Wednesday, March 2, 2016
*Mỹ Du. (8)
Phương, Hùng (chồng Phương) đêm hôm đã giành chỗ ngủ ngay tại bộ salông phòng khách để sáng thức sớm lo chuẩn bị buổi điểm tâm mà hai người hứa đài thọ. Món xôi đùi, cánh gà nướng. Hùng trổ tài khả năng nấu nướng đặc biệt đã học được từ trên internet và cách sắp xếp thật gọn nầy chứng minh cho buổi sáng hôm đó, khi mọi người đã thức dậy, sau vệ sinh thường nhựt thì cùng nhau ráp lại dãy bàn mà thưởng thức mùi thơm phức của xôi với gà. Thật là đông vui, các câu chuyện lại càng rộn ràng hơn nữa vì ở cách nhau thật là xa, đến mấy chục năm mới có dịp gặp lại nhau.
Rồi thì, mọi người xúm nhau đem đồ, thức ăn thức uống ra xe để chuẩn bị cho một chuyến du hành vào khu vực Yellowstone trong ngày hôm nay. Chúng tôi khởi hành từ lúc gần 8 giờ sáng, chạy không bao xa thì đến vùng rừng thông, đây là rìa của Yellowstone. Xe của Khuê chạy trước dẫn đường và Khuê trả luôn những vé vào cửa cho toàn bộ mọi người trong chuyến đi. Xe chạy được một khoảng thì đến một đồng cỏ rộng ở phía bên tay phải. Bên kia đồng cỏ là dãy núi đá trọc có lưa thưa các cây thông điểm xuyết vào khung cảnh, vách núi cao thẳng xem ra có vẻ hùng vĩ thật. Bây giờ thời tiết đang vào Thu, cánh đồng cỏ nầy một màu vàng đỏ, tương phản với màu xanh của thông, màu trắng của núi đá, màu xanh của dòng sông và bầu trời khiến cảnh vật nầy dễ đập vào ánh mắt của mọi người. Tại sao xe ngừng ở đây nhiều quá và người ta làm gì mà lùm xùm đông vậy! Chúng tôi cũng dừng xe lại xem người ta đang làm gì? Nhưng không, người ta đem dụng cụ, máy ảnh để chụp hình vài con nai đang ra trên đồng cỏ bên kia dòng sông, đây là dòng Firehole River và đó là núi Madison. Ôi thương thay cho mấy con nai, chúng chỉ có vài con thế mà cứ đưa mỏng đít về phía chúng tôi cho nên khó mà chụp hình cho đẹp được. Vài người quá hâm mộ chạy ra gần bờ sông để chụp hình con nai cho rõ, lớn hơn. À, không đâu! Ngoài những con nai người ta còn chụp những người câu cá đang đứng câu ở dưới dòng sông nữa. Hèn chi mà các nhà nhiếp ảnh bố trí máy móc thấy mà ghê hồn. Chúng tôi cũng lấy máy ảnh, máy quay lẫn mobilephone ra cùng nhau đứng làm duyên, làm dáng mà chụp lia lịa vài chục bức ảnh để làm kỷ niệm. Riêng tôi cứ thắc mắc cỏ nầy có màu đo đỏ, không biết vào mùa Xuân, Hè nó là màu xanh hay màu đỏ như bây giờ, hay là nó chỉ có màu nầy vào mùa thu mà thôi! Chúng tôi lại lên xe và tiến về phía trước. Đến ngã ba, chúng tôi rẽ về phía tay phải. Dọc đường là những cánh đồng cỏ cũng màu đo đỏ trải dài đến bìa những rừng thông xanh tươi. Rừng, đồng cỏ đan xen với nhau làm nên một khung cảnh nên thơ và dòng sông yên bình lặng lẽ chảy trong lòng thảo nguyên.
Yellowstone là một công viên quốc gia đầu tiên trên thế giới và là công viên lớn nhất của Hoa Kỳ. Nó trải dài qua những vùng cao nguyên núi lửa liền nhau với hơn 2 triệu mẫu Anh (acres) có những giếng phun nước nóng, các hồ nước trong vắt như pha lê, cùng những thác đổ mạnh mẽ và khung cảnh đẹp đẽ nên thơ.
Theo tài liệu thì Yellowstone được công nhận là vườn quốc gia đầu tiên trên thế giới vào năm 1872 thông qua luật của Quốc Hội. Yellowstone National Park bao trùm 9,000 km2 khu vực rừng tự nhiên rộng lớn ở phía nam dãy Rocky Mountain thuộc Tây Bắc Mỹ. Trong đó vùng cao nguyên Yellowstone là vùng rộng 6,500 km2 có độ cao trung bình là 2,000 m được cấu tạo do đá rhyolite từ dung nham chồng chất lên nhau. Ở phía bắc, đông và nam của công viên là vùng núi cao đến 4,000 m. Nơi thấp nhất là là vùng Reese Creek (5,282 feet) và nơi cao nhất là Eagle Peak’s summit (11,358 feet).
Ở Yellowstone National Park, rừng thiên nhiên chiếm 80% diện tích của công viên, đồng cỏ 15% và nước 5%. Và với các tiểu bang thì có: Tiểu bang Wyoming chiếm khoảng 96% diện tích, 3% thuộc Tiểu bang Montana và tiểu bang Idaho chỉ có 1% mà thôi!
Người ta tìm thấy ở Yellowstone không những là những hiện tưọng tự nhiên đẹp, mà còn là nơi chứng minh được những bước có tính cách lịch sử của trái đất; cũng là nơi có ý nghĩa về sinh học lẫn sinh thái, và là môi trường đa dạng về sinh học.
Ở công viên nầy chứa đựng phân nửa những chi tiết về địa nhiệt của thế giới được biết tới với hơn 10,000 mẫu và những động vật có tiếng như gấu xám, bò mộng bison, chó sói và hươu vùng Bắc Mỹ (wapitis).
Yellowstone là công viên quốc gia đầu tiên của Mỹ được thành lập vào năm 1872, nó là những mảng hiện tượng địa nhiệt với các mạch nước phun, các cấu tạo của dung nham, hố phun khí, suối nước nóng, thác, hồ và vực sâu. Ở đây tập trung 2/3 số lượng mạch nước phun trên hành tinh với hơn 580 mạch, mà nguyên nhân của hiện tượng nầy là do nơi Yellowstone là vùng mà phía dưới sâu mặt đất có nhiều địa chấn hoạt động nhất của dãy Rocky Mountain, là “điểm nóng” của núi lửa.
Theo các nhà khoa học thì vỏ trái đất được nâng lên vào khoảng 65 triệu năm trước thành lập vùng phía nam dãy Rocky Mountain và núi lửa thường chảy dung nham cho đến khoảng 40 triệu năm trước. Và gần hơn là hiện tượng núi lửa tại đây xảy ra khoảng 2 triệu năm trước khi hàng ngàn khối chất nhão của l òng trái đất (magma) tràn đầy vào các khoảng trống to lớn dưới vùng cao nguyên nầy và bùng lên mặt đất. Trong quá trình đã 3 lần bùng nỗ lớn với đầy tro, và lần sau cùng tạo thành “caldera” rộng 45 km dài 75 km khi mà những khoảng trống to lớn đầy “magma” bùng nỗ, tràn ra. Magma kết tinh tạo thành nguồn nóng cho nước ngầm mà tạo thành các mạch nước phun, suối nước nóng, bùn và hố phun hơi.
Yellowstone Park là nơi khởi nguồn của ba con sông Yellowstone, Madison, và Snake. Hồ Yellowstone với độ cao 2,357 m là hồ trên cao lớn nhất ở Bắc Mỹ.
Do độ cao khác biệt mà cây cối cũng được phân bố khác nhau từ đồng cỏ cằn cỗi đến những thảo nguyên của vùng khí hậu lạnh, Trong công viên có 7 loại thông, tùng đặc biệt là loại có tên là “lodgepole pine” cùng 1,100 loại cây có mạch nhựa và loại cỏ riêng ở địa phương. Ở đây còn có 7 loài có móng kể cả loài nai có sừng bảng lớn (elk) và loài cá bản địa được bảo vệ đặc biệt.
Ngồi trong xe nhìn ra cửa sổ đầy ẩm ướt của khí hậu mùa Thu, tôi lại thích thú với những cánh đồng cỏ trở màu trải dài và nhất là hai bên bờ sông màu cỏ lại đỏ hơn không biết là loại cỏ khác hay là nước ở đây ảnh hưởng trên những luồng cỏ ấy. Đã đến vùng có khói làm tôi lại nhớ đến quê mình những buổi chiều vào mùa gặt lúa xong, trên những cánh đồng nhất là cánh đồng Bình Hóa lúc tôi đi học trên Tân Uyên người ta đốt gốc rạ để khói lam chiều hơi nằng nặng vắt vẻo lưng chừng vương lên bìa rừng.
Đây đó, ngó vào khắp nơi xa xa những cột khói vươn cao lên tỏa khói nghi ngút. Không biết mùa Hè các cột khói có nên thơ như thế nầy không, chứ bây giờ mùa Thu thời tiết trở lạnh hơi nước vừa bốc lên sẽ kết tụ ngay được nhiều nên cột khói trở nên dày, đậm đặc lại càng thấy trở nên nghi ngút hơn. Tôi đưa máy quay quay lia lịa mặc dù quay mỗi chỗ không nhiều. Biết có khi nào trở lại nên cứ tha hồ quay để khi về buồn buồn mở lại coi chơi. Chúng tôi bỏ qua những khu vực nhỏ, cứ chạy tới, đến khoảng 9 giờ thì tới khu vực mà chúng tôi phải tham quan: Đó là Fountain Paint Pot.
Nhiều xe đã ở Car park rồi, người đông đúc. Chúng tôi cũng lần lượt kéo nhau đi theo con đường đóng bằng ván gỗ quanh dọc khu vực. Chưa chi đã nghe mùi hăng hăng của lưu huỳnh, cháu ngoại tôi là Stephanie nó dị ứng khói nầy và ngứa ngáy đành quay lại không đi nữa. Chúng tôi đi lên một khoảng thì vùng đất nầy có màu xám xám, vàng vàng, màu đỏ của màu sắt sét. Qua đó là Silex Spring có nước thật trong, xung quanh màu trắng còn ở giữa là hố sâu do đó nước có màu xanh ngọc rất đẹp và nước đang bốc khói lên nghi ngút. Lên chút nữa là Fountain Paint Pot, đã gọi là Fountain nhưng chẳng có tí nước nào chỉ giống như bùn đang gặp hạn đầy nứt nẽ cũng đầy khói và sao nghe âm thanh giống như ống thụt bể của lò rèn, thì ra đó là mấy fumaroles kế bên, tức là những lỗ hố khô, sâu bên trong hậm hừ hậm hực chỉ phun khói mà nước chẳng ra được tạo nên âm thanh vọng lên cho mình nghe thôi. Vòng qua Leather Pool đến Red Spouter và đi một đoạn nữa đến khu vực của những giếng phun cái thì nước phun thấp, cái thì nước phun cao liên tục nhau, du khách thì chụp hình lia lịa, người thì làm dáng cho vài kiểu hình, còn tôi thì chỉ thích quay thôi. Tên giếng phun thì nhiều có Twig Geyser, Fountain Geyser, Morning Geyser, Cepsydra Geyser, Spasm Geyser và Jet Geyser chúng tập họp quanh đây. Kia là cái hố sâu có bùn đang sôi ục ục lẫn xì khói không biết có phải là sinter hay không mà tôi quên mất rồi. Đi trên “sạn đạo”, mà không, đi trên sàn ván vòng trở lại, nhìn ra phía trống ngoài xa những cột khói tỏa ra mù mù cả một khoảng trời thấy mà buồn ghê. Nếu ở đây một mình mà với cảnh nầy tôi cũng đành bỏ xứ mà đi thôi! May chỉ là nơi để du lịch, tham quan. Hố sâu kế tiếp một bên thì phun nước văng cao, còn một bên thì chỉ sôi, chao động, trầm lắng hơn. Chúng tôi lại về hồ Celestine với khói bay mù mịt để trở lại đường ra chỗ đậu xe, rồi đi vệ sinh trước khi lên xe để đi về Old Faithful.
Nguyên Thảo,
28/02/2016.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment