Saturday, December 26, 2020

*Sang Đức. (6)

 

Trên đường đi nầy không hiểu sao đầu óc tôi cứ lảng vảng về cái lý thuyết của ông Marx mãi. Có lẽ do nơi dấu ấn của những người hướng dẫn đã cho tôi nhiều ý niệm để có thể kiểm chứng các điều mà tôi “được biết” khi cố gắng đi tìm hiểu về cái lý thuyết khó hiểu đó; nhưng điều quan trọng hơn cả là sự thực hành, áp dụng chủ nghĩa ấy vào thực tế, nó hoàn toàn thực sự lại khác xa những gì tốt đẹp mà mấy ông Tổ đã nghĩ ra! Hay, chỉ còn ngày hôm nay nữa là tôi sẽ đi xa cái vùng đất quan trọng, mà một thời đã mang dấu ấn “sâu đậm” của cái lý tưởng mới toanh được áp dụng vào? Tôi cũng không hiểu vì sao? Nhưng chắc chắn những cái hình ảnh của các đoàn quân Hitler trong các phim kéo trí óc tôi lại trở về, cùng với những ảnh tượng một thời khủng khiếp của Bức Tường “Ô nhục” Bá linh. Cái Bức Tường ấy tôi đã đến thăm, sờ mó được nó trong ngày hôm qua. Nó chỉ là vật vô tri hiện diện lên đó để làm chứng nhân cho những người liều mạng băng qua và phải bỏ mình, giống như chúng tôi là những người vượt biển, băng rừng qua Lào, hay Kampuchia để đào thoát. Liều chết để đi tìm tương lai cho mình và con cháu trong mai sau với sự tự do hít thở khí trời!

Tôi nhìn theo những chiếc quạt gió lấy điện cao ngất cùng những luồng dây điện cao thế chạy dài, băng qua các cánh đồng mênh mông trong ánh nắng chói chang, rồi tôi lại chìm vào những thắc mắc cố hữu của cái hậu quả “thối lùi” trong sự thực hiện cái chủ nghĩa mà người ta cho rằng ưu việt nhất loài người! Không phải riêng tôi, mà bạn bè tôi cũng như bao nhiêu người khác lẫn người dân thường nghèo đói cũng đều nhìn thấy như vậy! Nhất là những người trí thức họ lại hỏi nhau: “Sao lại là như thế nhỉ”? Tôi nhớ trước kia, trong thời gian chiến tranh chế độ trước phân tích, cho hay những điều xảy ra là như thế, hay do những người từ ngoài Bắc đi vào kể lại không mấy ai tin, người ta chỉ cho là họ nói quá đáng hay là tuyên truyền, bôi xấu, chứ làm gì có chuyện đó! Đến khi những người từ trên Lộc Ninh băng rừng chạy về trại tiếp cư cho biết, người ta vẫn bảo rằng: “Không thể”! Rồi ngày Thống Nhất đến, người ta vui mừng vì chiến tranh đã chấm dứt, lòng người rộn rã, sẽ cùng nhau xây dựng lại quê hương. Chuẩn bị cho một cuộc sống tự do và hạnh phúc! Nhưng không, tất cả hình như đều ngược lại! Sau khi càn quét quân nhân, cán chính của chế độ trước vào những tại tập trung cải tạo chính trị; thì tới tịch thu mọi sách báo, tác phẩm văn hóa được gọi là đồi trụy, phản động, tàn dư của chế độ cũ; rồi tới đổi tiền mỗi gia đình chỉ được một số ít chừng vài trăm đồng để chi phí, sử dụng. Mọi người tùy theo lứa tuổi, thành phần, nghề nghiệp phải tham gia vào các tổ chức, đoàn thể sinh hoạt và kiểm soát lấy nhau cùng học tập chính trị. Ngay lúc đó thì mọi người dân đều bàng hoàng cẩn thận cho chính mình về tư tưởng, lời nói, cùng đề phòng với tất cả những người chung quanh, không dám phát ngôn bừa bãi ngay với cả con mình. Rồi, người ta cũng hiểu được thế nào là cái giá trị của một chiếc xe đạp, một cái đồng hồ và một cái đài (radio) là do đâu? Trong sự nhốn nháo, phong trào thủy lợi được vận động xây dựng tràn lan ở khắp nơi, tốn biết bao tiền của, công sức, để rồi về sau bỏ đi và trở lại nguyên trạng lúc trước. Với tình hình ban đầu ai cũng tưởng rằng ở chế độ mới sẽ có nhiều điều tốt đẹp hơn ngày trước theo tiêu chí “Cách mạng là thay cũ đổi mới, mà cái mới tốt và đẹp hơn cái cũ”, nhưng không là như vậy! Cuộc sống của người dân càng ngày càng khó khăn hơn! Rồi với sự đánh “Tư sản mại bản”, quản lý thuộc về nhà nước các nhà máy thiếu thốn nguyên liệu đành phải ngưng trệ, “Cải tạo công thương nghiệp” kéo dài người dân khan hiếm nguồn hàng hóa, hàng có sẵn thì bị kiểm kê khiến khó có thể mua được để xài. Sau đó, xe cộ lại phải vào công tư hợp doanh hoặc xe tập hợp vào công ty vận tải không thể chạy tự do như ngày xưa, cho nên sự vận chuyển bị giới hạn, đôi khi trở nên bế tắc. Các chất đốt được phân phối theo tiêu chuẩn vì thế đưa đến sự thiếu thốn so với nhu cầu, cho nên các rừng bị người dân càn quét dù nó chỉ là rừng chồi. Sự ăn cắp gỗ để chế biến hoặc sinh nhai từ các khu rừng đến bây giờ hãy còn ấy là nạn “lâm tặc” vậy! Đó là chưa kể đến những kế hoạch quản lý to tát như ngân hàng, đất đai, phân phối, giáo dục, thông tin, tuyên truyền,... đều là độc quyền nhà nước! Nhưng, cái đặc trưng nhất trong chế độ mới là sự quản lý người dân theo “hộ khẩu”. Sự độc đáo của nó là mỗi gia đình có một quyển sổ để qua đó người dân được mua hàng, phân phối theo tiêu chuẩn cho mỗi thời kỳ hay mỗi tháng tùy theo thành phần, chức vụ. Đến ngày có món hàng hay vài món gì đó được cơ quan phụ trách phân phối thì người ta phải cầm sổ sắp hàng để được mua, chính vì thế mà chữ tắt XHCN được dân gian đọc trại thành “Xếp Hàng Cả Ngày” mới mua được hàng! Hàng phân phối đâu không thấy mà có địa phương thiếu món nầy thì nơi khác thừa ra bán không được, cho nên dân chúng đành di chuyển bằng phương tiện thô sơ thuở trước như xe đạp để “buôn bán lậu” vừa kiếm tiền sinh sống, vừa phân phối cho bà con, người cần; rủi bị khám xét hay bị bắt thì lo lót chút đỉnh để trót lọt, sự “lo lót, hối lộ” ấy tùy theo mức độ lớn nhỏ, sau nầy trở thành “thủ tục đầu tiên”, “biết điều”, “bao thư” khắp mọi nơi; rồi người có quyền thế thì “đòi hỏi”, người có nhu cầu “đáp ứng” bằng cách “quà tặng”, quà do em nuôi, bà con, bạn bè “biếu” ấy mà! Tình huống ấy đã đánh bại được một đạo quân được xem là hùng mạnh và liêm chính của thuở ban đầu! Có chuyện vui kể về chuyện sổ hộ khẩu: Người ta kể lại rằng: Vì nhu yếu phẩm phân phối theo tiêu chuẩn hộ khẩu nên bà con không thể thăm viếng nhau được, vì đến thăm mà ở lại vài ngày thì lại ăn vào phần nhu yếu phẩm của gia đình ấy nên việc thăm viếng nhau không được như xưa; hoặc lấy xăng dầu đâu mà đi xa, vì vậy dù ông nhà nước không cấm thì người ta cũng không đi được. Thêm nữa, mọi thứ ông nhà nước kiểm soát, quản lý, phân phối (bao cấp) khiến đời sống dân chúng càng ngày càng thiếu thốn, khó khăn thêm làm cho nhiều người trở nên túng cùng “sanh đạo tặc” đi trộm, cướp. Dân “bắt được” giao cho chính quyền địa phương, địa phương không có “tiêu chuẩn” để nuôi, vậy người bắt phải nuôi, cho ăn. “Ăn cắp” được thì quen tay, “ở tù” mãi cũng “chai lì” nên chuyện “ăn cắp, cướp giựt, cướp của gết người” trở nên tràn lan không có gì là lạ! Tâm tính con người cũng thay đổi khá nhiều trong thời kỳ nầy, người làm thì ù lì, nhởn nhơ để người trên không dám giao công tác theo cách “né tránh”: “Làm nhiều mới bị sai nhiều, sai nhiều mới bị chửi, kiểm điểm nhiều. Không làm không sai thì lấy gì bị chửi”. Cái hiện tượng “tiêu cực” ấy nhen nhóm càng ngày càng nhiều, đã thế mà người ta dùng mưu mẹo, lấy cớ để dành nhau về vài món nhu yếu cần thiết. Có một lần anh chồng chị bạn là một người có chức vụ trong một ngành nọ nói với tôi: “Xin lỗi thầy giáo nhe, nói thật chứ trong xã hội có ngành nghề nào thì nghề giáo mấy ông đều có cả”! Tôi cảm thấy hơi đau lòng, nhưng thực sự là như thế, tôi đã từng nghe chuyện “bán trôn nuôi miệng”, hay nhiều chuyện khác lâu rồi; đạo đức con người giữ được hay không tùy theo hoàn cảnh, không ai trách được bao giờ! Trong hoàn cảnh tình huống xã hội như vậy, người ta mất phương hướng khá nhiều, rồi sầu đời hướng về ăn nhậu, không nhìn thấy được tương lai không phải là ít!

Thả hồn theo tư tưởng, hồi ức xa xăm trải dài trên những cánh đồng mênh mông trong nắng mai. Tôi chợt khựng lại với những rừng cây ven theo đường. Thông trồng san sát vào nhau như để cho nó vượt lên, không nhiều nhánh để lấy gỗ sau một thời gian nào đó, như nhiều nơi đã làm trong việc trồng cây xanh bảo vệ môi trường. Thỉnh thoảng có nơi người ta đang khai thác ở một vài khu vực. Rồi xe lại đi ra các khoảng rộng mênh mông cánh đồng. Tôi lại nhớ về các Hợp Tác Xã nông nghiệp được tổ chức sau ngày Thống Nhất.

Không biết chuyện các Nông Trường hay Hợp Tác Xã ở Liên Xô và kể cả Đông Âu nầy được tổ chức ra sao và có nhiều khó khăn không? Nhưng theo tôi nghĩ là không khó mấy vì đất liền mênh mông như thế nầy thì số người chủ vào Hợp Tác Xã sẽ không nhiều, và có thể sử dụng đến cơ giới, máy móc tất nó không phải ép buộc lắm người ta mới vào. Mà nếu họ chống lại thì sự truất hữu cũng không là chuyện lớn, hay gây khó khăn lắm cho ông nhà nước. Tôi không biết chuyện đất đai ở ngoài Bắc sau năm 1954 ra sao, nhưng chuyện Cải Cách Ruộng Đất đã là dư âm còn vương lại rất nhiều cho những thời gian sau. Khác với những Hợp Tác Xã ngành nghề, Hợp Tác Xã nông nghiệp có nhiều nhiêu khê. Nếu Hợp Tác Xã đan đát hay vài ngành khác thu hút được nhân sự khá dễ dàng, thì Hợp Tác Xã nông nghiệp trở nên khó khăn vì người nông dân không muốn đem ruộng đưa vào, để rồi mình phải đi làm theo tiếng “kẻng” và chấm công. Nếu bị bắt buộc thì người ta chỉ làm có lệ, thành quả tệ hơn nhiều, rốt cuộc chẳng đi tới đâu; càng làm càng tệ hơn, nền kinh tế thêm lụn bại, nạn sâu rầy tàn phá mùa màng vì không đủ thuốc trị, nên nạn đói thêm hoành hành. Người dân mạnh ai nấy lo cho bản thân và gia đình. Trộm cắp tràn lan, con người trở nên lì lợm, tới đâu thì tới. Cua cá trên đồng ruộng bị “quần thảo” đến đỗi chúng không sinh sản kịp cho nhu cầu! Trên đường người dân đi buôn lậu “nhỏ” thật nhiều và “tiền qua đường” càng lúc càng tăng! Trong bối cảnh chung như vậy, tôi lại nhìn về lý thuyết mà ông Marx đã phát họa thì dù có “lạc quan Cách Mạng” cách mấy đi nữa, thì xã hội trong tương lai vẫn có nhiều chứng tật khó mà chữa nỗi, vì nó đã đánh thức “bản năng sinh tồn thú tính con người” trỗi dậy! Hơn nữa, có lẽ vì muốn đẩy nhanh giai đoạn “giáo dục” tư tưởng mới cho người dân, những cuộc họp, học tập “điều tốt đẹp” của thể chế liên tục được tổ chức tuyên truyền; nhưng lại đang trong giai đoạn tồi tệ nhất của nền kinh tế, nên người dân dần không tin tưởng. Thế rồi các buổi họp người thưa dần, không kết quả, đưa đến tình trạng chung “chống không chống, theo chẳng theo”, “nhà nước nói gì thì nhà nước nói, nhà nước làm gì thì nhà nước làm” dân không màng đến nữa, họ chỉ lo sinh hoạt tìm phương cách sống, kiếm ăn: Đúng là dân “đã bất hợp tác” với chính quyền. Cái câu “Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” quả lại đúng thêm một lần nữa!

Nếu tôi nhớ không lầm thì trong lý thuyết có cảnh báo bằng câu: “Xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa không khéo thì chỉ kéo dài thêm thời gian khốn khó cho toàn xã hội” thì phải? Nhưng có một điều chắc chắn là lý thuyết của Marx nói đến cuộc Cách Mạng bạo lực xảy ra khi Giai cấp Công Nhân kết hợp với Nông Dân nghèo đói đứng lên lật đổ giới chủ và địa chủ, khi đó giới chủ chỉ là thiểu số, cho nên vấn đề “dùng Bạo Lực Cách Mạng” đè bẹp, trấn áp cho thành phần đó không thể ngóc dầu lên nỗi để chúng không có cơ hội khôi phục lại quyền thế, mà lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Tuy nhiên cho đến nay với thời gian lâu dài, tiếng nói phản kháng của người dân luôn là những vấn đề “bị dập tắt, không được lưu tâm”, và mãi là “phản động, âm mưu lật đổ chính quyền, là thế lực thù địch, là do sự giật dây của ngoại bang”! Marx đâu có chủ trương chống lại với mọi người dân, mà chỉ “dùng bạo lực Cách mạng trấn áp với những thành phần phản động, culag cơ mà”. Đồng thời, khuyến khích hai giai cấp công nhân và nông dân thi đua sản xuất nhiều thành phẩm, nhu yếu cung ứng cho toàn xã hội để mọi người được “ăn no, mặc ấm” trước tiên, rồi sau đó là “Ăn ngon, mặc đẹp”, chứ đâu xem nhân dân là kẻ thù! Với quyền thế “độc tôn” trong tay, con người dễ sinh ra “hống hách, lạm quyền”, dễ đưa đến nạn kiêu binh, quyền thế, cấu kết nhau tham nhũng, cùng bao che cho nhau… được đan kết, lũng đoạn ở cả một xã hội không có gì là để phanh phui, ngăn cản!

Tôi thẫn thờ với những hình ảnh không tươi sáng của một thời kỳ quá khứ, trong đó tôi được trải qua chút ít, chẳng nhiều. Do biết thân phận mình mà tôi cố gắng xa lìa để tìm lấy tương lai cho đàn con và gia đình. Rồi đến nay, những ngày nầy tôi được đi trên các phần đất tiên phong và là cái nôi thực hiện của Chủ Nghĩa Marx- Lénin, và được nghe phần nào về kết quả của nó. Như vậy là sau khoảng 70 năm thực hiện “gay gắt” để rồi chỉ trong thời gian ngắn bị sụp đổ nhanh chóng, cái còn lại là một nền kinh tế “lẹt đẹt” đi phía sau của nhiều nước trên thế giới! Cùng với “sự sợ hãi chế độ”, người dân, họ không muốn quay trở lại những ngày gian nan, khốn khổ thời xưa cũ. Do vậy từ Nga sang Đức người ta không đưa chúng tôi đến những nơi tưởng niệm Karl Marx, Engels, Lénin, Stalin hay những lãnh tụ của Đông Đức một thời, mà chỉ là Bức Tường Bá Linh “ô nhục”, nơi mà người Đông Bá Linh muốn đào thoát sang phần đất bên kia để có cuộc sống khác hơn là cái Thiên Đàng ở phía Đông!

Rồi tôi lại chợt nhớ về trong khóa học Tiếng Anh của những ngày đầu định cư trên đất Úc, khi học chung với một bạn trẻ người Kampuchia, hắn nhắc lại lời ba hắn kể khi thoát khỏi lực lượng Pol Pot cho biết là Pol Pot giết rất nhiều người mà không cần dùng đến súng đạn, đôi khi chỉ với búa và liềm. Quả thật, trong khoảng thời gian ấy đã có phim “Killing field” trình chiếu trên truyền hình, cũng như là video được phổ biến khá rộng rải. Phim đề cập đến chính quyền Pol Pot thực hiện chế độ Cộng Sản lên đất nước và dân tộc Kampuchia một cách tàn khốc, đến đỗi thế giới xem đó là một chế độ diệt chủng với nhiều triệu người dân bị sát hại!

 

Nguyên Thảo,

21/12/2020.

 

 

 


Wednesday, December 16, 2020

*Quê Người! (38)

 

Rồi vào mấy ngày kế tiếp, tôi, Đức và Xoan vẫn tiếp tục công việc đều đặn. Xoan lái xe rước tôi cùng Đức cứ mỗi sáng từ lúc 5 giờ 45 để đi làm. Giờ làm từ 7 giờ sáng, dù tháng nầy trời tương đối nắng ấm, nhưng trên vùng đồi núi vào buổi sáng vẫn lạnh lẽo cho đến khi mặt trời lên cao hẳn. Một chiều trên đường về, xe vừa quẹo ngã ba, lên dốc, vụt có chiếc xe ngược chiều tại khúc quanh khiến Xoan vội vàng lấy tay lái lại. Xe trườn vào lề đường sỏi khiến mất thăng bằng, Xoan lật đật quay nhanh tay lái, xe lấn sang lề đường phía bên kia. Xoan lại quay nhanh tay lái sang phải lần nữa, cũng may xe nằm gọn trong đường nhựa, giữ được thăng bằng làm chúng tôi hú hồn. Từ đó tôi thường hay nhắc chừng Xoan cẩn thận hơn. Sang ngày hôm sau, sau khi đi làm về, Trọng nói với tôi là con Phượng, vợ thằng Đức có ý muốn cho thằng Đức nghỉ, nhưng chắc tới lãnh tiền xong thì thằng Đức sẽ nghỉ. Tôi yên lặng một chút không nói gì, Xoan lái xe có nhiều nguy hiểm nhưng mới đi làm, thôi thì để tính sao. Ngày kế thì cũng bình thường, không có gì để nói. Chúng tôi vẫn làm vui vẻ, ngày ấy ông chủ bảo chúng tôi sang khu vực khác phía bên kia đồi để hái trái cherry. Ông phát cho mỗi đứa một cái thùng có quay đeo trước ngực rồi đi với thằng Úc người làm chính của ông. Tới nơi, thằng Úc chỉ cho chúng tôi cách hái như thế nào cho đúng, rồi mạnh ai nấy hái. Thằng Úc nầy cũng thích nói chuyện, cứ mỗi lần nó nói thì nó lại ngưng tay, tôi mới nhớ hôm trước Trọng căn dặn và nêu lý do là tại sao tụi Úc nó không thích mình nói chuyện nhiều trong khi làm, bởi lẽ tụi nó khi làm mà nói chuyện thì nó lại ngừng tay để nghe cho rõ có lẽ do ngôn ngữ đa âm mà thường tụi nó lại nói không to; còn với người mình tiếng nói đơn âm mà to nữa nên không ảnh hưởng mấy đến việc nghe với việc làm. Tuy nhiên do tiếng Anh người mình không giỏi, nên thường nói chuyện với nhau bằng Tiếng Việt khiến người Úc không thích mấy vì họ không hiểu mình nói gì, đôi khi nó tưởng mình nói về nó, nếu mình cười nữa thì họ sinh nghi mình châm biếm về họ. Điều đó chúng tôi có thấy những lần Bob hay Joeff đến chơi, nhưng họ cũng không tỏ vẽ phiền hà vì biết trình độ Tiếng Anh của chúng tôi chưa đủ để đàm thoại. Nhiều lúc nói chuyện Tiếng Việt với nhau trước người Úc tôi lại thấy hơi kỳ kỳ, nhưng mình không thể làm khác hơn được. Có một lần, hồi đi học dưới Sài Gòn, khi tôi đi trên đường Nguyễn Trải từ trong Chợ Lớn ra, giữa chừng đột nhiên mưa to nên phải vội vàng tắp vào hàng hiên của một dãy phố tránh mưa. Cùng lúc có một đám trẻ choai choai người Tàu cũng chun vào đục mưa. Ôi tụi nó nói chuyện rất ồn ào bằng Tiếng Quảng Đông, nghe mà nhức đầu. Thỉnh thoảng làm như bí quá chúng lại thốt lên những tiếng “chửi thề” bằng Tiếng Việt. Trong lòng tôi có nhiều bực mình, nhưng nghĩ lại cũng khá tức cười. Rồi có thể bây giờ biết đâu mình lại gây cho người khác cảm giác như vậy khi mình lang thang trên xứ người! Giống như tôi đã kể có một lần trên xe buýt Hiệp và Kim nói chuyện lớn tiếng khiến một người Úc say tiến đến làm dữ và thốt lên “Mầy phải nói bằng Tiếng Anh”!

Rồi lại thêm một sáng, trên đường lên đến gần nơi chỗ làm, ngay chỗ đoạn cua quanh của ngã ba, Xoan quẹo nhanh về tay phải khi qua cua, vì khúc quanh khá “gắt” khiến xe muốn đâm vào trong nhà người ta làm Xoan lật đật quay nhanh tay lái, xe lại đâm sang lề bên kia rồi len giữa hai cây bên đường lọt xuống phía dưới sâu khoảng một thước. Chúng tôi xuống xe xem có hư gì không, thì ra xe len giữa hai cây to, húc văng tảng đá lớn rồi lọt ở nơi nầy. Xoan mở nắp “cạc bô”, rồi mở nắp bình nước. Nước nóng phụt văng vòi lên. Xoan lại lấy nước uống chế vào! Cũng may là xe và chúng tôi không có gì, mà xe lại quay về hướng đi lên. Chúng tôi tiếp tục lên chỗ làm. Làm đến khoảng 11 giờ, Xoan đòi đi về, nói là bữa nay khoảng 3 giờ phải đi thi, thì ra Xoan chưa có bằng lái xe. Hôm nay Xoan đi thi bằng P. Chúng tôi xin ông chủ đi về mai lên làm!

Chiều về tôi kể lại cho Trọng, Thành, chị Yến nghe. Ai cũng thấy nguy hiểm. Trọng nói “Hên cho tụi bây đó, may là không có gì, nhất là xe không hư máy, vì khi nước hết, máy xe đang nóng mà đổ nước lạnh vào có khi máy xe bị nứt thì hết xài, phải thay máy khác. Chẳng có gì là tụi bây hên lắm đó”!

Sáng hôm sau, Xoan đến nhà rước tôi đi, nhưng lại là một xe khác. Người lái là Anh Tân, không có Đức. Anh Tân là anh vợ của Xoan thay Đức đi làm, Đức đã nghỉ. Anh Tân chở chúng tôi và chúng tôi trả tiền xăng phụ anh. Đức nghỉ, người nói Tiếng Anh chính bây giờ là tôi. Tôi phải mạnh dạn và nói “đại” lên dù là đúng hay không đúng “văn phạm”. Cái chính là phải nghe được nghĩa của câu hỏi, rồi mới tìm chữ để ráp câu trả lời sau. Nếu câu trả lời của mình mà người ta không hiểu thì tìm cách diễn tả khác để trả lời. Tôi lại nghĩ về nhưng người Kampuchia hay người Tàu cũng đã ở lâu năm trên đất Việt Nam, họ cũng không nói rành Tiếng Việt, thì bây giờ tôi cũng giống như họ thôi, vì Tiếng Anh không là ngôn ngữ của mình thì mình làm sao giỏi được dù tôi có học chút ít khi còn học ở bậc Trung học, nhưng nó chỉ là “sinh ngữ 2”, và qua vài tháng trong trường ở xứ sở nầy; nhất là tôi lại không có khiếu về chuyện học ngoại ngữ, cùng với trí nhớ rất ư là “tồi tệ”! Làm trong ngày thì mới biết là hôm qua khi Xoan về đến nhà, tắm rửa soạn xe đi thi khi đến ngay bùng binh gần nhà lại đụng vào xe kéo của ông già Úc nào đó, xe Xoan đã bị hư, nhưng sau đó nhờ anh Tân chở đi thi và Xoan đã đậu được bằng P, tức là bằng được lái xe chính thức, chứ không là lái lậu như trước kia! Từ đó, anh Tân cùng đi làm và chở tôi, Xoan đi theo, tất nhiên là chúng tôi cũng trả chi phí cho anh mỗi ngày cũng như bao nhiêu người khác đi làm trên vùng đồi núi nầy. Anh Tân đã từng đi làm vài nơi nên anh đã rõ đường đi và lái xe vững vàng hơn, tôi thấy tương đối yên tâm trong lòng, không còn phập phồng như lúc Xoan lái, chắc do từ nơi tính tình của mỗi con người.

Một chiều tối sau bữa ăn Trọng cùng chúng tôi ngồi bàn chuyện với nhau, thì Trọng cho biết đã gặp Phượng, Phượng cho hay là Xoan lái xe nguy hiểm quá nên không đồng ý cho Đức đi làm nữa, và để đi tìm việc khác. Rồi sau đó, Trọng đưa ý kiến là mình nên vào bảo hiểm AMP, tức là bảo hiểm nhân thọ thì tốt hơn, Trọng nói sơ qua về những điều nó được nghe kể về loại bảo hiểm nầy và nó nói: “Mình cũng nên dành chút ít mỗi tháng đóng vào bảo hiểm đó để phòng hờ, rủi mình có chuyện gì thì gia đình còn nhờ vả vào số tiền bồi thường mạng sống khi mình không may”! Tôi, Thành, chị Yến đồng tình với ý kiến của nó. Trọng cho hay nếu như vậy để hôm nào nó hẹn với anh Lâm, nhân viên người Việt đại diện cho AMP đến đến để hỏi thăm chi tiết rồi sẽ quyết định.

Tối nằm, tôi suy nghĩ điều đóng tiền vào “bảo hiểm nhân thọ AMP là điều hợp lý, và khiến cho tôi yên tâm hơn. Vì trong cuộc đời, không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra với mình. Trên bước đường vượt biên tôi đã may mắn đi chỉ một lần trót lọt, không bị bắt, không phải chết trên biển, và gặp nguy hiểm như rất nhiều người khác, tôi tin vào “số mệnh”! Nhưng khi nghĩ về vợ con thì tôi lại thấy “chạnh lòng”! Sự ra đi của tôi khiến họ lâm vào vào nhiều tình huống không dễ xoay sở, nhất là vấn đề kinh tế “nghèo đói, muôn vàn khó khăn” khi đất nước tổ chức theo cơ chế Xã hội Chủ nghĩa của chế độ Cộng Sản: Một là mất đi vai trò đóng góp của tôi trong gia đình, hai là lý lịch lại đè nặng trên tương lai của các con tôi. Tôi đã từng chứng kiến để hiểu sự “trả thù giai cấp” của chính quyền mới trên những người làm việc trong chế độ cũ lẫn con cái của họ. Trong đó vợ chồng tôi thuộc thành phần nhẹ vì tôi không có đi lính cũng như không có cương vị quan trọng nào mà chỉ là những giáo viên quèn dạy học, nhưng dù gì thì các con tôi cũng khó mà tiến thân hơn cho đến mấy đời sau vì tính theo “chuỗi lý lịch ba đời” của người Cộng Sản. Chính vì thế mà tôi đã quyết tâm chọn con đường “rời xa quê hương, và để đất nước lại dành riêng cho người Cộng Sản” khi nào có dịp!

Tôi lại nghĩ đến những lần bệnh hoạn trên con đường “lưu vong”, tôi đã cố gắng vượt qua để bảo tồn mạng sống của mình mà hoàn thành nhiệm vụ vượt biên: “Bảo lãnh vợ con ra khỏi Việt Nam, ra khỏi cái khung trời ngột ngạt, đầy phân biệt đối xử vì giai cấp”! Nhưng trong những khoảng thời gian chờ đợi nầy nếu thình lình tôi chết đi thì sao? Không phải đến bây giờ tôi mới nghĩ đến điều đó, mà khi bắt đầu cho chuyến đi tôi đã có bàn và nghĩ đến khi tôi từ giã vợ tôi. Tuy nhiên, khi chuyến vượt biển thành công thì sự “bảo vệ tính mạng” của mình lại cần thiết hơn nhiều, vì đó mới chính là “điều cần thiết” để tôi hoàn thành sự cam kết của tôi với gia đình! Có nhiều người không chết trên biển, lại chết trên đảo tị nạn; rồi lại có người khi được định cư trên quê người thì lại chết hoặc vì bệnh hay vì tai nạn xe cộ. Tôi không biết số phận mình ra sao? Và kéo theo vợ, con thế nào? Thôi thì “tới đâu hay tới đó”! Từ đó, tôi thấy sự tham gia vào bảo hiểm nhân thọ AMP như là sự an ủi sau cùng cho vợ con tôi, nếu “một mai tôi không còn sống sót” nhất là trong vấn đề giao thông rất có nhiều rủi ro như chúng tôi có đôi lần trải qua!

Công việc của anh Tân, Xoan và tôi vẫn tiến hành đều đặn được khoảng hơn tuần thì anh Tân có chuyện gì đó cho chúng tôi hay là anh sẽ nghỉ để đi làm chuyện khác và sẽ có anh bạn thay anh. Đó là anh Sơn. Thực ra chuyện làm ở trên farm hay rẫy chỉ là những công việc tạm thời, ngắn hạn để mọi người lo kiếm tiền trong thời gian nào đó, rồi người ta cũng phải tìm kiếm một công việc cố định suốt trong năm, hay thích hợp hơn mà chọn lấy để củng cố tương lai cho họ và gia đình, nhất là sau khi họ được vay tiền để mua căn nhà làm “tổ ấm” cho gia đình theo như trong tục ngữ, ca dao của mình đã có câu “an cư mới lạc nghiệp”! Chuyện đi xin việc ở các hãng cũng không là chuyện dễ vì nó đòi hỏi có nhiều nhân tố và may mắn: Trước hết là sức vóc, tuổi tác, trình độ Tiếng Anh, lại thêm đúng thời gian nữa. Nếu còn trẻ thì có nhiều cơ hội, tiếng Anh khá cũng dễ được chọn hơn, nhưng lại đến xin không đúng thời gian nó cần người thì cũng như không “Đi không lại phải về không” giống như tôi và Thông, hay với Kim đã có vài lần lặn lội xa xôi, thức sớm, đến nơi chỉ nghe có câu trả lời “Không có việc trong lúc nầy”, thế thôi! Do đó, đa số người mình cũng như nhiều di dân khác bước đầu lập nghiệp đều bắt đầu bằng công việc dễ nhất là dùng sức mình để đi làm công, hay tiếng gọi nôm na là “làm mướn” vậy!

 

Nguyên Thảo,

16/12/2020.

 

 

 

Sunday, November 29, 2020

*Sang Đức. (5)

 

Trước khi chọn chuyến đi nầy thì chúng tôi cũng đã được nghe nhiều người bạn ca tụng về cảnh trí đẹp của vùng Nga và Trung Âu; nhưng đối với riêng tôi, tôi muốn tìm hiểu thêm về đời sống, văn hóa của những nơi đó ngoài sự chiêm ngưỡng các vẽ đẹp thiên nhiên. Còn nói riêng về chính trị hầu như từ lâu tôi chẳng quan tâm gì đến nó: Từ chế độ thực dân, rồi đến chế độ trước lẫn chế độ sau hầu như những người lãnh đạo chỉ luôn hô to khẩu hiệu “cho người dân”, chứ thực sự người dân bao giờ cũng là những kẻ “nô lệ”. Dân chỉ là “công cụ” để các chế độ bắt thực hiện những gì mà giai cấp lãnh đạo mong muốn cũng như củng cố sự cai trị của họ. Đôi khi dân chúng lại là “nguồn lợi” mà bọn họ khai thác để làm giàu, được hưởng sự sung sướng trên sự đau khổ cùng công lao của người khác, chỉ khác chăng là “sự bốc lột” ấy ít hay nhiều, hoặc người dân được thoải mái tự do có hay không. Tôi chán nãn, mệt mỏi với những khẩu hiệu, câu vận động mà người ta đã nêu lên. Đi bầu là để làm nhiệm vụ của người công dân, hoặc trả ơn mà mình đã nợ cho đảng phái đem đến cho mình một cuộc sống mới nơi xứ lạ quê người, chứ trong thâm tâm thì “ai làm cũng được”, đường lối nào thì mình thích nghi với đường lối đó!

Sau khi ăn xong, về đến phòng lo tắm rửa, rồi chuyển ít hình ảnh về cho con cháu. Với một ngày đi suốt chắc ai cũng chìm vào cơn ngủ say, nhưng tôi đã quen rồi với những giấc ngủ không nhiều và do tuổi già nên giấc ngủ thường chập chờn, dậy sớm! Từ lúc 5 giờ tôi đã dậy để lo vệ sinh cá nhân và soạn đồ đạc sẵn vào trong va li, thu dọn những dụng cụ xài cho đồ điện tử, rồi đến 6 giờ đi cùng anh chị Thới xuống căng tin ăn sáng.

Hôm nay chúng tôi được thơi thả hơn chút ít do ngày hôm qua vì di chuyển từ bên Nga sang mà phải đi cả ngày nữa, để “bù lỗ” sức khỏe đoàn được khởi hành trễ hơn vào lúc 8 giờ rưởi để đi sang Dresden. Rộng thì giờ, mọi người lẩn quẩn chụp hình kỷ niệm ở khung cảnh của khách sạn Holiday Inn Berlin Airport nầy trước khi xe buýt đến. Dù vậy, thời gian vẫn trôi qua nhanh! Khi hành lý được chất vào khoang dưới của xe hoàn tất, đoàn lại lên đường.

Xe đi ra ngoại ô của Thủ đô Berlin, nhưng những hình ảnh trong các bộ phim về quân đội của Hitler tập trung với rừng cờ chữ Vạn ở quảng trường của Brandenburg Tor lại hiện về trong trí óc tôi. Sau sự hùng hỗ đánh chiếm khắp nơi để rồi tàn chiến tranh nước Đức lại bị phân chia với sự có mặt của Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp. Rồi tôi lại nghĩ về hậu quả của một nước Đức dưới thời Hitler có hậu quả như vậy cũng không có gì là đáng nói vì “cá muốn ăn kiến không được, thì kiến ăn cá vậy”! Nhưng chỉ thương Việt Nam bé nhỏ của mình thôi, sau cuộc chiến đấu giành lấy độc lập với Thực dân Pháp, để rồi cũng phải chịu phân chia do các nước lớn trên thế giới. Rồi do sự xúi giục, cũng như khát vọng thống nhất, người ta đã "dấn thân” vào một cuộc chiến tranh lâu dài khiến bao nhiêu người chết và đất nước bị tàn phá không thể tính được, rồi lại “dính” vào một món nợ chiến tranh khó lòng giải quyết, kéo theo một sự lệ thuộc triền miên, qua nhiều thế hệ!

Giã từ Thủ đô của một nước Đức với nhiều Triết gia có tiếng và một nền Triết học Cổ Điển sáng chói, cùng với sự góp mặt của Karl Marx và Engels trong đó để rồi “Chủ Nghĩa Cộng Sản” được sản sinh. Xe đi qua những khu vực cánh đồng thênh thang không thấy bờ hay rào phân chia, tôi cố tìm những dấu vết của các “nông trường” hay “các hợp tác xã nông nghiệp” trước kia, nhưng khó có thể thấy được do nơi chế độ Cộng Sản đã bị sụp đổ và đời sống của người dân trở lại với sự tự do và tư hữu từ lâu. Tuy vậy, đời sống người miền Đông xứ Đức vẫn chưa bắt kịp với nhịp sống của dân chúng phía Tây. Đó là hậu quả của cơ cấu mà chế độ Cộng Sản đã tổ chức và vận hành! Không biết là những tổ chức trong chế độ Cộng Sản của phương Tây nầy có giống với cơ cấu của những người Cộng Sản phương Đông hay không, nhưng theo cái nghĩ của tôi thì chắc là không khác lắm vì họ đều là hệ thống Cộng Sản Quốc Tế cả, chỉ khác chăng là chút ít tùy theo hoàn cảnh của địa phương. Tất cả đều theo một mô hình, lúc đầu là của Liên Xô dưới thời Lénin. Đến khi Trung Quốc muốn làm một mô hình riêng để gây uy thế trong một nhánh phân chia khác để chứng minh cái dân tộc và nước lớn của mình khiến khối Cộng Sản tách ra làm hai phần mâu thuẫn với nhau. Có lẽ, theo tôi thì dù gì những người Cộng Sản ở phương Tây vẫn còn dễ chịu, nhân đạo hơn phương Đông nhiều vì từ lâu phong tục phương Tây luôn phóng khoáng hơn các dân tộc phong kiến, độc tài của phương Đông.

Theo lý thuyết của Marx, những người bị bốc lột công sức nhiều nhất là ở hai giai cấp: Công nhân ở trong các hãng xưởng, và nông dân không có ruộng đất chỉ đi làm thuê mướn cho các chủ đất với tính chất “Chủ muốn công nhân làm nhiều việc cho mình, và họ chỉ phải trả với số tiền lương ít ỏi”; nhưng hai thành phần nầy lại là hai thành phần chính để sản xuất nhiều sản phẩm cung ứng cho toàn xã hội. Do đó Marx đã lấy hai thành phần nầy, mà Marx gọi là “hai giai cấp”, làm lực lượng chính yếu để kêu gọi làm một cuộc “Cách Mạng” đòi lại sự công bằng, bình đẳng của xã hội. Đồng thời với hai giai cấp đó sẽ nổ lực sản xuất nhiều “của cải vật chất” làm giàu cho mọi người trên thế giới, làm cho thế giới con người nầy trở nên giàu có, sung sướng giống như một Thiên Đường. Rồi từ đó con người tiến đến sống chung nhau trong một “Thế Giới Đại Đồng”, và xa hơn nữa là “Cái được gọi là Nhà Nước” sẽ tự tiêu vong theo trình độ ý thức càng cao của con người. Vì vậy mà biểu tượng của mọi người Cộng Sản đều lấy “Búa” và “Liềm” để tượng trưng cho giai cấp công nhân và nông dân!

Có điều về sau nầy khi tôi nhìn trên truyền hình chiếu những cảnh ở Bắc Triều Tiên tôi mới thấy trong cờ Búa Liềm ấy mới có thêm “ Cây Viết”, là điều không hề giống với bất cứ lá cờ nào của các Tổ chức Đảng Cộng Sản khác trên thế giới. Không hiểu, chỉ có xứ Bắc Triều Tiên mới trọng vọng nhân tài Trí thức chăng? Điều mà những nơi khác xem người trí thức giống như “thành phần đáng quan ngại”, những ai học tương đối khá hơn được gọi là “Tiểu Tư Sản Trí Thức” và người học cao là “Tư Sản Trí Thức”? Có lẽ vì thế mà những Trí Thức luôn phải được “dè chừng” nhất là những “trí thức từ bên ngoài về”, biết đâu họ là những gián điệp về để len lỏi, hoạt động tình báo thì sao? Vì thế mà họ luôn là những thành phần phải “dè chừng” và sử dụng ở một cấp độ nào đó theo tiêu chuẩn “hồng hơn chuyên”!

Nhìn những cánh đồng lúa mì xanh mướt vào mùa Xuân, tôi lại nhớ đến quê nhà vào mùa lúa xanh non, nhất là khung cảnh ở một trường học bên đường, kế cánh đồng. Đứng trên lầu nhìn những sóng lúa lượn theo từng cơn trong cái mát của gió mang theo cái ngai ngái của mùi bùn. Những thứ ấy cùng tuổi thơ của tôi đã trôi đi không biết đến bao giờ mới được thưởng thức trở lại, nhất là trên xứ sở của quê người! Cánh đồng lúa mì mênh mông, ngút mắt xen lẫn với sắc hoa vàng của loại cây gì giống như cây cải bẹ xanh khi trổ hoa cũng trải dài thênh thang. Có người bảo đó là cây “canola” dùng để làm chất bơ hoặc ép dầu mà tôi không biết điều ấy có đúng không? Rồi tôi lại nghĩ đến các hợp tác xã hay những nông trường, nếu người ta tổ chức hợp lý hơn hay với sự vui vẻ hợp tác, hoặc cơ giới hóa nông nghiệp và được khung cảnh tự do thì nhà nông đâu đến đỗi lâm vào hoàn cảnh tang thương! Ngày xưa, khi anh bạn học của tôi xin được quyển sách viết về nền kinh tế Liên Xô bằng Tiếng Anh từ Trung Tâm Văn Hóa Hoa Kỳ về khoe với tôi. Dù bập bỏm tiếng Anh, nhưng xem hình tôi cũng có thể thấy được biểu đồ của nền nông nghiệp Liên Xô trong thời kỳ Cộng Sản: Lúc đầu vào thời kỳ mà trong đó ghi là Giai đoạn “bần cùng hóa nhân dân” thì biểu đồ ghi chỉ dấu xuống thấp rất nhiều, sau đó cứ mỗi giai đoạn vài năm thì đường biểu thị lại vượt lên rất cao, đánh dấu sự tiến triển của nền nông nghiệp. Nhưng điều ấy sau cuộc Cách mạng Việt Nam thành công, thống nhất đất nước tôi đã ngờ ngợ về sự thật của nó, rồi đến sự sụp đổ của khối Cộng Sản Đông Âu và Liên Xô thì sự thật mới được kiểm chứng: Con số đạt tiêu chuẩn hàng năm hay “vượt chỉ tiêu” theo kế hoạch chẳng qua là những con số ảo mà các cấp dưới “báo cáo láo” để khỏi bị kiểm điểm và phê bình, để tránh đi sự quản lý yếu kém của họ. Do đó sau sụp đổ, nền kinh tế của Liên Xô là một nền kinh tế tệ hại chứ không như là trên sách vở hay giấy tờ. Cũng may Liên Xô còn được Putin vực dậy và vững vàng trước sự chao đảo cho nên cô Hướng dẫn viên người Nga khi ở Thành Phố Saint Petersburg đã dí dỏm “Biết đâu sau nầy Saint Petersburg lại được đổi tên là Putingrad cũng không chừng”!

Đứng trên bình diện lý thuyết thì không ai là không nghĩ đến sự “hợp lý” hay ho của suy luận từ Karl Marx, khi ông chọn lấy hai “giai cấp” sản xuất chủ lực trong xã hội để tạo nên nhiều của cải vật chất cung ứng, giúp cho loài người được đầy đủ, ấm no và hạnh phúc. Do vậy, mà các thành phần trí thức dễ dàng tiếp thu triết thuyết của ông và họ cũng vẽ nên một xã hội tốt đẹp trong tương lai vào lý tưởng của họ, đó là lý do của những “tín đồ đã đam mê” chủ nghĩa của ông!

Đối với tôi, tôi chỉ là một kẻ tình cờ đi tìm hiểu vào lý thuyết ấy: Một là vì sự khó khăn trong kiến thức bộ môn mà tôi đã dạy; hai là do sự tò mò muốn biết thêm để xem như chủ nghĩa ấy thế nào mà lại hấp dẫn đối với nhiều nhà giáo, cũng như những nhà làm báo, hoặc những thành phần trí thức có sách vở mà vài lần tôi có dịp được đọc qua, và nhất là sau ngày thống nhất mọi người được chỉ thị phải dấn thân vào việc xây dựng chủ nghĩa đó trên đất nước của mình! Sự tìm hiểu của tôi thực là “vượt quá” khả năng kiến thức mà tôi đã có, nhưng vì “tò mò” mà tôi cố đi tới đâu hay tới đó!

Trong lúc đang lan man với những ý nghĩ của mình, thì anh Thới quay sang nói với tôi: “Anh Thạch à! Bây giờ tụi Âu Châu nầy phát triển điện gió nhiều quá, anh nhìn coi cánh đồng đầy những trụ cánh quạt kìa”! Nhìn theo hướng anh Thới chỉ, trên cánh đồng đầy các trụ với những cánh quạt chầm chậm chuyển động để tạo nên điện cung cấp cho dân chúng xứ nầy. Đó là năng lượng sạch mà người ta phát triển để bảo vệ môi trường. Khi vợ chồng tôi vào năm 2009 có dịp đi qua vùng Tây Âu, chỉ thấy vài trụ ở vài nơi thôi, nhưng cách nay khoảng mười năm đã có nhiều cánh đồng điện gió thành hình trên khắp các nẻo đường mà chúng tôi đi qua, có nơi chắc phải đến hàng trăm cái!

Ánh nắng chiếu qua cửa sổ hơi nóng, tôi liền kéo tấm màn che bớt lại, nhưng tấm màn che lại là tấm màn che cho cả hai khung kính cửa sổ nên màn lại chạy về phía sau, cô nàng ngồi phía trước chắc không vừa ý lại kéo thẳng về phía trước. Thôi thì mình đành chịu ánh nắng vậy! Đi cùng chung chuyến, hơn thua để làm gì! Rồi tôi lại thoải mái nhìn ra cánh đồng, lúa mì không cần nước như lúa nước ở xứ mình nên trên địa hình dốc, trũng thế nào nó vẫn xanh tươi, chắc nó chỉ cần nước trời mưa là đủ. Lúa mì chạy dài ngút ngàn theo các sườn đồi nghiêng nghiêng, xen lẫn những đám canola trổ bông vàng ối, rồi xen vào đó là những khoảng rừng cây hay thông trông rất đẹp mắt và đầy sức sống! Gần như chúng không cần biên giới hay bờ.

Trong ánh nắng và ý niệm không ranh giới ấy tôi lại quay về những thắc mắc mà tôi đã có khi tôi đi tìm hiểu về lý thuyết Xã Hội Chủ Nghĩa hay Cộng Sản của Marx. Marx nghiên cứu những lý thuyết của các triết gia đi trước, trên nhiều lĩnh vực cùng khoa học, kỹ thuật để đúc kết thành một chủ thuyết, mô hình xã hội tốt đẹp cho loài người trong tương lai không có áp bức, bốc lột. Thế nhưng, tại sao những nơi nào Chủ Nghĩa của Marx được thống trị thì người dân nơi đó phải khốn khổ trong sự nghèo đói, bị áp bức, đàn áp, không có tự do… đến đỗi họ phải từ bỏ, không kể sống chết trốn chạy xa rời cái Thiên Đàng ấy! Tự tôi đã thắc mắc hơi nhiều!

 

Nguyên Thảo,

28/11/2020.

 

 


Thursday, November 19, 2020

*Quê Người! (37)

 

Rồi một hôm, vào chập tối Ba Anh đến nhà rủ Trọng đánh cờ tướng chơi, nhưng Trọng không hứng thú, nên chỉ ngồi nói chuyện thôi. Lúc trước, có lần Trọng nói với tôi là Ba Anh thích đánh cờ với nó lắm, vì khi đi hái cải “spout” trên núi vào lúc ăn trưa hai đứa thường vừa ăn vừa đánh cờ cho tới giờ làm thì thôi. Ba Anh đánh không thắng được, do đó Ba Anh thường muốn đánh với nó là vì vậy. Trong lúc ngồi nói chuyện chơi, Trọng hỏi Ba Anh lúc nầy làm việc gì, Ba Anh cho biết đi tỉa táo trên núi, nghe vậy tôi liền hỏi là ở chỗ đó có cần người không cho tôi đi theo. Ba Anh cho biết là khá đông rồi, không biết là mấy đứa lãnh công việc có cần nữa không, nếu muốn thì mai Ba Anh sẽ chở tôi đi theo, nếu có thì làm, không thì coi như đi chơi thôi! Thế là tôi sửa soạn cơm nước sáng đi theo Ba Anh. Đường đi khá xa, đi khoảng một tiếng đồng hồ mới đến nơi. Mọi người sửa soạn vào công việc. Các xe đậu bên cạnh vườn táo, ở một khoảng đất trống. Ba Anh đi đến gặp mấy người, xong rồi lại nói với tôi là tụi nó không muốn nhận thêm người nữa. Như vậy là tôi không được vào làm mà phải ngồi chơi ở trong xe suốt mấy tiếng đồng hồ, đến khi họ nghỉ nửa buổi thì Ba Anh mới đến với tôi. Xong rồi tới ăn trưa, ngoài những giờ đó, tôi chỉ quanh quẩn bên chiếc xe, hay ngồi ve vẩy những lá thông rơi rụng trên mặt đất. Đây là lần thứ nhì tôi phải “lang thang” trong chuyến xin đi làm, thật là vô vị. Tình trạng ấy kéo dài cho đến khi cả đám hoàn tất được một ngày làm. Trên đường về, tôi có nhiều suy tư! Quả thật kiếm việc là không phải dễ! Vào lúc ăn cơm tối, Trọng nói: “Thôi! Ráng đi mầy. Mai mốt vào nắng ấm thì thiếu gì công việc, không có hãng xưởng thì công việc trên núi cũng sẽ có nhiều”. Mấy hôm sau, tôi lại gặp Kim, rồi hai đứa rủ nhau đi đến hãng làm mâm xe ROH và hãng làm máy giặt Kelnivator gần đó xin việc, nhưng họ nói trong khoảng thời gian nầy chưa có việc. Chúng tôi đành lủi thủi đi về! Theo lời những người đi trước thì với số tuổi như chúng tôi khó mà xin được việc ở hãng vì hãng cần những người tuổi trẻ, có sức để làm lâu dài, nên những người qua trước thường đi vào các nông trại do nơi chỗ quen biết, giới thiệu nhau và số người làm cũng giới hạn nên cũng là điều khó cho các người mới tới; vả lại, trong thời gian nầy công việc ở nơi các vùng nông trại chưa có nhiều!

Một hôm, Trọng và chị Yến đi mua thực phẩm từ dưới tiệm của chị Bảo Liên về cho hay: “A Thạch à! Hồi nãy tao với Bà Yến mua đồ ở dưới tiệm chị Bảo Liên có gặp con Phượng, nó hỏi tao có việc làm nào không, giới thiệu cho chồng nó là Thằng Đức vừa được nó bảo lãnh từ Mỹ qua để đi làm với. Tao nói tao đã đi làm hãng Holden rồi, thôi thì tao sẽ nói thằng em tao sẽ đi xin việc làm với nó, mầy có tính đi không”? Tôi nghe đến đó thì cũng mừng, liền đồng ý, Trọng liền điện thoại nói chuyện với Phượng, Phượng nói để về bàn chuyện với anh Đức xem, rồi trả lời sau.

Sau đó hai ngày, tôi gặp Đức lẫn Xoan là bạn của Đức cùng ở chung một chung cư với nhau để bàn chuyện đi xin việc ở trên núi. Xoan có xe tương đối vững chắc sẽ lái đưa chúng tôi đi. Xoan thì lái xe, nhưng không biết đường phía bên sẽ đi, Đức thì Tiếng Anh giỏi hơn hai đứa chúng tôi, nhưng vừa từ bên Mỹ qua chẳng bao lâu, còn tôi thì không biết đường nhưng cũng may là tôi có thể coi được bản đồ. Do vậy Trọng chỉ cho tôi phương hướng, địa điểm trên bản đồ để tôi có thể nhìn theo đó mà tìm đường để đi. Đường chúng tôi đi là theo đường lớn lên núi và đi về phía Melbourne của Tiểu bang Victoria. Đường đi nầy Xoan có biết hơn nửa đoạn đường, như vậy cũng tốt, do đó chúng tôi chỉ chật vật với một khoảng đoạn đường không dài lắm của chuyến đi. Xoan lái xe khi gần hết khúc đường mà Xoan biết thì cho tôi hay để tôi nhìn trên bản đồ đoạn đường tiếp theo. Cứ theo con đường và nhìn hai bên thấy nơi nào có vườn cây là chúng tôi lủi vào tìm nhà hay chủ để hỏi xin việc làm. Nếu họ nói không có thì chúng tôi lại lái xe đi tiếp. Đi nhiều chỗ nhưng vẫn chưa có chỗ nào có việc làm. Đường trên núi quanh co, lên xuống mới nhìn thì thấy cũng ghê nhưng lúc trước thì tôi cũng có đi với Trọng, anh Nam, cô Hoa cùng anh chị Sáu Khánh rồi nên cũng yên lòng. Tất nhiên là Xoan đã quen với loại đường nầy, vì Xoan đã từng đi hái dâu tây ở nơi khác rồi, riêng Đức thì có chút lo, nhưng với ba đứa thì nổi vui trong câu chuyện lấn áp hết cả. Chúng tôi đi đến nhiều nông trại nhưng chỗ thì đã có người, chỗ thì việc chưa tới nên không biết nhóm cũ sẽ có làm hay không, vì vậy họ chỉ ghi số điện thoại của chúng tôi thôi. Cuối cùng chúng tôi trên đường đi về qua ngã ba mà trên bản đồ có tên là Lenswood thì kế bên đường có ông Tây đang tỉa táo ở bên lề. Chúng tôi ráp vào xin việc. Ông ta ghẹo chúng tôi là “Ăn cơm” bằng tiếng Việt. Biết là chắc có người Việt làm cho ông ta nên ông biết chút ít tiếng Việt. Sau khi nói chuyện hồi lâu, ông bảo ông có vài người Việt đã làm cho ông năm trước, năm nay họ sẽ trở lại; nhưng ông sẽ giới thiệu bạn của ông ấy, rồi ông viết địa chỉ, số điện thoại cùng chỉ đường. Xoan quay xe trở lại con đường vừa chạy qua, chúng tôi lần theo sự chỉ dẫn để lên nhà của ông Campbell. Gặp con ông ấy rồi nó cho chúng tôi gặp ông. Ông hẹn hai ngày sau lên làm và giờ giấc làm như thế nào! Như vậy là chúng tôi được an lòng để lái xe về nhà!

Đến ngày đi làm, chúng tôi phải thức dậy sớm để lo chuyện cơm nước cùng với một tiếng đồng hồ cho việc di chuyển đi đường vì khoảng cách chừng 50 chục cây số đường núi. Trên đường đi Xoan có nói, lái xe trên nầy vừa lên xuống, quanh qua ẹo lại nghe “đã” tay quá. Nghe như vậy tôi giật mình nói với Xoan: “Coi chừng, chính vì “đã tay” đó mà có thể nguy hiểm nhe Xoan”! Tôi vừa nói nửa chơi, nửa thiệt trong cái cười nhẹ, khiến Đức cũng cười theo. Lên đến nơi thì gặp ông chủ Campbell đứng ngoài cửa nhà kho đón chúng tôi. Xong ông dẫn ra ngoài vườn với những cây táo với nhiều chùm trái nhỏ và ông chỉ cách tỉa như thế nào. Điều ngộ là cây trái bên xứ mình trái đậu không nhiều, nên thường người ta không cần tỉa trái; còn ở bên nây có lẽ do khí hậu vào Xuân mát mẻ nên trái đậu khá nhiều vì vậy mà cần phải lặt bỏ bớt trái xấu, cho chúng thưa ra thì trái mới có thể lớn, tốt đúng với kích cỡ để bán mới có giá. Hành động lặt bỏ bớt ấy gọi là “tỉa”. Tất nhiên người nghe tiếng Anh và giải thích lại phải là Đức, còn tôi và Xoan thì cố nghe được bao nhiêu thì bao và chỉ để là kiểm chứng cùng nhau nghe có đúng với lời chỉ dẫn của ông chủ Campbell không thôi. Lúc đầu làm thì công việc hãy còn lọng cọng, chậm chạp. Sau chừng khoảng hai tiếng đồng hồ thì tay cũng đã nhuần nhuyễn nên công việc không còn gì là khó khăn. Ông chủ ra nhìn, không thấy ông nói gì thì chúng tôi biết là công việc mình làm được tương đối là được. Sau mười lăm phút ăn sáng thì công việc được tiếp tục cho đến 12 giờ tới giờ ăn trưa. Giờ ăn được nửa tiếng, rồi chúng tôi phải tiếp tục cho đến 4 giờ rưởi chiều thì chấm dứt một ngày. Khi về ông Campbell cho biết ngày mai vẫn tiếp tục ở khu vực của ngày nay.

Về đến nhà thay đồ, tắm rửa, ăn cơm, tôi nghe có vẽ uể oải. Trong lúc cùng nhau ngồi xem truyền hình, Trọng có hỏi tôi làm như thế nào? Tôi kể công việc không khó, nhưng mới làm nên có vẽ khiến cho mình hơi mệt. Rồi Trọng kể lại chuyện gặp Phượng, vợ của Đức, nói chuyện chúng tôi đi xin việc làm “tỉa táo” mà lại đã có kinh nghiệm làm trên Renmark thì thật là “dốt” thế mà ông chủ lại nhận mấy ông ấy làm, chắc là ông chủ đó cần người vì ở Renmark chỉ có hái cam chứ làm gì có “tỉa táo”! Trọng kể lại, rồi chúng tôi cùng nhau cười, nhưng chuyện chính là làm sao chúng tôi có việc làm là tốt rồi. So với những ngày đi hái cải với Trọng thì công việc mới nầy vẫn là nhẹ nhàng hơn nhiều “chỉ cần lặt bỏ bớt trái” thì đâu có gì là khó, chỉ điều là vác cái thang đi nghiêng theo dốc đồi sao cho khéo không phải trợt té thôi! Với công việc nầy chúng tôi còn thoải mái trò chuyện với nhau mà không phải biết nhiều Tiếng Anh. Nghe tới đó Trọng nhắc nhở: “Làm mà tụi bây nói chuyện nhiều quá, coi chừng ông chủ cho nghỉ cả đám mặc dù tụi bây vẫn làm đều đặn, vì Tây nó nghĩ khi nói chuyện thì tay ngưng làm giống như tụi nó vậy”! Hồi lâu, Trọng vụt nhớ chuyện gì rồi nó đi vào trong, khi ra nó nói: “Bữa nay mầy có thư nè”! Nó đưa thư thì ra đó là thư của vợ tôi. Trong thời gian gần đây, ông Nhà Nước Việt Nam đã mở cửa duyệt xét hồ sơ bảo lãnh trở lại sau 6 tháng đình chỉ vì chuyện Cộng Đồng người Việt biểu tình chống ông Ngoại Trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch lúc ông đến Úc vào ngày 16/04/1984 tức là sau khi tôi đến Úc một ngày. Nhưng chuyện hồ sơ chưa phải là chuyện mà tôi phải lo nhiều vì hồ sơ của tôi chỉ là quá mới, dù có mở hay không mở thì hồ sơ ấy còn lâu mới tới phiên duyệt xét, mặc dù tôi rất nôn nóng bảo lãnh được cho gia đình. Chuyện cấp thiết là tôi ráng làm sao có tiền để gởi về cho gia đình để ổn định đời sống trong muôn vàn khó khăn của tình trạng hiện nay lẫn sự chèn ép của chính quyền khi tôi đã là “thành phần phản quốc vượt biên”! Sau bao năm làm việc dưới chế độ tôi không còn lạ gì về cái quan điểm của họ! Chính vì những cái nhìn thấy ấy mà tôi đã chọn con đường “đào thoát” để mong tìm một tương lai tươi sáng hơn cho đàn con sau nầy. Kéo chúng ra khỏi “vũng bùn lý lịch ba đời” là trách nhiệm của tôi khi đi vượt biên! Chuyện “vượt biên” đã hoàn tất, bây giờ tôi được định cư trên xứ Úc do “tình thương” của Chính Phủ cũng như người dân. Đây là quê hương thứ hai của tôi và nhiều người cùng hoàn cảnh. Cái trách nhiệm nặng nề với tôi nhất trong giai đoạn nầy là cố gắng làm để gởi về cho gia đình vượt qua cơn ngặt nghèo, túng bấn do hoàn cảnh xã hội hiện tại cũng như sự “bị giới hạn” nhiều mặt vì “thành phần vượt biên” của tôi!

Cứ mỗi lần nhận được thư của gia đình là mỗi lần tôi lại ứa nước mắt thật nhiều: Một phần tôi là con người nhạy cảm cũng có, một phần tôi lại nghĩ đến sự cực khổ của gia đình, vợ con mà họ phải hứng chịu trong lúc tôi chưa làm được gì để đem họ thoát ra ngoài vòng “kiềm tỏa” của chế độ đang tiến hành cải tạo xã hội theo kiểu cách mới của người Cộng Sản. Ngày xưa tôi có biết rất nhiều người học cao họ thường có đầu óc, cảm tình theo chủ nghĩa Cộng Sản, nhưng sau ngày “Giải Phóng” họ lại “bật ngữa” ra vì nó không như là họ “tưởng tượng” về những gì tốt đẹp khi họ đã đọc trong lý thuyết của ông Marx. Cũng như tôi đã được nghe nhiều người kể về những nhà trí thức từ nước ngoài muốn về giúp cho đất nước từ những thời gian xa trước kia; nhưng khi về họ không được trọng dụng, đôi khi còn bị nghi ngờ “giống như là tình báo nước ngoài cài vào” để phá hoại sự nghiệp “cách mạng” của chế độ! Từ đó, tôi mới hiểu vì sao cái “quan điểm” của chế độ mới rất quyết liệt với những người không phải là của họ, quan điểm ấy được thể hiện qua “ba đời” của gia tộc. Chính vì vậy mà tôi phải chọn con đường gian nan, liều sống chết để cứu lấy tương lai của các con tôi!

 

Nguyên Thảo,

20/11/2010.

 

 

 


Thursday, November 12, 2020

*Thế Gian!

 

Thế gian lắm chuyện lạ đời

Hàng hàng, lớp lớp chẳng thời giống nhau

Khá nhiều trong cuộc bể dâu

Cười ra nước mắt, lẫn sầu thương đau!

Khi Trời nổi chứng mưa rào

Khi người dưới thế cùng nhau tạo nguồn.

“Tâm” luôn vận động quay cuồng

Cuốn theo bão nổi, gió dông chập chùng

Đi trong biển nước mông lung

Chìm nơi biển lửa, trông đâu bến bờ?

Ôi, đời là một giấc mơ

Cơn mơ của cuộc “đi, về tay không”!

 

Đồ Ngông,

13/11/2020.

 

 

 

*Chuyện Lạ!

 

Ai ngờ trên xứ đẹp Cờ Hoa

Chuyện lạ trong đời lại xảy ra

Cái xác không hồn vươn đứng dậy

Lê la bỏ phiếu, “Sự Thật” mà!

 

Cái máy giữa chừng lại phải hư

Nửa đêm “đếm gấp”, chẳng từ từ

Máy bớt bên nầy, thêm bên nọ

Tạo nên “Kỳ Tích” óc con người!

 

Dân Mỹ nghĩ gì? Đáng buồn không?

Văn minh, Tiến bộ nhất Cộng Đồng

Lại cũng xảy ra trò gian lận

Gian lận cả bầy, thế “Hết Mong”!

 

Đồ Ngông,

13/11/2020.

 

 


Sunday, October 11, 2020

*Sang Đức. (4)

 

Xe đi qua Tòa nhà chính Phủ Reichstag, du khách tham quan nhiều bên trong gần building, mà phía bề ngoài lề đường lại có hàng rào dã chiến che chắn không có người qua lại. Đầu Mùa Xuân cây cỏ xanh tươi có màu xanh mát rượi và rạng rỡ mặc dù bây giờ đã quá 3 giờ chiều. Xe đưa đoàn chúng tôi chạy vòng qua những nơi cần thiết cùng với sự thuyết minh, giới thiệu của Bà Hướng Dẫn Viên, giống như những xe chở các đoàn đi Sight Seeing ở các Thành phố lớn của nhiều nơi. Sau khi đánh một vòng ở công viên lớn trong thành phố tức là Grosser Tiergarten, rồi chúng tôi lại lượn qua cái bùng binh có cột chiến thắng cao trên đỉnh có bức tượng màu vàng sáng chói của Victoria. 

Cột Chiến Thắng.


Xong lại chạy về phía sau cổng Brandenburg để vòng qua góc đường có nơi tưởng niệm những người Do Thái đã chết trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến gọi là Holocaust Memorial. Kế đó là đi đến Quảng Trường Gendarmenmarkt Bà Hướng Dẫn giới thiệu Nhà hát Konzerhaus, Nhà thờ Pháp và Nhà Thờ Đức có khoảng 200 năm trong khu vực. Sau cuộc đi rong chừng 15 phút xe dừng lại cho chúng tôi xuống. Bà Hướng Dẫn đưa chúng tôi đến một ngã tư đường. Tôi không hiểu vì sao lại có nhiều người đông ở đây, trong khi có người đàn ông mặc quân phục nước nào đó ỏm tỏi giữa đường. Chúng tôi ngạc nhiên đứng nhìn, hình như ông ta không say, tai nạn hay sự xung đột chăng? Có người đưa máy lên quay cảnh đó, có người chụp hình. Tôi thấy lạ nghĩ rằng tụi Tây cũng ồn ào ngoài đường giống Việt Nam của mình sao? Nhưng khi nhìn lại thì thấy một lô-cốt đề chữ “Check Point”, có vài người mặc quân phục lính với lá cờ Mỹ thì mới giật mình: Thì ra đây là một cảnh đóng lại kiểu lính Nga đang hùng hổ chửi rủa lính Mỹ ở tại điểm kiểm soát của lính Mỹ nầy. Vì sơ ý mà chúng tôi đã bị lừa do một kiểu dàn cảnh cho du khách biết chuyện ngày xưa là như thế đó!



Ở đây không lâu, khoảng chừng nửa tiếng đồng hồ thì chúng tôi lại trở về xe để đi sang khu vực Tường Bá Linh trong thành phố tức là Berliner Mauer để tham quan nơi nầy. 

Berliner Mauer.


Bức tường được đúc bằng bê-tông nhưng thô thiển hơn bên East Side Gallery. Tường cao, nhưng người ta chỉ giữ lại một số đoạn thôi, còn dưới đường thì theo dấu cũ đặt những tấm, hình như bằng đồng để ghi dấu lại nơi bức tường xưa được dựng lên. Chúng tôi chụp hình nơi đây để lưu niệm là đã có đến chỗ nầy. Sau đó  thì xe lại đưa chúng tôi đi trong các phố xá của Thành phố Berlin để Bà Hướng Dẫn Viên giới thiệu tiếp những nơi mà chúng tôi cần biết sơ qua. Quả thật là đoàn đang “cưỡi ngựa xem hoa”! Nói thế chứ đoàn làm gì có nhiều thời giờ để đến từng địa điểm có tiếng của Thành phố mà quan sát cho kỹ, hay là nghêu ngao để tìm hiểu từng chi tiết. Tôi cứ nghĩ ngay cả khu phố mà tôi đang sống trên xứ Úc trong nhiều năm, thế mà tôi còn chưa từng hiểu hết các hóc hẻm thì làm gì với một, hai ngày ngắn ngủi để có thể biết hết các nơi trong thành phố lớn lao như thế nầy! Ừ! Thôi thì cứ đại khái biết và hiểu những gì mình được thấy và được nghe nói để rồi suy ra một cách tổng thể, được như vầy là quý lắm rồi! Ít ra, khi người ta nói đến Berlin thì mình cũng hình dung ra được như thế nào, nhưng cái quan trọng đối với chúng tôi là cái Bức Tường Bá Linh “Ô nhục” mà hiện tại, trong thực tế chúng tôi đã chứng kiến, sờ được; chứ không là những hình ảnh kinh khủng mà chúng tôi đã thấy trên báo chí trước kia hay là trong tưởng tượng xa vời! Nhất là, nó chính là chứng tích của các Chế độ và Chiến Tranh! Với bức tường nầy khiến tôi lại nhớ đến lúc xưa người ta đã bảo rằng: Khi chế độ Cộng Sản cai trị ở vùng đất nào đó thì một “bức màn sắt” luôn được buông xuống. Thuở ấy tôi chẳng biết thế nào là “bức màn sắt”, cũng chẳng biết “Tại sao những người Cộng Sản lại buông màn ấy xuống”, rồi tại sao dân chúng phải “liều sống chết” rời chế độ Cộng Sản trong khi về lý thuyết “đem lại công bằng, bình đẳng, sự sung sướng, ấm no, hạnh phúc, tự do cho mọi người dân, không có cảnh người bốc lột người, không có áp bức, hà hiếp và người dân được thực sự làm chủ đất nước”! Nhưng điều ấy, chúng tôi đã hiểu và cuối cùng chúng tôi phải chọn con đường của những người trước đã đi một khi có điều kiện, và không ít số người phải bỏ mình trên biển cả trong khi số người khác tới bến bờ để được thế giới giúp đỡ trở thành những kẻ “lang thang” không còn có quê hương!

