Saturday, March 12, 2016

*H.T Chữ Nghĩa 26: Hành Trình Của Thơ. (tt)




Trên bước đường làm quen với thơ từ những câu ca, câu hò câu hát, ru em của dân gian cho đến khi vào trường học tôi được học cách làm những câu thơ thông qua các bài học về niêm, luật, vần của những thể thơ ở các năm thời trung học. Vì mình không có khiếu nên biết thì biết vậy, chứ thực hành thì chẳng bao nhiêu. Rồi vào lứa tuổi biết yêu đương, tôi cũng bắt chước bạn bè để sưu tập những bài thơ hay mà ngâm nga đôi lần dù chỉ cho mình hay thỉnh thoảng ngâm cho bạn bè nghe trong những buổi họp mặt cỏn con.
Trong suốt thời kỳ nầy, có những bài tôi thích thật sự nhưng cũng có nhiều bài gọi là thích theo “thời thượng”, người ta thích thì mình cũng thích theo mặc dù các bài ấy không hẳn đúng “gu” (sở thích) với mình. Chép vào trong tập thơ, làm cho tập thơ được mỗi ngày một dày thêm ra mục đích chính là để chứng tỏ mình sưu tập được nhiều, hơn là để thưởng thức. Nhưng dù gì thì bài “Màu Tím Hoa Sim”, “Tiếng thu”, những bài thơ của T.T.K.H, thường được bọn học trò chúng tôi đề cập đến nhiều trong những lần trò chuyện hoặc đề cập đến thơ. Thực sự mà nói, riêng tôi những bài thơ được sáng tác có màu sắc trong chiến đấu làm tôi thích hơn như những bài “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan, “Tình Cá Nước” của Chính Hữu, “Nhà Tôi” của Yên Thao, “Đôi Bờ” “Đôi Mắt Người Sơn Tây” “Tây Tiến” của Quang Dũng, “Một Thế Kỷ Mấy Vần Thơ” của T.P (hay Truy Phong) còn những bài thơ tình thì tôi không tha thiết lắm vì hoàn cảnh chưa đưa tôi vào sự rung động đích thực của con tim. Những bài thơ của Nguyên Sa được tôi xem như những bài mà tôi theo thời thượng thôi vì Nguyên Sa được nhiều học sinh rất hâm mộ, nhất là sau hai câu thơ được phổ biến rộng rãi khắp các trường học “Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc, Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường”, (nó có một cái gì mới lạ trong ý tưởng, cũng như rất nên thơ của tuổi học trò gắn liền với khuôn viên nhà trường). Tôi cũng theo bạn bè chép thơ Nguyên Sa vào tập thơ của mình, nhưng sau đó có nhiều bài thơ không biết người ta chép sai hay là tác giả sáng tác như vậy với một câu dài giống như là văn xuôi khiến cho tôi nhìn về thơ theo một ý niệm khác. Từ đó nhiều lần tôi lại thấy trên các tạp chí thời đó như Bách Khoa, Văn…lại xuất hiện nhiều khuynh hướng làm thơ như viết một đoạn văn xuôi hay mang một hình thức triết lý mà tôi chẳng hiểu được ý nghĩ gì của tác giả cả. Có lúc người ta gạch nối các chữ trong câu thơ liền lại với nhau làm thơ lại càng có nét bí hiểm hơn. Ngay cả trong những lời nhạc Trịnh Công Sơn cũng có những lúc “ý nghĩa bí hiểm” như vậy. Cho nên, triết lý lúc đầu đối với tôi đã là khó hiểu từ những từ ngữ Hán Việt khiến tôi nhức đầu để tìm hiểu, để nhớ; rồi lại đến cách diễn đạt thay vì đơn giản thì người ta lại nói một cách cầu kỳ như một triết gia lập dị, để cho tư tưởng của mình lại có tính “thần bí” hơn như một triết gia đang ngồi trầm ngâm, suy tư sự đời bên tách cà phê đen và khói thuốc. Nhưng đó chỉ là sự trống rỗng có cốt cách để loè đời!
Trong cái hiện tượng thực tế như thế đó, khiến tôi có cái nhìn mới vào trong hai phương diện của tư tưởng và xã hội. Chúng kích thích cho tôi sự lên ngôi của “đơn giản, quần chúng hóa cũng như bình dân hóa” để đạt đến những kết quả cao nhất mình có thể. Không ngờ “những ý nghĩ khờ dại, ngông cuồng ngày xưa” của gã học trò đó lại có ngày trở thành hiện thực vào khoảng hơn ba mươi năm sau trên “đất khách quê người”!
Trong sự sưu tập nào cũng vậy tất có nhiều bài thơ dài ngắn khác nhau; tôi thì rất ngán những bài thơ dài vì tôi không hề thuộc được, chính vì vậy tôi cũng nghĩ rằng độc giả sẽ “rất ngán” những bài thơ dài lê thê, cho nên về sau tôi rất ít khi viết những bài thơ dài, mà tôi cũng lại không thích những bài thơ quá ngắn, nhất là khi phải viết những bài thơ “Đường luật” vì nó quá cô đọng khiến mình phải suy nghĩ, o ép vào vần điệu, niêm luật, đối chữ lẫn đối từ khiến tôi có cảm tưởng mình bị đi vào nhà máy để được chế biến thành một thành phẩm cùng dạng với bao nhiêu bài khác, mặc dù nó mới chứng tỏ được “cái khả năng” làm thơ của mình. Do đó, sau nầy tôi thường dùng đến thể thơ “thất ngôn tứ tuyệt” được ngắt ra từ “thất ngôn bát cú” trong các bài thơ “bảy chữ” với những phân đoạn “bốn câu”. Đôi khi cũng có nhiều câu phải phá luật vì không thể kiếm được từ ngữ để thay thế cho “trắc” hoặc “bằng”. Như vậy tôi vừa tránh được những cái o ép, khó khăn của loại thơ mà cũng vừa được phóng khoáng hơn khi làm thơ. Và tôi muốn kéo bao nhiêu đoạn cũng được và có thể làm chủ được độ dài của thơ.
Nói như vậy không có nghĩa là tôi thờ ơ với những loại thơ khác, thỉnh thoảng thì cũng thay đổi cho đỡ nhàm chán và thử khả năng của mình vào từng loại thơ kể cả thơ 6 chữ hoặc là nhiều chữ với hình thức “biền văn”. Làm thơ chơi chơi (không thiệt) thì mình cứ thử chẳng nề hà gì, vì mình đâu có phải là nhà thơ chuyên nghiệp hay là làm thơ để mong trở thành “nhà thơ", “thi sĩ” được nổi tiếng đâu mà sợ. Mình chỉ là thợ thơ thôi mà! Cứ lấy chữ sắp lại để thành thơ nên đâu cần phải uống rượu để tìm “thi hứng” như Lý Bạch, cũng như chẳng đốt nhang để “hưởng hương”, “trân quý”, “cầu thơ” cùng Nàng Thơ. Tôi làm thơ “giản đơn” cũng như là “đơn giản”! Và nhất là “thực tế” hay nói một cách văn hoa hơn, gọi là “Hiện thực” giống như Văn xuôi của tôi vậy!
Có thể nói suốt thời kỳ sưu tập, bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan ảnh hưởng sâu đậm vào tâm thức của tôi nhiều nhất về ý tưởng cũng như hình thức của bài thơ. Kiểu cách, cách ngắt câu thoải mái để diễn tả ý tưởng làm tôi thấy thích rồi, đã vậy một mối tình lâm ly và được kết thúc bằng hai câu giống như ca dao:
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chết sớm mẹ già chưa khâu
Làm cho tôi cảm thấy một mối tình càng da diết, bi hùng hơn trong thời chiến của một người chiến binh đang chiến đấu vì tổ quốc.
Thế rồi khoảng thời gian sau không lâu, tôi được dịp tìm hiểu vào thơ mới, tôi lại đến gần với hai bài thơ khác: Một của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, hai là của Phan Khôi, khiến tôi lại càng thích thú về kiểu cách mới ấy vì nó không bị gò bó nhiều vào niêm luật hay số chữ của câu. Cách ngắt hay số chữ của câu tùy theo ý mạnh hoặc nhẹ mà mình sắp xếp miễn sao âm điệu, vần như thơ là tốt rồi. Hai bài ấy như sau:

Tống biệt

Lá đào rơi rắc lối thiên thai,
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi!
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai,
Ước cũ duyên thừa có thế thôi!
Đá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

Tản Đà.



Tình Già
Tác giả: Phan Khôi
Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa.
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
Hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
- Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,
Mà lấy nhau hẳn là không đặng,
Để đến nỗi, tình trước phụ sau,
Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau.
- Hay! mới bạc làm sao chớ?
Buông nhau làm sao cho nỡ!
Thương được chừng nào hay chừng nấy,
Chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng.
Mà tính việc thủy chung?
Hai mươi bốn năm sau. Tình cờ đất khách gặp nhau.
Đôi cái đầu đều bạc.
Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được.
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi,
Con mắt còn có đuôi.

Từ đó, tôi có ý thỉnh thoảng cũng nên tập làm thơ, nhưng chỉ để chơi thôi, đôi lúc khoe với bạn bè “Mình cũng biết làm thơ”. Nhưng một ngày nọ, tim tôi chợt nghe hơi buồn buồn, nhớ nhung và người con gái cũng xuất hiện, mà tôi đang còn nhiều điều phải lưỡng ước , mặc cảm cùng phân vân nên tôi đã ghép 9 bài “thất ngôn tứ tuyệt” thành “9 khúc ca” để tỏ nỗi lòng:
Không biết vì sao một buổi chiều
Buồn dâng lấp cả cánh tim yêu
Nhìn dương lã ngọn mây đen đến
Anh thấy lòng anh khó chịu nhiều!

Anh thấy nhớ nhà, thấy nhớ em
Nụ cười duyên dáng trên môi mềm
Mắt sâu yên lặng và thâm thúy
Anh bỡn, anh em cứ mãi cười!

Bây giờ em lại đến đây sao?
Em biết lòng anh có những nào
Không thể, nhiều lần anh không thể
Bây giờ em lại đến đây sao?...
Tôi đành trốn chạy một tình yêu mà tim tôi cũng có nhiều thổn thức, nhớ nhung. Tôi trốn chạy vì hoàn cảnh của tôi lúc ấy, và năm đó cũng là năm mà tôi phải chuẩn bị cho cuộc thi cuối cùng ở bậc Trung học. Thế rồi, khoảng hai tháng sau tôi phải quay về nhà Dì 5 tôi ở Phú Lợi để chăm sóc cho má tôi khi bà đang tản cư và sanh đứa em út của tôi. Khi ở đây tôi có làm một bài thơ chơi và khoe với chị Lạc, chị bạn dì với tôi. Chị Lạc lại đem bài ấy ra lớp ở trường Bồ Đề khoe với bạn chị là chị Dòn quê Bến Thế. Chị Dòn cũng thích sáng tác thơ, chị muốn kết “làm bạn thơ” với tôi. Tôi nghĩ mình không có khả năng nên đành làm một bài thơ khác để cám ơn và tạ từ. Cùng năm, tôi có làm thêm một bài “Mơ Chuyện Giang Hồ” nữa, nhưng cũng chỉ để mà chơi. Và sau đó trong thời gian rất lâu, tôi không làm bài thơ nào nữa đến khi vào đầu năm học Đệ Nhị Niên của Trường Sư Phạm Sài Gòn mới có thêm một bài mà đến nay tôi chẳng hề nhớ tên hay nội dung của bài khi đăng trên tờ bích báo của lớp ở trường vào năm ấy.

Nguyên Thảo,
09/03/2016.



No comments:

Post a Comment