Saturday, February 20, 2016
*H.T Chữ Nghĩa 26: Hành Trình Của Thơ.
Nói đến thơ thì quả thật tôi có thích, nhưng chẳng bao giờ tôi thuộc được một bài trọn vẹn; đôi lúc còn nhớ lộn câu nầy qua câu khác. Từ năm tôi lên bảy (tuổi ta) khi ba má tôi dời nhà từ Vĩnh Trường về chợ Tân Khánh, thì tôi mới được gởi vào trường Cây Gòn của ông thầy giáo Khai cho đi học “lớp Đồng Ấu”. Thầy dạy lúc đó là ông Thầy giáo Sáu. Vì tôi quá nhỏ (nhỏ con) theo lẽ tôi không được học, nhưng vì ba tôi năn nỉ gởi cho tôi vào lớp để ở nhà khỏi phải đi chơi. Chắc tôi thường ngủ trong lớp nên hay bị “mắng vốn”. Thuở ấy, nhà trường dạy theo quyển “Em Học Vần”: I, Tờ Ti. Nhưng bài thơ đầu tiên tôi được biết trong năm ấy mà ông Thầy giáo Sáu minh họa hình ảnh làm cho cả lớp cười là bài Học Thuộc Lòng:
Quả cam đo đỏ
Quả ổi xanh xanh
Em cố ăn hết để dành làm chi
Bây giờ đau bụng rên khì
Cha lo, mẹ khổ em thì hối không.
Rồi sau năm ấy, không biết tôi học có được không, nhưng sang năm sau, tôi lại được lên Lớp Tư của Bà giáo Khai. Bà giáo Khai có tiếng là khó và dữ, bả thường hay khẻ chúm trên đầu ngón tay. Trong năm nầy có một bài học thuộc lòng về ngụ ngôn bốn câu đầu rất dễ thuộc, đó là bài “Con Voi Và Con Chuột Lắt”:
Con voi cao lớn dềnh dàng
Tưởng rằng anh chị trong làng bốn chân
Ra đường muôn thú hãi hùng
Lại càng hừng chí vô cùng nghinh ngang.
Nhưng còn bốn câu sau cái ngắt câu của nó như thế nào đó rất khó thuộc, khiến cho cả lớp không thể thuộc được. Chỉ có một vài người thì không bị khẻ trên đầu ngón tay, sau khi đứng vào góc lớp để học và trả bài trở lại lần nữa thôi (trong đó có anh Liêu An, Liêu Việt Hà). Còn có nhiều bài Học Thuộc Lòng nữa, nhưng tôi lại không nhớ trong suốt quá trình học ở trường Cây Gòn trừ bài: ”Mùa Đông Chiến Sĩ”
Mùa Đông tháng giá
Lạnh thấu đến xương
Ở nơi sa trường
Không chiếu không giường
Gối đất nằm sương
Cực khổ trăm đường
Ta ở hậu phương
Xiết nỗi nhớ thương.
Tất nhiên là tên các tác giả tôi không thể nào nhớ được. Và trong suốt thời gian bậc Tiểu học, dù còn có nhiều bài Học Thuộc Lòng khác, nhưng tôi chẳng thuộc và nhớ được bài nào. Đặc biệt là trong thời gian học lớp Nhì với thầy Lý Văn Trọng, vì Thầy dạy rất nhiều bài hát nên tôi thường pha trộn các bài hát với những câu hát ru em để dỗ em tôi ngủ:
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại, chịu lời đắng cay
Hay:
Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ
Hoặc còn rất nhiều câu hát ru nữa nhưng tôi chưa hề biết đó là thơ, mãi đến khi lên Bậc Trung Học mới học phân biệt “Văn Vần” và “Văn Xuôi”, để rồi được đi sâu hơn nữa là biết phân biệt Thể Thơ, Luật Thơ thế nào là Lục Bát, Song Thất Lục Bát, Thơ Đường, Hát Nói cùng cách gieo vận: Vần thông, Vần chính (Chính vận); Cước vận lẫn Yêu vận vân vân.. và vân vân.
Mặc dù trường Trung Học Trần Quốc Tuấn (Tân Uyên) của Tỉnh Phước Thành là trường nhỏ, sinh sau, đẻ muộn trong niên học 1959-1960, nhưng lúc ấy được sự nhiệt tâm giảng dạy về giảng văn của giáo sư Trần Văn Khánh mà chúng tôi được tiếp thu những căn bản về Văn một cách kết quả từ hai quyển sách “Việt Nam Văn Học Sử Yếu” của Dương Quảng Hàm, cùng với “Những Lỗi Thông Thường Trong Thuật Viết Văn” của Giáo Sư Nguyễn Văn Hầu mà thầy Khánh dùng làm nền tảng. Trong khoảng thời gian ấy, khi học đến luật thơ chúng tôi cũng vẽ vời vài câu, nhưng nó không ra cái gì cả; và tôi lại chẳng có khiếu về văn lẫn thơ cho nên tôi không hề tha thiết.