Có lẽ không mấy ai trong cuộc đời mà không yêu quê hương mình, nhất là đối với người Việt Nam của chúng ta. Cái tinh thần “Quê Cha, đất Tổ” lẫn cái tình thương “Quê Mẹ”, “Nơi chôn nhau, cắt rốn”, cây đa, đình làng, lũy tre xanh… đã ôm ấp từng con người khi lớn lên; chính vì những yếu tố ấy mà dù cho chiến tranh khốc liệt như trước kia người dân vẫn cố bám làng, bám đất không rời bỏ quê hương dù khốn khổ, lầm than, hay cái chết cận kề bất cứ lúc nào. Nhưng rồi khi hòa bình đến người ta phải trốn chạy, đó là sự “suy tư” khá nhiều đối với tôi!

Sau thời gian tìm hiểu về lý thuyết ít ỏi, tôi cũng mường tượng được một chút thuộc về lý tưởng của ông Marx và Engels, cũng hình dung được một ít bước đường thực hiện nào đó mà mấy ông ấy vạch ra. Ôi lý thuyết sao mà tốt đẹp vậy! Thế cho nên trên thế giới nầy người ta vẫn mơ mộng, nhất là trong giới trí thức khắp mọi nơi khi người ta đã được đọc nhiều sách về lý thuyết. Và ngay cả trong thời điểm hiện tại, trên thế giới nhiều người theo khuynh hướng “chống bất công, đem bình đẳng” đến cho xã hội, mọi người vẫn còn “ước mơ một xã hội ấm no, công bằng” như thế, nhất là trong giới làm chính trị!

Có những lúc các nhóm bạn bè của chúng tôi ngồi bàn, tìm hiểu cùng nhau sau “trà dư, tữu hậu” đặt vấn đề: “Vì sao phải Chuyên Chính Vô Sản, và vì sao Trấn Áp Bằng Bạo Lực Cách Mạng, rồi Lạc Quan Cách mạng”. Có vài ý kiến giải thích là Mấy Ông Tổ cho là các giai cấp trên, lẫn giai cấp cầm quyền bốc lột áp bức giai cấp công nhân và nông dân lẫn người nghèo khổ, nên các giai cấp nầy phải làm cuộc Cách Mạng bằng bạo lực để lật đổ chúng và giành quyền cai trị. Để giữ vững chế độ thì phải trấn áp kẻ thù bằng Bạo Lực không thương tiếc để các giai cấp ấy không thể vùng dậy mà lật ngược lại. Và dù gặp khó khăn cách mấy hãy “Lạc Quan” vào con đường Tiến lên!

Ừ, thì cũng gọi là hiểu được chút nào đi! Rồi người ta lại tiến thêm bước nữa, chắc Lénin trong khi thực hành lý thuyết của Marx muốn “thúc đẩy” cho nhanh chóng thành công nên tập trung tất cả từ quyền lực, cho đến giáo dục, tuyên truyền, báo chí, đoàn thể, đều phải thực hành theo chỉ thị lãnh đạo của Đảng, bắt buộc ai cũng phải thực hiện theo lệnh và chỉ thị, thống nhất từ trên xuống dưới để mọi người cùng đi về một hướng không khác đi (tiêu cực, chống đối) hay chống lại (phản động). Điều ấy không phải chỉ một nơi mà mọi nơi nào mà người ta có thể làm được các cuộc Cách Mạng như thế theo hệ thống Tổ Chức Quốc Tế (bắt chước theo hệ thống tổ chức chặt chẽ của Đạo Thiên Chúa Giáo). Đó là lý do các Đảng Cộng Sản ở khắp các quốc gia nào có thể phát triển được, và họ liên kết với nhau (ngày xưa do Nga lãnh đạo, nhưng sau Trung Quốc muốn được quyền nên có sự xung đột hai bên và chia thành hai nhóm). Ấy chỉ là sự suy diễn của đám bạn bè chúng tôi qua sự tìm hiểu đó thôi!

Trong lúc đang miên man nhớ lại thì anh Thới kêu tôi là “Họ đi rồi kìa”! Tôi giật mình quay lại cùng đi theo để lên xe. Bà Hướng Dẫn cho chúng tôi đi một vòng nữa trong thành phố để giải thích tiếp những gì mà Bà thấy là chúng tôi cần biết. Xe đi qua khu Bảo Tàng xe hơi hiệu “Trabant” của Đông Đức thời ấy, chỉ  thoáng qua thôi nhưng mọi người cũng thấy được bãng hiệu cùng mẫu xe của nó. 

Bảo tàng xe "Trabant"


Không biết hiệu xe nầy như thế nào chứ trước kia khi mọi người nghe nói xe Molotova của Nga, ai khi chưa biết cũng tưởng nó rất là tân tiến và đặc biệt, nhưng sau ngày 30 tháng Tư thì kiểu xe của nó giống như trong thời Thế Chiến Thứ Hai thôi, chẳng có gì khác xa. Rồi đến khoảng hơn 5 giờ 30 xe đưa chúng tôi tới một khu Thương Mại để xem qua, đồng thời cũng là địa điểm Bà Hướng Dẫn Viên hẹn với chồng để rước Bà về. Chúng tôi từ giã bà, không đi nữa mà lại tắp vào một Tiệm thực phẩm của người Việt làm chủ để mua ít đồ, và cũng là để đợi xe buýt đến chuyển về khách sạn vì bây giờ cũng gần 7 giờ chiều!

Trên đường về Bernard căn dặn cho đoàn những điều cần biết và cần làm khi đến khách sạn và giờ giấc di chuyển cho ngày mai. Sau gần nửa tiếng đồng hồ xe về đến khách sạn, mọi người cứ theo như điều căn dặn của Bernard để nhận chìa khóa phòng, lấy số wifi để sử dụng cho các dụng cụ điện tử của mình. Ổn định phòng xong, chúng tôi lần lượt xuống nhà hàng của khách sạn để dùng bữa ăn tối. Thế là một ngày trôi qua trên vùng đất Thủ Đô nước Đức thống nhất ngày nay. Như vậy, với các vùng đất mà các thế lực thế giới xúm nhau chia đôi đất nước của người ta do hai Thái Cực: Cộng Sản và Tự Do đã được tái hợp lại. Một là Việt Nam được thống nhất bằng một cuộc chiến tranh lâu dài, tàn phá đất nước không thương xót và hậu quả sự thống nhất ấy là các cuộc thương đau khác xảy ra do cơ chế tổ chức xã hội, quan điểm; kéo theo sự suy yếu cùng lệ thuộc nặng nề vào những món nợ chiến tranh mà đất nước đã phải vay mượn! Và sau Việt Nam khoảng hơn 15 năm, nước Đức được thống nhất hòa bình do sự sụp đổ của khối Cộng Sản Đông Âu và Liên Xô trong một biến cố tương đối hòa bình, nhưng không kém phần gay go. Nay chỉ Triều Tiên hãy còn bị chia cắt, và hai bên vẫn xem nhau như hai nước thù địch tức là Đại Hàn và Bắc Triều Tiên vậy!

Trong bữa ăn tối nay đoàn chúng tôi nhận được một tin không vui và khiến cho mọi người hơi bồi hồi chia buồn cùng anh chị Lan Chi của nhóm Melbourne, vì anh vừa nhận được điện thoại của các con báo hình như là mẹ anh mất ở Việt Nam thì phải. Thế là cuộc đi của anh, chị phải dừng nửa chừng để trở về Úc, rồi mới về Việt Nam để lo hậu sự và báo hiếu. Jennifer cùng họp bàn với Bernard tiến hành các thủ tục, vé máy bay cho hai anh chị. Không biết bên các công ty du lịch hỗ trợ như thế nào, chứ đoàn chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc hành trình như không bị một trở ngại nào hết. Chúng tôi chỉ nói lời chia buồn cùng gia đình anh chị thôi!

Thực sự trước khi đi chuyến nầy, tôi không hề có ý chú trọng vào vấn đề ảnh hưởng của chế độ Cộng Sản với các nước sẽ đi qua, nhưng khi đến Nga rồi qua sự thuyết minh của Bà Hướng Dẫn kéo tôi về với sự nhận xét, lưu ý hơn về các nước nầy để xem: Vì sao các nước thuộc chế độ Cộng Sản không thể tiến hơn là chế độ ở Tây Phương, mặc dù những người cầm quyền luôn cho “Xã Hội Chủ Nghĩa” là ưu việt, và Cộng Sản Chũ Nghĩa là điểm đích cuối cùng cho một Thế Giới Đại Đồng, là Thiên Đường của loài người trên trái đất nầy, mà tập thể người Cộng Sản lấy làm lý tưởng tranh đấu, thực hiện cho kỳ được!

Tuy nhiên cái lý thuyết nào cũng vậy, lý thuyết luôn vẫn là lý thuyết. Lý thuyết chỉ dựa trên nền tảng của suy tư và suy luận. Ông Marx đã lược qua rất nhiều lý thuyết, triết thuyết trong quá khứ, của những người đi trước, rút kinh nghiệm chúng được thực hiện trong thực tế, trên nhiều bình diện từ Xã Hội, Khoa học, Kỹ thuật, Chính trị, Tôn giáo, Tư tưởng lẫn sự Tiến hóa, kể cả Lý luận và Hệ thống Tổ chức, Quan điểm… tối ưu lúc bấy giờ để đúc kết thành “Hệ Thống Lý thuyết” của ông, mà về sau người ta cứ cho là ông tập hợp “Đỉnh Cao Các Trí Tuệ Của Loài NgườI” để làm Kim Chỉ Nam cho các tín đồ trong tương lai thực hiện đều ông đã vạch ra, để đi tìm “Tối ưu của một thể chế trong tương lai” nhằm đem lại sự tốt đẹp cho cuộc sống loài người trên trái đất! Thế nhưng, “Nó chẳng như là mơ” !

 

Nguyên Thảo,

07/10/2020.

 

 

 


Thursday, October 1, 2020

*Quê Người! (36)

 

Trọng đi làm bắt đầu từ ngày Thứ Hai, sang ngày thứ Ba tôi lái xe của Thành xuống văn phòng Port Adelaide Community nộp bài. Trong lúc nộp bài và đang chờ đợi thì ông thầy dạy lái fort lift cũng đến dẫn theo một anh bạn Việt Nam đang học khóa tiếp theo đến văn phòng. Thì ra số ghi tên học fork lift khá nhiều người nên chia thành vài khóa mà khóa tôi học là khóa đầu tiên. Ông thầy phàn nàn về trình độ Tiếng Anh của anh bạn nầy với nhân viên văn phòng, đại khái là ông ấy nói trình độ tiếng Anh của anh bạn yếu quá mà tại sao trung tâm cho anh ta học. Xong chuyện thì ông ấy lấy bài làm của tôi đi duyệt qua. Anh bạn phân bua với nhân viên văn phòng là ông thầy nói cái gì anh cũng hiểu cả mà khi anh nói tại sao ông Thầy không chịu hiểu mà còn nói Tiếng Anh của anh yếu. Rồi anh quay qua kể cho tôi nghe những gì thầy dạy anh đều hiểu và làm được, thế mà ông thầy nói anh không hiểu và bây giờ không cho anh học tiếp. Anh kể như thế nào thì tôi nghe như thế đó chứ tôi đâu biết “ất giáp” gì mà có ý kiến. Khi anh ra về, ông Thầy cũng chấm bài của tôi xong, ông cho tôi đậu, ông nói văn phòng cho tôi một giấy chứng nhận là tôi đã hoàn thành khóa học với kết quả “vượt qua” (pass). Rồi ông lại nói cho tôi nghe: “Phải chi nó như mầy, Tiếng Anh yếu thì mình cố gắng, làm theo những chỉ dẫn của tao, không hiểu thì hỏi lại; đàng nầy nó không, tao bảo nó lái sang trái thì nó sang phải, bảo sang phải thì nó lại sang trái; kêu nó tới thì nó lui, bảo lui nó lại tới, như vậy thì làm sao tao dạy, mà rủi có tai nạn thì tao phải chịu trách nhiệm sao”? Tôi nghe ông Thầy nói vậy tôi lại giật mình, đây là lần thứ hai tôi được nghe câu chuyện kỳ quái như thế nầy, và mình không thể tin những câu chuyện ấy là có thật, nhưng nó đã xảy ra. Không lẽ thần kinh của họ khác chăng, giống như những người “thuận tay trái”, “thuận tay phải”, hay khác lạ trong cuộc đời! Chuyện trước kia là anh bạn cũng là bà con của tôi với Trọng, khi đi vào quân đội anh được tuyển dụng vào phi công được đưa sang Mỹ huấn luyện về trực thăng. Trước khi đi được học Tiếng Anh ở Trường đặc biệt gần cả năm trời cộng với những năm bậc Trung học anh học sinh ngữ một là Tiếng Anh thì không thể nói là Tiếng Anh của anh dở. Khi anh sang Mỹ được vài tháng. Một hôm tôi, Trọng, Tâm là anh bạn khác cùng ngồi nhậu lai rai ở nhà Trọng ngay góc ngã tư đường. Uống trong chốc lát vụt nhớ đến ông anh bà con, Trọng nói bâng quơ: “Không biết giờ nầy nó ở bên Mỹ có nhậu và nhớ đến mình không”? Vừa nói không bao lâu nó ngó ra đường rồi la lên; “Mới nhắc tới nó, nó lại về kìa”! Tôi và Tâm tưởng Trọng đùa, cùng buộc miệng: “Đừng giỡn mầy”! Trọng: “Tao nói thiệt! Nó kìa”! Lúc đó tôi và Tâm nhìn theo tay của Trọng: “Thì ra, ảnh về thật”! Về sau tôi được nghe cái nguyên nhân “ảnh về sớm” giống trường hợp như hôm nay. Tôi ngậm ngùi cho cái “chuyện Tạo Hóa” trêu ngươi! Và cứ nghĩ Tạo Hóa đã cho mỗi người vài thứ khác nhau, anh bạn nầy và anh bạn bà con của tôi với Trọng có cùng một chứng bệnh như nhau! Tôi có thể giải thích được điều mà anh cho là “anh hiểu mọi thứ Thầy nói” là do tiếng Anh của anh cũng giỏi nên anh hiểu được mọi điều, ít ra cũng giỏi hơn tôi vì tôi đã nghe anh nói với người nhân viên, nhưng anh không để ý cái giọng nói Tiếng Anh của mình vừa cứng, vừa thiếu âm đuôi của chữ thì ông Thầy hiểu thế nào được; giống như tôi một lần nói “excuse me” thế mà Joeff làm bộ đưa hai tay ép vào ngực, sợ sệt và nghiêng mình xa ra.

