy, chúng được bảo vệ để giữ cát không bị di chuyển hay xâm thực vì gió mạnh của biển. Công viên được thành lập từ năm 1966 bao gồm một diện tích 476 km2 là một công viên sinh thái và lý tưởng cho nghĩ dưỡng vì sự yên tịnh, thiên nhiên của nó.
Chúng tôi về đến Meningie sau đoạn đường dài và ngừng ở đây để đi vệ sinh và nghỉ ngơi trong chốc lát cho các cháu bé được thoải mái chạy nhảy và ngắm nghía các chiếc ván buồm mà người ta đang dong ruổi trên mặt hồ như là một trò chơi thể thao. Tôi giao hẳn máy quay phim cho thằng cháu nội cho nó muốn quay gì thì quay, thế nào thì thế. Nó thích lắm, nhưng chắc chắn khi quay lại để xem thì rất nhức đầu vì nó quay lia lịa thật nhanh mà chẳng ngừng nghỉ chút nào. Con đường xe chạy gần hồ, kế hồ là những công viên, còn những hàng quán, nhà ở thì phía bên kia đường, nên khung cảnh cũng sáng sủa và nên thơ. Hồ nầy có tên là Albert được thông với hồ lớn hơn là Alexandrina, mà chúng tôi thường gọi là biển nước ngọt vì nó cũng rất là bao la có nước ngọt, vì nước của hồ là do dòng sông Murray đổ ra và chứa ở đây. Tất nhiên nơi nầy có nhiều loại cá nước ngọt. Hồ nầy mang tên cháu vua King William IV của nước Anh, Ái Nhĩ Lan là Princess Alexandrina (người sau nối ngôi vua King William IV có Vương hiệu là Queen Victoria). Do đó có lúc người ta muốn đổi tên hồ nầy lại là Victoria nhưng điều nầy không được thực hiện.
Sau chừng nửa giờ đồng hồ chúng tôi phải rời nơi đây để còn đi một đoạn đường 150 km mà trời cũng đã ngã bóng khá nhiều. Lên xe mấy đứa cháu thấm mệt và ngủ trên đường về. Chúng tôi về đến nhà vào khoảng 5 giờ rưỡi chiều hoàn tất một chuyến đi nơi “Bờ biển đá vôi” thuộc vùng Tiểu bang Nam Úc của Úc Đại Lợi, mà Thành phố Mount Gambier là trung tâm.

Nguyên Thảo,
19/07/2015.


*Bóng Ma!

*Thơ Đồ Ngông! (tt)



*Lạc Quan!

Tôi không thể cười
Mà cũng không thể lạc quan
Nhìn tới trước như một tương lai mù mịt.
Con đường đó
Dù ngày mai tươi sáng gấp vạn lần
Nhưng con ngựa bất kham
Vẫn ù lì trên con đường đi tới!
Ngựa ơi! Ngựa,
Người trên xe đau khổ, chán nản, bất cần
Vì cứ mãi loanh quanh trong những điều vô ích,
Lý tưởng mờ như bóng lại càng xa
Ngôi nhà cũ càng thêm nhiều đổ nát
Họ lại đâm chém nhau, hành hung, cướp giựt
Bao nhiêu lần gian ác lại tăng nhanh.
Nhiều kẻ cao
Làm giàu trên xương máu đã đành
Thêm bốc lột giới nghèo còn hơn lũ ác.
Đâu là công bằng
Đâu là hạnh phúc
Thiên đường đâu? Ta chẳng thấy bao giờ!
Nhưng địa ngục,
Đang dìm người vào cõi chết
Nhưng lại chưa đâu
Nào đã hết
Trơ xương ra, miệng vẫn mãi thiên đường!

Đồ Ngông,
21/07/2015.



*Bóng Ma!

Bóng ma ngày ấy
Trùm lên một cõi không gian
Làm những kẻ giật mình thức giấc
Người ta náo loạn vội vàng
Bừng tỉnh đi tìm những gì đã mất!

Bóng ma ập xuống,
Thiên hạ lại la lên, cả rừng người khốn khổ
Máu tuôn ra, rên xiết không cùng
Sóng rền vang như sấm ở không trung
Đại đa số mỏi mòn cùng thiểu số!

Chiếc xe tàn tạ
Được dựng lên trở về cùng khổ
Để đi lên
Đi lên một cõi của thiên đường
Ôi mệt mỏi
Cả rừng người ngã quỵ
Hiến cuộc đời
Vào thế giới hư vô!

Đồ Ngông,
22/07/2015.



Saturday, July 11, 2015

*Chuyến Đi "Vùng Đá Vôi" 2.



Sáng hôm sau, những người lớn dậy lúc 6 giờ lo sửa soạn buổi ăn sáng. Ăn xong đem đồ ra xe và khởi hành cũng lúc 8 giờ rưỡi. Hôm nay làm một hành trình về phương nam, đi ra biển rồi mới về điểm chính là Blue Lake (Hồ xanh) tức là miệng núi lửa của Mount Gambier. Xe chạy qua Blue Lake đi thẳng về hướng nam theo đường Port MacDonnell chừng 28 km để ra cảng nầy. Đây là một xóm nhỏ giống như là của một làng chài hơn là nơi để người ta tới nghỉ dưỡng vào những ngày hè, nhưng nó cũng có nhiều nhà mới khang trang và kiểu cách. Theo tài liệu thì người thấy nơi nầy đầu tiên là James Grant của tàu HMS Lady Nelson vào 3/12/1800. Nhưng mãi đến năm 1860 mới được đặt theo tên ngài Richard Graves MacDonnell (Toàn quyền của Nam Úc từ 1855-1862) và chọn nơi nầy làm hải cảng để chuyển lúa mì và lông trừu sang Âu Châu. Trong những năm 1880 ở đây là hải cảng nhộn nhịp. Nhưng vì thời tiết và nơi có nhiều tàu bị đắm thành ra hải cảng nầy nhường chỗ cho cảng Portland ở Victoria.
Chúng tôi đánh một vòng dọc theo bờ biển rồi trở vòng lại con đường phía sau để đến Công viên bảo tồn Dingley Dell và thăm viếng nơi ở của nhà thơ Adam Linsey Gordon trước kia. Còn đang ngắm nghía những cảnh xung quanh và thoáng qua ngôi nhà được làm bảo tàng nầy thì đã có ông tây đến nói chuyện đùa với những đứa cháu của tôi, thì ra ông ta là người trông coi cũng như là hướng dẫn viên ở đây, ông tên là Alan. Ông đưa chúng tôi vào trong ngôi nhà cũ nầy và dẫn đi tham quan từng phòng cùng giải thích những vật dụng mà vợ chồng Gordon trước kia đã sử dụng.

                                                Nhà bảo tàng Dingley Dell của nhà thơ Adam Linsey Gordon

Adam Linsey Gordon (19/12/1833 - 24/06/1870) là một nhà thơ, nài ngựa (người cưỡi ngựa đua) và là một nhà chính trị của Úc. Ông ta đến Adelaide vào lúc hơn 20 tuổi (14/12/1853) và tìm được một vị trí trong đội kỵ binh của cảnh sát ở Mount Gambier lẫn Penola. Hai năm sau ông từ bỏ lực lượng ấy và tham dự vào cuộc đua ngựa vượt rào mà ông ta đã thích từ lúc trẻ. Năm 1857, Gordon gặp Cha Julian Tension Woods và nói chuyện về thơ cùng mượn sách của vị Cha nầy ở Penola. Mười hai năm sau Gordon viết bài thơ “The Ride from the Wreck”.
Gordon kết hôn cùng Margaret Park vào 20/10/1862 rồi mua Dingley Dell tháng 3/1864 và cùng năm ông viết bài thơ “The Feud”. Vào 16/03/1865 ông được bầu vào quốc hội Nam Úc (South Australian House of Assembly) cho vùng Victoria. Đến 10/10/1866 ông từ chức ghế nầy. Khi còn ở Quốc hội ông làm bạn với John Riddoch của Penola và thường hay đến Yallum (nơi ở của John Riddoch) chơi; ở đây ông sáng tác “The Sick Stockrider”. Đến 10/06/1867 ông xuất bản “Ashtaroth, a Dramatic Lyric” và 19/06/1867 ra tiếp “Sea Spray and Smoke Driff”.
Sau đó, Gordon di chuyển đến Ballarat (Tiểu bang Victoria) để làm ăn. Tháng 03/1868 ông bị tai nạn về cưỡi ngựa trầm trọng ở vườn sau nhà. Năm 1868 ông lại nổi tiếng khi thắng 3 cuộc đua ngựa vượt rào trong cùng một ngày tại Melbourne Hunt Club. Tháng 10/1868 Gordon bán cơ sở làm ăn và chuyển về Melbourne. Vào 12/03/1870 Gordon lại bị tai nạn đua ngựa trầm trọng lần nữa trong cuộc đua vượt rào ở trường đua Flemmington. Trước khi mất, ông còn được thấy tập thơ cuối cùng của ông “Bush Ballads and Galloping Rhymes” xuất bản vào ngày 23/06/1870 qua báo chí, rồi sáng hôm sau ông ra vườn và tự sát bằng súng của mình.
Gordon được đánh giá là nhà thơ có tài của Úc và cũng là nhà thơ Úc Đại Lợi duy nhất có tượng bán thân được đặt “Góc Nhà Thơ” (Poet’s Corner) trong Westminter Abbey ở Luân Đôn (Anh Quốc).
Trở lại với ông Alan, trước hết ông đưa chúng tôi vào phòng khách, ở đây ông kể về sinh hoạt của vợ chồng Gordon thuở xưa với bàn, ghế đèn kể cả đàn dương cầm xưa cũ cùng với đàn phong cầm mà phải thổi hơi bằng miệng, cháu tôi thử đàn một chút dương cầm, coi bộ cô bé thích chí lắm. Xong, Alan đưa qua phòng ngủ xem giường, quần áo của vợ chồng Gordon bày biện ở đó. Rồi ông chuyển xuống nhà bếp, ở đây cháu tôi được nhìn thấy những vật dụng từ hai thế kỷ trước, ông giải thích và cách sử dụng của nó. Có nhiều thứ rất lạ mà tôi cũng chưa được biết. Chúng tôi sang phòng trưng bày sách, thư viện cũng như phòng đọc sách của Gordon. Cuối cùng là sang phòng trưng bày như là viện bảo tàng về Gordon. Chúng tôi được nhìn thấy lâu đài thuộc sở hữu của Gordon ở Tô Cách Lan; hình ảnh ngôi nhà nầy lúc ban đầu và nhất là cách cưỡi ngựa của chú nài ngày xưa, nó không phải mọp người như bây giờ mà lại là bật ngữa ra phía sau, kể cũng lạ thiệt! Gordon thích cưỡi ngựa mà đã mấy lần bị tai nạn thật là trầm trọng, thế mà ông vẫn không từ bỏ, quả là niềm đam mê!
Rời Dingley Dell, chúng tôi trở lại đường cũ để về ghé qua núi Schank ở khoảng giữa đường từ MacDonnell đến Mount Gambier. Schank và vùng chung quanh gồm 150 mẫu (ha) là khu vực bảo tồn của Tiểu bang, nó là miệng núi lửa ngưng hoạt động ở phía đông nam Nam Úc gần núi Gambier. Được đặt tên là Schank vào năm 1800 do thuyền trưởng James Grant lấy từ tên của Đô đốc (Admiral) John Schank, người vẽ kiểu cho tàu của Grant là tàu HMS Lady Nelson.


