Saturday, July 11, 2015
*Chuyến Đi "Vùng Đá Vôi" 2.
Sáng hôm sau, những người lớn dậy lúc 6 giờ lo sửa soạn buổi ăn sáng. Ăn xong đem đồ ra xe và khởi hành cũng lúc 8 giờ rưỡi. Hôm nay làm một hành trình về phương nam, đi ra biển rồi mới về điểm chính là Blue Lake (Hồ xanh) tức là miệng núi lửa của Mount Gambier. Xe chạy qua Blue Lake đi thẳng về hướng nam theo đường Port MacDonnell chừng 28 km để ra cảng nầy. Đây là một xóm nhỏ giống như là của một làng chài hơn là nơi để người ta tới nghỉ dưỡng vào những ngày hè, nhưng nó cũng có nhiều nhà mới khang trang và kiểu cách. Theo tài liệu thì người thấy nơi nầy đầu tiên là James Grant của tàu HMS Lady Nelson vào 3/12/1800. Nhưng mãi đến năm 1860 mới được đặt theo tên ngài Richard Graves MacDonnell (Toàn quyền của Nam Úc từ 1855-1862) và chọn nơi nầy làm hải cảng để chuyển lúa mì và lông trừu sang Âu Châu. Trong những năm 1880 ở đây là hải cảng nhộn nhịp. Nhưng vì thời tiết và nơi có nhiều tàu bị đắm thành ra hải cảng nầy nhường chỗ cho cảng Portland ở Victoria.
Chúng tôi đánh một vòng dọc theo bờ biển rồi trở vòng lại con đường phía sau để đến Công viên bảo tồn Dingley Dell và thăm viếng nơi ở của nhà thơ Adam Linsey Gordon trước kia. Còn đang ngắm nghía những cảnh xung quanh và thoáng qua ngôi nhà được làm bảo tàng nầy thì đã có ông tây đến nói chuyện đùa với những đứa cháu của tôi, thì ra ông ta là người trông coi cũng như là hướng dẫn viên ở đây, ông tên là Alan. Ông đưa chúng tôi vào trong ngôi nhà cũ nầy và dẫn đi tham quan từng phòng cùng giải thích những vật dụng mà vợ chồng Gordon trước kia đã sử dụng.
Nhà bảo tàng Dingley Dell của nhà thơ Adam Linsey Gordon
Adam Linsey Gordon (19/12/1833 - 24/06/1870) là một nhà thơ, nài ngựa (người cưỡi ngựa đua) và là một nhà chính trị của Úc. Ông ta đến Adelaide vào lúc hơn 20 tuổi (14/12/1853) và tìm được một vị trí trong đội kỵ binh của cảnh sát ở Mount Gambier lẫn Penola. Hai năm sau ông từ bỏ lực lượng ấy và tham dự vào cuộc đua ngựa vượt rào mà ông ta đã thích từ lúc trẻ. Năm 1857, Gordon gặp Cha Julian Tension Woods và nói chuyện về thơ cùng mượn sách của vị Cha nầy ở Penola. Mười hai năm sau Gordon viết bài thơ “The Ride from the Wreck”.
Gordon kết hôn cùng Margaret Park vào 20/10/1862 rồi mua Dingley Dell tháng 3/1864 và cùng năm ông viết bài thơ “The Feud”. Vào 16/03/1865 ông được bầu vào quốc hội Nam Úc (South Australian House of Assembly) cho vùng Victoria. Đến 10/10/1866 ông từ chức ghế nầy. Khi còn ở Quốc hội ông làm bạn với John Riddoch của Penola và thường hay đến Yallum (nơi ở của John Riddoch) chơi; ở đây ông sáng tác “The Sick Stockrider”. Đến 10/06/1867 ông xuất bản “Ashtaroth, a Dramatic Lyric” và 19/06/1867 ra tiếp “Sea Spray and Smoke Driff”.
Sau đó, Gordon di chuyển đến Ballarat (Tiểu bang Victoria) để làm ăn. Tháng 03/1868 ông bị tai nạn về cưỡi ngựa trầm trọng ở vườn sau nhà. Năm 1868 ông lại nổi tiếng khi thắng 3 cuộc đua ngựa vượt rào trong cùng một ngày tại Melbourne Hunt Club. Tháng 10/1868 Gordon bán cơ sở làm ăn và chuyển về Melbourne. Vào 12/03/1870 Gordon lại bị tai nạn đua ngựa trầm trọng lần nữa trong cuộc đua vượt rào ở trường đua Flemmington. Trước khi mất, ông còn được thấy tập thơ cuối cùng của ông “Bush Ballads and Galloping Rhymes” xuất bản vào ngày 23/06/1870 qua báo chí, rồi sáng hôm sau ông ra vườn và tự sát bằng súng của mình.
Gordon được đánh giá là nhà thơ có tài của Úc và cũng là nhà thơ Úc Đại Lợi duy nhất có tượng bán thân được đặt “Góc Nhà Thơ” (Poet’s Corner) trong Westminter Abbey ở Luân Đôn (Anh Quốc).
Trở lại với ông Alan, trước hết ông đưa chúng tôi vào phòng khách, ở đây ông kể về sinh hoạt của vợ chồng Gordon thuở xưa với bàn, ghế đèn kể cả đàn dương cầm xưa cũ cùng với đàn phong cầm mà phải thổi hơi bằng miệng, cháu tôi thử đàn một chút dương cầm, coi bộ cô bé thích chí lắm. Xong, Alan đưa qua phòng ngủ xem giường, quần áo của vợ chồng Gordon bày biện ở đó. Rồi ông chuyển xuống nhà bếp, ở đây cháu tôi được nhìn thấy những vật dụng từ hai thế kỷ trước, ông giải thích và cách sử dụng của nó. Có nhiều thứ rất lạ mà tôi cũng chưa được biết. Chúng tôi sang phòng trưng bày sách, thư viện cũng như phòng đọc sách của Gordon. Cuối cùng là sang phòng trưng bày như là viện bảo tàng về Gordon. Chúng tôi được nhìn thấy lâu đài thuộc sở hữu của Gordon ở Tô Cách Lan; hình ảnh ngôi nhà nầy lúc ban đầu và nhất là cách cưỡi ngựa của chú nài ngày xưa, nó không phải mọp người như bây giờ mà lại là bật ngữa ra phía sau, kể cũng lạ thiệt! Gordon thích cưỡi ngựa mà đã mấy lần bị tai nạn thật là trầm trọng, thế mà ông vẫn không từ bỏ, quả là niềm đam mê!
Rời Dingley Dell, chúng tôi trở lại đường cũ để về ghé qua núi Schank ở khoảng giữa đường từ MacDonnell đến Mount Gambier. Schank và vùng chung quanh gồm 150 mẫu (ha) là khu vực bảo tồn của Tiểu bang, nó là miệng núi lửa ngưng hoạt động ở phía đông nam Nam Úc gần núi Gambier. Được đặt tên là Schank vào năm 1800 do thuyền trưởng James Grant lấy từ tên của Đô đốc (Admiral) John Schank, người vẽ kiểu cho tàu của Grant là tàu HMS Lady Nelson.
