Sunday, March 6, 2016

*Quê Người! (8)




Chuyến đi của chúng tôi sẽ bắt đầu đi từ 4 giờ sáng, cho nên chúng tôi phải dậy thật sớm có khi trước 3 giờ để làm vệ sinh, rồi xếp hàng để nhận phần ăn. Vừa có phần ăn sáng lẫn phần ăn trưa, trong phần ăn có một hột gà luộc, hai hộp nước trà cúc hay nước mía, một hộp thức ăn và có cả bánh ngọt. Chúng tôi không biết lộ trình là bao xa nhưng cứ nghĩ chắc là xa lắm! Lần ở Marang nầy chúng tôi đã được tiếp xúc, chuyện trò với hai cô gái trẻ có vẻ áo não, buồn chán vì họ được thả từ bọn cướp biển Thái Lan, sau hai tháng chúng giữ lại ở một đảo nào đó. Chúng đưa hai cô gái vào Mã Lai để hai cô có đường đi trên Mã Lai, hai cô đến đây vào ngày trước và đợi chuyến để chuyển sang Bidong. Thân phận con người! Không hiểu những người có thẩm quyền có bao giờ suy nghĩ đến vấn đề cỏn con nầy hay không? Tại sao hòa bình rồi mà người ta lại đi mà trong thời gian chiến tranh ác liệt người ta vẫn bám đất, bám làng dù cái chết có thể đến bất cứ lúc nào? Tôi không hiểu nổi về những con người lãnh đạo, không hiểu họ lãnh đạo để phục vụ cho đất nước; cho nhân dân hay là lãnh đạo cho quyền uy, uy danh của họ, hoặc lãnh đạo cho một tổ chức nào đó mà họ chỉ là những người thừa hành không màng đến người dân. Quả thật tôi không thể hiểu nổi về vấn đề chính trị: Cầm quyền để “Vinh thân phì gia” hay là “để có toàn quyền sinh sát trong tay” hoặc “cướp của người dân một cách hợp lệ và hợp pháp"! Trong quá trình lịch sử, tất cả những chính quyền dù cho thời phong kiến hay là trong thời kỳ hiện tại đa số chính quyền đều đem về quyền lợi cho chính họ hoặc phe đảng của họ mà người dân chỉ là những người bị áp đặt những bổn phận cung cấp nguồn tài chánh cho họ. Vậy thì chính quyền nào sẽ lo được cho dân? Những điều tôi học được từ trong trường học, bây giờ khiến tôi phải suy xét lại trên nhiều bình diện.
Đoàn chúng tôi hôm nay đầy trên hai xe buýt lớn để chuyển sang Sungai Bési ở Kuala Lumpur. Có lẽ cũng trên trăm người. Tôi và thằng Thành ngồi trên chuyến xe mà đa số là người ở số tàu khác chứ không là PB 959 của tôi. Đoàn khởi hành đúng vào lúc 4 giờ sau khi nhân viên “Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ” điểm danh và kiểm đúng số người. Sau nầy tôi mới biết tại sao là “Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ” thay vì “Hội Hồng Thập Tự” theo chữ Hán Việt, hoặc “Hội Chữ Thập Đỏ” theo tiếng Nôm (ròng Việt) vì ở những xứ Hồi giáo họ không lấy hình tượng “Chữ Thập” vì đó hình tượng của Đạo Thiên Chúa mà họ lại lấy hình tượng “Trăng Lưỡi Liềm” là biểu tượng cho Hồi giáo, nhưng vẫn là thành viên của “Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế”. Xe chạy về hướng nam trong bầu trời hãy còn tối. Những bảng chỉ dẫn đường hiện lên sáng chói dưới ánh đèn xe một cách rõ ràng làm cho tôi thấy lạ mắt, có người nói đó là loại sơn có “lumineux” (dạ quang). Xe lần lượt qua hai khu thật lớn có đèn điện sáng choang với khuôn viên thật là rộng và lớn với nhiều trang bị to bằng inox. Người ta nói đó là những nhà máy lọc dầu, rồi họ trầm trồ chỉ mới có mấy năm mà Mã Lai đã tiến xa Việt Nam quá chừng chừng. Họ còn nói tỏ ra rành rọt lắm: Ngày trước Mã Lai thua xa miền Nam Việt Nam nhiều, chỉ tám năm mà họ đã bỏ Việt Nam xa. Có ông nào đó đáp lời: Không thua sao được: Từ ngày mấy ông Cộng Sản vào thì các nhà máy bị đình trệ không hoạt động hoặc thiếu nguồn nguyên liệu, chủ thì bị bắt vì bị đánh tư sản; cửa tiệm thì phải đóng cửa, kiểm kê; đồng ruộng thì đòi hỏi phải vào hợp tác xã, nông dân giao đất rồi đi làm công trên chính mảnh đất của mình, thuốc phân thiếu thốn nạn sâu rầy tràn lan, mùa màng bị thất bát; người chế độ cũ thì đi cải tạo chưa biết đến bao giờ mới về; xăng nhớt thì thiếu thốn thay vì làm bằng máy thì con người phải nai sức ra mà làm thủ công bằng tay; thủy lợi thì mở ra tùm lum tiêu hao biết bao nhiêu công sức tiền của mà chẳng được thứ gì; dân thì phải xếp hàng đợi chờ đi mua nhu yếu phẩm, đợi nhà nước phân phát từng li từng tí. Vì sự sống người dân bắt đầu đi buôn lậu, bị bắt hết vốn thì sinh ra trộm cướp, liều lĩnh, làm mọi thủ đoạn gian xảo để lường gạt nhau. Chưa bao giờ xã hội đầy người trộm cắp, liều lĩnh như thời của mấy ông Cộng Sản nầy cả. Rồi đây một xã hội sẽ đầy rối loạn, không đạo đức, tội phạm mà nguyên nhân chính do sự tổ chức, đường lối của người Cộng Sản thực hiện mà nên. Nội cái lo tổ chức, sắp xếp lại cơ cấu xã hội, kinh tế thì các nước khác đã tiến đi tới đâu rồi, đàng nầy bị dân chúng bất hợp tác, phản đối nữa thì đình trệ, phải sửa đổi thì có tiến được tới đâu nên Việt Nam mình bị tụt hậu, lạc hậu, thua kém người ta cũng không có gì là lạ! Chính người của Đảng Cộng Sản giết chết Chủ Nghĩa Marx và biến tư tưởng của ông nầy trở thành một Chủ Nghĩa Không Tưởng. Mấy người thấy không, bên Kampuchia Pol Pot giết dân cả mấy triệu người, đày người ra ruộng, người tài giỏi giết hết thì thử hỏi để đào tạo người tài giỏi sẽ mất bao nhiêu năm, cứ thử nghĩ bao nhiêu năm nữa Kampuchia sẽ phục hồi, thì Việt Nam bao nhiêu năm nữa sẽ tiến bộ. Mấy người Cộng Sản đã thực hiện đường lối sai từ đầu, mà họ cứ tưởng họ là thành phần Tiến bộ đang hiện thực một Chủ nghĩa Tiến bộ nhất của loài người. Họ đâu nghĩ rằng Marx chủ trương trên Vật chất: Sản xuất nhiều của cải vật chất, cung phụng cho mọi người đầy đủ vật chất tạo cuộc sống sung sướng cho mọi người thì lúc đó thế giới nầy trở thành Thiên Đường, mọi con ngưòi được sống trong một Thiên Đường nơi Hạ giới. Thế mà người theo Chủ nghĩa Cộng Sản khởi đầu đã thủ tiêu những phương tiện cũng như các phương cách sản xuất, làm đình trệ tất cả ngành sản xuất thì đất nước không trở nên lạc hậu, rối loạn sao được!...
Ông ta còn nói nhiều nữa như một người từng am hiểu, nhưng không biết những người khác có thích nghe không, chứ tôi thì nghe buồn ngủ, mệt mỏi vì đêm hôm ngủ không được nhiều. Trời tờ mờ sáng, hình như xe đã chạy qua dòng sông Dungun nơi mà tôi đã đặt chân đầu tiên lên đất Mã Lai nầy. Ký ức ấy có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được! Nó đánh dấu hay nói kiểu cách hơn là “bước ngoặt” là “dấu mốc” của một cuộc đời lưu vong mà có thể kéo sang nhiều đời con cháu của tôi về sau. Tôi không muốn làm kẻ lưu vong, bỏ tổ quốc, quê hương lại phía sau lưng của mình, nhưng người Cộng Sản cũng như đường lối của người Cộng Sản bắt buộc tôi phải có đời sống lưu vong cũng như hàng triệu người khác đã lưu vong. Đó là một giá trị lịch sử!
Trời đã sáng tỏ, tôi ngồi nhìn cảnh bên đường đi: Một cái cảnh của xứ sở thanh bình, đường sá được lành lặn, tu bổ rồi tôi lại nhớ đến quê hương mình mỗi con người đang phải vật lộn với sự sống trong hoàn cảnh khó khăn, nghiệt ngã của nền kinh tế tập trung vào nhà nước mọi thứ đều gặp chướng ngại, khiến người ta nghèo đói quá thì sinh ra trộm cắp, túng thế làm liều vì muốn bảo toàn sự sống.
Tôi nhìn thấy bảng chỉ dẫn đề Kuantan và có mũi tên chỉ về Kuala Lumpur, xe quẹo về hướng đó. Vì xe buýt chúng tôi dẫn đường nên phía trước không bị cản, tầm nhìn của tôi được xa hơn. Mã Lai là xứ đồi núi nên đường sá cũng quanh co, lên xuống nhiều hơn. Dọc đường có những khu trũng là khu ruộng, người ta trồng trọt cũng giống như ở xứ mình chỉ có điều là ít hơn. Nhà thường thì nhà sàn nằm trong những khu vườn dừa nên thấy thoáng mát. Cách ăn vận quần áo thì lề mề không được gọn gàng cho lắm, nhất là với người phụ nữ. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được nhìn bao quát trên xứ người mặc dù trên sách địa lý tôi cũng đã thấy ít nhiều vài hình ảnh; nhưng hình ảnh chỉ là một góc nào đó thôi, chứ làm sao mà bao quát như trên thực tế được.
Xe dừng lại một khoảng đường vắng, tài xế đến xe sau nói gì đó. Xong, anh ta trở lại xe xách một sô nước đi vào phía trong, bên kia những lùm cây. Mọi người trên xe đoán, nói với nhau rồi cười, nhưng không biết có phải anh ta làm như vậy hay không?
Tôi thấy có nhiều ngọn đồi được phá cây rừng đi để trồng thông, hoặc trồng cọ. Họ làm qui mô thật. Có những đồn điền cọ đang lớn, bóng mát che khuất, không biết cọ có đem đến nguồn lợi to tát nào không, chứ ngày xưa khi học địa lý về đất nước Mã Lai thì Mã Lai có xuất cảng dầu cọ. Tất nhiên nếu đem Việt Nam để so sánh với Mã lai bây giờ thì quả là một trời một vực! Nghĩ mà buồn cho đất nước và dân tộc! Rồi tôi lại nghĩ đến thân phận của chính mình và con đường lạ lẫm mà mình sẽ phải đi qua trên “Đất khách, Quê người”.
Xe đi xuyên qua những đồi núi chập chùng, tôi mãi mê lo nhìn cảnh vật chung quanh và để tìm cái sức sống của người dân địa phương mà quên đi giờ giấc, có người nói gần 12 giờ rồi. Xe ngừng ở một khu vực xóm, hai ông tài xế đi qua bên kia đường vào trong một tiệm ăn. Họ ăn trưa, ở đây chúng tôi cũng lấy phần ăn trưa của mình ra ăn. Ăn ở trên xe, rác thì bỏ vào trong bọc nilông và bỏ vào thùng đựng rác ở trên xe.
Xa lộ của Mã Lai có nhiều tiên tiến, đường có kẽ làn để xe chạy có thứ tự. Xe hơi khá nhiều. Có nhiều đoạn đường băng qua núi, người ta phải dùng lưới kẽm bao trùm một khoảng rộng để tránh đất sạt lở xuống đường gây tai nạn và trở ngại cho giao thông. Xe qua khu vực có nhiều đồn điền cao su. Cao su ở đây cũng trồng theo các đồi chứ không là khu đất bằng phẳng như ở Việt Nam, tôi nghĩ những phu đi cạo mủ chắc vất vả hơn phu cạo mủ ở Việt Nam nhiều.
Trên xa lộ lượng xe cộ nhiều và nhà cửa cũng đông hơn, có người hỏi tài xế và thông báo gần đến Thành phố Kuala Lumpur của Mã Lai rồi. Xe chạy vào những đường phố đông người, qua những tòa chung cư với quần áo treo đầy bên ngoài. Chúng tôi thấy cũng ngộ nghĩnh, nhưng nếu không phơi quần áo như vậy thì người ở đó sẽ phơi đồ ở đâu, cũng khó thật!
Sau khi len lỏi qua các đường phố, xe đi ra ngoại ô và đi về hướng Tây Nam thì phải, vùng đồi núi nầy được xây dựng từng nơi. Những tòa chung cư hay cao ốc nằm giữa những rừng cây vươn lên đó đây, hứa hẹn cho một khu vực rộng lớn sẽ được liên kết trong tương lai. Dọc đường có một điều lạ và kỳ thú đối với tôi là những quầy bán khế. Nếu ở Việt Nam người ta thấy những sạp bán trái cây dọc đường thì ở đây lại có quầy bán khế. Tôi tự hỏi không lẽ khế ở đây quý như vậy sao? Nếu không thì tại sao lại có những quầy bán khế như thế này, trong khi khế ở Việt Nam thừa thãi người ta bán không được để rụng đầy sân; khế nầy là khế ngọt hay khế chua? Vấn đề nầy tôi không thể giải quyết nỗi cho đến tận bây giờ!
Đã đến trại Sungai Bési. Xe vào cổng và đậu vào khu vực để chúng tôi xuống xe vào văn phòng trại để làm thủ tục nhận chỗ ở. Nhân viên hội “Trăng lưỡi liềm đỏ” cầm danh sách vào văn phòng và sau đó bàn giao chúng tôi cho nhân viên trại để trại lo mọi vấn đề. Chúng tôi đến đây đã là hơn 3 giờ chiều.
Khi đã làm thủ tục nhập trại cùng lãnh những vật dụng cần thiết kể cả giấy vệ sinh xong, chúng tôi được phân về longhouse 9 của khu B. Mọi người kéo lục tục về khu và phòng của mình để ổn định chỗ ở. Longhouse là một dãy dài có sàn đóng bằng ván ép lót trên những hàng gạch, cây. Chính giữa có vách ngăn cách hai bên dọc theo chiều dài, sau đó lại có vách ngăn theo gian. Cứ mỗi ô như vậy là một phòng (room). Mỗi phòng từ 6 cho đến 10 người tùy theo gia đình. Phòng tôi có đến 9 người. Mọi người chia chỗ nhau mà ngủ, mà sinh hoạt.
Ổn định rồi thì đến giờ đi lãnh đồ ăn chiều. Đêm nay là đêm đầu tiên của tôi được ở trại chuyển tiếp Sungai Bési trong đất liền của Mã Lai gần Kuala Lumpur. Ở trại nầy cả mấy tháng trời, nhưng tôi chẳng biết vòng rào bên ngoài của nó như thế nào vì tôi chỉ hoàn toàn sinh hoạt ở bên trong như những trại tù khác để nhốt những người nhập cư được cho là “bất hợp pháp” của lãnh thổ Mã Lai!

Nguyên Thảo,
06/03/2016.

No comments:

Post a Comment