Saturday, February 13, 2016

*Quê Người. (7)




Để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn đối với các phái đoàn, chúng tôi ở đây phải soạn chừng vài chục câu hỏi mà ước lượng rằng nhân viên phỏng vấn sẽ hỏi, rồi nhờ người dịch dùm từ ý mình ra tiếng Anh để khi được phỏng vấn có thể biết mà trả lời. Tôi cũng may nhờ gặp được Cậu Bảy Thành giúp nên không phải chạy đôn chạy đáo để nhờ. Cũng từ lúc đi với Cậu Bảy đến Chị Bông (chị nữ quân nhân trước kia đi chung chuyến tàu vượt biên với tôi) mà lần lần tôi hiểu được sơ qua về Thiền vì họ bàn nhiều về các loại Thiền kể cả thực hành Thiền theo cách của ông Tám Hằng (Lương Sĩ Hằng) cùng những vị nổi tiếng trong nước thuở trước mà tôi đã chẳng bao giờ để ý. Vì Chị Bông làm ở trong văn phòng trại nên qua những câu chuyện tôi mới biết người đi chung chuyến tàu với chúng tôi là ông Đạo Thành đã gặp vấn đề rắc rối. Theo như tôi đã kể đêm từ ghe chuyển qua tàu để khởi hành cho chuyến đi thì ông chủ cự một ông Cha vì cứ ngồi trên boong. Nhưng đó không phải là một ông Cha, mà là một ông Đạo vì ông tu theo đạo Bữu Sơn Kỳ Hương, nhưng vì đêm đó ông mặc áo giống như một ông Cha nên bị tưởng lầm. Suốt trong chyến vượt biên ông luôn nằm dưới khoang vì say sóng. Khi lên đảo ông xin vào một tiệm may để may quần áo. Một ngày nọ, ông Đại Úy Mã Lai của lực lượng Task Force đi đánh Tennis về ngang qua tiệm, ông ta thấy ông Đạo Thành bây giờ trắng trẻo, đẹp người, thế là ông lại lân la, hết ngày nầy qua ngày khác. Không biết chuyện gì đã xảy ra mà ông Đạo Thành hoảng quá nên đành tâm sự và cầu cứu đến chị Bông và những người làm ở văn phòng trại. Một hôm chị Bông có kể lại với cậu Bảy Thành và tôi về sự khủng hoảng của ông Đạo Thành và đề nghị Cậu Bảy cùng chị đưa ý kiến với những người trong Ban Lãnh Đạo trại xem sao. Trong khoảng thời gian ấy, tàu tôi đã đến lượt được phái đoàn Úc duyệt hồ sơ và phỏng vấn để nhận hay không được nhận. Đó là khoảng thời gian tôi lên đảo được chừng 23 ngày. Tôi ráo riết học những câu hỏi, trả lời bằng tiếng Anh soạn sẵn như học trò sắp đến ngày vào phòng thi. Trong các ngày ấy, những người thông dịch rất là bận rộn vì phải thông dịch ở hội trường và ban đêm họ còn phải tiếp nhiều khách đến nhờ vả nữa. Ngay ngày đầu tiên tàu tôi được nhận 3 gia đình: Thanh Sơn là người có bằng kỷ sư đã từng du học bên Thụy Sĩ; ông Sách coi như là Bác sĩ Thú y cùng con và người nữa là Lê Nguyên Tịnh kỷ sư Động cơ nổ ở trường kỹ thuật Cao Thắng, người đã từng tát nước cùng tôi khi tàu bị vô nước. Tôi bắt đầu hồi hộp lo âu và đêm đó tại sao tôi cứ trằn trọc không ngủ được, nửa đêm tôi lại mơ màng thấy mình đi lướt trên mặt biển vào đất liền, khi đến gần bờ mà không vào lại rẽ về phương nam; thằng Thành đi theo phía sau. Chiều tôi qua bên cậu Bảy Thành chơi và nói với cậu: Sao đêm hôm, con ngủ không được mà lại thấy kỳ cục như vậy, hi vọng con được phái đoàn Úc nhận, chứ diện đi Mỹ của con không chắc gì, thấy bấp bênh và hẩm hiu quá. Cậu Bảy Thành nghe xong nói: Tôi cũng hi vọng cho chú mầy! Sang ngày thứ hai, một số người của tàu tôi nữa được phái đoàn Úc nhận vừa có thân nhân vừa không có thân nhân ở Úc (Diện không có thân nhân tức là diện nhân đạo, hay được gọi cho vui là theo diện mồ côi hoặc diện Bà Phước) trong đó có gia đình Thảo, chị của Thảo là chị Thuận và con cùng cô em gái. Đến ngày thứ ba, tôi và Thành được vào gặp phái đoàn Úc, Người phỏng vấn tôi là anh chàng Viktor nghe nói gốc người Nga; còn một bà phỏng vấn khác là bà Judith. Viktor còn trẻ. Tôi ngồi vào ghế với tâm trạng lo âu khôn lường vì lỡ phái đoàn “xù đi” thì không biết đến bao giờ phái đoàn Úc phỏng vấn trở lại, còn phái đoàn khác mà “xù nữa” thì khó mà đi. Người lên đảo cũng bị nhiều thứ áp lực dồn dập trong tinh thần căng thẳng từ cuộc sống, những tin tức gia đình bên nhà (nếu có được thông tin), hay tưởng tượng, phán đoán vô căn cứ, cái nào cũng có thể làm khổ mình cả; nhất là tình cảnh của những người ở đảo đã có thời gian là 3 hay 4 năm. Viktor hỏi tôi tên gì, tôi trả lời bằng tiếng Anh cũng gọi là tạm được. Xong, tới ngày sanh của tôi. Câu ấy cũng qua và đến câu: “Where ờ đau?”, tới đây tôi choáng váng, không hiểu được Viktor hỏi về cái gì, tôi có cảm giác mặt mình tái đi và chới với. Tôi nhìn sang anh thông dịch, nhưng anh cũng ngơ ngác hỏi Viktor: “What’s mean ‘ờ đau’?”. Viktor lập lại: “Ờ đâu?”. Tôi không dám cười, anh thông dịch và Viktor cùng nhau mĩm cười, thì ra Viktor chêm vài tiếng Việt vào câu hỏi, nhưng giọng của anh làm tôi hú hồn. Từ đó, Viktor hỏi qua thông dịch và tôi cũng trả lời qua thông dịch, Viktor ghi vào hồ sơ theo từng câu hỏi. Cuối cùng, Viktor nói “accept” và anh thông dịch hỏi lại Viktor rồi mới nói với tôi: Anh được nó nhận rồi! Tôi thở phào, nhẹ nhõm cho cuộc đời tị nạn của mình. Không có gì mừng hơn. Xong Viktor đưa giấy tôi đọc kỹ rồi ký vào có phần in tiếng Việt. Giấy đó có nội dung là Úc đã nhận và chịu mọi chi phí cho gia đình (hai anh em chúng tôi) đến Úc ở trong vòng 2 năm không được đi nước khác. Nếu trong hai năm đó mà đi thì phải bồi hoàn lại mọi chi phí. Rồi còn móc từ trong túi nilông nhỏ ra 2 cây kim cài trên áo có hình con Kangaroo màu vàng để tặng. Khi Viktor lật qua hồ sơ của thằng Thành nó thấy mộc dấu Úc “xù” trên hồ sơ riêng, nó chỉ vào và cười. Thằng Thành mừng quá, vừa ra khỏi phòng nó chạy đi mất tiêu, tôi phải đi kiếm nó để chụp hình cho hồ sơ.
Tôi được phái đoàn Úc nhận, kể như đời tị nạn của tôi đã có nơi nương tựa, không còn phải lo âu và cũng đã biết nơi mình đến. Tôi mừng đã đành mà gia đình anh chị Thành, Dung cả hai thằng Minh cũng mừng vì chỗ ở nầy không còn là nơi “xui xẻo” nữa. Cậu Bảy Thành cùng Sáu Chí cũng mừng cho tôi, nhất là mừng cho thằng Thành.
Ở Bidong có rất nhiều chuột, đêm nó bò ra có khi đến cận bên mình ngủ, nên chiến dịch diệt chuột để đổi lấy quần áo được phát động. Vì cơm hay xương cá gà được bỏ vào trong bịt rác được đặt trong một cái thùng. Nằm đợi ngủ tôi nói với Minh đen: Cỡ chuột chun vào mãi mê ăn mà mình túm lại thì thế nào cũng bắt được vài con. Không ngờ Minh lại nói với một thằng nhỏ trong diện đi vượt biên một mình gọi là diện “cô nhi”. Nó làm thiệt, chuột thì cũng bắt được nhưng một hôm nọ chuột bị túm trong bao cắn vào tay nó khiến nó bị nóng lạnh mấy ngày và phải đi chích dịch hạch. Tội nghiệp cho thằng bé!
Tôi còn được ở trên đảo thêm vài ngày nữa, vào khoảng 3 tháng 9 tôi được rời đảo để chuyển sang trại Sungai Bési ở gần Kuala Lumpur và đợi ngày đi Úc. Tính ra tôi ở đảo vào khoảng một tháng mười mấy ngày. Những ngày mưa trên đảo thật là buồn, không biết là mưa buồn hay vì tâm trạng của mình buồn. Mưa gió cùng với những âm thanh trên mái tôn và những tiếng chát chúa khi dừa khô rơi nhằm lên mái nhà. Tàu tôi tính ra được nhận đi Úc cũng khoảng gần phân nửa, còn đa số thì có diện đi Mỹ họ đang chờ vào phái đoàn Mỹ phỏng vấn. Còn một số có thân nhân ở Canada. Ông Đạo Thành thì muốn đi Mỹ, còn ông Hài không biết có đổi ý hay không hay là ông muốn xin về Việt Nam, vì thời gian ở đảo ông cũng chưa dứt khoát rõ ràng, có lúc ông muốn đi Pháp vì ông có thân nhân ở đó.
Trong đợt phỏng vấn với phái đoàn Úc của tàu tôi kỳ nầy có mẫu chuyện hơi là lạ, nhưng không biết chính xác không vì người kể chỉ đứng bên ngoài nhìn lén qua khe vách kể lại thôi. Vốn là anh “Kỳ xạo” khi trên tàu, tên thật của anh ta là Tấn Triết, anh ta cũng có một số vốn Anh văn vững chãi cho nên lên đảo làm thông dịch cho Task Force, còn anh Tôn Huấn làm thông dịch cho Cao Ủy, anh Đức Hậu thông dịch ở Hội Trường. Ngày Tấn Triết cùng hai bà, nói là vợ và em cùng lên bàn do bà Judith phỏng vấn. Không biết thế nào đó mà mấy đứa nhỏ lén dòm qua khe vách thì thấy Tấn Triết khóc và nói gì với bà Judith. Chúng nói với người lớn thì vài bà chạy nhìn qua khe, sau đó họ kể lại có thể là Tấn Triết bị “xù”, rồi khóc lóc năn nỉ với bà Judith để được nhận. Không biết có thật hay không chứ mấy hôm trước, khi phái đoàn Úc mới đến đảo thì Tấn Triết đã tìm cách làm quen với bà ta và Tấn Triết có kể lại những lần tiếp xúc ấy cho vài người và tôi nghe. Nhưng dù thế nào Tấn Triết cùng hai bà đi cùng cũng đã được phái đoàn Úc nhận cho đi Úc rồi!
Đến ngày đi tôi từ tạ anh chị Dung, Thành, Hiếu, Hậu cùng hai thằng Minh và giã từ cậu bảy Thành, Tâm, sáu Chí, chị Bông đi qua Sungai Bési trước vào một buổi trưa, rồi lên cầu tàu đi ra “bludath” để đi qua Trengganu. Rồi cũng với giọng kèn cao vút, não nuột của bài “Biển Nhớ”, cùng với bài “Nghìn Trùng Xa Cách” da diết trỗi lên khiến cho người đã ở trên đảo không thể nào quên trong ký ức. Trên chuyến đi nầy có ông Cha bên nhà thờ ở Bidong đi cùng, thằng Thành ngồi ở băng sau, nhưng nó thích nói chuyện với ông Cha lắm, còn tuốt mãi trên kia, ở băng trước, những thằng Mã Lai đi vào đất liền đang chuyện trò vui vẻ. Bỗng tôi thấy có một thằng nhìn xuống, nhìn trân trân vào thằng Thành, rồi thằng Thành ngước lên, thằng Mã Lai làm bộ nhắm mắt cười với thằng Thành. Sau đó một hồi, anh ta mò xuống để giỡn với thằng Thành, từ đó tôi mới khám phá một nét đặc biệt của thằng em tôi mà trời đã ban cho nó.
Chừng hai tiếng đồng hồ sau chiếc bludath cập vào bến của nó ở thành phố Trengganu mà hơn tháng trước tôi đã rời nơi nầy để sang đảo Bidong, rồi chiếc xe buýt đưa chúng tôi về lại Marang nghỉ ngơi, tắm rửa và chuẩn bị cho một chuyến đi sớm của ngày mai: Di chuyển sang trại chuyển tiếp Sungai Bési.

Nguyên Thảo,
08/02/2016.


No comments:

Post a Comment