*Thơ Đồ Ngông! (tt)
Tôi không tin,
Không tin gì nữa cả
Như bầu trời đang ở vào mùa mưa.
Mây xám xịt đang che đầy khắp lối
Người có hô, la hét, thì cũng chẳng đổi bao giờ!
Chỉ thương tội
Cho muôn người như một
Cắn môi đau, đau nhức đến khôn cùng
Mà không thể
Thoát vòng ngu kiềm tỏa
Vòng ngu ấy là “Kim cô hành giả”
Niệm nên đau, khống chế hết bầu trời.
Người ngã ngữa, mong một thời an giấc
Mong an lành của kiếp sống nhân sinh.
Đến bao giờ
Bao giờ thoải mái dân mình
Người ta mở mắt ra để nhìn vào lầm lẫn
Chẳng Thiên đường mà chỉ lại bất công
Tạo khủng khiếp ở khắp nơi mọi chốn
Địa ngục tồi, mà cứ tưởng thành công.
Thương thay cho số ngu đần
Tưởng khôn mà lại vạn lần của ngu!
Đồ Ngông,
28/01/2016.
Wednesday, January 27, 2016
Saturday, January 23, 2016
*Nhà Ảo Thuật!
*Thơ Đồ Ngông! (tt)
Trước đám đông,
Quần chúng đang ngó lên.
Trên sân khấu vài người đang bày trò ảo thuật.
Một cái nồi to
Với bao nhiêu đồ chồng chất
Nào rau, nào củ, lại ngô khoai
Đem chưng ra hổ lốn ở trên bàn
Nhà ảo thuật đang trình bày bằng ra dấu.
Người người nhìn theo nhằm hiểu thấu
Coi chuyện gì sẽ sắp sửa xảy ra
Người đồng môn theo dấu sắn cao tay
Lấy đem bỏ vô nồi với những gì cần bỏ
Nồi như thế
Chứa hàng khối đồ cũng đủ
Lửa đun lên, lửa khởi cháy bừng bừng
Trong hồi lâu, nghĩ cũng cháy tiêu tan
Khi dở nắp
Hàng khối sâu bò lúc nhúc
Người nhìn coi đánh mình giật thót:
“Ồ, sâu đâu mà lại lắm thế này?
Ôi! Nhà ảo thuật thật là hay!
Không biết ông ấy nuôi đâu mà nhiều lắm thế!”
Đồ Ngông,
24/01/2016.
Trước đám đông,
Quần chúng đang ngó lên.
Trên sân khấu vài người đang bày trò ảo thuật.
Một cái nồi to
Với bao nhiêu đồ chồng chất
Nào rau, nào củ, lại ngô khoai
Đem chưng ra hổ lốn ở trên bàn
Nhà ảo thuật đang trình bày bằng ra dấu.
Người người nhìn theo nhằm hiểu thấu
Coi chuyện gì sẽ sắp sửa xảy ra
Người đồng môn theo dấu sắn cao tay
Lấy đem bỏ vô nồi với những gì cần bỏ
Nồi như thế
Chứa hàng khối đồ cũng đủ
Lửa đun lên, lửa khởi cháy bừng bừng
Trong hồi lâu, nghĩ cũng cháy tiêu tan
Khi dở nắp
Hàng khối sâu bò lúc nhúc
Người nhìn coi đánh mình giật thót:
“Ồ, sâu đâu mà lại lắm thế này?
Ôi! Nhà ảo thuật thật là hay!
Không biết ông ấy nuôi đâu mà nhiều lắm thế!”
Đồ Ngông,
24/01/2016.
Wednesday, January 20, 2016
*Nói Mà Chơi!
*Thơ Đồ Ngông! (tt)
Nói mà chơi, tôi có quyền thêu dệt
Nói trên trời, tản mạn khắp năm châu
Nói lan man khắp mọi chốn địa cầu
Ra vũ trụ, vào siêu hình không thân xác!
Nói mà chơi, tôi đi vào kiếp khác
Hiện thân làm cứu rỗi nhân gian
Nói mà chơi, tôi tuyên bố vô vàn
Nhưng để đó, tôi không làm gì cả!
Nói mà chơi, bao nhiêu điều dối trá
Thêu trên cao có cả một Thiên Đường
Đẩy người vào khắp chốn nhiễu nhương
Để tìm lấy một khung trời ảo tưởng!
Nói mà chơi, ai cản ngăn hình tượng
Thêu thế nào mà lại chẳng được sao
Thêu tương lai đẹp đẽ thế nào
Để thiên hạ cứ tưởng đây là thật!
Nói mà chơi, tôi ngang tàng khí phách
Nổi anh hùng thay đổi khắp nhân gian
Làm bùng lên mọi sự lớn vô vàn
Nhưng cứ nói,
Nói cho nhiều:
“Lại cũng chỉ... để mà chơi..”!
Đồ Ngông,
20/01/2016.
Nói mà chơi, tôi có quyền thêu dệt
Nói trên trời, tản mạn khắp năm châu
Nói lan man khắp mọi chốn địa cầu
Ra vũ trụ, vào siêu hình không thân xác!
Nói mà chơi, tôi đi vào kiếp khác
Hiện thân làm cứu rỗi nhân gian
Nói mà chơi, tôi tuyên bố vô vàn
Nhưng để đó, tôi không làm gì cả!
Nói mà chơi, bao nhiêu điều dối trá
Thêu trên cao có cả một Thiên Đường
Đẩy người vào khắp chốn nhiễu nhương
Để tìm lấy một khung trời ảo tưởng!
Nói mà chơi, ai cản ngăn hình tượng
Thêu thế nào mà lại chẳng được sao
Thêu tương lai đẹp đẽ thế nào
Để thiên hạ cứ tưởng đây là thật!
Nói mà chơi, tôi ngang tàng khí phách
Nổi anh hùng thay đổi khắp nhân gian
Làm bùng lên mọi sự lớn vô vàn
Nhưng cứ nói,
Nói cho nhiều:
“Lại cũng chỉ... để mà chơi..”!
Đồ Ngông,
20/01/2016.
Sunday, January 17, 2016
*Quê Người. (6)
Hành trình vượt biển của tôi coi như là tạm xong, nhưng bước đường đi tới cũng không đơn giản chút nào. Anh Thành, Chị Dung thường than phiền chỗ ở nầy không được may mắn lắm vì gia đình anh, chị cũng như hai thằng Minh nằm ở đây lâu mà chưa được phái đoàn nào nhận, chắc phải đợi đến lúc phái đoàn Canada nhận hốt đi thôi! Nhưng còn có một an ủi vì một anh vừa đi ở đây không lâu lắm thì được nhận. Nghe họ nói tôi đâm ra lo. Tôi lại càng lo hơn vì trong lý lịch kê khai tôi hoàn toàn khai theo sự thật kể cả thời gian đi dạy sau ngày 30/04/1975. Chính vì điều nầy mà chưa chi tôi đã bị Ban an ninh văn phòng trại cứ kêu lên hạch hỏi hoài làm như tôi là một tội phạm không bằng. Thời nào cũng có “người ăn hiếp người”! Tôi tưởng họ là những nhân vật nào quan trọng, nhưng về sau tôi mới biết họ lại chỉ là những người trốn chạy như tôi, chẳng qua họ đi lính có chức vụ ngày xưa, bây giờ đến nơi nầy họ nhảy vào chức vụ nầy họ tưởng họ oai lắm, có quyền sinh sát trong tay để làm khó người nầy, người kia; họ cũng chỉ là “những thằng tị nạn” mà thôi. Vào khoảng tuần lễ đầu, tôi ăn cơm nhiều khiến Chị Dung than phiền với Anh Thành: “Tôi đã nói với ông là đừng nhận người mới, vì người mới ăn nhiều lắm, bây giờ thiếu gạo rồi đó!”. Tôi nằm ngủ với thằng Minh đen ở dưới mà nghe giọng nói trên gác, tôi buồn lắm! Ngày sau tôi có tâm sự với Thảo người Huế đi chung chuyến, ở chung một dãy với nhau. Thảo nói: “Gạo lãnh phần bên tôi dư nhiều lắm vì gia đình toàn là nít nhỏ nên ăn đâu có nhiều, hay là anh lấy một mớ để bù vào chỗ thiếu đi”. Tôi xin Thảo một ít đem bù vào hũ gạo chung ở chỗ gọi tạm là nhà nầy. Chứng nuốt cục của tôi hãy còn làm cho tôi khó chịu quá, cứ hồi lâu nó lại làm cho tôi một cái, tôi cố nín và kìm lại nhưng không tài nào kìm nỗi. Ở đây, nằm không nghe cũng chán, rồi lại đi tắm biển, chiều người quen rủ đi chùa hay lên đồi tôn giáo ngồi nhìn ra biển trong ánh mắt xa xôi. Đường đi trên đảo phải cẩn thận vì đi dưới những cây dừa cao, với nhiều trái dừa khô ở trên có thể rơi xuống bất kỳ lúc nào, nếu nó trúng đầu thì nguy to. Người ta gọi “dừa xù” là lý do như vậy. Tôi lên đảo đúng lúc bạn bè của thằng Thành gởi cho nó khoảng 20 đô Mỹ tính ra được khoảng trên 40 đô Mã Lai, nên cũng xoay sở chút ít. Còn về thức ăn thì Cao Ủy đã phát tương đối đầy đủ cho một tuần rồi, kể cả giấy vệ sinh. Người nào muốn hút thuốc thì lấy mì gói mà đổi ở các quầy bán dọc đường. Tôi đi phỏng vấn học tiếng Anh thì người ta kêu tôi dạy. Tôi nói tôi không có khả năng vì trước kia tôi học tiếng Pháp, họ bảo sau vài tuần rồi đến phỏng vấn lại. Thì ra họ tưởng tôi mới vừa lên tàu nên trí chưa được ổn định, họ không tin điều tôi nói. Thế rồi sau vài tuần cũng đã trễ rồi nên thay vì đi nhân lực tức là khuân vác, lao động có những việc nặng nên tôi đến xin dạy ở trường dạy tiếng Việt, để dạy giúp cho con em trong trại tị nạn. Và ở đây tôi học tiếng Anh thêm với các ông Cao Ủy người Mã Lai hay Singapore. Vì tàu tôi đông người (123 người) nên khi đến phiên Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) làm hồ sơ tị nạn thì họ ưu tiên cho những tàu nhỏ ít người trước, rồi quay trở lại làm cho tàu tôi sau. Có khi số tàu chỉ có một người như tàu PB 966 thì phải. Tàu ấy bị cướp biển đánh cướp xong còn đụng chìm tàu đến đỗi chỉ còn một người sống sót ôm chặt miếng ván bất tỉnh trên biển, khi tàu dầu vớt lên, họ được đưa về Bidong để một người mang một số tàu. Nhiều hoàn cảnh bi thương mà tôi được nghe kể rất nhiều trên đảo. Có câu chuyện bi thảm mà tôi được nghe kể tuy không rành rọt lắm, nhưng mình nghe cũng thắm thía cuộc đời: Trong một chuyến vượt biên nọ có chiếc tàu đi từ Nhà Bè, xuất hành vào ngày 13 trên tàu có 13 người, bà chủ tàu là người đàn bà duy nhất. Đi không biết bao lâu thì gặp cướp biển Thái Lan, cướp lần thứ nhất; sau đó chúng quay lại cướp lần thứ hai. Xong chúng vẫn chưa tha và quay trở lại lần nữa cướp lần thứ ba, và quan trọng nhất là chúng bắt buộc người đàn bà phải sang tàu của chúng, nếu không thì chúng sẽ đâm bể tàu. Thế là người đàn bà phải sợ sệt mà qua tàu bọn cướp, chiếc tàu được yên thân đi đến bờ bến và lên đảo Bidong. Cả tuần lễ sau, đang ngồi ăn cơm, nghe loa phóng thanh báo tin tìm người, ông chồng và hai đứa bỏ cả bữa cơm chạy nhanh ra văn phòng để gặp bà vợ, thì ra bà vợ sau khi qua tàu bọn cướp để chúng dày vò hãm hiếp, chán chúng quăng xuống biển. Bà không biết lội nhưng sao vẫn không chìm và bềnh bồng trên mặt nước trong tình trạng bất tỉnh. Trong khi đó chiếc tàu khác cũng bị cướp Thái Lan bắt mất con gái, họ vì thương con sau khi đi xa lại vòng trở lại tìm con, thì thấy bóng bềnh bồng họ vừa kêu tên vừa tiến gần. Thì người được vớt không phải là con mà là người lạ trùng tên trùng họ kể cả chữ lót với con mình. Chuyện kể lại là như vậy, còn quyền phép nào để người đàn bà không biết lội được nổi bềnh bồng trong tình trạng bất tỉnh và được cứu là chuyện hi hữu. Hơn nửa tháng trời mà tàu tôi chưa được làm hồ sơ tị nạn và tuần lễ của những phái đoàn các nước đến phỏng vấn cũng sắp đến. Tôi nghe tin nầy mà sốt ruột. Đến ngày thứ 18 khi lên đảo tàu chúng tôi mới tới phiên để làm hồ sơ tị nạn. Đang ngồi tuốt hàng ghế dưới chót để đợi kêu tên đi làm hồ sơ, thì tôi bỗng ngạc nhiên ngó thấy người đàn ông quen quen: Không lẽ ông bảy Thành! Thế rồi đợi ông ra lần nữa, tôi đến gần: Xin lỗi, ông có phải là tám Thành không? Ông nhìn tôi làm lạ: Tôi là bảy Thành, còn em tôi là tám Quang. Ủa, chú là ai mà biết tôi? Tôi trả lời: Tôi là con bảy Cứ ở Tân Khánh kế nhà cậu ba Hưng bán thịt heo. Tôi học chung với Mười nhỏ em cậu đó. Chúng tôi nhìn ra nhau và cậu Thành hỏi tôi đi với ai? Tôi nói: Tôi đi một mình, nhưng em tôi đã tới đây hai tháng trước. Tôi chưa tới phiên để làm hồ sơ trong ngày đó, mà cứ phải đến để tới lượt kêu tên làm hồ sơ. Tôi hỏi cậu bảy Thành, vì cậu là thông dịch của Ramli (Cao ủy coi về hồ sơ tị nạn) coi thằng Thành, em tôi, có nhập chung với tôi trong “blue card” được không? Sau khi hỏi ý kiến của Ramli, cậu cho biết: “Được” và căn dặn: Ngày Thạch làm hồ sơ thì thằng Thành đi theo cùng, rồi cậu nói dùm cho. Qua ngày hôm sau mới đến phiên tôi làm hồ sơ, thằng Thành cũng làm trong hội trường nầy nên cũng dễ. Mọi chi tiết đều êm xuôi, nhưng Ramli thắc mắc là tại sao tôi họ Nguyễn mà em tôi họ Trần. Tôi nhờ cậu bảy nói với nó trong giấy em tôi họ Nguyễn nhưng khi lên đảo nó muốn khai lại họ Trần là họ gốc của dòng họ ngày xưa. Ramli không thỏa mãn, nhưng đối chiếu các chi tiết của thằng Thành cùng chi tiết của tôi thì trùng hợp nên cuối cùng nó chấp nhận cho thằng Thành nhập chung với tôi một hồ sơ tị nạn “blue card”. Thằng Thành bây giờ không là “Miner” (vị thành niên đi một mình) nữa. Được vài ngày thì đến thứ hai là bắt đầu tuần lễ cho những phái đoàn các nước đến phỏng vấn để nhận người. Chúng tôi lại ráo riết vào một cuộc làm đơn khác: Điền đơn để xin được các phái đoàn phỏng vấn.
Cuộc sống ở đảo thì được tạm gọi là yên ổn vì vấn đề ăn uống thì được phân phối thực phẩm hàng tuần, cứ mỗi sáng thứ hai tập họp ở bờ biển gần kho hàng, số tàu nào thì lãnh cho tàu nấy rồi người trong tàu phân phối lại cho từng gia đình hay cá nhân. Ngoài công việc giấy tờ thì người ta đi học, đến ngày đi nhân lực hay ai có công tác thì lo công việc đó. Không có gì là bận rộn cả, có nhiều thì giờ để gặp nhau. Người tứ xứ tha hồ mà kể chuyện, từ chuyện làm ăn đến chuyện vượt biên nhất là chuyện trong nước sau ngày 30/4/75 không biết bao nhiêu chuyện mà kể. Chứng nuốt cục của tôi không biết nó đã hết từ lúc nào mà tôi cũng chẳng hay. Hết chứng nầy tôi lại bị chứng khác: Vốn là tôi không thể ngủ dưới đất hay trên ván ép, gỗ thông, không biết cơ thể của tôi như thế nào mà tôi không thể nằm trên những thứ đó. Nếu không, chừng vài ngày sau tôi bị chứng nhức mình rồi sinh ra cảm. Ở đây, tôi lại ngủ trên tấm ván ép được đóng thành tấm ván với Minh đen. Vài ngày sau tôi phải nhờ thằng Thành cạo gió dùm, rồi cứ vài năm, mười bữa lại cạo gió một lần, đến bệnh viện “sick bay” xin thuốc uống hoài thì cũng vậy. Ngày thì đi ra tắm ngoài bãi biển, lặn nhìn màu đẹp của san hô. Có ngày đàn cá đi qua đen cả một vùng bờ biến nhưng không ai được phép đánh bắt cá hay câu. Không, thì tụi Task force Mã Lai sẽ bắt cạo đầu. Hoặc những lúc có người đến đảo thì chúng tôi thả rông ra văn phòng, cầu jetty để xem có người nào quen không. Tôi thì tất nhiên không có rồi vì xứ tôi từ sâu trong đất liền vấn đề đi không là chuyện dễ. Mỗi lần có người đến thì bên ban thông tin phát ra một bản nhạc mà người ta có thể cảm nhận được. Cũng như âm thanh của bài “Biển Nhớ” hoặc “Nghìn Trùng Xa Cách” khiến mình biết cảnh chia tay, có người đang rời đảo để đi định cư. Mình nghe để rồi mình nghĩ lại thân phận mình với nhiều nỗi lo: Lo gia đình, cha mẹ, vợ con; lo cái thân bất định của mình. Cái lo ấy thấm nhập vào từng giấc ngủ, cơn mơ. Hỏi ra, ai cũng có cùng một giấc mơ: Thấy mình đi vượt biên được rồi, rồi nhớ nhung lại trở về, để rồi bị làm khó dễ, ví bắt, phải trốn chui trốn nhũi rồi bị rượt. Lúc đó mới nghĩ: Tại sao mình ngu vậy, đi rồi trở về làm chi để bây giờ làm sao lại đi? Khi tỉnh dậy mồ hôi ra ướt mình. Thì ra mình nằm mơ! Những buổi trưa trời nóng, chúng tôi lại ra nằm trên những băng ghế của trường học dạy tiếng Anh để cùng nhau tán dóc hoặc kể những chuyện lâm li trong lúc vượt biên, hay kể cho nhau nghe những chuyện đã được nghe.
Chiều đến có vài người quen rủ đi lên chùa nghe thuyết pháp. Đây là lần đầu tiên tôi mới nghe đến hai chữ “thuyết pháp”, vì từ xưa tôi chưa được nghe giảng lúc nào cả; mà ông Thầy nầy cũng có tiếng ở Việt Nam lận: Đó là Thầy Thích Quảng Ba. Tôi tò mò đi theo người quen lên chùa. Hôm đó đọc tiếp Kinh Địa Tạng. Xong buổi tụng thì Thầy Thích Quảng Ba mới giảng rõ nghĩa của đoạn Kinh đó để cho mình hiểu mà thâm nhập vào Kinh. Chiều nào cũng có, nhưng tôi vốn chưa có duyên nên một ngày đi hai ba ngày nghỉ. Có hôm tôi chạy vào trong nhà thờ dự Thánh Lễ (chỉ đứng nghe và bắt chước người ta, chứ không biết đọc kinh). Có hôm không dự bên nào cả mà tới ngồi trên những mỏm đá cao nhìn xa xôi ra biển xem cá vẫy vùng trên mặt nước làm nổi bọt sóng lên tung toé, rồi những đàn chim vần vũ nhào xuống la ỏm tỏi làm như một trận chiến thư hùng giữa cá và chim. Tôi lại tư lự mênh mang nhìn vào đất liền ở hướng Tây để lòng mình buồn rười rượi cho thân phận, cũng như tình trạng vợ con bây giờ chẳng biết ra sao? Nước mắt tôi tự dưng chảy dài xuống má. Ngồi cho đến lúc mặt trời lặn hẳn và không còn ánh sáng nữa mới thôi!
(Còn tiếp)
Nguyên Thảo,
14/01/2016.
Saturday, January 9, 2016
*H.T Chữ Nghĩa 25: Hành Trình Của Văn Xuôi.
Tôi đi vào văn xuôi như một cơ hội. Sau bao nhiêu năm ôm ấp cái “hoài bão”: Một ngày nào đó mình làm sao phổ biến những điều lạ lùng mà mình đã “thấy” và “cảm nhận” được trong cơn mơ màng của thời gian bệnh hoạn, vì tình trạng đó nó giống như của một người hành Thiền có thể thấy! Tôi muốn phổ biến chúng không phải là “để khoe cái điều tôi đã thấy” mà chỉ nhằm mục đích để giúp thêm ý kiến cho người ngồi Thiền tránh được những cái khó khăn trên bước đường đi tìm “bản lai diện mục” của chính họ mà thôi.
Trong suốt hơn tám năm trường tôi không ngớt suy tư về những điều ấy, và tôi cũng không từ bỏ cơ hội để đi tìm “sự kiểm chứng”. Khi đi nghe thuyết pháp tôi tìm đến các Thầy để hỏi thăm về tình trạng khai ngộ cũng như tìm hiểu về điều khai ngộ mà bà Thanh Hải đã viết, nhưng tất cả cũng chỉ là chung chung và sơ sài. Có lúc tôi nghĩ không biết đến bao giờ tôi mới “thỏa mãn” cái điều tôi mơ ước! Vì vấn đề vật chất đã khó tìm mà vấn đề tâm linh lại càng khó khăn hơn! Ngọn lửa ngấm ngầm ấy dần dần lụi theo ý chí của tôi!
Thế rồi “đùng” một cái, tôi lại có cơ hội không ngờ, không ngờ hơn nữa nó lại là “bệ phóng” để cho tôi tiến lên. Tôi cảm ơn ông bạn tôi rất nhiều, vì thời gian 1999, ông bạn tôi được tham gia vào Ban Chấp Hành Hội Nông Gia với chức vụ Hội Phó Ngoại Vụ. Với tinh thần sốt sắng anh dành nhiều thời gian sinh hoạt ngoài nghề thông dịch của anh. Từ những vốn học mà ngày xưa anh đã học được qua khoá Hàm Thụ về báo chí do Ký giả Trần Tấn Quốc báo Đuốc Nhà Nam mở, anh đã cho ra đời “Bản Tin Nông Gia” để làm phương tiện thông tin các tin tức đến với nông gia, nhưng cũng là nơi để nông gia đóng góp bài vở văn nghệ cho thêm phần phong phú đồng thời làm chỗ vui chơi về chữ nghĩa cho những người có khả năng.
Đọc bản tin đầu tiên do anh bạn tặng, tôi có hai suy nghĩ: Thứ nhất là những bài viết đa số là do anh bạn tôi phải cáng đáng, hai là bài “Luật Nhân Quả” làm tôi bận tâm rất nhiều. Sau nhiều ngày đắn đo, nhân khi đến nhà anh bạn chơi và bàn về “Bản Tin Nông Gia” tôi lại ngỏ ý xin đóng góp cho vui. Anh bạn tôi hoan nghinh! Thế là trong bản tin số 2 có bài viết của tôi trong đó, nhưng thay vì tựa “Lạm bàn về một vấn đề” thì anh bạn tôi đã “huỵch toẹt”: “Thiền là gì?”. Đối với bản tin tôi không ngần ngại gì về khả năng viết của tôi vì tôi cứ nghĩ là mình đang tham dự vào một cuộc vui chơi có bổ ích, không cần phải có khả năng chuyên môn về viết lách. Nhưng anh bạn tôi cho biết nhiều người thích thú về bài viết của tôi khiến lòng tôi cũng được an ủi phần nào và tôi lại càng tự tin hơn trong cách viết của tôi. Tôi gởi tiếp bài thứ hai rồi bài thứ ba cho anh, nhưng một ngày kia tôi đột nhớ lại thời gian mà tôi tiếp cận với “Sự huyền nhiệm của Tâm linh” không chậm chạp như cái viết của tôi lúc nầy. Nếu lâu lâu mới có một phần thì có thể nguy hại đến người nào thực hiện theo điều tôi viết. Do đó tôi dành thời gian để kết thúc bài nầy bằng viết tay vì thuở ấy tôi chưa biết sử dụng đến máy vi tính cũng như là đánh máy. Sửa chữa, chép lại rồi đem đến tờ báo biếu địa phương “Nam Úc Tuần Báo” của anh Nguyễn Văn Lộc nhờ anh “nếu thấy được đăng dùm”. Hai tuần sau bài ấy được trình diện cùng độc giả với bút hiệu là “Bất Hạnh”. Sở dĩ lúc ấy tôi chọn bút hiệu đó vì do nơi tầm quan trọng của bài viết: Trong nội dung, nó chính là “sự cảm nhận” trong lúc ngồi Thiền của những hành giả, nhưng tôi không phải là một Thiền sinh hay người thực hành Thiền thì điều đó chưa hẳn là chính xác, cho nên để giảm bớt giá trị của nó tôi phải chọn một bút hiệu thật xấu nhằm làm cho độc giả có “sự nghi ngờ” mà cẩn thận với nội dung của bài. Và trong khoảng thời gian nầy tôi cũng chờ đợi những ý kiến phản hồi từ các giới hành Thiền, cũng như từ những người tu hành có kinh nghiệm lẫn thẩm quyền. Nhưng không có ai cả, tôi thấy hú hồn! Rồi một bữa nọ, anh Lộc cho tôi hay có một bà chị từ Việt Nam sang đọc bài ấy và muốn hỏi vài vấn đề. Tôi đồng ý và anh đưa số điện thoại của chị cho tôi. Qua liên lạc, chị cho biết bài ấy giải quyết cho chị nhiều vấn đề mà chị đã thắc mắc từ lâu. Quả thật bài đó khác lạ với nhiều bài có từ trước vì nội dung tôi không đề cập đến hình thức hay “cách” ngồi thiền mà tôi chỉ “xoáy” vào những gì ta sẽ có theo kinh nghiệm của chính tôi khi “định tâm” trong lúc tôi đang bệnh hoạn. Tôi ghi lại những gì tôi đã “thấy” cũng như đã “gặp” cùng những “trở ngại” và “cố gắng vượt qua” của tôi trong thời kỳ “định tâm” ấy. Như vậy, nội dung tôi muốn truyền đạt trong bài là “phần bên trong của Thiền” chứ không phải là hình thức ngồi Thiền. Thực tình mà nói, đã nhiều lần tôi đắn đo trước khi phổ biến điều đó bỡi vì tôi nghĩ mỗi người có thể sẽ có cách cảm nhận khác nhau, cách của mình sẽ khác cách của người khác. Nếu như vậy thì làm sao Đức Phật thuyết giảng theo giáo pháp của Ngài? Như vậy tất nó sẽ có nét chung nào đó, cho nên tôi hi vọng đóng góp cho một điều chung mà người sau có thể rút kinh nghiệm trong sự tu tập của mình, mặc dù tôi đến với điều ấy thật là tình cờ chứ không phải của một người hành Thiền bỏ công đi tìm kiếm. Tôi cũng nên nói một sự thật dị kỳ là khi ghi lại tôi có những sự ngập ngừng, chùn bước trước những điều phổ biến vì sợ không đúng sẽ làm nguy hiểm cho người đọc, thì lòng tôi lại có sự “bị thôi thúc” lạ thường. Cuối cùng tôi phải viết ra và phổ biến trong sự dè dặt tột cùng nên cần đến bút hiệu “Bất Hạnh”!
Đó là bài văn xuôi đầu tiên mà tôi bắt đầu đưa ra trình diện trước công chúng, mà trong đó tôi phải vận dụng tất cả những điều học được về giảng văn của những năm còn trên ghế nhà trường. Những tưởng điều đó đã đủ theo ước vọng của tôi “chỉ cần phổ biến những điều cảm nhận trong cơn bệnh” là đủ. Nhưng không, tôi quả thật có duyên với chữ nghĩa trong lúc về già. Chuyện viết không dừng ở đó mà nó lại được tiếp tục cho đến ngày nay mặc dù công việc nghề nông của tôi thật là bận rộn, như đứa cháu con của bà chị hỏi tôi về bài viết trước kia có lần đã hỏi: “Chú làm farm cực vậy mà sao chú lại có thì giờ để viết?”, tôi mĩm cười trả lời: “Chú cũng không biết nữa!”. Tất nhiên, tôi phải tranh thủ những thời gian rỗi rảnh để viết!
Khi tôi rứt đề tài Thiền ra khỏi Bản Tin Nông Gia thì tôi lại cần có đề tài khác để đắp vào mà phụ lực với ông bạn tôi, cho nên tôi chọn những đề tài xã hội, nho nhỏ để viết thành bài đưa cho anh. Mỗi tháng một lần thì chẳng có gì khó với tôi cả.
Cơ hội lại đến thêm một lần nữa, khi tôi đọc trên báo Nam Úc có mục dành cho phụ huynh do anh Lê Văn Vinh đang làm việc ở văn phòng Cộng Đồng viết về Thanh Thiếu Niên, nhằm giúp cha mẹ có cách thức, phương hướng trợ giúp cho con em. Tôi theo dõi thì thấy mục ấy “cà hụt cà hử” không liên tục, nên tôi lại nổi hứng nhớ những năm ngày cũ khi mình đi dạy ở quê nhà và những kiến thức học từ trong trường Sư Phạm, để rồi một ngày tôi đặt bút xuống mà viết mấy bài “Vấn đề con cái của chúng ta” nhằm phân tích tình hình con cái trên xứ người và những khổ tâm của cha mẹ. Viết xong tôi xuống Cộng Đồng đưa bài cho anh Lê Văn Vinh, bài thứ nhất mấy tuần sau mới lên báo Nam Úc, còn bài hai thì khá lâu, khi tôi đến gởi anh bài thứ ba thì anh bận hẹn khi khác. Tôi đành về, khi về ghé qua tòa soạn Nam Úc thì anh gặp anh Vinh ở đấy. Sau khi anh Vinh đi, anh Lộc nói: “Sao anh không đưa thẳng bài cho tôi, anh đưa qua anh Vinh rồi thì ảnh cũng đưa qua tôi thôi”. Tôi nói: “Tôi đâu có biết, thấy ảnh phụ trách mục đó thì đưa qua ảnh vậy”. Anh Lộc bảo: “Về sau nếu anh có bài cứ đưa thẳng qua tôi, khỏi đưa qua anh Vinh cho thất công”. Thế là từ đó tôi cứ đưa bài thẳng về cho anh Lộc.
Trong ba bài viết để phân tích về Thanh Thiếu Niên: “Các giai đoạn trưởng thành của con cái chúng ta”, “Tiến trình con cái rời xa chúng ta như thế nào?”, và “Đi tìm nguyên nhân của sự khó khăn trong việc dạy con ở xứ người”; tôi đã cố gắng tìm hiểu nguyên nhân từ của mình, của bạn bè trong sự thất bại hướng dẫn con cái trên xứ người do vì mình bận công ăn việc làm, hoặc quan niệm cũ giống như lúc còn ở Việt Nam: Mình cứ ráng kiếm tiền để ủng hộ, giúp cho con có đủ phương tiện mà theo đuổi việc học hành. Nhưng không, ở xứ nầy nó không là như vậy, nên con cái đã vượt thoát ra ngoài tầm tay của cha mẹ; khi vỡ lở ra rồi thì cha mẹ không còn lôi cuốn con trở lại được, do đó nhiều hoàn cảnh đáng thương đã xảy ra. Tôi viết các bài ấy chỉ để báo động với các bậc cha mẹ về sau cần lưu ý đến con hơn, hòng tránh những thảm họa sau nầy. Những bài ấy chỉ được lưu hành ở Tiểu bang Nam Úc qua Nam Úc Tuần Báo mà thôi. Về sau nầy, tôi có nhờ anh Sơn lúc ấy là đại diện cho tờ báo Dân Việt phát hành toàn nước Úc đăng lại, kết quả anh cho biết là các bậc phụ huynh có lưu tâm đến các bài ấy nhiều. Tôi chỉ nghe anh Sơn nói lại như vậy thôi, chứ tôi không biết gì về kết quả của nó. Trong thời gian nầy tôi vẫn gởi bài cho anh bạn tôi qua Bản Tin Nông Gia với những chủ đề khác, lúc đầu là “Chuyện Người, chuyện Ta”, sau là các vấn đề xã hội như “Sợ vợ có phải là sợ vợ hay không?”. Chính bài nầy tôi mới để bút hiệu là N.T, tức là tên tắt của tôi, nhưng chuyện nầy đổ bể, có người muốn phản đối nên từ đó tôi mới chuyển sang bút hiệu “Nguyên Thảo” là biến thể của N.T. Nhưng khi anh bạn tôi cho hay có người phê bình Bản Tin Nông Gia” mà chỉ viết chuyện tào lao không có cái gì dính dáng đến nông nghiệp và họ tiên đoán cho rằng tờ báo sẽ chết yểu trong vài số nữa. Thấy vậy, tôi cố gắng giúp anh viết những bài về cây cối theo ký ức về những bài học “vạn vật” ở lớp Đệ Nhị năm xưa. Sau ba bài tôi nhớ lại mình trồng hoa màu chẳng được hay thì vấn đề phân thuốc tôi không dám bày vẽ cho ai, cho nên tôi đưa tài liệu mà tôi kiếm được đưa cho anh bạn tôi dịch thì hay hơn. Cùng lúc ấy, Bản Tin Nông Gia có bài Quan điểm viết về lúc trước Hội Nông gia chi là “Hữu danh vô thực” đụng chạm tự ái của nhiều người trong những Ban Chấp Hành trước dù đó là một sự thực. Sự chia rẽ trong nông gia cũng bắt đầu từ những người có chức cũ. Ngay lúc đó gia đình Né được ra đời, kéo theo sự bất hợp tác của nhiều thành viên và Bản Tin Nông Gia tiến hành viết bài chửi gia đình Né. Tôi góp ý với tờ báo, nhưng không được nên từ đó tôi chỉ gởi bài cho có lệ mà thôi!
Lúc nầy, tôi thấy mình cần nên học sử dụng đến máy vi tính, nhưng tôi chưa có máy mà Thầy Nguyễn Văn Phụng đang mở lớp căn bản cho phụ huynh của trường Việt Ngữ, tôi mạo nhận xin tham dự. Học trên máy nhà trường được bao nhiêu hay bao nhiêu, nhưng tôi cố gắng ghi chép cũng như lưu giữ tài liêu. Sau, con tôi bỏ máy cũ ra tôi lần mò tập và học để biết sử dụng; còn tôi kiếm sách học đánh máy để tập trên bàn phím. Thế là lần mò tôi cũng làm được những công việc cần thiết của một người tập tành viết lách. Từ đây tôi viết bài trên trang giấy, sửa chữa rồi mới đánh vào máy vi tính. Một lần, khi được dịp tiếp xúc với Đại Đức Thích Nhật Từ, thầy hỏi: “Bác có đánh bài thẳng vào máy vi tính không?”, tôi trả lời bằng những công việc tôi đã làm; Thầy chỉ nói là thầy thường đánh bài thẳng vào máy vi tính. Tôi về suy nghĩ, và từ đó tôi đánh bài vào máy vi tính và sửa chữa là về sau: Có lúc tôi in ra rồi sửa hay có lúc tôi đọc lại và sửa thẳng trên máy, nhưng điều nầy không được cẩn thận lắm, nhiều sai sót, nhất là lỗi điệp ngữ và ý lộn xộn còn hơi nhiều.
(Còn tiếp)
Nguyên Thảo,
01/01/2016.
*Đất Lành!
*Thơ Đồ Ngông! (tt)
Đất lành chim có đậu
Đất xấu chim lại bay
Quy luật nầy muôn thuở
Người chẳng hiểu nên người!
Đời cứ mơ trong chốc
Không thấu được cuộc đời
Bao nhiêu điều tàn độc
Chỉ để giết nhau thôi!
Mê theo đường huyễn hoặc
Chẳng tìm được lối đi
Tưởng mình làm điều đúng
Thiên hạ vào sầu bi!
Ngày mai về đâu nhỉ?
Ta chẳng thấy Thiên Đường
Đây là nơi Địa Ngục
Khắp nẻo đầy đau thương!
Đồ Ngông,
10/01/2016,
Đất lành chim có đậu
Đất xấu chim lại bay
Quy luật nầy muôn thuở
Người chẳng hiểu nên người!
Đời cứ mơ trong chốc
Không thấu được cuộc đời
Bao nhiêu điều tàn độc
Chỉ để giết nhau thôi!
Mê theo đường huyễn hoặc
Chẳng tìm được lối đi
Tưởng mình làm điều đúng
Thiên hạ vào sầu bi!
Ngày mai về đâu nhỉ?
Ta chẳng thấy Thiên Đường
Đây là nơi Địa Ngục
Khắp nẻo đầy đau thương!
Đồ Ngông,
10/01/2016,
Saturday, January 2, 2016
*Mỹ Du. (6)
Sáng chúng tôi dậy sớm, Phương Hùng đã mua đồ ăn về cho cả nhóm. Phượng cũng đưa gia đình Cậu Chín lên vừa đúng lúc. Làm thủ tục trả phòng xong, mọi người đem đồ đạc xuống dưới và rời khách sạn vào lúc 10 giờ. Chúng tôi giã từ thành phố đầy đèn màu ánh sáng, nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm để ra phi trường đón máy bay đi Salt Lake City thuộc Tiểu bang Utah trên máy bay nhỏ của hãng Alaska. Cùng ngày Hoàng và vợ đón máy bay về Kansas City của Tiểu bang Missouri sau hai ngày họp mặt với Tố Dung, con gái tôi cùng Thầy Phương và Cô Phượng
Tôi ngồi nhớ lại, hơn mười bốn năm về trước, vợ chồng tôi cũng được Nga, Phượng đưa ra phi trường nầy sau vài ngày thăm viếng Las Vegas, để từ đây đón máy bay United qua ngã San Francisco rồi mới lên Portland thuộc Tiểu bang Oregon trước khi quay về Salt Lake City.
Khi ấy, lúc tới phi trường Portland, Chánh đón và đưa chúng tôi đi ngang qua thành phố trên đường về nhà. Hệ thống cầu trên sông ngang dọc coi cũng có nhiều lý thú. Chiều Chánh đưa chúng tôi đến thăm gia đình Thầy Tại nhà cũng ở gần đó. Lâu ngày mới gặp lại Thầy, Cô có nhiều vui mừng. Tôi và Chánh là bà con họ bạn dì thuộc cánh ông ngoại của tôi ở Vĩnh Trường. Mấy chục năm mới gặp lại nhau nên có nhiều chuyện để nói và để kể. Nhưng Chánh có vẻ hợp với ba tôi hơn vì có nhiều người trong câu chuyện mà tôi không thể nhớ rõ được.
Ngày thứ nhì, Chánh đưa chúng tôi đi qua thác Mulnomah ở cách Thành phố Portland khoảng 30 phút lái xe để tham quan. Chúng tôi chụp ít hình, quay phim để làm kỷ niệm. Lên đường dốc để đến chiếc cầu bắc ngang dòng thác có tên là Benson để nhìn lên đoạn trên cao đổ xuống và từ đây nước qua một độ cao lần nữa dưới cầu trước khi chảy ra dờng sông Columbia tức là dòng sông làm ranh giới thiên nhiên giữa hai Tiểu bang Washington và Oregon. Thác Mulnomah có nguồn nước chính từ dòng Mulnomah Creek, nó không bị khô cạn vào mùa hè vì lượng nước mưa, nước ngầm hoặc tuyết tan đủ cung cấp cho nó qua các mùa. Thác có hai bậc cao tổng cộng là 191 m, phần trên của thác cao 165 m. Ở đây có những cây mà trên thân có rêu chứng tỏ khí hậu nơi nầy lạnh cùng ẩm ướt nên mùa thu và mùa đông, dù cây rụng lá nhưng thân cây vẫn ẩm ướt thường xuyên. Điều nầy cũng tạo nên thích thú cho cảm quan của tôi.
Xuống dưới bãi đậu xe, Chánh đưa chúng tôi đến xem những hầm chứa cá con được người ta ép cho nở. Cá con rất nhiều, chắc người ta cho nở nhiều đợt, nên có nhiều cỡ khác nhau, Chúng tôi thả bộ ra bờ sông đến công viên đứng tựa bên một thân cây thật lớn, chúng tôi cứ trầm trồ không biết họ lấy thân cây nầy từ đâu về mà lớn quá chắc là lâu năm lắm! Nhưng không, Chánh tình cờ vin vào một võ cây, võ cây tróc ra là một miếng của thân cây giả, thế mà chúng tôi cứ tưởng là thật. Công nhận kỹ thuật làm cây giả rất tinh vi mình nhìn qua không thể biết được.
Ra xe, Chánh lại đưa chúng tôi về ghé ở vườn hồng, nơi trồng nhiều loại hồng và nhiều loại hoa khác rất đẹp. Vườn được chăm sóc kỹ lưỡng, tôi không hỏi Chánh về vườn nầy vào mùa Đông thế nào, nhưng chắc hồng cũng ngủ như nhiều loại cây khác hoặc trơ trụi trong cánh đồng tuyết thôi. Từ đây nhìn xuống thành phố Portland tương đối rõ ràng và xa xa là núi Hood với vòm tuyết đóng trắng xóa ở trên đầu xuống tới phân nửa núi. Hood là đỉnh núi cao nhất ở Oregon với độ cao 2,349 m, cách Portland 80 km về hướng đông đông nam. Đây là ngọn núi lửa có đá thuộc niên đại trên 500,000 năm, lần phun lửa đã qua xảy ra vào năm 1866. Khi chúng tôi di chuyển đến Kansas City của Tiểu bang Missouri thì trên tin tức có đề cập đến một tai nạn trực thăng ở núi Hood nầy.
Có phải chăng chính vì vườn hồng nầy mà Tiểu bang Oregon mới có tên là Rose State, hay mang biệt danh của một vườn hồng nào khác lớn hơn?
Từ giả nơi nầy, Chánh đưa chúng tôi qua Vườn Nhật. Đậu xe ở Car park, rồi đi lên vườn Nhật. Quả thật người Nhật có khiếu thẩm mỹ cũng như tinh thần dân tộc cao cũng phải. Nếu người Tàu đi đâu cũng thành lập Chinatown ở đó, thì người Nhật thường có “Vườn Nhật” mang đậm sắc thái của họ. Cùng bao nhiêu loại cây đó nhưng khi vào một vườn Nhật sẽ thấy cái nét riêng và khác xa với nhiều vườn khác mặc dù là của ai. Khung cảnh yên tĩnh, nhẹ nhàng, thanh thoát để rồi mình lắng nghe tiếng chim kêu, nước chảy khiến cho mình cảm thấy được giây phút trầm lắng tuyệt vời. Chánh thốt lên: “Ê mậy, vào đây nghe yên tĩnh quá, cỡ mình đi tu được vậy!”, tôi “Ừ!” và mĩm cười cho những thằng nặng trần tục như tôi và Chánh mà cảm thấy được cảnh Thiền cũng chẳng qua là chỉ ở tại vườn Nhật nầy thôi!
Xong chúng tôi về nhà và nghỉ ngơi. Ba tôi có dịp ôn lại những cảnh quan ngày xưa của Thủ Dầu Một, Bình Dương khi trò chuyện với Bác gái, má vợ của Chánh.
Sáng hôm sau, sau khi ăn uống xong, Chánh cho biết là sẽ đưa chúng tôi về sở thú Safari. Ôi! Chui choa, tôi tưởng gần nhưng đi hoài sao mà xa tít mù, xe ngừng lại hai ba chặng mới tới. Safari ở Winston gọi là Safari Village. Lấy vé vào cửa xem các con thú nhỏ, chim, loài bò sát, khỉ kể cả chó sói (trong chuồng)… thì trở ra xe để lấy xe đi vào khu các con thú lớn. Ngồi trên xe chạy vào trong theo một đường vòng khoảng chừng hơn 7 km qua các khu sơn dương, hươu cao cổ, đà điểu, gấu, ngựa rằn… Sở thú nầy có khu vực chừng 240 ha được mở ra từ năm 1973. Hai con gấu lớn quá đỗi, chắc nó hung dữ lắm nên chuồng của nó được dựng cao lên, cửa vào tự động khép mở, lại có thêm một người ngồi trong xe đậu ở một góc và có cây súng để phòng hờ khi có bất trắc đối với khách tham quan. Còn những con đà điểu to lớn không nễ nang gì xe cộ, chúng cản đường, đôi khi còn đến bên cửa xe thò mỏ vào khe cửa khép hơi hở mà mổ mổ vào người ngồi bên trong.
Chúng tôi trở về đến nhà cũng quá xế chiều. Một đêm nữa lại trôi qua. Ngày kế tiếp gia đình Chánh cùng hai gia đình em vợ đưa chúng tôi ra thành phố Portland đãi cho một chầu ở nhà hàng Nhật tương đối khang trang ở đây!
Sáng ngày hôm sau Chánh đưa chúng tôi ra phi trường để đón chuyến bay đi Salt Lake City cũng qua ngã San Francisco sẽ bay vào lúc 11 giờ 25.
Bây giờ tôi ngồi đây đợi chuyến bay về Salt Lake City một lần nữa với tất cả 14 người. Ba tôi không có vì ông đã mất từ gần ba năm về trước. Chuyến bay sẽ khởi hành vào lúc 1giờ 30. Đây là loại máy bay hai cánh quạt không lớn lắm vì hành khách không nhiều. Tôi ngồi bên một bà Tây mà bả không biết tiếng Anh, không biết bả ở đâu mà chỉ nói bằng tiếng Mễ hay Tây Ban Nha gì đó. Tôi với bả chỉ nói bằng ngôn ngữ quốc tế của hai bàn tay. Sau khoảng một tiếng rưởi trên không, máy bay đáp xuống phi trường Salt Lake. Ra phi cơ khí trời cũng còn oi bức mặc dù Salt Lake City ở trên độ cao và trời đã bắt đầu vào Thu.
Nhận hành lý xong, ra đến phòng đợi đã thấy nhiều người đến đón có Khuê, Bác trai ba của Hùng cùng các con của Hùng, Dung. Bây giờ tụi nó lớn quá chừng, nhất là bé Lin; nếu gặp nơi khác chắc tôi không nhìn ra chúng đâu. Lần trước khi tụi nó qua Úc đến nay cũng đã là 8, 9 năm rồi còn gì! Cuộc đời rồi cũng nhanh thiệt! Ở đây chúng tôi gặp lại Tường và con Tường là Thu đi du lịch sẵn ghé sang đây. Quả thật là đại gia đình sum họp!
Đoàn sắp xếp lên các xe để di chuyển về West Valley. Nhà trước kia vì chật không đủ chỗ cho các con đã lớn nên Hùng Dung đã đổi sang chỗ mới. Về đến nhà vào lúc 4 giờ 50. Ổn định chỗ ngủ thì chừng một giờ sau lại lên đường để đi ra phố ăn uống gần trung tâm thành phố: Hôm nay cháu Ti đãi cho một bữa tiệc ở nhà hàng Brazil. Cả ba đứa con của Hùng, Dung đều ra trường và đi làm nên mỗi đứa đãi cho các Dì, Cậu mợ, anh chị và Dượng 7 nầy một lần gọi là ăn mừng vậy mà! Món ăn của Ba Tây thì cũng giống như của mấy xứ Âu, nhưng có thịt nướng thì nó đem tận bàn, mình thích thì ăn tiếp nếu không thích thì cầm cái vật có dấu hiệu đỏ lật lên để nó biết mà ngưng, không cắt cho mình nữa! Biết vài cách lạ cũng là điều hay, đúng là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”!
Về đến nhà mở Karaoké cùng nhau hát vài bản, ai đi tắm thì đi, ai ca thì cứ ca để đêm nằm ngủ cho thoải mái. Và một ngày nữa lại đi qua!
(Còn tiếp)
Nguyên Thảo,
01/01/2016.
*Ở Hay Về!
*Thơ Đồ Ngông! (tt)
Tôi có về hay nên ở,
Vì tương lai tôi nên ở hay về?
Đường chông gai, không còn ai muốn tới
Lúa thóc nào mà chẳng có bồ câu!
Bao nhiêu năm,
Không một chỗ nhân tài được gối đầu
Nhiều mai một, hàng khối người tan tác
Kẻ tài giỏi trở thành rơm rác
Đem chôn vùi trong một đống tro than.
Đống tro than luôn hực lửa ngút ngàn
Chỉ cũng lại một con đường cản bước
Không tránh ra để người về phía trước
Cho tương lai vì tổ quốc đứng lên
Chẳng tháo đi những khóa với xích xiềng
Cũng cứ bám khung sườn đầy mù mịt
Mà đường đi là con đường xôi thịt
Lở loét da đang diệt chết con người!
Đồ Ngông,
03/01/2016.
Tôi có về hay nên ở,
Vì tương lai tôi nên ở hay về?
Đường chông gai, không còn ai muốn tới
Lúa thóc nào mà chẳng có bồ câu!
Bao nhiêu năm,
Không một chỗ nhân tài được gối đầu
Nhiều mai một, hàng khối người tan tác
Kẻ tài giỏi trở thành rơm rác
Đem chôn vùi trong một đống tro than.
Đống tro than luôn hực lửa ngút ngàn
Chỉ cũng lại một con đường cản bước
Không tránh ra để người về phía trước
Cho tương lai vì tổ quốc đứng lên
Chẳng tháo đi những khóa với xích xiềng
Cũng cứ bám khung sườn đầy mù mịt
Mà đường đi là con đường xôi thịt
Lở loét da đang diệt chết con người!
Đồ Ngông,
03/01/2016.
Subscribe to:
Posts (Atom)