Mount Schank là núi lửa trẻ ở Úc. Lần hoạt động của nó cách nay khoảng 5000 năm trong thời kỳ Holocene (khoảng 11000 năm cho đến hiện tại), cùng thời kỳ với Mount Gambier, căn bản địa chất của nó là tro bụi của núi lửa phun ra. Nó cao khoảng 100 m, có đường kính chừng 300 m và miệng núi lửa khác nhỏ hơn có đường kính 200 m kế bên về phía nam. Theo sự nghiên cứu và phân tích vì miệng núi lửa của Schank không sâu quá vào lòng đất tức là độ sâu của nó không thâm nhập vào mực nước ngầm, do đó ở miệng núi lửa không có nước tạo thành hồ giống như nhiều núi lửa khác. Người ta thường gọi núi Schank nầy như một miệng núi lửa khô. Chúng tôi đến nơi kiếm chỗ đậu xe không khó khăn gì vì cũng ít người, rồi tôi theo mấy đứa cháu cùng nhau theo từng nấc thang mà người ta đã đóng để vừa dễ đi, vừa giữ được đất không bị xói mòn do sự xâm thực vì nước mưa hay vì gió. Tôi hỏi và giải thích cho thằng cháu nội để nó hiểu thêm chút ít vì nó ham thích về khoa học. Nó có vẻ khoái chí lắm! Dọc theo những bậc thềm đó thỉnh thoảng có những băng ghế để mình nghỉ mệt và ngắm vùng xung quanh dưới kia. Cuối cùng chúng tôi cũng lên được trên đỉnh. Đỉnh là đường viền của miệng núi lửa. Trên đường viền có con đường mòn xung quanh mà người ta đã đi để quan sát và tìm hiểu. Nhưng vì vào thời điểm nầy có gió và gió giật nguy hiểm, sợ mình kềm không nổi sẽ té lăn xuống sườn đồi hay xuống dưới kia thì toi mạng, cho nên chúng tôi chỉ đi được một đoạn rồi quay trở lại. Cái miệng núi lửa nầy giống như một cái chảo rất to, không có chút nước nào, có dấu con đường đi xuống dưới trung tâm đó, chắc có nhiều người đã xuống đó để xem. Ở đây, chúng tôi chụp hình và quay chút ít phim để làm kỷ niệm cho hình ảnh của một miệng núi lửa khô, nhưng cũng từ đó mà có thể suy diễn về hoạt động của núi lửa được chút nào chăng! Đi lên thì mệt nhưng nó dễ hơn là lúc đi xuống. Xuống từng nấc và cẩn trọng, để không nó sẵn trớn làm cho mình dễ té, mà té ở lưng chừng dốc đổ xuống thì thật là nguy hiểm vô cùng! Cho nên tôi không đi nhanh bằng mấy đứa cháu được, đành phải lủi thủi xuống sau.
Chúng tôi bày thức ăn ra ăn trưa như làm một cuộc “picnic”. Mấy đứa nhỏ tha hồ nói và kể cho nhau nghe về ý nghĩ, cảm giác của mình. Cũng vui! Thu dọn xong chúng tôi lên xe đi về Mount Gambier.
Ở Mount Gambier có bốn miệng núi lửa ở gần nhau. Miệng lớn nhất chứa nhiều nước vì ở độ sâu 90 m dưới mực nước ngầm cho nên nước ngấm ra từ các tầng đá vôi của địa chất ở dưới và nước nầy cũng là nguồn nước cung cấp cho cư dân thành phố Mount Gambier sử dụng, cho nên có một nhà máy lọc nước ở đây. Nước trong miệng núi lửa nầy (khoảng chừng 30,000 triệu lít) nó thay đổi màu: Vào mùa đông có màu xám của sắt, và mùa hè có màu xanh ngọc nên đó cũng là điều hấp dẫn. Chính vì vậy mà hồ nầy được gọi là “Hồ Xanh” (Blue Lake). Và theo những nhà khoa học: Vào thời gian thành hình của núi lửa nầy thì dung nham trào ra trên mặt đất trước theo kẻ nứt của các tầng đá vôi địa chất, sau đó thì tro bụi được phun ra; do đó miệng núi lửa chỉ được cấu tạo bằng các lớp tro bụi đó mà thôi. Quần thể nầy có bốn miệng núi chứa nước gọi là: Blue Lake, Valley Lake, Browne Lake và Leg of Mutton Lake trong đó Browne Lake và Leg of Mutton Lake vì mực nước ngầm khi rút xuống thì hai hồ nầy bị khô cạn. Bốn miệng núi lửa nầy cùng Mount Schank được người Thổ dân ở đây là người Boandik kể trong chuyện dân gian là Tổ tiên khổng lồ của họ tạo Mount Schank như là một lò nướng khác khi tiếng kêu của chim thần thánh hướng họ tránh lò nướng ở Mount Gambier. Chúng tôi tham quan hồ nước Blue Lake, chụp hình và xem vài thông tin hướng dẫn cho du khách rồi chuẩn bị đi qua hang động Tantanoola mà không đi coi hồ kế bên là Valley Lake. Thực ra, Valley Lake cũng là một miệng núi lửa lớn nhất nằm kế bên, chỉ phía bên kia con đường cùng với hai hồ khác, nhưng nó nằm dưới trũng nên được gọi là Valley Lake. Ở đây có nhiều cây cối và bông hoa và có những đường sàn gỗ dành cho người đi bộ thong thả để ngoạn cảnh. Nhưng chúng tôi muốn dành thời gian để mấy đứa cháu nhỏ đi đến hang động được nhiều hơn, nên cha mẹ nó quyết định đến hang động Tantanoola.
Hang động Tantanoola nằm trong khu vực thuộc thị trấn Millicent. Millicent gồm có trên 5000 dân, cách Mount Gambier 50 km về phía tây bắc, được thành lập từ năm 1870 và đặt tên theo tên vợ một trong những người tiên phong (Millicet Glen), bà nầy cũng là con của Giám mục Anh Quốc giáo đầu tiên ở Adelaide là Giám mục Augustus Short.
Millicent là một vùng kỹ nghệ có nhà máy giấy với khoảng 400 nhân công, trồng nhiều rừng thông trên diện tích lớn và khai thác rong biển. Millicent cũng là nơi có số điện gió lớn nhất của Tiểu bang Nam Úc (đặt ở gần hồ Bonny).
Chúng tôi qua những rừng thông được trồng nhiều đợt do thân to, nhỏ khác nhau và đến hang động Tantanoola vào khoảng 2 giờ chiều và đến văn phòng lấy vé vào cửa. Đúng giờ, người hướng dẫn mở cửa cho chúng tôi vào. Cũng như nơi khác hướng dẫn viên căn dặn không xả rác, không được sờ vào các thứ ở trong hang và nhất là những đứa nhỏ không được chạy nhảy trong đó. Đây là hang động có đường tráng xi măng để cho người tàn tật đi xe lăn có thể tham dự được. Cái động nầy không lớn lắm và chỉ gọn trong một không gian nhỏ, nhưng cảnh vật thật là đẹp, gần như nó biểu hiện đủ mọi tính chất của nhiều hang động khác. Các trụ thạch nhũ lớn có, nhỏ có. Thật nhiều dây thạch nhũ từ trên trần thả dần xuống, dài ngắn đầy cỡ. Ở chuôi có những giọt nước long lanh quả thật là đẹp. Chỗ nầy đèn màu tím, chỗ kia trắng, chỗ nọ đỏ làm cho màu sắc trong động lại càng lung linh hơn. Có một cái vũng nhỏ mà nước từ trên trần nhỏ xuống tí tách nghe vui tai. Có một trụ thạch nhũ không biết gãy một đoạn từ đời nào, nhưng đoạn ấy không rời hẳn mà lại được liền lạc lại với hai đoạn trên, dưới. Tôi suy nghĩ mãi nhưng vẫn chưa giải đáp được vấn đề: Vì nếu do động đất từ xa xưa thì nhiều trụ vẫn phải bị gãy như vậy, còn ở đây chỉ có một mình nó thôi. Còn nếu do con người thì không thể, vì hang động nầy mới được phát hiện không lâu lắm mà thuở đó chỉ là một lổ nhỏ đủ khoảng trống để đứa nhỏ chun vào. Vậy thì tại sao? Chúng tôi vừa ngắm nghía khung cảnh vừa chụp hình những nơi nào ưng ý, nhưng chắc chắn là nó sẽ không được rõ lắm vì thiếu sáng và chiều sâu để bắt ảnh sẽ không được xa về phía sau.