Cái thời gian đẹp nhất của đời người có lẽ là thời gian mà những thằng bé “nhổ giò” của chúng tôi thuở xưa; ấy là thời gian mà người ta nói là “Tuổi dậy thì”, “thời gian bể tiếng” để “đứa con trai” dần trở thành chàng thanh niên đầy mơ mộng, bắt đầu biết “nhớ nhung”, “biết yêu đương” để rồi “gom góp” (sưu tập) những bài thơ tình hay bắt đầu cho những câu thơ tình do chính mình sáng tác để diễn tả nỗi lòng; hay ngâm nga trong những giây phút hứng chí, bâng khuâng! Lúc đó, tôi cũng theo bước bạn bè cũng tìm kiếm, sao chép, trao đổi những bài thơ tình, hay thơ hay để đưa vào sưu tập riêng của mình. Nhưng tôi đã nhiều lần cố gắng để học thuộc một vài bài thơ để ngâm nga vui chơi với bạn bè trong lúc “trà dư tửu hậu” nhưng không tài nào thuộc được một bài dù thật ngắn trong một thời gian được gọi là dài.
Từ những năm Đệ Ngũ (Lớp 8 sau nầy), tôi vì hoàn cảnh nên đành lòng “chẳng dám yêu ai”, mà cứ lẳng lặng đi về từ nhà đến trường, để đến lớp Đệ Tứ lo chuẩn bị mùa thi Trung Học vào cuối năm. Sau khi thi xong, đưọc cái bằng Trung Học thì tôi phải chuyển trường, vì trường Tân Uyên chưa đủ sức để phát triển thêm. Thế là thay vì xin về Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức theo mơ ước của mình từ hồi Tiểu Học, tôi lại không dám. Cuối cùng tôi quyết định về trường Trung Học An Mỹ, nó thích hợp với hoàn cảnh mình trong lúc nầy. Lạ nước lạ cái cùng với hoàn cảnh càng thêm khó khăn khiến tôi không sống theo ý muốn của mình được. Vào năm Đệ Tam mà bọn học trò chúng tôi cứ coi đó là một năm nghỉ xả hơi, để những năm sau mà lo chuẩn bị thi: Thi Tú Tài I ở năm Đệ Nhị (lớp 11). Năm nầy khuynh hướng thơ mộng, yêu đương nẩy nở trong mọi đứa con trai: Vừa phát triển để trở thành thanh niên, vừa vào thời thơ mộng yêu đương. Nói nôm na đó là “thời kỳ rậm rật”, cho nên trong những năm nầy rất vui của lứa tuổi thanh niên. Riêng tôi thì hoàn cảnh không cho phép, nhưng không thể vì thế mà ngăn trở tôi không được sưu tập thơ, hay tập hát để cho vui. Chúng tôi trao đổi cho nhau những bài thơ kiếm được, chỉ cho nhau vài nốt đàn hay giúp nhau biết vài thế võ ngoài giờ tụ tập để trao đổi học hành. Có thể Thái Văn Tâm là người đi tiên phong trong vấn để đó vì tương đối thoải mái hơn cả, lúc nầy Tâm còn đi vào nghiên cứu Tử Vi nữa tạo nên phong trào coi bói cho bạn bè cùng đi học võ.
Vào thời gian nầy tôi lại thích nghe những chương trình ngâm thơ trên đài phát thanh nhất là chương trình Thi, Nhạc giao duyên của Tao Đàn. Tôi thích nhất là giọng ngâm của Quách Đàm, Hồ Điệp. Có những buổi đi học về gặp mưa lạnh, quần áo, mình ướt mem tôi thường hay ca cho mình nghe mà quên lạnh hay ngâm nga nho nhỏ như trút bỏ nỗi lòng. Nhưng với các bài thơ dù tôi đã đọc rất là nhiều lần hoặc cố học thuộc nhưng chưa bao giờ thuộc được một bài trọn vẹn. Những bài thơ nỗi tiếng như “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan, “Nhà Tôi” của Yên Thao, “Tiếng Thu” của Lưu Trọng Lư… Và những bài thời thượng của Nguyên Sa được chúng tôi trao cho nhau chép trong thời kỳ nầy nhất là bài “Lửa từ Bi” của Vũ Hoàng Chương như là một báu vật, đánh dấu cho thời kỳ tranh đấu của Phật Giáo thời ông Diệm.
Cũng trong năm nầy gặp thầy Trần Thế Xương dạy Giảng Văn, chúng tôi được thầy Xương dạy kỹ về thơ ca của Trần Tế Xương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát. Riêng tôi lại thích thú về bài “Chúc Tết” của Tú Xương vì trong đó ý tưởng hóm hĩnh, lỡm đời một cách duyên dáng, không ngờ bài ấy lại ảnh hưởng đến tôi rất nhiều sau nầy khi tôi quyết định “làm thơ” để ngăn cản bước tiến chửi nhau dữ dội trên báo của những nhóm người “đã già mà lại còn háo thắng, hung hăng”!
Nguyên Thảo,
21/02/2016.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment