Thursday, November 15, 2018

*Đường Đến Băng Hà! (14)


Đoạn hành trình từ Point Gustavus, tức là điểm cửa ngõ đi vào Glacier Bay, cho đến Juneau cũng khá xa. Theo số liệu của Du thuyền thì cách đến 217 Nautical Miles (mỗi Nautical Mile = 1.852 Km), trong khi đó vận tốc du thuyền chỉ là 18.9 Knots. Đường đi được cho biết là từ Point Gustavus sẽ đi qua Icy Strait, rồi lên phần trên của Lynn Canal, xong tàu xuôi về hướng Nam dọc vòng theo đảo Douglas, rồi từ đó mới chuyển sang hướng Bắc vào Gastineau Channel để tới Juneau. Ở Juneau du thuyền sẽ trở đầu để trở ra đi vào giai đoạn sau sau chuyến thăm viếng thủ đô của Alaska nầy. Tất nhiên là trong khi tàu đi theo lộ trình thì chúng tôi tha hồ ngủ vì trời đã vào đêm.
Juneau được chọn làm Thủ đô của Alaska sau khi được Quốc Hội Hoa Kỳ phê chuẩn vào năm 1900, và chính quyền di dời từ Sitka về đây từ năm 1906. Số dân theo thống kê của năm 2013 là 32,660 người. Juneau không có đường bộ để đi đến các vùng khác của tiểu bang hay phụ cận, mà người hoặc hàng hóa chỉ có thể vận chuyển đến bằng đường thủy hay hàng không do nơi địa hình hiểm trở.
Mot goc Juneau.

Du thuyền đưa chúng tôi đến Juneau vào lúc 6 giờ sáng, nhưng tôi và Anh Thới đã dậy từ lúc 5.30 giờ. Do đó khi nhóm chúng tôi lên ăn trên Horizon Court vào lúc 6 giờ rưỡi thì cũng nhìn thấy tỏ rõ quang cảnh hai bên Gastineau Channel và loáng thoáng cái Thành phố Juneau. Chiếc Cruise đi vào chỗ đậu. Xa kia là chiếc tàu chiến nho nhỏ ở phía dưới. Tôi không biết là chiếc tàu chiến ấy là loại nhỏ, hay là do nơi chiếc du thuyền nầy quá lớn mà tôi có cảm tưởng tàu chiến giống như đồ chơi bằng nhựa của trẻ con.
Du thuyền cập bến vững vàng xong thì du khách được lần lượt rời tàu để lên bờ tham quan, ngắm nghía, mua sắm, giúp cho nền kinh tế của xứ xa xôi nầy thêm có phần thịnh vượng.
Thanh pho Juneau nhin tu boong tau.

Đối với những du khách đã đăng ký “tour” ở trên tàu thì được ưu tiên để đi tour ở đây cho đúng giờ. Còn những người “gà mờ” không biết đăng ký, hay không đăng ký thì từ từ đi theo các hành lang để rời tàu với những giấy tờ cần thiết được căn dặn phòng khi được hỏi đến, hay đưa ra để chứng minh mình là khách của tàu. Một điều được nhắc nhở kỹ càng là “Đừng nhận, hay mang hàng gì của người lạ lên tàu”, và những thịt, gà, thức ăn, trái cây.
Riêng chúng tôi cũng lũ lượt xếp hàng xuống tàu, nhưng ra khỏi tàu xuống phố thì đã 8 giờ 30. Lúc ấy có cửa hàng mở cửa, nhưng đa số đều đến 9 giờ mới khởi đầu buôn bán. Chúng tôi được thời gian thả rông trên đường phố để ngắm cảnh hai bên, cùng số ít xe cộ chạy qua đường. Trời sáng còn lạnh nhưng thời tiết vào thời gian nầy (vào Tháng 5) không lạnh lắm, nên chúng tôi còn cảm thấy thoải mái, chứ không bị run lẩy bẩy. Đến 9 giờ mình được chun vào những gian hàng để ngắm nghía, lựa chọn xem những gì mình thích mà có thể mua được hầu làm vật kỷ niệm của một chuyến đi không? Tôi muốn mua những viên đá Nam châm trong các bịt nhỏ, nhưng ngần ngại sẽ không đem vào Úc được, nên đành đứng lưỡng lự, và cuối cùng là “không dám mua”. An ủi là mình không bị tốn tiền! Nhưng ngẫm nghĩ hoài, không lẽ mình đã đến Thủ đô của Tiểu bang Alaska tận vùng Bắc xa xôi của quả địa cầu mà về không, không có vật gì thì uổng quá, đành kiếm một cái áo ấm mùa Đông, có thêu chữ Juneau với giá là 19.99 chứ không phải là 20 đô-la. Rồi đi dọc theo đường chính qua gian hàng làm kẹo bánh, đứng nhìn ông Tây đang trình bày cách làm Chocolate qua khung kính của tiệm. Bên trong nhiều khách hàng nhất là trẻ con đang đợi mua nườm nượp. Đến ngã ba đường chính thì tiếng ồn ào lẫn máy móc đang sửa đường của phu kiều lộ âm vang, nhiều người tránh sang con đường khác. Tôi xem bản đồ, rồi cùng vợ tôi với cô em vợ thả lần lên phía trên qua các ngã tư để lên con đường số 4 cắt ngang. Tôi muốn lên con đường ấy vì ở đó có “State Capitol” để xem cái hình dáng nó ra sao. Nó có cái hình dáng của vài “State Capitol” mà tôi đã thấy hay không như ở Washington hay ở Utah? Đường lên dốc khiến sự đi bộ có nhiều cố gắng, nhưng đường đó cũng không xa. Cuối cùng chúng tôi cũng đã đến trước tòa building “State Capitol”.
State Capitol.

Nó chỉ với hình dáng bình thường như các building khác, lớn hơn và có hàng chữ “Alaska State Capitol”, phía trước sân là đường lót gạch, chứ không tráng nhựa, thành ra trông khuôn viên khá rộng rãi. Chúng tôi chụp hình ở đây vài tấm để làm lưu niệm, rồi kéo qua công viên nhỏ có tượng một con gấu đen, chân đang chận một con cá salmon mà nó đã bắt được. Hình ảnh con gấu và cá salmon được phổ biến ở Vancouver cùng trên đất Alaska nầy, nó có thể được xem là biểu tượng thiên nhiên được vẽ trên tranh, hay làm những tượng nhỏ bằng nhựa, thủy tinh để bán cho du khách, kể cả các đồ trang sức bằng bạc, vàng hoặc bạch kim.

Bieu tuong Con Gau va ca Salmon.

 Chúng tôi thả lần xuống bến tàu, hình ảnh chiếc du thuyền sừng sững trên cao xuyên qua các buiding, phố lầu, tôi mới thấy rõ cái tầm cao của nó. Đến 1 giờ, bọn chúng tôi thấy xem bao nhiêu đó cũng đủ rồi cho nên thôi thì kéo nhau lên tàu để ăn uống và nghỉ ngơi. Lúc trở về tàu, chúng tôi cũng mang thẻ tàu trên ngực, hành lý phải qua máy kiểm soát kỹ càng giống như ở nơi phi trường mà người ta đã làm.
Kéo nhau lên thẳng trên Horizon Court ăn uống xong, ai về phòng nấy nghỉ ngơi, để rồi lại tới bữa ăn chiều. Nằm nghỉ trong chốc lát thì tôi và Anh Thới đều ngủ quên, mà không dễ đi vào giấc ngủ sao được khi mà phòng mù mù tối mặc dù có đèn, cộng thêm vào đó là những mệt mỏi từ những ngày trước. Cũng tại mình thôi! Vì sợ tốn nhiều tiền nên mình đã chọn phòng ở chính giữa, thì tất nhiên nó phải tối. Nếu mình chọn phòng ở balcon, hay những loại phòng hạng sang khác thì nó đã khác đi rồi.
Đi cruise, nếu mình chịu bỏ ra nhiều tiền thì có rất nhiều điều giải trí làm cho mình thích thú: Ăn uống thoải mái, nghỉ ngơi an dưỡng rất tốt, thở hít khí trời trong lành, có massage, Tai chi, casino … kể cả Bible Study cùng với những phương tiện giải trí không phải trả tiền như xem phim, xem hát, khiêu vũ vân vân… Chỉ trừ trường hợp tàu gặp thời tiết xấu như chúng tôi đã gặp lúc đi cruise từ Adelaide lên Melbourne và trở về như chuyến trước cách đây vài tháng.
Du thuyen sau duong pho.

Hàng ngày tàu đều có chương trình để mình có thể tham gia vào tiết mục và giờ giấc nào mà mình thích. Còn như chúng tôi thì do ngôn ngữ không hiểu được nhiều nên không tha thiết các tiết mục, do đó mình cảm thấy không mấy hứng thú đi trên tàu vì chỉ có ăn ngủ, rồi ngắm trời trăng, mây nước. Nó có vẽ nhàm chán hơn!
Đến khoảng 4 giờ thì tôi và Anh Thới kéo nhau lên sân thượng để chụp vài bôi hình để làm kỷ niệm, đồng thời ngắm nhìn toàn cảnh cái Thành phố Thủ đô của Tiểu bang Alaska.
Thành phố Juneau trải dài dưới chân núi Juneau, mặt hướng về Gastineau Channel. Nơi đây là quê hương của người Tlingit, dân bản địa đã sống ở đây bằng nghề săn bắn và bắt cá trong nhiều ngàn năm trước do nguồn cá salmon phong phú của Gastineau Channel.
Nhưng đến những năm 1870 George Pitz, viên kỷ sư hầm mỏ từ Sitka treo thưởng cho ai đem cho ông ta được quặng vàng. Trưởng bộ tộc Auk Tlingit là Kowee ở Gastineau Channel đem quặng đến. George Pitz gởi Richard T. Harris và Joseph Juneau đến đó thăm dò. Hai ông đến nơi vào Tháng 8 năm 1880, nhưng đến Tháng 10 mới xây dựng khu làng khoảng 160-acre ở bên bờ, lúc đầu làng nầy được gọi tên là Rockwell, sau đó là Harrisburg nhưng người địa phương lại đổi tên là Juneau theo tên của Joseph Juneau. Và Juneau được ra đời! Rồi đến năm 1906, Juneau được chọn làm Thủ đô của Alaska, và đến 1/7/1970 với sự sáp nhập của Douglas và vùng phụ cận Juneau trở thành Thành phố có diện tích đất lớn thứ nhì ở Hoa Kỳ.
Chúng tôi vừa chụp hình, vừa ngắm nhìn toàn cảnh của Thành phố từ trên độ cao của boong tàu, đồng thời quan sát chiếc du thuyền từ từ trở đầu đổi hướng để rời bến. Nó phải mất cả tiếng đồng hồ để hoàn tất giai đoạn ấy từ lúc 5 giờ rưỡi đến 6 giờ 30 và tàu ra khơi. Đến 7 giờ rưỡi nhóm chúng tôi đi xuống nhà hàng Botticelli để ăn tối. Xong rồi còn đi ruồng ở khu Hội Trường, lẫn nhiếp ảnh, cùng  gian hàng bán đồ lưu niệm trước khi về phòng vào lúc 10 giờ 15. Ngày mai du thuyền sẽ đến Ketchikan. 

Nguyên Thảo,
15/11/2018.



Wednesday, November 7, 2018

*Người Muốn Hóa Thành Robot.


Trong xu thời hiện đại
Người muốn tạo rô-bô
Để làm nhiều công việc
Thay thế sức con người.

Càng ngày càng tân tiến
Rô-bô lại tinh vi
Mang nặng lên cầu thang
Làm xướng ngôn truyền hình.

Nhưng chuyện đời quái ác
Nhà khoa học tiến lên
Nghiên cứu để văn minh
Con người vơi gánh nặng.

Thì chính trị mở đường
Cho hàng loạt con người
Biến thành loại rô-bô
Để xây thành Chủ Nghĩa.

Ai mộng hay ai mơ
Một Thiên Đường Lý Tưởng
Nhưng chỉ khổ con người
Trong khốn cùng Địa Ngục!

Đồ Ngông,
08/11/2018.



*Quê Người! (22)


Hôm nay cuối tuần chẳng có gì để làm, tôi vào phòng lấy mấy chữ Tiếng Anh ra để xem, còn Thành thì đi rảo vòng quanh trong trại. Nhưng chợt nhớ đến Bác Phạm Văn Tuynh, người tôi quen trong thời gian đi vào thư viện ở trại Sungai Bési, nên vội viết vài chữ gởi thư cho Bác. Bác đi định cư ở Sydney trước tôi khoảng nửa tháng, do được con bảo lãnh. Trước khi đi Bác cho tôi địa chỉ để liên lạc. Viết thư cho Bác thì dễ, nhưng chẳng biết viết gì nhiều chỉ hỏi thăm sức khỏe cùng cho bác biết là tôi đã đến Adelaide rồi. Thư ngắn gọn, nhưng không biết mình sẽ lấy địa chỉ nào đây, ở trong trại nầy chăng? Thôi để đến sau sẽ tính.
Lẩn quẩn lại đến giờ ăn trưa ở căng-tin. Tôi đi cùng Bác Vỹ và Bác Phương. Căng-tin vào trưa ngày Chủ Nhật thường vắng vì có nhiều người đi ra ngoài chơi, hay ai đến chở đi ăn ở đâu đó. Tôi cùng hai Bác vừa ăn, vừa tính chuyện tương lai. Chỉ ước lượng hướng đi, chứ tình hình như thế nào thì chưa nắm rõ, nên định hướng còn là cả một vấn đề.
Về phòng, tôi không biết gì làm nên lấy cái bản đồ Nam Úc của Anh Nhu cho ra xem qua coi cái tiểu bang mình đang định cư có gì đặc biệt. Xem đại khái, chứ Tiếng Anh có chữ biết chữ không đành cứ đoán mò thêm thôi. Lúc đó, tôi mới thấy rõ Tiếng Anh là rất cần thiết trong mọi vấn đề, nhất là trong hoàn cảnh “Ăn nhờ ở đậu nơi quê người, mà quê hương đó lại là sử dụng tiếng Anh”. Tôi nghĩ mình phải nỗ lực hơn nhiều! Cái vốn của mình tiếp thu lúc còn học trong trường chẳng thấm vào đâu. Ngay lúc đó thì có tiếng xe đậu bên ngoài, thì ra Trọng vào thăm tôi và thằng Thành. Hôm nay Trọng không có làm, rảnh rang nên vào chơi, tôi hỏi Trọng nếu mình viết thư ở đây thì nên lấy địa chỉ nào? Trọng cho biết nếu mình lấy địa chỉ ở đây về sau mình đi ra ngoài thì sẽ mất công hơn nhiều, thôi thì lấy địa chỉ của Trọng qua hộp thư mà nó đã mướn ở Bưu Điện thì tiện hơn. Nó nói: “Mình chỉ tốn mười mấy, hai chục đồng mà tiện được nhiều thứ, thứ nhất là mình dời nhà đi đâu thì thư cũng về hộp thư của mình, thứ hai là khi nào mình rảnh thì đến lấy, thư không bị thất lạc”. Tôi còn hỏi Trọng nhiều vấn đề khác, nhờ Trọng cho thêm vài ý kiến. Chúng tôi ngồi nói chuyện cũng khá lâu, rồi khi về Trọng cho biết tối nay sẽ đến rước tôi, Thành đến nhà Huynh để xem phim vidéo.
Tôi đang tò mò về bản đồ Nam Úc thì có tiếng gõ cửa phòng. Thì ra Bác Vỹ lại rủ tôi sang uống nước trà cùng chuyện trò với anh bạn mới vào ghé thăm. Bác Vỹ giới thiệu: “Đây là Anh Vũ Minh, chủ nhân võ đường Thái Cực Đạo Hắc Long đến thăm bọn mình đấy”! Tôi chào anh Vũ Minh rồi cùng vào chuyện với nhau. Tất nhiên là chúng tôi hỏi anh Vũ Minh nhiều hơn là anh tìm hiểu ở chúng tôi, vì dù sao anh tới trước cũng đã quen với cách sinh hoạt, nếp sống ở Úc rồi; còn chúng tôi là những người mới tới, chân ướt chân ráo nên cần phải tìm hiểu, học hỏi rất nhiều thứ, cái gì cũng mới lạ, đôi khi lại trái hẳn với sinh hoạt ở quê mình. Đến gần đến giờ ăn ở căng-tin, anh Vũ Minh mới ra về để chúng tôi đi ăn và hứa hẹn sẽ đến thăm. Phòng tôi và Thành ở kế bên phòng của Bác Phương, Bác Vỹ cũng là điều may mắn, vì những người đến thăm thường ghé thăm hai Bác, do nơi hai Bác lớn tuổi, phong cách chững chạc, mà lại có nhiều nhận xét hay của người từng trải, nhất là cái chức vụ của Bác Vỹ lúc còn trong quân đội khiến nhiều người đến thăm kính nể. Tôi được hưởng “ké” cái ân huệ ấy là mỗi khi có người đến, Bác Vỹ thường hay rủ tôi qua chơi, do vậy mà tôi cũng học được nhiều thứ, và mình không phải cảm thấy cô đơn! Nhất là đối với cái tính của tôi ít có giao lưu với bạn bè, mà lại chẳng có khiếu về ngoại giao, thường sống về nội tâm.
Chiều nay ngồi ăn với Tịnh, tôi hỏi thử Tịnh có dự tính gì chưa. Tịnh nói cũng chưa tính được gì cả, vì bây giờ đợi học Anh Văn rồi hay: “Học Anh Văn giống như mình lấy thời gian đó câu giờ để mình toan tính cho bước đường kế tiếp, chứ bây giờ mình chưa nắm bắt được gì cả thì làm sao tính tới những chuyện tiếp theo”. Tôi đồng ý với Tịnh về quan điểm đó. Tôi có hỏi Tịnh về chuyện làm giấy tờ bảo lãnh vợ con, Tịnh cho biết là đang đợi giấy tờ cũng như tôi dù khi đi Tịnh có chuẩn bị một số nhưng vẫn chưa đủ. Có lẽ với Tịnh khiến tôi ấm lòng nhất, vì hai đứa đã cùng một chuyến đi vượt biên, chia sẻ nhau trong cùng một hoàn cảnh, rồi cùng đến đây, nhất là “cái củ sắn” mà Tịnh đã trao cho tôi với câu nói: “Lúc tát nước, tôi có lượm được hai củ sắn, bây giờ anh một củ, tôi một củ” khiến tôi không thể nào quên được, dù mai nầy tôi và Tịnh không có còn gặp nhau!
Ăn xong, tôi cho Thành hay chiều tối Trọng vô rước mình đến nhà Huynh để xem vidéo, đừng đi đâu. Thế là Thành không đi rảo nữa mà về phòng viết thư cho tụi thằng Tiết Ên, Chót Ên bên Mỹ. Không biết nó viết được bao nhiêu thì trời chạng vạng tối, Trọng chỡ chị Yến vào để rước chúng tôi đến nhà Huynh.
Phải công nhận những người qua chung list với Trọng thật là thân thiết, họ về đây cùng lúc, cùng hoàn cảnh, rồi cùng nhau thỉnh thoảng tập họp đông vui. Huynh đến đây cùng với vợ con, nên mướn cái nhà có dư phòng nhỏ cho anh Sa, người cùng quê Trà Vinh chia phòng, để nhẹ đóng tiền nhà. Huynh nhảy ra đi làm sớm, và vốn thích xem phim nên mua được đầu máy xem băng hình trước, từ đó kêu bạn bè đến xem phim. Từ chỗ đó, Trọng rủ thêm tôi và Thành khiến anh em tôi đốt được nhiều giai đoạn trên xứ người trong cuộc sống. Trong lần trước cũng như lần nầy tôi quen thêm được cha con anh Hiệp, vợ chồng Trí, Mai, ngoài gia đình Kiệt, Hường. Riêng Anh Hiệp thì tôi ngờ ngợ với Anh khi biết Anh đã từng dạy ở Trường Bán Công Lái Thiêu, và quê Anh ở Hiệp Bình Xã gần đồng Chó Ngáp trên đường từ Bình Dương về Cầu Bình Triệu. Hỏi ra thì anh cũng chẳng lạ, vì trong mùa Hè đỏ lửa của năm 1972, anh cũng đã từng về công tác ở Trại Tiếp Cư Gò Đậu cùng khu B với tôi. Trong đợt đó, do chiến sự ác liệt dân các vùng cao từ Bình Long, Phước Long, Dầu tiếng, Chơn Thành phải chạy lánh nạn nên tập trung về Bình Dương, do vậy mà Trại Tiếp Cư được thành lập ở Gò Đậu nơi Trung Tâm Huấn Luyện Huỳnh Văn Lương trước kia, khi Trại Huỳnh Văn Lương được dời về Bình Hòa gần Lái Thiêu.
Tôi nhớ có đêm trực rất đông giáo viên, có hai người được kêu tên rất đặc biệt là ông “Hiệp lùn” thuộc nhân sự trường Bán Công Lái Thiêu, người thứ hai là “ông Y” của Trường Trung Học Chơn Thành từ Bình Long dời về vì tên ông chỉ có một chữ “Y dài”. Ai ngờ ông “Hiệp lùn” ấy bây giờ tôi lại gặp trên “đất khách quê người” trong nhà của Huynh. Còn ông Y, tôi chỉ ngờ ngợ là ông Y của Sở Di Trú, sẽ dạy môn “Đời Sống Mới” trong nay mai! Khi nào có dịp tôi sẽ hỏi ông Y ấy xem sao.
Vì chưa biết nên xem phim gì, nên Huynh cũng chưa mướn phim. Khi họp đông rồi mới hỏi ý kiến thì đồng ý nhau là xem phim cao bồi. Trọng lãnh nhiệm vụ chở tôi, Thành, Huynh đến tiệm cho mướn phim để tìm phim. Tiếng Anh của Trọng rất khá, mà lại với khả năng thiên phú về ăn nói, nên ông chủ Tây vui thích nói chuyện với Trọng lắm.
Có lẽ Trí, Mai là người am tường về loại phim nầy nhất. Trí biết nhiều tài tử đóng phim cao-bồi, Trí nói mà tôi đã mê rồi chứ chưa nói đến là xem phim. Coi thì coi, chỉ coi hình mà đoán chứ Tiếng Anh không đủ để hiểu về nội dung, hoặc hiểu hết nghĩa của một câu nói. Tôi nghĩ kiểu nầy chắc mình sẽ gặp nhiều khó khăn lắm trong cuộc sống sắp tới. Ngày nào đó tôi phải hỏi Anh Hiệp xem chuyện đi học lớp Thông dịch của anh như thế nào để mình biết tự sức mình mà lo liệu, hoặc xem mình có đủ sức để theo đuổi không?
Chúng tôi vừa coi phim, vừa chuyện trò đôi khi câu chuyện lại chính hơn là chuyện xem phim. Nhưng trong những câu chuyện đó khiến tôi học được nhiều điều để ứng xử về sau nầy, vì những câu chuyện ấy là những câu chuyện của họ trong việc làm, hoặc thực tế mà họ đã gặp trong đời sống. Thế cũng vui, đi làm khi rỗi rảnh lại họp nhau xem phim, ăn uống; còn các bà cùng nhau nấu nướng; có chuyện kể, trao đổi kinh nghiệm trong việc học từng bước về Tiếng Anh trong trường học hay học lóm những từ ngữ trong các siêu thị mà từng món đồ đều có ghi, mặc dù trong các tờ quảng cáo có đề cập đến nhưng ít ai để ý vì chỉ coi đến giá tiền và hình của món đồ.
Phim chấm dứt, chúng tôi còn ngồi tán gẫu hồi lâu mới “vãn tuồng” để ra về. Trọng và Chị Yến đưa tôi, Thành trở về Pennington rồi mới quay trở về nhà. Thêm một ngày mới qua đi! Bỗng chốc tôi lại nhớ về vợ con mà cảm thấy trong lòng buồn buồn!

Nguyên Thảo,
04/11/2018.



Sunday, October 28, 2018

*Quê Người! (21)


Ở trong trại Tiếp Cư dù chưa lâu, nhưng chưa có gì để làm khiến mình thấy thời gian dài ra, và tôi lại càng nghĩ miên man về gia đình, vợ con: Chắc giờ nầy họ phải chịu nhiều cay đắng đối xử của những người có quyền thế và chủ trương, chính sách của chính quyền một khi gia đình bị xếp vào thành phần có người “phản quốc” vì đi “vượt biên”. Sau mấy năm đi dạy tiếp tục trong chế độ mới, tôi không còn lạ gì với những chính sách ấy. Nhất là trong niên khóa đầu tiên khi tôi phải dạy Sử Địa lớp 9, có nhiều vấn đề tôi không thể hiểu được về “Lý thuyết” nên đã phải cố gắng tìm hiểu, đọc sách về chính trị thật nhiều, và ráng vận dụng kiến thức vốn có về xã hội để hiểu được phần nào kết cấu chế độ mới. Với mỗi lần làm lại lý lịch là mỗi lần nhắc nhở “giai cấp” của mình ở đâu và sự ảnh hưởng đến con cái như thế nào thì tôi lại càng buồn hơn. Bây giờ ở đây, tôi chưa làm được gì cho họ, mà chính bản thân lại càng phải phấn đấu, học hỏi gấp nhiều lần, dù chẳng ai bắt buộc mình cả.
Trời vào Thu thời tiết trở lạnh khá nhiều, những quần áo xin ở Hội ICRA hôm trước không đủ ấm, tôi lại rủ Thông, Kim đi Hội lần nữa để kiếm thêm quần áo ấm cũ để mặc. Ba đứa thả lần ra cổng đi về hướng Hội. Những quần áo cũ lớp thì treo ở trên, nhưng đa số lại bỏ ngổn ngang ở dưới nền thảm. Trong lúc chúng tôi đang lựa tìm kiếm và thử cái nào mặc vừa, thì có một Bà đi vào, bà than phiền ỏm tỏi. Té ra người ta đi lựa quần áo, rồi vung vãi, khiến Bà ta phải luôn xếp lại cho ngăn nắp, nên phải có nhiều bực bội. Bà ấy chỉ làm thiện nguyện ở đây thôi. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được cho mình mỗi đứa vài cái để mặc.
Mọi thủ tục giấy tờ cá nhân của chúng tôi như nhập cư, xã hội, sức khỏe, y tế, ngân hàng đã cơ bản hoàn tất, kể cả vé được đi xe buýt miễn phí nữa. Không ngờ chính phủ lại lo cho người dân chu đáo đến vậy. Cái lạ là những nhân viên thi hành công việc lúc nào cũng vui vẻ, thân thiện, giúp đỡ chứ không quạu quọ, hoạnh họe, làm khó khăn như ở bên mình. Họ tận tình lắm, xong công việc họ lại cám ơn mình khiến mình cũng không thể nào không cám ơn lại họ. Việt Nam mình chắc phải nhiều năm học hỏi mới theo kịp người ta.
Lúc còn bên trại Tị Nạn Sungai Bési có vài người bạn nhận được thư của bạn bè đi định cư trước ở Úc, thư viết họ kể là tha hồ đi xe buýt, mà không phải trả tiền, đi vòng vòng khắp nơi. Bây giờ tôi mới biết, nhưng vì quá e ngại nên không thể lên ngồi trên xe buýt để đi tìm hiểu vì nhiều lẽ: Vừa ngôn ngữ, vì màu da, sắc tộc và nhất là phong trào kỳ thị đang dâng lên. Mình là dân tha phương, ăn nhờ ở đậu, lại mới đến nhà người thì cái gì cẩn thận là hơn. Mình dễ nổi bật trong môi trường đa số là người da trắng. Trong số người tị nạn vẫn có người từ Ba Lan, Tân Cương, Liên Xô, Trung Đông, hay vài xứ khác ở châu Âu, nhưng họ không lạc lỏng vì họ là người da trắng. Tôi vốn đã là nhút nhát cho nên càng bị nhút nhát hơn lên dù bên tôi có nhiều đồng hương, cùng hoàn cảnh. Cũng may tôi đến đây gặp Trọng, chị Yến khiến tôi có phần yên tâm.
Những lớp học Anh Văn trong trại đang dần vào cuối học kỳ nên chúng tôi chưa được tham dự mà chỉ đợi chờ vào học kỳ mới. Trại có nơi sinh hoạt có thể đến đó xem truyền hình, chơi bida. Có nơi huấn luyện võ Thái Cực Đạo do người Việt hướng dẫn. Thỉnh thoảng tôi đến Câu Lạc Bộ chơi vào ban đêm như là giải trí, hay đến người quen nói chuyện chơi. Bác Phương, Bác Vỹ còn thích khám phá nên hai Bác đã kéo nhau đi bộ xuống phía gọi là Port Adelaide, hoặc đi tuốt ra ngoài Chợ Biển.
Mỗi ngày cứ đều đều nhịp độ, hết đi ăn sáng, lại đến ăn trưa, rồi đến ăn chiều. Thành thì năng hoạt động, nên hay đi đây đi đó, lòng vòng tìm người quen nhất là xem những người mới tới có ai quen không, rồi ngồi nói chuyện. Riêng tôi thì lo xem lại mấy từ ngữ Tiếng Anh, viết thư cho gia đình, nhưng chưa biết bao giờ nó mới tới. Viết thư sao mà khó quá, phải tốn rất nhiều ngày để hoàn tất, và xem rất kỹ để tránh sự kiểm duyệt ở Việt Nam mà họ có thể ghép tội đến với vợ con của mình. Tại sao trong xứ Cộng Sản người dân phải bị kiểm soát và e dè nhiều thứ như vậy? Xây dựng con đường theo Chủ Nghĩa tốt đẹp, ưu việt là phải như vậy sao? Tôi không thể hiểu được!
Đến ngày Thứ Năm, tôi lại được tới phiên mình đi khám sức khỏe tổng quát với Bác sĩ Lê Công Phước ở trong phòng Y Tế của Trại. Ông từ ngoài đi vào khám chứ không phải phòng mạch của ông ở trong nầy. Nghe nói ông là một trong vài Bác sĩ người Việt hiếm hoi được xét cho hành nghề ở Nam Úc. Tôi vốn là người yếu đuối, sức khỏe không tốt, nên khi gặp ông tôi đã khai nhiều về tình hình sức khỏe cũng như bệnh hoạn khiến Ông buột miệng “Ở đây không có nói nhiều mà chỉ làm nhiều thôi!” làm tôi hết hứng thú để kể lể cho đến hết cuộc khám. Nhưng cũng từ câu nói đó, tôi mới để ý về cách làm việc nơi quê người.
Vào buổi chiều ngày Thứ Sáu, sau khi ăn xong, Liêm, Kim và tôi đi đến phòng điện thoại dự tính gọi điện thoại cho Ông Bà LaWood để hỏi thăm. Về chuyện điện thoại thì tôi thật là dốt, vả lại tiếng Anh tôi lại không rành nên nhờ Liêm điện hỏi thăm luôn dùm, giống như Liêm đã làm thông dịch khi tạm ngụ qua đêm ở nhà hai Ông Bà lúc ở Kadina.
Về đến phòng thì lại được tin từ Anh Ba Nguyên đến thông báo cùng Bác Phương, Bác Vỹ tối nay ở nhà của anh Sáu Sâu gần đây có anh Nhu, đại diện cho Cộng Đồng người Việt ở Nam Úc muốn tiếp xúc, nói chuyện với những người mới tới.
Gần tới giờ Bác Phương cùng bác Vỹ sang rủ tôi, Thành cùng đi đến nhà của anh Sáu Sâu. Nhà không xa chỉ bước ra ngoài cổng thì đã tới rồi. Tất cả cũng được mười mấy người. Anh Nhu dáng người mập mạp, tươi cười chào đón, xã giao giới thiệu anh là Đại Diện cho Cộng Đồng người Việt tự do ở đây chào mừng những người mới tới. Vì bận rộn công việc nên Anh có cuộc tiếp xúc hơi trễ. Rồi Anh tâm tình về cuộc sống và vài kinh nghiệm để động viên tinh thần cho chúng tôi trên xứ người. Sau đó thì gia đình anh Sáu Sâu có nước trà, bánh ngọt để là đãi khách. Anh Nhu cho biết Anh đang làm cho ngân hàng Tiểu bang là State Bank, nếu sau nầy có cần gì thì đến gặp Anh. Cuối cùng anh phân phát cho mỗi người một bản đồ Nam Úc với nhiều thông tin về các nơi, hay sự kiện quan trọng của tiểu bang trên đó. Nhìn sơ qua tôi thấy hàng chữ: “South Autralia” và hàng chữ nhỏ ở dưới là “The Festival State”. Tự dưng tôi có ý nghĩ liên kết với điều gì đó mà Cô Giang đã “chọc quê” tôi khi còn ở bên trại Sungai Bési là “Mấy ông mà đến Nam Úc giống như đi vào Viện dưỡng lão”. Tuy nhiên, về sau tôi cũng sẽ cố gắng tìm hiểu xem tại sao người ta lại quan niệm như vậy. Tánh tôi có điều lạ là hay thắc mắc, tìm cho ra lẽ; cho nên đầu óc tôi không được thoải mái, lắm ưu tư buồn phiền. Nhưng nó lại là bản chất, khó mà từ bỏ. Không biết đến bao giờ tôi sẽ tìm được sự an nhiên trong tâm hồn. Cũng như trong hiện tại dù chưa làm được gì hoặc lo cho mình chưa tròn, tôi vẫn nghĩ về gia đình con cái, cùng bao nhiêu hậu quả mà họ đành phải cam chịu, hay bị o ép. Không ngờ trên con đường dựng xây một chủ nghĩa tốt đẹp, con người lại bị khốn khổ đến như thế!
Sáng ngày thứ bảy trong buổi ăn sáng Thành dẫn tôi đến bàn của anh chị Kỳ. Chúng tôi cùng ngồi ăn, nhắc lại chuyện ngày xưa. Quả đúng là anh Kỳ của nhà Bác Bảy, chị Liêng Hương, Ngọc Em. Tôi chỉ gặp Anh có một lần vào những ngày đám cưới của Văn, Ngọc Em. Anh về trên Dầu Tiếng với vợ con, nhưng anh vẫn kín đáo ít đi ra ngoài. Xong đám cưới rồi, lâu lắm chẳng gặp nhau cho đến bây giờ: Trong tình cờ chúng tôi lại hội ngộ ở đây. Anh chị qua trước tôi khoảng tháng, từ bên trại Thái Lan. Cuộc tâm tình, hỏi han nhau khá lâu, cho đến khi trong phòng căng-tin thưa bớt người mới từ giả nhau đi. Về đến sân lại họp bạn ở đó, mấy người ở gần quay quần nhau nói chuyện, đùa với những con hải âu. Hải âu ở đây dạn thật, mình chỉ cần cầm đưa miếng bánh mì lên là nó bay đến há mỏ xớt miếng bánh mì mất rồi, còn các con khác la lên rền trời, trông thật là vui. Chim chóc xứ nầy không phải sợ hải, bắn giết như ở xứ mình nên nó thật là dạn, ngay cả những con cu có mồng cũng thường hay lân la dọc theo đường bên cạnh hàng rào của trung tâm. Khi chúng tôi tan hàng sửa soạn vào phòng thì có một anh cầm túi xách ni lông đi ngang qua. Thành vội kêu: “Thầy Hùng”. Anh ấy chợt dừng lại và hỏi chuyện. Thì ra, đó là thầy Hùng ngày trước, sau 30 Tháng Tư 75, thầy từ trong đội ngũ sinh viên được điều động ra dạy học, có về Trường Trung Học Châu Thành xã Tân Phước Khánh. Thầy dạy lớp của Thành nên nó nhớ, và Thầy trò lại gặp nhau. Cũng hỏi chuyện đến đây hồi nào, tình hình vượt biên ra sao, rồi lại từ giả. Trong cuộc đời có lắm những sự tình cờ, khiến mình không thể không ngạc nhiên!

Nguyên Thảo,
28/10/2018.



Wednesday, October 10, 2018

*Chiếc Vỏ Chai!



*Nói Dễ Hơn Làm!

Có những triết lý
Bám sát vào cuộc sống con người
Dựa theo đó, tạo nên đường tốt đẹp
Để đi lên
Xóa bỏ những bất công, áp bức
Mọi con người ai cũng như ai.
Rồi cùng nhau đóng góp
Đem tất cả sức lẫn tài
Tạo nên nhiều vật chất.
Một xã hội dư thừa
Thì không còn đau khổ
Thế giới tiến đến một Thiên Đường!

Nhưng đời không phải dễ
Cũng chẳng một, hai ngày
Cũng chẳng là vũ lực, cùng áp bức
Cũng chẳng là quan điểm, với hận thù
Mà thứ ấy chỉ là
Phương cách để người: “Yên lặng, chịu đựng,
Để trở nên Vô cảm, Chai lì
Rồi “mặc xác” cho những kẻ bề trên!”

Họ trở về sống với bản năng,
Không màng đạo đức
Không cần thiết đường đi hay lý tưởng.
Sống, sống…Chỉ làm sao để sống
Thế cho nên tệ nạn tất xảy ra
Ôi! Một xã hội tan hoang vì “Lạc bước”!

Đồ Ngông,
11/11/2018.



*Chiếc Vỏ Chai!

Nhìn qua ánh sáng
Chiếc vỏ chai trở nên xinh đẹp
Lóng lánh muôn màu như thế giới Thần Tiên
Người ta ước mơ
Và tạo điều hiện thực
Để mọi người hưởng được chốn Thiên Đường.

Họ chui rúc vào trong đó
Xa lìa thế gian và xã hội
Dẫn đoàn người lủ khủ
Rồi cùng nhau lam lụ
Vạch bước kiếm con đường
Kiếm mãi chẳng thấy đâu
Đường lên, xa hun hút…!
Đói khổ,
Lừa đảo
Tham ô
Giành giựt
Cướp nhau
Đời gian nan như “Thực Chất” của con người
Kính Vạn Hoa là ảo tưởng xinh tươi
Họ vẫn tưởng
Con đường chưa đi tới
Mà chẳng nhìn lại
Người theo mình đã “Chết lặng” tự bao giờ
Vì đau khổ, thiếu ăn, bệnh tật
Không còn hơi để thở hay than
Dù Lý Tưởng có là “Hư” hay Thực”!

Đồ Ngông,
11/11/2018.



Wednesday, September 19, 2018

*Đường Đến Băng Hà! (13)


Cái cảm giác “Chợt bừng lên” ấy làm tôi nghĩ đến chuyện Từ Thức lạc vào cõi tiên: Chắc Từ Thức cũng phải sững sờ trong cái đẹp lộng lẫy đó. Tôi nhìn lại đồng hồ thì đúng là 9 giờ 45, như vậy du thuyền đi đúng với lịch trình ghi sẵn. Người Tây Phương có khác, họ thường chính xác với giờ giấc, không lề mề, lễ mễ để thời gian bị co giãn giống như nhiều người khác, nhất là trên dịch vụ làm ăn, hay kinh nghiệm đường đi của vị thuyền trưởng trong nhiều năm. Tàu đang ở trên vị trí cuối cùng của vịnh Tarr Inlet, và chúng tôi đang đối diện với Grand Pacific Glacier.
Grand Pacific Glacier

Du khách đổ xô lên boong tìm nơi cao, dễ quan sát nhất để nhìn quang cảnh, hay chụp hình. Tuy vậy chẳng có cảnh chen lấn nào, đôi khi họ lại lịch sự hơn là nhìn lại phía sau xem có cản hay che tầm nhìn của người khác hay không. Lắm lúc có vài người chạy trốn hay đi xuống khu vực thấp hơn, như cái ban-công dưới kia đang đầy người, vì do gió lạnh. Ai cũng muốn cho mình có những hình ảnh hoặc những đoạn phim ấn tượng về nơi nầy. Người ta đã tốn nhiều tiền đi máy bay, phải cực nhọc trên cuộc hành trình, bỏ nhiều ngày lênh đênh trên biển để đến nơi nầy. Không lẽ đến đây rồi mà lại về không với vài ký ức, cho nên chuyện chụp hình, quay phim trở nên thông dụng, đôi khi “selfie” là cần thiết. Tôi cũng thử làm vài cái “Tự sướng” coi khả năng của mình tới đâu. Tự dưng tới đây tôi lại bực cười với từ ngữ “Tự sướng”. Không hiểu người đặt ra từ ngữ đó theo kiểu thời thượng hay có đầu óc tiếu lâm để xài từ “Tự sướng” thay vì “Tự chụp”. “Selfie” có lẽ phát xuất từ “self photo” mà ra. Nhưng dù sao “Tự sướng” cũng đưa ta đến cái ý nghĩ ngộ nghĩnh, và đầu óc hơi đen tối một chút, cũng vui!
Trước mặt chúng tôi là băng hà Grand Pacific, lưỡi băng hà đổ xuống nước, nhưng vì du thuyển đã dừng lại từ nơi xa nên không nhìn thấy gần hơn nữa được, cho nên cái độ dơ của nó tơi đâu thì không biết được. Nhưng cái mùi ngay ngáy, hôi hôi của vùng đồng nội bốc lên, tôi nhìn về một góc của băng hà Margerie thì thấy có khoảng đen như băng có trộn với bùn. Băng hà Grand Pacific nằm giữa hai dãy núi và ngay trước mặt nên dễ nhìn thấy cái dáng dấp đẹp của nó, và hiện rõ lên nền trời xanh. Nó là băng hà rộng khoảng 3 cây số, cao chừng 20 m. Theo người ta ước lượng dài hơn 50 km và di chuyển chừng 30 cm đến 1.2 m mỗi ngày. Dù nó lớn nhưng khách tham quan không để ý đến nó là bao nhiêu, mà người ta lại quan sát nhiều đến lưỡi băng hà Margerie, điều dễ hiểu là vì lưỡi băng hà nầy kế cận với du thuyển.
Tidewater Margerie Glacier.

Tàu bắt đầu quay ngang, trở đầu. Ở trên boong cao giờ nầy gió tương đối khá hơn, tôi nghe lạnh đành chạy xuống ban-công phía dưới cùng với mọi người. Nhìn trên mặt nước của vịnh vẫn im lìm không thấy một con cá voi hay thú vật nào ngóc đầu lên cả. Trên đường di chuyển tôi lại gặp cô nàng người Hoa gốc Đài Loan có chồng người Hoa sinh ra ở đảo Madagascar, định cư ở Toronto mà tôi đã gặp ở phòng ăn vào ban sáng. Chúng tôi lại nói chuyện với nhau hồi lâu, rồi đường ai nấy đi. Tôi đi vòng qua khu đông người đang nhìn vào lưỡi băng hà Margerie. Đến đó cũng tìm góc cạnh để chụp hình cái vách băng hà đang vươn mình lên trên mặt nước. Nó sừng sững như một bức tường trắng xóa, bề ngang người ta ước chừng hơn 1.5 km, cao khoảng 80 m. Băng hà nầy theo nghiên cứu của những nhà quan sát thì nó dài trên 30 km, mỗi ngày di chuyển từ 1.8 m đến 2.4 m, cho nên ở bức tường băng trắng hơi xanh xanh đó có hiện tượng lỡ, đổ xuống. Thỉnh thoảng ta nghe tiếng ầm ầm mỗi khi vách băng đổ xuống mặt nước. Không biết băng hà từ lúc thành tựu di chuyển đến lưỡi băng nầy là bao nhiêu năm, nhưng trên bề mặt vẫn lởm chởm, không bằng phẳng, và khi nó bị vỡ ra đổ trên mặt nước thì nó vẫn xốp, bể ra từng mảng nhỏ chứ không nguyên khối. Những tan vỡ đó nổi lềnh bềnh trên mặt nước, trôi theo dòng giống như nước được điểm tô thêm những hoa trắng thật đẹp.
Hoa bang tren Vinh.

Hồi tôi học ở trong trường về băng hà chỉ biết về băng hà thuộc đất liền, chứ không học về băng hà trên mặt nước mà trong tiếng Anh người ta phân biệt “Tidewater glacier” và “Terrestrial glacier”.
Terrestrial Glacier.

Đến nay, trong chuyến du hành nầy lần đầu tiên mới thấy, biết đến băng hà và cả hai loại của nó. Không biết những du khách khác cảm thấy thế nào, chứ riêng tôi chuyến đi nầy mang đến cho tôi nhiều giá trị: Vừa kiểm nghiệm, vừa thấy biết, vừa để suy tư. Vì vậy, khu Vịnh Băng hà nầy được xem là khu Bảo Tồn Sinh Quyển lẫn Di Sản của Thế Giới cũng phải, vì nó vừa là Quê hương của người Huna Tlingit, vừa là nơi tập hợp cả 1750 băng hà với cả 2 loại: Trên cạn và dưới nước. Nó cũng giống như một phòng thí nghiệm thiên nhiên để người ta nghiên cứu về tự nhiên, địa lý và khoa học, cùng với 160 loài cá, 274 loài chim, 41 loài có vú và bò sát 2 loài.
 Du thuyền dần quay đầu trở ra, mặc cho du khách tha hồ nhìn ngắm, chụp hình, quay phim, làm duyên làm dáng với những bôi hình kỷ niệm. Họ tha hồ chụp với những máy hoặc mobil phone. Tàu ở đó khoảng 1 tiếng đồng hồ, đến 10 giờ 45 thì chạy chầm chậm đi ra, dường như nó cũng lưu luyến không muốn rời. Chỉ trong đoạn ngắn vài cây số cũng phải mất cả tiếng đồng hồ. Rồi nó lại đến Johns Hopkins Inlet để du khách nhìn ngắm thêm vài băng hà nữa như Lamplugh, Reid glacier. Xong tàu bắt đầu tăng vận tốc để chạy ra vào lúc 12 giờ. Như vậy là “Đường Đến Băng Hà” của tôi, tương đối như hoàn thành, nhưng duyên nợ nầy tôi phải hoàn tất với con tàu du thuyền Princess cho lúc về đến Vancouver trước khi từ giả nó.

Mot canh bang ha.

Ở băng hà dưới nước nầy, dù chúng không có những băng sơn lớn tách ra từ vách thành bề mặt của dòng sông băng mà chỉ là những mảng nhỏ nổi lềnh bềnh trên mặt nước như những bông hoa tô điểm cho vùng nước trong vịnh thêm phần ngoạn mục; nhưng chúng cũng cho tôi một ít kiến thức liên tưởng đến những vùng băng hà to lớn, lâu năm hơn khi phần lưỡi của nó lấn dần ra biển, rồi do những điều kiện thời tiết, sóng, gãy nứt tách ra và trôi giạt trên biển thành những băng sơn để đến đổi chiếc tàu mà người ta tin tưởng là “Usinkable” như Titanic phải bị nhấn chìm, làm thiệt mạng 1513 người vào ngày 15 tháng Tư năm 1912, trong chuyến đi đầu tiên từ Anh sang New York của Hoa Kỳ.
Chiếc du thuyền rời vùng vịnh bỏ lại các băng hà và những ngọn núi đẹp đẽ “Snow cap” của miền lạnh lẽo và trở ra ngoài. Mọi người lại kéo nhau rời boong hay vị trí để trở vào phòng ăn “kiếm cái gì lót bụng”. Chúng tôi vừa ăn vừa nhìn phong cảnh hai bên với những khu rừng bạt ngàn bên bờ sông càng ngày càng mở rộng cùng những ngọn núi đầy tuyết lại nhô lên trong khung trời quang đãng. Theo dự trù tàu sẽ ra đến cửa vịnh Barlett Cove vào lúc 2 giờ 45.
Ăn xong, chúng tôi lại ai về phòng nấy để lấy lại sự ấm áp và nghỉ ngơi, bù lại sự tổn hao mà cơ thể đã cố gắng chịu đựng từ lúc 6 giờ sáng chỉ nhằm thỏa mãn “óc tò mò và sung sướng cho mỗi cặp mắt” mà thôi! Thế mà nằm không bao lâu, tôi và Anh Thới lại chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Đến khi thức dậy thì đã gần đến giờ ăn ở nhà hàng Botticelli. Đúng vào lúc đó Anh Hiệp gọi đến rủ đi xuống nhà hàng. Cả bọn chúng tôi cùng nhau kéo đi luồn trong deck 7 để đi về cuối tàu vì nhà hàng ở cuối của deck 6. Người đứng xếp hàng khá đông, còn khoảng 15 phút nữa mới tới giờ mở cửa. Ở chỗ ăn nào cũng vậy, trước khi vào cửa đều phải lấy nước sát trùng xoa vào tay. Cái thủ tục ấy là an toàn cho mọi người trên tàu. Kỹ cũng là tốt thôi!
Ngồi vào bàn thì mới thấy bàn của mình hôm nay vắng đi vài người, và nhìn vào mấy bàn bên cạnh cũng có vắng đi vài chỗ. Chỉ vài hôm mà có người đã ngán thức ăn rồi. Ngày nào cũng ba bữa ăn, dù thức ăn có thay đổi nhưng ăn hoài người ta đâm ngán, cái ăn giống như là miễn cưỡng. Chị Hiệp bây giờ lại thích ăn rau cải hơn là các món ăn chính.
Biển ở vùng nầy tương đối yên lặng, cảnh trời chiều nhìn mãi cũng quen đi, nên nó không còn hấp dẫn nữa. Chúng tôi chỉ ngồi trong Horizon Court để trò chuyện, thỉnh thoảng nhìn trời trăng mây nước trước khi chia tay, ai về phòng nấy nghỉ ngơi để lấy lại sức cho ngày mai. Vì phòng ở đây không rộng rãi cho chuyện họp bàn, mà nó lại nằm bên trong, nếu không có đèn thì lại là tối thui!
Xong chúng tôi chia tay. Khi về phòng thì đã có “bản tin” mới cho biết là ngày mai sẽ đến Juneau là Thủ phủ của Tiểu bang Alaska và được lên bờ tham quan ở đó. Mọi du khách chìm vào sự nghỉ ngơi, nhưng tàu vẫn phải đi, đi kể cả ngày lẫn đêm!

Nguyên Thảo,
20/09/2018.



Saturday, September 8, 2018

*Tôi Tự Trói Chân Tôi!


Tôi tự trói chân tôi
Với dây xiềng vĩ đại
Chân lê từng bước nặng nề trên nền đá chông gai
Tôi hổn hển nhường đường cho người lên trước
Thế mà tôi vẫn nghĩ
Tôi là kẻ bao giờ cũng đều thắng cuộc
Đứng trên cao hơn hẳn cả mọi người
Tôi tự mãn
Mình đi trên con đường sáng tạo
Đầy vinh quang, hạnh phúc nhất về sau.

Rồi một ngày
Tôi cảm thấy cô đơn và lủi thủi
Nhìn lại mình, mình đã chẳng giống ai
Những kẻ theo mình mệt mỏi thở dài
Đời khốn khổ quả là như thật!
Sao lại thế,
Đường đã chỉ
Hạnh phúc nhất thế gian
Đời vui sướng muôn người như một
Không ai hiếp đáp, dư thừa vật chất
Làm không nhiều mà hưởng biết bao nhiêu
Một mai kia dân trí lên cao
Không có kẻ cầm quyền áp bức
Rồi xã hội là một nguồn tự quản
Người chung vui trong một cõi Thiên Đường!
Tôi nhìn tôi
Trong gương, vào một buổi sáng: “Tôi mơ!”

Đồ Ngông,
09/09/2018.



*Quê Người. (20)


Sau hai ngày đi xa với nhiều mệt mỏi nên đêm hôm tôi và Thành được một giấc ngủ say. Hai anh em ngủ đến khi Bác Vỹ gõ cửa phòng rủ đi ăn sáng mới giật mình thức dậy. Chúng tôi lật đật đi vệ sinh cá nhân, thay quần áo trong khi Bác Vỹ và Bác Phương về phòng chờ. Rồi bốn người vừa đi lên căng-tin vừa bàn về chuyến đi vừa rồi. Nhận xét có nhiều cái riêng bổ túc cho nhau thật là thú vị. Và ít ra chuyến đi ấy cũng giúp cho chúng tôi được nhiều trải nghiệm về cuộc sống trên xứ Úc, để từ đó làm hành trang cho nơi “Đất khách, Quê người” mà chúng tôi đã chọn làm quê hương thứ hai.
Thường thì các buổi ăn sáng đầy đủ người trong trại nên rất đông, vì vậy một người đi chọn bàn và ba người kia đi lấy thức ăn; đến khi có một người xuống giữ chỗ thì người kia mới đi lấy thức ăn cho chính mình. Nhưng đôi khi không còn bàn trống, thì đành chịu rẽ ra ngồi riêng với những người lạ. Nhưng trong cùng hoàn cảnh thì rồi ai cũng sẽ trở thành người quen.
Hôm nay chúng tôi được báo trước khoảng 11 giờ từ dưới Hội Phụ Nữ Đông Dương của Bà Sơ Nghĩa sẽ cho người đến rước xuống đó ăn “phở” do chính Bà Hoa, tức là chị ngày hôm qua đi xe lên mời chúng tôi, nấu. Nghe đến món “phở” tự dưng nghe lòng mình ấm lại, trong khi nhiều người ngạc nhiên: “Ở đây cũng có phở nữa à!”, nghe nó vẫn có một chút gì là của quê hương! Sự bồi hồi, bùi ngùi dâng lên trong lòng tôi thoáng chốc khi mình nhớ mình là người đã “phải từ bỏ quê hương” để làm kẻ “lưu vong” không biết đến khi nào.
Ăn sáng xong, tôi và Thành lại trở về phòng Bác Vỹ, Bác Phương nói chuyện dông dài về chuyện ngày xưa, chuyện vượt biên, rồi định hướng cho tương lai. Nhưng về tương lai thì còn quá nhiều mù mờ, và cái trước mắt là tự lo cho mình và vấn đề bảo lãnh vợ con. Tôi, Bác Vỹ, Bác Phương đều là những người đi vượt biên đơn lẽ, thì tất còn phải chờ đợi khá nhiều về giấy tờ từ bên gia đình gởi sang. Mọi việc bây giờ đều phú cho số mệnh. Cái “Số Mệnh” đó, có lẽ những người nào đi vượt biên đều cũng có thể cảm nhận được không nhiều thì ít, và tùy theo tôn giáo mà người ta đặt lòng tin vào tôn giáo ấy. Dông dài chẳng bao lâu thì được tin có xe từ Hội Phụ Nữ lên rước. Đi bằng xe con gồm chừng bốn xe chở một lần được bốn người, nên mỗi xe đi phải hai lần vì khoảng cách chẳng là xa bao nhiêu cỡ chừng 3 cây số thôi.
Trụ sở Hội ở ngay góc đường nên dễ thấy. Đó là ngôi nhà cho thuê, Hội mướn để lấy chỗ làm việc. Hội có một số nhân viên làm việc trong Văn Phòng, và một số người phụ trách giữ trẻ để cho phụ huynh nào bận rộn đem gởi con cái nhằm có thể đi học hay lo công việc được. Hội điều hành do một Bà Sơ có tên là Nghĩa và người ta thường nói tắt lại là “Hội Phụ Nữ của Bà Sơ Nghĩa”; Và chị Hoa nấu phở hôm nay không biết có phải là Hội Phó hay không, nhưng chị là người phụ trách nhóm giữ trẻ của Hội.
Khi chúng tôi đến đầy đủ thì bàn ghế, tô dĩa cũng sẵn sàng. Cứ xách tô đến thì chị Hoa và những người giúp, phụ trách làm cho một tô phở nóng hổi, rồi đến ghế ngồi bên cạnh bàn với đầy đủ rau, giá, tương ngọt cùng ớt cay. Không ngờ ở đây cũng có giá sống, ớt cay. Thế mà ở Việt Nam tôi cứ nghĩ là chỉ có miền nam mới có giá sống không thôi, cho nên người dân mới nói “người Bắc ăn rau muống, người Nam ăn giá sống”. Thì ra, có đi ra ngoài mới thấy không phải cái gì cũng là của riêng mình. Văn hóa, ẩm thực cũng là một quá trình giao lưu!
Ăn xong, Bác Phương tiên phong đi rửa tô trong bồn (sink), tôi theo phụ. Khi tôi lau thì có một Bà đi xuống, Bác Phương biết và chào, thì ra đó là Bà Sơ Nghĩa. Bà nhìn thấy chúng tôi rửa tô kỹ quá theo kiểu như lúc ở Việt Nam, thì Bà cho biết là xà-bông rửa chén làm bằng chanh, nó có tính chất sát trùng do đó mình rửa sơ xong đưa qua bồn xà bông, rồi đem ra lau chứ không xả nước làm sạch hết xà-bông như ở bên mình. Thế là tôi học thêm một điều mới, nhưng còn nhiều bọt xà-bông tôi và Bác Phương vẫn còn lắm e ngại.
Trước khi đi về nhóm nhờ Bác Phương đứng ra đại diện cám ơn Hội, Bà Sơ Nghĩa, Chị Hoa đã ưu ái cho nhóm một bữa ăn để nhớ Việt Nam, rồi nhờ người đưa về Trại Tiếp Cư. Nhìn thấy như vậy, trong lòng tôi tự dưng cảm phục Bác Vỹ quá chừng chừng! Từ lúc ở trại Sungai Bési được Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ (thay thế Hội Hồng Thập Tự ỏ các xứ Hồi Giáo, vì Thập Tự là dấu hiệu của Thiên Chúa Giáo) cho xe đưa chúng tôi ra phi trường Kuala Lumpur của Mã Lai để trên đường sang định cư bên Úc thì tôi đã quen với Bác Vỹ. Ngồi nói chuyện mới thấy Bác khiêm tốn, không tranh giành dẫn đoàn dù Tiếng Anh của Bác rất khá. Rồi lại đến khi những người vào Trại Tiếp Cư Pennington gọi Bác là “Trung Tá” thì Bác ôn tồn bảo: “Thôi gọi tớ bằng anh được rồi, đừng gọi tớ bằng Trung Tá, vì bây giờ tớ cũng bao nhiêu người khác, cũng lãnh thất nghiệp như ai”.
Về đến Trại còn kịp giờ ăn trưa ở căng-tin, nên chúng tôi tắp vào ăn thêm trước khi về phòng nghỉ ngơi. Tôi về thẳng phòng lấy những tài liệu tiếng Anh ra xem để nhớ được chữ nào hay chữ nấy, chứ không biết là sách học Tiếng Anh qua Tiếng Việt có bán ở đây hay không. Khi ở Trại Tị Nạn nhiều người đi trước gởi thư cho bạn bè cho biết là sách rất hiếm trên xứ người, họ kêu ở Trại Tị Nạn nên chuẩn bị cho kỹ. Tôi đã dành nhiều thì giờ cho điều ấy. Ngẫm nghĩ tôi lại tức cười: Ở trên quê hương mình, mình cũng đâu đến đỗi tệ, thế mà lại chạy đến xứ người để ăn nhờ ở đậu, phải học lại từ đầu từ ngôn ngữ cho đến nhiều thứ khác. Bây giờ quả thật mình giống như thằng bị câm, điếc lẫn què. Vì đâu nên nỗi? Câu hỏi nầy quả thật khó trả lời cho chính xác. Rồi lại đến: Tại sao hồi chiến tranh ác liệt nhất người ta chẳng bỏ xứ ra đi, khi người Cộng Sản thống nhất đất nước, đem lại hòa bình thì bao nhiêu người lại ra đi. Quả là một điều trớ trêu và nghịch lý! Tôi không sao mường tượng ra được! Và người Cộng Sản có cảm nhận được điều ấy không?
Không biết tôi ngủ tự lúc nào, đến khi Thành kêu tôi dậy đi ăn chiều thì tôi mới dậy, nhưng vẫn còn nhiều mệt mỏi. Thành cho biết là đã gặp Anh Kỳ nào đó, hồi trước ở Dầu Tiếng và biết tôi, biết cả anh Văn nữa. Tôi ráng moi lại ký ức là anh Kỳ nào, không lẽ lại là anh Kỳ con của Bác Bảy nhà chị Liêng Hương, Ngọc Em mà tôi Ẩn, Văn, Vui, Các ăn cơm tháng khi còn đi dạy trên ấy. Nhưng thôi để hôm nào gặp sẽ hay. Không ngờ cách nay lại là gần 15 năm. Thời gian đi qua nhanh quá!
Vào buổi ăn ở căng-tin tôi hi vọng Thành sẽ gặp anh, chị Kỳ để chỉ cho tôi, nhưng không thấy. Giờ nầy đông người, nên bàn không còn, tôi Thành phải ngồi ké vào bàn của cô Ái và chị Nhi. Trong khi ăn thì được biết là có thông báo “list” chúng tôi sẽ được khám sức khoẻ tổng quát vào thứ năm tuần nầy, nhưng theo thứ tự theo danh sách. Tôi thuộc danh sách vào ngày sau. Bác sĩ khám là Bác Sĩ Lê Công Phước.
Khi về phòng thì Anh Nguyên ghé qua phòng Bác Vỹ, Bác Phương chơi. Tiện thể tôi và Thành cũng vào uống trà trò chuyện. Ngồi bàn tính chuyện sắp tới, chuyện học hỏi trên xứ người. Đối với mình cái gì cũng lạ cả. Cái nếp sống Á Đông không giống nhiều với lối sống của người Tây Phương, nên khiến mọi người phải chú tâm mà thích ứng về sau.
Nửa chừng thì Trọng lái xe vào ghé thăm, Trọng đem theo cho tôi và Thành mấy gói thuốc lá hiệu Winfield đỏ để hút chơi. Ngày mai Trọng nghỉ không làm, nên rảnh rỗi. Chị Yến thì không khoẻ nên không đi cùng. Chúng tôi ngồi nói chuyện cũ, chuyện mới khá lâu, đến hơn 10 giờ Trọng mới về.
Thành thì lấy giấy viết thư cho bạn bè ở bên Mỹ, còn tôi thì lật lại mấy từ ngữ tiếng Anh đã ghi chép được ở bên Trại Tị nạn để xem, vì bây giờ nó trở nên cần thiết cho mình khi mình bắt đầu một cuộc sống mới trên xứ người. Sự nỗ lực của tôi phải gấp nhiều lần vì ngoại ngữ mà tôi học lúc ở Bậc Trung học đã là Pháp Văn, và Anh Văn chỉ là Sinh ngữ phụ nên vốn từ ngữ tôi chẳng có được bao nhiêu. Đến bây giờ mới thấy ngôn ngữ thật là quan trọng. Tôi lại nhớ đến ngày vào phòng tối của một lớp nhiếp ảnh ở Hội Việt Mỹ, ông bạn già cãi với một cô trẻ bằng Tiếng Pháp; tôi buột miệng đùa: Hai người bây giờ cãi bằng Tiếng Tây đó à?, làm ông bạn già tôi ngần ngại một lúc. Sau đó, ông nói một câu mà tôi mãi nhớ đến tận bây giờ: “Mình biết thêm một ngoại ngữ, giống như mình có thêm được một con người nữa trong mình, có lợi lắm”. Ngày trước tôi học ngoại ngữ chỉ như là các môn học phải học, chứ không có ứng dụng, thực hành. Học để biết, để thi; chứ không phải là đáp ứng cho tương lai hay làm phương tiện để học những kiến thức qua những sách vở ngoại văn, nên sự học không tiến được tới đâu, nhất là trong môi trường trên xứ sở của mình mà chúng tôi lại là những đứa học trò nơi miền quê, dân dã.
Nhưng dù sao, bây giờ chúng tôi vẫn còn nhiều may mắn vì còn có nhiều người đến trước. Số người Việt tương đối khá đông, có nhiều người chẳng biết bao nhiêu Tiếng Anh vẫn đi làm với nhiều người Việt khác cùng chung nhóm. Trọng nói: Có nhiều người đâu biết Tiếng Anh mậy, nhưng người nào biết nhiều thì giảng, chỉ lại cho người biết ít, thế nên mấy thằng chủ không có gì phàn nàn. Mình đi làm mướn mà, đâu cần biết nhiều Tiếng Anh. Ở Tiểu bang nầy, đa số là làm công trong các nông trại, vườn cây trái trên núi. Có nhiều người trước kia ở Việt Nam là thầy chú, doanh nghiệp đến đây thì họ cũng phải lăn xả vào công việc làm mướn để kiếm tiền, rồi từ từ sau đó mà mỗi người chọn hướng con đường để họ tiến lên! Còn một số thanh niên dễ xin việc hơn thì họ làm trong các hãng xưởng, công việc có nhiều ổn định, cuộc sống khá an nhàn!

Nguyên Thảo,
06/09/2018.



Monday, August 27, 2018

*Viết Về Xứ Búng.


Xứ Búng không xa làng Tân Khánh của tôi là bao nhiêu, chỉ khoảng 8 cây số. So đường cũ ra Bình Dương thì cũng vậy nếu băng thẳng qua đường sân bay. Nhưng từ khi quân đội Mỹ chặn sân bay để làm căn cứ Sư Đoàn 1 Không Kỵ (khoảng giữa những năm 60) thì đường qua vườn Bà Đôn, Sân Bay được thay thế bằng đường tẽ sang miễu Hoa San (vì chị Hoa San bị tai nạn chết tại ngã ba đó), rồi chạy về Bình Quới nên đường ra Bình Dương kéo dài thêm 2 cây số. Nói như vậy, Tân Khánh có khoảng cách ra Bình Dương hay Búng tương đương với nhau. Nhưng ra Tỉnh thì chúng tôi hay đi, còn ra Búng thì thỉnh thoảng thôi. Tuy nhiên, về sau tôi vẫn có vài thời gian gắn liền với Búng một cách thân thiết: Vì tôi đã học và đã đi dạy ở đó được vài năm.
Cái điều mà xứ Búng được đưa ra thành vấn đề “thắc mắc” nhất là: “Tại sao mà Trường Trịnh Hoài Đức, lúc ấy là Trường Trung Học Công lập duy nhất của Tỉnh Bình Dương, không được đặt tại Tỉnh lỵ mà lại đặt ở một xã như xứ Búng”? Tôi thì không hiểu nhiều, vì có lần tôi đã thổ lộ ý mình là từ ngày thi vào bậc Trung học, tôi không có may mắn đậu vào Trường mặc dù tôi rất muốn. Thế mà sau những năm đi học “vòng vo” đến năm lớp Đệ Nhất (lớp 12 sau nầy) tôi được về Trịnh Hoài Đức để học năm cuối, chỉ vỏn vẹn 1 năm. Nhưng trong bài nầy tôi sẽ viết về Xứ Búng theo cái ký ức mà tôi đã biết.
Lúc còn nhỏ lắm tôi không nhớ là từ lúc nào, có lần má tôi dẫn tôi ra chợ nào đó mà tôi không biết, khi ấy gia đình ba má tôi chắc còn ở trong Vĩnh Trường chứ chưa dời về chợ Tân Phước Khánh. Tôi chỉ mang máng là lúc còn ở chợ thì có tiếng súng nổ nhiều như là hai bên Tây và Việt Minh đụng trận nhau ở đâu gần gần. Má tôi có hỏi ông xe ngựa nên về hay không, ông cũng ngần ngừ: Không biết nên về hay không? Cuối cùng thì bao nhiêu người đi xe ngựa đều nói: Thôi đi về đại. Thế là mọi người cùng đi về. Khi xe đi lên dốc kế bên gò mả người ta thấy nhiều xác nằm chết trên một cái mả cao nhất. Hình ảnh ấy in vào đầu óc non nớt của tôi, đến đỗi về sau tôi không biết là hình ảnh ấy ở đâu, có lúc tôi lại tưởng là tôi nằm mơ, tôi cố tìm hình bóng đó trên đường ra Thủ Dầu Một hay Bình Dương về sau, vẫn không thấy hình thực của nó.
Rồi thời gian qua đi, đến khi tôi thi rớt vào lớp Đệ Thất ở Trường Trịnh Hoài Đức theo lẽ thì học lại ở Trường Tiểu học Tân Phước Khánh để năm sau thi lại. Nhưng vì bao nhiêu người nghĩ rằng Hiệu Trưởng Trịnh Hoài Đức là ông Trương Văn Di vừa là Hiệu Trưởng Trường Tiểu Học Cộng Đồng Dẫn Đạo Búng lại là Hiệu Trưởng Trường Trung Học Công Lập Trịnh Hoài Đức thì học trò Trường Cộng Đồng sẽ dễ đậu vào trường Trịnh Hoài Đức hơn. Do vậy ba tôi từ khi ra Phú Lợi làm thuốc (trồng thuốc lá) ở đất của Dượng Năm tôi là Ông Năm Khứa, có quen với Bác Chín Vô (Ba nhà giáo Kim Long), hình như Bác làm Giám học ở trường Cộng Đồng thì phải, để nhờ Bác xin cho tôi được học ở trường Cộng Đồng. Thế là từ đầu năm học, tôi được ra Búng để học ở Lớp Nhất Tiếp Liên với Thầy Nguyên có tiếng là nghiêm túc và dạy giỏi. Ở Trường Cộng Đồng có những giờ Chăn Nuôi, hay học nghề Thủ Công như dệt vải mà khu học đó ở phía bên kia đường. Nhưng năm nầy chúng tôi không học được nhiều như những khóa trước. Theo lời những người bạn cùng quê như Thái Văn Tâm, Lưu Văn Hòa, Trương Văn Lập … học trước thì họ học được rất nhiều thứ. Mỗi lần gặp nhau họ kể nghe mà mê. Sở dĩ, họ ra ngoài Búng học từ lâu là vì khi Trường Tư Thục Cây Gòn của Thầy Khai bàn giao lại cho Chính phủ để mở Trường Sơ Cấp Công Lập Tân Phước Khánh (tức là chỉ đến Lớp Ba) thì họ không học ở Tân Khánh mà xin ra Búng học, còn một số ít thì đi ra Trường Nam Châu Thành ở ngoài Tỉnh lỵ. Tôi lúc đó dù nhỏ con nhưng cũng cỡi xe đạp đi hàng ngày ra Búng với các anh Năm, Sợi, Huệ, Son … Với những ngày có buổi chiều học môn Cộng Đồng thì chúng tôi phải “dỡ cơm” theo ăn trưa. Buổi thì ăn ở khu bên kia đường của Trường; có ngày đi tắm rạch với dòng nước trong, nhưng đầy rong; có buổi thì ăn tại trường hay lớp. Sau nầy tôi mới biết sự thành lập Trường Cộng Đồng Dẫn Đạo Búng, là trường học dạy theo lối mới của mô hình bên Mỹ, lúc ấy toàn Miền Nam chỉ có hai trường làm thí điểm: Một là ở Búng, hai là một trường nữa hình như ở Qui Nhơn thì phải. Và Trường Sư Phạm đào tạo Giáo viên cho mô hình đó là Trường Sư Phạm Cộng Đồng ở Long An. Vì vậy từ Trường Sư Phạm cho đến Trường Thí Điểm đều nằm ở khu có thể cho Nông Nghiệp lẫn Chăn Nuôi và Ngư Nghiệp. Nhưng địa điểm thích hợp cho mô hình đó ở tại Bình Dương có thể được nghiên cứu là ở Búng.
Khi ra học ở Búng, chúng tôi phải đi qua nhiều đoạn đường khá vắng, nên lúc nào đi một mình đến những khoảng vắng đó tôi phải đạp xe chạy thật nhanh vì sợ ma, hay sợ cọp. Ở Tân Khánh ra khỏi cống ông Huyện thì đến khu rừng cây Chàm cho đến gần Bình Chuẩn, rồi ra khỏi Bình Chuẩn là khoảng đồng vắng đến tận Thuận Giao. Từ Thuận Giao tới khu rừng chồi ra đến Hòa Lân và đổ dốc dài mà một bên là gò mả lớn. Xa trong kia có một cái mả cao lên, lúc đó trong đầu óc tôi mới loé lên hình ảnh của quá khứ hiện về: Thì ra ở cái mả đó mới chính là nơi xảy ra chiến trận thuở tôi còn thật là bé. Như vậy là tôi đã có lần được má dẫn ra xứ Búng nầy rồi mà tôi không chắc, đôi lúc tôi lại tưởng nó chỉ trong cơn ác mộng vào lúc bị bệnh mà thôi!
Lúc đầu tôi nghĩ sẽ học ở Búng trọn năm, nhưng chưa đầy một tháng thì vào một buổi trưa nhóm Tân Khánh chúng tôi tụ tập ăn cơm, nghỉ trưa để chiều học giờ Cộng Đồng thì Anh Năm, Sợi, Huệ không biết nghe tin từ đâu cho hay: Nghe người ta nói Ông Luật Sư Dân Biểu Quốc Hội Trần Văn Trai của xã An Mỹ đang vận động biến Trường An Mỹ thành chi nhánh của Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức, tin đó được chắc chắn lắm. Thế là mấy ngày sau, mấy anh ấy tính đến chuyện bỏ học ở Trường Cộng Đồng để về học Trường Tư An Mỹ cầu may, mong nếu đúng như vậy thì mình học khỏi phải tốn tiền. Quả thật mấy ngày sau mấy ảnh bỏ học lần lần, tôi lại về xin ba tôi đi theo.
Khi về An Mỹ học Trường Tư Thục chưa đầy tháng, có tin từ bên Tân Uyên đang tuyển thí sinh vào trường Trung Học mới cho Tỉnh Phước Thành, không biết ba tôi hay tin như thế nào đó cũng đã đi theo Năm, Huệ, Sợi, Son nộp đơn thi cho tôi rồi. Thế là đến ngày thi, tôi cũng đi và giai đoạn bốn năm sau tôi gắn liền với ngôi trường mới của Tỉnh Phước Thành ấy. Và ngay trong thời điểm đó, trường chi nhánh Trịnh Hoài Đức được thành hình tại xã An Mỹ với số học sinh là nhóm đậu dự khuyết từ danh sách kết quả vừa qua, nếu tôi nhớ không lầm thì có cô Oanh làm Giám Thị kiêm Giáo Sư môn Nữ Công Gia Chánh; còn Trường Tư Thục vẫn là Trường Tư Thục. Như vậy lúc ấy tại Bình Dương đã thành hình đến hai trường Trung Học Công Lập, lúc đầu chỉ mang danh nghĩa là Chi Nhánh (Ấy là công sức của Ông Dân Biểu Luật Sư Trần Văn Trai). Và đến bốn năm sau tôi lại xin chuyển về Trường An Mỹ thì tại đây đều có Trường Tiểu học, một trường Trung Học Công Lập và một Trường Tư Thục song hành.
Viết vòng vo như để kể về một vài sự kiện đi theo trong cuộc đời khiến tôi không thể quên, nhưng chuyện Trường Trịnh Hoài Đức quả thực là ước mơ của tôi như tôi đã từng thổ lộ trong bài “Ước Mơ Về Trường Trịnh Hoài Đức”. Cuối cùng tôi cũng thực hiện được ước mơ ấy dù chẳng là bao năm trong việc “Học và Dạy”!
Búng là nơi mà người ta nói là “Trái ngọt, cây lành” cũng chẳng sai, nhưng Búng chỉ là tiêu biểu của một Thị trấn sầm uất, sinh động của xã An Thạnh, đại diện luôn cho các xã lân cận như Bình Nhâm, Hưng Định, An Sơn, Phú Văn. Nó là trung tâm của một khu vực miệt vườn: Nơi mà nhộn nhịp vào mùa cây trái của chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, bòn bon, mít tố nữ, xoài, dâu ổi, mận … Búng bây giờ khác xưa nhiều, nó không còn cái phong phú đa dạng của ngày cũ vì có nhiều cái thay đổi của thời đại. Tôi sắp kể cho các bạn về điều ấy!
Sau cái “đi học lang thang” thì một ngày nọ cô Út Xang [con Út của Bà Hai (Thứ 2), Ông Nội tôi (Thứ Tư)] vào ngày hè dẫn tôi ra An Sơn thăm Bà Thứ Tám (má ông Bự, Xự, Út Nhuần) đi bằng xe ngựa. Ra đến Búng, Cô dẫn tôi băng chợ, đường cái, qua cầu sắt để đón xe ngựa đi vào An Sơn. Bến xe ngựa bên bìa rạch, ngay đầu cầu thì một khung cảnh đầy âm vang, tôi nhớ hình như có tiếng của khung dệt vải, có tiếng đục đẽo, có tiếng của máy tiện gỗ của những người thợ tiện đang hành nghề trong các chòi che dọc bên đường, kế rạch. Họ ngồi trên cao, đạp cái cần để thanh gỗ xoay tròn, rồi cầm các dao tiện để tiện khúc gỗ thành chân đèn, hay các thứ mà khách hàng đã đặt. Những gian hàng đó qua thời đại cơ khí đã bị biến mất vào vài năm sau. Chuyến đi ấy tôi ở nhà Bà Tám với Cô Út Xang được vài ngày. Cô Út Xang, Út Nhuần cùng Bà Tám làm gì tôi không biết, mà tôi chỉ biết tối ngày “triệt” cuốn truyện về “Đức Phật Thích Ca” mà Bà Tám tôi mướn về coi. Tôi chẳng ngờ, truyện đọc ngày ấy lại đến chừng 50 năm sau nó trở thành đề tài để tôi đi nghiên cứu về học thuyết, giáo lý của Đức Phật, lẫn tò mò đi vào một vài nghiên cứu các tôn giáo khác.
Búng đã mất, mất nhiều thứ lắm. Nếu ngày xưa nó không có những “Ưu Điểm” chưa chắc nó đã được làm Thí điểm của Trường Cộng Đồng “Dẫn Đạo”, và nếu không có Ông Trương Văn Di làm Hiệu Trưởng thì cũng chưa chắc Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức được đóng đô ở Búng như nó đã từng. Rồi Trường Bá Nghệ cũng không hiện diện ở Thạnh Bình để làm cơ sở cho Trường Trịnh Hoài Đức nữ về sau.
Điều mà tôi không xác đáng lắm là về ngành dệt, nhưng chắc chắn là những khung dệt có hiện hữu ở Búng hay là các vùng lân cận, vì Trường Cộng Đồng có dạy sử dụng khung cửi vào thời Thái Văn Tâm, Phan Văn Mười học, nhưng đến khi tôi học thì không thấy dù tôi chỉ học trong vòng một tháng. Rồi đến những khu tiện khi người ta bắt đầu dùng điện để chạy máy móc thì nghề tiện thủ công bên đầu cầu sắt, bên bìa rạch cũng dẹp đi. Những âm vang, tiếng thoi chạy qua chạy lại của các khung cửi dệt chẳng còn khi những hàng nilông, darcron, hay tơ nhân tạo tràn vào thị trường Việt Nam. Kế đến kỹ nghệ làm guốc thịnh hành vào những năm trước vì nơi miệt nầy có nhiều gỗ do các cây trồng đã “cỗi” (quá già) được đốn đi để thay thế những cây trồng mới (tơ) khác có năng suất thu hoạch hơn. Gỗ nầy thích hợp cho guốc nên được cưa thành những đôi guốc để bán ra thị trường. Rồi đường xe lửa từ Sài Gòn lên Lộc Ninh và trở về do chiến tranh bị tàn phá, mất an ninh phải chấm dứt có lẽ từ năm 68. Thế là những tiếng còi hụ, tàu chạy, những âm thanh rầm rập không còn nữa. Những khu vườn cây ăn trái như sầu riêng chôm chôm được phát triển ở các vùng khác như Long Khánh, Long Thành được ưa chuộng hơn, nên sinh hoạt ở Búng vào mùa cây trái cũng bị bớt khách đi. Thêm vào đó, sau Mậu Thân đường xa lộ vòng đai bên ngoài từ Phú Long chạy qua Bình Hòa, Hưng Định, Hòa Lân, Phú Văn về Ngã Tư Cây Sao Quỳ lên Chợ Cây Dừa đi Bưng Cầu, Bến Cát, An Lộc thay thế đoạn Quốc Lộ 13 vòng vo trong các khu vườn Phú Long, Lái Thiêu, Bình Nhâm khiến lưu lượng xe cộ qua Búng cũng giảm đi khá nhiều. Xe Lam (Lambretta) ba bánh chở khách thay thế xe ngựa, khiến những chiếc xe lóc cóc, lạch cạch đành nghỉ dưỡng hưu. Kéo theo nghề đóng móng ngựa, móng bò ở dốc sỏi đường xuống nhà thờ Hưng Định phải ế ẩm, dẹp tiệm. Ngày tôi trở về Trịnh Hoài Đức học năm Đệ Nhất (niên học 65-66) xóm Lò rèn không còn hoạt động như xưa, nó trở nên tương đối hiền lành, không mấy tiếng tăm như thuở trước. Có còn chăng là tiếng ồn ào của lò chén với máy móc, cơ giới trong một khoảng thời gian nào đó, tiếng chuông nhà thờ Hưng Định vào sáng tối; tiếng trống chùa công phu sáng, chiều, tối âm vang như những hồi Bát Nhã lẫn vào hư không để cầu hồn cho những linh hồn vất vưởng được siêu thoát. Rồi ở bên bìa rạch gần cầu Bà Hai có những ghe tro, bụi từ miền Tây đi lên được bốc lên xe bò để đưa đi và chén từ càc lò ở Chòm Sao, An Thạnh, Thuận Giao, Tân Khánh được chất lên chở về miền Tân buôn bán.
Còn về trường học, cái thời giữa những năm 60, lúc đó chỉ có hai trường Công lập, một là Trịnh Hoài Đức, hai là An Mỹ nên học sinh tập trung về nhiều. Điều mà Anh Nguyễn Công Tế viết trong bài “Xứ búng Ngọt Ngào” quả là như thế. Học sinh Trịnh Hoài Đức xa quê nợ dân xứ Búng nhiều lắm. Rất ít nhà cho học sinh trọ mà lấy tiền. Có lúc họ lấy tượng trưng, nhưng sau vì thấy học trò không có tiền họ chỉ cho ở không; mà tình thương như thương con cháu trong nhà thì sao không “nợ” cho được. Rồi những năm sau nữa các trường Trung học Công lập Tỉnh hạt được mở ra khắp các Quận, nên số học sinh không còn đổ về Trịnh Hoài Đức như xưa, và Búng cũng lại mất phần.
Nói như vậy là Búng không phải mất ưu thế của nó, nó chỉ bị thu hẹp lại thôi bằng chứng là Trường Nông Lâm Súc được mở ra khoảng giữa Trường Trịnh Hoài Đức và Tiểu Học Cộng Đồng với bề thế không nhỏ, đến Bậc Trung Học Đệ Nhị Cấp chứ vừa sao, để từ đó học trò trường đó có thể đi vào Trường Đại Học Nông Lâm. Học trò trường Trịnh Hoài Đức dễ thành thi sĩ, viết văn lắm vì những sóng lúa dạt dào theo gió, vì những cánh đồng lúa vàng vào mùa lúa chín, hay cái cảnh người lom khom gặt, đập lúa. Rồi mùa khô trồng hoa màu, nhất là mùa củ sắn (củ đậu) khiến cho ai cũng có nhiều kỷ niệm.
Sau 30 tháng Tư 75, đất nước vào một vận hội mới, cách tổ chức không biết được nghiên cứu kỹ thế nào, chứ hậu quả của Thủy lợi khiến nước mặn tràn vào lên đến cả khúc sông trên Bình Dương khiến các khu vườn bị thiệt hại nặng nề, có vài nơi cây cối, lúa bị ngập mặn chết. Đã đói lại càng đói hơn. Người nghèo đi, ít ai nghĩ đến chuyện đi vườn trái cây như ngày xưa, xe cộ thiếu nhiên liệu, sự đi lại càng nhiều giới hạn. Những quán bì bèo, bún bì như Mỹ Liên, Ngọc Hương không biết còn bán được hay không vì chờ vào Hợp Tác Xã. Thôi thì người ta cứ tranh thủ cuộc sống. “Sự Đấu Tranh Sinh Tồn” trở nên cấp thiết. Để bảo tồn sự sống người ta phải mưu sinh bằng mọi cách dù là Thiện hay Ác, dù là Nhân Đức hay Không? Sự luồn lách khiến con người trở nên liều lĩnh, vô tâm, biết hối lộ và biết cách làm tiền trên công sức của người khác. Ôi, rồi sau nầy thế nào để sửa chữa xã hội được đây?
Bây giờ trong “Cuộc Đổi Mới” Búng có lẽ cũng khá hơn nhiều, nhưng theo tôi nghĩ thì “Thời Huy Hoàng Vàng Son” đã qua đi. Không biết ngày nay có những vị nào vang danh cho xứ Búng không, chứ ngày xưa một Phan Văn Hùm, có tên trong lịch sử (có lẽ là sử trước 75). Rồi một ký giả Văn Bia (chủ nhà Thuốc Tây Lê Hồng) và một Thiền Sư Nhẫn Tế (Thubten Osall Lama) người đã qua Ấn Độ, Tây Tạng về thành lập hai ngôi chùa Thiên Chơn (Búng) và Tây Tạng (Bình Dương). Nhưng chắc chắn một điều là Xứ Búng cũng đã, đang góp phần đào tạo nhân tài cho Tinh Bình Dương qua Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức của bao năm, nhiều thế hệ. Và người dân ở đó đã đem tấm lòng mình trải ra cho những đứa học trò mà ông bạn Nguyễn Công Tế của tôi kể lại trong “Xứ Búng Ngọt Ngào”.

Nguyên Thảo,
27/08/2018.



Sunday, August 19, 2018

*Đường Đến Băng Hà! (12)


Trên du thuyền nếu chúng ta có nhiều sở thích thì du thuyền cũng làm cho mình trở nên sinh động. Mình có thể tham dự vào nhiều hoạt động khác như Tai Chi, Tập Thể dục, làm đẹp, Thử rượu, Casino, Xem Triển lãm, Mua sắm, Ăn uống, Dự đấu giá… kể cả lớp Nghiên cứu về Kinh Thánh hay làm Thủ công hoặc Xem phim, Ca hát, Tắm hồ, Trò chơi. Gần như những hình thức giải trí đều có, dù là có tiền hay không. Còn ăn uống thì tha hồ. Nhưng đối với chúng tôi thì không có những mục đích khác ngoài việc đi du lịch đến thăm băng hà, ngắm cảnh, “đi cho biết đó biết đây” chút ít mà thôi; cho nên du thuyền đối với chúng tôi không có nhiều hứng thú, nếu không nói là khá nhàm chán vì chỉ có ăn, ngủ, ngắm cảnh mà cảnh trên biển đâu có gì để ngắm. Du thuyền như là một phương tiện để đến nơi, thực hiện mục đích của mình.
Nói thế, chứ ít ra chúng tôi cũng đã trải nghiệm được ít nhiều cái lạnh, cái khung cảnh Canada vào cuối Đông đầu Xuân, được biết được cái sinh hoạt và cảnh trí ở một phần đất phía Bắc của Trái đất. Được chiêm nghiệm cái thích hay không của cái thú đi Du thuyền; và nhất là “Để thấy lại” cái không an toàn của chuyến vượt biển trên một tàu cây, nhỏ bé ngày xưa, để rồi ngẫm nghĩ “Tại sao xứ mình trong chiến tranh ác liệt như thế đó mà chẳng mấy người bỏ xứ ra đi, mà sao khi đất nước Thanh bình lại cùng nhau bỏ xứ ra đi, mình có phải “phản quốc” hay không? Mình có phải là không yêu nước, hay là “chế độ” khiến mình phải đi vì Thành phần lý lịch, vì Đấu tranh giai cấp, vì Quan điểm, vì cách Tổ chức của Hệ Thống kinh tế Tàn lụi, và nhất là “O ép” tất cả người dân vào thực hiện một đường hướng “Thảm não” mà chẳng thấy được sự tươi sáng của tương lai”! Rồi từ đó tôi lại nhớ về cái nhận xét nào đó mà người bạn tôi đã kể lại sau 75: “Thành phần trí thức là thành phần thiết tha với Chủ nghĩa trước nhất vì thấy cái lý tưởng tốt đẹp của nó, nhưng cũng chính họ là những thành phần bất mãn trước cả khi Chủ nghĩa bắt đầu thực hiện”, cái nhận xét đó khiến cho tôi đi tìm hiểu “Nguyên nhân” đến tận bây giờ, nhất là sau những biến động của Liên Xô và toàn khối Đông Âu. Chàng võ sĩ tính sai nước cờ, đường đi hay là đã “Thất một thế võ” trong một cuộc đấu? Một Chủ Nghĩa mang lý tưởng tốt đẹp cho toàn nhân loại, sau gần 70 năm thực hiện đã một sớm một chiều bị sụp đổ, mà trong quá trình thực hiện người dân ở đâu cũng đều có chống đối trong mọi thời kỳ, vậy thì chính nhà cách mạng nhân loại đã nói “nơi nào có áp bức, là nơi đó có đấu tranh” quả là không sai! Nhưng thói thường người làm sai chẳng thấy mình làm sai mà luôn nghĩ mình đúng, thế mới là chết Thiên hạ! Có người lại nói rằng: “Chính những người Cộng Sản đã giết chết Chủ Nghĩa Cộng Sản”, không biết điều ấy có đúng hay không?
Trong cuộc đời chúng ta luôn có nhiều điều khiến mình nghĩ miên man. Tôi cũng từng đã nghĩ miên man, nhưng chỉ nghĩ để mà chơi thôi vì thân phận “Mình lo mình chưa xong, có đâu mà lo chuyện thiên hạ”! Thế nên nay đành theo chiếc du thuyền nầy để lên đến “Băng Hà”, ở đây mới thật là những sông băng vì phần cuối của nó đổ xuống những dòng sông.
Theo từ trong tài liệu của Du thuyền thì ý tưởng về Công viên Quốc gia được thành hình từ thế kỷ 19 để bảo tồn những thiên nhiên đặc biệt, các nơi thuộc về văn hóa dưới sự chủ quyền công cộng. Đến năm 1864 khi Chính quyền Liên bang Hoa Kỳ cho Tiểu bang California quản lý khu Yosemite Valley với mục đích công cộng, tổ chức cũng như vui chơi thì 8 năm sau Quốc Hội tạo ra “Công viên Quốc gia” đầu tiên của Hoa Kỳ là Yellowstone, rồi sau đó bắt đầu cho các “Vườn Quốc gia” khác. Đến năm 1916 thì “Những Phục Vụ ở Parks” được hình thành.
Glacier Bay National Park là một Vườn Quốc Gia của Hoa Kỳ nằm ở Đông Nam Tiểu bang Alaska với diện tích khoảng trên 13 ngàn cây số vuông được thành lập vào cuối năm 1980. Nó đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1979, sau đó là Khu Dự Trữ Sinh Quyển vào năm 1986. Nơi đây được xem là quê hương chính của người dân Tlingit địa phương; và những băng hà hiện nay thuộc Thời Kỳ Tiểu Băng Hà, còn vào Thời Đại Băng Hà cho đến 10 ngàn năm trước thì băng hà còn tiến xa hơn về phía nam. Khách du lịch đến đây chỉ bằng phi cơ hay là tàu. Vịnh Băng Hà nầy được Captain George Vancouver tìm thấy đầu tiên vào năm 1794, nhưng đến năm 1879 thì nhà nghiên cứu tự nhiên là John Muir đến viếng với nhóm người Tlingit địa phương. Qua sự diễn tả nơi nầy bằng những vần thơ thơ mộng, truyền cảm đã khiến Vịnh càng nổi tiếng hơn.
Canh o Glacier Bay

Trong những điều mà trong tài liệu của du thuyền phát cho từng phòng có giải thích vì sao “Băng có màu xanh dương (blue)?”: Vì các màu khác có độ sóng dài cho nên bị băng hấp thụ và nó chỉ phản chiếu lại màu xanh có độ sóng ngắn thôi. Tại sao ở Vịnh ta không thấy lạnh: Vì gió, thủy triều và khí hậu đại dương khiến ta thấy ấm hơn. Rồi nào là Vịnh sâu khoảng 3,000 m; bề mặt của Băng hà Margerie cao chừng 80 m cao và chìm dưới nước khoảng hơn 30 m; Băng hà Grand Pacific quá dơ vì do băng đi qua vùng đá, đất của thung lũng nên tập hợp đá và chất dơ. Quả thật như vậy, ngày xưa lúc còn học ở Trung học tôi đã có học về băng hà, băng hà kết tụ nhiều năm trên núi hay vùng cao, rồi do trọng lực, độ nghiêng, băng di chuyển lần về phía dưới qua các hẽm, hay thung lũng; trên đường đi nó bào mòn đất đá dù cứng hay mềm, sạch hay dơ và lôi cuốn chúng theo. Đến nơi nào đó nhiệt độ tăng lên khiến băng ta dần, còn lại sỏi, sạn, đá hoặc cát, đất bùn bị nước cuốn trôi đi. Điều đó trong ngày nay tôi sẽ được chứng kiến và kiểm nghiệm lại điều đã học xa xưa.
Bang ha tren dat (Terrestrial Glacier)

Tài liệu hướng dẫn còn lưu ý du khách đừng cho thú vật hoang dã ăn, hay giữ kỹ không để những vật dụng dễ rơi, gió thổi bay hoặc xả rác để nơi đây luôn sạch, đẹp, cùng giữ gìn cho những thế hệ sau đến đây tham quan. Đó là những điều đại khái mà chúng tôi được cung cấp về kiến thức cũng như những dặn dò cần tuân thủ để góp phần bảo vệ, bảo tồn khu vực nầy.
Còn phần tôi và anh Thới thì 6 giờ thức dậy làm phần vệ sinh cá nhân, rồi 7 giờ lên boong tàu ăn sáng ở nhà hàng “all you can eat” Horizon Court, cũng là nơi để ngắm cảnh Trời, Non, Nước. Điều ấy đúng như vậy, vì lúc nầy trời đã sáng và Du thuyền đang đi vào cửa ngõ của Glacier Bay tức là qua Sitakaday Narrows. Mặt nước yên, phẳng lặng, phản chiếu rõ rệt những vùng núi ở bên trên nó. Hai bên là vùng núi với tuyết đọng trắng từ trên đỉnh xuống hơn phân nửa, tạo nên hình ảnh trắng trên nền trời xanh lơ và nước phản ánh lại các màu sắc, hình ảnh, bức tranh thật là đẹp. Những hòn đảo với cây cỏ xanh xanh thêm phần duyên dáng. Không biết những con vật biển như cá voi, rái cá… mà tài liệu nhắc đến chẳng thấy ở đâu hay là chúng đi ngủ cả rồi. Tôi bắt đầu chụp hình lia lịa, vì mục đích đi Du Thuyền là chính ở nơi nầy, thế mà tại sao mình lại bỏ qua. Cầm “mobile phone” chụp tiện hơn, nên lần đi nầy tôi không sử dụng máy chụp hình, hơn nữa máy quay phim của tôi cũng chụp được nên tôi không từ bỏ những cái gì, nơi nào mình thích. Cứ chụp đi đã, rồi sẽ xem lại và bỏ sau.
Du thuyền đi đúng theo thời biểu ấn định như trong tài liệu cung cấp cho khách. Từ 6 giờ sáng, tàu đi vào Bartlett Cove, và đến giờ nầy gần 8 giờ sáng thì tàu đang đi ngang qua băng hà Queen Inlet. Lưỡi băng hà nầy chưa chìm vào nước, nó hãy còn ở trên đất liền, nhưng làm sao mình đến gần “băng điểm” (điểm băng tan) để quan sát điều đã học xưa kia, xem nơi đó có nhiều sạn đá hay không và những thứ đó với cỡ to là bao lớn. Thôi đành quay phim với ảnh gần hơn thôi! Bao nhiêu người đều đổ ra để xem các băng hà, rồi nhìn trên mặt nước trong vịnh để xem có cá voi, rái cá hay các sinh vật khác không. Nhưng chẳng thấy động tịnh gì. Du thuyền cứ từ từ đi và du khách cứ quay phim, chụp hình, đứng ngắm cảnh. Thỉnh thoảng nhiều người đi trốn lạnh, nhất là những người không ở xứ lạnh như tôi. Trốn lạnh hồi lâu lại nuối tiếc rồi chạy ra ngắm nhìn hình như không muốn để mất cơ hội, nhất là mình đã bỏ tiền, công sức để đi đến nơi đây!
Theo số liệu thì mỗi ngày chỉ có 2 chiếc du thuyền cỡ lớn, 3 chiếc tàu nhỏ chỡ người, 6 chiếc gọi là “Charter vessel” và 25 “private vessel” được vào thăm viếng trong vịnh. Còn về các băng hà thì: Khoảng 250 năm trước với băng phủ đầy nên chỉ có một băng hà rộng lớn duy nhất. Nhưng từ năm 1750 băng hà tan và lui dần về thượng nguồn khoảng 100 km, nên ngày nay có chừng 1,045 băng hà. Trong đó có 50 băng hà được đặt tên và 7 băng hà có phần băng chìm vào nước của vùng vịnh.
Canh o Glacier Bay.

Băng phần lớn từ các vùng có độ cao từ hơn 2,000 m đến 5,000 m, nhưng xung quanh vịnh chỉ có ngọn Mount Cooper là cao 2,066 m và Mount Barnard cao 2,504 m.
Du thuyền càng lúc đi vào càng gần với những băng hà, nên dù lạnh người ta vẫn đứng trên boong để quan sát. Tôi đứng lo mãi mê nói chuyện với anh Thới, anh Hiệp thì đột nhiên thấy trời sáng rỡ ra. Có thể ánh nắng chói chang, nhưng không hẳn là do ánh nắng. Trời trong xanh không chút mây gợn, mặt nước phản chiếu màu xanh ấy, rồi trong bóng của băng cũng lại là màu xanh khiến màu trắng băng tuyết lại càng trắng hơn. Một cảnh ngoạn mục như tranh, tôi lại nhìn trên boong tàu cũng có màu xanh, màu trắng tương tự khiến tôi có cảm tưởng như mình đang đi vào cơn mơ thần tiên nào đó.

Nguyên Thảo,
19/08/2018.



Wednesday, August 8, 2018

*Quê Người. (19)


Xe bắt đầu ra khỏi trại tiếp cư vào lúc khoảng gần 2 giờ rưỡi, chạy sang hướng đông khoảng chừng vài cây số thì rẽ sang tay trái chạy về hướng Bắc. Tôi chỉ biết thế, chứ tên đường hay gì gì đi nữa tôi vẫn chưa biết rành. Ngày Trọng chở đi tôi chỉ biết nơi đến, rồi lẩn quẩn lòng vòng nơi đó cho đến khi về; thì nay tôi chỉ cố định hướng mà thôi!
Xe lần ra ngoại ô nhà cửa thưa thớt, có những xóm nhà nhưng cũng không nhiều. Có vài nơi gần bên đường có những dãy nhà hình như lợp kiếng, có gì xanh xanh giống như người ta trồng gì trong đó. Mọi người cũng ngạc nhiên như tôi, vì tất cả chỉ đều là những người mới đến Úc hơn tuần lễ mà thôi. Trên đường đi xe cộ không nhiều, thỉnh thoảng có những xe cam-nhông lớn lướt qua hay chạy ngược về Thành phố. Hôm nay trời nắng tốt, ánh nắng không chói chang như ở bên mình, hay là tại trời ở đây đang vào mùa Thu. Có nhiều cây bên đường thay màu lá để cho tôi chiêm nghiệm lại những điều đã học được từ trên ghế nhà trường, mà lúc đó tôi chỉ tưởng tượng chứ chưa bao giờ được thực tế. Thế là từ ngày đi vượt biển cho đến nay tôi đã học được rất nhiều,.. rất nhiều thứ như trong tục ngữ ca dao mà ông bà ta đã nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” vậy!
Ngồi bên cửa sổ xe, tôi mãi mê ngắm nhìn qua cửa kính. Ừ, mà cửa nầy không mở được. Bên mình khí hậu nóng, cửa sổ xe được mở ra để cho mát, thoáng; còn bên nây cửa sổ xe buýt không mở được. Cho nên tôi chỉ nhìn ra bên ngoài qua khung kính. Những cánh đồng cỏ mênh mông hoặc gốc rạ còn đó, có người hỏi cô Tây cô cho biết đó là những cánh đồng lúa mì mà người ta đã thu hoạch rồi, cũng mới vừa dứt đây thôi. Xe đi qua những luống cây được trồng theo hàng dài nhưng lá đã trở màu vàng, hay vàng đỏ cô Tây cho biết đó là những hàng nho của vườn nho. Tôi nhìn ra thấy cánh đồng chạy dài thật xa mà thửa đất nào cũng rộng, tôi lại nhớ đến ngày học ở Tân Uyên, Thầy Tuyền nói ở xứ Tây người ta làm nông có đến mấy chục mẫu chứ không phải nhỏ như xứ mình, bây giờ tôi mới tin đến điều ấy, chứ lúc đó tôi vẫn còn “bán tín bán nghi”. Xe chạy khá lâu mà chưa đến nơi. Đến một chỗ cây xăng, cô Tây ngừng xe cho mọi người nghỉ ngơi và cô chỉ chỗ cho những ai cần đi vệ sinh, có vài người đi với cô vào tiệm mua đồ, đa số chúng tôi thì quay quần bên xe và nói với nhau về những điều thấy dọc đường cùng những ý kiến khác nhau.
Sau chừng 15 phút đồng hồ thì mọi người được kêu lên xe và tiếp tục cuộc hành trình. Xe cứ đi về phía Bắc. Xa hơn các cánh đồng được canh tác là những khoảng đất còn để trống tự nhiên, nhưng cây cối không nhiều và thấp. Xe chạy đến vùng đồi không cao lắm và vượt qua đó. Không lâu sau thì xe đi vào thị trấn. Cô Tây nói với mấy người ngồi gần kế là tới Kadina rồi. Thị trấn tương đối đông người, nhà cửa. Xe đến nhà thờ, chúng tôi xuống xe và được đưa vào trong Hội Trường. Từ đó, đoàn chúng tôi được đại diện là anh Trần Văn Khá cùng người bạn đi chung làm Thông dịch cho đoàn, vì tiếng Anh của anh giỏi nhất trong đám. Anh vốn là phi công trực thăng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa có đi du học lái máy bay bên Mỹ. Anh qua trước chúng tôi không biết mấy list, nhưng anh và bạn cùng muốn đến đây với đoàn chúng tôi để tham quan Kadina nầy. Anh Khá làm việc với những người tổ chức trong Hội Nhà Thờ một hồi lâu, rồi sau đó đọc tên theo danh sách những người nào đến tối sẽ ngủ ở gia đình của người Tây nào; và gia đình đó có trách nhiệm lo cho những người ngủ về phương tiện.
Sự phân chia làm như cũng đã tính sẵn từ trước, cho nên cái danh sách được đọc nhanh chóng. Tôi, Thành và anh em của Liêm, Kiệt được phân về ngủ ở nhà ông có tên là LaWood. Hai ông bà đến nhận bốn chúng tôi cũng như các gia đình khác nhận người. Lúc ấy vào khoảng gần 5 giờ. Ông LaWood đưa chúng tôi ra xe chở về nhà ở ngoài ven thị trấn. Xong ông dẫn chúng tôi giới thiệu con cái của ông, hiện con gái lớn ông có chồng ở riêng là cô Cindy, ở nhà còn lại cô Sue và người con trai tên là Scott; ông lại dẫn xem các phòng ốc trong nhà, cùng chỉ phòng chúng tôi ngủ và đưa mỗi người một túi ngủ. Phần tiếng Anh thì Liêm đảm nhận. Sau đó, ông bảo chúng tôi lên xe để đưa ra đất nông trại của ông xem cho biết. Những máy móc lớn ông để ngoài đồng vì còn đang làm ở đó. Đất khu nầy có nhiều đá ông cần có máy để xúc, gom đá lại một góc khu đất nầy, bên kia là máy cày thật lớn. Ông cho biết chỉ có ông và Scott làm những việc đó. Rồi ông lại lái xe đưa chúng tôi chạy theo rìa khu đất của ông, khu đất ấy thật dài theo ước đoán có thể là khoảng hai, ba cây số. Từ đó lại rẽ sang trái, đi cũng cỡ đó thì lại vòng qua đường lớn. Ông chỉ nhà má ông ở trong kia, ở vuông đất ấy có nhiều con trừu đang ăn. Ông chỉ trồng lúa mì và chăn nuôi trừu. Ông lại rẽ trái đưa chúng tôi về lại nhà. Ông kêu chúng tôi tắm rửa để 7 giờ tụ tập nhau ở tại Hội Trường nhà thờ. Nói vậy, chứ vì vốn tiếng Anh không nhiều nên mọi chuyện tôi chỉ nghe loáng thoáng, hiểu mơ hồ, còn dịch lại là phần của Liêm vì Liêm ở Sài gòn có  học nhiều tiếng Anh và nhất là lúc học ở trường Quốc gia Thương Mại về ngành Hàng Hải.
Còn 20 phút nữa đến 7 giờ thì Ông, Bà LaWood kêu chúng tôi ra xe và ông lái đưa chúng tôi đến nhà Thờ. Đây là Nhà Thờ của Anh Quốc Giáo, có lẽ giáo dân của Nhà Thờ đều là gốc Anh, mà Ông Bà LaWood là người gốc Tô-Cách-lan (Scotland). Mọi người tập họp khá đông. Đúng 7 giờ, tất cả đều trong Hội Trường, bắt đầu cho buổi họp. Đầu tiên những người Đại Diện nói chuyện, chào mừng đoàn chúng tôi đã đến Úc và thăm viếng ở đây qua lời thông dịch của Anh Khá, rồi Anh Khá cũng Đại Diện đoàn để cám ơn Hội Nhà Thờ. Sau thủ tục ấy mọi người tự lấy thức ăn đã để sẵn trên bàn dài ở gần bức tường. Không biết những người khác có bỡ ngỡ không, chứ riêng tôi thì chẳng biết lấy món nào, cứ hỏi hay làm theo người sắp hàng trước mình. Cũng lấy dĩa giấy, cũng muỗng nĩa cùng các thức ăn. Tôi nghĩ lại mình mà tức cười, đây là lần thứ nhì lúng túng trong vấn đề ăn uống sau lần thứ nhất trên máy bay lúc sang Úc. Dù vụng về, bỡ ngỡ nhưng “thức ăn nào cũng vào đấy cả”, nói theo kiểu anh “chi viện” sau ngày 30 tháng 4. Tuy nhiên, mình vẫn cần học hỏi để làm cho đúng mới là quan trọng! Ăn xong, đem các dĩa, muỗng, nĩa bỏ vào thùng rác đã để sẵn. Như vậy người dọn dẹp chỉ túm bịt ni-lông cột lại là xong, không phải tốn công nhiều. Tiện thật!
Sau bữa ăn là hoạt động vui chơi. Có những người ca hát, nhưng chúng tôi chỉ nghe thôi, chẳng hiểu gì cả. Rồi đến phần trò chơi, những hình thức chơi tập thể được hướng dẫn. Cuộc gặp gỡ nầy kéo dài đến khoảng 9 giờ rưỡi thì chấm dứt để mọi người về nhà nghỉ ngơi, nhất là người trong đoàn chúng tôi đã phải đi xa trong ngày có nhiều mệt mỏi.
Về đến nhà, ông LaWood một lần nữa chỉ về cái “toilet” để ban đêm khi chúng tôi cần thiết, rồi chúc “ngủ ngon” và bọn tôi cũng chúc Ông Bà cũng vậy!
Quả thật giấc ngủ trong đêm nầy là khó, nhưng vẫn ngủ được vì quá mệt mỏi; chứ thứ nhất là lạ nơi, thứ hai chui vào trong túi ngủ đã là chưa quen, mà hơi người Úc thì lại có mùi “trừu” nên cũng làm cho mình khó ngủ. Từ hơi nầy tôi lại nhớ đến lần đầu tiên khi vào ăn ở căng-tin của Trung Tâm Tiếp Cư Pennington thì cũng đã ngửi thấy mùi nầy rồi!
Qua một đêm ngủ ở vùng quê, tương đối là hơi lạnh. Sáng dậy sớm, nhưng vẫn còn nằm ở trong phòng và không biết chừng nào người trong nhà mới dậy. Đợi khá lâu, nghe có tiếng động nhiều hơn thì chúng tôi mới dám héo lánh bước ra để làm vệ sinh cá nhân. Những câu chào hỏi đầu tiên buổi sáng cho một ngày mới. Trong lúc đó thì Ông, Bà LaWood và Sue lo chuẩn bị buổi ăn sáng. Khi ngồi đầy đủ vào bàn, mọi người nghiêm chỉnh để Ông LaWood cầu nguyện, rồi bắt đầu vào bữa ăn. Thỉnh thoảng thì những câu ngắn xã giao được trao đổi.
Khoảng 8 giờ rưỡi, Ông Bà LaWood lại đưa bọn tôi đến Nhà Thờ. Tất cả đều tập hợp đầy đủ ở đây. Qua cửa, mỗi người lấy một quyển Kinh Thánh bằng Tiếng Anh. Tất nhiên tôi cũng lấy, nhưng chỉ cầm trên tay, rồi đi theo Ông Bà LaWood đến chỗ ngồi. Đúng 9 giờ cuộc Lễ bắt đầu. Ông Giáo Sĩ tiến hành thủ tục buổi lễ, thỉnh thoảng mọi người lại lật Kinh Thánh rồi đọc theo. Có lẽ đa số chúng tôi chỉ ngồi có lệ chứ không hiểu và lật Kinh Thánh ở trang nào. Thế rồi buổi lễ cũng qua cùng với cái giỏ nhỏ mà mình tùy ý bỏ vào chút tiền lẽ nào đó, xem như là đóng góp vào Quỹ của Nhà Thờ!
Sau đó, từng đoàn xe lần lượt rời Nhà Thờ đi đến một sân vận động. Ở đây rất nhiều người, giống như là một cuộc Lễ Hội gì đó của địa phương. Có những người cưỡi ngựa chạy đua, có những trò chơi mà nhiều người tham dự như kéo co, nhảy bao bố, hai người cột chân vào nhau để chạy đua với nhiều cặp khác, xem thú vị. Ông Bà LaWood săn sóc, chăm hỏi chúng tôi nhiều điều từ chuyện ở Việt Nam đến cuộc sống hiện tại, hoặc giải thích trò chơi hay điều gì mà chúng tôi không hiểu. Hồi lâu thì được ăn uống, lần nầy tôi cũng quen được chút ít; và nhất là ban ngày sáng tỏ nên sự quan sát lẫn học hỏi dễ dàng hơn. Tôi lại làm quen được những con ruồi. Thật vậy, từ ngày tôi đến Úc đến nay khoảng gần hai tuần lễ nhưng chưa thấy hay bị ruồi bu. Hôm nay nắng ấm nên có nhiều ruồi; Lạ cho những con ruồi cứ theo con mắt của mình mà bu, mà chui vào. Đuổi nó đi một chút thì nó cũng lại đến, làm hai tay phải quạt lia quạt lịa.
Ông Bà LaWood ra dấu và kêu chúng tôi đi. Ông Bà đưa đến sân banh rộng lớn ở đó họ đang chơi môn thể thao gì đó, nhưng người xem chung quanh thật đông. Ông LaWood cho biết trong đội của Kadina có Scott (con ông) trong đó. Đội Kadina đấu với đội của khu vực khác, môn thể thao nầy có tên là Criket. Nhìn vào trong sân chỉ thấy những hình bóng mặc đồ trắng hay màu xanh sẫm chứ chúng tôi đâu biết cách chơi như thế nào. Có lẽ ông thấy chúng tôi không biết gì cho nên ông kêu ra xe.
Xe đi vào khu vực mỏ đồng ngày trước, bây giờ chỉ còn lại những hố sâu loang lỗ, để cho chúng tôi biết vị trí mỏ đồng lịch sử (tiền thân) của thị trấn Kadina. Những cây cối mọc lên không nhiều, không cao chắc do đá nhiều hơn đất hay là do ít mưa. Rồi kế bên là một sở thú nho nhỏ, có hai con vật biểu tượng cho xứ Úc là con Kangaroo và Emu. Ngày được phái đoàn Úc nhận cho định cư ở Úc thì người phỏng vấn lúc đó là Viktor có tặng cho cây kim gài trên áo với hình con Kangaroo màu vàng kim, nay tôi mới thấy con Kangaroo thật ngoài đời, còn con Emu mới dòm tưởng là con đà điểu. Nó hơi giống, nhưng bộ lông của nó màu xám lem luốt không đẹp hay hùng dũng như đà điểu. Hồi lâu Ông, Bà LaWood lại kêu ra xe và ông lại chở chúng tôi đi về hướng Tây.
Thì ra bờ biển cách Kadina không xa, nơi nầy gọi là Walleroo. Chúng tôi đi dạo trên biển. Mặc dù hôm nay trời nắng tốt, tuy nhiên gió biển hơi lâu làm tôi nghe lành lạnh. Cả Liêm, Kiệt, Thành cũng vậy. Có thể ông LaWood thấy được, sau khi ông nói với bà điều gì đó thì ông chỉ cho chúng tôi cái cầu được che kín chạy ra biển kia và giải thích đó là cái cầu chuyển lúa mì xuất cảng từ trong bờ ra tàu đậu ở ngoài kia để tàu vận chuyển sang xứ khác; rồi thì chúng tôi lại lên xe trở về. Đến một ngã tư nọ, ông rẽ ghé vào một cái nhà mà ông nói là nhà của vợ chồng Cindy, nhưng Cindy không có nhà, chỉ có chồng Cindy thôi!
Ông lại đưa về trung tâm Thành phố Kadina, nơi có khu thương mại. Ông cho biết Cindy làm cho một siêu thị và khi đi ngang một gian hàng sửa giày ở hành lang ông góp ý chúng tôi về sau nếu có thể làm nghề đó cũng được. Nhưng bà nhắc cho ông là tiếng Anh của chúng tôi hãy còn học hỏi rất nhiều. Ông gật đầu rồi thôi!
Đi một vòng qua nhiều nơi, rồi thì cũng đã đến giờ ông đưa bọn chúng tôi trở về Nhà Thờ để Philippa lái xe đưa chúng tôi trở về Trại Tiếp Cư. Tập hợp cũng vào lúc 2 giờ, và xe khởi hành vào lúc 2 giờ rưỡi. Chia tay quyến luyến, Liêm đại diện bọn chúng tôi cám ơn Ông, Bà LaWood và hẹn ngày gặp lại. Các người khác cũng chia tay với gia đình mà họ trú ngụ, làm quen trong hai ngày cùng vẫy tay chào tạm biệt.
Vượt đoạn đường dài xe về đến Trại Tiếp Cư khoảng 4 giờ rưỡi. Vừa xuống xe thì có một Bà Việt Nam có tên là Hoa từ Hội Phụ Nữ Đông Dương cũng vừa đến, gặp chúng tôi ngõ ý là Hội Phụ Nữ mời nhóm vào ngày Thứ Hai đến Hội Phụ Nữ ăn phở, có xe đến rước và đưa về. Không biết một người nào đó biết được thông tin thế nào mà khi nghe đến Hội Phụ Nữ bèn nói nhỏ với chúng tôi: “Người ta nói Hội Phụ Nữ nầy là Hội Phá Gia Cang”, chúng tôi ngạc nhiên hỏi: “Vì sao”? Thì ông ta nói: “Bà Sơ Nghĩa không có chồng, Bà Phó nầy bị chồng bỏ cho nên những gia đình nào có chuyện lục đục khi đến Hội Phụ Nữ thì được hướng dẫn là thôi nhau, cho nên từ đó người ta gọi Hội nầy là Hội Phá Gia Cang”. Nghe đến đây những người có gia đình đi theo đều có ý ái ngại, còn tôi thì chỉ có một mình, chưa hề hấn gì, nên cũng yên tâm!
Nói gì, chứ cũng lo về phòng cất đồ, rồi lại lên căng-tin cho một buổi ăn chiều. Trời chiều nay trở lạnh, tôi lại nhớ đến tình cảnh của vợ con đang ở nhà!

Nguyên Thảo,
05/08/2018.



*Đối Diện.


Tôi đứng lên
Nhìn tôi trên vách
Bao nhiêu năm ruột đói rã rời
Tôi vẫn lớn tiếng
Tung hô ngàn năm, vạn thuở
Cho một lần tuyệt thế khôn nguôi!
Tôi vẫn nhìn
Lạc quan trên đường đi tới
Đường thênh thang, không gì so sánh nổi
Nào tự do, công bằng, hạnh phúc
Cả bao nhiêu người, ai cũng sẽ như ai!
Đất nước tôi, đất nước anh
Không có gì là to với nhỏ
Trong tương giao ta chỉ lại là người
Cùng góp tay cho cuộc sống thêm tươi.
Nhưng than ôi,
Đó chỉ là lý tưởng
Đời gian nan cũng lắm cảnh trái ngang
Giàu sang, lớn nhỏ, chủ tôi
Cũng chỉ là tranh giành, áp bức, lọc lừa
Ai cũng muốn sướng, sang giàu, bốc lột
Ai cũng là thụ hưởng chẳng bỏ công.
Để chứng thực
Cho ước mơ là mộng ảo!
Tôi đối diện với mình tôi trên vách
Và khóc thầm cho một thuở tương lai!

Đồ Ngông,
22/07/2018.



Monday, July 30, 2018

*Đường Đến Băng Hà! (11)


Theo lịch trình thì sáng nay du thuyền đến Sitka, và chúng tôi sẽ được đưa đi thăm viếng Thành phố nầy vài tiếng đồng hồ. Trong tờ tài liệu và hành trình của du thuyền mà phòng chúng tôi nhận được hằng ngày cho biết là suốt đêm tàu sẽ đi về hướng Bắc, dọc theo bờ biển của đảo Chichagof, đi qua vịnh Sitka Sound để vào Thành phố nhỏ lịch sử Sitka.
Sitka là Thành phố nằm trên đảo Baranof tức là đảo phía nam của quần đảo Alexander với số dân là 9,895 người, là cộng đồng lớn thứ năm của Tiểu bang Alaska trên một diện tích là 7,434 cây số vuông. Nơi đây là đất sinh sống của người Tlingit từ hơn 10,000 năm trước. Nhưng đến năm 1799, Alexander Baranov và người Nga đến định cư ở Old Sitka. rồi năm 1802 người Tlingit vùng lên phá hủy nơi nầy và giết nhiều người Nga. Hai năm sau Baranov quay trở lại với lực lượng hùng hậu cùng chiến hạm tấn công người Tlingit gần sông Indian, khiến người Tlingit phải đầu hàng và rút đi. Từ đó người Nga định cư thường xuyên ở đây với tên gọi là Novo-Arkhangelsk mà Arkhangelsk là thành phố lớn nhất nơi Baranov được sinh ra.
Sitka còn là nơi đánh dấu sự kiện lịch sử chuyển nhượng Tiểu bang Alaska từ Nga sang Mỹ qua cuộc buôn bán với giá $7.2 million theo trị giá thời bấy giờ, với buổi lễ vào ngày 18 tháng 10 năm 1867 tại Castle Hill. Cho nên nơi nầy được xem là một National Historic Landmark, mà cũng là một National Park nhỏ nhất của cả Tiểu bang Alaska.
Sitka trước kia được xem là Thủ Đô của Alaska trong thời gian từ năm 1867 đến năm 1884 và sau đó thì trở thành khu vực và đến năm 1906 thì thủ đô được Thành lập ở Juneau cho đến ngày nay.
Đó là những tài liệu tổng quát về Sitka, còn chúng tôi thì đang trên du thuyền tiến thẳng về Sitka dù là ban đêm hay ngày. Thật ra thì chúng tôi cũng chẳng biết du thuyền chạy với vận tốc là bao nhiêu Miles hay cây số, và khoảng cách nơi nầy đến nơi kia là bao nhiêu. Không hiểu, những người có trách nhiệm trên tàu không cho chúng tôi biết hay người ta muốn tạo cho chúng tôi sự ngạc nhiên, thích thú khi mà những ngày cuối cùng người ta mới phát cho chúng tôi tờ lịch trình với số liệu đáng ghi nhớ gọi là “Log Of The Cruise”, trong đó từ Vancouver đến Sitka là 723 miles tính theo khoảng cách của hàng hải (Nautical Miles) mà 1 Nautical Mile bằng 1,852 m, tàu chạy với vận tốc là 15,3 Knots. Và trong đó, người ta cũng cho chúng tôi biết là đã đi qua những nơi nào và cần có sự hướng dẫn của người khác (pilotage) như: Vào sáng sớm lúc 5:42 phút du thuyền đi vào Blackney Passage và ra khỏi nơi nầy vào lúc 6 giờ. Rồi sau đó là Pine Island và đến Old Sitka Dock vào lúc 9:57 giờ.
Từ khoảng 9 giờ sáng sau khi chúng tôi đã ăn sáng ở Horizon Court thì trời cũng đã sáng rõ, du thuyền đi vào vùng biển của Sitka nên nhiều người đã lên boong tàu đứng nhìn, ngắm cảnh, chúng tôi cũng vậy với tính tò mò muốn biết đồng thời nhìn xem cảnh đẹp xung quanh. Những đảo với các ngọn núi đóng tuyết ở trên đầu hiện lên đẹp như tranh mà ở trên xứ Úc khó tìm được nếu không đi về đảo Tasmania hoặc lên những núi tuyết ở Victoria hoặc là New South Wales.
Vung bien Sitka voi nui Edgecumbe.

Mặt biển buổi sáng sớm phẳng lặng, im lìm thật là hiền từ, dễ thương in hình các ngọn núi, cùng các khu rừng rất rõ khiến chúng tôi ngắm nhìn một cách chăm chú, mà quên đi cái lạnh bên ngoài. Nói thế chứ hồi lâu cũng lạnh quá, khiến chúng tôi phải tìm nơi ẩn hoặc núp sau những tấm kính để tránh gió dù gió vẫn còn nhè nhẹ. Quả thật cảnh đẹp quá, tôi tha hồ ghi hình vào máy quay, thỉnh thoảng nhờ anh Thới chụp dùm vài bôi hình, rồi hai đứa đứng dựa vào lan can tàu vừa ngắm cảnh vừa tán dóc chuyện đời.
Rồi thì du thuyền cũng cặp vào cảng yên lành, sau hồi lâu các nhóm lần lượt rời tàu, xuống đất. Chúng tôi phải đi lên phía dãy nhà ở trên kia, chừng hơn 100m. Thì ra nơi đây là gian hàng bán đồ ăn uống lẫn hàng lưu niệm cho du khách. Nhưng chúng tôi chưa có thì giờ để xem qua vì còn phải đi ra phía sau đón xe buýt để xe đưa vào trung tâm của thành phố Sitka, mà chỉ vội lấy tờ báo quảng cáo Sitka kỷ niệm 150 năm được trao về cho nước Mỹ.

Du thuyen nhin tu Khu ban do luu niem.
Xe buýt đổ chúng tôi xuống trạm nơi có trụ cờ mà 150 năm trước cờ Mỹ được kéo lên ở đây. Và đây có phải là Castle Hill? Là nơi được đánh dấu Lịch sử quốc gia. Sau khi vệ sinh nhóm chúng tôi cùng kéo nhau đi dạo.
Khu Castle Hill.
 Tuy nhiên cảnh sông, núi, ụ thuyền tàu đẹp quá nên lại lẩn quẩn với chụp hình hoặc làm duyên, làm dáng. Rồi kéo nhau đi vào trung tâm thành phố. Đa số cũng là những dịch vụ buôn bán cho khách du lịch là chính. Những gian hàng bán đồ lưu niệm, ăn uống. Nổi bật là hình ảnh, tượng các chú gấu đang ngậm con cá hoặc là các Totem poles.
Canh nui, nuoc o Sitka.

Mặc dù trong tài liệu của du thuyền có giới thiệu đến các nơi hoặc các hoạt động tại Sitka, nhưng mọi người đâu có nhiều thì giờ để tham gia; mà họ chỉ đi nhìn, quan sát, hay ngắm nghía các món đồ trưng bày ở các tiệm bán hàng, quà để rồi mua chút đồ để làm kỷ niệm rằng: “Mình đã đến nơi nầy”! Nếu có đói thì kéo vào quán nào đó gọi là lót dạ.
Không biết Sitka rộng lớn bao nhiêu nhưng nơi nầy đã có thời gian dài được lấy làm thủ đô của Tiểu bang Alaska từ 18/10/1867 đến năm 1906, và sau đó nhường vị trí lại cho Juneau. Nổi bật nhất của Sitka là Thánh Đường Saint Michael’s của Đạo Chính Thống Nga được xây dựng vào năm 1848, là nhà thờ đầu tiên kiểu Nga xây dựng trên Bắc Mỹ có cách kiến trúc với mái vòm hình củ hành. Chúng tôi không đến gần đó để quan sát mà chỉ thấy nó từ đàng xa. Nhà thờ hiện tại là được xây dựng lại sau trận hỏa hoạn thiêu rụi nhà thờ cũ vào năm 1966. Ở Sitka tôi vào tiệm để mua một thẻ nhớ để sử dụng cho việc quay phim, phòng hờ thẻ cũ hết nửa chừng.

Ben thuyen Sitka.
Sau gần hai tiếng đồng hồ đi rong chơi trên đường phố, cửa tiệm ở Sitka và nhìn vào đời sống sinh hoạt của địa phương, tôi cũng mua được cái thẻ nhớ để quay phim và bộ áo mưa để gọi là làm kỷ niệm, rồi chúng tôi lại thả lần ra trạm xe buýt và đón xe trở về bến tàu. Dọc đường tôi mới nhìn và qua sát kỹ ngọn núi tương tự như núi Phú Sĩ của Nhật, theo tài liệu hướng dẫn thì đó là ngọn núi Edgecumbe nằm trên đảo Kruzof của Sitka, nó cũng là một núi lửa ngưng hoạt động cao 976 m. Nhìn trên hình thể thì nó cũng dễ coi, nổi bật, có gần phân nửa trên đầy tuyết nhưng dáng vẻ không cân đối và ngay đỉnh hơi lệch, không đều, Vì vậy dù khá giống nhưng cái nét vẫn không đẹp như núi Phú Sĩ của Nhật.
Xuống xe, chúng tôi vẫn lòng vòng trong khu bán đồ lưu niệm để xem “cho đã con mắt” chứ giá tương đối mắc, với những bộ đồ lông mà chắc trên xứ Úc không cần thiết như ở Alaska nầy. Đến 1 giờ 40 nhóm kéo nhau xuống tàu. Khi lên phải làm thủ tục trình giấy, những đồ đạc được đưa qua máy để kiểm tra. Trước khi về phòng nghỉ ngơi, chúng tôi phải ghé qua Horizon Court để làm một bữa ăn trưa. Đi du thuyền cho tôi một kinh nghiệm là giờ giấc tham quan trên bộ không nhiều vì khi xuống tàu đã tốn tương đối khá nhiều thời gian, rồi cần phải trở về tàu sớm do sợ phải bị trễ giờ mà đến cỡ từ 4, hay 6 giờ là tàu nhổ neo, mình phải có trên tàu. Còn chuyện “book tour” thì tôi chưa biết vì trong chuyến đi nầy tôi chưa từng làm. Nhưng đi tàu thì sướng mấy điều là giá tương đối rẽ, ăn ngon, phủ phê và ngủ bao nhiêu cũng được: Lý tưởng cho việc an dưỡng, nghỉ ngơi hay người ta nói tắt lại là “nghỉ dưỡng”!
Đến 6 giờ rưởi chiều thì tàu nhổ neo, ra khơi trở lại, để rồi đêm đó “tàu cứ đi và chúng tôi cứ ngủ” sau bữa ăn tối ở nhà hàng Botticelli.
Tất nhiên trong phòng chỉ có anh Thới và tôi cho nên trong chuyến đi nầy, tôi và anh tha hồ nói chuyện ngày xưa và cũng có rất nhiều chuyện đời để nói. Nói đã, khi cơn buồn ngủ đến, chúng tôi mới tắt đèn đi ngủ.
Sáng ngày mai, du thuyền sẽ đưa chúng tôi đến khu vực băng hà mà ở đó là nơi có nhiều lưỡi băng hà đổ ra. Như vậy, chúng tôi cũng đang trên đường “Đến Băng Hà”, mà Quý vị cũng đừng nghĩ chúng tôi là những vị Vua Chúa, Nữ Hoàng đang trên đường đi đến “Tiêu Tùng” (Băng Hà) để chấm dứt cuộc đời.
Chiều ngày, những người phục vụ phòng cho khu vực phòng ngủ của chúng tôi cũng đã phân phát cho từng phòng những tài liệu sinh hoạt trong ngày, cùng tài liệu, bản đồ về Glacier Bay National Park nầy với những chi tiết khái quát để du khách có thể mường tượng hiểu băng hà ở đây như thế nào!

Nguyên Thảo,
31/07/2018.