Wednesday, July 1, 2015

*Sâu, Mọt!


*Tào Lao Thế Sự 2. (tt)


Đồ Ngông tôi viết chuyện nầy, chắc không nhiều độc giả thấu hiểu được. Nhưng thấy rằng: Tôi cũng cần nên viết để giới thiệu với giới trẻ nhất là giới từ gần 55 tuổi trở xuống có thể tưởng tượng được một giai đoạn lâu dài, mà người dân quê của nông thôn trên quê hương mình từng sinh hoạt. Đó là gì? Đó là tiến trình chế biến từ hạt lúa để trở thành hạt gạo mà tôi may mắn được chứng kiến từ khi khoảng mười tuổi, là giai đoạn cuối của thời kỳ xay lúa bằng thủ công và bắt đầu chuyển qua cơ giới tức là máy móc; cũng như sau đó vài năm, những “máy giả hồ” làm nước da của lò chén đã thay thế những cối giả chạy bằng guồng quay nước dọc theo suối làm Tân Khánh mất đi một vẻ thơ mộng của ngày xưa. Tôi xin phép đi ngoài lề để nói về một cảnh thơ mộng ở Tân Khánh cũng như Bình Hòa (Bình Dương) thuở ấy. Khi chưa cơ giới hóa cách giả hồ để làm nước da nhúng áo bên ngoài cho thành phẩm chén dĩa thì người ta dùng đến sức nước để giả hồ. Nếu chúng ta từng được xem hình ảnh các guồng quay nước của người dân tộc ở miền cao Bắc Bộ thì các guồng quay nước ở Tân Khánh lúc ấy cũng giống như vậy, nhưng nhỏ gọn hơn. Người ta dùng một thân cây tương đối thẳng dài, thường là cây dầu, một đầu đục các lỗ để gắn các cây làm nan hay căm, ở đầu nan người ta lấy thân tre chẻ ra để kết vòng tròn giữ chắc các nan. Hai vòng nan có hai vòng tròn đều nhau. Giữa hai đầu nan người ta bện vĩ ngang hoặc đóng tấm bảng để chịu sức nước nhờ sức nước quay guồng quay. Guồng có bao nhiêu cặp nan là có bao nhiêu vĩ. Tất nhiên cây dầu được để nằm ngang trên hai chỗ chịu mà người ta “canh” (đo tính cẩn thận”) ở hai đầu. Những tấm vĩ ấy được nhúng vào dòng nước để sức nước đẩy chúng mà vận hành guồng quay. Thế là trục được xoay tròn. Muốn sức xoay mạnh hơn, người ta dùng tre ngăn dòng nước cho nó hẹp dần về phía guồng. Nước càng chảy xiết thì guồng quay quay nhanh và mạnh hơn. Trên thân cây dầu người ta đục lỗ để đặt những cánh tay, thường xen kẻ lẫn nhau để sức đè lên trục giả không quá nặng khiến sức nước đẩy không nổi làm guồng sẽ bị đứng không hoạt động được. Thường thì có bốn lỗ cối với bốn trục giả. Như vậy các trục giả ấy hoạt động ngày đêm không hề ngừng nghỉ. Quả là sức nước thay sức người! Dáng guồng quay đã đẹp, nhìn trục giả được cánh tay đè lên cao rồi rơi xuống bụp, bụp thật là vui và thích thú. Bọn trẻ chúng tôi lúc còn nhỏ, sau khi tắm suối thường lên đây để chận đứng guồng quay thử sức coi mình mạnh tới đâu, đôi khi chun vào giữa hai hàng nan tìm cách giữ cho guồng đứng lại để chơi. Nhưng thích nhất vẫn là bị người chủ “dí chạy” có cờ. Thời ấy đã là quá xưa vì guồng quay đã mai một tự lâu rồi, kể từ những năm đầu 1960.
Để trở lại vấn đề xay lúa, khi lúa được gặt đập xong, nhà nông đem về phơi nhiều nắng cho khô mới đưa vào “bồ”, hay lớn hơn là “củi lúa” tức là những khung cây hình chữ nhật hoặc vuông, cao thấp tùy nhiều ít; và lót đáy cùng bên hông bằng những tấm bồ đan bằng ruột tre để lúa khỏi đổ ra ngoài. Cứ mỗi lần gần hết gạo ăn người ta bắt đầu cho một cuộc xay lúa và giả gạo.
Muốn xay lúa thì lấy lúa trong bồ đem ra phơi trở lại để cho lúa chắc chắn khô và dễ tách vỏ (lớp vỏ trên rời lớp vỏ dưới) khiến cho việc xay được tốt hơn và trong gạo sẽ có ít thóc (thóc là hạt lúa còn sót lại trong gạo). Cối xay có phần đế ở dưới và phần trên được chồng lên nhau bằng một cái chốt trục ngắn ngay chính giữa gọi là “con ngỗng”. Phần đế dưới có những răng bằng tre được xếp theo những đường xéo từ ngoài vành vào tâm được đổ đất nện chặt để giữ chắc những hàng răng cũng như về sức nặng, nó được đặt trên khung làm chân. Mặt dưới phần cối trên cũng có răng tiếp xúc cọ với răng phần đế. Phần nầy có đất ít hơn để vừa đủ nặng để cân bằng khung bằng tre, đồng thời đủ không gian chứa lúa cùng có lổ để lúa tuột xuống phần dưới khi xay; và nó có hai tay đưa ra ngoài. Mỗi tay có một lỗ để gắn vào tay quay. Tay quay là một đòn dài có đầu cong xuống một góc 900, cao hơn cái vành của phần cối; có đầu được tiện (khắc) nhỏ hơn cái lỗ ở tay quay để có thể cắm vào lỗ dễ dàng. Đầu kia của tay quay gắn liền với một thanh ngang để cột dây treo lên, để khi đẩy hoặc kéo tay quay được dễ, và làm cho cối xoay tròn trên con ngỗng (chốt trục). Sự cọ của răng làm cho lúa tách vỏ ra và chiều răng đẩy lần hạt lúa ra ngoài, và lúa trong cối xuống dần dần. Cứ thế mà xay cho đến hết lúa. Lúa rơi xuống tấm đệm (tấm lót đan bằng lát, mỗi chiều có thể đến 3, 4 thước), lúc nầy lúa đã tách vỏ thành trấu (vỏ lúa) và gạo nguyên hạt chưa trắng (gọi là gạo lức) lẫn lộn nhau. Xong đến công đoạn thứ nhì người ta phải xảy để tách trấu ra bằng “nia”, giữ lại những hạt gạo lức ấy và lượm (nhặt) thóc ra. Sau đó mới đến giai đoạn gọi là “giả gạo”.
Nếu quý vị đã từng nghe ca sĩ hát bài “Gạo Trắng Trăng Thanh” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, trong đó có đoạn: “Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm trường mênh mang. Ai đang say, chày buông rơi, nghe tiếng vơi tiếng đầy…”. Và bài này được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác vào những năm còn kháng chiến để chống giặc nên có câu “…Em ơi! Gạo trắng như ngà- Hò hô hò- Nuôi dân giết giặc- Hò hô hò- Nước nhà vinh là quang vinh…”. Tại sao tựa bài hát là “Gạo Trắng Trăng Thanh”?
Giả gạo là công đoạn cần dùng sức nhiều hơn hết, vì cái chày là một khúc gỗ khá nặng (đến 5, 7 kí), được chuốt liền lặn thân lẫn hai đầu, đầu hơi tròn tròn; ở chính giữa được tra (gắn) với một đòn vừa phải để người giả gạo cầm và đưa chày lên cao hay hạ xuống. Cái chày ấy có thể giả được hai đầu. Để đưa cái chày lên cao cần phải có sức mạnh, nhất là khi sử dụng chày ấy trong thời gian lâu dài. Đưa chày lên cao rồi buông xuống trong lòng cái cối có chứa gạo lức để cho nó được trắng gọi là “giả gạo”. Cối giả gạo không làm bằng đá mà là những gốc cây lớn được đào lên và tạo dáng thành cái cối phía trên hình vuông ở chính giữa được đục khoét thành lổ lớn để chứa gạo cần giả, trên thành thành được khoét thấp nghiêng về miệng lổ để khi giả gạo không văng ra ngoài.
Vì cầm chày giả gạo cần đến có sức nên thường là đàn ông hay những thanh niên nam hay nữ. Do vì ban ngày còn làm những công việc khác, hoặc do nắng nóng nên việc giả gạo thường để chiều mát và nhất là những đêm có trăng sáng. Giả gạo ban đêm vừa mát, vừa không mệt nhọc mà làng xóm đầy tiếng vang nghe ra có nhiều vui vẻ và thích thú hơn. Giả gạo “dần công” là hình thức phổ biến trong giới thanh niên nam nữ ngày xưa, vì vừa giúp nhau qua lại trong việc giả gạo, vừa chuyện trò lại vừa thi thố tài năng khéo léo trong việc “giả gạo chày đôi, chày ba”, có chày tư nữa nhưng khá nhiều khó khăn.
