Wednesday, February 3, 2016

*Mỹ Du. (7)




Theo kế hoạch của Dung, Hùng thì bữa nay nghỉ ngơi để ngày mai chuẩn bị cho một chuyến đi xa: Lên tận Yellowstone vì Dung trước kia khi thăm ở Úc đã nói: “Em ở bên Mỹ chỉ có một mình với gia đình chồng, còn anh chị thì nay đã già. Nếu sắp xếp được thì khi nào đó anh chị qua em một lần nữa để em tổ chức đại gia đình đi chơi một chuyến vì mấy đứa con của em nay đã lớn rồi”. Chính vì ý ấy, các anh chị cố gắng không ngại sức khỏe, đường xa xôi mà nhân cơ hội nầy để làm một chuyến. Hùng, Dung cũng không còn phép nghỉ ở hãng vì đã cùng đưa ông già về thăm Trung Quốc trong chuyến đi vừa qua. Chúng tôi rất lưỡng lự trong quyết định đi trong lúc như vậy rất khó cho em út. Nhưng gia đình con gái tôi không đi năm nay thì sang năm không thể đi được. Cho nên, chỉ lần nầy nữa thôi, chắc khó có thể có lần thứ hai: Thôi thì đành làm khó cho em út vậy! Dung, Hùng đành phải thổ lộ tâm tình với hãng để hãng có thể giúp gì được không? Hãng thông cảm và cứu xét cho Dung, Hùng nghỉ thêm không lương. Cuối cùng, vì thế mà chúng tôi xúc tiến cho lịch trình chuyến đi. Lúc trước, tôi dự trù không đi; nhưng sau thì đổi ý vì có sự thay đổi trong việc làm. Do đó mà số người đi trong chuyến mới lên đến 10 người (gia đình con gái tôi 4 người; gia đình Cậu Chín 3 người, Dì Tám cùng vợ chồng tôi). Như vậy đã đủ để được gọi là “vượt chỉ tiêu” đã đề ra. Nhưng lại “bội thu” hơn nữa là trong cuộc sum họp nầy lại có thêm Tường (em bạn dì ruột với vợ tôi, Cậu Chín, dì Tám, Dung) và con của Tường là Thu đi du lịch cũng cùng ghé qua đây.
Tất nhiên nhà có khách, đông người nhất là anh em từ xa tới thì khung cảnh sẽ bận rộn hơn nhiều. Chỗ ngủ thì cứ dồn nhau vào các phòng tạm vài ngày, hay nằm trên các bộ salông đâu có sao. Chỉ có ăn uống là nhộn nhịp, đầu bếp thì có sẵn ở các bà, nhân lực thì cũng có ở các ông hoặc thanh niên. Tính toán, mua sắm mọi thứ cái đó thì do Dung và Hùng tính. Còn trong chuyến đi tôi mới thấy sự giúp đỡ nhiều ở vợ chồng Hoa, Khuê và Hùng, Phương tức em và em rễ của Hùng, Dung. Tôi thấy ai cũng sốt sắng và cực cả, nhưng chắc chỉ có lần nầy thôi! Không biết đến bao giờ mới có lần thứ hai? Người mà nhiệt tình hơn lại là Thầy Phương đã từ Florida bay sang gặp mấy đứa học trò, lâu ngày cùng sum họp với gia đình Hùng, Dung lại còn làm tài xế trong mọi chuyến đi từ Las Vegas sang cả Utah nầy và lên mãi tận Yellowstone nữa.
Nhất là thương ông già tức Bác trai (Ba Hùng) đáo để, ông cứ để dành những trái táo Tàu trên cây để “tụi nó đến có hái cho vui”. Ôi! Cây táo sao mà trái đầy, ăn vào nghe xôm xốp, mát mát mà võ lại dòn dòn hơi thơm thơm!
Từ sáng sớm, Hùng phải thanh toán mười mấy con vịt để chuẩn bị cho “vịt nấu chao” buổi chiều, các bà thì lo chuẩn bị rau , nồi niêu, các thứ khác. Bàn ghế cũng phải sẵn sàng. Dù bận rộn như vậy, nhưng đến khoảng 10 giờ rưỡi cùng kéo nhau đi ăn phở ở “Phở 33”. Sau hơn một giờ cùng nhau ra xe về nhà tiếp tục công việc, rồi nghỉ ngơi.
Chừng 5 giờ chiều bàn ghế được bày ra trong garage rộng với 3 dãy bàn: Đại gia đình của Hùng và đây tạm gọi là Đại gia đình của Dung kể cả “bồ bịt” của mấy đứa con sum họp trong bữa tiệc nầy cùng với một số ít láng giềng thân thiết. Bữa tiệc được kéo dài cho đến gần khuya. Xong dọn dẹp rồi chuẩn bị cho chuyến đi ngày mai: Đi lên Yellowstone!
Vào lúc 7 giờ sáng, hai xe của em gái của Hùng là Hoa, Phương cùng chồng là Khuê và Hùng đem hai xe đến lẫn chiếc xe “van” mướn chiều hôm qua do Thầy Phương lái thành ba chiếc sắp hàng trước nhà để chất đồ đạc lên chuẩn bị cho một chuyến đi. Tội nghiệp, Hùng chồng Phương phải mượn chiếc xe “van” lớn của bạn bè để chở nhiều người hơn mới đủ. Và nhất là Hoa cũng muốn đi mặc dù mới vừa qua cơn mỗ, cơ thể hãy còn yếu. Xe khởi hành vào khoảng 7 giờ 30, xuôi về hướng Bắc của Tiểu bang Utah. Trong chuyến đi còn có cô Mí (chị của Khuê) và cô Phụng bạn Mí từ New York về. Nếu tổng cộng là khoảng hai mươi mấy người!
Do kinh nghiệm lần trước, Khuê chuẩn bị rất chu đáo. Mỗi xe được trao cho một điện thoại kiểu điện đàm để dễ liên lạc khi có bất trắc hay lạc nhau. Theo dự trù Khuê tính đi trong bốn ngày: Một ngày đi, một ngày về và hai ngày ở. Khuê đã “book” chỗ ở từ trước từ khi quyết định xong. Chúng tôi sẽ đi theo đường 15 băng qua Tiểu bang Idaho rồi theo đường 20 để vào Tiểu bang Montana và chúng tôi sẽ vào Yellowstone ở cổng hướng Tây. Thầy Phương cho biết là đi khoảng năm tiếng hơn. Dọc đường tôi cố ghi hình trên đường đi, xe chạy qua vùng Lagoon mà Hùng, Dung đã đưa vợ chồng tôi cùng ba tôi đã đến trong lần trước. Bên hướng Tây thì núi cao, ở chính giữa là những thung lũng người ta trồng trọt và bên xa kia nữa là những rặng núi chạy dài về hướng Bắc. Đi cỡ hơn hai giờ thì đến nơi nghỉ ngơi có nhà vệ sinh và nơi để nghỉ, do đó chúng tôi ghé vào nghỉ chân. Cô Mí đem nước uống và bánh ngọt ra đãi khách. Mỗi người được một ly hột é, mít, sương xa và một ít bánh. Nghe Thu nói nhà vệ sinh bị kẹt tôi tưởng bị hư nên đi vòng ra ngoài xem có nhà vệ sinh nào khác không. Nhưng không, bên đó chỉ là con đường dẫn vào khu vực “dung nham” (lava trail), hèn chi tôi thấy giống như trên truyền hình chiếu cảnh dung nham tràn ra từ núi lửa chảy và khô đọng lại thành từng luồng và ở đây cũng giống như vậy. Tôi nhìn ra xa không có ngọn núi nào gần quanh đây để gọi là nguyên nhân của vùng nầy. Không lẽ dung nham tràn ra từ các kẽ nứt của mặt đất, sao nó lại tràn ra và mặt bằng bằng ở một vùng rộng lớn như thế nầy?
Sau tôi mới tìm vào tài liệu thì ra nơi này được gọi là “Hell’s Half Acre Lava Field” là một vùng đồng bằng đá basal tương đối rộng lớn khoảng 390 Km2 ở trên độ cao 1,631 m cách Idaho Falls 40 km về hướng Tây và bắc thị trấn Pocatello chừng 48 km, nằm bên xa lộ 15 thuộc khu vực đồng bằng của Snake River. Nơi nầy dung nham tạo thành một cái hồ dài 800 m, rộng khoảng 300 m gần đỉnh của cánh đồng. Có chừng 10 dấu vết của dung nham chảy vòng cong và hai dòng dài chảy về hướng nam, tây nam. Mỗi dòng dài 10 km rộng 5km. Gần đây những nhà khoa học nghiên cứu về không ảnh của cánh đồng phát hiện một phần của kẽ nứt dài 19 km bị chôn vùi dưới lớp dung nham gần ranh tây bắc. Nơi nầy là quê hương của nhiều loại cây, động vật hoang dã cũng phong phú lắm.
Các nhà địa chất ước đoán Lava field được kiến tạo do hoạt động núi lửa và dung nham trào ra từ các kẽ nứt khoảng 3250 trước Tây lịch. Lớp magma chảy xuống chỗ thấp về hướng tây nam và nam nhanh chóng khô nguội nên tạo thành gò đống hay đồi như địa hình hiện nay. Những người buôn lông thú trên đường tìm về hướng tây đã qua đây và đặt tên cho khu vực nầy như vậy từ đầu thế kỷ 19. Những từ “hell’s half acre” chỉ để chỉ “vùng đất gồ ghề, lồi lõm” mà thôi. Người da trắng đầu tiên ghi nhận về vùng nầy là Benjamin Bonneville khi ông ta đến đây vào năm 1833, trong chuyến đi về phía tây khởi từ năm 1832 trong cuốn sách mà nhà văn Washington Irving đã viết theo lời kể của Bonneville. Một trận cháy dữ dội đã thiêu hủy khoảng 200 ha của vùng nầy vào năm 1999.
Rời nơi nghỉ, chúng tôi lại đi vệ sinh lần nữa trước khi lên xe để tiếp tục đi thêm vài tiếng đồng hồ cho chuyến đi xa. Ba chiếc xe vẫn liên lạc nhau thường xuyên do các điện thoại mà anh Khuê đã cung cấp. Thật là tiện dụng!
Những câu chuyện và hỏi han nhau trên xe cũng làm cho thời gian như được quên đi. Xe đến Idaho Falls thì tẽ theo đường 20 để đi về West Yellowstone của Tiểu bang Montana. Tôi cứ mãi ngắm để đi tìm mùa Thu trên những lá vàng, nhưng bây giờ mới chỉ là chớm Thu nên lá cây không vàng hực như hình ảnh mà tôi thường thấy trên báo hay trong sách vở. Nơi tôi ở trên xứ Úc, tôi cũng đã nhìn được mùa Thu nhưng nó khác hơn vì đa số cây ở đó là những cây bạch đàn, khuynh diệp lá không trở vàng hay rụng mà chỉ là màu xanh hơi đục, nâu nâu mà nhiều người ngồi trên máy bay nhìn xuống thấy màu sắc cũng biết là xứ sở ấy rất khô khan và thiếu nước. Tôi cũng đã từng nhìn mùa Thu trên những cánh đồng nho, vườn lê hay những cây có màu sắc khác nhau nhưng tôi muốn thưởng thức một mùa Thu của rừng, núi trong thiên nhiên vào mùa Thu xem nó thế nào. Trên máy bay khi đáp xuống phi trường ở Virginia tôi chỉ thấy màu sắc vừa chuyển màu của các khu rừng chứ chưa thấy màu rõ ràng, nên tôi cũng hơi tiếc.
Trên đường tôi cứ mãi ngắm và quay những cảnh rừng Thu, hồ Thu hay sông Thu để đi tìm một mùa Thu ưng ý, nhưng tôi vẫn chưa được toại nguyện như một chàng thi sĩ còn ấm ức với thi tứ của mình. Xe chạy khá lâu và chúng tôi đi vào địa phận không biết có phải là khu vực thuộc Yellowstone chưa mà có những rừng thông kéo dài theo hai bên đường tạo nên một cảnh quang thiên nhiên tươi mát xen vào đó những đốm vàng của cây cối cảm ứng với mùa Thu.
Khoảng 2 giờ 30 chúng tôi đi vào thị trấn West Yellowstone, nhưng chưa đến giờ nhận phòng để trọ nên chúng tôi đi vô trung tâm mua chút đỉnh đồ đạc cùng đi vào cửa hàng bán đồ lưu niệm xem qua cho biết sự tình. Khuê còn đưa tôi vào nơi cung cấp tài liệu, cũng như trưng bày vài hình ảnh về Yellowstone để cho khách du lịch được biết. Ở đây tôi lấy một số sách, bản đồ cùng ghi lại trong máy quay một số hình ảnh cần thiết để khi nào mình cần hoặc nhớ lại thì đã có.
Đến khoảng chừng 5 giờ chiều chúng tôi di chuyển về nơi trọ để nhận “chỗ”. Nói là chỗ vì “lodge” chúng tôi mướn là một căn nhà có nhiều phòng với đầy đủ phương tiện thì mới đủ chỗ cho cả hai mươi hai người. “Lodge” có tên là “Absaroka” ở tại số 336 đường Firehole. Đem đồ đạc vào nhà, phân chỗ ngủ; ổn định xong xuôi, mọi người chuẩn bị cho buổi ăn tối. Ai đi tắm thì đi, ai lo công việc thì lo. Buổi ăn hôm nay do Hoa và Khuê đảm trách, hình như món bún lẫu chua thì phải. Thật là một “đại gia đình”! Ăn uống xong, dọn dẹp, nghỉ ngơi cùng thưởng thức những giọng ca vàng nội bộ trên màn diễn “karaoké”. Vậy mà cũng tới khuya mới đi ngủ!

Nguyên Thảo,
04/02/2016.


No comments:

Post a Comment