Wednesday, February 3, 2016

*H.T Chữ Nghĩa 25: Hành Trình Của Văn Xuôi. (tt)




Sau ba bài viết về “Vấn đề con cái của chúng ta” được đăng tải trên báo Nam Úc - lúc nầy tôi lại biết sử dụng đến máy vi tính mặc dù chưa giỏi hay thông thạo, nhưng từng bước mò mẫm, dọ hỏi, thực hiện những kiến thức học được từ lúc học với Thầy Nguyễn Văn Phụng - thì tôi lại thấy sự giúp đỡ cho phụ huynh lẫn con em của họ mới là quan trọng, nhất là đối với những thế hệ tương lai. Tôi quyết định phải làm một công việc quan trọng đã “manh nha” khi tôi đọc trên báo về những mẫu chuyện “thương tâm của cha mẹ khi con cái đã trở nên hư hỏng”. Đó là quyết định dành nhiều thời gian để viết những bài ngăn ngắn như là một “cẩm nang” cho giới thanh thiếu niên. Nhưng rất tiếc tôi không thể viết bằng tiếng Anh mà chỉ có thể viết bằng tiếng Việt thôi. Tôi viết với ước vọng cha mẹ có thể đọc rồi diễn đạt ý tưởng đến với con cái để có được kết quả phần nào.
Nghĩ rồi tôi tiến hành, vận dụng mọi kiến thức, kinh nghiệm sống của mình, của bạn bè; cùng những kiến thức học từ trong nhà trường cho đến cuộc đời. Tôi ngồi để vạch nên trình tự của những bài viết ấy. Tôi mượn “lời cha viết cho con” như những lời tâm tình, nhắn nhủ, mà không phải mang tiếng là “dạy đời”. Những bài ấy được kết hợp lại thành “Những Bài Viết Cho Con” mà tôi đã sắp xếp theo một tiến trình cần thiết và tùy theo trình độ trong tiến trình trưởng thành: Từ lúc nhỏ cho đến phát triển và có thể tham gia mọi sinh hoạt của xã hội ở lứa tuổi vào đời và cung cấp cho chúng những nhận thức tổng quát trong xã hội mà tôi rút tỉa được từ kinh nghiệm của chính mình trong suốt cuộc đời mà mình đã sống.
Lúc nầy tôi còn viết tay trên những trang giấy, rồi sửa chữa; xong, mới đánh vô máy vi tính, sau đó copy vào “floppy disc” và đem dĩa đến anh Lộc báo Nam Úc để anh đăng tải lên báo. Như vậy tôi vừa thực tập trên máy, vừa tiện cho anh Lộc hơn. Mỗi tuần tôi đưa đến cho anh một bài, có khi cần đến hai tuần. Cứ sau khi đi làm về, cơm nước xong xuôi, tôi nằm sấp trên giường lấy giấy ra viết (còn đánh bài thẳng vào máy theo như Đại Đức Thích Nhật Từ chỉ đường mãi đến ba năm sau tôi mới thực hiện tức vào thời điểm mà tôi có dịp diện kiến với Đại Đức). Tôi nằm úp trên giường để viết tiện hơn và không làm cho tôi đau lưng do chứng mổ xương sống từ cuối năm 1991. Cứ như vậy mỗi chiều, tôi cố dành ra chút ít thì giờ để viết, khi hoàn tất một bài, sửa chữa rồi thì tôi đánh lưu trữ vào trong máy. Với tiêu đề nào dễ thì tôi viết trước, tiêu đề khó tôi sẽ viết sau có khi cần đến rất nhiều ngày để viết xong tiêu đề đó. Có tiêu đề tôi cần đến tham khảo thì tôi để lại, tìm đọc tài liệu xong mới viết tiếp. Tôi cố gắng hoàn tất vài tiêu đề trước để đưa đến anh Lộc đăng lên báo mà không bị động phải ngưng trong nhiều tuần.
Tôi muốn làm “Những Bài Viết Cho Con” nầy giống như hình thức của cuốn sách “Tâm Hồn Cao Thượng” của nhà văn Ý Edmondo De Amicis nhưng nó không là những mẫu chuyện kết ghép mà là những cần thiết cho một đời người, mà nó có thể đóng vai của một “Cẩm nang” cho một con người trong quá trình của cuộc đời. Do đó tôi phải vận dụng mọi ký ức, hồi tưởng về mình, về bạn bè trong từng giai đoạn trưởng thành, kể cả những phương diện cần biết trong xã hội.
Tôi không biết phản ứng của các bậc cha mẹ như thế nào khi đọc những bài viết cho con nầy, vì anh Lộc không có nói gì về dư luận cả. Nhưng sau đó không lâu thì Chú Chánh tức nhà thơ Cao Quỳnh Tuệ Lâm ở trên Queenland có ý muốn liên lạc với tôi qua anh Lộc. Trong câu chuyện, Chú muốn đăng tải các bài nầy vào trang nhà “Đại Đạo Tam Kỳ” (Đạo Cao Đài) của chú. Tôi đồng ý vì tôi cũng muốn chúng được phổ biến càng nhiều càng tốt. Sau đó thì Chú Chánh đưa vào Tập san “Tình Thương” do chú ấn hành.
Tôi cứ gởi đến Anh Lộc tuần tự đăng dần trên báo Nam Úc. Trong thời gian ấy Cộng Đồng có phát hành cuộn băng “Mở Lòng Với Nhau” để giúp đỡ các bậc cha mẹ cũng như giới trẻ hiểu nhau hơn trong vấn để giáo dục, giúp các em nên người. Trong cuộc tiếp xúc, chị Mai người giữ nhiệm vụ phát hành có hỏi tôi phải là Nguyên Thảo không. Tôi ậm ờ đôi lần. Chị nói: Chị có đọc loạt bài ấy, nhưng từ trước chị cứ nghĩ là báo Nam Úc lấy từ trên internet, chứ không nghĩ là của người viết từ địa phương nầy. Tôi cười qua loa với chị, rồi mua băng và ra về.
Sau khi loạt bài “Những Bài Viết Cho Con” đã được đăng hết trên báo Nam Úc thì tôi lại nghĩ mình cần đánh động vào tâm tư của trẻ con bằng tình thương của chúng nhất là “tình thương đối với người mẹ”. Thế là trước mùa Vu Lan năm đó tôi đưa đến anh Lộc bài viết “Bài Viết Cho Người Bạn Nhỏ (nhân ngày lễ Vu Lan)”. Rồi cứ mỗi năm tôi đều viết một bài cho ngày lễ Vu Lan, cùng với những bài viết về “Mẹ” khác thành “Những Bài Viết Về Mẹ”.
Tôi không ngờ công việc “viết chơi chơi” của tôi lại càng lúc càng đi xa như vậy; mà tôi lại càng không ngờ hơn nữa khi sự kiện khác lại càng hối thúc tôi hơn không những về phương diện văn mà còn cả về thơ nữa. Thế là tôi nhảy lên “văn đàn” một cách bất đắc dĩ!
Số là khoảng mười sáu năm về trước, trong một cuộc bầu cử “Hội Đồng Quản Trị” của Cộng Đồng tại Nam Úc, lúc đó có hai Liên danh tranh cử quyết liệt. Khi liên danh mới bị thất bại thì họ có tính đến chuyện muốn làm chính trị thì phải có một tờ báo để làm hậu thuẫn vì kinh nghiệm họ bị thất bại do nơi bài đăng hạ uy tín liên danh họ trên báo Nam Úc. Manh nha cho một tờ báo “biếu” mới được thành hình. Trong lúc vận động thành lập tờ báo mới đó, ngưòi liên lạc có ý tưởng chủ quan nắm phần thắng trong tay và tờ Nam Úc sẽ mất khách, thua lỗ đến chỗ “dẹp tiệm”. Không ngờ ý ấy lại đến tai anh Lộc, anh Lộc có cho tôi biết điều ấy nhưng chỉ là úp mở mà thôi! Đến khi tờ báo mới là tờ “Adelaide Tuần Báo” ra đời thì một phần do phe phái, một phần do cách hành xử, hai tờ báo trở thành hai lực lượng đối kháng, họ dùng ngòi bút viết chửi nhau không tiếc lời trên mặt báo.
Tôi không tham gia vào “cuộc không vui” ấy, mà chỉ viết những gì theo mục đích tôi đã hướng tới. Mãi đến hơn tháng sau cường độ công kích, chửi lẫn nhau càng tăng chứ không giảm, ngay đến những người can ngăn cũng bị chửi luôn cho nên chẳng ai kể cả các hội đoàn “không dám” lên tiếng để chận đứng hiện tượng xảy ra. Điều nầy đụng chạm đến “Tự ái” của tôi: Vì tôi đang cố gắng dùng mọi khả năng của mình để hướng tuổi trẻ vào con đường “ý thức và làm tốt” nhiệm vụ của chúng, thì người lớn đã “làm gương xấu” trên mặt các tờ báo. Thế là tôi phải nhảy vào “can ngăn” bằng các bài viết: “Uy lực của ngòi viết”, “Có con đường nào ta đi” gởi đăng ở cả hai tờ báo, đến bài thứ ba: ‘Điều “bất đắc dĩ”!’ theo yêu cầu, tôi chỉ gởi cho Anh Lộc báo Nam Úc Tuần Báo thôi. Nhưng khi tôi lên farm, gặp anh bạn vốn có học lớp báo chí ở Đại học Vạn Hạnh năm xưa cho biết: Anh coi chừng, trong báo chí nó có những thủ đoạn khó lường. Người ta có thể sửa bài của anh theo ý người ta muốn trong một đoạn nào đó rồi người ta đổ thừa cho người đánh máy hay lỗi kỹ thuật thì lúc ấy bài của anh cũng đã đến với công chúng rồi, thì lúc ấy uy tín của anh khó mà gỡ! Tôi hoảng hồn khi về đến farm tôi vội vã gọi điện thoại để ngưng bài báo vì cần bổ túc và sửa chữa đôi phần. Đến chiều tôi về ghé qua tòa soạn thì bài của tôi đã bị biến dạng một đoạn và gỡ khỏi phần đã “lay out”. Hú hồn! Xong, tôi lấy bài về sửa lại chút ít rồi đem gởi cho cả hai tờ báo. Sau đó, tôi không viết can thiệp trực tiếp nữa, coi như sự can thiệp của tôi bị ngưng ngang. Và hành trình văn xuôi của tôi lại chuyển sang một hướng khác bằng những bài văn xuôi ngăn ngắn viết theo nhiều chủ đề của xã hội, lẫn “nói xa, nói gần” về chuyện những nhà văn, nhà thơ “bỉ ổi” đang làm trên hai tờ báo biếu ở địa phương. Đó là sự ra đời của bút hiệu “Đồ Ngông” với “Tào Lao Thế Sự” hay nói nôm na là “Chuyện Tào Lao”, cũng như các “Thơ Đồ Ngông” mãi về sau nầy. Như vậy văn xuôi của tôi lại tiến thêm một bước nữa và được mở rộng theo nhiều khía cạnh xã hội mang tính chất hiện thực. Cũng từ đây, tôi lại suy nghĩ: Tại sao mình viết về chuyện xã hội được thì tại sao mình không thể viết được những bài ghi nhận về vấn đề của Đạo Phật mà mình đã cảm nhận, cùng nghiên cứu. Thế là cái viết của tôi lại tiến vào vấn đề tôn giáo. Chính điều nầy đã đưa tôi đến việc cần viết một bài rõ hơn về chuyện khi tôi bệnh và tìm về tôn giáo như thế nào, đó là sự ra đời của bài: “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh”. Tức là trong bài ấy, tôi hoàn toàn kể lại trung thực từng chi tiết và diễn tiến về tâm linh của tôi trong thời gian bệnh để mong rằng độc giả qua đó hiểu được những điều tôi muốn diễn đạt và có được sự đối phó nếu họ lâm vào tình trạng giống tôi. Tôi muốn độc giả khi đọc bài ấy có thể tự mình rút ra được nhiều điều có ích hơn là tôi phải giải thích. Rồi lại tiến xa thêm từ trong Đạo Phật tôi lại tìm hiểu nghiên cứu về một số đạo khác để tìm cái đúng cho một “Chân lý” của đời sống con người, vì trong thế gian nầy có nhiều con người muốn lợi dụng vào tôn giáo để nhằm thống lĩnh thiên hạ và biến con người thành phương tiện phục vụ cho mục đích của họ. Riêng về Đạo Phật qua sự nghiên cứu, tìm hiểu tôi đã đúc kết lại thành một tập tài liệu có tên là “Tổng Quan Về Giáo Lý Đạo Phật” tức là phần gồm có bài “Nhập thế gian” cùng hai bài về “Xuất thế gian” vậy.
Và văn xuôi của tôi cùng theo tôi đi du lịch vài nơi. Viết về những chuyến đi ấy mục đích của tôi chỉ muốn: Một là chia sẻ cùng với mọi người vài nơi mà tôi đã đi, đã quan sát cũng như tìm hiểu, nghiên cứu; hai là kỷ niệm cuộc hành trình. Và, "văn" cũng theo tôi để lưu lạc nơi xứ người, để làm một kiếp sống lưu vong khi tôi viết “Quê Người”. Nhưng có lẽ sự đắc ý của tôi nhất là tôi được tách bạch, phanh phui, lột tả mọi khía cạnh xã hội, cuộc đời trong những loạt bài “Chuyện Tào Lao” hay “Tào lao Thế Sự” để nói về mặt trái cuộc đời trên nhiều phương diện. Qua đó, tôi được đóng góp nhiều ý kiến, nhận xét của riêng mình để độc giả có cơ hội nhìn “chân tướng” của cuộc đời được rõ hơn thêm chút nữa. Nói chung với bút hiệu Nguyên Thảo tôi làm nhiệm vụ tích cực, đóng góp cho cuộc đời những gì tôi có thể; và với bút hiệu Đồ Ngông tôi làm vai trò của một người trào lộng, châm biếm, vạch trần xã hội với những bỉ ổi của nó, thêm “hương vị nhận xét” về cuộc sống của trần gian, thế thôi!

Nguyên Thảo,
03/02/2016.


No comments:

Post a Comment