“Chày đôi, chày ba” là gì? Một người giả gạo chỉ việc đưa chày lên và buông chày xuống trong cối gạo để sự nện làm gạo ma xát với nhau mà lớp ngoài hạt gạo mòn và trắng dần. Trong tình cảnh ấy hơi khá buồn và nhàm chán. Nếu hai người đối diện cùng giả thì người nầy đưa chày lên cao, thì chày của người kia phải xuống nó mới không đụng chày hay gọi là “cối chày”. Để an toàn, khi người giả xuống chày xong thì đưa chày lên thành bằng một tiếng nhịp nhỏ gọi là “nhịp chày”. Điều này làm cho việc giả gạo trở nên vui và thích thú hơn, lôi cuốn thanh niên vào việc giả gạo mà quên mệt! Do đó, vào những đêm trăng thanh sáng tỏ từ đầu làng cuối xóm thường có những âm thanh “cắc” (nhịp), “cụp” (giả) của những nơi giả gạo từ chày đôi, chày ba cả chày tư nữa thật là rộn rịp, nhộn nhàng và cả những chuyện trò lẫn tiếng cười vang rân! Thời ấy đã qua tự lâu lắm rồi! Bây giờ, người ta chỉ cần xúc lúa đem phơi để nguội rồi đem đến nhà máy xay trong vòng nửa tiếng thì xong. Nhà máy lúc đầu rất lớn, bằng mấy gian nhà; sau tiến bộ hơn nó chỉ còn nhỏ hơn gian nhà và sau này nó lại được lưu động thật là tiện lợi vô cùng. Nhưng vì thế mà trẻ con không được thưởng thức món bánh in làm từ cám như bọn chúng tôi ngày xưa. Vì sau khi giả gạo xong lại tới giai đoạn giần, sàng. Giần, sàng cũng như nia đều được đan bằng tre. Nia là lớn nhất, đường kính có khoảng hơn 1 mét, không có lổ để xảy trấu gạn lại còn gạo lức và thóc; sàng có đường kính khoảng vào 0 mét 6 được đan trong lòng có lổ lớn để hạt gạo lọt qua được; và dần nhỏ hơn sàng để gạn gạo lấy tấm (gạo nát nhỏ) và cám (bụi của vỏ lụa nát ra). Tấm để nấu cơm tấm, đôi khi “nấu tấm để cho heo ăn” (nuôi heo), cám được “rang” lên trộn với mật đường bỏ vào khuôn, ép thành bánh in mà bọn nhỏ chúng tôi thuở đó rất thích. Cám rất bổ vì có nhiều sinh tố B1.
Đối với những người dân tộc thiểu số khác ở miền cao hay vùng Tây nguyên thì người ta không giả gạo như người Kinh, mà họ bỏ gạo vào những cối nhỏ bằng gỗ (như làm bằng những khúc cây khoét lổ sâu) và chày giả là những đoạn gỗ nhỏ hơn cái lổ cối và họ chỉ “chọt” mà thôi, nên không cần đến sức lực của đàn ông hay thanh niên!
Vì đều là thủ công nên việc lấy cám từ trong những hạt gạo không được hoàn toàn hoàn tất cho nên trong những thời tiết của mùa mưa với độ ẩm của không khí làm cho cám dễ phân hóa và có mùi mốc đôi khi hóa thành những con sâu gạo, sâu này kéo tơ quến những hạt gạo lại với nhau, mình phải tách hạt gạo, bắt giết sâu. Hoặc gạo chưa ăn mà để lâu hơn lại sinh ra mọt, con mọt nhỏ chỉ bằng một phần của đầu đủa, màu nâu đen, đầu nhọn nhọn tàn phá gạo khiến gạo mục đi không ăn được. Cho nên dân gian có câu nói về sâu mọt này để ám chỉ những quan chức, lãnh đạo không làm được gì cho dân, cho đất nước mà chỉ là phá hoại, tàn phá đất nước; nên người ta gọi là bọn “Sâu Dân, Mọt Nước” vậy!

Đồ Ngông,
27/06/2015.








No comments:

Post a Comment