Rời hang động Tantanoola, chúng tôi không đi đến khu vực điện gió mà lại trên đường trở về Thành phố Mount Gambier để kiếm gì cho mấy đứa nhỏ ăn để còn đi vài nơi khác.
Mount Gambier cũng là một Thành phố lớn, có tới gần 30,000 dân cách Adelaide chừng 450 km và cách ranh giới Tiểu bang Victoria 17 km. Nó là vùng định cư quan trọng của “Vùng bờ biển đá vôi” nầy. Tên Gambier là do nhà thám hiểm James Grant đặt theo tên của Ngài James Gambier (Đô Đốc của đội tàu HMS Lady Nelson) khi Grant lần đầu nhìn thấy ngọn núi lửa vào năm 1800. Đến tháng 12/1846 Văn phòng Bưu điện được thiết lập, 1847 có Khách sạn Mount Gambier và nhà máy xay bột mì năm 1849. Và đến tháng 12/1954 Mount Gambier được tuyên bố là một Thành phố (City) và hiện nay là một trung tâm du lịch quan trọng ở phía đông nam Tiểu bang Nam Úc.
Mount Gambier được xem là nơi tập hợp nhiều miệng núi lửa, hồ và nhiều các-xtơ (karst) khác như những hang động ngập nước cũng như là những hố sụp (sinkholes).
Chúng tôi chạy đến Umpherston Sinkhole là nơi được xem là một khu vườn trồng bông ở dưới hố sụp của một hang động đá vôi mà phần trần ở trên bị sụp xuống dưới đáy. Do địa hình đó người ta làm thành một công viên xem cũng đẹp với nhiều thích thú. Từ trên đi xuống bằng những bậc thang gỗ và ở mỗi bậc cao thấp của địa hình người ta trồng những loại cây, bông tạo thành một cảnh dáng thu hút được nhiều du khách. Sau khi xem xong các đứa nhỏ lên công viên chơi trong chốc lát thì chúng tôi lại chạy về trung tâm thành phố, ở đây có một hố sụp khác nhỏ hơn cũng được trồng một số cây nhất là hồng được gọi là Cave Garden. Hố nầy là nơi cung cấp nước cho những cư dân đầu tiên đã định cư ở Mount Gambier.
Điều mà chúng ta cần biết về vùng đá vôi nầy là nó có một cái tên khác quan trọng hơn nhiều: Đó là “Kanawinka Global Geopark” đã được UNESCO công nhận là công viên thành viên thứ 57 của hệ thống “The Global Network of National Geoparks” vào ngày 26/06/2008 tại cuộc họp ở Osnabruck (Germany), vì nó không chỉ là công viên địa chất mà nó còn có các đặc tính khác mà những nhà khoa học cần đến như khảo cổ, văn hóa hoặc sinh thái nữa. Geopark nầy trải dài ở một vùng rộng lớn 26,910 km2 của hai Tiểu bang South Australia (từ Beachport) và Victoria (đến hồ Colac), trở thành khu Geopark lớn nhất trên thế giới. Và ở đây cũng là nơi mà người Thổ dân Gunditjmara đã cư trú có thời gian đến khoảng 45,000 năm trước.
Từ Cave Garden, trời cũng đã về chiều, trời hơi lành lạnh, chúng tôi quyết định về chỗ trọ cho mấy đứa bé nghỉ ngơi sớm vì ngày mai còn vượt một đoạn đường trên 450 km để về nhà.
(còn tiếp)
Nguyên Thảo,
12/07/2015.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment