Wednesday, July 22, 2015

*Chuyến Đi "Vùng Đá Vôi" 3.



Sáng dậy vào khoảng hơn 6 giờ rưỡi, người lớn lo chuẩn bị thức ăn uống và thu dọn đồ đạc. Ăn xong thì đúng 8 giờ rưỡi trả phòng và rời Mount Gambier.
Lần trở về nầy chúng tôi thay đổi lộ trình, không về bằng con đường cũ mà sẽ đi dọc theo biển để các cháu bé có thể nhìn được phong cảnh khác biệt, đồng thời hiểu thêm được những vùng ven biển. Chúng tôi sẽ qua Millicent, Beachport, Robe, Kingston rồi lên Meningie và về Tailem Bend để theo đường lớn về Adelaide. Như vậy là chúng tôi sẽ đi lại con đường Princes Hwy ngày hôm qua mà chúng tôi đã đến hang động Tantanoola. Hôm nay tôi mới để ý nhìn kỹ lại hai bên con đường nầy, dọc đường người ta trồng những rừng thông với nhiều độ tuổi, mình có thể phân biệt được do độ lớn của cây. Khu rừng ở phía đối diện với hang động lúc xưa khi tôi đến đây lần đầu tiên cùng với những người bạn thì nó trống trải và người ta sửa soạn trồng lại; nay thân cây đã lớn, mười mấy năm rồi còn gì! Đi trên con đường nầy tôi lại nhớ đến những thời gian đi bên những đồn điền cao su có màu xanh mát rượi của quê mình với những hàng cây thẳng tắp. Thông trồng thành rừng cây nầy không cách cây kia xa lắm, chúng gần nhau để thiếu nắng mà vươn lên, vừa lên cao thân lại thẳng sẽ lợi hơn nhiều. Cứ mỗi bốn, năm hàng gần thì cách một khoảng hơi xa hơn đối với bốn, năm hàng khác, cứ thế mà liên tục nhau trong một khu thông cùng lứa tuổi. Khu tam giác Mount Gambier, Penola, Millicent là khu vực trồng thông để khai thác gỗ cũng như cung cấp cho nhà máy giấy ở đây.
Hang động Tantanoola nằm khoảng giữa đường từ Mount Gambier cho đến Millicent. Chúng tôi thấy hang động nằm lưng chừng đồi mà ngày hôm qua mình không để ý, như vậy ngày xa xưa nào đó khu vực nầy chắc bị chìm trong mực nước biển cũng khá sâu.
Sau gần 50 km chúng tôi đến thị trấn Millicent và còn đi tiếp 32 km qua những cánh rừng lưa thưa cũng như đồng cỏ, thỉnh thoảng có vài đoàn trừu hay bò vì mùa nầy vẫn đang còn là mùa khô nên người ta nuôi không nhiều và cỏ toàn là màu khô cháy chứ không có màu xanh tươi, nhất là trong năm nay lượng mưa khá ít. Qua đoạn đường nầy chúng tôi đến Beachport, nơi đây là nơi bắt đầu cho Geopark rộng nhất thế giới để trải dài cho đến khu vực khoảng giữa Mount Gambier và Thành phố Melbourne của tiểu bang Victoria tức là khu hồ Colac. Beachport được nhà hàng hải người Pháp là Nicolas Baudin phát hiện từ năm 1802 và đặt tên cho vịnh ở đây tên là Rivoli Bay; nhưng mãi đến năm 1878 thị trấn mới thành lập mang tên của Michael Hicks Beach, tên Bộ trưởng Bộ Thuộc địa của Anh Quốc (Bristish Secretary of State for the Colonies). Nơi nầy có một cầu tàu dài 772 m được coi là cầu tàu dài thứ nhì ở Tiểu bang Nam Úc.
Qua Beachport chúng tôi đi dọc theo dãi hồ: Hồ George, Clair, Elisa để đến Robe sau 44 km đường xe chạy. Robe có số dân chừng 1500, nó được mang tên của một vị Toàn Quyền của Tiểu Bang Nam Úc là Ngài Frederick Robe, người đã chọn Robe làm hải cảng vào năm 1845, và đến năm 1847 Robe được xem như là một thị trấn cảng.
Trong lịch sử, Robe là nơi đổ bộ của 16,000 người Trung Hoa trong cuộc tìm vàng ở Ballarat và Bendigo (thuộc tiểu bang Victoria) vào năm 1857. Từ đây họ phải đi bộ chừng 230 km để đến những nơi đó.
Chúng tôi chạy xe ra bờ biển để cho các bé chơi và nhìn ngắm. Nơi công viên nầy có một bảng cảnh cáo về việc đánh bắt hải sản được ghi bằng tiếng Anh và tiếng Việt hẳn hoi; như vậy nó chứng tỏ người Việt chúng ta cũng thường lén đến đây để bắt lậu hải sản hay là bắt không đúng cỡ hoặc số lượng cho phép. Điều đó không hẳn là một điều tốt đẹp cho một sắc tộc, nhưng cộng đồng cũng khó mà giải quyết. Tôi lại nhớ đến lời một ông chủ Tây nói với người trưởng nhóm dẫn chúng tôi đi làm ngày trước mà anh nầy đã nói lại: “Người của mầy sao đói tiền quá vậy”! Điều nầy khiến chúng ta phải có nhiều suy nghĩ!
Chúng tôi đưa mấy đứa bé đi thăm khu vực làng chài, những ụ của tàu đánh cá về đây để phân phối. Cá được chuyển lên những xe tải để đem ra thị trường trong đó có chiếc xe tải của cửa hàng bán cá gần nhà chúng tôi.
Sau đó, đoàn vẫn theo quốc lộ 1 để về Kingston. Tôi không hiểu tại sao Kingston lại được kèm theo chữ S.E ở phía sau. Từ Robe về Kingston phải đi 41 km.
Chúng tôi ra bờ biển để xem cái cầu tàu và hải đăng. Và, chừng nửa giờ đồng hồ chúng tôi chạy về chỗ “Con tôm lớn” để nghỉ và ăn trưa. Gọi là nơi “Con tôm lớn” vì chỗ ăn uống nầy có trưng bày mô hình của một con tôm hùm màu đỏ rất lớn ở phía trước; màu đỏ của màu tôm luộc chứ không phải là màu của một con tôm còn sống. Theo tôi thấy ở nhiều địa phương của Nam Úc nầy người ta thường tạo những hình ảnh đặc biệt cho địa phương của mình để vừa thương mại vừa thu hút du khách đến thăm viếng, nhất là đối với những nơi không có gì quá đặc biệt như Lobethal có “ngựa gỗ lớn” (Big Rocking Horse), Burwood có “Bảo tàng xe hơi”, Barmera có “Big Orange”, và Kingston nầy có “Big Lobster”.
Big Lobster là một mô hình con tôm hùm cao 17 m, dài 15.2 m, và rộng 13.7 m nặng khoảng 4 tấn được tạo bằng sắt và fiberglass do Paul Kelly thực hiện cho Ian Backler và Rob Moyse theo ý tưởng của Ian Backler có được khi ông nầy làm một chuyến du lịch trên đất Mỹ. Paul Kelly vẽ kiểu, thiết kế, hoàn tất trong sáu tháng và phải di chuyển “con tôm hùm lớn” nầy từ Edwardtown về Kingston lắp ráp bằng đường bộ; và được khánh thành ngày 15/12/1979 do Thủ hiến David Tonkin.


Các đứa cháu tôi rất thích chụp hình với con tôm hùm, chúng chụp cũng khá nhiều. Rồi vào trong nhà hàng ăn uống nghỉ trưa và ăn thử món ăn ở đây xem thế nào, nhất là tôm hùm. Dĩ nhiên tôm hùm giá thì không rẻ rồi, nhưng cũng nên thử cho biết. Nay trong cửa hàng nầy lại có khu thử rượu. Nói là thử rượu cho oai, chứ thực sự ra thử rượu ở đây cũng như những nơi cửa hàng của “hầm rượu” cũng chỉ là mình nếm thử thứ rượu nào mình muốn mua để mình xem thứ rượu nào mà mình ưng ý để mua (tất nhiên chỉ thử một chút thôi và không tốn tiền), chứ không phải thử rượu như người chuyên môn làm ra thứ rượu ngon hay dở.
Ở trong nhà hàng khoảng hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, chúng tôi lại lên đường về Meningie cách đây 101 km theo đường cao tốc Princess. Đường cao tốc chạy dọc theo những vùng nước cạn của Vườn Quốc Gia Coorong (Coorong National Park). Nếu tính từ đây thì Coorong sẽ bắt đầu từ vịnh Lacepede của Kingston nầy chạy dài về đến vịnh Encounter ở nơi cửa sông Murray đổ ra biển theo hướng Tây bắc kéo dài khoảng hơn 130 km. Coorong là một dải vùng nước cạn với những đụn cát do biển tạo nên của bán đảo Younghusband. Đây là vùng của người Thổ dân Ngarrindjeri cư trú hàng ngàn năm trước, và danh từ “coorong” phát xuất từ ngôn ngữ “kurangh” có nghĩa là “cái cổ hẹp”, cũng có thể do “coorang” của họ có nghĩa là “đụn cát”. Ở đây, chúng ta có thể gặp các người dân bản địa; nhìn ngắm, chụp hình hơn 230 loài chim di cư hàng năm từ các vùng Siberia, Alaska, Japan, China; đi trên những con đường cho người đi bộ; chèo kayak nơi vùng nước cạn, hoặc lái xe hai cầu trên bờ biển hay chạy theo những đường có sẵn; và người ta cũng có thể cắm trại, câu cá. Ở công viên quốc gia nầy có chừng 278 loại cây mọc trên dãi cát dài nầy, chúng được bảo vệ để giữ cát không bị di chuyển hay xâm thực vì gió mạnh của biển. Công viên được thành lập từ năm 1966 bao gồm một diện tích 476 km2 là một công viên sinh thái và lý tưởng cho nghĩ dưỡng vì sự yên tịnh, thiên nhiên của nó.
Chúng tôi về đến Meningie sau đoạn đường dài và ngừng ở đây để đi vệ sinh và nghỉ ngơi trong chốc lát cho các cháu bé được thoải mái chạy nhảy và ngắm nghía các chiếc ván buồm mà người ta đang dong ruổi trên mặt hồ như là một trò chơi thể thao. Tôi giao hẳn máy quay phim cho thằng cháu nội cho nó muốn quay gì thì quay, thế nào thì thế. Nó thích lắm, nhưng chắc chắn khi quay lại để xem thì rất nhức đầu vì nó quay lia lịa thật nhanh mà chẳng ngừng nghỉ chút nào. Con đường xe chạy gần hồ, kế hồ là những công viên, còn những hàng quán, nhà ở thì phía bên kia đường, nên khung cảnh cũng sáng sủa và nên thơ. Hồ nầy có tên là Albert được thông với hồ lớn hơn là Alexandrina, mà chúng tôi thường gọi là biển nước ngọt vì nó cũng rất là bao la có nước ngọt, vì nước của hồ là do dòng sông Murray đổ ra và chứa ở đây. Tất nhiên nơi nầy có nhiều loại cá nước ngọt. Hồ nầy mang tên cháu vua King William IV của nước Anh, Ái Nhĩ Lan là Princess Alexandrina (người sau nối ngôi vua King William IV có Vương hiệu là Queen Victoria). Do đó có lúc người ta muốn đổi tên hồ nầy lại là Victoria nhưng điều nầy không được thực hiện.
Sau chừng nửa giờ đồng hồ chúng tôi phải rời nơi đây để còn đi một đoạn đường 150 km mà trời cũng đã ngã bóng khá nhiều. Lên xe mấy đứa cháu thấm mệt và ngủ trên đường về. Chúng tôi về đến nhà vào khoảng 5 giờ rưỡi chiều hoàn tất một chuyến đi nơi “Bờ biển đá vôi” thuộc vùng Tiểu bang Nam Úc của Úc Đại Lợi, mà Thành phố Mount Gambier là trung tâm.

Nguyên Thảo,
19/07/2015.


No comments:

Post a Comment