Saturday, January 9, 2016

*H.T Chữ Nghĩa 25: Hành Trình Của Văn Xuôi.



Tôi đi vào văn xuôi như một cơ hội. Sau bao nhiêu năm ôm ấp cái “hoài bão”: Một ngày nào đó mình làm sao phổ biến những điều lạ lùng mà mình đã “thấy” và “cảm nhận” được trong cơn mơ màng của thời gian bệnh hoạn, vì tình trạng đó nó giống như của một người hành Thiền có thể thấy! Tôi muốn phổ biến chúng không phải là “để khoe cái điều tôi đã thấy” mà chỉ nhằm mục đích để giúp thêm ý kiến cho người ngồi Thiền tránh được những cái khó khăn trên bước đường đi tìm “bản lai diện mục” của chính họ mà thôi.
Trong suốt hơn tám năm trường tôi không ngớt suy tư về những điều ấy, và tôi cũng không từ bỏ cơ hội để đi tìm “sự kiểm chứng”. Khi đi nghe thuyết pháp tôi tìm đến các Thầy để hỏi thăm về tình trạng khai ngộ cũng như tìm hiểu về điều khai ngộ mà bà Thanh Hải đã viết, nhưng tất cả cũng chỉ là chung chung và sơ sài. Có lúc tôi nghĩ không biết đến bao giờ tôi mới “thỏa mãn” cái điều tôi mơ ước! Vì vấn đề vật chất đã khó tìm mà vấn đề tâm linh lại càng khó khăn hơn! Ngọn lửa ngấm ngầm ấy dần dần lụi theo ý chí của tôi!
Thế rồi “đùng” một cái, tôi lại có cơ hội không ngờ, không ngờ hơn nữa nó lại là “bệ phóng” để cho tôi tiến lên. Tôi cảm ơn ông bạn tôi rất nhiều, vì thời gian 1999, ông bạn tôi được tham gia vào Ban Chấp Hành Hội Nông Gia với chức vụ Hội Phó Ngoại Vụ. Với tinh thần sốt sắng anh dành nhiều thời gian sinh hoạt ngoài nghề thông dịch của anh. Từ những vốn học mà ngày xưa anh đã học được qua khoá Hàm Thụ về báo chí do Ký giả Trần Tấn Quốc báo Đuốc Nhà Nam mở, anh đã cho ra đời “Bản Tin Nông Gia” để làm phương tiện thông tin các tin tức đến với nông gia, nhưng cũng là nơi để nông gia đóng góp bài vở văn nghệ cho thêm phần phong phú đồng thời làm chỗ vui chơi về chữ nghĩa cho những người có khả năng.
Đọc bản tin đầu tiên do anh bạn tặng, tôi có hai suy nghĩ: Thứ nhất là những bài viết đa số là do anh bạn tôi phải cáng đáng, hai là bài “Luật Nhân Quả” làm tôi bận tâm rất nhiều. Sau nhiều ngày đắn đo, nhân khi đến nhà anh bạn chơi và bàn về “Bản Tin Nông Gia” tôi lại ngỏ ý xin đóng góp cho vui. Anh bạn tôi hoan nghinh! Thế là trong bản tin số 2 có bài viết của tôi trong đó, nhưng thay vì tựa “Lạm bàn về một vấn đề” thì anh bạn tôi đã “huỵch toẹt”: “Thiền là gì?”. Đối với bản tin tôi không ngần ngại gì về khả năng viết của tôi vì tôi cứ nghĩ là mình đang tham dự vào một cuộc vui chơi có bổ ích, không cần phải có khả năng chuyên môn về viết lách. Nhưng anh bạn tôi cho biết nhiều người thích thú về bài viết của tôi khiến lòng tôi cũng được an ủi phần nào và tôi lại càng tự tin hơn trong cách viết của tôi. Tôi gởi tiếp bài thứ hai rồi bài thứ ba cho anh, nhưng một ngày kia tôi đột nhớ lại thời gian mà tôi tiếp cận với “Sự huyền nhiệm của Tâm linh” không chậm chạp như cái viết của tôi lúc nầy. Nếu lâu lâu mới có một phần thì có thể nguy hại đến người nào thực hiện theo điều tôi viết. Do đó tôi dành thời gian để kết thúc bài nầy bằng viết tay vì thuở ấy tôi chưa biết sử dụng đến máy vi tính cũng như là đánh máy. Sửa chữa, chép lại rồi đem đến tờ báo biếu địa phương “Nam Úc Tuần Báo” của anh Nguyễn Văn Lộc nhờ anh “nếu thấy được đăng dùm”. Hai tuần sau bài ấy được trình diện cùng độc giả với bút hiệu là “Bất Hạnh”. Sở dĩ lúc ấy tôi chọn bút hiệu đó vì do nơi tầm quan trọng của bài viết: Trong nội dung, nó chính là “sự cảm nhận” trong lúc ngồi Thiền của những hành giả, nhưng tôi không phải là một Thiền sinh hay người thực hành Thiền thì điều đó chưa hẳn là chính xác, cho nên để giảm bớt giá trị của nó tôi phải chọn một bút hiệu thật xấu nhằm làm cho độc giả có “sự nghi ngờ” mà cẩn thận với nội dung của bài. Và trong khoảng thời gian nầy tôi cũng chờ đợi những ý kiến phản hồi từ các giới hành Thiền, cũng như từ những người tu hành có kinh nghiệm lẫn thẩm quyền. Nhưng không có ai cả, tôi thấy hú hồn! Rồi một bữa nọ, anh Lộc cho tôi hay có một bà chị từ Việt Nam sang đọc bài ấy và muốn hỏi vài vấn đề. Tôi đồng ý và anh đưa số điện thoại của chị cho tôi. Qua liên lạc, chị cho biết bài ấy giải quyết cho chị nhiều vấn đề mà chị đã thắc mắc từ lâu. Quả thật bài đó khác lạ với nhiều bài có từ trước vì nội dung tôi không đề cập đến hình thức hay “cách” ngồi thiền mà tôi chỉ “xoáy” vào những gì ta sẽ có theo kinh nghiệm của chính tôi khi “định tâm” trong lúc tôi đang bệnh hoạn. Tôi ghi lại những gì tôi đã “thấy” cũng như đã “gặp” cùng những “trở ngại” và “cố gắng vượt qua” của tôi trong thời kỳ “định tâm” ấy. Như vậy, nội dung tôi muốn truyền đạt trong bài là “phần bên trong của Thiền” chứ không phải là hình thức ngồi Thiền. Thực tình mà nói, đã nhiều lần tôi đắn đo trước khi phổ biến điều đó bỡi vì tôi nghĩ mỗi người có thể sẽ có cách cảm nhận khác nhau, cách của mình sẽ khác cách của người khác. Nếu như vậy thì làm sao Đức Phật thuyết giảng theo giáo pháp của Ngài? Như vậy tất nó sẽ có nét chung nào đó, cho nên tôi hi vọng đóng góp cho một điều chung mà người sau có thể rút kinh nghiệm trong sự tu tập của mình, mặc dù tôi đến với điều ấy thật là tình cờ chứ không phải của một người hành Thiền bỏ công đi tìm kiếm. Tôi cũng nên nói một sự thật dị kỳ là khi ghi lại tôi có những sự ngập ngừng, chùn bước trước những điều phổ biến vì sợ không đúng sẽ làm nguy hiểm cho người đọc, thì lòng tôi lại có sự “bị thôi thúc” lạ thường. Cuối cùng tôi phải viết ra và phổ biến trong sự dè dặt tột cùng nên cần đến bút hiệu “Bất Hạnh”!
Đó là bài văn xuôi đầu tiên mà tôi bắt đầu đưa ra trình diện trước công chúng, mà trong đó tôi phải vận dụng tất cả những điều học được về giảng văn của những năm còn trên ghế nhà trường. Những tưởng điều đó đã đủ theo ước vọng của tôi “chỉ cần phổ biến những điều cảm nhận trong cơn bệnh” là đủ. Nhưng không, tôi quả thật có duyên với chữ nghĩa trong lúc về già. Chuyện viết không dừng ở đó mà nó lại được tiếp tục cho đến ngày nay mặc dù công việc nghề nông của tôi thật là bận rộn, như đứa cháu con của bà chị hỏi tôi về bài viết trước kia có lần đã hỏi: “Chú làm farm cực vậy mà sao chú lại có thì giờ để viết?”, tôi mĩm cười trả lời: “Chú cũng không biết nữa!”. Tất nhiên, tôi phải tranh thủ những thời gian rỗi rảnh để viết!
Khi tôi rứt đề tài Thiền ra khỏi Bản Tin Nông Gia thì tôi lại cần có đề tài khác để đắp vào mà phụ lực với ông bạn tôi, cho nên tôi chọn những đề tài xã hội, nho nhỏ để viết thành bài đưa cho anh. Mỗi tháng một lần thì chẳng có gì khó với tôi cả.
Cơ hội lại đến thêm một lần nữa, khi tôi đọc trên báo Nam Úc có mục dành cho phụ huynh do anh Lê Văn Vinh đang làm việc ở văn phòng Cộng Đồng viết về Thanh Thiếu Niên, nhằm giúp cha mẹ có cách thức, phương hướng trợ giúp cho con em. Tôi theo dõi thì thấy mục ấy “cà hụt cà hử” không liên tục, nên tôi lại nổi hứng nhớ những năm ngày cũ khi mình đi dạy ở quê nhà và những kiến thức học từ trong trường Sư Phạm, để rồi một ngày tôi đặt bút xuống mà viết mấy bài “Vấn đề con cái của chúng ta” nhằm phân tích tình hình con cái trên xứ người và những khổ tâm của cha mẹ. Viết xong tôi xuống Cộng Đồng đưa bài cho anh Lê Văn Vinh, bài thứ nhất mấy tuần sau mới lên báo Nam Úc, còn bài hai thì khá lâu, khi tôi đến gởi anh bài thứ ba thì anh bận hẹn khi khác. Tôi đành về, khi về ghé qua tòa soạn Nam Úc thì anh gặp anh Vinh ở đấy. Sau khi anh Vinh đi, anh Lộc nói: “Sao anh không đưa thẳng bài cho tôi, anh đưa qua anh Vinh rồi thì ảnh cũng đưa qua tôi thôi”. Tôi nói: “Tôi đâu có biết, thấy ảnh phụ trách mục đó thì đưa qua ảnh vậy”. Anh Lộc bảo: “Về sau nếu anh có bài cứ đưa thẳng qua tôi, khỏi đưa qua anh Vinh cho thất công”. Thế là từ đó tôi cứ đưa bài thẳng về cho anh Lộc.
Trong ba bài viết để phân tích về Thanh Thiếu Niên: “Các giai đoạn trưởng thành của con cái chúng ta”, “Tiến trình con cái rời xa chúng ta như thế nào?”, và “Đi tìm nguyên nhân của sự khó khăn trong việc dạy con ở xứ người”; tôi đã cố gắng tìm hiểu nguyên nhân từ của mình, của bạn bè trong sự thất bại hướng dẫn con cái trên xứ người do vì mình bận công ăn việc làm, hoặc quan niệm cũ giống như lúc còn ở Việt Nam: Mình cứ ráng kiếm tiền để ủng hộ, giúp cho con có đủ phương tiện mà theo đuổi việc học hành. Nhưng không, ở xứ nầy nó không là như vậy, nên con cái đã vượt thoát ra ngoài tầm tay của cha mẹ; khi vỡ lở ra rồi thì cha mẹ không còn lôi cuốn con trở lại được, do đó nhiều hoàn cảnh đáng thương đã xảy ra. Tôi viết các bài ấy chỉ để báo động với các bậc cha mẹ về sau cần lưu ý đến con hơn, hòng tránh những thảm họa sau nầy. Những bài ấy chỉ được lưu hành ở Tiểu bang Nam Úc qua Nam Úc Tuần Báo mà thôi. Về sau nầy, tôi có nhờ anh Sơn lúc ấy là đại diện cho tờ báo Dân Việt phát hành toàn nước Úc đăng lại, kết quả anh cho biết là các bậc phụ huynh có lưu tâm đến các bài ấy nhiều. Tôi chỉ nghe anh Sơn nói lại như vậy thôi, chứ tôi không biết gì về kết quả của nó. Trong thời gian nầy tôi vẫn gởi bài cho anh bạn tôi qua Bản Tin Nông Gia với những chủ đề khác, lúc đầu là “Chuyện Người, chuyện Ta”, sau là các vấn đề xã hội như “Sợ vợ có phải là sợ vợ hay không?”. Chính bài nầy tôi mới để bút hiệu là N.T, tức là tên tắt của tôi, nhưng chuyện nầy đổ bể, có người muốn phản đối nên từ đó tôi mới chuyển sang bút hiệu “Nguyên Thảo” là biến thể của N.T. Nhưng khi anh bạn tôi cho hay có người phê bình Bản Tin Nông Gia” mà chỉ viết chuyện tào lao không có cái gì dính dáng đến nông nghiệp và họ tiên đoán cho rằng tờ báo sẽ chết yểu trong vài số nữa. Thấy vậy, tôi cố gắng giúp anh viết những bài về cây cối theo ký ức về những bài học “vạn vật” ở lớp Đệ Nhị năm xưa. Sau ba bài tôi nhớ lại mình trồng hoa màu chẳng được hay thì vấn đề phân thuốc tôi không dám bày vẽ cho ai, cho nên tôi đưa tài liệu mà tôi kiếm được đưa cho anh bạn tôi dịch thì hay hơn. Cùng lúc ấy, Bản Tin Nông Gia có bài Quan điểm viết về lúc trước Hội Nông gia chi là “Hữu danh vô thực” đụng chạm tự ái của nhiều người trong những Ban Chấp Hành trước dù đó là một sự thực. Sự chia rẽ trong nông gia cũng bắt đầu từ những người có chức cũ. Ngay lúc đó gia đình Né được ra đời, kéo theo sự bất hợp tác của nhiều thành viên và Bản Tin Nông Gia tiến hành viết bài chửi gia đình Né. Tôi góp ý với tờ báo, nhưng không được nên từ đó tôi chỉ gởi bài cho có lệ mà thôi!
Lúc nầy, tôi thấy mình cần nên học sử dụng đến máy vi tính, nhưng tôi chưa có máy mà Thầy Nguyễn Văn Phụng đang mở lớp căn bản cho phụ huynh của trường Việt Ngữ, tôi mạo nhận xin tham dự. Học trên máy nhà trường được bao nhiêu hay bao nhiêu, nhưng tôi cố gắng ghi chép cũng như lưu giữ tài liêu. Sau, con tôi bỏ máy cũ ra tôi lần mò tập và học để biết sử dụng; còn tôi kiếm sách học đánh máy để tập trên bàn phím. Thế là lần mò tôi cũng làm được những công việc cần thiết của một người tập tành viết lách. Từ đây tôi viết bài trên trang giấy, sửa chữa rồi mới đánh vào máy vi tính. Một lần, khi được dịp tiếp xúc với Đại Đức Thích Nhật Từ, thầy hỏi: “Bác có đánh bài thẳng vào máy vi tính không?”, tôi trả lời bằng những công việc tôi đã làm; Thầy chỉ nói là thầy thường đánh bài thẳng vào máy vi tính. Tôi về suy nghĩ, và từ đó tôi đánh bài vào máy vi tính và sửa chữa là về sau: Có lúc tôi in ra rồi sửa hay có lúc tôi đọc lại và sửa thẳng trên máy, nhưng điều nầy không được cẩn thận lắm, nhiều sai sót, nhất là lỗi điệp ngữ và ý lộn xộn còn hơi nhiều.

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
01/01/2016.


No comments:

Post a Comment