Thursday, December 19, 2019

*Báo Động!



Người Việt làm chấn động địa cầu
39 người chết trong toa xe đông lạnh
Khi nhập cảnh lậu vào Anh!
Rồi 4 người cùng nhau đâm chém ở Pattaya
Trên đất Thái Lan để bao nhiêu người hoảng sợ.
Lại thêm nữa, cô nàng ăn cắp
Hơn 8000 mỹ phẩm ở Nhật,
Có cả công viên treo bảng từ chối không cho người Việt,
Ôi! Cảnh thật là đau!
Những người Việt du lịch đến Đài Loan
Rồi bỗng dưng biến mất
Kể cả chuyên cơ phái đoàn Quốc Hội
Vài người không trở lại khi thăm viếng Đại Hàn!
Chuyện sinh viên ở Đại Hàn, người trồng “cỏ” ở Anh
Rất nhiều và rất nhiều nữa
Sao người Việt sinh tệ trong thế giới con người
Đem bêu xấu thanh danh cho dân tộc
Còn đâu “Hiếu khách, Tử tế, Anh hùng, Cao quý, Dũng cảm, Đảm đang…”
Mình chỉ tự ca, tự tôn vinh, kiêu hãnh
Nhưng sự thực gần như trái lại!
Ai sẽ chịu trách nhiệm?
Và hậu quả ấy bỡi vì ai?
Có phải chăng do vì hoàn cảnh,
Hoặc từ sự hướng dẫn ban đầu?
Tôi suy nghĩ, nhưng rồi không thể biết!

Đồ Ngông,
20/12/2019.




*Tham Vọng!



Nói đến “Tham Vọng” thì chắc ai cũng đều có tham vọng cả, từ đứa nhỏ cho đến người lớn. Đứa nhỏ bé “muốn giành đồ chơi hết, không cho bạn mình”; người lớn thì muốn “ai cũng phải theo ý mình”! Từ trước tôi chỉ xem đó là những tâm tính của từng con người, nên chẳng để ý gì cho lắm! Rồi đến một ngày nào đó, với cơ duyên, tôi lại chui vào cái là lạ của tâm lý học. Với Tâm Lý Học của Triết học thì ít ra tôi cũng được học từ chương trình lớp Đệ Nhất (Lớp 12) của bậc Trung Học rồi, song những điều tôi học chỉ phân tích, cung cấp kiến thức để mình có thể phân biệt hoặc nhận biết tổng quát thôi. “Cái là lạ” của Tâm Lý Học ở đây là lúc tôi tiếp cận với Tâm Lý Học Phật Giáo hay đúng hơn là Duy Thức Học. Duy Thức Học đã mở cho tôi một cái nhìn mới về con người, mọi vật và phần lớn những gì xảy ra trong cuộc đời nầy. Thực sự tôi chẳng hiểu nhiều gì về những điều siêu hình trong Duy Thức. Nhưng với cái phân tích tổng quát đã làm cho tôi có thể hiểu được nhiều vấn đề. Trong đó các “Điều chính yếu” (Tâm Vương) chỉ khác với Triết học chút ít: Nếu triết học có “ngũ quan” (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân), ý thức; thì trong Duy Thức Học lại có thêm hai phần khác là Mạt-Na-Thức (Thức Thứ Bảy cũng là Ý Căn), và A-Lại-Da-Thức (Thức Thứ Tám hay Tàng Thức). Lúc đầu tôi phân vân giữa Ý Thức và Thức Thứ Bảy vì cả hai đều là “Ý Thức”, thế nó lại khác nhau như thế nào? Rồi một ngày tôi nhớ lại chuyện Tây Du Ký thì Tôn Hành Giả tượng trưng cho Ý Thức (nhận biết và sáng suốt trong nhiều vấn đề), còn Trư Bát Giới cũng là Ý thức (nhưng các ý thức ấy chỉ giành và đem lại quyền lợi riêng cho mình), thế là đối với riêng tôi hầu như tôi tìm được sự phân giải mà chẳng biết là đúng hay không?
Con người hay mọi sinh vật đều có thân xác, trên thân xác ấy có các giác quan: Để nhìn ra bên ngoài thì có mắt (thị giác), mũi để đánh hơi, biết mùi (khứu giác), lưỡi để nếm các vị (vị giác), tai để nghe các âm thanh, tiếng động (Thính giác), da hay thân xác để nhận biết khi tiếp xúc, va chạm (xúc giác). Và từ những giác quan đó mà con người mới nhận định, có ý thức và các hành động tiếp theo, mà trong Duy Thức gọi các giác quan là Căn để tiếp xúc với trần cảnh bên ngoài gọi là “sáu Trần” mà nhận biết trần cảnh như thế nào qua “sáu Thức”. Với Ý Thức hay Thức Thứ Sáu thì khi người ta tìm được, nhận biết những điều mà họ khám phá ra, rồi lúc họ Ứng dụng hay Hành xử đều không có mục đích dành riêng cho mình, đôi khi đem lại ích lợi cho người khác, nhân loại giống như các nhà Khoa Học, các nhà Bác Học thậm chí đến những Triết gia. Nhưng nếu những ai muốn hành xử, ứng dụng giành riêng cho mình, cho nhóm hay cho quốc gia mình thì đó là họ đi về “Thức Thứ Bảy” hay Ma-Nạt-Thức.
“Tham Vọng” là gì? Tham là ham, tham lam; Vọng là mong muốn. Tham vọng là ham muốn, tham lam nhiều hơn nữa, vô bờ bến. Như vậy, vì con người có thân xác nên cần có những nhu cầu để đáp ứng cho thân xác như về ăn, mặc, nhu cầu sinh lý. Lúc đầu chỉ cần “ăn no, mặc ấm”, rồi xa hơn là “ăn ngon, mặc đẹp”, rồi xa hơn nữa. Đó là lòng tham. Cái lòng tham không dừng lại cho nên trong tục ngữ ca dao của ông bà ta mới có câu “Túi tham không đáy”, vì “không đáy” nên xã hội loài người đầy dẫy sự chiếm đoạt, tham nhũng, cướp công, hoạnh họe, áp bức, vòi vĩnh… người khác bất chấp những hành động tội ác giống như trong Đạo Phật phân tích. Vì “Tham” nên cần chiếm nhiều, nhiều hơn nữa; nếu bị cản trở thì trở nên “sân hận”, rồi từ “sân hận” quá trở nên không kiểm soát, kìm hãm được mình trở nên “si mê” mà sinh ra các hành động “Sát (giết người), Đạo (trộm cướp), Dâm (làm việc không chính đáng), Vọng (làm càn, sằn bậy, lừa đảo)” để gây “Nhân” và phải trả “Quả”, và cũng từ đó bắt đầu cho các sự việc xảy ra tiếp theo theo thuyết “Trùng trùng Duyên Khởi”.
Tham vọng của từng con người (của Ta) nó chưa quan trọng bằng Tham vọng của nhóm người, của một dân tộc hay quốc gia (của chúng Ta). Nếu một người muốn vươn lên để trở thành nhân tài đem sức cống hiến cho dân tộc, nhân loại thì sự tham vọng đó đáng được vinh danh, ghi nhớ. Còn tham vọng lên cao để điều khiển, bắt thiên hạ phục tùng, phục vụ cho ước muốn của mình thì điều ấy chưa hẳn là tốt. Do đó mà trong Đạo Phật đặt nặng vấn đề “Vô Ngã” tức là “Không Ta”. Nếu nghĩ đến “Không Ta” thì người ta sẽ phục vụ cho Tha nhân như những nhà “Tôn Giáo”, hay những nhà Bác Học, Khoa Học lẫn Triết Gia; Và cũng “Không Ta” khi xem thân xác của mình là không thật, chỉ do các yếu tố: Đất, Lửa, Gió, Nước kết hợp tạm thời trong mấy mươi, hoặc trăm năm thì người ta mới không cần đến tìm cách cho thân xác mình được sung sướng hay bắt người ta phải phục vụ cho mình!
Nhưng trong cuộc đời nầy không có bao nhiêu người như vậy! Cái “Ta” được thể hiện ở mọi nơi, cái Ta “anh hùng, dũng cảm, hơn người, nhất thiên hạ, bá chủ, thiên tài, kiêu hãnh…” luôn được thể hiện khắp mọi nơi trên địa cầu nầy, từ đó mới sinh ra những biến cố lớn lao trên thế giới như một Cesar, Constantine, Charlemagne, Napoleon, Hitler… hay Tần Thủy Hoàng, Hán Cao Tổ, Thành Cát Tư Hãn vân vân…Đó chỉ là trong phạm vi cái Ta cá nhân mà đã là như vậy!
Còn cái “Của Chúng Ta” thì thế nào? Với một tập đoàn “Cái Ta” thì sẽ khủng khiếp hơn nhiều! Một cái Ta thì sẽ có nhiều sơ hở, có lúc sớm bị tiêu vong, chứ với “Của Chúng Ta”, qua sự tính toán của nhiều người, kế hoạch của một Tập Đoàn thì nhân loại sẽ đi vào giai đoạn đen tối không biết đến khi nào, trong khi qua các sự thực hiện các kế hoạch lại được che đậy tinh vi bằng những mỹ từ “hòa bình, giúp đỡ, tương trợ, cùng nhau có lợi…”. Lại thêm luôn khuấy động tinh thần dân tộc thì chắc chắn họ muốn dân tộc hay đất nước họ sẽ chiếm lĩnh cả địa cầu để thực hiện “một giấc mơ” về chủng tộc! Những nước hùng mạnh chưa chắc sẽ ngăn cản nổi thì nói chi đến các nước nhỏ, cho nên họ muốn vẽ ra sao thì vẽ, nói thế nào thì nói dù là “nói một đàng làm một nẽo” để lừa đảo thiên hạ và thế giới!
Đó cũng là một cuộc cờ!

Đồ Ngông,
20/12/2019.




Monday, December 16, 2019

*Quê Người! (25)



Những người mới tới Nam Úc để định cư đa số đều ở tại trại tiếp cư Pennington nầy trong một thời gian, rồi sau đó tùy theo tình trạng quen biết, có thân nhân giúp đỡ thì có thể ra ngoài mà chia phòng với người khác để được nhẹ chi phí hơn; ngoại trừ những người đi sang Úc bằng sự bảo lãnh của gia đình thì họ có nơi ăn chốn ở sẵn không cần ở tại trại tiếp cư, nhưng vài thủ tục họ vẫn phải vào trong nầy làm. Trong “list” tôi cũng có vài người như vậy!
Tính ra thì chúng tôi ở trại tiếp cư cũng cả tháng rồi, mọi thủ tục về giấy tờ, khám sức khỏe đều hoàn tất, bây giờ chỉ chờ đợi để học Anh Văn hầu mai sau có thể giao tiếp được với người ta. Nhưng thời gian nầy mọi trường học đều vào thời “nghỉ học kỳ” nên lớp học phải đợi chờ. Mọi ngày cứ đến buổi thì rủ nhau lên căng-tin rồi về phòng, thật là buồn chán! Sự rảnh rang càng làm cho mình nôn nóng hơn về chuyện gia đình ở Việt Nam vì mình chẳng giúp cho họ được gì, trong khi mình đang ở đây cũng chưa biết mình sẽ ra sao?
Rồi ngày học “Đời Sống Mới” với ông Y cũng đến. Tất nhiên lớp khá đông. Phòng học cùng dãy nhà tiền chế với văn phòng làm việc của “nhân viên di trú” trong trại. Ông Y là một trong hai nhân viên “Sở Di Trú” làm việc tại Pennington, ông phụ trách giúp đỡ cho người Việt, và một ông khác phụ trách cho người Kampuchia về các vấn đề di trú. Lớp học nầy là do “Sở Di Trú” phụ trách chứ không phải của bên ngành Giáo Dục. Các vấn đề được đặt ra là những chi tiết giao tiếp với người Úc kể cả các vấn đề liên quan đến giấy tờ bảo lãnh, hay cách sống của Úc để mình sống cho thích hợp với họ. Có những cách diễn tả của người Úc khác ý nghĩa với của người Việt, khi mình sử dụng theo thhói quen làm cho người ta dễ hiểu lầm, nên cẩn thận. Anh Y kể chuyện rất duyên dáng, nói chuyện thân mật và cách diễn đạt của anh dễ hiểu khiến cho mọi người thích thú và có cảm tình với anh ngay từ buổi đầu. Khi đến giờ nghỉ ngơi tôi đến bên anh hỏi ngày xưa anh có đi dạy không? Anh nói đi dạy ở Bình Long. Tôi mới hỏi tiếp là sau trường dời về Gò Đậu của tỉnh Bình Dương và rồi anh có công tác trong trại tiếp cư trong “Mùa Hè đỏ lửa” của năm 1973. (Tôi xin đóng ngoặc nơi đây để giải thích vì sao gọi là “Mùa hè Đỏ Lửa”: Vì sau khi cuộc Hội Nghị “Chấm Dứt Chiến Tranh và Tái Lập Hòa Bình tại Việt Nam” ở Paris được ký kết thì Hiệp Định sẽ được thực hiện vào Mùa Hè của năm 1973, nhưng vì trong Hiệp Định qui định Lực lượng nơi nào ở yên trong phạm vi chiếm đóng của lực lượng ấy, cho nên ngay trước khi Hiệp Định có hiệu lực các lực lượng cố chiếm để “Dành dân, lấn đất, cắm cờ”, do vậy mà cuộc chiến lại càng ác liệt hơn bao giờ hết mà ở Miền Đông Nam Phần hai Tỉnh Bình Long, Phước Long và các quận phía Bắc Tỉnh Bình Dương là nặng nhất. Nói như vậy không có nghĩa là cuộc chiến chỉ riêng ở Miền Đông, mà khắp cả Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ đều đầy “Tiếng súng, lửa đạn” cho nên mới gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa”). Anh hỏi: “Sao tôi biết?”. Tôi mới nói: “Ngày đó trong các đêm trực ở trại tôi có nghe nói đến tên anh, vì tên anh rất dễ nhớ chỉ có một chữ Y dài thôi”! Không ngờ tôi lại gặp anh ở đây! Rồi tôi anh nói chuyện về ngày xưa trong chốc lát, để anh còn thì giờ đi về phòng uống nước, nghỉ ngơi. Thế là hai người đặc biệt nhất trong thời kỳ công tác ở trại Tiếp Cư Gò Đậu, thời kỳ khi mà Hiệp Định Đình Chiến Paris bắt đầu được thi hành để  cuộc chiến ở Việt Nam tạm ngưng, nhưng không ngờ trở thành cuộc chiến giành giựt khốc liệt nhất khiến cho dân hai tỉnh Bình Long và Phước Long phải tan nát nhà cửa, cố thoát chạy khỏi vòng chiến tranh để về Bình Dương và Trại Tiếp Cư Gò Đậu được thành lập để tiếp nhận họ. Và phần lớn nhà giáo chúng tôi được lệnh vào công tác trong trại để giúp đỡ về hành chánh cũng như phân phát các nhu yếu phẩm cứu trợ. Ở đó, tôi có dịp nghe đến “Thằng Y” và “Hiệp Lùn”, không ngờ nay trên xứ người tôi lại gặp cả hai ở trên đất Nam Úc nầy! Xong buổi học, anh Y cho biết vấn đề sẽ học trong lần sau và anh cũng cho hay là chúng tôi sẽ gần học lớp Anh Văn rồi vì học sinh chuẩn bị vào học kỳ mới. Có buổi học nầy cũng giúp cho chúng tôi đỡ buồn chán hơn và phát họa trong đầu vài cách ứng xử để thích ứng với nếp sống theo kiểu Tây Phương rất là xa lạ. Tôi có cảm tưởng như mình bắt đầu “rọ rạy” cho một bước đầu tiên trong cuộc sống mới sau thời kỳ “giấc ngủ đông miên”!
Bây giờ tôi không còn nôn nóng trông chờ vào giấy tờ từ bên nhà gởi qua nữa. Trông chờ lắm thì cũng vậy thôi. Thư từ đi thì không biết đến bao lâu sẽ tới, và gởi ra thì cũng chẳng biết thế nào mặc dù giá cả rất mắc. Vả lại, trong lúc nầy thì Nhà Nước Việt Nam cũng đã “ngưng cứu xét hồ sơ xuất ngoại theo diện bảo lãnh” rồi! Thôi thì bao lâu thì lâu, đành phải thí cho số phận! Mình ra đi chẳng là giao cho số phận hay sao? Nghĩ rồi tôi cũng tự tức cười: Tại sao trong chiến tranh ác liệt mình chẳng phải lưu vong, mà khi chiến tranh chấm dứt, thống nhất đất nước thì bao nhiêu người lại bỏ nước ra đi, không cùng nhau xây dựng lại đất nước. Cũng tại việc xây dựng “Xã Hội Chủ Nghĩa”, và “Quan Điểm Hận Thù” mà ra. Những người tị nạn trong trại nầy phần lớn từ những nước Cộng Sản Ba Lan, Tàu Tân Cương, Liên Xô rồi Việt Nam, Kampuchia, Lào, thỉnh thoảng có vài người từ vài nơi khác. Ai có thân nhân ở bên ngoài thì ra trại nhanh hơn, còn những ai “cô thân gối chiếc” thì ở lâu hơn tùy theo điều kiện của mình!
Để chuẩn bị cho những lớp Anh Văn được mở ra vào học kỳ mới, chúng tôi phải trải qua một cuộc phỏng vấn với các Thầy Cô người Úc để họ định theo trình độ mà xếp lớp. Nghe nói ông Hiệu Trưởng trường là ông Sang người Việt, và có thầy Tỉnh dạy ở đây cũng khá lâu. Các lớp Tiếng Anh nầy là cho những người mới tới gọi là ESL, viết tắt cho chữ English as Second Language vì những người học các lớp nầy là những người đã có ngôn ngữ khác là Tiếng mẹ đẻ và Tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ thứ hai.
Tôi không hiểu chuyện nghĩ học kỳ nên lần gặp ông Y trong lần học Đời Sống Mới kế tiếp mới hỏi anh, anh cho biết: Ở Úc không có học suốt thời gian trong năm học để tới hè mới nghỉ Hè như ở Việt Nam; mà người ta chia ra những học kỳ tương ứng với ba tháng. Học sinh học chừng 10 tuần thì nghỉ hai tuần, rồi lại vào học kỳ mới. Cuối năm thì cũng nghỉ Hè nhưng thời gian nghỉ không dài lắm. Thế là tôi lại học thêm được một điều mới! Chính vì vậy mà chúng tôi phải kéo dài thời gian ở không có nhiều buồn chán!
Ở trong trại Tiếp Cư nầy cũng có cái Câu Lạc Bộ để người ta có thể đánh Bida, banh bong hay xem truyền hình hoặc uống cà phê, ngồi tán gẫu. Nhưng vì có nhiều thanh niên ồn ào và đang trong thời kỳ mà phong trào kỳ thị dâng cao cho nên chúng tôi ít hay bén mảng đến, chỉ khi nào muốn giải khuây thì kéo đến đó trong chốc lát rồi trở về phòng. Ngoài ra tôi có nghe nói bên phòng đằng kia nơi đất trống có lớp võ đường Thái Cực Đạo, mỗi tuần hình như dạy hai buổi do Anh Mai Hồng Vân nào đó cũng người Bình Dương đang hướng dẫn, nhưng tôi cũng không đến đó vì mình không có khiếu. Cứ quanh quẩn trong trung tâm từ Căng-tin, Câu lạc bộ cho đến người thân quen. Nay có thêm lớp Đời Sống Mới nên cuộc sống tha hương đỡ buồn hơn. Còn đi ra ngoài thì “lạ nước lạ cái” lại trong lúc kỳ thị dâng cao nên không dám, thà rúc vào cái vỏ cho an toàn, chỉ khi nào cần thiết thì hai ba đứa rủ đi cùng.
Rồi ngày tựu trường cũng đến. Lớp học được khoảng ba chục người đa số là người Việt, vài người Kampuchia, một người Lào cùng vài người Ba Lan. Tôi, Bác Vỹ, Bác Phương, Tịnh, Kim, Liêm, Chú Nhiệm và một số người qua chung “list” cùng lớp. Thành, Kiệt, Anh Ba Nguyên học lớp bên kia. Người dạy lớp tôi là bà Helena gốc người Ba Lan. Thú thật, về viết thì tôi còn đỡ hơn chứ về nghe tôi rất dở nên không mấy phản ứng nhanh, lại cộng thêm mình phải dịch nghĩa trong đầu óc xong lại tìm câu trả lời bằng tiếng Việt mới dịch sang tiếng Anh, rồi mới trả lời. Do đó chuyện học của tôi rất là vất vả. Lúc ấy tôi mới tiếc là khi ở đảo hay trại Tị nạn mình không tham dự vào các lớp học để bây giờ được phản ứng nhanh hơn. Tiếc chỉ để tiếc thôi, chứ mọi việc cũng qua rồi! Học từ Thứ Hai cho đến ngày Thứ Sáu vào mỗi buổi sáng. Thứ Bảy và Chúa Nhật nghỉ. Chương trình học thì do Cô giáo phát bài bằng những đoạn văn nào đó từ trong truyện hay báo, sách mà cô chọn rồi in ra phát cho từng người. Dựa vào bài đó mà cô đặt câu hỏi, cũng như giải nghĩa về từ vựng, hay chúng tôi cùng nhau thảo luận về đề tài. Gần như cô muốn cho chúng tôi tập về đàm thoại nhiều hơn.
Tuy nhiên, với người Việt của mình nói chung thì viết hay làm bài tương đối khá, có lẽ do căn bản được học từ trường học trước kia dù là học Sinh ngữ 1 hay Sinh ngữ 2; nhưng về trả lời vấn đáp thì có nhiều chậm chạp và không đúng vì cách phát âm tiếng mẹ đẻ ảnh hưởng vào. Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm nên khi phát âm nó trở nên ngắn, gọn mà Tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm nó cần đến sự mềm mại của lưỡi và miệng. Chính vì thế mà sự học Tiếng Anh của người mình cần luyện tập nhiều hơn về giọng đọc, lớn tuổi rồi thì trí nhớ cũng giảm đi nên chuyện học Từ Vựng là cả một vấn đề. Nếu không đủ Từ vựng thì không thể diễn tả được cái ý của mình, giọng đọc không đúng thì người nghe không thể hiểu điều mình muốn nói. Đã thế mà thói quen của mình là chú ý về Văn Phạm nên chuyện học đàm thoại thêm nhiều trở ngại. Có lần cô giáo kêu chúng tôi cứ học thuộc cái câu trả lời có sẵn để trả lời câu hỏi theo cách phản ứng tự nhiên, cứ nghe câu hỏi thì trả lời thẳng không cần suy nghĩ, rồi từ từ về sau sẽ nghĩ đến Văn Phạm. Còn cái miệng không quen với ngôn ngữ đa âm thì hãy tập nhiều lần giống như cô cho thí dụ: “I go to the bank”, đọc càng ngày càng nhanh, xong nối dài câu ấy ra “to get some money” rồi ráp lại đọc cho nhanh hơn, và “to buy something”. Theo cách đó thì sự đọc Tiếng Anh của chúng tôi có tiến bộ hơn, nhưng nó chỉ là tương đối thôi. Từ đó tôi lại nhớ những người Tàu sống trên đất Việt Nam lâu đời mà còn nói tiếng Việt không rành thì bây giờ chúng tôi cũng sẽ lâm vào tình trạng giống như vậy trên xứ Úc là quê hương thứ hai nầy! Chính những người Cộng Sản đã cho chúng tôi một quê hương thứ hai! Quê hương chính chỉ để “dành riêng cho họ”. Quê hương có hùng mạnh, giàu có hay nghèo đói, mất nước cũng do chính họ mà thôi!
Thời tiết bây giờ càng vào sâu trong mùa Thu, những cây có lá vàng, trở màu đều đã rụng cả rồi, cành trơ ra để lộ những mái nhà đỏ, xanh, đen, màu tôn hay màu khác mà người chủ thích. Có chỗ cây rụng lá để lộ cả vách tường màu gạch đỏ mà trước kia tôi chỉ nhìn thấy trên hình ảnh trong các sách hay tạp chí về mùa Thu ở các xứ miền Ôn Đới. Bây giờ tôi mới được nhìn thực tế bên ngoài! Mùa Thu với lá bay, cây trơ cành, trên trời đầy mây vần vũ, gió lành lạnh, mưa bay bay, người co ro với những quần áo ấm. Đây quả thật là một mùa Thu đầu tiên trong đời của tôi!
Càng ngày thời tiết càng lạnh, cái lạnh đầu tiên mà tôi chưa từng hưởng. Đêm đến chúng tôi mở lò sưởi ống nhiều hơn, kéo cái mền trùm kín đầu mặt vậy vẫn còn nghe lạnh, người ta nói trời dần đi vào mùa Đông. Có vài hôm nắng ấm, vậy mà những người Ba Lan lại nằm trên sân cỏ phơi nắng, trong khi đó chúng tôi vẫn còn nghe lạnh. Trọng luống này hơi bận nên cũng ít vào thăm tôi, Thành. Có hôm rảnh thì đến chở tôi, Thành về nhà ăn bún cùng Trí, Mai, Kiệt, Hường; hoặc hôm nào chở đến nhà Huynh vào buổi tối cuối tuần để xem phim. Quả thật, nơi tha hương xứ người gặp được Trọng, chị Yến và những bạn bè của họ khiến tôi, Thành nghe được ấm lòng mà quên bớt đi nỗi nhớ nhung quê nhà cũng như vợ con.

Nguyên Thảo,
12/11/2019.




Tuesday, December 10, 2019

*Lắng Lòng!



Hãy lắng lòng để nghe từng cơn bão nổi
Hãy lắng lòng cho sân hận qua đi
Hãy lắng lòng vào những khi thù ghét
Để đi tìm một cuộc sống diệu kỳ!

Hãy lắng lòng, lắng lòng trong tâm niệm
Như bao lần chướng bận đã dấy lên
Hãy bình yên như ta vừa an nghỉ
Để nhìn sâu vào tâm thức vùng miền!

Lắng lòng, hãy lắng lòng không vướng bận
Đời đấu tranh như những lúc lọc lừa
Cuộc gian dối rồi qua đi chấm dứt
Và cuối cùng cũng chỉ lại tiễn đưa!

Người vào đời với bàn tay nắm chặt
Và lớn lên cùng bao nỗi thù hằn
Danh vọng, tiền tài, yêu thương giăng mắc
Ra đi rồi lại cũng “Dế cùng trăng”!*

Đồ Ngông.

*Ngoài nghĩa địa đêm chỉ nghe dế kêu cùng trăng sáng.




Monday, December 9, 2019

*Đi Nga. (3)




Hơn một tiếng đồng hồ sau khi rời phi trường, xe buýt đưa đoàn chúng tôi vào phạm vi Thành phố Moscow. Giọng Bà Hướng Dẫn Viên nhỏ nhẹ, từ từ giải thích những nơi cần thiết mà đoàn đi tới. Đôi khi có nhiều tiếng ồn mà chúng tôi không thể nghe được rõ; nhưng điều quan trọng nhất là ai cũng lo nhìn quang cảnh bên ngoài hoặc quay phim, chụp hình hơn là nghe Bà nói. Do vậy mà cứ nghe bấp bõm chứ không lĩnh hội được nhiều. Nhưng dù gì: Có bà giải thích thì vẫn tốt hơn, thế cho nên công ty du lịch đã chọn giải pháp tối ưu đó. Vì với Bernard nếu có giỏi thì cũng không thể biết rành rẽ về các nơi đang đi tới và sẽ đi, nhất là các xứ vừa thoát ra khỏi chế độ Cộng Sản không lâu, tất nhiên Bernard lại càng mù tịt hơn nữa khi Bernard được sinh ra, lớn lên ở trên đất Mã Lai, do Mã Lai không phải là quốc gia Cộng Sản.
Xe chạy dọc theo dòng sông gọi là Moskva River, đi vào trung tâm của Thành phố. Hai bên bờ sông đều được xây bằng bê tông nên không có nơi nào là bờ thiên nhiên, cả hai bên bờ là những đường lớn xe chạy một chiều với khoảng 5 làn mà lượng xe cũng không là ít dù thời kỳ Liên Xô tan rả chẳng là xa lắm! Bà Hướng Dẫn Viên thuyết minh hoặc chỉ những nơi cần biết, hoặc giới thiệu những building, khách sạn mới được xây dựng về sau nầy ở Moscow khi xe đi ngang qua. Có nhiều cầu bắt qua sông với cách thiết kế vững chắc và có nét cổ làm tăng cái nét đẹp của con sông cùng những chiếc du thuyền đang chở hành khách tham quan trên đó. Xe buýt đưa chúng tôi đi vòng “City tour” nầy từ lúc hơn 9 giờ rưỡi, đi qua nhiều con đường, phố xá để giới thiệu khái quát về những gì mà Moscow đã có, hoặc đang thay đổi. Có lẽ Moscow khác xưa nhiều vì trong thời kỳ Cộng Sản thì chắc nơi nào cũng vậy. Trong thế giới Cộng Sản thì những tổ chức lề mề, lễ mễ, rối rắm, rườm rà làm ngăn trở bước tiến trong xã hội đang có để trở về với những thời kỳ trước đó hàng nhiều năm: Cũng như muốn tổ chức thương nghiệp thì phải đánh tư sản, rồi kiểm kê những cửa hàng bán lẽ, xong cửa hàng thương nghiệp mới thành hình. Nhưng cửa hàng thương nghiệp cũng không cung cấp đủ hàng hóa cần thiết cho đời sống dân chúng vì nông nghiệp cũng đang phải tái tổ chức thành hợp tác xã, công nghiệp thì thiếu nhiên, vật liệu đành ngưng hoạt động. Một hoàn cảnh bi đát cho mọi người dân khi xã hội phải bị chuyển đổi từ tổ chức xã hội cũ để tiến sang giai đoạn mới. Như trong thương nghiệp đôi khi phải xếp hàng cả ngày mới mua được vài thứ đồ. Điều ấy chắc Karl Max, Engel không muốn, hay là nghĩ đến vì khi mấy ông ấy khi nghiên cứu và đưa ra lý thuyết Cộng Sản là phải “cung ứng dư thừa vật chất cho toàn xã hội, cho mọi người” với một cách công bằng: “Ai cũng như ai, không có người bốc lột người”. Các ông ấy còn chia xã hội tiến lên thành hai giai đoạn: Xã Hội Chủ Nghĩa và Cộng Sản chủ Nghĩa. Ở Xã Hội Chủ Nghĩa thì câu phương châm: “Có làm có hưởng, làm ít hưởng ít làm nhiều hưởng nhiều, không làm không hưởng”, và trong Cộng Sản Chủ Nghĩa là: “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” và “Nhà nước tự tiêu vong” để từ đó thành lập một Thiên Đàng nơi hạ giới ở từng nước rồi sau đó cùng sống trong một Thế Giới Đại Đồng mà giai cấp nồng cốt là công nhân, vì công nhân là thành phần sản xuất, cung cấp cho mọi nhu cầu xã hội, và nông dân lúc ấy đã trở thành công nhân vì nông nghiệp đều được cơ giới hoá. Có thể vì lý thuyết như vậy nên Chủ Nghĩa Cộng Sản đã thu hút không biết là bao nhiêu người trí thức. Những con người có khuynh hướng công bằng xã hội đi theo và tranh đấu cho một xã hội tương lai. Nhưng ngay từ đầu khi người ta thực hiện chủ nghĩa nầy đã khiến cho cuộc sống toàn xã hội phải bị đình trệ, và thoái hóa cùng những sự phản kháng chống đối đồng loạt lại nổi lên, tâm tính con người cũng trở nên kỳ hoặc, bất thường, liều lĩnh, đạo đức bị đảo lộn do nơi bị tước đoạt quyền sở hữu và nhiều thứ tự do căn bản của con người. Trong khi đó những tổ chức của Nhà Nước cung cấp mọi nhu cầu thiết yếu cho toàn xã hội chưa hoàn thiện, hoặc thành hình quá chậm chạp khiến dân chúng thiếu thốn mọi bề. Vì sự sống người dân phải bươn chải với mọi cách, mọi thủ đoạn để bảo toàn mạng sống cho chính mình và gia đình, bất chấp mọi lệnh nghiêm cấm hay sinh ra trộm cắp, cướp giựt, cướp của giết người. Sự chịu đựng giới hạn nên đến lúc nào đó, khi có dịp phải ly khai, thì chuyện cái nôi của sự thực hiện Chủ Nghĩa Cộng Sản trên thế giới là ở  Đất nước Liên Xô nầy và các nước Đông Âu đã chứng minh cho điều ấy! Không biết người dân Nga có bao giờ thích quay lại thời bao cấp của chế độ Cộng Sản nữa hay không? Chứ bây giờ thấy nước Nga có nhiều biến đổi mà chúng tôi đang nhìn thấy mà bà Hướng Dẫn Viên đã nói về vấn đề sự phát triển mạnh mẽ của các Nhà Thờ sau thời kỳ Cộng Sản sụp đổ. Hôm nay đoàn chúng tôi đến Moscow nầy cũng như hành trình của tour là phần lớn đi qua những nước Cộng Sản ngày xưa. Tất nhiên là đời sống, sinh hoạt của người dân cũng khác xưa khá nhiều. Tính ra trong cuộc đời tôi vẫn còn rất nhiều may mắn khi được tham dự “tour” nầy để mình có thể thực tế những gì mà mình tìm hiểu, tra cứu vài vấn đề mà sau ngày kết thúc chiến tranh và thống nhất đất nước 30/ 04 năm 1975 trên lý thuyết cùng sách vở mà tôi đã thắc mắc khi môn dạy của tôi bắt buộc tôi phải tìm hiểu về lý thuyết, và cũng là để “thực tế hơn” về Chủ nghĩa Cộng Sản ở Tây Phương xem ra có khác gì với sự áp dụng cái gọi là “Chủ Nghĩa Xã Hội” ở Việt Nam hay không?
Xe đưa đến chỗ chiếc cầu, mà bên kia sông sau chiếc cầu là vòng rào bằng gạch đỏ, Hướng Dẫn Viên cho biết đó là vòng thành của Điện Kremlin. Với màu đỏ nó hiện lên một cách đặc biệt khiến ai cũng phải ngắm nhìn hay quay phim. Tường có vài pháo đài hay đài quan sát có cách kiến trúc đẹp, hài hòa làm tăng thêm nét hùng mạnh của nó.
Xe buýt đưa đoàn đi vòng trong thành phố thêm một thời gian nữa và ngừng lại ở một tiệm có bảng đề theo chữ Nga mà tôi đoán đó là “Cà phê”. Thời gian lúc nầy khoảng 11 giờ, mình vào đây ăn sáng ư? Hay là ăn trưa? Đoàn người vào trong, thì ra chắc là giờ ăn trưa! Tôi và nhiều người muốn thoải mái trước bữa ăn là đi vào “toilet” trước. Ôi, phòng vệ sinh không có nhiều, chỉ có hai cho bên phía đàn ông, nên đành phải sắp hàng rất lâu. Mọi người đều lấy làm ngạc nhiên và cười ồ. Không biết bên mấy bà như thế nào mà họ lại xếp hàng phải lâu hơn nữa!
Đến lúc bồi bàn đem thức ăn ra, mọi người càng ngạc nhiên hơn vì “salad” là món đầu tiên mà không có món nào khác ngoại trừ bánh mì để sẵn trên bàn. Lúc đó tôi mới nhớ lại lúc trên máy bay, người ngồi kế tôi chính là người ở Nga, thì ra cách ăn của tôi không đúng theo cách của Nga rồi. Thôi thì mình cứ ngồi ăn mà nghiền ngẫm thêm về cách của người Tây Phương.
Hơn tiếng đồng hồ sau, chúng tôi hoàn tất buổi ăn trưa đầu tiên trên đất Nga. Xong, nhiều người đi vệ sinh lần nữa trước khi tiếp tục lên đường, còn một số thì ra phía trước quay phim hay chụp hình. Xe chuyển bánh đi trong thành phố trong một thời gian nữa và Bà Hướng Dẫn viên tiếp tục thuyết minh về những nơi trong thành phố Moscow, tất nhiên Bà không thể bỏ qua Tòa Đại Sứ của Úc vì chúng tôi toàn là những du khách đến từ Úc. Không biết khu kỹ nghệ ở nơi nào mà trên đường phố rất ít những xe tải hạng nặng xuất hiện. Tính ra trong thời kỳ Cộng Sản, người ta cũng ước lượng kỹ càng nên đường xá đến bây giờ vẫn thênh thang, thừa cung ứng cho sự giao thông, cùng các building chung cư vẫn hài hòa tạo nên khung cảnh đẹp cho hai bên đường. Các công viên rộng lớn đầy cây xanh màu lá tươi tốt của khung cảnh mùa Xuân. Có nhiều công trình, khu vực mới được thành hình từ sau chế độ Liên Xô sụp đổ làm như Moscow cố vươn lên cùng với các thành phố khác trên thế giới!
Cung điện gỗ.

Đến hơn 1 giờ trưa xe đổ vào bãi đậu của một công viên, mọi người xuống và đi bộ theo Hướng Dẫn Viên dẫn đường. Đoàn đi qua một đoạn đường khá dài, đi qua công viên ít được cắt cỏ gọn ghẽ như các nơi khác mà để tự nhiên, nên thoáng nhìn qua người ta cũng có vẽ thích thú với sự hoang dã của nó. Nhưng không, đây là một lâu đài làm bằng gỗ, có cách kiến trúc độc đáo với nhiều màu sắc. Nhưng chính của nó là màu chocolate, vàng, xanh lá cây, và trắng. Ngôi biệt thự rất là kiểu Nga. Thì ra đây là nơi ở của vua Alexey Mikhailovich thuở trước. Theo Bà Hướng Dẫn Viên chúng tôi phải đợi hơi lâu vì chưa tới giờ hẹn với nhân viên ở đây. Trong thời gian ấy mọi người chụp hình, quay phim trên nhiều góc cạnh để làm kỷ niệm, vì ở chung quanh đây là công viên rất rộng với nhiều loại cây và bông hoa. Khoảng 1 giờ 45 chúng tôi mới được phép vào trong cung điện và những nhân viên ở đây với trang phục cổ của người Nga tiếp chúng tôi tham quan các phòng trưng bày những vật dụng, vũ khí, vật trang trí và họ thuyết minh để chúng tôi có thể hiểu được phần nào. Các phòng được sơn son thiếp vàng thật là lộng lẫy, với những hoa văn tinh tế, đầy mỹ thuật. Vật dụng được trưng bày trong tủ kính. Tất nhiên là mọi thứ du khách không được chạm vào. Nào là phòng ngủ của vua, của người trong hoàng gia, rồi đến hành lang hoặc các vách tường trưng bày vật dụng của chiến sĩ cùng vũ khí của họ. Kế đến là xem phòng tắm ngày xưa của những người trong hoàng tộc. Nơi lò sưởi có những hòn đá được đun nóng ở đó sẽ được bỏ vào trong những bồn nước để làm cho nước trở thành nước nóng mà tắm. Tôi lại học một điều mới mà từ trước tôi không nghĩ tới.
Sau đó đoàn được người hướng dẫn đưa về một phòng khá rộng có các băng để mọi người ngồi. Rồi ông hoạt náo viên bắt đầu giới thiệu công việc làm ở đây qua sự thông dịch của Bà Hướng Dẫn Viên. Thì ra mọi người sẽ được giới thiệu hình thức một đám cưới ngày xưa của một sắc tộc Nga.
Lúc đầu ai cũng tưởng các nhân vật là do người Nga thủ vai. Nhưng không, điều kỳ thú là họ chọn người trong đoàn từ vai cha mẹ bên đàng trai cũng như bên gái. Rồi cô dâu, chú rễ lại là cặp vợ chồng Nghi, Dung. Người được chọn mặc sắc phục của sắc tộc cùng được trang hoàng theo phong tục. Trong lúc đó thì những bài hát cùng giọng đàn được cổ vũ theo, tạo nên khung cảnh vui nhộn. Cuối cùng chúng tôi được một bài học khái quát về nét văn hóa trên đất Nga trong ngày đầu tiên. Xong tiệc cưới mọi người thưởng thức rượu mật ong trên cái chén mà mình có thể giữ lấy làm kỷ niệm. Đến khoảng 3 giờ 50, đoàn rời cung điện gỗ, ra xe và tiếp tục cuộc hành trình.

Nguyên Thảo,
08/09/2019.




Sunday, December 1, 2019

*“Cái Nền Giáo Dục”!



Rõ ràng cái nền giáo dục chắc chắn sẽ ảnh hưởng trên tất cả mọi người đi học từ khi còn nhỏ cho đến hết cuộc đời. Một con người được đi học đều mang những hình ảnh đầu tiên khi cắp sách đến trường, đến thầy cô giáo và mái trường thân yêu, ngay cả cái hình ảnh lớp học và khung trường với những cây cối xung quanh. Rồi những năm dài trên ghế nhà trường cùng bao nhiêu bạn bè chung lớp, hết đợt nầy đến đợt khác; quen, thân rồi lại xa nhau. Từng kỷ niệm, từng kỷ niệm in dấu ấn lên tâm hồn để đến khi già nó được quay lại như một cuốn phim. Ai cũng vậy! Nhưng đi học để làm gì? Không biết các bạn nghĩ như thế nào, chứ Đồ Ngông tôi cũng tự hỏi với mình nhiều lần. Hỏi thì hỏi, nhưng tùy theo hoàn cảnh mà mỗi người có thể có một hướng nhìn hay đi riêng mà trong đó chắc phải có cái “học để biết, có một số kiến thức để ra đời”. Tôi cũng trong trường hợp như vậy, vì khi ba tôi dẫn tôi tới trường là mục đích “cho tôi biết vài ba chữ với người ta”, “cho nó đi học để ở nhà nó đi phá cũng vậy”! Thực ra học cũng là để chống với cái “ngu”, cái “dốt” mà lúc tôi còn nhỏ thường nghe nói lớp “bình dân học vụ”, “xóa nạn mù chữ”, chống với “giặc dốt”. Chính vì vậy mà chữ “quốc ngữ” hay chữ viết theo mẫu tự La Tinh sáng chế của mấy Ông Cố Đạo Tây Phương, có thể khi họ muốn học Tiếng Việt đành phải lấy chữ cái La Tinh để phiên âm mà học (giống như tôi bây giờ học Tiếng Anh phải ghi chú giọng đọc các chữ bằng tiếng Việt vậy) mới được ra đời. Do sự dễ dàng, thuận tiện mà nó phát triển nhanh chóng để thay thế chữ Hán (viết chữ Tàu, nhưng giọng đọc khác Tàu), hay cách viết của chữ Nôm mà phải mượn qua nhiều chữ Tàu kết hợp để phiên âm giọng đọc tiếng “Thuần Việt” quá ư là rắc rối (vì chữ Việt cổ đã bị biến mất từ lâu). Trong sách sử có nói đến ông Hàn Thuyên làm thơ chữ Nôm khởi đầu cho nền Văn Học chữ Nôm, nhưng sự mượn chữ Hán để làm thành chữ Nôm cũng phải qua nhiều năm trước đó. Như vậy ngôn ngữ Việt cho đến ngày nay đã trải qua hai thời kỳ biến đổi: Thời kỳ mượn chữ Hán để phiên âm mà phát triển nhất là bài thơ của Hàn Thuyên khởi đầu cho nền Văn Học Chữ Nôm, và đến khi các Cố Đạo Tây Phương mượn mẫu tự La Tinh để phiên âm học Tiếng Việt nay thứ chữ nầy được phổ biến rộng rãi, được xem là “Quốc ngữ” từ năm 1919. Từ đó các khóa thi bằng Chữ Hán như Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình cũng chấm dứt. Thế là Đồ Ngông tôi thất nghiệp, không còn làm Thầy Đồ nữa, mà chỉ còn là thứ “đồ” ngông thôi!

Nhờ thứ chữ dễ viết, dễ học nầy mà mấy ông Cố Đạo Tây Phương thành công trong việc giảng đạo, cũng như người học mau có kiến thức để giúp sức vào đời. Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ có biết vài người còn học chữ Nho, nhưng lúc đó họ chỉ học để làm thầy thuốc, hoặc các chú tiểu trong chùa học để đọc Kinh sách nhà Phật thôi. Còn trong dân gian thì họ học lớp “Bình dân học vụ”, “Xóa nạn mù chữ” để biết đọc, biết viết; để dễ tính toán trong buôn bán, đi chợ nhất là để đọc truyện Tàu được in ra bằng chữ Quốc Ngữ. Thời đó những Truyện Tàu được nhiều quầy cho mướn Truyện lưu hành; các sách Thơ như Lục Vân Tiên, Thạch Sanh Lý Thông, Phạm Công Cúc Hoa, Lục Súc Tranh Công… được bày bán theo các chợ. Ông nội tôi biết chữ Quốc ngữ không nhiều chỉ để giao tiếp, đọc chuyện. Ba tôi thì biết khá hơn vì có đi học với các ông Thầy học trước có chữ nghĩa nhiều dạy lại. Đến thời tôi còn nhỏ trường học thật hiếm mấy xã mới có một trường tư. Mãi đến sau năm 1954 thì gần như mỗi xã mới có một trường gọi là Trường Sơ Cấp chỉ có lớp Năm, lớp Tư, và lớp Ba (tức lớp 1, 2, 3 ngày nay). Xong bậc đó, vì số học trò lên cấp trên ít hơn nên từ mấy xã dồn lại để có lớp Nhì, rồi năm sau lên lớp Nhất (tức lớp 4 và lớp 5). Trường phát triển đó gọi là Trường Tiểu Học. Xong năm học lớp Nhất thì thi bằng Tiểu Học và thi lên lớp Đệ Thất (lớp 6) bậc Trung học, nhưng năm tôi học đã bỏ thi bằng Tiểu Học chỉ còn thi lên lớp 6. Năm nay (2019) đánh dấu 100 năm sự áp dụng chữ Quốc Ngữ nên trên mạng có nhiều chương trình kỷ niệm, nghiên cứu về chữ Quốc Ngữ được phổ biến, trình chiếu!

Nói chung, chữ Nôm thì mượn hình thức chữ Tàu để diễn đạt ngôn ngữ Việt khiến người Tàu phải “ngẩn ngơ”, còn chữ Quốc ngữ theo mẫu tự La-Tinh thì người Tây cũng ngạc nhiên vì có những dấu giọng mà họ không thể hiểu. Quả thật Tiếng Việt làm cho thiên hạ dễ “nhức đầu” thắc mắc! Nhưng vấn đề đó không là vấn đề quan trọng, mà vấn đề quan trọng là “Mục đích của nền giáo dục là gì?”.

Đúng ra, theo lẽ khi cái thứ chữ dễ dàng sử dụng, dễ dàng học tập được phổ biến rộng rãi, thì cái nền giáo dục phải được phát triển và càng thăng tiến hơn lên, cộng với những người chuyên môn định hướng cho nền giáo dục khi họ hoạch định “cái chương trình” giáo dục hợp lý thì kết quả mới đem lại cho đất nước những nhân tài, những công dân ưu tú ở tương lai. Nhưng những điều ấy chưa hẳn mà tùy thuộc vào “giai cấp” cầm quyền có nhiệm vụ thi hành nền giáo dục.

Như ngày xưa, người ta cần những người có đạo đức “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, “chí công vô tư”, “thanh liêm”, “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” để ra làm quan, điều hành công việc của đất nước, nhằm cống hiến tài năng cho cuộc đời để làm cho quốc gia hùng cường “dân giàu, nước mạnh” như trong văn thơ của Nguyễn Công Trứ đã diễn đạt mà chúng ta đã học, đã biết. Như vậy cái học chính của ngày xưa là đào tạo ra những con người có năng lực, tài năng ra làm quan có đạo đức biết “Tu thân, Tề gia” rồi mới đến “Trị quốc, Bình thiên hạ” nhằm làm cho dân giàu có, đất nước trở nên hùng mạnh!

Đến thời Tây học, chương trình học được đặt nặng “Vấn đề tri thức” nhằm cung ứng kiến thức toàn diện cho “những đứa học trò” có điều kiện “đi vào trường học” kể cả vấn đề luyện tập về thân thể theo tinh thần “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”! Chính vì thế học sinh được hưởng nền giáo dục có tri thức theo ba vòng tròn đồng tâm: Thời Tiểu học học các tri thức khái quát đơn giản, thời Trung học cấp thấp học Tri thức khá hơn, thời Trung học cấp cuối thì học đầy đủ hơn để sau đó bước vào Đại học với Trình độ chuyên môn cao. Chính vì thế mà trong thời kỳ Trung học người ta mới được học nhiều về các vấn đề xã hội, kinh tế trong đó kể cả học về “Chủ nghĩa Cộng sản” và “Chủ nghĩa Tư bản”, đó là tiền đề cho những ai có khuynh hướng “Công bằng xã hội, chống bất công, làm cho xã hội tốt đẹp hơn” thường hay ngã về khuynh hướng “Xã hội chủ nghĩa” vì đã diễn tả cái cảnh một xã hội đầy tốt đẹp và nhân ái! Chính vì thế mà “Chủ nghĩa xã hội” đã thu hút không biết là bao nhiêu người “Trí thức” trên thế giới kể cả những người làm “Cách mạng”! Nói như vậy có nghĩa là với các nền giáo dục khai phóng, phóng khoáng trước kia đã giúp cho cuộc “Cách mạng xã hội chủ nghĩa” ra đời với sự lãnh đạo phần lớn là những người thuộc “Thành phần Tiểu tư sản, hay Tư sản trí thức”. Dĩ nhiên khi họ được đi học, học hành đầy đủ tức họ thuộc thành phần có ăn, hay dư dả, giàu có tức là gia đình Trung nông, Điền chủ hoặc Tư sản chứ không thể là Thành phần “Bần cố nông hay Vô sản” được!

Nền giáo dục Tây học không những đào tạo những con người Tài năng có ích chính cho họ, gia đình mà còn có thể cung ứng cho xã hội nhiều nhân tài đóng góp công sức vào cho xã hội, đất nước và đôi khi vượt ra ngoài biên giới quốc gia tiến ra thế giới và nhân loại nữa!

Đó là chuyện của những nền giáo dục rộng rãi, phóng khoáng, nhưng dù vậy họ cũng không quên định hướng cho tư cách sống, hành xử, lòng bác ái, nhân đạo, lễ phép, lòng tự trọng…của người công dân trong nước qua những bài về Đạo đức, Công dân giáo dục được giảng dạy trong nhà trường. Điều ấy nếu những ai đã đến nước Nhật Bản sẽ nhìn thấy đường sá không có thùng rác mà không thấy rác bừa bãi, hoặc những cung cách của họ đối xử với khách mà chúng ta cần học hỏi và noi theo.

Tuy nhiên, “cái nền giáo dục” không phải “nơi nào cũng giống nơi nào” nó có nhiều thay đổi tùy theo những nhà cầm quyền, các nhà lãnh đạo cũng như phong tục, tập quán mà những nhà hoạch định kế hoạch giáo dục của nước đó vạch ra. Nhưng chung qui nếu nền giáo dục bị giới hạn về tri thức thì nền giáo dục ấy bị “thui chột”, bị “mù” về một số vấn đề mà học sinh không được học. Nền giáo dục mà “bị định hướng” để nhằm phục vụ cho những mục đích nào đó thì những con người tương lai trở thành “những con ngựa kéo xe bị che mắt” để khỏi phải nhìn thấy hai bên đường. Nền giáo dục mà “bị nước ngoài chi phối, nhất là trong vấn đề lịch sử của dân tộc, quốc gia” thì nền giáo dục ấy chỉ là một “nền giáo dục nô lệ” trước sau gì cũng “mất nước”! Do đó, nếu theo một “chủ nghĩa quốc tế” nào đó mà mình chỉ là một nước nhỏ thì nước mình chỉ là “Tôi Mọi” để nước lớn sai khiến mà thôi! Vì vậy mà ông Lão Tử ngày xưa có câu: “Làm thầy thuốc sai lầm chỉ hại cho một người, làm chính trị sai lầm chỉ hại cho một nước, làm giáo dục sai lầm thì hại cả đến muôn đời”, điều ấy khiến cho người đời sau vẫn phải có nhiều “suy ngẫm”! Tôi có nhiều suy nghĩ, nhưng bạn có suy nghĩ gì không?



Đồ Ngông,

02/12/2019.