Mount Schank là núi lửa trẻ ở Úc. Lần hoạt động của nó cách nay khoảng 5000 năm trong thời kỳ Holocene (khoảng 11000 năm cho đến hiện tại), cùng thời kỳ với Mount Gambier, căn bản địa chất của nó là tro bụi của núi lửa phun ra. Nó cao khoảng 100 m, có đường kính chừng 300 m và miệng núi lửa khác nhỏ hơn có đường kính 200 m kế bên về phía nam. Theo sự nghiên cứu và phân tích vì miệng núi lửa của Schank không sâu quá vào lòng đất tức là độ sâu của nó không thâm nhập vào mực nước ngầm, do đó ở miệng núi lửa không có nước tạo thành hồ giống như nhiều núi lửa khác. Người ta thường gọi núi Schank nầy như một miệng núi lửa khô. Chúng tôi đến nơi kiếm chỗ đậu xe không khó khăn gì vì cũng ít người, rồi tôi theo mấy đứa cháu cùng nhau theo từng nấc thang mà người ta đã đóng để vừa dễ đi, vừa giữ được đất không bị xói mòn do sự xâm thực vì nước mưa hay vì gió. Tôi hỏi và giải thích cho thằng cháu nội để nó hiểu thêm chút ít vì nó ham thích về khoa học. Nó có vẻ khoái chí lắm! Dọc theo những bậc thềm đó thỉnh thoảng có những băng ghế để mình nghỉ mệt và ngắm vùng xung quanh dưới kia. Cuối cùng chúng tôi cũng lên được trên đỉnh. Đỉnh là đường viền của miệng núi lửa. Trên đường viền có con đường mòn xung quanh mà người ta đã đi để quan sát và tìm hiểu. Nhưng vì vào thời điểm nầy có gió và gió giật nguy hiểm, sợ mình kềm không nổi sẽ té lăn xuống sườn đồi hay xuống dưới kia thì toi mạng, cho nên chúng tôi chỉ đi được một đoạn rồi quay trở lại. Cái miệng núi lửa nầy giống như một cái chảo rất to, không có chút nước nào, có dấu con đường đi xuống dưới trung tâm đó, chắc có nhiều người đã xuống đó để xem. Ở đây, chúng tôi chụp hình và quay chút ít phim để làm kỷ niệm cho hình ảnh của một miệng núi lửa khô, nhưng cũng từ đó mà có thể suy diễn về hoạt động của núi lửa được chút nào chăng! Đi lên thì mệt nhưng nó dễ hơn là lúc đi xuống. Xuống từng nấc và cẩn trọng, để không nó sẵn trớn làm cho mình dễ té, mà té ở lưng chừng dốc đổ xuống thì thật là nguy hiểm vô cùng! Cho nên tôi không đi nhanh bằng mấy đứa cháu được, đành phải lủi thủi xuống sau.
Chúng tôi bày thức ăn ra ăn trưa như làm một cuộc “picnic”. Mấy đứa nhỏ tha hồ nói và kể cho nhau nghe về ý nghĩ, cảm giác của mình. Cũng vui! Thu dọn xong chúng tôi lên xe đi về Mount Gambier.


Ở Mount Gambier có bốn miệng núi lửa ở gần nhau. Miệng lớn nhất chứa nhiều nước vì ở độ sâu 90 m dưới mực nước ngầm cho nên nước ngấm ra từ các tầng đá vôi của địa chất ở dưới và nước nầy cũng là nguồn nước cung cấp cho cư dân thành phố Mount Gambier sử dụng, cho nên có một nhà máy lọc nước ở đây. Nước trong miệng núi lửa nầy (khoảng chừng 30,000 triệu lít) nó thay đổi màu: Vào mùa đông có màu xám của sắt, và mùa hè có màu xanh ngọc nên đó cũng là điều hấp dẫn. Chính vì vậy mà hồ nầy được gọi là “Hồ Xanh” (Blue Lake). Và theo những nhà khoa học: Vào thời gian thành hình của núi lửa nầy thì dung nham trào ra trên mặt đất trước theo kẻ nứt của các tầng đá vôi địa chất, sau đó thì tro bụi được phun ra; do đó miệng núi lửa chỉ được cấu tạo bằng các lớp tro bụi đó mà thôi. Quần thể nầy có bốn miệng núi chứa nước gọi là: Blue Lake, Valley Lake, Browne Lake và Leg of Mutton Lake trong đó Browne Lake và Leg of Mutton Lake vì mực nước ngầm khi rút xuống thì hai hồ nầy bị khô cạn. Bốn miệng núi lửa nầy cùng Mount Schank được người Thổ dân ở đây là người Boandik kể trong chuyện dân gian là Tổ tiên khổng lồ của họ tạo Mount Schank như là một lò nướng khác khi tiếng kêu của chim thần thánh hướng họ tránh lò nướng ở Mount Gambier. Chúng tôi tham quan hồ nước Blue Lake, chụp hình và xem vài thông tin hướng dẫn cho du khách rồi chuẩn bị đi qua hang động Tantanoola mà không đi coi hồ kế bên là Valley Lake. Thực ra, Valley Lake cũng là một miệng núi lửa lớn nhất nằm kế bên, chỉ phía bên kia con đường cùng với hai hồ khác, nhưng nó nằm dưới trũng nên được gọi là Valley Lake. Ở đây có nhiều cây cối và bông hoa và có những đường sàn gỗ dành cho người đi bộ thong thả để ngoạn cảnh. Nhưng chúng tôi muốn dành thời gian để mấy đứa cháu nhỏ đi đến hang động được nhiều hơn, nên cha mẹ nó quyết định đến hang động Tantanoola.
Hang động Tantanoola nằm trong khu vực thuộc thị trấn Millicent. Millicent gồm có trên 5000 dân, cách Mount Gambier 50 km về phía tây bắc, được thành lập từ năm 1870 và đặt tên theo tên vợ một trong những người tiên phong (Millicet Glen), bà nầy cũng là con của Giám mục Anh Quốc giáo đầu tiên ở Adelaide là Giám mục Augustus Short.
Millicent là một vùng kỹ nghệ có nhà máy giấy với khoảng 400 nhân công, trồng nhiều rừng thông trên diện tích lớn và khai thác rong biển. Millicent cũng là nơi có số điện gió lớn nhất của Tiểu bang Nam Úc (đặt ở gần hồ Bonny).

Chúng tôi qua những rừng thông được trồng nhiều đợt do thân to, nhỏ khác nhau và đến hang động Tantanoola vào khoảng 2 giờ chiều và đến văn phòng lấy vé vào cửa. Đúng giờ, người hướng dẫn mở cửa cho chúng tôi vào. Cũng như nơi khác hướng dẫn viên căn dặn không xả rác, không được sờ vào các thứ ở trong hang và nhất là những đứa nhỏ không được chạy nhảy trong đó. Đây là hang động có đường tráng xi măng để cho người tàn tật đi xe lăn có thể tham dự được. Cái động nầy không lớn lắm và chỉ gọn trong một không gian nhỏ, nhưng cảnh vật thật là đẹp, gần như nó biểu hiện đủ mọi tính chất của nhiều hang động khác. Các trụ thạch nhũ lớn có, nhỏ có. Thật nhiều dây thạch nhũ từ trên trần thả dần xuống, dài ngắn đầy cỡ. Ở chuôi có những giọt nước long lanh quả thật là đẹp. Chỗ nầy đèn màu tím, chỗ kia trắng, chỗ nọ đỏ làm cho màu sắc trong động lại càng lung linh hơn. Có một cái vũng nhỏ mà nước từ trên trần nhỏ xuống tí tách nghe vui tai. Có một trụ thạch nhũ không biết gãy một đoạn từ đời nào, nhưng đoạn ấy không rời hẳn mà lại được liền lạc lại với hai đoạn trên, dưới. Tôi suy nghĩ mãi nhưng vẫn chưa giải đáp được vấn đề: Vì nếu do động đất từ xa xưa thì nhiều trụ vẫn phải bị gãy như vậy, còn ở đây chỉ có một mình nó thôi. Còn nếu do con người thì không thể, vì hang động nầy mới được phát hiện không lâu lắm mà thuở đó chỉ là một lổ nhỏ đủ khoảng trống để đứa nhỏ chun vào. Vậy thì tại sao? Chúng tôi vừa ngắm nghía khung cảnh vừa chụp hình những nơi nào ưng ý, nhưng chắc chắn là nó sẽ không được rõ lắm vì thiếu sáng và chiều sâu để bắt ảnh sẽ không được xa về phía sau.
Rời hang động Tantanoola, chúng tôi không đi đến khu vực điện gió mà lại trên đường trở về Thành phố Mount Gambier để kiếm gì cho mấy đứa nhỏ ăn để còn đi vài nơi khác.
Mount Gambier cũng là một Thành phố lớn, có tới gần 30,000 dân cách Adelaide chừng 450 km và cách ranh giới Tiểu bang Victoria 17 km. Nó là vùng định cư quan trọng của “Vùng bờ biển đá vôi” nầy. Tên Gambier là do nhà thám hiểm James Grant đặt theo tên của Ngài James Gambier (Đô Đốc của đội tàu HMS Lady Nelson) khi Grant lần đầu nhìn thấy ngọn núi lửa vào năm 1800. Đến tháng 12/1846 Văn phòng Bưu điện được thiết lập, 1847 có Khách sạn Mount Gambier và nhà máy xay bột mì năm 1849. Và đến tháng 12/1954 Mount Gambier được tuyên bố là một Thành phố (City) và hiện nay là một trung tâm du lịch quan trọng ở phía đông nam Tiểu bang Nam Úc.
Mount Gambier được xem là nơi tập hợp nhiều miệng núi lửa, hồ và nhiều các-xtơ (karst) khác như những hang động ngập nước cũng như là những hố sụp (sinkholes).


Chúng tôi chạy đến Umpherston Sinkhole là nơi được xem là một khu vườn trồng bông ở dưới hố sụp của một hang động đá vôi mà phần trần ở trên bị sụp xuống dưới đáy. Do địa hình đó người ta làm thành một công viên xem cũng đẹp với nhiều thích thú. Từ trên đi xuống bằng những bậc thang gỗ và ở mỗi bậc cao thấp của địa hình người ta trồng những loại cây, bông tạo thành một cảnh dáng thu hút được nhiều du khách. Sau khi xem xong các đứa nhỏ lên công viên chơi trong chốc lát thì chúng tôi lại chạy về trung tâm thành phố, ở đây có một hố sụp khác nhỏ hơn cũng được trồng một số cây nhất là hồng được gọi là Cave Garden. Hố nầy là nơi cung cấp nước cho những cư dân đầu tiên đã định cư ở Mount Gambier.
Điều mà chúng ta cần biết về vùng đá vôi nầy là nó có một cái tên khác quan trọng hơn nhiều: Đó là “Kanawinka Global Geopark” đã được UNESCO công nhận là công viên thành viên thứ 57 của hệ thống “The Global Network of National Geoparks” vào ngày 26/06/2008 tại cuộc họp ở Osnabruck (Germany), vì nó không chỉ là công viên địa chất mà nó còn có các đặc tính khác mà những nhà khoa học cần đến như khảo cổ, văn hóa hoặc sinh thái nữa. Geopark nầy trải dài ở một vùng rộng lớn 26,910 km2 của hai Tiểu bang South Australia (từ Beachport) và Victoria (đến hồ Colac), trở thành khu Geopark lớn nhất trên thế giới. Và ở đây cũng là nơi mà người Thổ dân Gunditjmara đã cư trú có thời gian đến khoảng 45,000 năm trước.
Từ Cave Garden, trời cũng đã về chiều, trời hơi lành lạnh, chúng tôi quyết định về chỗ trọ cho mấy đứa bé nghỉ ngơi sớm vì ngày mai còn vượt một đoạn đường trên 450 km để về nhà.

(còn tiếp)


Nguyên Thảo,
12/07/2015.


*Thi!


*Thơ Đồ Ngông! (tt)



*Thi!

Hè về có tiếng ve kêu
Có bông phượng nở, có nhiều người thi
Xôn xao khắp chốn tựu tề
Hàng hàng sĩ tử chen về phố đông
Người ta thi ở bên trong
Bên ngoài thấp thỏm, quăng phao khắp cùng
Thi đâu có phải làm hề
Thi là thi thiệt, đâu là trò chơi
Nhân tài sẽ ở khắp nơi
Nhưng là đồ “dổm”, tơi bời quê cha!

Đồ Ngông,
07/07/2015.



*Sân Bay!
(Tin “chôm chĩa” ở sân bay)

Sân bay là chỗ kiếm tiền
Không hàng thì hóa, tiền tiêu có thừa
Xúm nhau mua chức như mưa
Để mà có dịp, đợi chờ kiếm ăn.
Có người lại tánh lăng xăng
Thừa cơ “lấy lộn” hàng sang của người
Có người sẵn tánh hay “hôi”
Thò tay “chôm chĩa”, móc hàng làm (của) riêng
Sao đâu khắp chốn mọi miền
Vì đâu nên nỗi, hỡi người trên cao?

Đồ Ngông,
11/07/2015.



Saturday, July 4, 2015

*Đố Ai?

*Thơ Đồ Ngông! (tt)


Xứ chi ăn nhậu vô chừng
Từng đoàn thiếu nữ “tưng tưng” chào hàng
Làm ăn mua cả ông quan
Cô em có nét, rờ đầu rờ thân
Quan sai mê mẩn tâm thần
Bao nhiêu rắc rối dần dần sẽ qua!

Xứ chi cứ mãi la cà
Ăn ăn nhậu nhậu đẻ ra muôn điều
Hiếp dâm, làm bậy liên miên
Bánh xe cán chết bao nhiêu là người
Phế tàn chỉ khổ thân thôi
Sống không ra sống, thân nhân mỏi mòn
Sá gì cái đạo làm con
Vì hay ăn nhậu, giết lần mẹ cha!

Xứ chi có lắm đại gia
Lắm tiền lắm bạc chỉ là chơi ngông
Quăng qua cửa sổ khối “đồng”
Mặc cho thiên hạ chìm trong đói nghèo!

Xứ gì dân phải cái “eo” (khó khăn, nghèo khổ)
Lo toan đóng thuế trả tiền lương quan
Lo thêm hối lộ “lót đàng”
Lo chi, lo phí, lo… nhiều thứ lo!

Đồ Ngông,
24/06/2015.


*Chuyến Đi "Vùng Đá Vôi"!



Vùng đá vôi mà tôi muốn nói đến là vùng bờ biển đá vôi (Limestone Coast) ở Tiểu bang Nam Úc (South Australia) của xứ Úc Đại Lợi nầy. Viết để các bạn đọc chơi cho vui thay điều giải trí, nhân tôi được tháp tùng theo mấy đứa cháu nội, ngoại vào lúc nghỉ sau kỳ học. Nói như vậy có nghĩa là nhân vào kỳ "holidays" cha mẹ nó tổ chức cho nó đi chơi, ông bà chỉ là đi theo "ké" mà thôi!

Cuộc đi nầy kéo dài trong 3 ngày: Một ngày đi, một ngày ở và một ngày về (trước khi chuyến đi lên hòn đá một ngày). Đoạn đường đi đến khoảng 450 cây số và về cũng tương đương thuộc vềớng đông nam của Adelaide (Thủ phủ của Tiểu bang) trên đường đi về Melbourne (Thủ phủ của Tiểu bang Victoria) qua đường dọc theo bờ biển (Great Ocean Road). Vùng đái được quảng cáo như là nơi có nhiều hấp dẫn, thích thú và để khám phá!

Chúng tôi khởi hành vào lúc 8 giờ 30 sáng vì còn để những đứa nhỏ ngủ cho thoải mái. Đi trên hai xe du lịch. Ðường đi băng qua thành phố và lên dãy đồi. Do nơi sửa sang sau nầy, người ta mở đường hầm cho tiện nên đoạn đường leo đèo khó khăn không còn sử dụng nhưa, đưng được thu ngắn lại chừng vài cây số. Chúng tôi phải qua khu vực của Murray Bridge và đi đến Tailem Bend cũng đã là 98 km rồi, cho nên tìm đến công viên của thị trấn để cho mấy đứa nhỏ nghỉ ngơi trong chốc lát, hoặc đi tiêu tiểu. Khoảng chừng mười lăm phút sau, đoàn lên xe tiếp tục đi theo đường cao tốc Dukes đđi đến Keith cách Tailem Bend 128 km, nơi mà người ta có thể đi về Melbourne bằng hai ngã: Ngã Ocean Road hay đi trong đất liền bằng Dukes Highway.

Vì mục tiêu là Mount Gambier, nên chúng tôi rẽ về Riddoch Highway và sẽ ghé qua Naracoorte Cave để cho mấy đứa cháu thăm viếng và đi tour ở đó. Từ đây đến Naracoorte là khu vực của những thổ dân Ngarrindjeri nói ngôn ngữ Potawudj.

Vùng bờ biển đá vôi nầy trải dài kế tiếp từ Coorong (tức là dãy đất và vùng nước cạn ở cửa sông Murray chạy dọc theo bờ biển) chạy đến sông Glenelg ở ranh giới của Tiểu bang Victoria và đi sâu vào trong đất liền đến những cánh đồng nho, nơi có đất thấp, núi lửa và những cảnh quan kỳ thúới mặt đất nữa. Nời ta nhận định khoảng 25 triệu năm trước vùng nầy còn chìm dưới biển nên nhiều xác của vật giáp xác như tôm cua, sò chìm xuống rồi gắn kết với nhau thành đá vôi và khi nước biển rút đi cách nay khoảng 1 triệu năm cùng do các biến chuyển hóa học tự nhiên nên các hang động, lổ sụp (sinkholes) được thành hình; đất đai cũng được chuyển hóa mà ngày nay nó thích hợp cho việc trồng nho và kỹ nghệ nông nghiệp.

Rời Keith, chúng tôi trên đường Riddock chạy dọc theo dãy Naracoorte chừng 47 km thì đến Naracoorte. Naracoorte có khoảng trên 5000 dân là kết hợp hai thị trấn: Kincraig (được thành lập năm 1845 do William Macintosh người Tô Cách Lan) và Naracoorte (do chính phủ thành lập năm 1847). Từ những năm 1850 thị trấn nầy được coi như là nơi phục vụ cho những người đi tìm vàng ở Tiểu bang Victoria. Và nay là địa phương chăn nuôi trừu, bò, trồng lúa mì và khai thác du lịch nhất là kể từ khi hang động Naracoorte được đưa vào Di sản thế giới (World Heritage) vào năm 1994.
 
 

Naracoorte Caves ở cách thị trấn Naracoorte 10 km về phía nam là phần của dãy Naracoorte East có tuổi khoảng 800,000 năm. Gồm có 26 hang đng được khám phá nằm trong 3.05 km2 khu vực bảo tồn thế giới và trong 6 km2 của vườn quốc gia. Chỉ có 4 hang động đang được mở ra cho công chúng tham quan, còn các hang động khác còn nằm trong diện khảo sát cũng như bảo vệ của các nhà khoa học. Ở trong các hang động nầy người ta tìm thấy những hóa thạch của các thú vật lớn (megafauna) có từ 500,000 năm trước và được tiếp diễn liên tục trong các thời đại kể từ những thời băng hà (ice ages) cho đến khi con người xuất hiện ở đây. Sở dĩ như vậy vì những hang động nầy giống như những cái bẫy thiên nhiên khiến các thú đi lang thang bị rơi xuống đó và không thể lên được, chúng chết từ đợt nầy cho đến đợt khác. Trong các hóa thạch đó có loài thú đã tuyệt chủng cách nay 60,000 năm. Người ta tìm thấy các hóa thạch đó từ năm 1969, gồm có các loại được nhận định như sau:

-Marsupial lions / sư tử có túi (Thylacoleo)


-Hippo-like animals / thú giống hà mã (Zygomaturus)

-Giant kangaroos / Chuột túi rất lớn
-Huge wombat-like marsupials / Những thú có túi lớn giống như con wombat (Diprotodon)
 

 
Vì có được sự tồn trữ liên tục các hóa thạch qua các thời đại mà các hang động ở đây được xem là nơi duy nhất trên thế giới có tính chất nầy, cũng như chúng là "Di sản thế giới" duy nhất tại Tiểu bang Nam Úc trong 18 Di sản của Úc được UNESCO công nhận.
 
 

Chúng tôi đến đây quá trưa cho nên bày ra ăn uống trước khi vào văn phòng để mua vé đi tham quan. Vì không có thời gian nhiều nên chúng tôi chỉ đi tham quan hang động có xương hóa thạch thôi. Ngưi hướng dẫn đưa xuống động và dặn “đừng đụng vào các vật" khiến con bé cháu ngoại của tôi hỏi "Nó có thể đụng mặt đt được không?". Câu hỏi bất ngờ ấy khiến chúng tôi và ông hướng dẫn cùng bậtời. Sau khi, lên khỏi hang chúng tôi đi vệ sinh và chuẩn bị cho đon đường tiếp theo. Các đứa nhỏ ít ra cũng nhìn thấy vài điều trong hang động đá vôi và học hỏi được nhiều điều từ lời thuyết minh của ông hướng dẫn do chúng hiểu tiếng Anh hơn là tôi và vợ tôi.
 

Trên đường xuôi về Mount Gambier chúng tôi qua khu vực trồng nho, làm rượu của vùng Coonawarra. Coonawarra chỉ là một thị trấn nhỏ, vốn là một trạm của đường xe lửa đi Mount Gambier được mở ra từ năm 1887, nhưng nó lại được đại diện cho toàn vùng trồng nho làm rượu ở đây. Vùng nầy có đất thích hợp với trồng nho, loại đất ấy có tên tiếng Anh là "Terra rosa" mà tôi không biết trên tiếng Việt gọi nó là gì; nó trải dài 20 cây số dọc theo đường, và chiều rộng khoảng 2 km nhưng nó chứa tới 24 hầm rượu (cellar doors). Loại nho đỏ ở đây được nổi tiếng nhất về tính chất, hương vị đậm đà và mùi thơm. John Riddoch là người trồng nho đầu tiên ở đây từ năm 1891 và đến năm 1896 sản phẩm của nhà máy rưu đầu tiên được bắt đầu. Có lẽ vì thế mà đường cao tốc nầy có tên là Riddoch Highway đó chăng? Hãng rượu đầu tiên trước kia bây giờ có tên là Wynns Coonawarra Estate. Trên đường, tôi hưng hai đứa cháu ngoại vào màu sắc vàng của những vườn nho lẫn cây cối bên đưng để cho nó nhìn thấy được cảnh sắc đẹp của một mùa Thu. Và đây là vùng của những người Úc đen (Thổ dân) nói ngôn ngữ riêng là Meintang.

Chúng tôi lại đi đến Thị trấn Penola sau 50 km từ Naracoorte, dân số khoảng 2000 dân. Penola đón tiếp người Âu đến đây đầu tiên là anh em nhà Austin từ năm 1840, nhưng Alexander Cameron (gốc người Tô Cách Lan) và vợ là Margaret là những người định cư đầu tiên từ tháng giêng 1844. Năm 1850 tháng Tư họ thành lập thị trấn Panoola sau đó đổi là Penola.

Penola là nơi mà những nhà thơ của Úc như John Shaw Neilson, Adam Lindsay Gordon và Will Ogilvie đã đi tìm những thi hứng ở đây. Bên cạnh đó, Penola còn là nơi mà nữ tu Mary MacKillop đã hoạt động cùng với cha Julian Tenison Woods thiết lập hệ thống Trường học Thiên Chúa giáo miễn phí đầu tiên ở Úc từ năm 1866, và giáo đoàn mang tên "Congregation of the Sisters of St.Joseph of the Sacred Heart". Bà là người Úc đầu tiên được giáo hội La-Mã (Giáo Hoàng Benedict XVI) phong Thánh vào ngày 17/10/2010 tại quảng trường Thánh Phê-rô ở Vatican.

Xe đi Mount Gambier còn 50 km nữa. Ở xa có khói lên nhiều, cháu ngoại tôi hỏi phải cháy ở đó không. Nó sợ cháy rừng mình không đi được nữa. Nhưng không, hướng cháy đóớng khác và chắc là ngưi ta đốt cái gì đó chứ không phải là cháy rừng.

Trước khi vào Mount Gambier chúng tôi ghé qua siêu thị mua thêm thức ăn, nước uống để chuẩn bị cho buổi ăn tối và chuyến đi ngày mai, vì giờ nầy cũng là giờ mà các siêu thị sắp đóng cửa.

Chúng tôi chạy đến chỗ trọ đã dặn trước thì trời cũng mưa lâm râm và bắt đầu tối. Ổn định xong thì lại chuẩn bị cho cơm nước. Mấy đứa bé xem cũng đã mệt rồi! Chúng tôi đi ngủ chắc cũng quá 11 giờ đêm.
 
(Còn tiếp)
 
 
Nguyên Thảo,
05/07/2015.
 
 

Wednesday, July 1, 2015

*Sâu, Mọt!


*Tào Lao Thế Sự 2. (tt)


Đồ Ngông tôi viết chuyện nầy, chắc không nhiều độc giả thấu hiểu được. Nhưng thấy rằng: Tôi cũng cần nên viết để giới thiệu với giới trẻ nhất là giới từ gần 55 tuổi trở xuống có thể tưởng tượng được một giai đoạn lâu dài, mà người dân quê của nông thôn trên quê hương mình từng sinh hoạt. Đó là gì? Đó là tiến trình chế biến từ hạt lúa để trở thành hạt gạo mà tôi may mắn được chứng kiến từ khi khoảng mười tuổi, là giai đoạn cuối của thời kỳ xay lúa bằng thủ công và bắt đầu chuyển qua cơ giới tức là máy móc; cũng như sau đó vài năm, những “máy giả hồ” làm nước da của lò chén đã thay thế những cối giả chạy bằng guồng quay nước dọc theo suối làm Tân Khánh mất đi một vẻ thơ mộng của ngày xưa. Tôi xin phép đi ngoài lề để nói về một cảnh thơ mộng ở Tân Khánh cũng như Bình Hòa (Bình Dương) thuở ấy. Khi chưa cơ giới hóa cách giả hồ để làm nước da nhúng áo bên ngoài cho thành phẩm chén dĩa thì người ta dùng đến sức nước để giả hồ. Nếu chúng ta từng được xem hình ảnh các guồng quay nước của người dân tộc ở miền cao Bắc Bộ thì các guồng quay nước ở Tân Khánh lúc ấy cũng giống như vậy, nhưng nhỏ gọn hơn. Người ta dùng một thân cây tương đối thẳng dài, thường là cây dầu, một đầu đục các lỗ để gắn các cây làm nan hay căm, ở đầu nan người ta lấy thân tre chẻ ra để kết vòng tròn giữ chắc các nan. Hai vòng nan có hai vòng tròn đều nhau. Giữa hai đầu nan người ta bện vĩ ngang hoặc đóng tấm bảng để chịu sức nước nhờ sức nước quay guồng quay. Guồng có bao nhiêu cặp nan là có bao nhiêu vĩ. Tất nhiên cây dầu được để nằm ngang trên hai chỗ chịu mà người ta “canh” (đo tính cẩn thận”) ở hai đầu. Những tấm vĩ ấy được nhúng vào dòng nước để sức nước đẩy chúng mà vận hành guồng quay. Thế là trục được xoay tròn. Muốn sức xoay mạnh hơn, người ta dùng tre ngăn dòng nước cho nó hẹp dần về phía guồng. Nước càng chảy xiết thì guồng quay quay nhanh và mạnh hơn. Trên thân cây dầu người ta đục lỗ để đặt những cánh tay, thường xen kẻ lẫn nhau để sức đè lên trục giả không quá nặng khiến sức nước đẩy không nổi làm guồng sẽ bị đứng không hoạt động được. Thường thì có bốn lỗ cối với bốn trục giả. Như vậy các trục giả ấy hoạt động ngày đêm không hề ngừng nghỉ. Quả là sức nước thay sức người! Dáng guồng quay đã đẹp, nhìn trục giả được cánh tay đè lên cao rồi rơi xuống bụp, bụp thật là vui và thích thú. Bọn trẻ chúng tôi lúc còn nhỏ, sau khi tắm suối thường lên đây để chận đứng guồng quay thử sức coi mình mạnh tới đâu, đôi khi chun vào giữa hai hàng nan tìm cách giữ cho guồng đứng lại để chơi. Nhưng thích nhất vẫn là bị người chủ “dí chạy” có cờ. Thời ấy đã là quá xưa vì guồng quay đã mai một tự lâu rồi, kể từ những năm đầu 1960.
Để trở lại vấn đề xay lúa, khi lúa được gặt đập xong, nhà nông đem về phơi nhiều nắng cho khô mới đưa vào “bồ”, hay lớn hơn là “củi lúa” tức là những khung cây hình chữ nhật hoặc vuông, cao thấp tùy nhiều ít; và lót đáy cùng bên hông bằng những tấm bồ đan bằng ruột tre để lúa khỏi đổ ra ngoài. Cứ mỗi lần gần hết gạo ăn người ta bắt đầu cho một cuộc xay lúa và giả gạo.
Muốn xay lúa thì lấy lúa trong bồ đem ra phơi trở lại để cho lúa chắc chắn khô và dễ tách vỏ (lớp vỏ trên rời lớp vỏ dưới) khiến cho việc xay được tốt hơn và trong gạo sẽ có ít thóc (thóc là hạt lúa còn sót lại trong gạo). Cối xay có phần đế ở dưới và phần trên được chồng lên nhau bằng một cái chốt trục ngắn ngay chính giữa gọi là “con ngỗng”. Phần đế dưới có những răng bằng tre được xếp theo những đường xéo từ ngoài vành vào tâm được đổ đất nện chặt để giữ chắc những hàng răng cũng như về sức nặng, nó được đặt trên khung làm chân. Mặt dưới phần cối trên cũng có răng tiếp xúc cọ với răng phần đế. Phần nầy có đất ít hơn để vừa đủ nặng để cân bằng khung bằng tre, đồng thời đủ không gian chứa lúa cùng có lổ để lúa tuột xuống phần dưới khi xay; và nó có hai tay đưa ra ngoài. Mỗi tay có một lỗ để gắn vào tay quay. Tay quay là một đòn dài có đầu cong xuống một góc 900, cao hơn cái vành của phần cối; có đầu được tiện (khắc) nhỏ hơn cái lỗ ở tay quay để có thể cắm vào lỗ dễ dàng. Đầu kia của tay quay gắn liền với một thanh ngang để cột dây treo lên, để khi đẩy hoặc kéo tay quay được dễ, và làm cho cối xoay tròn trên con ngỗng (chốt trục). Sự cọ của răng làm cho lúa tách vỏ ra và chiều răng đẩy lần hạt lúa ra ngoài, và lúa trong cối xuống dần dần. Cứ thế mà xay cho đến hết lúa. Lúa rơi xuống tấm đệm (tấm lót đan bằng lát, mỗi chiều có thể đến 3, 4 thước), lúc nầy lúa đã tách vỏ thành trấu (vỏ lúa) và gạo nguyên hạt chưa trắng (gọi là gạo lức) lẫn lộn nhau. Xong đến công đoạn thứ nhì người ta phải xảy để tách trấu ra bằng “nia”, giữ lại những hạt gạo lức ấy và lượm (nhặt) thóc ra. Sau đó mới đến giai đoạn gọi là “giả gạo”.
Nếu quý vị đã từng nghe ca sĩ hát bài “Gạo Trắng Trăng Thanh” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, trong đó có đoạn: “Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm trường mênh mang. Ai đang say, chày buông rơi, nghe tiếng vơi tiếng đầy…”. Và bài này được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác vào những năm còn kháng chiến để chống giặc nên có câu “…Em ơi! Gạo trắng như ngà- Hò hô hò- Nuôi dân giết giặc- Hò hô hò- Nước nhà vinh là quang vinh…”. Tại sao tựa bài hát là “Gạo Trắng Trăng Thanh”?
Giả gạo là công đoạn cần dùng sức nhiều hơn hết, vì cái chày là một khúc gỗ khá nặng (đến 5, 7 kí), được chuốt liền lặn thân lẫn hai đầu, đầu hơi tròn tròn; ở chính giữa được tra (gắn) với một đòn vừa phải để người giả gạo cầm và đưa chày lên cao hay hạ xuống. Cái chày ấy có thể giả được hai đầu. Để đưa cái chày lên cao cần phải có sức mạnh, nhất là khi sử dụng chày ấy trong thời gian lâu dài. Đưa chày lên cao rồi buông xuống trong lòng cái cối có chứa gạo lức để cho nó được trắng gọi là “giả gạo”. Cối giả gạo không làm bằng đá mà là những gốc cây lớn được đào lên và tạo dáng thành cái cối phía trên hình vuông ở chính giữa được đục khoét thành lổ lớn để chứa gạo cần giả, trên thành thành được khoét thấp nghiêng về miệng lổ để khi giả gạo không văng ra ngoài.
Vì cầm chày giả gạo cần đến có sức nên thường là đàn ông hay những thanh niên nam hay nữ. Do vì ban ngày còn làm những công việc khác, hoặc do nắng nóng nên việc giả gạo thường để chiều mát và nhất là những đêm có trăng sáng. Giả gạo ban đêm vừa mát, vừa không mệt nhọc mà làng xóm đầy tiếng vang nghe ra có nhiều vui vẻ và thích thú hơn. Giả gạo “dần công” là hình thức phổ biến trong giới thanh niên nam nữ ngày xưa, vì vừa giúp nhau qua lại trong việc giả gạo, vừa chuyện trò lại vừa thi thố tài năng khéo léo trong việc “giả gạo chày đôi, chày ba”, có chày tư nữa nhưng khá nhiều khó khăn.
“Chày đôi, chày ba” là gì? Một người giả gạo chỉ việc đưa chày lên và buông chày xuống trong cối gạo để sự nện làm gạo ma xát với nhau mà lớp ngoài hạt gạo mòn và trắng dần. Trong tình cảnh ấy hơi khá buồn và nhàm chán. Nếu hai người đối diện cùng giả thì người nầy đưa chày lên cao, thì chày của người kia phải xuống nó mới không đụng chày hay gọi là “cối chày”. Để an toàn, khi người giả xuống chày xong thì đưa chày lên thành bằng một tiếng nhịp nhỏ gọi là “nhịp chày”. Điều này làm cho việc giả gạo trở nên vui và thích thú hơn, lôi cuốn thanh niên vào việc giả gạo mà quên mệt! Do đó, vào những đêm trăng thanh sáng tỏ từ đầu làng cuối xóm thường có những âm thanh “cắc” (nhịp), “cụp” (giả) của những nơi giả gạo từ chày đôi, chày ba cả chày tư nữa thật là rộn rịp, nhộn nhàng và cả những chuyện trò lẫn tiếng cười vang rân! Thời ấy đã qua tự lâu lắm rồi! Bây giờ, người ta chỉ cần xúc lúa đem phơi để nguội rồi đem đến nhà máy xay trong vòng nửa tiếng thì xong. Nhà máy lúc đầu rất lớn, bằng mấy gian nhà; sau tiến bộ hơn nó chỉ còn nhỏ hơn gian nhà và sau này nó lại được lưu động thật là tiện lợi vô cùng. Nhưng vì thế mà trẻ con không được thưởng thức món bánh in làm từ cám như bọn chúng tôi ngày xưa. Vì sau khi giả gạo xong lại tới giai đoạn giần, sàng. Giần, sàng cũng như nia đều được đan bằng tre. Nia là lớn nhất, đường kính có khoảng hơn 1 mét, không có lổ để xảy trấu gạn lại còn gạo lức và thóc; sàng có đường kính khoảng vào 0 mét 6 được đan trong lòng có lổ lớn để hạt gạo lọt qua được; và dần nhỏ hơn sàng để gạn gạo lấy tấm (gạo nát nhỏ) và cám (bụi của vỏ lụa nát ra). Tấm để nấu cơm tấm, đôi khi “nấu tấm để cho heo ăn” (nuôi heo), cám được “rang” lên trộn với mật đường bỏ vào khuôn, ép thành bánh in mà bọn nhỏ chúng tôi thuở đó rất thích. Cám rất bổ vì có nhiều sinh tố B1.
Đối với những người dân tộc thiểu số khác ở miền cao hay vùng Tây nguyên thì người ta không giả gạo như người Kinh, mà họ bỏ gạo vào những cối nhỏ bằng gỗ (như làm bằng những khúc cây khoét lổ sâu) và chày giả là những đoạn gỗ nhỏ hơn cái lổ cối và họ chỉ “chọt” mà thôi, nên không cần đến sức lực của đàn ông hay thanh niên!
Vì đều là thủ công nên việc lấy cám từ trong những hạt gạo không được hoàn toàn hoàn tất cho nên trong những thời tiết của mùa mưa với độ ẩm của không khí làm cho cám dễ phân hóa và có mùi mốc đôi khi hóa thành những con sâu gạo, sâu này kéo tơ quến những hạt gạo lại với nhau, mình phải tách hạt gạo, bắt giết sâu. Hoặc gạo chưa ăn mà để lâu hơn lại sinh ra mọt, con mọt nhỏ chỉ bằng một phần của đầu đủa, màu nâu đen, đầu nhọn nhọn tàn phá gạo khiến gạo mục đi không ăn được. Cho nên dân gian có câu nói về sâu mọt này để ám chỉ những quan chức, lãnh đạo không làm được gì cho dân, cho đất nước mà chỉ là phá hoại, tàn phá đất nước; nên người ta gọi là bọn “Sâu Dân, Mọt Nước” vậy!

Đồ Ngông,
27/06/2015.








*Thợ Thơ!


*Thơ Đồ Ngông! (tt)



*Thợ Thơ!

Ngồi buồn sắp chữ lại thành thơ
Tớ gọi “Thơ ngông”, “lỡm” cuộc đời
Moi móc thói đời bao cái xấu
Đem “rao” thiên hạ, xúm coi chơi!

Đồ Ngông.



*Tới Rồi!
(Tin Diễn viên Kim Tuyến bị giựt túi xách hàng hiệu)

Thấy chị trên tin bị giựt đồ
Cớ sao chị lại chẳng thèm hô
Để thằng chơi xấu thò tay “bốc”
Chị hớ hênh chi, bị mất “đồ”!

Kinh nghiệm có liền đó chị ơi!
Đồ sang, hàng hiệu vẫy tay mời
Lăm le nó đã tròn con mắt
Lừa đảo, mánh mun đủ cách chơi!

Đồ Ngông,
30/06/2015.



*Bác Tài.
(Tin tài xế thả tay lái, mang giày).

Bác tài xe khách lái hay thay
Buông lái, quay sau, lại xỏ giày
Hành khách: Bốn mươi ngồi chảo lửa
Chủ nhân: Một kẻ đánh con bài
Bon bon, xe chạy trên đường lớn
Thấp thỏm, người ngồi mặc rủi may
Trách nhiệm, lương tâm, người ngạo mạn
Mua bằng đâu đấy, hỡi ông tài!

Đồ Ngông,
30/06/2015.



*Ai Cấp?

Ai cấp cho ông cái mảnh bằng
Để ông cầm lái chạy nghênh ngang
Buông tay, mang vớ đùa sinh mạng
Tiền của bao nhiêu, xe cỡ này?

Ai cấp cho ông “bằng” giết người
Để ông đem thí mạng người chơi
Lương tri ông để đâu, ông hỡi
Ai cấp cho ông “bằng” giết người?

Đồ Ngông,
30/06/2015.