Trọng và Thành đã đi làm, làm cho tôi cảm thấy nôn nao. Thế rồi một đêm trong lớp học Anh Văn ban đêm trường Parks, tôi nhờ đến Hoàng cùng học chung có thể xin cho tôi vào làm hãng của Hoàng không? Hoàng nói cũng không biết nó có cần không, nhưng nếu anh muốn thì anh theo tụi tôi đến đó rồi xin xem sao? Sau đó Hoàng cho tôi địa chỉ, tôi sẽ lái xe đến đó và đi với nhóm của Hoàng. Cả nhóm với tôi là 5 người, mà xe lại là xe có hai cửa nên người ngồi ở phía trước phải nghiêng ghế cho người ngồi băng sau vào trước, rồi mới ngã ghế vào vị trí ổn định thì mới lái đi được. Từ kinh nghiệm ấy tôi không thích xe hai cửa lắm. Những xe ấy thì thích hợp cho những vợ chồng mới cưới hay bồ bịch thôi, chứ nếu có con thì rất bất tiện. nếu rủi xảy ra tai nạn thì lại nguy hiểm cho người ngồi sau rất nhiều! Nhưng Thành thì lại thích kiểu xe ấy vì nó có vẻ “sport” mà nhiều người trẻ hay ham thích! Đi với nhóm Hoàng khi đến hãng, Hoàng hỏi dùm nhân viên trong đó, họ nói không có việc. Thế là khi mọi người vào trong hãng để làm, thì tôi phải ngồi đợi từ sáng cho đến trưa khi họ ăn trưa thì tôi cũng ăn phía bên ngoài, rồi đợi họ cho tới chiều khi tan hãng thì mới được về nhà. Điều nầy khiến tôi cũng kinh nghiệm một lần cho những lần sau.

Rồi một hôm, Hoàng hỏi tôi: “Hình như lúc trước anh có đi học hàn MIG phải không”? Tôi trả lời có, Hoàng mới nói với tôi là có quen với anh Hòa làm thợ hàn cho một hãng nọ, hãng đó đang cần người để tôi giới thiệu cho anh. Và Hoàng chở tôi đến nhà anh Hòa. Mấy ngày sau tôi theo anh Hòa đến hãng, hãng nhận cho tôi làm ngay ngày đầu trong việc hàn những thùng đựng rác lớn cung cấp cho các tiệm hay các hãng nhỏ. Lúc đầu tôi e ngại việc điện chuyền qua kim loại nên không mạnh dạn tì tay trên các tấm sắt nên mối hàn không được đẹp cho lắm. Sau đó rút kinh nghiệm mối hàn của tôi trở nên nhuyễn và đẹp hơn gần giống với mối hàn của anh Hòa. Trong lúc tôi làm từ bên nầy sang bên kia thì có anh bạn cũng là Việt Nam làm công việc lặt vặt trong hãng, anh lại đến hàn từ phía anh Hòa làm trở đi. Có lẽ anh mới chỉ tập hàn thôi, nên mối hàn trở nên đóng cục. Đang lúc anh lấy máy mài để mài các mối đóng cục ấy thì ông Úc khác đến kêu anh phụ giúp chuyện gì đó; anh nhờ tôi tiếp tục mài cho anh. Và khi đó thì ông chủ hãng đến, nhìn thấy công việc tôi đang làm, ông kêu tôi ngưng và hỏi tôi, tôi bảo của anh kia hàn và anh ấy nhờ tôi mài. Ông chủ hỏi tôi hàn cái nào rồi, tôi chỉ ông nhưng ông không tin, rồi ông dẫn tôi đến tấm bảng. Ông viết lên đó, ông trả cho tôi từ sáng đến giờ mấy tiếng đồng hồ với giá 7 đô, rồi với những mối hàn đó tôi mài phải mấy tiếng nữa như vậy ông bị thất thoát là bao nhiêu tiền. Thế rồi ông không cho tôi hàn nữa, mà chi kêu tôi phụ việc cho những người khác thôi giống như anh bạn Việt Nam kia. Sang ngày hôm sau tôi cũng đi theo anh Hòa một ngày nữa. Không biết anh bạn Việt Nam có còn làm nữa không tôi không thấy, mà tôi đi giúp việc vặt cho những ông thợ khác để làm với lương 5 đô một giờ. Rồi tới xế chiều, ông thợ Úc kêu tôi lấy cái “chisel” tôi không biết là cái gì, khiến ông lắc đầu đành dẫn tôi vào nơi để dụng cụ lấy cái đục để đục sắt. Tôi cảm thấy buồn vì mình không hiểu được nhiều nên không làm được việc cho người khác. Chiều đó tôi gặp ông chủ xin nghỉ, ông kêu nhân viên trả lương cho tôi với mấy giờ làm thợ hàn và bao nhiêu giờ phụ việc, tôi nói tôi sẽ cố gắng học thêm Tiếng Anh để đi làm về sau nầy. Ông chủ vui vẻ, động viên và chúc cho tôi nhiều may mắn trong tương lai! Tính ra hãng tôi làm nầy xa hơn là hãng Holden của Trọng, mặc dù ở cùng khu vực. Nhưng anh Hòa chở tôi thì đi con đường bên ngoài nên vào lúc cao điểm, hãng xưởng, trường học tan ra về nên kẹt xe là chuyện phải gặp. Thời gian di chuyển có khi hơn cả tếng đồng hồ, tôi tính chuyện trả tiền xe cho anh Hòa, nhưng anh không lấy và nói giúp tôi thôi!

Từ lúc đó tôi càng ráng học Anh Văn hơn. Tôi đi mượn băng ở thư viện về nghe, tìm từ ngữ để học nhất là trong quyển “Lexicon” mà anh Hợi đã chỉ cho tôi mua lúc trước. Nhưng đối với người có trí nhớ dở và nói không nhanh nhẹn như tôi thì không đạt được như ước muốn. Dù gì tôi phải cố gắng, tất nhiên là vất vả khá nhiều! Ban đêm cứ mở radio đài Tiếng Anh địa phương mà nghe dù hiểu hay là không hiểu, chỉ cố gắng nghe để phân biệt, khi nghe truyền hình thì tôi chú ý về phần thời tiết vì nó không có nhiều từ ngữ khó, hi vọng là mình bắt được cái nghe tốt hơn từ căn bản ở mục nầy!

Trọng thì vui vẻ với công việc dù phải đi hơi xa, sáng dậy sớm đem thức ăn đi, chiều tan hãng về. Còn Thành thì làm ở hãng gần hơn, vẫn còn ham đi xe đạp; tuy nhiên một hôm thấy có người bị tai nạn nó bắt đầu hơi sợ rồi, nên thỉnh thoảng mới đi xe đạp thôi. Tôi phải chuẩn bị kiếm một chiếc xe cũ để riêng cho mình khi cần đi đây đi đó. Một buổi tối Trọng với chị Yến đi đâu về ngang chỗ nọ thấy có một chiếc xe cũ đề giá 140 đô, Trọng xem thử thấy còn được nên về nói với tôi: “Tao thấy chỗ kia có một chiếc xe Morris nhỏ mầy à, coi cũng còn được để chiều mai đi làm về tao chở mầy lợi đằng đó coi, nếu được mua về chạy đỡ rồi sau nầy mua chiếc khác, tính ra nó còn rẽ hơn chiếc xe đạp của thằng Thành nữa”!

Thế là chiều ngày hôm sau, sau khi đi làm về, tắm rửa xong Trọng vội vã kêu tôi, Thành đi lại chỗ đêm hôm có chiếc xe Morris để bán coi xe còn hay không. Vừa quẹo cua thì chúng tôi đã thấy chiếc xe ở phía đàng xa. Ngừng xe, tôi và Trọng đi đến gần, mở cửa và xem bên trong. Thấy xe cũng còn khá, trong lúc đó thì ông chủ đi ra, Trọng hỏi chuyện ông, ông là một ông Úc già, dáng còn khỏe mạnh, vui vẻ. Sau những câu xã giao, chúng tôi xin ông coi xe, nổ máy và chạy thử. Chạy một hồi trong khu vực của ông là một khu hãng xưởng, nên về chiều không có nhiều xe, vì thế việc thử tương đối dễ dàng. Tôi không cần chạy với vận tốc cao vì xe cũ với giá đó thì tạm gọi là để có xài là quý rồi, còn về sau sẽ tính sau; chỉ có một điều là khi bắt đầu đề nổ máy thì máy hơi run lắc một chút, chứ khi máy chạy thì không có gì phải quan ngại, thuế đường thì hãy còn mới, có lẽ ông chủ đóng thuế 3 tháng rồi mới đề bán. Chung lại máy xe vẫn còn tốt, các bánh xe có thể đi được khoảng một năm nữa mới thay. Trọng hỏi ông chủ có thể bớt không chút nào không vì tôi (Trọng chỉ tôi) mới tới Úc vài tháng thôi. Sau khi suy nghĩ ông nói: “Thôi thì tao bán cho nó 120 đô đó, OK”. Trọng quay lại nói với tôi: “120 tao thấy được à mầy, thôi lấy đi”, tôi thấy giá ấy cũng là được, tôi đồng ý. Vậy là tôi đã có một chiếc xe đầu đời nơi xứ lạ quê người! Lái chiếc xe về nhà để ở phía sau sân cỏ, ngày mai tôi phải đi làm thủ tục đăng bộ, sang tên. Chủ nhà ở phía sau thấy tôi có chiếc xe mới, ông sang chơi hỏi tôi mua xe bao nhiêu, nghe xong ông cười. Trọng hỏi ông vì sao khi đề máy thì máy xe lại run lắc, ông là thợ máy nên ông giải đáp và chỉ cho chúng tôi thấy mấy cục cao su của chân máy bị nhão nên nó không giữ máy chắc chắn khi mới đề nổ; nhưng sau đó thì máy nổ đều nó không còn run lắc nữa. Ông chủ nhà nói cái đó không quan trọng lắm, không thay cũng không sao, nếu muốn thay thì về sau ông sẽ thay cho, cũng khá tốn tiền đó vì công mắc hơn mua đồ phụ tùng. Khi tôi mua được chiếc xe thì Thành cũng thường lấy xe đi làm thay vì đi xe đạp như lúc trước, vì có một lần nó thấy người đi xe đạp bị tai nạn dọc đường, nó thấy nguy hiểm nên không còn ham đi xe đạp nữa. Thế là Trọng, Thành đã ổn định cuộc sống, còn tôi phải tiến thêm một bước nữa mới đủ điều kiện cho chính mình!

 

Nguyên Thảo,

21/08/2020.

 

 

 


*Nghĩ Về Một Ông Tổng Thống!


Viết chuyện nầy, tôi nghĩ rằng tôi có đi quá sự hiểu biết của mình chăng? Và tôi có trở nên lố bịch không? Nhưng rồi tôi lại nghĩ mình chỉ là viết về “chuyện tào lao” thì không phải để đúng, mà chỉ là để nêu lên vài nhận xét riêng hay là để “vui” cùng độc giả, thì chuyện chính xác đâu là chuyện cần thiết. Thôi thì độc giả đã chấp nhận ngày “Cá Tháng Tư” thì chắc cũng không màng đến chuyện tôi viết bài nầy! Như vậy thì cứ xin độc giả thông cảm xem bài nầy như là tôi viết lên cái suy nghĩ ngộ nghĩnh của tôi và đừng quan tâm về nó khi tôi viết những “nhận xét” riệng về một ông Tổng Thống đình đám, nhiều vấn đề xảy ra với ông trên Thế Giới: Đó là chuyện của Tổng Thống xứ Cờ Hoa: "Donald Trump"!

Thú thật với độc giả tôi ít khi chú tâm về chính trị ngay cả trên chính trường của nước Úc là nơi đã cho tôi cùng gia đình được một cuộc sống an thân, một quê hương thứ hai khi tôi phải từ bỏ “quê hương ruồng bỏ” thân phận của mình từ những người chiến thắng, dù những người chiến thắng luôn hô hào “đứng về phía nhân dân, vì dân, sẽ làm cho nhân dân sung sướng, tự do và hạnh phúc; nước giàu dân mạnh”! Kể từ những thời gian đầu sau khi hòa bình tôi cũng như mọi người dân sung sướng, vui mừng vì đất nước không còn chiến tranh, sẽ được êm ấm làm ăn, ai cũng sốt sắng chuẩn bị để xây dựng lại cuộc sống và góp phần cho đất nước. Nhưng cuộc thế dần dần khác xưa, những tổ chức mới được thành hình tạo cho cuộc sống càng ngày càng khó khăn hơn, người dân bị lao vào chính trị cùng những tổ chức thành hình khuôn khổ “đào tạo theo kiểu con người mới” khiến ai cũng giống ai, cùng một suy nghĩ hay hành động, khác hơn sẽ gặp nhiều khó khăn cho chính mình lẫn gia đình, nhất là sẽ ảnh hưởng cho con cháu về sau nầy. Thế là mọi người gần như “yên lặng” để tuân hành, thích thì làm, không thì thôi, không phải chống đối. Từ đó người ta chẳng hề quan tâm đến tuyên truyền, giáo dục lẫn chính sách nữa mà chỉ nghĩ đến lo cho cuộc sống, "chuyện nhà nước cứ để nhà nước lo" vì có lo cũng chẳng thay đổi được gì. Tôi cũng vậy và không hề quan tâm đến chính trị nữa.

Đến khi có cơ hội ra ngoài và bảo lãnh được gia đình sum họp xem như là mục đích của tôi đã hoàn thành trách nhiệm đối với tương lai của các con tôi, tôi không còn thấy cái “trách nhiệm nặng nề” đè lên suy nghĩ của mình nữa. Mỗi lần bầu cử, tôi và vợ cứ bỏ phiếu cho Đảng Lao Động xem như là trả nợ “ân tình” với họ do nơi tôi được đến Úc trong thời kỳ của Đảng Lao Động cầm quyền, còn con cái thích ai thì chúng bỏ theo ý của chúng. Tôi chẳng quan tâm nhiều đến Đảng nào lãnh đạo. Tuy nhiên qua nhiều năm tìm hiểu và nhận xét thì tôi lại nghĩ: Ai đã tạo nên nền chính trị của Úc và những chính sách của nó, nhất là chế độ về An Sinh Xã Hội nhỉ? Tại sao chúng được thực hiện giống như là những gì mà trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa của người Cộng Sản mơ ước, mà người dân vẫn luôn được Tự Do và chính quyền không phải dùng đến “bạo lực cách mạng” trấn áp. Xã Hội như thế nầy có lẽ còn lâu lắm người Cộng Sản vẫn chưa thể thực hiện được! Lý tưởng mãi là lý tưởng, trong khi người ta đã thực hiện được lý tưởng đó từ lâu! Tuy nhiên, chế độ nầy, theo như ý của nhiều người, còn phải điều chỉnh lại giữa sự đóng thuế của người đi làm và những người lạm dụng sự ưu đãi của xã hội, không khéo nó sẽ trở lại giống như sự tách ra khỏi “thời kỳ cộng sản nguyên thủy” để tiến sang “thời kỳ tư hữu” của những thời sơ khai! Nếu không, xã hội ấy vẫn còn sự bất công giữa người “đóng thuế” và “những người hưởng lợi từ thuế của người khác”!

Viết thêm chút để quý độc giả xem chơi, chứ bây giờ tôi lại thương Ông Trump nhiều lắm! Giả sử ông yên phận với cuộc sống giàu sang, danh vọng ở trên Tháp Trump của ông thì ông quá an nhàn hưởng thụ mọi cái gì ông thích khi ông là Tỷ phú, với cơ sở đem đến lợi tức cho ông hàng trăm triệu hay bạc tỷ hàng năm. Ông đâu có thiếu thốn thứ gì: Tiền có, danh vọng đã có, ông chẳng là “Ngôi sao truyền hình” đó sao? Thì có cần gì mà ông phải nhảy ra ứng cử Tổng Thống xứ Hoa Kỳ làm gì cho cực nhọc!

Ngày mà tôi xem tin tức trên truyền hình thấy truyền hình chiếu cả mười mấy ứng cử viên trong Đảng Cộng Hòa cùng nhau trình diện và tranh luận để tranh phần được Đảng đề cử làm Ứng Viên Tổng Thống của Đảng, tôi thấy cũng vui. Lúc ấy họ đứng trên sân khấu, ỏm tỏi cùng nhau khiến tôi lại nghĩ đến các vai trò trong một tuồng hát. Với Ông Trump thuở đó, tôi chẳng biết gì về ông chỉ thấy là “sức nói” của ông rất mạnh, tranh luận rộn ràng, đôi khi trấn áp được đối phương. Dần dần qua các cuộc tranh luận khác ông đánh bại từng ứng viên gạo cội có thành tích chính trị nhiều năm trên chính trường xứ Mỹ. Từ đó tôi mới để ý đến nét “cao bồi” của ông, đôi khi nét mặt ông thể hiện giống như một “chú hề” giúp vui cho thiên hạ; rồi lại thêm bộ tóc màu vàng chải ngược, lông mi vàng khiến tôi lại nghĩ đến nhân vật “Kim Mao Sư Vương” của nhà văn kiếm hiệp Kim Dung.

Đến ngày ông được chính thức đề cử Đại diện cho Đảng Cộng Hòa ứng cử Tổng Thống thì ông phải đấu với bà Hillary Clinton một Cựu Đệ Nhất Phu Nhân, và cũng là một Cựu Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao lừng lẫy trong thời Tổng Thống Barack Obama. Lúc ấy tôi mới thấy được chút ít bản lãnh của Ông, và hiểu rằng vì sao ông đã là Tỷ Phú. Ông đi ra tranh cử chỉ với tiêu đề “Làm Cho Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại” và “Nước Mỹ Trước Tiên”. Nhưng theo thế và thời cuộc người ta cũng như tôi nghĩ rằng Ông Trump khó mà thắng được Bà Hillary Clinton vì Bà Hillary thật là sáng giá trong cuộc đua ấy mà ông Trump thỉnh thoảng lại vướng vào vài vụ “trouble”!

Thế nhưng, không nhiều ngày trước cuộc bầu cử thì vụ “Email” của Bà Hillary Clinton bùng phát mạnh mẽ trở lại khiến tình hình khác biệt ngó thấy. Kết quả là Ông Trump đã thắng một cách bất ngờ! Tôi không đoán được Ông Trump đã có thuật gì để chiến thắng hay là do sự tình cờ. Mộng làm Nữ Tổng Thống đầu tiên xứ Mỹ của Bà Hillary Clinton trở thành mây khói!

Sau khi Ông Trump nhậm chức Tổng Thống tôi mới nhớ lại vài vấn đề nhất là câu nói của Ông về những khu kỹ nghệ của Hoa Kỳ phải đóng cửa, xúm nhau di dời qua Trung Quốc: “Nhìn vào những khu kỹ nghệ đóng cửa im lìm như những nghĩa địa”. Đó là cái ý, nhận xét chân thật về tình trạng đó vì năm 2001 tôi có dịp đặt chân lên xứ Mỹ, anh bạn tôi có một xưởng nhỏ trong khu kỹ nghệ ở Nam Cali, anh dẫn tôi vào tôi cũng thấy nó vắng lặng im lìm. Điều đó chắc không phải ở Mỹ không thôi, vì vào những năm đầu 1990 khi tôi làm công trong hãng may đã thấy hàng Trung Quốc qua nhiều khiến ngành may ở Úc bị điêu đứng do giá cả rẽ. Rồi những năm sau đó các hãng xưởng khác dần di dời qua Trung Quốc để sinh tồn, khiến khu kỹ nghệ không còn náo nhiệt như xưa. Ở Melbourne, Sydney dân Việt phải chuyển nghề rất nhiều. Đối với Ông Trump là một nhà kinh tế ông mới để ý đến điều đó, còn các đời Tổng Thống khác họ chẳng quan tâm. Nếu họ quan tâm thì đâu đến đỗi tệ hại như sau nầy!

Lại một hôm tôi xem trên truyền hình, người ta nói về Ông Trump và chiếu lại cuộc phỏng vấn của Bà Oprah Winfrey, trong đó Oprah hỏi Ông Trump có dự định sau nầy ông ra ứng cử Tổng Thống không? Hình như Ông trả lời “Chưa tính, nhưng khi nào cần thiết ông sẽ ra”. Hai điều ấy khiến tôi có cái nhìn tích cực về ông! Và rồi tôi lại để ý trong bài diễn văn nhậm chức của ông, ông đã có ý: “…Tuy nhiên, buổi lễ ngày hôm nay có ý nghĩa rất đặc biệt, bởi vì hôm nay chúng ta không chỉ đơn thuần chuyển giao quyền lực từ một chính quyền chính quyền sang chính quyền khác, hay từ một Đảng nầy sang một Đảng khác, chúng ta đang chuyển giao quyền lực từ Washington DC và đưa nó trở lại với các bạn, người dân của chúng ta. Từ lâu một nhóm nhỏ ở Thủ Đô đã thu lợi từ chính phủ trong khi người dân phải chịu thiệt, Washington đã phát triển mạnh mẽ, nhưng người dân không được hưởng lợi chung sự giàu có đó. Các chính trị gia ngày càng thành công phát đạt, nhưng việc làm lại ra đi. Các nhà máy thì đóng cửa, tầng lớp lãnh đạo, bảo vệ chính họ chứ không phải người dân. Chiến thắng của họ không phải là chiến thắng của các bạn. Trong khi họ sung sướng ăn mừng tại Thủ Đô, thì những gia đình đang gặp khó khăn trên khắp đất nước, không có điều gì để vui mừng. Tất cả điều đó sẽ thay đổi ngay tại đây và ngay bây giờ, bởi vì thời điểm nầy là thời điểm của các bạn, nó thuộc về các bạn, nó thuộc về tất cả mọi người chung ở đây hôm nay và những ai đang theo dõi trên khắp đất nước Mỹ. Hôm nay là ngày của các bạn. Đây là đại tiệc của các bạn và đây Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ là đất nước của các bạn. Vấn đề thực sự không phải là Đảng nào kiểm soát chính quyền, mà là chính phủ của chúng ta có được người dân kiểm soát hay không. Ngày 20 tháng 1 năm 2017 sẽ được nhớ đến như là ngày người dân trở lại thành những người cai quản đất nước nầy, những người đàn ông, phụ nữ bị lãng quên của đất nước sẽ không còn bị quên lãng nữa…” (Trích từ bài dịch trên Internet). Những điều tôi chứng kiến, nhận được đó khiến tôi lại suy nghĩ về ông nhiều, và có những điều suy nghĩ khác về một “Con người kỳ lạ” ấy!

Rồi trong thời gian ngắn, ông đã thực hiện từng bước những điều ông đã hứa trong lúc bầu cử, người ta bảo lúc tranh cử ông nói đến chuyện “xây bức tường biên giới phía Nam và bắt Mexico phải trả”, người ta bảo ông nói “khoác”, châm chích ông; nhưng tôi lại thấy ông đã đánh thuế lên hàng hóa Mexico có lẽ còn hơn chi phí đó, thế mà người ta không nghĩ đến. Đối với tôi, ông là người kỳ lạ một nửa giống như cao bồi, dám nghĩ dám làm, dám nói; nhưng một nửa khác ông lại rất trầm tĩnh. Ông là một Tỷ Phú cho nên ông không cần lấy tiền lương của một Tổng Thống, như vậy ông ra tranh cử và thắng cử Tổng Thống để làm gì? Tôi suy nghĩ nhiều vể điều ấy, cuối cùng tôi kiểm chứng lại các điều tôi đã thấy trên truyền hình thì ông không ra ngoài “Tấm lòng yêu nước và muốn xây dựng lại uy thế của nước Mỹ đã mất đi trong nhiều đời Tổng Thống trước, do họ không hiểu về chế độ Cộng Sản Trung Quốc, nên đã bị Trung Quốc “qua mặt”, gian xảo trong việc đánh cắp trí tuệ, ngoại giao, kinh tế, tình báo, mọi thứ của Hoa Kỳ lẫn các nước Tây Phương nhằm trang bị cho chính họ hầu đánh bại mọi nước để có thể thống lĩnh Thế Giới, Thế Giới nầy phải quy phục vào Một Đế Quốc Toàn Cầu: Trung Hoa Vĩ Đại theo chủ thuyết Khổng Tử về một Thế Giới Đại Đồng”. Ông là vị Tổng Thống thứ nhì nước Mỹ không cần lương sau Tổng Thống Herbert Hoover (1929-1933)

Ông Trump với cái nhìn của một nhà làm Kinh Tế đã giải quyết các vấn đề theo kinh tế. Ông đòi hỏi một sự công bình về kinh tế bằng áp thuế hay thay đổi những sự mất cân bằng giữa các giao dịch mà như chúng ta đã thấy và theo dõi. Nhưng cuộc đời cũng không có gì là suông sẽ, có khi từ những kẻ thù hay những người ganh tị từ trong nội bộ, hay những kẻ “muốn phá cho hôi” vì họ không làm được như những gì ông đã làm. Họ có thể “phá hoại, phá đám, gây rối, tạo tình cảnh rối loạn…” để phá ông vì những ích kỷ, âm mưu, cộng thêm ngay thời dịch bệnh Corona Virus phát xuất từ Vũ Hán tự bên Tàu; lại nữa, với cái chết tình cờ của người da đen “George Floyd” khiến Ông phải nhiều “ứng phó khó khăn”, không những cho chính ông mà cả trên thế giới nữa!

Có điều tôi thích nhất với Ông Trump là về những bài nói chuyện của ông, chúng không phải là những vọng động, bất đồng như cái cách ông thường phát ngôn, hay hành động mà người ta coi là thất thường; mà những bài đó lại là sự trầm tỉnh, sâu sắc, chân thật, chính xác khá nhiều khiến cho người nghe đôi khi phải cảm động và cảm phục. Ông nói về Chủ Nghĩa Xã Hội, ông dẫn chứng về chuyện Vi Khuẩn Vũ Hán, ông đề cập đến Trung Cộng lợi dụng sự tin tưởng, dễ dãi của Hoa Kỳ, khối Tây Phương để đưa người len vào các quốc gia nầy vừa lũng đoạn, vừa đánh cắp mọi thứ từ Kỹ thuật, trí tuệ, kinh tế, chất xám…, vừa thực hiện mưu đồ “Tình Báo” mà Chính quyền các nước không hề ngờ tới. Ông cũng không quên nhắc đến Trung Cộng dùng sức mạnh của mình để “áp bức”, hay áp chế các quốc gia nhỏ, yếu thế chung quanh để thực hiện mưu đồ “Lấn dần để mở rộng quyền lực nhằm tóm thâu khu vực, rồi phát triển ra Thế giới” để thực hiện mộng “Làm Bá Chủ Thiên Hạ” của “Trung Hoa Mộng” sau khi triệt hạ được Hoa Kỳ cùng Âu Châu với thái độ trịch thượng, quan thầy cùng ngạo mạn ở khắp nơi nơi!

 Đối với tôi, ông không chỉ là một Nhà Kinh Tế Giỏi, Một Người Có Lòng Yêu Nước Sâu Sắc, mà lại là Một Lãnh Đạo Có Bản Lĩnh, Có Tầm Nhìn cùng Biết Cách Giải Quyết. Đó chỉ là ý của riêng tôi, còn Quý Vị ra sao thì tôi không biết!

Tôi chỉ là một công dân ngoài nước Mỹ, nhưng tôi cũng nhìn thấy những sự cống hiến “tận tình” của ông cho Tổ Quốc; rồi tôi lại nghĩ về một đất nước nghèo nhỏ bé, khốn khổ của tôi để rồì tôi lại mơ ước: “Phải chi đất nước mình có những người tài trí biết lãnh đạo và có kiến thức về “Kinh tế” thì đất nước mình đâu có nghèo, lạc hậu, thua kém người ta đến thế vì “Kinh Tế” là viết tắt của câu “Kinh bang, Tế thế” ấy mà!

 

Đồ Ngông,

02/10/2020.