Wednesday, March 16, 2016
*Mỹ Du. (9)
Khuê dẫn đoàn chúng tôi ghé vào car park của Midway Geyser Basin để đi tham quan khu vực nầy. Bên cạnh car park là dòng sông Firehole (River) được những dòng như suối nước nóng từ trên đồi đổ ra để dung nạp vào dòng chảy. Khói bốc lên nghi ngút chứng tỏ độ nóng của nó khá lớn. Chúng tôi tiến về phía cầu, ở đây cảnh nước, cầu, suối trên cao đổ xuống, khói bốc lên suốt một đoạn dài, âm thanh róc rách làm cho du khách nghe vui tai mà cảnh thì nên thơ nên người ta đua nhau chụp hình làm kỷ niệm cũng đông. Chúng tôi không ngoại lệ. Tôi quay những cảnh nầy như cố bám vào cái cảnh có một không hai.
Hình chụp tại cầu với đoạn sông Firehole ở Midway Geyser Basin.
Lần lượt qua cầu và đi theo những đoạn ván mà người ta đóng dọc dài theo các hồ để du khách dễ dàng tham quan những hồ nước lẫn khu vực. Đường đi đánh một vòng khép kín. Khởi đầu phía bên trái đường ván là dòng chảy từ hồ Excelsior, nơi đường nước nầy đi qua đất có màu đỏ, xanh, xám, cam, nâu sét do nơi những vi sinh vật có tên là Cyanobacteria, chúng có thể sinh sống trong độ nóng 75 độ C tạo nên những màu vàng, xanh; nếu nước lạnh hơn thì có màu cam, nâu hay màu nâu của sắt sét . Hồ Excelsior được xem là một trong những hồ nước nóng lớn trên thế giới mỗi phút nó thải ra khoảng 15,000 đến 17,000 lít nước ở nhiệt độ 93 độ C vào sông Firehole.
Tiến về phía trước, đường ván vòng qua hồ Grand Prismatic Spring. Hồ nầy là suối nước nóng lớn nhất trên đất Mỹ và là lớn thứ ba trên thế giới sau Frying Pan Lake ở Tân Tây lan và Boiling Lake ở Dominica. Hồ cung cấp cho sông Firehole mỗi phút khoảng 2100 lít nước ở nhiệt độ 70 độ C, có kích cỡ là 110 m đường kính và sâu chừng 40 m. Hồ được các nhà địa chất đặt tên như vậy vì những màu sắc của nó giống như màu của quang phổ khi ánh sáng trắng đi qua lăng kính, vào năm 1871. Ở đây, du khách thường chụp hình với tấm bảng in hình của hồ Grand Prismatic Spring được đặt bên cạnh đường. Qua đó, chúng tôi lại theo đường ván xem Opal Pool, Turquoise Pool rồi trở lại cầu, về car park. Chúng tôi ăn uống luôn vì trời cũng đã trưa, xong dọn dẹp và lên xe để đến Old Faithful.
Từ Midway Geyser Basin đến Old Faithful không xa lắm vào khoảng 10 km. Tìm chỗ đậu xe trong car park, rồi chúng tôi cùng nhau đi vào trong phòng trung tâm tin tức của khu du lịch để xem giờ giấc khi nào giếng phun Old Faithful phun lên. Những nhà nghiên cứu tính toán được giờ giấc nào giếng sẽ phun ghi lên cái bảng thông tin, du khách chỉ cần nhìn vào bảng để chuẩn bị cho sự quan sát của mình. Chúng tôi đợi không lâu, và ra ngoài khu vực quan sát để tìm cho mình một vị trí. Giếng phun Old Faithful ngoài kia ở trước mặt, cũng từ từ lên khói giống như những giếng khác. Vòng để du khách đứng xem được tráng xi măng, đổ bêtông theo một vòng cung, có đặt hai hàng ghế ngồi để người ta có thể ngồi mà quan sát khi giếng hoạt động.
Giếng phun Old Faithful đang hoạt động. (Hình do Hùng chồng Dung chụp)
Gần tới giờ người người kéo ra khu vực đông đảo. Thay vì những hàng ghế được ngồi, nhưng người ta lại đứng lên cả trên ấy để quan sát cho rõ, cho nên người đến sau phải dồn về phía không có ghế và đứng chen chúc nhau. Giếng bắt đầu phun, người xem ríu rít, reo lên rồi lại yên lặng để theo dõi hay chụp hình, quay phim trong những giây phút hiếm có nầy. Tôi vì cứ lo bấm máy quay và chỉ quan sát hiện tượng qua máy mà thôi. Không biết được mấy phút thì giếng hạ lần độ cao của độ phun và ngưng. Mọi người giải tán. Người ta đến đây để quan sát sự kiện chính nầy, cho nên đối với khách du lịch đây là giây phút quý báu khi đi đến Yellowstone. Sau đó thì tản ra và đứng chụp hình tại bảng Old Faithful như là ghi lại những hình ảnh kỷ niệm. Old Faithful cũng được xem là biểu tượng của Yellowstone trên nhiều thương hiệu ở tiểu bang Wyoming, kể cả hiệu bia. Chúng tôi đi vào trong nhà Trung Tâm mua ít đồ lưu niệm. Tôi mua vài quyển sách mỏng Trail Guide hướng dẫn vài nơi mà du khách cần đến. Hùng (chồng Dung, anh em cột chèo với tôi) đưa tôi vào phòng chiếu phim để xem người ta chiếu những phim tài liệu về Yellowstone. Khi tôi vào thì phim chiếu đã gần hết, nhưng tôi nán lại và xem tiếp được phim sau. Tôi dùng máy quay ghi lại, nhưng chắc chắn tôi sẽ không hiểu được nhiều, bỡi một lẽ đơn giản là số vốn tiếng Anh tôi chưa đủ để hiểu. Khu nầy có lẽ là khu vực chính của Yellowstone nên xe cộ đông đúc, các cơ sở cũng nhiều, tương đối đầy đủ các phương tiện kể cả nơi ăn uống, nhà trọ. Cảnh quan vào mùa Thu nơi đây cũng đẹp và nên thơ.
Theo tài liệu Old Faithful được đặt tên vào ngày 18/09/1870 do Henry D. Washburn. Đây là giếng phun đầu tiên ở công viên được đặt tên. Giếng phun cứ 35 - 120 phút thì phun một lần. Độ phun có thể cao từ 32 tới 56 m với khối lượng 14 cho đến 32 mét khối nước và có thể kéo dài từ 1.5 tới 5 phút.
Vào lúc khoảng 2 giờ chiều chúng tôi lại ra xe để đi qua khu vực khác cách đây 27 cây số gọi là West Thumb Geyser Basin ở trên độ cao 2368 m. Chúng tôi đến đó chắc mất khoảng hơn nửa giờ lái xe.
West Thumb Geyser Basin là một khu vực nằm bên cạnh Yellowstone Lake là một caldera nằm trong vùng caldera rộng lớn của Yellowstone. Chúng ta cũng nên biết hồ Yellowstone là một hồ ở trên cao lớn nhất của Bắc Mỹ nó có chiều rộng là 23 km, dài 32 km ở trên độ cao 2357 m có chu vi khoảng 227 km với diện tích chừng 341 cây số vuông chiều sâu từ 42 m đến 125 m.
Khu West Thumb nầy có nhiều chi tiết về hiện tượng nước nóng ở trên cạn lẫn ở dưới nước. Chúng tôi đến đây gặp vào mùa Thu đã hơi lạnh lại thêm mưa bay bay cho nên một số người chịu không thấu đành quay lại xe. Tôi vì tiếc nuối nếu quay lại thì không biết ở đây có gì nên cố quay phim gần lẫn quay phim xa. Nhưng rồi sau một hồi, trời cũng bớt dần. Tôi và Khuê vừa đi vừa nói chuyện, Khuê chỉ cho tôi những nơi có thể quay mà tôi không để ý. Chúng tôi đi qua khu vực paint pot cũng có đủ các hố khí, hố bùn sôi sùng sục, những hố nước nóng đang sôi và khói lên nghi ngút, có cái sâu nhiều, cái sâu ít. Tùy theo độ sâu mà nước thay đổi từ màu trắng đến màu xanh dương càng đậm. Vì không lẫn bùn nên nước thật trong, quả thật là trong như phalê. Ở West Thumb Geyser Basin có nhiều hồ, hố phun nước nóng, có cái nước nhiều chảy thành dòng chảy ra Yellowstone Lake ấy là Springs. Chúng không lớn lắm nhưng cũng thể hiện đầy đủ các loại hình thức để cho du khách có thể cảm nhận được các loại điển hình cho hiện tượng nước nóng. Đặc biệt ở đây có bảng giải thích cho chúng ta có thể hiểu được dung nham tràn vào những khoảng trống trong lớp vỏ trái đất như thế nào và chúng gần với những lớp nước ngầm khiến các tầng nước ấy nóng và sôi lên để tạo những hiện tượng mà chúng ta đã thấy. Khuê chỉ cho tôi những vòng nước loang ra từ trên mặt hồ và nói đó là giếng phun từ dưới đáy đưa lên tới mặt nước. Có nhiều cái như vậy. Trên bản đồ vùng Caldera lớn của Yellowstone được khoanh rất là rộng chúng trải dài từ ngã ba Madison qua tới ranh giới của tiểu bang Wyoming, Idaho vòng về Lewis Falls ở phía nam qua hầu hết diện tích của Yellowstone Lake ở phía đông và ngược lên Canyon Village về phía bắc và chạy nối về Madison tạo thành một vòng toàn khu vực Caldera rộng lớn mà trong đó có nhiều caldera nhỏ với nhiều hiện tượng nước nóng như hố khí, giếng bùn, giếng phun, suối nóng vân vân…Tôi và Khuê đã đi qua Lakeshore Geyser, Fishing Cone, Big Cone và đang ở tại Black Pool, cùng Abyss Pool. Chúng tôi lại đến Twin Geyser và đi theo đường ván để ra xe với mọi người. Những nhà vệ sinh ở những khu vực thiếu nước nầy thì cũng dã chiến, đào sâu nên mùi hôi tất nhiên không thể không có. Nhưng vệ sinh như thế đó vẫn là tốt hơn. Gần 4 giờ chiều chúng tôi chuẩn bị lên xe ra về.
Về đến chỗ trọ khoảng 6 giờ, thay phiên nhau tắm rửa và chuẩn bị buổi ăn chiều. Chiều nay lại ăn món chính là bún chả giò, thịt nướng, bò nướng lá lốt; cơm là món sau. Không khí đông người cùng nhau làm chuẩn bị thật là ồn ào, nhưng cũng rất là vui. Mấy mươi năm mới sum họp một lần, có lần nầy chắc làm gì lại đủ ở lần sau. Thôi thì có được lần nào hay lần ấy. Quy luật họp tan và lẽ sinh tử ấy mà, chúng bao trùm cả vũ trụ chứ không riêng gì ở một mình mình, thế thì ta lo để làm gì? Cứ vui lên đi bạn nhé!
Nguyên Thảo,
13/03/2016.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment