Sunday, January 17, 2016

*Quê Người. (6)




Hành trình vượt biển của tôi coi như là tạm xong, nhưng bước đường đi tới cũng không đơn giản chút nào. Anh Thành, Chị Dung thường than phiền chỗ ở nầy không được may mắn lắm vì gia đình anh, chị cũng như hai thằng Minh nằm ở đây lâu mà chưa được phái đoàn nào nhận, chắc phải đợi đến lúc phái đoàn Canada nhận hốt đi thôi! Nhưng còn có một an ủi vì một anh vừa đi ở đây không lâu lắm thì được nhận. Nghe họ nói tôi đâm ra lo. Tôi lại càng lo hơn vì trong lý lịch kê khai tôi hoàn toàn khai theo sự thật kể cả thời gian đi dạy sau ngày 30/04/1975. Chính vì điều nầy mà chưa chi tôi đã bị Ban an ninh văn phòng trại cứ kêu lên hạch hỏi hoài làm như tôi là một tội phạm không bằng. Thời nào cũng có “người ăn hiếp người”! Tôi tưởng họ là những nhân vật nào quan trọng, nhưng về sau tôi mới biết họ lại chỉ là những người trốn chạy như tôi, chẳng qua họ đi lính có chức vụ ngày xưa, bây giờ đến nơi nầy họ nhảy vào chức vụ nầy họ tưởng họ oai lắm, có quyền sinh sát trong tay để làm khó người nầy, người kia; họ cũng chỉ là “những thằng tị nạn” mà thôi. Vào khoảng tuần lễ đầu, tôi ăn cơm nhiều khiến Chị Dung than phiền với Anh Thành: “Tôi đã nói với ông là đừng nhận người mới, vì người mới ăn nhiều lắm, bây giờ thiếu gạo rồi đó!”. Tôi nằm ngủ với thằng Minh đen ở dưới mà nghe giọng nói trên gác, tôi buồn lắm! Ngày sau tôi có tâm sự với Thảo người Huế đi chung chuyến, ở chung một dãy với nhau. Thảo nói: “Gạo lãnh phần bên tôi dư nhiều lắm vì gia đình toàn là nít nhỏ nên ăn đâu có nhiều, hay là anh lấy một mớ để bù vào chỗ thiếu đi”. Tôi xin Thảo một ít đem bù vào hũ gạo chung ở chỗ gọi tạm là nhà nầy. Chứng nuốt cục của tôi hãy còn làm cho tôi khó chịu quá, cứ hồi lâu nó lại làm cho tôi một cái, tôi cố nín và kìm lại nhưng không tài nào kìm nỗi. Ở đây, nằm không nghe cũng chán, rồi lại đi tắm biển, chiều người quen rủ đi chùa hay lên đồi tôn giáo ngồi nhìn ra biển trong ánh mắt xa xôi. Đường đi trên đảo phải cẩn thận vì đi dưới những cây dừa cao, với nhiều trái dừa khô ở trên có thể rơi xuống bất kỳ lúc nào, nếu nó trúng đầu thì nguy to. Người ta gọi “dừa xù” là lý do như vậy. Tôi lên đảo đúng lúc bạn bè của thằng Thành gởi cho nó khoảng 20 đô Mỹ tính ra được khoảng trên 40 đô Mã Lai, nên cũng xoay sở chút ít. Còn về thức ăn thì Cao Ủy đã phát tương đối đầy đủ cho một tuần rồi, kể cả giấy vệ sinh. Người nào muốn hút thuốc thì lấy mì gói mà đổi ở các quầy bán dọc đường. Tôi đi phỏng vấn học tiếng Anh thì người ta kêu tôi dạy. Tôi nói tôi không có khả năng vì trước kia tôi học tiếng Pháp, họ bảo sau vài tuần rồi đến phỏng vấn lại. Thì ra họ tưởng tôi mới vừa lên tàu nên trí chưa được ổn định, họ không tin điều tôi nói. Thế rồi sau vài tuần cũng đã trễ rồi nên thay vì đi nhân lực tức là khuân vác, lao động có những việc nặng nên tôi đến xin dạy ở trường dạy tiếng Việt, để dạy giúp cho con em trong trại tị nạn. Và ở đây tôi học tiếng Anh thêm với các ông Cao Ủy người Mã Lai hay Singapore. Vì tàu tôi đông người (123 người) nên khi đến phiên Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) làm hồ sơ tị nạn thì họ ưu tiên cho những tàu nhỏ ít người trước, rồi quay trở lại làm cho tàu tôi sau. Có khi số tàu chỉ có một người như tàu PB 966 thì phải. Tàu ấy bị cướp biển đánh cướp xong còn đụng chìm tàu đến đỗi chỉ còn một người sống sót ôm chặt miếng ván bất tỉnh trên biển, khi tàu dầu vớt lên, họ được đưa về Bidong để một người mang một số tàu. Nhiều hoàn cảnh bi thương mà tôi được nghe kể rất nhiều trên đảo. Có câu chuyện bi thảm mà tôi được nghe kể tuy không rành rọt lắm, nhưng mình nghe cũng thắm thía cuộc đời: Trong một chuyến vượt biên nọ có chiếc tàu đi từ Nhà Bè, xuất hành vào ngày 13 trên tàu có 13 người, bà chủ tàu là người đàn bà duy nhất. Đi không biết bao lâu thì gặp cướp biển Thái Lan, cướp lần thứ nhất; sau đó chúng quay lại cướp lần thứ hai. Xong chúng vẫn chưa tha và quay trở lại lần nữa cướp lần thứ ba, và quan trọng nhất là chúng bắt buộc người đàn bà phải sang tàu của chúng, nếu không thì chúng sẽ đâm bể tàu. Thế là người đàn bà phải sợ sệt mà qua tàu bọn cướp, chiếc tàu được yên thân đi đến bờ bến và lên đảo Bidong. Cả tuần lễ sau, đang ngồi ăn cơm, nghe loa phóng thanh báo tin tìm người, ông chồng và hai đứa bỏ cả bữa cơm chạy nhanh ra văn phòng để gặp bà vợ, thì ra bà vợ sau khi qua tàu bọn cướp để chúng dày vò hãm hiếp, chán chúng quăng xuống biển. Bà không biết lội nhưng sao vẫn không chìm và bềnh bồng trên mặt nước trong tình trạng bất tỉnh. Trong khi đó chiếc tàu khác cũng bị cướp Thái Lan bắt mất con gái, họ vì thương con sau khi đi xa lại vòng trở lại tìm con, thì thấy bóng bềnh bồng họ vừa kêu tên vừa tiến gần. Thì người được vớt không phải là con mà là người lạ trùng tên trùng họ kể cả chữ lót với con mình. Chuyện kể lại là như vậy, còn quyền phép nào để người đàn bà không biết lội được nổi bềnh bồng trong tình trạng bất tỉnh và được cứu là chuyện hi hữu. Hơn nửa tháng trời mà tàu tôi chưa được làm hồ sơ tị nạn và tuần lễ của những phái đoàn các nước đến phỏng vấn cũng sắp đến. Tôi nghe tin nầy mà sốt ruột. Đến ngày thứ 18 khi lên đảo tàu chúng tôi mới tới phiên để làm hồ sơ tị nạn. Đang ngồi tuốt hàng ghế dưới chót để đợi kêu tên đi làm hồ sơ, thì tôi bỗng ngạc nhiên ngó thấy người đàn ông quen quen: Không lẽ ông bảy Thành! Thế rồi đợi ông ra lần nữa, tôi đến gần: Xin lỗi, ông có phải là tám Thành không? Ông nhìn tôi làm lạ: Tôi là bảy Thành, còn em tôi là tám Quang. Ủa, chú là ai mà biết tôi? Tôi trả lời: Tôi là con bảy Cứ ở Tân Khánh kế nhà cậu ba Hưng bán thịt heo. Tôi học chung với Mười nhỏ em cậu đó. Chúng tôi nhìn ra nhau và cậu Thành hỏi tôi đi với ai? Tôi nói: Tôi đi một mình, nhưng em tôi đã tới đây hai tháng trước. Tôi chưa tới phiên để làm hồ sơ trong ngày đó, mà cứ phải đến để tới lượt kêu tên làm hồ sơ. Tôi hỏi cậu bảy Thành, vì cậu là thông dịch của Ramli (Cao ủy coi về hồ sơ tị nạn) coi thằng Thành, em tôi, có nhập chung với tôi trong “blue card” được không? Sau khi hỏi ý kiến của Ramli, cậu cho biết: “Được” và căn dặn: Ngày Thạch làm hồ sơ thì thằng Thành đi theo cùng, rồi cậu nói dùm cho. Qua ngày hôm sau mới đến phiên tôi làm hồ sơ, thằng Thành cũng làm trong hội trường nầy nên cũng dễ. Mọi chi tiết đều êm xuôi, nhưng Ramli thắc mắc là tại sao tôi họ Nguyễn mà em tôi họ Trần. Tôi nhờ cậu bảy nói với nó trong giấy em tôi họ Nguyễn nhưng khi lên đảo nó muốn khai lại họ Trần là họ gốc của dòng họ ngày xưa. Ramli không thỏa mãn, nhưng đối chiếu các chi tiết của thằng Thành cùng chi tiết của tôi thì trùng hợp nên cuối cùng nó chấp nhận cho thằng Thành nhập chung với tôi một hồ sơ tị nạn “blue card”. Thằng Thành bây giờ không là “Miner” (vị thành niên đi một mình) nữa. Được vài ngày thì đến thứ hai là bắt đầu tuần lễ cho những phái đoàn các nước đến phỏng vấn để nhận người. Chúng tôi lại ráo riết vào một cuộc làm đơn khác: Điền đơn để xin được các phái đoàn phỏng vấn.
Cuộc sống ở đảo thì được tạm gọi là yên ổn vì vấn đề ăn uống thì được phân phối thực phẩm hàng tuần, cứ mỗi sáng thứ hai tập họp ở bờ biển gần kho hàng, số tàu nào thì lãnh cho tàu nấy rồi người trong tàu phân phối lại cho từng gia đình hay cá nhân. Ngoài công việc giấy tờ thì người ta đi học, đến ngày đi nhân lực hay ai có công tác thì lo công việc đó. Không có gì là bận rộn cả, có nhiều thì giờ để gặp nhau. Người tứ xứ tha hồ mà kể chuyện, từ chuyện làm ăn đến chuyện vượt biên nhất là chuyện trong nước sau ngày 30/4/75 không biết bao nhiêu chuyện mà kể. Chứng nuốt cục của tôi không biết nó đã hết từ lúc nào mà tôi cũng chẳng hay. Hết chứng nầy tôi lại bị chứng khác: Vốn là tôi không thể ngủ dưới đất hay trên ván ép, gỗ thông, không biết cơ thể của tôi như thế nào mà tôi không thể nằm trên những thứ đó. Nếu không, chừng vài ngày sau tôi bị chứng nhức mình rồi sinh ra cảm. Ở đây, tôi lại ngủ trên tấm ván ép được đóng thành tấm ván với Minh đen. Vài ngày sau tôi phải nhờ thằng Thành cạo gió dùm, rồi cứ vài năm, mười bữa lại cạo gió một lần, đến bệnh viện “sick bay” xin thuốc uống hoài thì cũng vậy. Ngày thì đi ra tắm ngoài bãi biển, lặn nhìn màu đẹp của san hô. Có ngày đàn cá đi qua đen cả một vùng bờ biến nhưng không ai được phép đánh bắt cá hay câu. Không, thì tụi Task force Mã Lai sẽ bắt cạo đầu. Hoặc những lúc có người đến đảo thì chúng tôi thả rông ra văn phòng, cầu jetty để xem có người nào quen không. Tôi thì tất nhiên không có rồi vì xứ tôi từ sâu trong đất liền vấn đề đi không là chuyện dễ. Mỗi lần có người đến thì bên ban thông tin phát ra một bản nhạc mà người ta có thể cảm nhận được. Cũng như âm thanh của bài “Biển Nhớ” hoặc “Nghìn Trùng Xa Cách” khiến mình biết cảnh chia tay, có người đang rời đảo để đi định cư. Mình nghe để rồi mình nghĩ lại thân phận mình với nhiều nỗi lo: Lo gia đình, cha mẹ, vợ con; lo cái thân bất định của mình. Cái lo ấy thấm nhập vào từng giấc ngủ, cơn mơ. Hỏi ra, ai cũng có cùng một giấc mơ: Thấy mình đi vượt biên được rồi, rồi nhớ nhung lại trở về, để rồi bị làm khó dễ, ví bắt, phải trốn chui trốn nhũi rồi bị rượt. Lúc đó mới nghĩ: Tại sao mình ngu vậy, đi rồi trở về làm chi để bây giờ làm sao lại đi? Khi tỉnh dậy mồ hôi ra ướt mình. Thì ra mình nằm mơ! Những buổi trưa trời nóng, chúng tôi lại ra nằm trên những băng ghế của trường học dạy tiếng Anh để cùng nhau tán dóc hoặc kể những chuyện lâm li trong lúc vượt biên, hay kể cho nhau nghe những chuyện đã được nghe.
Chiều đến có vài người quen rủ đi lên chùa nghe thuyết pháp. Đây là lần đầu tiên tôi mới nghe đến hai chữ “thuyết pháp”, vì từ xưa tôi chưa được nghe giảng lúc nào cả; mà ông Thầy nầy cũng có tiếng ở Việt Nam lận: Đó là Thầy Thích Quảng Ba. Tôi tò mò đi theo người quen lên chùa. Hôm đó đọc tiếp Kinh Địa Tạng. Xong buổi tụng thì Thầy Thích Quảng Ba mới giảng rõ nghĩa của đoạn Kinh đó để cho mình hiểu mà thâm nhập vào Kinh. Chiều nào cũng có, nhưng tôi vốn chưa có duyên nên một ngày đi hai ba ngày nghỉ. Có hôm tôi chạy vào trong nhà thờ dự Thánh Lễ (chỉ đứng nghe và bắt chước người ta, chứ không biết đọc kinh). Có hôm không dự bên nào cả mà tới ngồi trên những mỏm đá cao nhìn xa xôi ra biển xem cá vẫy vùng trên mặt nước làm nổi bọt sóng lên tung toé, rồi những đàn chim vần vũ nhào xuống la ỏm tỏi làm như một trận chiến thư hùng giữa cá và chim. Tôi lại tư lự mênh mang nhìn vào đất liền ở hướng Tây để lòng mình buồn rười rượi cho thân phận, cũng như tình trạng vợ con bây giờ chẳng biết ra sao? Nước mắt tôi tự dưng chảy dài xuống má. Ngồi cho đến lúc mặt trời lặn hẳn và không còn ánh sáng nữa mới thôi!

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
14/01/2016.


No comments:

Post a Comment